THÁNH ANRÊ TRẦN VĂN TRÔNG
Quân nhân, Tử đạo (1814–1835)
Tuổi xuân sớm vất vả.
Anrê Trần Văn Trông sinh năm 1814 trong một gia đình Công giáo đạo hạnh ở Kim Long, Phú Xuân (Huế). Cha cậu là ông Tađêô Trần Văn Hoàn làm nghề thợ bạc và mẹ cậu là bà Maria Gia, quê Thợ Đúc, làm nghề dệt lụa.
Nhà thờ Giáo xứ Kim Long ngày nay.
Cha mất sớm, Anrê Trông, lúc ấy mới 15 tuổi, đành thu xếp sách đèn, cùng với mẹ và chị em sang quê ngoại (đối diện với Kim Long, bên kia sông Hương), làm nghề dệt lụa cho triều đình. Cậu chăm chỉ làm việc, sống rất thành thật và cư xử hòa nhã với mọi người. Mỗi buổi chiều, sau những giờ lao động mệt mỏi, cậu thường vác cần câu đến ngồi bên bờ sông Hương xanh biếc, để được gần gũi với thiên nhiên và nhìn sang quê nội. Sử gia Rodriguez đã diễn tả tâm trạng của cậu qua những vần thơ sau (Martyrologie III, pp. 158-159): “Ôi êm đềm cảnh thiên nhiên trầm lặng, Dưới ngàn cây râm mát thoảng hương hoa, Nước lung linh nghe tâm hồn thanh thản, Sóng in dáng bóng non xanh nhạt nhòa…” Sau đó vì nghề dệt không đủ sống, cậu xin nhập ngũ, lúc khoảng 19 tuổi.
Binh lính triều đình Huế ngày xưa.
Nhưng cuộc đời êm ả đó chẳng kéo dài được bao lâu. Anrê phục vụ trong quân đội gần hết một năm thì tháng 11.1834, vua Minh Mạng ra lệnh ra lệnh cho binh lính phải khai lý lịch, và những ai theo Công giáo buộc ra trình diện. Không chút e dè, Anrê Trông với 12 đồng đội cùng đơn vị đến “ra mắt” quan. Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh nhà vua bỏ đạo và đạp lên Thánh giá. Cả 13 chiến sĩ Công giáo đều cương quyết khước từ. Các quan dùng biện pháp tra tấn rất dã man… Vì đau đớn và quá kinh hoàng, 12 đồng đội run sợ phải đầu hàng, bỏ cuộc…. Chỉ còn một mình Anrê Trông vẫn trung kiên đến cùng. Quân lính trói anh lại khiêng qua Thánh giá, nhưng anh co chân lên, quyết không xúc phạm đến biểu tượng mình thờ lạy. Thế là từ trại lính, anh bị tống qua trại giam. Đầu năm 1835, Anrê Trông đến nhà tù Trấn Phủ (gần cửa Đông Bắc hay cửa Kẻ Trài) và ở đây chừng 6 tháng, sau đó chuyển qua Khám Đường (nơi giam giữ những ai đã có án, gần cửa Chánh Tây). Thấy anh khẳng khái kiên định, các quan tòa đồng lòng lên án xử trảm (tức là chém đầu). Vua Minh Mạng châu phê bản án, nhưng còn giam hậu, nghĩa là chưa xử ngay.
Cổng Ngọ Môn của Kinh thành Huế ngày nay.
Suốt một năm bị giam trong ngục, Anrê Trông chịu nhiều điều cơ cực khổ sở, nhưng niềm tin của anh qua những thử thách đó càng ngày càng vững mạnh. Anh sốt sắng cầu nguyện và đặc biệt phó thác đời mình cho Đức Mẹ, xin Chúa vì lời Mẹ chuyển cầu ban cho ơn trung tín đến cùng. Những món quà tiếp tế nhận được, anh chia sẻ cho các bạn tù và lính canh ngục, nên được họ quí mến. Cũng chính nhờ đó, anh có cơ hội đặc biệt để đi xưng tội, rước lễ và thăm mẹ.
Khi biết tin có cha GB. Bùi Văn Ngôn (gốc Nam Tây, 1832-1859) đang âm thầm hoạt động ở Phú Xuân, anh Trông liền xin viên cai ngục đi thăm mẹ và được phép về nhà một ngày dưới sự giám sát của một người lính. Nhờ đã dò hỏi rõ nơi ở của vị linh mục, Anrê Trông và người lính chèo thuyền theo sông Kẻ Vạn (chảy dọc phía tây Kinh thành Huế), đến bến đò gần cầu Bạch Hổ, bước qua thuyền của cha Ngôn. Khi thuyền trôi ra giữa dòng, hai tâm hồn nhỏ to “tâm sự” và anh quỳ xuống lãnh phép giải tội. Xưng tội xong, anh ngỏ ý xin rước lễ, cha Ngôn hẹn anh sáng hôm sau cũng tại sông Kẻ Vạn, Thế rồi anh và người lính tiếp tục chèo thuyền về Kim Long. Cả hai lên bờ và ngủ tại nhà mẹ một đêm (lúc này bà đã trở về nhà cũ, quê chồng). Bà mẹ đã hết lời khích lệ động viên con kiên vững.
