Ngày 22.5 – Thánh Micae Hồ Đình Hy, Quan Thái bộc tử đạo (1808 – 1857)

16/06/2018

Ngày 22 tháng 05

Thánh Micae HỒ ĐÌNH HY

Quan Thái bộc (1808–1857)

Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều,

lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và trung với vua.

Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô,

đền bù tội lỗi và chết thánh thiện.”

Micae Hồ Đình Hy sinh năm 1808 tại Nhu Lâm, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình quan chức. Cậu là con út trong 12 anh chị em. Khi ra làm việc, anh là một thơ lại[1] bộ Công[2]. Năm 20 tuổi, anh Hy kết hôn với cô Lucia Tân, sinh hạ được năm người con. Người con cả sau này đi tu, học tại Pénang (Malaysia), rồi thụ phong linh mục. Đó là cha Hồ Đình Thịnh.

Dần dần, vì thực hiện tốt mọi công tác được giao, ông Hy được thăng lên chức Tham tá, hàm Lục phẩm. Dưới triều vua Tự Đức, ông lên tới chức Thái Bộc[3], hàm Tam phẩm, đặc trách ngành dệt tơ lụa vải vóc trong cả nước. Uy tín ông ngày càng lớn và được vua tín cẩn. Nhà vua từng nhận định: “Trước đây chưa ai giữ chức ấy được hai năm cả. Cho đến nay, ta chưa có gì phải khiển trách ông ta. Có lẽ ta sẽ tăng lương cho xứng với việc của ông ấy nữa là khác.”

Dù làm quan dưới triều vua bách hại đạo, vị Thái bộc không ngại tỏ ra mình là người Công giáo. Trong nhà, ông đặt bàn thờ Chúa nơi xứng đáng, thắp đèn chưng hoa mỗi ngày. Thế nhưng, vì giao dịch với giới quan lại, chịu ảnh hưởng nhiều tật xấu của họ, ông có quan hệ với một phụ nữ trẻ, và có 3 đứa con ngoại hôn với người phụ nữ nầy. Để chuộc lại lỗi lầm, ông đã rửa tội và đưa chúng về nuôi nấng tử tế như con chính thức của mình, rồi cố gắng làm nhiều việc thiện để đền bù tội lỗi. Nhiều câu chuyện về lòng bác ái của ông, được viết lại trong các sách tiểu sử của ông.

Tháng 9 năm 1856[4], khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì quan Thái bộc Hồ Đình Hy bị bắt. Triều đình lấy cớ ông đã gửi con đi học ở Pénang, nghĩa là có giao thiệp với nước ngoài. Ông bị giam tại Trấn phủ (Huế). Vua Tự Đức ra lệnh cho quân lính bằng mọi cách bắt ông nhận tội, bước lên Thập giá và kê khai các linh mục thừa sai hoặc Việt Nam, kể cả quân lính có đạo. Dù cương quyết không bỏ đạo, nhưng vì bị tra tấn quá đau đớn, ông có lỡ lời nói tên một số tín hữu, khiến cho 29 người bị bắt. Trong đó 8 người xuất giáo, còn 21 người kiên trung với đức tin, dù bị khắc trên má chữ “Tả đạo” và bị lưu đày. Cho rằng tất cả là do mình, ông khóc lóc xưng tội, xin Chúa thứ tha và kiên quyết dùng chính máu mình để rửa sạch lỗi lầm đó.

Một lần chính vua Tự Đức xét xử và khuyên ông giả bộ bước qua Thập giá. Ông thẳng thắn từ chối: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và trung với vua. Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, đền bù tội lỗi và chết thánh thiện.”

Ngày 30-04-1857, khi kết án tử hình quan Hồ Đình Hy, vua ghi chi tiết: “Hạ lệnh cho 5 quan triều đình và 15 binh sĩ dẫn y đi vòng quanh Thành Nội ba ngày. Khi đi ngang qua chợ và nơi công cộng, phải rao tội nó lên cho dân biết… Hơn nữa tại mỗi ngã ba đường, ta truyền đánh y thêm 30 trượng. Sau ba ngày như thế thì chém đầu nó. Có thế bọn Gia tô sẽ lấy làm tủi nhục mà lo sửa mình.” Tháng 5 năm đó, vào những ngày 15, 18 và 21 quân lính đã thi hành lệnh vua: dẫn quan Thái bộc qua các nẻo đường phố Huế, dừng lại đánh đòn ở hai nơi, tổng số 60 trượng mỗi ngày. Một người lính đi trước hô to: “Hồ Đình Hy, kẻ theo Tả đạo, đứa ngỗ nghịch bất hiếu với mẹ cha, chống lại luật lệ triều đình. Vì thế y bị kết án phải chết.” Bức chân dung “Này Là Người” (Chúa bị Philatô bêu ra nơi công cộng sau khi chịu đánh đòn và làm nhục) quả đã tái xuất hiện ở Việt Nam!

Sáng ngày 22-05, ông bị đưa ra pháp trường. Dân chúng tuôn đến xem rất đông. Dù lương hay giáo, họ bùi ngùi thương tiếc vị quan thanh liêm tốt bụng. Lúc qua cầu An Hòa, ông nói với lính rằng: “Đi xa làm chi, ở đây tôi có nhiều bạn hữu bà con.” Thế là thay vì đến cống Đốc Sơ, ông đã được xử ngay tại đó.

