Trước ngưỡng cửa cuộc tông du của Đức Thánh Cha tại Iraq

28/02/2021

Chỉ còn 5 ngày nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường viếng thăm nước Iraq từ ngày 5 đến 8/3 tới đây. Trong những ngày qua và sắp tới đây, qua các phương tiện truyền thông, dư luận thế giới chú ý tới tình trạng khó khăn của đất nước và Giáo Hội tại Iraq mà Đức Thánh Cha đến thăm với hy vọng mang lại một sứ điệp hy vọng và hòa bình.

 Đây sẽ là chuyến tông du thứ 33 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nước ngoài và là chuyến đầu tiên kể từ 15 tháng qua, tức là từ tháng 11 năm 2019. Trọn năm 2020, vì đại dịch Covid-19, ngài phải hủy bỏ tất cả các dự án tông du, và năm 2021 này, ngoài chuyến đi Iraq, chưa có dự án viếng thăm nào được lên chương trình, cũng vì đại dịch vẫn còn hoành hành tại nhiều nơi.

 Trong bối cảnh trên đây, cuộc tông du của Đức Thánh Cha tại Iraq được dư luận các nơi đặc biệt chú ý, vì quốc gia này vẫn còn bị đe dọa với những cuộc pháo kích, khủng bố tự sát và đại dịch vẫn còn ở mức độ cao đến độ ngày 15/2 vừa qua, chính quyền Iraq đã phải ban hành các biện pháp giới nghiêm trên toàn quốc từ 18/2 cho đến ngày 8/3 tức là ngày Đức Thánh Cha rời khỏi Iraq.

 Vài nét về Iraq

 Iraq, với diện tích gần 440 ngàn cây số vuông, rộng gấp rưỡi Việt Nam, và dân số khoảng 37 triệu người, là nước đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dầu hỏa, nhưng từ năm 2003, sau khi bịa ra cớ nhà độc tài Saddam Hussein có vũ khí tàn sát tập thể, Hoa Kỳ đã liên minh với 28 quốc gia khác, đánh đuổi Saddam trong vòng 20 ngày và áp đặt một chế độ mới. Nhưng nước này từ đó luôn ở trong tình trạng bất an về an ninh, chính trị, kinh tế suy sụp. Khoảng 2 triệu người phải tị nạn hoặc xuất cư. Tuy lợi tức dầu hỏa mỗi tháng vào khoảng 6 tỷ đô la, nhưng nay nhiều người dân Iraq sống trong lầm than, nạn tham nhũng trong guồng máy chính quyền lên cao độ.

 Trên lãnh thổ Iraq hiện nay còn khoảng 6.000 binh sĩ Hoa Kỳ và 4.000 thuộc các nước tây phương khác, nhưng các lực lượng này đang dần dần rút lui. Ngoài ra có khoảng 140.000 người thuộc các đơn vị dân quân di động, gọi là Hashdal-Shaabi, thân Iran.

 Mỹ và các nước Tây phương tỏ ra ít quan tâm hơn tới Iraq, nên Trung Quốc đang tiến vào thị trường nước này. Hồi tháng 9 năm 2019, chính phủ Iraq bất ngờ tuyên bố gia nhập dự án gọi là ”Belt and Road”, hay cũng gọi là ”Con đường tơ lụa mới”, một dự án phát triển kinh tế và thương mại của Trung Quốc do chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng. Cụ thể đó là một chiến lược phát triển dài hạn các cơ cấu hạ tầng về giao thông hàng hải và trên mặt đất giữa Á, Âu, Trung Đông và Phi châu, nhắm tăng cường các quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước trong vùng địa lý vừa nói. Theo Hiệp định giữa Trung Quốc và Iraq, Trung Quốc giúp tái thiết hạ tầng cơ sở của Iraq, đổi lại 100 ngàn thùng dầu hỏa mỗi ngày Iraq cung cấp cho Trung Quốc.

 Sắc dân và tôn giáo tại Iraq

 37 triệu dân Iraq được chia làm 3 nhóm dân và tôn giáo chính: 60% là người Arập theo Hồi giáo Shiite, từ 15 đến 20% là Arập Sunni, và người Kurdes chiếm từ 15 đến 20% phần lớn theo Hồi giáo Sunni. Vì thế 99% dân Iraq là tín hữu Hồi giáo, và số Kitô hữu tại nước này, trước chiến tranh năm 2003, có 1 triệu 500 ngàn người, trong đó đông nhất là Công Giáo Canđê, Công Giáo Siriac và Armeni, ngoài ra có Giáo Hội Chính Thống Assiri, Chính Thống Siriac. Hiện nay, Kitô hữu Iraq chỉ còn lại khoảng 300.000 người, tức là chưa tới 1% dân số Iraq.

 Ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

 Trong bối cảnh trên đây, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong những ngày tới đây tại Iraq có ý nghĩa gì? Giáo Hội và nhân dân Iraq hy vọng gì nơi cuộc viếng thăm này? Không thiếu những người, qua các mạng xã hội, đặt câu hỏi và có những người phê bình dự án viếng thăm này.

 Trong 1 thông cáo công bố ngày 15/2 vừa qua, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Canđê, trả lời rằng “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Iraq có tính cách lịch sử và đặc biệt, xét về hoàn cảnh Iraq và các nước trong vùng đang trải qua. Chúng tôi coi cuộc viếng thăm này là một phúc lành. Chúng tôi hy vọng nó có tiếng vang hòa giải và đoàn kết để mưu thiện ích cho Iraq”.

 Đức Hồng Y Sako cũng giải thích rằng: “Đức Giáo Hoàng không thể viếng thăm tất cả các thành thị Kitô và tất cả các đền thánh, nhưng ngài sẽ đến những nơi chính như thủ đô Baghdad, thành Erbil thủ phủ miền Kurdistan, thành thánh Najaf của Hồi giáo, miền Ur quê hương tổ phụ Abraham, thành Mossul, thị trấn Qaraqosh thuộc vùng bình nguyên Ninive nơi có đông đảo Kitô hữu sinh sống. Nhiệm vụ của Đức Thánh Cha không phải là hồi hương các Kitô hữu đã xuất cư ra nước ngoài hoặc khôi phục tài sản của họ đã bị chiếm đoạt. Điều đó là trách nhiệm của chính quyền Iraq, được kêu gọi kiến tạo những điều kiện thích hợp để những người xuất cư hồi hương”.

 Đức Thượng Phụ Sako cũng nói rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đến để giải quyết tất cả các vấn đề, nhưng đúng hơn để bày tỏ tình liên đới và ở cạnh người Iraq. Ngài sẽ mang những sứ điệp tình thương, huynh đệ, hòa giải, bao dung, hòa bình, tôn trọng sự sống, sự khác biệt và đa nguyên”. Đức Hồng Y không quên kêu gọi những người phê bình cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng qua các mạng xã hội hãy tỏ ra tích cực và ủng hộ tất cả những gì có thể làm cho cuộc viếng thăm này được thành công. “Chính phủ Iraq biết ơn vì cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng và đề ra tất cả những biện pháp cần thiết để làm cho cuộc viếng thăm mang tính cách lịch sử, xứng đáng với Iraq và người dân nước này”.

 Thoáng nhìn chương trình viếng thăm

 Về chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha, có sự quân bình giữa các cuộc gặp gỡ chính quyền, các thành phần xã hội, các vị lãnh đạo tôn giáo bạn và cộng đồng Kitô tại Iraq, một khuôn khổ thường thấy trong các cuộc viếng thăm tại nước ngoài.

 Thứ Sáu ngày 5/3, sau khi vượt qua hơn 4.000 cây số từ Roma, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Baghdad vào ban chiều cùng ngày, và sau nghi thức tiếp đón chính thức tại phủ tổng thống, ngài gặp tổng thống, chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tiếp theo đó là cuộc gặp gỡ các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh, giáo lý viên tại Nhà thờ Chính Tòa “Đức Mẹ ơn cứu độ” của Công Giáo Siriac tại thủ đô Baghdad, nơi hàng chục tín hữu thuộc Giáo Hội này đã bị sát hại trong một cuộc khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan.

 Sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 6/3, Đức Thánh Cha gặp đại Giáo trưởng al Sistani, 91 tuổi, lãnh tụ Hồi giáo Shiite, ở thành thánh Najaf, một biến cố được coi là có ảnh hưởng rất lớn đối với đại đa số tín hữu Hồi giáo tại nước này. Tiếp đến Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ liên tôn tại cánh đồng Ur, quê hương của Tổ Phụ Abraham. Ban chiều ngài trở về thủ đô Baghdad để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

 Đức Thánh Cha dành ngày Chúa Nhật ngày 7/3 cho cộng đoàn Công Giáo tại vùng bình nguyên Ninive vào ban sáng và Thánh lễ ban chiều tại sân vận động thành phố Erbil thủ phủ miền Kurdistan. Dự kiến sẽ có tối đa 10.000 tín hữu tham dự trong số 50.000 chỗ ngồi theo sức chứa của sân và các vị hữu trách đề ra tất cả các biện pháp cần thiết để tránh lan lây virus corona.

 Tất cả các hoạt động trên đây của Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm nhắm cổ võ mọi người đạt tới lý tưởng như khẩu hiệu chuyến viếng thăm của ngài: “Tất cả các con là anh chị em với nhau” và hình con chim bồ câu màu trắng ngậm cành ôliu, tượng trưng hòa bình cho dân nước Iraq, chấm dứt các xung đột và chiến tranh.”

Giuse Trần Đức Anh, OP

Nguồn: Đài Vatican