Chúa Chiên Lành – Mục tử biết cúi xuống

10/05/2025

CHÚA CHIÊN LÀNH – MỤC TỬ BIẾT CÚI XUỐNG

Lễ Chúa Chiên Lành – Năm C

“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga 10,27)

Ngày lễ Chúa Chiên Lành năm nay (2025) diễn ra giữa thời khắc đáng nhớ của Giáo hội: một vị Giáo Hoàng – Đức Lêô XIV – vừa được chọn làm người kế vị thánh Phêrô. Nhưng điều gây chấn động không phải là quốc tịch, khả năng về ngôn ngữ hay bằng cấp của Ngài, mà là cách Ngài sống những giá trị Tin Mừng như một người Mục Tử thực sự: âm thầm, gần gũi, và cúi xuống.

Tâm sự của một người Công Giáo khi Đức Lêô XIV được bầu làm Giáo hoàng như sau:

Khi khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, khi tiếng chuông đại hồng ngân vang giữa bầu trời Rôma, và khi vị tân Giáo hoàng bước ra ban công với ánh mắt hiền từ, tôi đã bật khóc.

Không phải vì bất ngờ. Tôi khóc vì tôi nhận ra khuôn mặt ấy. Đó không phải là hình ảnh của một người bước lên ngai vị quyền lực, mà là dáng hình thân thuộc của một mục tử từng đi qua những mái nhà tranh ở Trujillo, từng vượt rừng, lội suối để mang thuốc đến cho người bệnh, từng nhường bữa ăn duy nhất trong ngày cho một người mẹ trẻ không còn gì trong bụng.

Đức Lêô XIV, nguyên là Hồng Y Robert Prevost – không xuất hiện nhiều trên truyền thông – nhưng trong đời sống mục vụ của người dân Peru, ngài là “cha Roberto”, người mục tử biết đến khi ai đó đau khổ, không phân biệt ngày hay đêm, nắng hay giông. Từng bước chân của ngài, từng giọt mồ hôi, từng hành động âm thầm đều mang lấy hương vị của Tin Mừng (https://tonggiaophanhue.org/tong-hop/suy-tu/tam-su-cua-mot-nguoi-cong-giao-khi-duc-leo-xiv-duoc-bau-lam-giao-hoang/).

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là “Mục Tử Nhân Lành”, Đấng “hiến mạng sống vì đoàn chiên”. Người không phải là kẻ chăn thuê – đến để tìm kiếm danh vọng – nhưng là Đấng chấp nhận đau khổ, bị khước từ, và cuối cùng là chịu chết, chỉ để đoàn chiên được sống và sống dồi dào viên mãn.

Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV là một biểu tượng sống động cho hình ảnh ấy:

– Không rao giảng bằng những khẩu hiệu, mà bằng những bước chân lặng lẽ đi qua vùng đất bị cô lập.

– Không tìm xây dựng hình ảnh “lãnh đạo”, mà là Mục tử đồng hành, biết lắng nghe không cần nói nhiều.

– Không chọn an toàn, mà chọn hiện diện ở nơi người khác không dám đến.

Hôm nay, giữa một thế giới đầy tiếng ồn, đầy những tham vọng quyền lực, thành công…, Chúa Giêsu mời gọi ta trở về với mẫu gương Mục Tử thật sự:

– Tôi có dám ra khỏi “vùng an toàn” để đến với người bị loại trừ?

– Tôi có biết sống đức tin như một người phục vụ – hay chỉ tìm giữ mình ở vị trí trung tâm?

– Tôi có nhận ra tiếng Chúa qua tiếng kêu thầm lặng của người nghèo, người bị tổn thương quanh mình?

Một Giáo hoàng “từ bên lề” đã được chọn – như một dấu chỉ mạnh mẽ rằng Hội Thánh không sống nhờ địa vị, mà nhờ sự hiện diện đầy yêu thương. Không sống nhờ lý thuyết, mà nhờ những bước chân biết dừng lại để nghe, để đồng hành và nhất là để cúi xuống.

Xin cho chúng ta – mỗi người – cũng trở nên “Mục Tử” trong chính môi trường sống của mình: trong gia đình, nơi công sở, ngoài xã hội… để biết nhận ra chiên của mình, biết gọi tên họ, và dẫn họ về với Đấng duy nhất là Chúa Chiên Lành thật sự.

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, xin cho chúng con biết sống yêu thương như Chúa: âm thầm, lặng lẽ, và cúi xuống. Để mỗi người gặp chúng con, đều nhận ra hình ảnh của Chúa. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tiến