Thiên Chúa, Đấng trao ban món quà là khôn ngoan,
Và tôi là kẻ kiếm tìm.
Ai là kẻ kiếm tìm? Đó là kẻ thành tâm khao khát được biết, được triển nở, và được dư đầy. Và tôi, tôi đang tìm kiếm điều gì? Điều cao quí nhất tôi đang tìm là sự KHÔN NGOAN. Khôn ngoan là dạng thức cao nhất của tri thức, vốn được nảy sinh không chỉ từ trí năng, nhưng còn từ kinh nghiệm sâu xa của con người. Mẫu thức cao nhất của tri thức là chính THIÊN CHÚA.
Vua Salômôn yêu mến sự khôn ngoan. Ông diễn tả sự khôn ngoan như sau:
Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quí và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm… Đức Khôn Ngoan đã được truyền thụ những hiểu biết về Thiên Chúa, và chính Đức Khôn Ngoan quyết định về những công trình của Người. (Kn 8: 2-4)
Ngay lúc này, tôi có đang kiếm tìm THIÊN CHÚA trong đời sống của tôi chăng? Nếu tôi tìm kiếm Thiên Chúa, Ngài sẽ tìm thấy tôi (không phải tôi tìm được Ngài). Và đó là một huyền nhiệm. Ngài đã ban cho tôi sự khôn ngoan. Và sự khôn ngoan, một món quà đặc biệt, được thông ban qua những cơ hội, những kinh nghiệm, và thậm chí qua cả những lỗi lầm, thiếu sót. Món quà khôn ngoan đặc trưng ở chỗ nó chỉ xuất hiện khi tôi nhận ra bài học từ những lỗi lầm, thất bại, hay khi nhận ra một cơ hội nào đó đang được trao cho tôi, hay khi tôi nhận ra một biến cố trong đời vốn tôi phải tiến tới thái độ phản tỉnh sâu sắc hơn.
Chúng ta đang sống trong thời đại ‘bùng nổ thông tin’ – có quá nhiều thông tin đến nỗi chúng ta không biết phải chọn cái nào cho hợp lẽ. Cùng với chuyện mạng Internet trở nên thứ nằm trong tầm tay mỗi người, thì một cuộc cách mạng công nghệ thông tin gần đây đã làm đổi thay cả địa cầu. Nhiều người thừa nhận rằng trẻ em trong thời đại của chúng ta ‘am hiểu’ nhiều hơn cả người lớn. Thế nhưng, có thể nói được rằng sự KHÔN NGOAN đang dần biến mất trong một viễn ảnh như thế – cũng chẳng khác gì việc nhiều loại ngôn ngữ và chữ viết đang dần biến mất trên đất nước này (tác giả đang muốn nói về đất nước Ấn Độ)! Phàm ai là cha mẹ, người ấy hiển nhiên cần sự khôn ngoan. Điều mà bằng bất cứ giá nào cha mẹ cần hướng đến chính à một tương lai rạng ngời cho con cái.
Chúng ta đang hướng con cái đến một tương lai tốt đẹp trong khi chúng ta (những người lớn) lại hành động cách vô trách nghiệm đối với những nguồn tài nguyên mà những người trưởng thành của tương lai cần đến!!! Người ta bận tâm, lo lắng nhiều cho hiện tại, nhưng hầu như chẳng làm gì để đảm bảo một tương lai tốt đẹp. Những giá trị đạo đức và cảm thức nhân loại dường như bị hạ thấp và nhấn chìm trong một thế giới cạnh tranh ‘khốc liệt.’ Những ai được xem là khôn ngoan thì đã quyết không tham gia vào cuộc chạy đua điên khùng này.
Có một sự giảm trừ đáng kể về mối quan tâm đến sự khôn ngoan. Chúng ta cần trở nên những KẺ KIẾM TÌM và chỉ qua đó, chúng ta mới có thể trở nên tương hợp với sự khôn ngoan. Kẻ kiếm tìm không thuộc loại người chỉ biết vun vén cho mình. Kẻ ấy nỗ lực không ngừng hầu đặt mình trong tâm thế TÌM KIẾM THIÊN CHÚA, ĐẤNG BAN PHÁT SỰ KHÔN NGOAN.
