5 bí quyết để giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp

02/09/2019

Trong công việc, mỗi người đều không tránh khỏi mâu thuẫn phát sinh với các đồng nghiệp, vậy làm cách nào để có thể giải quyết ổn thỏa và tốt đẹp để công việc được thực hiện một cách thuận lợi nhất?

Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm một dự án cùng với những đồng nghiệp thân quen. Được làm việc cùng nhau, nghe thì dường như rất tuyệt nhưng… có mối quan hệ tốt không có nghĩa là sẽ không có mâu thuẫn nảy sinh hay tất cả đều hòa hợp với nhau, một đường đi tới đích.

Trên thực tế, sự hợp tác chuyên nghiệp chính là bất đồng chắc chắn sẽ xảy ra và giữa những đồng nghiệp thân quen thì mâu thuẫn còn khủng khiếp hơn nữa. Tuy nhiên, khi tình huống đó xảy ra, liệu bạn có thể thể hiện thái độ không đồng ý với đồng nghiệp của mình một cách tôn trọng không? Dự án có thể phát triển được không? Các mối quan hệ liệu có thể hàn gắn không?

Nhìn chung, câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là “Có”. Trong thực tế, những sự bất đồng có thể giúp mọi người đề ra nhiều ý tưởng tốt hơn, nâng cao năng suất lao động và thắt chặt mối quan hệ. Nhưng làm cách nào để thực hiện được điều đó? Hãy thử thực hiện theo 5 bí quyết sau để giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp một cách êm đẹp và tìm ra được giải pháp tốt nhất cho dự án của mọi người.

1. Trao đổi trực tiếp

Bạn có thể gửi những email rất dài cho đồng nghiệp để giải thích quan điểm của bạn, nhưng cuối cùng thì đó cũng không phải là giải pháp tốt nhất, thậm chí nhiều khi mọi việc chẳng đi đến đâu. Trên thực tế, có 2 hình thức giải quyết bất đồng tốt nhất là: trao đổi trực tiếp hoặc gọi điện thoại/video nếu hai người làm khác văn phòng.

Thứ nhất, trao đổi theo hình thức này giúp chúng ta có thể đọc được ngôn ngữ cơ thể và nghe được âm điệu giọng nói của nhau, tránh được việc hiểu lầm, đây là điều email không làm được.

Thứ 2, nói chuyện trực tiếp sẽ giúp cả hai bên nhớ rằng mình đang nói chuyện với một người (có thể  là một người mà mình thích), chứ không phải chỉ là một màn hình máy tính. Điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng thông cảm nhau hơn và nhiều khả năng là 2 bên sẽ cố gắng hết sức làm việc với nhau để tìm ra một giải pháp, chứ không phải là đấu tranh với nhau.

  1. Nghe nhiều hơn nói

Khi kích động thái quá hoặc không kiềm chế được bản thân, bạn sẽ có xu hướng nói rất nhiều và không để người khác nói. Tuy nhiên, sự thật là, nói nhiều không làm cho lý luận của bạn mạnh hơn, không có quy định là người nào nói nhiều nhất, mạnh nhất là người thắng cuộc. Thực ra, nếu bạn nói quá nhiều, đồng nghiệp của bạn sẽ đến một ngưỡng nào đó không còn muốn nghe bạn nói tiếp nữa.

Vì vậy, hãy lắng nghe nhiều hơn nói, ngay cả khi đồng nghiệp của bạn đang nói rất nhiều hoặc không để cho bạn nói, bạn sẽ vẫn có cơ hội để nói. Hãy cho họ ít thời gian và sẽ đến lúc họ ngừng lại để lắng nghe bạn nói và họ sẽ thực sự chú ý điều bạn đang chia sẻ.

Nếu bạn thực sự cảm thấy như đồng nghiệp của bạn đang chiếm lĩnh toàn bộ cuộc trò chuyện, bạn có thể xin phép dừng lại một chút như: “Tôi xin phép được ngắt lời, vì bạn có nói một điểm mà tôi muốn làm rõ”. Đồng nghiệp sẽ biết bạn vẫn đang lắng nghe và dừng lại để bạn chia sẻ ý kiến.

3. Thực sự lắng nghe

Ở đây không chỉ là kiên nhẫn ngồi im lắng nghe người khác nói mà là bạn phải “thực sự lắng nghe” những gì họ nói, đồng thời cũng phải lên kế hoạch bạn sẽ nói những gì sau khi người kia nói xong.

Bạn nên áp dụng một vài cách để vẫn giữ sự tập trung trong khi nghe người khác nói. Nếu nói chuyện qua điện thoại và đồng nghiệp không nhìn thấy bạn, hãy ghi lại một vài ý chính mà bạn muốn nói trên giấy để nhắc nhở mình chỉ tập trung vào những điểm ấy sau khi người kia nói xong.

Thực sự lắng nghe giúp người nói nhận thấy rằng họ đang được bạn tôn trọng. Bạn cũng có thể nảy ra nhiều ý tưởng mới khi nghe đồng nghiệp trình bày quan điểm của họ, bạn sẽ bỏ lỡ điều này nếu không thực sự lắng nghe người khác nói.

4.  Hỏi theo hướng để biết, không phải chất vấn

Khi tới lượt bạn nói thì cần phải cân nhắc, không phải là cứ tuôn hết tất cả các quan điểm của bạn ra cùng một lúc. Hãy yêu cầu đồng nghiệp trình bày thêm những điểm bạn chưa rõ, và lắng nghe chăm chú. Không hỏi họ một cách dồn dập như kiểu chất vấn. Quan trọng hơn cả là hãy cùng nhau đưa ra một giải pháp chung.

5. Nhìn nhận lại sứ mệnh công việc

Nếu như sau khi thực hiện mọi cách hòa giải đều thất bại và vẫn không thể thống nhất, hãy tự xem xét lại lý do ban đầu tại sao bạn lại làm công việc này, xem xét tình hình thực tế và những lý do mà bạn và đồng nghiệp đều tận tâm cho công việc. Tầm nhìn và sứ mệnh của hai người có còn nguyên vẹn như ngày đầu hay không?

Thỉnh thoảng, hãy dừng lại một bước giữa cuộc tranh luận gay gắt để quay lại tình hình lúc đầu và bạn có thể khởi động lại mọi việc, giúp bạn có động lực đưa ra giải pháp để giải quyết mâu thuẫn một cách tốt đẹp nhất.

Theo The Muse
Bạch Vân

Nguồn: trithucvn.net