Bí quyết thành công hạnh phúc trong đời, phải lấy chữ NHẪN làm đầu, nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục, kiên nhẫn, như lời thánh Phaolô: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại; chịu đựng và tha thứ cho nhau” ( Cl 3,12-14). Ta thường hiểu nhẫn nhục là đè nén, cắn răng cam chịu thua thiệt. Thực ra nó có nghĩa rất hay = chịu đựng. Chịu là đồng ý chấp nhận; đựng là khả năng dung chứa. Nhẫn nhục không phải là thái độ hèn nhát; mà là mở rộng dung lượng trái tim để chứa đựng những khó khăn lớn. Cùng một nghịch cảnh đưa tới hai số phận khác nhau, chỉ bởi một chữ NHẪN, là chữ tương vàng: ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.
NHẪN không phải là nhượng bộ, mà ở chỗ khi bị lăng nhục, vẫn không động tâm. Cấu tạo chữ Nhẫn trong tiếng Hán (忍) đã biểu đạt được điều này. Bên trên của Nhẫn (忍) là chữ đao sắc bén (刀), bên dưới của Nhẫn (忍) lã chữ Tâm (心). Dùng đao sắc bén đâm vào tim, đương nhiên là đau. Người bình thường bị như vậy phải đau đớn quằn quại, lăn qua lăn lại trên mặt đất. Nhưng chữ Tâm ở bên dưới chữ Nhẫn kia đứng vững yên tĩnh. Biểu hiện không động tâm này là hình ảnh lột tả được nội hàm của Nhẫn. Nhẫn nhục không phải là nhu nhược mà là khí phách, có nhẫn mới làm nên việc lớn. Nhẫn chịu thống khổ, tất có hậu phúc. Sống trên đời, hành lý cần mang theo là lòng kiên nhẫn.
Hãy luyện tập cho trái tim ta luôn có khả năng chịu đựng. Chịu có nghĩa là đồng ý chấp nhận; đựng là khả năng dung chứa. Giả sử lấy một vốc muối bỏ vào trong ly nước, ly nước ấy sẽ rất mặn, không thể uống được. Ném cả tạ muối xuống sông, nước sông vẫn uống được như thường. Lý do, vì lượng nước quá mênh mông, nên số muối ấy chẳng là gì. “Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí” (Gc 5,7-8). Mỗi người quyết tâm “sống từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi“ (x Tv 102,8).
Khi muốn dựng nên một cọng rơm, Thiên Chúa chỉ mất đúng một đêm. Để dựng nên một cây sồi, Người mất cả chục năm! Để trưởng thành, không có những con đường tắt. Như trái trăng cần đủ mùa để nở bông kết trái; như thân xác cần thời gian để lớn lên, các tâm hồn cao cả lớn lên kinh qua những chiến đấu, bão tố, hy sinh. Thiên Chúa không vội vã, nhưng luôn đúng giờ. Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa dùng tiến trình lâu dài để phát triển một nhân cách. Abraham phải đợi đến 100 tuổi mới có được I-sa-ác đứa con trai thừa tự (x St 21,5). Thiên Chúa cũng mất 80 năm để chuẩn bị Môsê giải phóng dân Người khỏi nô lệ Ai Cập (x Đnl 34,7); dù ông rất nôn nóng háo hức… Xưa nay, ta bị ám ảnh quá nhiều về tốc độ; Chúa lại chú ý đến vững mạnh bền chắc. Ta lo lắng để tiến NHANH, Chúa lại quan tâm giúp ta MẠNH. Chúa nhìn cuộc sống ta từ đời đời và cho đời đời, nên không hấp tấp vội vã.
Trái với các đề tựa của những cuốn sách phổ thông như: Những bước dễ dàng để trưởng thành, hoặc Bí quyết của việc nên thánh dễ dàng. Thánh Giacôbê khuyên bảo: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết, đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn ra bằng những việc hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,4).
Trong mọi việc đều phải “nhẫn”, phẩm chất sẽ tự nhiên cao. Nhẫn một lúc, tránh lo trăm ngày. Người biết nhẫn nhịn chuyện nhỏ, mới có thể làm được việc lớn. Nhẫn chịu thống khổ mới tới bến bờ hạnh phúc. Chớ nản lòng. Với Thiên Chúa, trì hoãn không có nghĩa là từ chối. Khi Habacúc thất vọng vì nghĩ Thiên Chúa không ra tay nhanh đủ, Người đáp: “Nếu Ta đến chậm thì cứ đợi chờ, vì thế nào Ta cũng đến, chứ không trì hoãn đâu” (Kb 2,3). “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3,1). Cả con ốc sên cũng kịp thời bò được lên tàu ông Noê nhờ kiên nhẫn!
Nguyễn Trường