Nơi cầu nguyện
Nơi cầu nguyện rất quan trọng: khi người tham dự bước vào, khung cảnh và cách bài trí đã ẩn chứa như lời mời gọi họ đến với tâm tình cầu nguyện. Nếu có thể, hãy cầu nguyện trong nhà thờ, đây có thể là một dấu chỉ cho thấy chúng ta được hiệp thông trong lời cầu nguyện của giáo xứ – nơi cộng đoàn gặp nhau vào Chúa nhật hàng tuần và cùng nhau hướng về một Giáo hội rộng lớn hơn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cũng có thể cầu nguyện trong một căn phòng nào đó hay thậm chí ở ngoài trời, một địa điểm yên tĩnh và ánh sáng không quá chói. Những vật dụng không cần thiết nên được dọn dẹp trước đó, không chi phối người tham dự. Nếu có thể hãy sắp xếp một không gian với một tấm thảm và vài ghế nhỏ hoặc gối, để những ai cần có thể ngồi hoặc quỳ trên sàn. Đây là một dấu chỉ của đức tính đơn sơ; và với cử chỉ của cơ thể, đơn giản như việc quỳ gối hoặc ngồi, có thể xem như đã biểu lộ được lời cầu nguyện rồi. Ghế ngồi có thể đặt ở bên hông hoặc phía sau cho những người cần. Tốt nhất là mọi người cùng quay về một hướng, như thể nhắc rằng chúng ta không chú ý vào chính mình, nhưng vào Đức Kitô. Tiêu điểm có thể là bàn thờ nếu buổi cầu nguyện diễn ra trong nhà thờ; hoặc là một hoặc vài bức icon hoặc một cuốn Kinh Thánh (đang mở) nếu như cầu nguyện ở nơi khác. Nếu có thể đặt nến tại những tiêu điểm này thì rất tốt: mọi thứ nên được sắp xếp đơn giản. Phong cách điềm đạm này (chẳng hạn như những bức vẽ icon từ truyền thống của Chính thống giáo) thì thường tốt hơn cách trang trí nhiều màu sắc. Sắp xếp những cây nến cách ngẫu nhiên, tựa như những ngôi sao trên bầu trời đêm cũng là một cách hiệu quả, thay vì một vài cây nến được sắp xếp theo kiểu đối xứng với nhau. Những miếng vải màu (ít họa tiết) và bông hoa hoặc những cành khô cũng có thể được sử dụng. Điều cần hướng tới chính là nét đẹp và sự đơn sơ.
Tốt nhất là nơi cầu nguyện phải được chuẩn bị sẵn và yên lặng trước khi mọi người đến. Nếu có tập hát trước đó, thì nên tập hát nên nhẹ nhàng để mọi người bước vào buổi cầu nguyện với một tâm thế bình an. Riêng người có trách nhiệm về âm nhạc cần ý thức rằng chủ đích ta nhắm đến không phải là một buổi hòa nhạc: vẻ đẹp của việc ca hát là giúp cộng đoàn hát lên tâm tình cầu nguyện của họ. Trong một nhóm lớn, có thể có một ca đoàn và những nhạc công. Vai trò của họ là hỗ trợ cho việc ca hát của cộng đoàn. Tốt nhất nếu ca đoàn và nhạc công ngồi ở bên hông hoặc phía sau, để người tham dự không bị chia trí tầm mắt. Tương tự, linh mục hoặc người dẫn nguyện không đứng ở phía trước cộng đoàn. Dĩ nhiên vẫn cần người quyết định bài nào được hát, thứ tự những phần khác nhau trong buổi cầu nguyện, v.v,…. Nhưng trong suốt quá trình cầu nguyện, không ai đứng lên ở phía trước (ngoại trừ những người có trách nhiệm: đọc bài đọc hay ban phép lành cuối cùng). Những thông báo diễn tiến buổi cầu nguyện nên hạn chế tối thiểu; nếu thực sự cần thiết, có thể thông báo nhẹ nhàng, từ phía sau hoặc giữa cộng đoàn.
Cấu trúc của buổi cầu nguyện
Buổi cầu nguyện thường bao gồm các bài hát Taizé, một hoặc hai bài đọc ngắn từ Kinh Thánh, một khoảng thời gian thinh lặng, và cuối cùng là lời nguyện cộng đoàn.
