THÁNH SIMON PHAN ĐẮC HÒA
Y sĩ, Tử đạo (1774 – 1840)
Người tân tòng gương mẫu.
Phan Đắc Hòa sinh trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh (nay thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang), tỉnh Thừa Thiên năm 1774. Thuở bé, cậu tên là Phan Đắc Thu, con ông Phan Đắc Thục làm quan đời nhà Lê. Mẹ tên Đóa, vợ lẽ ông Thục. Khi cha mất, gia đình trở nên nghèo túng, nên mẹ cậu phải dẫn hai chị em về ở với bà ngoại tại làng Lưỡng Kim, tỉnh Quảng Trị, sau đó đến giúp một gia đình Công giáo ở làng Nhu Lý, cũng tỉnh Quảng Trị.
Sống với người Công giáo, nhìn thấy nhiều gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo mới này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo đạo, lúc mới 12 tuổi, chọn bổn mạng là thánh Simon. Không dừng ở đó, mà còn muốn phục vụ Chúa trong đời tu trì, cậu xin “ở chú” giúp việc cho các cha và rồi được vào Tiểu Chủng viện Di Loan, Quảng Trị (kỳ I: 1784-1798). Sau khoảng một năm, qua Bề trên, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu sống làm chứng nhân giữa đời thường.
Nhà thờ Di Loan- Cửa Tùng năm xưa
Sau khi lập gia đình, ông Simon Hòa luôn chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái (12 người, trong đó có 3 nữ tu Mến Thánh giá), nêu gương sáng cho mọi gia đình trong làng. Hành nghề y sĩ, với cái tâm “lương y như từ mẫu”, ông đã chữa lành cho nhiều người, nên dân chúng đồn đãi với nhau đến với ông rất đông. Nhờ đó, ông ra tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo khổ, đóng góp vào việc từ thiện, xây cất thánh đường…
Do sống đạo đức, lương y Hòa được đề cử làm Trùm họ, và ông đã thực thi chức năng này cách tốt đẹp. Ai biếng trễ việc đạo, ông nhắc nhở nhủ khuyên. Ai cờ bạc rượu chè, ông nghiêm khắc sửa dạy. Ngoài ra ông còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi tác, các cô nhi quả phụ. Có lần ông đích thân cúi xuống vực một kẻ kiệt sức bên đường, vác lên vai, đưa đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước bồi dưỡng.
Ông trùm họ can đảm.
Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo (từ năm 1825 đến 1840), Trùm họ Simon có dịp bầy tỏ lòng can đảm của mình: sẵn lòng cho các thừa sai ngoại quốc ẩn náu trong nhà, dù biết việc chứa chấp này đe dọa tính mạng bản thân cũng như gia đình. Nếu nhà không ổn, ông gửi gắm các cha ở nơi tương đối bình an hơn. Khi ấy, từ năm 1832, có cha Gilles Delamotte (Cố Y), người Pháp, thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, đến coi sóc Nhu Lý ; sau đó ngài phải chạy trốn nhiều nơi (Dương Sơn, Cồn Hến, Nhu Lâm) và tháng 3.1840 lại trở về Nhu Lý rồi bị phát hiện. Đêm 12 rạng ngày 13.4.1840, đang khi ông trùm dùng thuyền đưa ngài đi trốn thì cả hai cha con (cùng nhiều người, trong đó có một nữ tu Mến Thánh giá) bị bắt đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế. (Cha Delamotte sau đó chết rũ tù ngày 03.10.1840 tại ngục Trấn Phủ, lúc mới 39 tuổi, và hiện là Đấng Đáng kính).
Suốt thời gian bị giam tại Trấn Phủ (phía đông Thành Nội, gần cửa Đông Ba), Simon Hòa những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc chữa bệnh, ông còn khuyên bảo họ trung thành với Chúa đến cùng. Cũng chịu khổ hình như mọi tù nhân, có khi còn hơn nữa, ông Simon vẫn kiên vững niềm tin. Các lần đòn đánh với vô số vết thương chẳng làm ông nản chí, trái lại, ông còn lấy làm vui sướng vì được hiệp thông với Đức Kitô khổ nạn.
Thánh Simon Hoà bốc thuốc chữa bệnh cho các bạn tù.
Cùng bị giam tại Trấn Phủ có nữ tu nói trên, tên là Mađalêna Nguyễn Thị Hậu, phước viện Nhu Lý, được bề trên giao nhiệm vụ săn sóc Thừa sai Delamotte. Chị cũng chịu nhiều đòn vọt và nhiều trò tra tấn tàn độc. Dù rất đau đớn, chị vẫn can trường trong đức tin. Chị bị kết án làm nô tỳ, rồi đổi thành lưu đày. Đầu năm 1841, sau khi được giáo dân giải cứu và lén đưa về Tu viện Mến Thánh Giá Phủ Cam, chị trở bệnh nặng và đã bình an đi về Nhà Cha ngày 20.01.1841, lúc mới 27 tuổi. Chị đã được công nhận là chết vì đạo.
Khổ hình và vinh phúc.
Ông Simon Hòa bị tra khảo đến 20 lần, vì có lẽ các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung khai tung tích về các Thừa sai. Nhưng đã không đạt được ý muốn, họ lại còn phải nghe ông thuyết giảng về chân lý đạo. Thế là họ trả đũa bằng nhiều đòn tra tấn dã man… cho đến khi thầy thuốc từ bi gục ngã không gượng dậy nổi. Nhưng niềm tin của y sĩ Hòa không thể ngã gục. Ông cam chịu mọi hình khổ đau đớn. Hơn nữa, ông quyết dâng mạng sống mình để làm chứng về đạo, dù phải hy sinh những điều thân thương quí báu nhất đời. Khi các con đến thăm, ông khuyên nhủ: “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn.” Quả thật tâm tư y sĩ Simon Hòa lúc đó: “Yêu kính Chúa, nặng tình nhà. Trăm cay nghìn đắng, chẳng kêu ca một lời.”
Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Khi điệu ông Hòa đi xử, các quan còn cố bắt ông quá khóa (đạp Thánh giá), dụ dỗ ông bỏ đạo, hay ít là cầm lấy tượng quẳng đi để được tha, nhưng ông vẫn một lòng cương quyết tuyên xưng niềm tin của mình.
Vị lương y làng Nhu Lý đã vượt qua thử thách cuối cùng. Ông đã toàn thắng trong niềm tín thác vào Thiên Chúa ngày 12.12.1840 tại pháp trường Cống Chém, gần làng Đốc Sơ. Lúc đó, trong đám đông, có mặt linh mục Gioan Baotixita Bùi Văn Ngôn (gốc Nam Tây); cha giải tội lòng lành cho vị chứng nhân đang bình tĩnh quỳ trên chiếc chiếu và tấm mền trắng do một giáo dân dọn sẵn. Đầu ngài bị bêu 3 ngày tại nơi hành quyết “để làm gương” như bản án đã ghi. Nhưng hôm sau, các tín hữu đã lấy được và mang về họ Nhu Lý cùng với thi thể.
Các Thánh Tử đạo đổ máu trên đất Đốc Sơ. Từ trái sang: Thánh Simon Hoà, Thánh Anrê Trông, Thánh Phanxicô Trung, Thánh Giuse Thị và Thánh Micae Hy (Tượng tại Nhà thờ Đốc Sơ)
Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19.6.1988. Ngài được mừng kính vào ngày 12 tháng 12 hằng năm.
Ban Biên tập Lịch sử và Ban Truyền thông TGP Huế