Có hai vấn đề ngày nay chúng ta phải đối diện trong việc tìm kiếm Thiên Chúa:
- Những sao nhãng
Khi tâm trí trở nên yếu đuối, chúng ta dễ dàng bị sao nhãng. Thế giới bên ngoài thực là quyến rũ và thu hút, chính vì vậy chúng ta đôi khi trở nên gắn bó với thế giới ấy, mà chẳng có một nỗ lực gì để nhận ra. Tâm trí chúng ta xem đó là điều tốt và vì vậy cứ bám chặt lấy nó. Ngay cả những lo âu cũng là một sự gắn bó hay một sự quyến luyến tồn tại trong ta! Đó là một sự gắn bó với điều vốn bao trùm lên cả cái người ta chỉ có thể làm chủ một phần, và cả cái mà người ta không điều khiển được chút nào.
- Tình trạng bão hòa
“Tôi biết đủ rồi,” “tôi đã học đủ rồi,” hay “Thiên Chúa đã nghe lời tôi cầu xin rồi,” hay “tôi và Chúa đã có một tương quan gần gũi vừa đủ rồi!” – tất cả những thái độ như thế chỉ cho thấy rằng đang có tình trạng bão hòa nào đó khởi đi từ sự nhàm chán hay một cảm giác dư thừa. Tình trạng bão hòa như thế cũng có thể đến từ lý do tuổi tác. Khá thường xuyên, chúng ta nghĩ rằng bởi vì đến độ tuổi nào đó, chúng ta biết được về nhiều thứ rồi, hoặc đã đạt được một vị trí nào đó rồi, nên chúng ta có thể khẳng quyết những am hiểu và cả sự khôn ngoan, ngay cả đối với những chủ đề chúng ta không biết rõ. Với cả cái bão hòa đến từ sự nhàm chán và lý do tuổi tác, chúng ta sẽ ngừng lại trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.
Tôi có đang tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng ban cho tôi quà tặng sự khôn ngoan, hay chẳng còn ham hở kiếm tìm Ngài nữa rồi?
Kinh Thánh nói
- Thánh Vịnh 111:10
Kẻ kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy. Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Ngài.
- Gia-cô-bê 1:5
Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.
- Châm Ngôn 16:16
Được khôn ngoan tốt hơn được vàng, được hiểu biết tốt hơn được bạc.
- Đa-ni-en 2:23
Lạy Ngài là Chúa của tôt tiên chúng con, con cảm tạ và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã cho con sự khôn ngoan và sức mạnh. Và giờ đây, Ngài đã cho con biết chuyện của nhà vua.
Người ta nói
- “Đời sống là quà tặng của tự nhiên, nhưng sống đẹp là quà tặng của sự khôn ngoan.” – Greek Adage
- “Khôn ngoan là hồng ân đặc biệt vốn cho phép con người có khả năng nhìn mọi sự với cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa. Một cách mộc mạc và đơn sơ, khôn ngoan là chiêm ngắm những cảnh huống, những những tình thế, những vấn nạn, và mọi sự thuộc về thế giới dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Khôn ngoan là thế đó. Chúng ta thường nhìn điều này điều nọ theo cách chúng ta muốn hay theo con tim nhân loại vốn gắn liền với cả những thiện cảm và ác cảm, với cả những đố kỵ, ghen tương. Không! Đó không phải là ánh mắt của Thiên Chúa. Khôn ngoan là chính hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta, và nhờ đó mỗi người có thể nhìn mọi sự dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Và đó chính là món quà sự khôn ngoan.” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
- “Biết mình là căn nguyên của mọi lẽ khôn ngoan.” – Aristotle
- “Ta khả dĩ học được điều khôn trong ba cách này: Thứ nhất là qua việc suy tư phản tỉnh, vốn được xem là cao quí nhất; Thứ hai là noi gương bắt chước, cách này xem ra là dễ nhất. Và thứ ba là qua kinh nghiệm, ở cách này, người ta sẽ phải nếm vị đắng cay nhất.” – Khổng Tử
[Mời quí độc giả đón đọc những nội dung tiếp theo của cuốn sách qua các số sau]
Tác giả: Robin Seelan, S.J.
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.
Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 26-31.