Tuy một vài bài hát Taizé mang hơi hướng khác, nhưng hầu hết những bài còn lại đều ngắn, đơn giản, và được lặp đi lặp lại nhiều lần để cộng đoàn hát cùng nhau. Buổi cầu nguyện sẽ sâu lắng hơn nếu có những ca viên có khả năng hát những bè khác. Thông thường, những bài Taizé được viết ở thể hòa âm bốn bè (soprano-nữ cao, alto-nữ trung, tenor-nam cao, và bass-nam trầm); một số khác được soạn dưới dạng luân khúc (canon) – khi giai điệu bài hát được lập lại, và hát đuổi theo bè chính không lâu sau đó. Dạng này khi hát cần thêm một chút kinh nghiệm. Nếu cảm thấy không quen thuộc, chỉ cần hát giai điệu chính là đủ. Tuy nhiên, nếu trong cộng đoàn có những ca viên có thể hát bè 2, thì bài hát sẽ hay hơn nhiều. Trong quá trình chuẩn bị, nếu gặp phải những bài có bốn bè phức tạp, ta có thể hát hai bè là đủ; trong trường hợp này luôn ưu tiên hát bè nữ cao và nam trầm.
Khi cầu nguyện trong cộng đoàn lớn, sẽ tốt hơn nếu có sự hiện diện các ca viên vững bè, nhằm giữ cho nền hòa âm được chuẩn xác. Khi ấy, một ca viên có thể lĩnh xướng vài phiên khúc (trong sách lĩnh xướng Taizé), trong lúc cộng đoàn tiếp tục hát. Ngoài ra, Taizé cũng có một số bài hát nhất định mà khi hát phải luân phiên giữa “oh…” và những câu hát bình thường. Trong lúc cộng đoàn hát “oh…” thì sẽ có ca viên lĩnh xướng một dòng giai điệu khác để làm cho bài hát phong phú hơn.
Tất cả những bài hát Taizé đều có thể hát không cần nhạc đệm. Mặc dù vậy, các thầy cũng đã có biên soạn một tập sách dành riêng cho nhạc cụ, được sử dụng khi cần thiết. Trong buổi cầu nguyện thông thường, nên có một keyboard (đàn organ điện tử) hoặc đàn ghita đệm cho cộng đoàn để giữ vững cao độ và nhịp phách, tránh việc cộng đoàn hát trì trệ và lệch tông. Khi đệm, không nên chơi quá lớn vì có thể lấn át tiếng hát của cộng đoàn. Đàn keyboard nên sử dụng âm sắc “cổ điển”, tránh các loại tiếng mang âm sắc “điện tử”. Riêng đàn ghita nên sử dụng kĩ thuật móc cổ điển, thay vì rải hợp âm, để giúp các bài hát luôn ở trong trạng thái suy niệm. Mục đích cao cả của nhạc cụ là phải luôn luôn nâng đỡ và hỗ trợ cho các bè.
Một thể loại khác trong các bài Taizé là Alleluia và Kyrie eleison. Các bài này thường là câu tung hô hoặc câu đáp được hát bởi cộng đoàn, luân phiên với lĩnh xướng (có thể là lời ca hoặc lời nguyện). Khi ấy, cộng đoàn sẽ kéo dài âm “oh” hoặc “hmm” sau câu đáp, và người lĩnh xướng sẽ hát hoặc ứng tấu các phiên khúc. Có một điểm cần lưu ý là hòa âm của phần “oh” thường sẽ thay đổi ở đoạn cuối trước khi lặp lại câu đáp. Việc xướng cùng nhau sẽ tạo nên một âm thanh vang dội, đồng điệu trong sự khác biệt của từng cá thể; cùng nhau ca tụng Thiên Chúa trong tình liên đới. Riêng những bài Kyrie eleison, đôi lúc người lĩnh xướng cũng có thể đọc lời nguyện trong lúc cộng đoàn hát “hmm…” chứ không hát thành giai điệu. Nếu cộng đoàn không thể hát “hmm…” hay “oh…”, người lĩnh xướng có thể thay thế câu hát bằng những lời nguyện thông thường. Tốt nhất nên chuẩn bị lời nguyện trước khi bước vào buổi cầu nguyện. Trong suốt thời gian thinh lặng, cộng đoàn có thể đến với Chúa bằng những lời nguyện riêng của họ, vì vậy những lời nguyện mang tính cá nhân không phải lúc nào cũng cần thiết. Cần cố gắng cô đọng và tóm gọn lời nguyện, không nên sử dụng quá nhiều từ ngữ. Ngoài ra, giữa những lời nguyện không nên có thinh lặng.
