Câu chuyện về Jean-Samuel Grand

01/07/2018

Jean-Samuel Grand, được mọi người biết đến là sáng lập viên của Éditions Ouverture, tổng biên tập tạp chí Itinéraires. Itinéraires là một tạp chí được khai sinh cách đây 26 năm với khoảng 2.500 người đăng ký và 4.000 ấn bản được phân phát trong các kênh khác nhau của Giáo Hội, cho các mục sư, giáo xứ, các phong trào, vv. Các biên tập viên của tạp chí đến từ thế giới của Tin Lành, Công giáo, Chính thống, Do Thái và Hồi giáo Sufi.

Jean-Samuel Grand là người có nhiều đam mê, hiếu kỳ về mọi thứ, gương mặt sáng chói của một nhà thần bí; nhưng trên hết mọi người cảm phục ông vì ông là người luôn cởi mở, có tinh thần đại kết.

Jean-Samuel Grand là con trai của một mục sư của Giáo hội tự do. Ông có khả năng vẽ và viết, người đam mê các kiểu chữ, một công cụ không thể thiếu cho những người làm công việc sửa chữa và khắc phục, chẳng hạn như thiết kế đồ họa.

Khái niệm về sự cởi mở không phải là một lời trống rỗng vô ích đối với ông, mà là một niềm tin rất thực tế. Chính trong tinh thần này mà ông đã cho ra đời tạp chí Intineraries. Một tạp chí luôn được ưu tiên về mặt tâm linh và chứng từ, mở ra cuộc sống hướng đến con người và mở cửa cho Giáo Hội. Theo ông hiểu biết Thiên Chúa không chỉ đi qua thần học mà còn qua các nhân chứng của Ngài. Ngay từ đầu thành lập tạp chí ông đã khẳng định với các cộng tác viên rằng mỗi người dù là Tin Lành, Chính Thống, Công Giáo, nam hoặc nữ đều có những điều đặc biệt trong niềm tin của mình để đóng góp, chia sẻ. Chính vì thế tạp chí luôn chứa đựng nội dung với sự đa dạng tôn giáo và triết học, đây là một điều đặc biệt.

Để duy trì tình huynh đệ giữa các thành viên, Jean-Samuel Grand tổ chức các cuộc họp cho các biên tập viên hai tuần một lần vào mỗi thứ năm. Ông luôn bắt đầu các phiên họp bằng việc suy niệm Lời Chúa, mọi người đều được mời tham dự theo niềm tin của mình.

Từ thực tế công việc, một công việc tạo bầu khí kết nối các Kitô hữu; Jean-Samuel Grand là một người có tinh thần rất đại kết, luôn niềm nở và quảng đại với mọi người. Ông luôn mang trong mình niềm khao khát xây dựng những cây cầu để nối kết tất cả các tôn giáo. Chính vì thế ông là một nhà diễn thuyết lâu năm của phong trào đại kết ở Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Ngoài ra ông còn là một nhà phê bình, một nhà hoạt động đam mê và hào phóng. Ông có một cái nhìn đặc biệt về tinh thần đại kết: đó là giữ một cái nhìn kiên quyết về sức mạnh của tiền bạc, ông gọi tiền bạc là “thần mù”, ông đã liên tục tố cáo điều này và cho rằng: Trở ngại đầu tiên của phong trào đại kết là tiền!

Như Đức Thánh Cha Phanxicô, Jean-Samuel Grand mơ ước một Giáo hội phục vụ và nghèo. Vào năm 2015 trong bài suy tư về phong trào đại kết nhân dịp Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu, ông cho rằng trở ngại chính cho đại kết là tình yêu tiền bạc và thiếu tâm linh.

Ông rất quan tâm đến hiện trạng của Giáo Hội, ông nói: “Nhà thờ của chúng ta quá giàu có, quá lo lắng về lợi nhuận kinh tế. Vật chất thay thế cho sự trao đổi; nhu cầu về quyền lực đã thay thế chỗ của tâm linh. Chúng ta phải rời khỏi thế giới của tình yêu tiền bạc, của chủ nghĩa vật chất truyền đạt kỳ vọng rằng nó không thể thỏa mãn. Đây là vấn đề của tổ chức mà chúng ta không thể làm mà không có, nhưng chúng ta phải xem như là một “bệnh không thể tránh khỏi”. Ông nói: “Tôi mơ ước một Giáo hội phục vụ và nghèo như Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn”.

Ông nhấn mạnh thêm rằng Đại kết, trên tất cả là yêu thương người khác để có thể cùng bước đi với nhau. Tình yêu giống như không khí dưới cánh của một máy bay. Người ta không nhìn thấy nó, nhưng nó là không thể thiếu. Con đường phải cho phép chúng ta trưởng thành để đi đến một thế giới đau khổ vì thiếu sự hiện diện, tinh thần. Thần học không được khóa chúng ta. Nhà văn Edmond Jaloux đã có những lời tuyệt đẹp này “tinh thần làm nên ngôi nhà, nhưng ngôi nhà khóa chúng ta”

Jean-Samuel Grand về nhà Cha vào ngày Chúa Nhật mồng 10 tháng 6 năm 2018 hưởng thọ 71 tuổi. Ông ra đi để lại nhiều niềm tiếc thương cho mọi người; di sản tinh thần của ông về đại kết được rất nhiều người ủng hộ và tiếp nối. (Cath.ch 13.06.2018)

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican