Mùa xuân và mùa Phục sinh có những điểm tương đồng. Sau một thời gian khẳng khiu trụi lá với tiết trời ảm đảm, lạnh giá của mùa Đông, cây cối và muôn loài thụ tạo trở nên dẻo dai, kiên cường, mạnh mẽ để sẵn sàng tái sinh vào mùa Xuân, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, chim hót líu lo. Sau mùa Đông là mùa Xuân, sau mùa Chay là mùa Phục sinh. Mùa Chay là mùa thao luyện thiêng liêng, mùa của cầu nguyện, khổ chế, suy niệm cuộc thương khó và thập giá của Chúa Giê-su, ăn chay, bác ái. Còn Phục sinh là thời điểm ta được tháo cởi khỏi các xiềng xích để được tái sinh và biến đổi đời sống tươi mới với những bất ngờ mới, niềm vui mới dưới ánh nắng mặt trời ấm áp, tươi sáng. Phục sinh không chỉ là biến cố lịch sử xảy ra hơn 2000 năm trước, mà còn là mầu nhiệm mời gọi ta sống Phục sinh hằng ngày trong từng khoảnh khắc, hoàn cảnh sống của chúng ta.
Tin Mừng mùa Phục sinh cho ta biết những cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Phục sinh đã làm cho nhiều nhân vật được biến đổi cuộc đời. Từ một Phê-rô hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa ba lần (Mt 26, 35; Mc 14, 29-31; Lc 22, 33; Ga13, 37-38) đến một con người can đảm, có trách nhiệm, trở thành người được Chúa Giê-su tin tưởng đặt làm tông đồ cả lãnh đạo Giáo hội chỉ với ba lần hỏi, “Anh có yêu mến Thầy không?” Sự chân thành, khiêm tốn của Phê-rô đã làm Chúa cảm kích, trao cho ông trở thành người “chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,15-19). Từ đó, Phê-rô thoát ra khỏi tính nhát sợ thủa ban đầu và hăng say rao giảng Tin Mừng, ngay trong bài giảng đầu tiên rất hùng hồn đã rửa tội cho 3.000 người Do Thái (Cv 2: 36-41). Ma-ri-a Ma-đa-lê-na từ một con người được Chúa đuổi bảy quỷ (Lc 8, 1-3) trở nên một người can đảm, ra mồ Chúa Giê-su từ sáng sớm, gặp gỡ Chúa Giê-su Phục sinh và mau mắn chạy đi báo tin cho các môn đệ biết Chúa đã sống lại (Mc 16: 9-15; Ga 20: 11-18). Mẹ Ma-ri-a đã có nhiều lo lắng, ưu tư trong lúc đáp lời “xin vâng” làm mẹ Chúa Cứu Thế khi được thiên thần Chúa báo tin (Lc 1, 26-38). Đặc biệt trong suốt cuộc Thương khó và thập giá của Chúa Giê-su, Mẹ đã chịu nhiều đau khổ, buồn sầu khi thấy Con Mẹ phải chịu nhiều đau đớn thể lý và tinh thần (Ga 19, 17-42). Tuy các sách Tin Mừng chỉ nói Chúa Giê-su hiện ra với bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, với hai môn đệ trên đường Emmau, và sau đó với mười một Tông đồ (Mc 16: 9-15), không chỗ nào đề cập đến Chúa việc Chúa Giê-su hiện ra với Đức Ma-ri-a, Mẹ mình. Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng Chúa đã hiện ra với Mẹ, và qua cuộc gặp gỡ này Ngài đã đem lại cho Mẹ một niềm vui thật lớn lao. Quả thật, cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Phục sinh đã làm cho nhiều người được tái sinh và biến đổi.
Trong suốt mùa Chay, chúng ta suy niệm về cuộc Thương khó và Thập giá của Chúa Giê-su. Chúng ta ca ngợi quyền năng Chúa Giê-su Phục sinh đã chiến thắng sự dữ, ma quỷ, tội lỗi, và tử thần. Biến cố Phục sinh của Chúa Giê-su không chỉ dừng lại là biến cố lịch sử Chúa Giê-su đã chịu chết, và sau ba ngày đã sống lại. Cha Roland Roheiser (2015) gợi ý trong cuốn sách Cuộc Thương Khó và Thập Giá (The Passion and the Cross) rằng Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết mời gọi chúng ta sống biến cố Phục sinh trong cuộc sống bằng cách làm sống lại từ “những nấm mồ nho nhỏ” mà hằng ngày chính chúng ta tự chôn vùi mình trong đó. Như vậy chúng ta cần làm gì để sống biến cố Phục sinh trong cuộc sống hằng ngày của mình?
Thứ nhất, chúng ta cần nhìn những thứ quen thuộc hằng ngày bằng một cái nhìn mới, cởi mở đón nhận sự ngạc nhiên, làm mới mọi sự bằng cái nhìn của đức tin. Sống niềm tin vào Chúa Giê-su Phục sinh khiến chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể biến những nấm mồ của sự ích kỷ, tức giận, gian tham, ghen ghét, hận thù trong lòng ta thành một cuộc sống lại tươi mới, đầy sức sống của Đấng Phục sinh và lan toả sự sống mới đó cho mọi người xung quanh.
Thứ hai, một thông điệp quan trong của Phục sinh là mỗi khi chúng ta cảm thấy mình bị mất đức tin, bị nản lòng và mất niềm hy vọng, chúng ta cần quay trở lại “Ga-li-lê” và “Giê-ru-sa-lem,” trở lại với thủa ban đầu nơi thắp sáng lên trong ta những niềm hy vọng, ước mơ và tình huynh đệ để soi dẫn cho ta những khi đi sai lệch trên đường đời (Roheiser, 2015). Mỗi một sự thay đổi, dù là nhỏ hay lớn trong nỗ lực chúng ta hoán cải và biến đổi trái tim để trở thành người biết lắng nghe hơn, sống tự do, bác ái, bình an, tốt lành và yêu thương hơn là dấu chỉ chúng ta đang sống biến cố Phục sinh trong đời sống hằng ngày của mình.
Thứ ba, sống biến cố Phục sinh trong cuộc sống hằng ngày là giúp người khác xoa dịu những đau khổ thể xác và tinh thần, giúp họ nhìn đau khổ với một cái nhìn tích cực hơn. Trong kinh nghiệm làm Tham vấn và Trị liệu Tâm lý, tôi đã có nhiều cơ hội lắng nghe và trải nghiệm sống biến cố Phục sinh trong đời sống hằng ngày của các bệnh nhân đến với tôi. Thường họ đến mang theo nhiều nỗi đau khổ, mất mát dẫn đến bế tắc, buồn chán trong cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, tình cảm và các mối tương quan. Thậm chí có nhiều người buồn chán đến nỗi không muốn sống, đã từng có suy nghĩ tự tử và có kế hoạch tự tử nhiều lần. Trong quá trình đồng hành cùng họ, tôi cùng họ đi con đường thập giá trong những nỗi đau thương cuộc đời họ. Những biến cố này khiến họ có nhiều suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, chẳng hạn như nghĩ mình vô dụng, không có giá trị, sống phải lệ thuộc vào người khác và chỉ là gánh nặng cho gia đình… Những suy nghĩ tiêu cực này khiến cho họ cảm thấy thất vọng, buồn chán, bất lực, và mất niềm tin tưởng. Nhiều khi những bế tắc của cuộc sống có thể do họ hiểu lệch lạc, tiêu cực về bản thân; nhiều khi cũng do áp lực từ phía bên ngoài của những người thân trong gia đình, bạn bè, xã hội không hiểu họ và áp đặt họ phải thay đổi; trong khi họ không đủ năng lượng và lý trí để vượt qua. Chính những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đã khiến họ sống khép kín, không muốn giao tiếp với người khác. Có người đã tham gia vào các hành động rủi ro tới sức khoẻ như nghiện ngập (uống rượu, bia, chất kích thích, thuốc lá điện tử), tính dục, cờ bạc, tiều sài phung phí… Họ cần một người lắng nghe, thấu hiểu, cho họ niềm tin và nghị lực để có thể sống một cuộc sống bình thường mới. Họ cần những Veronica của thời đại mới lau khăn xoa dịu những vết thương lòng của họ; họ cần một Simion vác đỡ họ một chút gánh nặng của thập giá đời họ khi họ không thể tự mình làm được ngay cả những sinh hoạt cá nhân hằng ngày rất đơn giản; họ cần những người phụ nữ thành Giêrusalem cảm thông và hiện diện với họ trong nỗi bế tắc cuộc đời. Những người đau khổ thể lý và tinh thần cần sự hỗ trợ của người khác để được tái sinh và biến đổi.