Nỗi lòng từ mẫu và hiếu tử.
Sau một năm giam tù, không hy vọng gì Anrê Trông thay đổi ý kiến, các quan quyết định ngày xử là 28.11.1835. Sáng hôm đó, gặp được anh họ của mình, người chiến sĩ đức tin ngỏ lời : “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em mà, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với bà : đừng lo gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng về con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết.” Nhưng thực tế, người anh họ chưa kịp nhắn lại, bà mẹ Anrê Trông khi hay tin con bị đem xử, liền vội vã đi đón con mình.
“Bà mẹ của Anrê đợi cậu quý tử ở chợ An Hòa… có các con của bà đi theo. Đến gần đình làng, quan ra lệnh dừng lại và cho phép bà con đến giã từ vị tử đạo… (Đây hẳn là Bắc Trường Đình, một trong hai công trình kiến trúc độc đáo, dựng vào thời vua Minh Mạng (công trình kia là Nam Trường Đình), để làm chỗ tiếp đón tiễn đưa những ai vào hay ra khỏi Kinh thành Huế.) Bà con và bạn hữu sắp thành hàng trước mặt ngài và chào ngài. Anrê nghiêng mình im lặng. Mẹ ngài nói với ngài : “Vĩnh biệt con, cầu nguyện cho mẹ.” Vị tử đạo vẫn luôn im lặng cúi chào.
“Những lời giã biệt chấm dứt, viên chỉ huy bảo đoàn người đi thêm một đoạn và ra lệnh dừng lại lần thứ hai. Giờ hành quyết đã điểm”. Nhiều chứng nhân kể lại rằng khuôn mặt Anrê lúc ấy đẹp như một thiên thần.
“Một ông thợ tháo chiếc gông và chặt đứt xiềng. Anrê cầm lấy xiềng ấy đưa cho một người lính, xin anh giữ để trao cho mẹ mình… Đoạn ngồi xuống chiếc chiếu trải sẵn, ngài làm dấu Thánh giá và cầu nguyện… Người ta kéo tóc vị tử đạo lên đỉnh đầu, áo thì tuột xuống nửa thân, hai bàn tay trói trước ngực. Sau hồi chiêng trống thứ hai, đao phủ vung gươm chặt đầu.
“Khi chiếc đầu lăn xuống đất, mẹ ngài đến gần viên quan mà nói : “Bẩm quan, người này là con tôi, xin cho tôi chiếc đầu của nó, tôi van ông” – “Được”, viên chỉ huy đáp. Người nữ tín hữu đưa vạt áo ra, nhận lấy thủ cấp đẫm máu mà tên đao phủ ném cho bà rồi mang về mai táng trong vườn nhà ở Kim Long” (Xem Adrien Launay, MEP, Les Cinquante-deux serviteurs de Dieu, trang 115tt).
Người mẹ của Thánh Anrê Trông ôm đầu con mình trong vạt áo (tranh tại Nhà thờ Giáo xứ Đốc Sơ).
“Thi hài vị tử đạo thì được bỏ trong quan tài, mang về Giáo xứ Thợ Đúc. Nhiều chứng nhân đã quả quyết rẳng đôi bàn chân của Anrê, dù đã không được rửa, vẫn trắng cách lạ lùng, đang khi đường đi xấu đến nỗi bùn lấm lên tới nửa ống chân của mọi người. Hôm đó trời mưa tầm tã. Giáo hữu An-nam còn giữ kỷ niệm về sự kiện kỳ diệu này mãi đến ngày nay” (Theo J.B. Roux, Huế cổ-Vết tích đạo và đời. Lm Minh Anh dịch. Tổng Giáo phận Huế 2018, tr. 134-135.138.)
Đài kính Thánh Anrê Trông (bên phải) và Thánh Emmanuel Triệu (bên trái) tại Nhà thờ Giáo xứ Kim Long.
Lịch sử Giáo phận Huế cũng cho biết là khi ấy, Cha G.B Bùi Văn Ngôn cũng cải trang tới nơi xử để trợ lực tinh thần cho vị tử đạo. Pháp trường đó là chợ An Hòa cũ, gần Giáo xứ Đốc Sơ hiện thời.
Giáo xứ Đốc Sơ ngày nay. Năm xưa trên vùng đất này có 2 pháp trường của triều đình là cống chém và chợ An Hoà.
Ngày 27.05.1900, Đức Giáo hoàng Lêô XIII, khi suy tôn người chiến sĩ anh hùng Anrê Trông lên hàng Chân phước, đã không ngớt lời ca ngợi mẫu gương của bà mẹ hào hùng, vốn họa lại gần trọn hình ảnh Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo xưa trên đỉnh Can vê. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thì đã long trọng nâng ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Ban Biên tập Lịch sử và Ban Truyền thông TGP Huế