Sứ mệnh của các bài Taizé là giúp mọi người ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy cố gắng hát đủ lâu, để sự chia trí trong cộng đoàn được vơi đi, tạo điều kiện cho ca từ thẩm thấu vào tâm trí: thông thường mỗi bài hát kéo dài khoảng từ bốn đến sáu phút. Số lần hát không cần phải ấn định từ trước, nhưng một ca viên hay nhạc công có thể được phân công để kết thúc bài hát và bắt đầu bài tiếp theo. Không ấn định về thời gian giúp mỗi người cảm nếm được sự tự do trong việc cầu nguyện. Người dẫn có thể lắng nghe và quan sát cộng đoàn, nếu như họ vẫn còn hát hăng say thì ta có thể kéo dài bài hát một chút hoặc kết thúc sớm hơn tùy trường hợp.
Đa số các bài Taizé đã được dịch qua nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi bài hát đang được cất lên, ta không nên dịch chuyển qua ngôn ngữ khác. Điều này rất quan trọng vì có thể gây chia trí cho cộng đoàn. Đồng điệu trong ngôn ngữ và ca từ là cách tốt nhất để thẩm thấu ý nghĩa của bài hát.
Cũng nên quan tâm đến nhịp phách, vì các bài hát sẽ hay nhất khi nhịp được giữ vững và hướng về phía trước, không kéo dài lê thê. Mặt khác, nên cẩn trọng hát đúng trường độ của những nốt nhạc như được viết. Đôi lúc người hát có khuynh hướng lướt nhanh những nốt dài hoặc ngân dài những nốt ngắn, hoặc đặt dấu nhấn sai chỗ. Những điều này làm giảm đi vẻ đẹp của âm nhạc Taizé.
Không có quy luật chính xác bài hát nào sẽ được sử dụng vào thời điểm nào. Những ca từ hầu hết được lấy từ Kinh Thánh; số còn lại lấy từ lời nguyện của các thánh hoặc các nguồn khác. Khi chọn bài hát, người tổ chức có thể xem xét dựa trên chủ đề và sắc thái âm nhạc mà mình mong muốn có trong buổi cầu nguyện, đôi lúc có thể liên kết với bài đọc Kinh Thánh. Chương trình sẽ tốt hơn nếu có sự đa dạng về màu sắc – một số bài êm đềm và dễ suy niệm hơn, một số bài vui tươi hân hoan hơn. Tuy nhiên cần tránh xen kẽ hai màu sắc này với nhau, có thể gây đứt quãng trong tâm tình cầu nguyện.
Lưu ý cuối cùng: các thầy trong Cộng đoàn Taizé và những bạn trẻ đến thăm Taizé đến từ các giáo hội khác nhau, có cả Công giáo và Tin lành. Thầy Roger, vị sáng lập Cộng đoàn Taizé, đã không ngớt nhớ đến lời nguyện mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài: “Nguyện xin cho họ nên một, nhờ vậy mà thế gian sẽ tin.” Hình thức cầu nguyện này có thể mở ra nhiều triển vọng cho các nghi lễ mang tính đại kết. Không gây nên các vấn đề khó khăn về thần học và quản trị, đây có thể là một cách thức giúp các tín hữu thuộc các truyền thống khác nhau nhận ra rõ hơn rằng: tất cả đều là những người đi theo cùng một Thiên Chúa, Đấng khao khát hiệp nhất tất cả các môn đệ của Ngài lại, nên như một chứng tá cho tình yêu thương của Cha Ngài.
Cộng đoàn Taizé
Nguồn: hdgmvietnam.com