Cha Roland Roheiser (2015) nói thách thức của sống Phục sinh là nỗ lực lắng nghe tiếng vang vọng của thứ Sáu Tuần Thánh. Sống Phục sinh trong cuộc sống hằng ngày có thể được thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau:
– Mỗi khi chúng ta chăm sóc mình tốt như trau dồi đời sống tâm linh, ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục, giải trí phù hợp là chúng xây dựng hình ảnh sống động của Chúa Phục sinh ngay trong bản thân con người mình.
– Mỗi khi chúng ta lắng nghe và thấu cảm nỗi đau của thế giới và những người sống xung quanh, và có những nghĩa cử trao ban sự sống như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng người đau khổ, tù tội, hiếu khách, yêu ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội… (Kinh Mười Bốn Mối) là chúng ta giúp họ sống tái sinh, sống có nhân phẩm, tự do và công bằng bác ái hơn.
– Mỗi khi chúng ta chia sẻ một niềm vui nhỏ như một món quà, một tin vui với những người sống trong gia đình, cộng đoàn, lối xóm là chúng ta mang tin mừng Chúa Phục sinh đến cho mọi người.
– Mỗi khi chúng ta đón nhận sự tha thứ hay thứ tha cho một người nào đó làm tổn thương mình, chúng ta buông bỏ gánh nặng cuộc sống cho mình và cho người khác, đồng thời kết nối lại các mối tương quan tốt đẹp hơn.
– Mỗi khi chúng ta sống niềm tin phó thác rằng Thiên Chúa có thể giúp ta phá tan bức tường của ích kỷ, ghen ghét, giận hờn, thất vọng để sống hài hoà, bình an, vui tươi hơn với người khác.
– Mỗi khi có dịp gặp gỡ những người thân yêu, bạn bè mọi người đoàn kết đông đủ, chia sẻ các câu chuyện vui vẻ đời thường, được đón tiếp nhiệt tình và sống hết mình với nhau để sống tốt đẹp hơn.
Mùa Phục sinh thường đến khi những bông hoa loa kèn (Easter Lily) chớm nở. Hoa loa kèn là loại hoa được dùng trong dịp lễ Phục Sinh vì truyền thống cho rằng hoa loa kèn không chỉ tượng trưng cho Chúa Giêsu qua vẻ thuần khiết, tinh tuyền của màu hoa trắng tinh, mà bông hoa hình loa kèn giống như chiếc kèn trumpet loan báo cho muôn dân biết biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu. Hoa loa kèn phát triển từ củ nằm sâu trong lòng đất vài năm trước khi có thể nở thành bông hoa đẹp. Chu kỳ phát triển của hoa loa kèn tượng trưng cho cuộc Thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Sống tâm tình mùa Phục sinh, chúng ta được mời gọi sống tái sinh và biến đổi mỗi ngày để trở nên những nhân chứng của niềm tin yêu và hy vọng, luôn sẵn sàng hăng say loan báo Tin mừng Chúa Phục sinh đến cho mọi người xung quanh, đặc biệt tới nhưng ai đang xa lìa tình yêu thương của Chúa và chưa nhận biết Chúa. Ước gì trải nghiệm thấy Chúa Phục sinh trong đời và được biến đổi thúc đẩy chúng ta sống chứng tá Tin Mừng trong thế giới hôm nay như bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã mau mắn đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa” (Ga 20, 18). Allêluia! Allêluia!
Tôi sống và loan báo Tin mừng Chúa Giêsu Phục sinh như thế nào trong đời sống hằng ngày của tôi?
Sr. Maria Lê Kim Yến
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
Nguồn: https://uybangiaoduchdgm.net/