Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2024 – Bổn mạng Hội Đồng Giáo Xứ TGP Huế

21/11/2024

Vinh dự là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, sáng ngày 18.11.2024, có 1.107 thành viên Hội đồng Giáo xứ của 96 Giáo xứ thuộc TGP Huế đã tựu về sân nhà thờ rộng và thoáng của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để tham dự ngày Lễ Bổn Mạng của mình. Lúc này, cũng đã có nhiều Cha quản xứ cùng hiện diện và đồng hành.

Bầu khí sinh động và rộn rã ngay từ những giây phút đầu tiên. Ban Tiếp tân niềm nở đón tiếp, và gửi đến mỗi tham dự viên tập tài liệu gồm 8 trang màu. Đây và đó, kia và đằng xa, hình thành tự phát các cụm quý chức, họ vồn vã nhận ra nhau, thăm chào nhau.

Trước 08g00, mọi người đã ổn định vị trí của mình trong ngôi thánh đường. Anh Gioakim Nguyễn Văn Thịnh, người dẫn chương trình, giúp cộng đoàn cùng hát với nhau những bài ca sinh hoạt.

Đúng 08g00, Cha Augustinô Lê Quý Phi xuất hiện với cây đàn guitare cầm tay, có các bạn trẻ phụ diễn. Cha giúp chào mừng nhau bằng những ca khúc trẻ: “Yêu bằng tình loài người”, “Hành trang người trẻ”…

Từ 08g15 đến 09g10, là thời gian để Cha Antôn Nguyễn Văn Thăng đặc trách Hội đồng Giáo xứ TGP Huế bước lên diễn đàn. Cha chính thức ngỏ lời chào mừng quý Cha và quý Chức, tuyên bố khai mạc ngày Bổn Mạng Hội đồng Giáo xứ năm 2024. Kết lời, Cha nói Giáo phận luôn biết ơn quý chức việc, đang đương nhiệm hay đã thôi vì cao niên, đã quảng đại cộng tác với các Cha sở. Và Cha mời gọi cộng đoàn dành phút mặc niệm tưởng nhớ các chức Hội đồng Giáo xứ đã qua đời.

Tiếp theo, cũng chính Cha thuyết trình đề tài “Huế – Kinh Thành Tử Đạo”.

Vào nhập đề, Cha giúp cử toạ nắm phần tổng quan về ơn trung tín tử đạo. Rồi Cha khẳng định: “Chết cho Chúa, không tự sức người, mà do sức Chúa”.

Vào thân bài, Cha đưa ra nguyên tắc: Muốn biết sử đạo, cần nắm rõ sử đời. Vì sự kiện diễn ra cùng chung dòng chảy là thời gian.

Theo sử của Giáo Hội Việt Nam, năm 1533, là mốc thời gian Tin Mừng Đạo Chúa khởi sự hiện hữu trên quê hương Việt Nam, thì năm 1558, chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) gầy dựng cơ đồ triều Nguyễn, lập Dinh ở Ái Tử. Triều Nguyễn trải dài suốt 400 năm, qua 9 đời chúa và 13 đời vua. Vị vua thứ 13, là vua Bảo Đại thoái vị vào tháng 9/1945, kết thúc triều Nguyễn. Theo dòng thời gian 400 năm, thủ phủ lần lượt được chuyển dời từ Dinh Ái Tử, ra Trà Bát, rồi Dinh Cát, vào Phước Yên, rồi Kim Long, và sau cùng là Kinh đô Huế ngày nay.

400 năm Nhà Nguyễn, có Nhà Tây Sơn chen vào 13 năm (1788-1801). Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ (1788-1792), và vua Cảnh Thịnh – Nguyễn Quang Toản (1792-1801). Thời vua Cảnh Thịnh có 2 sự kiện đáng nhớ, đó là Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm 1798, và ngày 17.9.1798, linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu bị án xử trảm tại Chợ Được (Gần cầu Gia Hội).

400 năm Nhà Nguyễn là khoảng thời gian trải ra hàng trăm ngàn chứng nhân anh dũng tử đạo vì Đức Tin.

