Caritas Huế – Ban HIV và “Những Người Bạn” tại Phú Lộc

27/01/2019

Một trong những hoạt động đầu năm 2019 của ban HIV thuộc Caritas Huế là “Hành trình tiến về Phú Lộc” .

Từ 05g00 sáng Chúa Nhật 20.01.2019, chúng tôi khởi hành từ Huế về Giáo xứ Cầu Hai, phía Nam của Giáo phận nhà. Tại đây đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ với bà con trong giáo xứ. Sau Thánh lễ, vào lúc 08g00, mọi người chuyện trò và bắt đầu cuộc truyền thông “Mở lòng để không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” cho 38 bà mẹ.

Với những câu hát và trò chơi sinh động, Nữ tu Maria Trà Thị Ảnh đã làm cho không khí buổi chia sẻ thêm sinh động và vui nhộn. Tiếp đến là giây phút lắng động tâm hồn, mọi người tham dự cùng sốt sắng nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Sau phần giới thiệu của anh Giuse Nguyễn Văn Hoàng, Nữ tu Trà Ảnh bắt đầu trình bày cho bà con về HIV: những đường lây và không lây; tin vui khi điều trị thuốc ARV; sự kỳ thị – phân biệt đối xử và tác hại của nó. Những câu chuyện có thật của những Người Bạn đau khổ vì đại dịch HIV: gia đình ly tán, con cái nheo nhóc, những người vợ bơ vơ không còn chỗ dựa, sự lạc lõng giữa dòng đời … làm cho bà con hiểu hơn về “những Người Bạn”, những con người dễ bị tổn thương. Với phần thảo luận “Chúng ta cần làm gì để phá vỡ rào cản kỳ thị  – phân biệt đối xử ”? Bà con phấn khích đưa ra ý kiến của mình. Tất cả đều muốn nói rằng: Chúng ta cần yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ, quan tâm, khích lệ những người bị nhiễm để họ có cơ hội công khai và điều trị hơn là tỏ thái độ thờ ơ, khinh bỉ, khiến họ ngại ngùng, che dấu, để rồi vô tình chính chúng ta lại là nguyên cớ cho vấn đề HIV được duy trì và lây nhiễm. Sau đó, với những hình ảnh gần gũi và thực tế, cùng với những trò chơi đã giúp mọi người tham dự có dịp ôn lại những kiến thức vừa trình bày. Bà con cảm thấy vui vì có một kiến thức mới và hiểu hơn về những người có H. Hơn thế, mỗi người đều thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ anh chị em mình.

Vừa kết thúc cuộc truyền thông, một bà mẹ đã chạy đến bên chúng tôi và nói: “Cám ơn Nữ tu và các anh chị đã đến giúp cho chúng em hiểu về HIV và cần có thái độ nào đối với những người nhiễm, từ nào đến giờ, chúng em chưa được nghe nói đến như thế này.”  Chính câu nói của chị làm cho chúng tôi muốn ra đi đến vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những vùng có “những người bạn” đang sinh sống để giúp bà con hiểu hơn về HIV và nâng đỡ những người có H. Chúng tôi cám ơn Cha Quản xứ, các ban ngành trong giáo xứ đã tạo điều kiện cho chúng tôi đến truyền thông. Cám ơn các bà mẹ đã lắng nghe chúng tôi trình bày.

Rời khỏi Cầu Hai, chúng tôi tiến về Lăng Cô thăm những anh chị có H, ở đây quý anh chị chưa dám nói ra cơn bệnh của mình vì sợ bà con kỳ thị, phân biệt đối xử, hơn nữa, càng khó khăn hơn cho công việc làm ăn của anh chị, nếu người ta biết đến!

Cơm trưa xong, chúng tôi đến thăm một “số Người Bạn” ở Cảnh Dương. Đời sống của họ rất khó khăn. Họ âm thầm chịu đựng cơn bệnh không dám hé một lời, vì sự kỳ thị chung quanh. Chúng tôi ghé thăm nhà anh Tám, một mình nuôi ba đứa con. Vợ đã mất cách đây 7 năm vì nhiễm H. Anh đang sửa lại ngôi nhà đón Tết. Anh vui vì chúng tôi đến. Anh  mong ước có một công viêc ổn định hơn để nuôi con. Nhìn gia đình anh, chúng tôi nghĩ về tương lai của những đứa con. Nếu kinh tế gia đình không ổn định thì việc học hành của những đứa trẻ này như thế nào? Làm sao có thể giúp những đứa trẻ này thoát được vòng lẫn quẩn của cuộc đời?

Trên đường về, tôi cứ miên man suy nghĩ về những việc mình phải làm cho những “Người Bạn” và con cái của họ. Làm sao giáo dục chúng thành người tốt, sống tích cực và có ích cho đời. Tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ cần sự trợ giúp bởi ân sủng Chúa và sự mở lòng quảng đại của quý Ân nhân.

Chúng tôi trở về điểm xuất phát lúc 16g30, một hành trình mang bao thao thức cho những con người dễ bị tổn thương. Chúng tôi cần ra đi theo lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Hãy đi đến những vùng ngoại biên…nơi ấy chúng tôi sẽ nhận thấy khuôn mặt của Đức Giêsu nơi những người bất hạnh, khổ đau. Chúng tôi như thầm bảo nhau rằng: mình sẽ đồng hành cùng anh chị và các em trong hành trình muôn màu, muôn sắc của cuộc đời này.

Văn phòng Caritas Huế