Quan Thái bộc Micae Hồ Đình Hy được nâng lên hàng chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.

Hài cốt thánh nhân hiện nay đang được lưu giữ tại nhà thờ Giáo xứ Tây Linh, Tổng Giáo phận Huế.

————————————————————————–

CÂU HỎI:

1- Hỏi: Thánh Micae Hy sinh năm nào và tử vì đạo năm nào? bao nhiêu tuổi?

Thưa: Thánh Micae Hy sinh năm 1808 và tử đạo năm 1857, hưởng dương 49 tuổi.

2- Hỏi: Thánh Micae Hy làm quan dưới triều vua nào? với chức hàm gì?

Thưa: Thánh Micae Hy làm quan dưới triều vua Tự Đức, với chức Thái Bộc hàm Tam phẩm.

3- Hỏi: Vì nguyên cớ nào, Thánh Micae Hy bị bắt tống giam tại Trấn phủ?

Thưa: Thánh Micae Hy đã bị giam tại Trấn phủ (Huế), vì Triều đình lấy cớ ông có giao thiệp với nước ngoài, vì đã gửi con đi học ở Pénang.

4-Hỏi: Khi vua Tự Đức khuyên ông giả bộ bước qua Thập giá, Thánh Micae Hy nói gì?

Thưa: Thánh Micae Hy đã thẳng thắn từ chối: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và trung với vua. Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, đền bù tội lỗi và chết thánh thiện.”

5- Hỏi: Khi kết án quan Hồ Đình Hy, vua ghi chi tiết phải xử thế nào?

Thưa: Khi kết án quan Hồ Đình Hy, vua ghi chi tiết phải xử như thế này : “Hạ lệnh cho 5 quan triều đình và 15 binh sĩ dẫn y đi vòng quanh Thành Nội ba ngày. Khi đi ngang qua chợ và nơi công cộng, phải rao tội nó lên cho dân biết… Hơn nữa tại mỗi ngã ba đường, ta truyền đánh y thêm 30 trượng. Sau ba ngày như thế thì chém đầu nó. Có thế bọn Gia-tô sẽ lấy làm tủi nhục mà lo sửa mình.”

6- Hỏi: Thánh Micae Hy lãnh triều thiên tử đạo ngày tháng năm nào ?

Thưa: Thánh Micae Hy lãnh triều thiên tử đạo ngày 22-05-1857.

7- Hỏi: Thánh Micae Hy chịu xử theo hình pháp gì ? tại đâu?

Thưa: Thánh Micae Hy chịu xử trảm, nghĩa là bị chém đầu tại cầu An Hòa.

————————————————————————–

[1] Thơ lại hay thư lại là lại viên nhỏ, chuyên trông nom việc văn thư ở công đường (thường là ở phủ, huyện) thời phong kiến (x.Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học).

[2] Bộ Công coi việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc thổ mộc, thợ thuyền, tu sửa xây dựng, thi hành lệnh cấm về núi rừng, vườn tược và sông ngòi. Bộ Công thuộc Lục bộ hay sáu bộ chỉ sáu cơ quan chức năng cao cấp trong tổ chức triều đình quân chủ triều Nguyễn.

[3] Thái Bộc tự (太僕寺) là một trong 6 tự trong quan chế Lục tự. Thái bộc tự phụ trách các trách nhiệm trông coi, nuôi cấp ngựa, giữ gìn những xe ngựa của hoàng tộc (vua và các hoàng tử), và điều hành các mục súc (đồng cỏ để nuôi ngựa) trên toàn quốc.

Cũng như các tự khác trong Lục tự, Thái bộc tự do quan Tự khanh đứng đầu, Tự thiếu khanh thứ nhì và có các thuộc cấp Chủ sự, Tư vụ, Thư lại giúp việc.

Thời Nguyễn Minh Mạng 8 (1827), triều đình chuẩn định quan chế Thái bộc tự khanh trật Tòng tam phẩm, Thái bộc tự thiếu khanh trật Chánh tứ phẩm.

[4] Ngày 16 tháng 9 năm 1856, tàu chiến Catinat đưa phái viên Pháp cầm quốc thư đến Đà Nẵng, và cũng nhằm mục đích dò xét tình hình, nhưng triều đình Huế lo ngại không chịu tiếp. Thất bại trong âm mưu điều tra tình hình Việt Nam nhằm phục vụ âm mưu xâm lược, ngày 26 tháng 9 năm 1856, hải quân Pháp trắng trợn khai hỏa bắn phá các đồn lũy rồi kéo lên khóa tất cả các đại bác bố trí ở trên bờ, sau đó tàu nhổ neo bỏ đi. Một tháng sau, ngày 24 tháng 10, chiến hạm Capricieuse lại cập bến cảng Đà Nẵng xin được gặp các quan lại trong triều để thương lượng, nhưng cũng bị cự tuyệt.

Ban Biên soạn Tư liệu Năm Thánh Tử Đạo TGP Huế