Một dấu tích tử đạo nói được là cổ nhất ở Huế, là 12 ngôi mộ của 12 Ông Cỏ. Năm 1714 (Cách đây 310 năm), chúa Minh – Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) đã ra hình phạt “Cắt cỏ nuôi voi” đối với 26 giáo dân Dương Sơn (Trong đó, có 5 phụ nữ bị đánh đòn, rồi tha về). Tín hữu muốn hành hương, xin đến 189 Bùi Thị Xuân, rẽ trái khoảng 300m. Dưới cây thánh giá trung tâm, Giáo Phận Huế đã đặt tấm bia khắc dòng chữ: “12 Ông Cỏ vì Đạo Chúa, bị án Thảo Tượng 1714 – 1715 / GP. Huế 19.3.1999”

Mỗi cử toạ với tập tài liệu cầm tay, trên diễn đàn có 3 tấm pano lớn, in 2 bản đồ thành phố Huế xưa và nay, Cha Antôn trình bày mạch lạc, khoa học, với giọng Huế, nói về tử đạo Huế với các địa danh quen thuộc Đại Nội, Phu Văn Lâu, Cống Chém, Bãi Dâu, Đài kỷ niệm Thánh Phaolô Bường, chuyện vua Minh Mạng trực tiếp xử án bá đao Cha Marchand Du (Thợ Đúc 30.11.1835), chuyện dân làng Cổ Lão kiện giáo dân Dương Sơn (1831), dẫn tới cái chết của cha Jaccard Phan tại pháp trường Nhan Biều cùng với chủng sinh Tôma Thiện (21.9.1838)… Cha diễn thuyết lưu loát suốt 50 phút, gần như thuộc lòng hết các sự kiện ngày tháng của đời của đạo, đã tái hiện cách sống động vị trí các trại giam, các nẻo đường có bước chân đi qua của 16 vị Thánh Tử Đạo TGP Huế…, nên đã cuốn hút được các cử toạ.

Cha kể chuyện vua Tự Đức ra sắc chỉ Phân Sáp tháng 7/1861, thế là giáo dân Thợ Đúc (Phường Đúc), Phủ Cam bị bắt giam ở Cồn Cát (Lương Văn), 2 má bị khắc chữ bằng mực tàu: Bên thì “Tả đạo”, bên thì “Tên huyện”…

Vụ phong trào Văn Thân, khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, khởi phát từ Nghệ An năm 1874, do 2 nho sĩ Trần Tấn và Đặng Như Mai. Văn Thân kết tội Gia-tô giáo đã dẫn ngoại xâm đến và giáo dân đã tiếp tay. Họ cho rằng, muốn đánh thắng thực dân Pháp thì phải tiêu diệt nội thù – là những giáo dân. Phong trào lan rộng khắp toàn quốc, cộng với Chiếu Cần Vương (Tháng 7/1885) của Tôn Thất Thuyết soạn ra cho vua Hàm Nghi (Vua sinh 1871, mới 14 tuổi), khi vua bỏ Kinh thành chạy ra Quảng Trị. Người công giáo khắp nơi điêu đứng, phải chạy tán loạn, bị mất nhà cửa, bị tịch thu tài sản, và bị giết hại vô số. Cụ thể đầu năm 1884, 79 giáo dân giáo xứ Buồng Tằm bị giết sạch, trong đó có ông Trùm tên Nguyễn Văn Dần (là ông nội của cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc), hay vụ 600 giáo dân Cổ Vưu (Trí Bưu) bị Văn Thân phóng hoả, thiêu sống trong nhà thờ ngày 7.9.1885. Chuyện giáo dân Trà Kiệu cố thủ, được Đức Mẹ hiện ra trên nóc ngôi nhà thờ, trong hai ngày 10 và 11.9.1885…

Cuối giờ thuyết trình của Cha Đặc trách, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà đã dâng lời cầu nguyện với tâm tình của người con thảo mang dòng máu anh hùng của Các Thánh Tử Đạo, xin được noi gương các ngài luôn kiên trung giữ vững đức tin và tin tưởng vào niềm hy vọng được hưởng nềm vui thiên đàng sau những chịu đựng thử thách gian truân.

Sau giờ giải lao, cộng đoàn như được sống lại một thoáng thiên hùng sử, qua hoạt cảnh Thánh Anrê Trông, tử đạo và bài đồng ca “Tiếng nhạc oai hùng” do Giáo xứ Kim Long trình diễn.

Nhớ lại ngày 24.11.2022, trong ngày bổn mạng tổ chức tại Phủ Cam, Giáo xứ Đốc Sơ diễn hoạt cảnh Thánh Micae Hồ Đình Hy, Giáo xứ Trí Bưu diễn hoạt cảnh Thánh Phanxicô Nguyễn Văn Trung. Ngày 24.11.2023, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp diễn hoạt cảnh Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Trùng hợp thật là lý thú, vì pháp trường An Hoà, là nơi chứng kiến 4 cái chết của 4 vị Thánh tử đạo này.

