San Baxiliô, Qualichaolô và Chentôgênê là các họ đạo vùng ngoại ô thủ đô Rôma nơi có rất đông các gia đình công nhân di cư thuộc mọi mầu da sinh sống. Trong đó có nhiều người đến từ miền nam Italia.
Ở đây các chung cư và nhà ngủ chật hẹp theo hình các hộp bằng bê tông cao ngất trông y như các lỗ của tổ ong. Không có chỗ làm sân chơi cho trẻ con, không có cây cối làm công viên, cũng không có chỗ cho bất cứ một trung tâm xã hội hay tôn giáo nào.
Các họ đạo nảy sinh giữa vùng ngoại ô này cũng không có nhà thờ. Rất thường khi cha xứ được chỉ định làm việc tại đây phải thuê một phòng lớn hay tầng trệt hoặc hầm của chung cư để tạm làm chỗ cử hành các lễ nghi phụng vụ.
Một môi trường như thế cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc, mãi dâm, cao bồi du đãng và tội phạm. Khung cảnh môi sinh này khiến cho người dân, đặc biệt là giới trẻ, thường mang tâm trạng khép kín, nghi hoặc, thiếu óc sáng tạo, nghèo nàn trên bình diện văn hóa và nhân bản. Hằng ngày phải vật lộn với cuộc sống và công ăn việc làm, họ ít có dịp nghĩ tới việc phát triển các giá trị đó. Và thực ra cũng không còn nhiều thời giờ cho các nỗ lực thăng tiến nhân bản và tâm linh.
Để giúp các anh chị em sống trong các khu phố ngoại ô này có dịp thăng tiến các khía cạnh ấy, nhiều người trẻ thuộc các phong trào Kitô khác nhau trong giáo phận Rôma đã tình nguyện hướng dẫn các sinh hoạt và tạo điều kiện cho sự phát triển cuộc sống quân bình hơn. Đó cũng là trường hợp của chị Maria Rita Pacxi.
Trong hơn mười năm trời liên tiếp chị Maria Rita đã tham gia nhóm “Bạn trẻ thăng tiến văn hóa” cho người dân sống trong ba họ đạo San Baxiliô, Qualichaolô và Chentôgeni. Công việc của nhóm là tổ chức và điều hành các trung tâm phát triển văn hóa đa diện với mục đích tạo điều kiện và cơ hội cho người dân sống trong các khu ngoại ô này bước ra khỏi cảnh sống câm nín bên lề xã hội của họ, bằng cách giúp họ tiếp xúc với trào lưu và sản phẩm văn hóa cũng như phát triển các năng khiếu văn hóa tiềm tàng nơi mỗi người.
Hàng tuần chị Maria Rita cùng các bạn trẻ tổ chức các buổi sinh hoạt cho thiếu nhi giới trẻ, phụ nữ, người già và tất cả những ai trong khu phố muốn tham dự. Trong các sinh hoạt, có các buổi nói truyện, tìm hiểu văn chương, tập vẽ, tập làm thơ, nghe nhạc, vũ, chụp hình và chiếu phim. Nghĩa là nhóm của Maria Rita cống hiến cho người dân khu phố cơ hội và phương tiện làm văn hóa mà cho tới nay hoàn cảnh sống và lý do kinh tế không cho phép họ mơ tưởng tới. Những nỗ lực của chị Maria Rita và các bạn thường đạt kết quả rất khả quan.
Qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, bằng cách dùng tất cả các phương tiện kể trên, mọi người trong khu phố khám phá ra cái hay cái đẹp của cuộc sống rộng mở cho tha nhân và cho các giá trị nhân bản. Đồng thời họ kinh ngạc khám phá ra các năng khiếu của con cháu họ cũng như của chính họ, những năng khiếu đó đã bị cảnh bần cùng hay thất học dốt nát chôn vùi trong cảnh sống di cư của họ. Bầu khí yêu thương, trao đổi, và ý thức bất chợt về các năng khiếu tiềm ẩn của mình đã thay đổi tấm lòng, cung cách sống và bầu khí của toàn khu phố.
Công việc của chị Maria Rita và các bạn trong nhóm rất khó khăn và gian khổ. Nhưng chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Vì trong hơn mười năm làm việc để thăng tiến nhân bản và tinh thần cho các anh chị em này, chị đã học hỏi được rất nhiều điều cao quí và hữu ích cho cuộc sống của chính chị. Đứng trước những con người từng mang nhiều thương tích nơi thân xác và trong tâm hồn, rồi cảnh bạo lực và mọi nghiệt ngã của cuộc sống khiến họ bước vào các ngõ tối cuộc đời, chị Maria Rita đã học được bài học “Hãy có con tim quảng đại, rộng mở và lắng nghe.”
Thái độ này đặc biệt quan trọng đối với các trẻ em và người trẻ là hai lớp người luôn khao khát sự chú ý và tình yêu thương của người khác. Lý do chính khiến cho người trẻ ra đi bụi đời và trở thành nạn nhân của mọi thứ tệ đoan xã hội, đó là vì họ không được chú ý và yêu thương đủ. Sau nhiều năm trợ giúp dân nghèo ở các khu xóm lao động Rôma, thăng tiến cuộc sống nhân bản và tinh thần. Chị Maria Rita Pacxi đã viết một cuốn sách tựa đề “Rác Rưởi”, tả lại cuộc đổi đời mà chị đã quen biết và trợ giúp.
Vì ngang bướng vô kỷ luật nên Maccô và Maria bị nhà trường xa thải và bị gia đình hất hủi. Cánh cửa bụi đời mở ra từ đó. Nhưng khi tới sinh hoạt với nhóm bạn trẻ của chị Maria Rita, Maccô và Maria đã được giải tỏa khỏi mọi mặc cảm và thành kiến, được yêu thương quí trọng và thăng tiến. Các em khám phá ra những nét cao cả của chính mình, bằng cách dùng ngòi bút và hình ảnh kể lại những lý do đã đẩy các em bước vào cuộc đời tội phạm, đó là cảnh bần cùng của gia đình hết đời này sang đời kia và môi trường sống vô nhân trong các khu phố ngoại ô.
Và chị Maria Rita kết luận chính xác như sau:
“Từ ma quỉ Maccô và Maria đã trở thành thiên thần, không phải do cuộc chạm trán giữa sự thiện và sự dữ mà vì các em đã học biết nghệ thuật của niềm hy vọng. Thật ra ma quỉ cũng cầu nguyện đó, nhưng chúng không hy vọng.”
Đọc xong câu truyện trên đây, chúng ta cũng nên tự hỏi: Là người tin vào Chúa Kitô, Đấng đã dạy tôi hãy yêu thương như Người đã yêu tôi, tôi có thể làm gì để thể hiện tình yêu thương đối với những anh chị em cùng khổ, bất hạnh trong xứ đạo, trong khu xóm của tôi, hoặc xa hơn nữa?
dongcong.net