Tiếp theo, Cha Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển trình bày đề tài “Vì Chúa Kitô, chúng ta yêu mến và phục vụ Giáo xứ”. Với thời gian hạn hẹp, Cha đã giới thiệu vắn tắt gương mặt Chúa Kitô, Đấng “… đã tự hủy mình để cứu chuộc nhân loại”, Đấng đã mời gọi “… phải từ bỏ mình, vác Thập giá mình theo Ta”. Để yêu mến và phục vụ Giáo xứ, Cha Phanxicô Xaviê mời gọi quý chức cần có đời sống đức tin gương mẫu, đạo đức, hết lòng cộng tác với Cha Quản xứ để xây dựng và phát triển Giáo xứ với tinh thần khiêm nhường, vâng phục, hăng say, hy sinh, thật thà, kiên nhẫn.

Đúng 10g20, Thánh lễ Kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Dẫn đầu đoàn rước là kiệu cung nghinh ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế, cùng đồng tế có Đức TGM Phó Giuse Đặng Đức Ngân, Cha Đaminh Phan Hưng – Tổng Đại Diện, Đức ông Antôn Dương Quỳnh, Cha Giuse Phạm Quốc Giang – Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Huế, và gần 90 linh mục trong giáo phận.

Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã mời gọi cộng đoàn hân hoan tạ ơn với niềm vinh dự dâng lên Thiên Chúa hoa quả đầu mùa là các Thánh Tử Đạo. Những giọt máu anh hùng của các ngài đã đổ ra trên quê hương Việt Nam thân yêu, là hạt giống gieo mầm đức tin cho thế hệ con cháu. Đức Tổng bày tỏ vui mừng khi sự kiện Bổn Mạng Hội đồng Giáo xứ TGP Huế có hiện diện của Đấng Bản quyền, và rất đông các linh mục đồng tế tham dự.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức TGM Phó Giuse nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa đừng quên rằng chúng ta mang dòng máu của các Thánh Tử Đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống mình. Thế giới chúng ta đang sống hôm nay, vẫn còn đó nhiều thử thách gian truân, nhiều sự bách hại tinh vi hơn, nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, chúng ta cần phải vượt qua nhờ ơn Chúa, và với lòng can đảm và hy sinh. Ngài mời gọi các thành viên Hội đồng Giáo xứ luôn sống trung thành với Đức Tin, Cậy, Mến vì danh Đức Giêsu Kitô và không quên nhắc nhở cộng đoàn luôn sống tình bác ái, yêu thương tha thứ, sẻ chia, bình an và đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người.

Sau lời nguyện hiệp lễ, một vị đại diện dâng lời cảm ơn chân thành đến quý Đức Tổng, Cha Đaminh – Tổng Đại diện, Đức ông Antôn, Cha Antôn Đặc trách Hội đồng Giáo xứ, quý Cha hiện diện, đã đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử đạo – Bổn Mạng của Hội đồng Giáo xứ TGP Huế, thể hiện sự yêu thương và đồng hành của các ngài dành cho các thành viên Hội đồng Giáo xứ, và lòng biết ơn chân thành đến Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cùng tất cả các ban ngành đã góp sức để ngày Bổn Mạng diễn ra tốt đẹp. Những bó hoa tươi thắm gói ghém tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc và niềm cảm mến chân thành của cộng đoàn đến các Vị Chủ Chăn của mình.

Tiếp theo, Cha Antôn đặc trách gây bất ngờ, khi mời quý chức đứng lên. Cha phát biểu và dâng tặng bó hoa tươi, dịp mừng sinh nhật tròn 75 tuổi của Đức TGM Giuse. Cha kính chúc Đức Tổng sức khoẻ đầy dư 111 tuổi như ông cụ thân sinh Laurensô của Đức Tổng.

Kết thúc Thánh lễ, Đức TGM Giuse ban Huấn từ nhắn nhủ cộng đoàn mau mắn đáp trả lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “cùng nhau loan Báo Tin Mừng”, và hướng về năm thánh 2025 sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc vào đêm Lễ Giáng Sinh 24.12.2024 sắp tới. Đức Tổng cảm ơn Cha Đặc trách Antôn cùng hết thảy những người đã cộng tác tổ chức ngày Bổn Mạng Hội đồng Giáo xứ TGP Huế được diễn ra tốt đẹp, và cảm ơn Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cùng quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế đã nhiệt tình tiếp đón các sinh hoạt của TGP Huế.

Ngày Bổn Mạng Hội đồng Giáo xứ khép lại sau bữa cơm trưa thân mật được quý Hiền Mẫu Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phục vụ.

“Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài, ca tụng ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.”

Bài viết: Lê Thị Ánh Tuyết

Hình ảnh: Nguyễn Châu

Xin xem thêm một số hình ảnh: