Đức cậy là gì và khác với đức tin như thế nào?

11/02/2025

Đức tin và đức cậy đan xen nhau sâu sắc, nhưng chúng không giống hệt nhau. Trong khi đức tin đưa chúng ta đến với chân lý của Chúa, thì chính đức cậy thúc đẩy chúng ta hướng đến sự thiện hảo của Ngài.

Đức cậy, hay hy vọng, chắc chắn là nhân đức đối thần bị bỏ quên nhiều nhất. Đức cậy, vốn ít được cảm nhận một cách trực giác hơn hai nhân đức chị em là đức tin và đức ái, có thể khó định nghĩa và dễ bị bỏ qua. Tệ hơn nữa, mối tương quan giữa đức cậy và đức tin thường là nguồn gây nhầm lẫn. Xét cho cùng, nếu đức tin đã cho chúng ta sự đảm bảo rằng Thiên Chúa là có thật và kế hoạch của Ngài là tốt lành, thì đức cậy được coi là đóng vai trò gì trong đời sống Kitô giáo? Điều gì làm cho đức cậy trở nên đặc biệt?

Để trả lời những câu hỏi này, điều đáng ghi nhận ngay từ đầu là đức tin và đức cậy là những nhân đức có liên hệ mật thiết với nhau. Thật vậy, đức tin là nền tảng cho đức cậy, và đức cậy không thể tồn tại nếu không có đức tin. Ví dụ, trong thông điệp Spe salvi năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói về “cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay, về cơ bản là cuộc khủng hoảng về đức cậy Kitô giáo” (số 17). Nói cách khác, sự mất đức tin của thời hiện đại cũng là sự mất đức cậy. Đồng thời, điều quan trọng là phải nhận ra rằng Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta ba nhân đức đối thần vì cùng một lý do; vì vậy, mặc dù đức tin và đức cậy có thể liên quan đến nhau, nhưng chúng ta biết rằng chúng không phải là một (1 Côrintô 13:13).

Khi nói đến việc định nghĩa đức cậy, điều quan trọng là phải phân biệt giữa hy vọng như một sự say mê (hoặc cảm xúc) và đức cậy như một nhân đức đối thần. Là con người, chúng ta luôn nói về việc hy vọng vào kết quả này hay kết quả kia – thời tiết tốt hơn, phục hồi nhanh chóng, tăng lương, v.v… Hy vọng theo nghĩa thô sơ này là trung lập về mặt đạo đức. Đó là một niềm say mê trong tâm hồn có thể hướng đến cả mục đích tốt và xấu; ai đó có thể hy vọng vào một điều tốt lành, ví dụ như việc một người bạn được chữa lành, hoặc một điều xấu, ví dụ như hoàn thành một thủ thuật phá thai…

Do đó, ngoài góc nhìn thần học, không có lý do gì để coi hy vọng là một nhân đức. Chỉ khi niềm hy vọng được siêu nhiên hóa, như triết gia Josef Pieper giải thích, thì niềm hy vọng mới trở thành một khuynh hướng thường xuyên hướng đến điều tốt lành. Đặt trong khuôn khổ thần học, đức cậy vượt qua các kiểu say mê và được biến đổi thành một nhân đức cân xứng với những gì là siêu nhiên; bấy giờ đức cậy tỏa sáng như một thành phần thiết yếu trong việc nâng cao và hoàn thiện bản tính con người, cho phép con người đạt đến tầm cao của sự tự nhận thức vượt xa khả năng tự nhiên của chính mình. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghĩa đức cậy theo cách này:

Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta” (GLHTCG, số1817)

Hiểu một cách đúng đắn, đức cậy của người Kitô hữu là món quà từ Thiên Chúa nuôi dưỡng trong chúng ta sự khát khao Thiên Chúa một cách sâu sắc và chính đáng, và thúc đẩy chúng ta tiến bước trên hành trình hướng về Ngài.

Theo hướng này, Thánh Tôma Aquinô làm sáng tỏ rằng đối tượng đức cậy, tức là hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, là điều gì đó gian khổ nhưng có thể đạt được. Đây là một quan điểm quan trọng giúp phân biệt đức cậy với sự lạc quan đơn thuần. Sự lạc quan mong đợi mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp. Ngược lại, đức cậy thường nảy sinh từ đau khổ: “Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rôma 5,3-5). Đức cậy hiểu rằng nhiều gian khổ dữ dội và thử thách khắc nghiệt vẫn có thể cản trở chúng ta đến thiên đàng, nhưng nó mang lại cho chúng ta sự tin tưởng rằng ngay cả những điều này cũng có thể vượt qua được miễn là chúng ta bám chặt vào Chúa Kitô. Như Giáo lý Công giáo giải thích tiếp, đức cậy “bảo vệ con người khỏi sự nản chí; nâng đỡ họ khi bị bỏ rơi; mở rộng trái tim của họ trông mong vinh phúc vĩnh cửu” (số 1818).

Đức cậy do đó là một phần không thể thiếu của đời sống Kitô hữu, bởi vì nếu không có đức cậy, chúng ta sẽ phải chùn bước và thất bại trong hành trình hành hương của mình. Đức cậy, nhân đức đối thần, bảo vệ tâm hồn khỏi tội kiêu ngạo cũng như thứ tội ngược lại và thậm chí còn nặng nề hơn, đó là tội tuyệt vọng. Theo Pieper, đức cậy thực hiện điều này bằng cách nuôi dưỡng cả lòng độ lượng và sự khiêm nhường trong tâm hồn. Những phẩm chất có vẻ trái ngược này trên thực tế lại cùng nhau tạo nên sự tin tưởng tâm linh trong trái tim của người Kitô hữu.

Ngay cả khi thế giới ngày càng trở nên xấu xa và Giáo hội cảm thấy sự đồi bại lan tràn, thì đức cậy – niềm hy vọng – của chúng ta vẫn đảm bảo rằng Thiên Chúa đang kiểm soát, bóng tối sẽ không thắng thế, và sự cứu rỗi của chúng ta vẫn được đảm bảo, miễn là chúng ta vẫn trung thành với Ngài. Đức cậy đủ hào hiệp để tin vào sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa, nhưng đủ khiêm nhường để tiếp tục cầu xin ân sủng đó. Trong viễn tượng Kitô giáo tràn đầy hy vọng này, những đau khổ trong cuộc sống hiện tại của chúng ta không chỉ trở nên có thể chịu đựng được mà còn mang tính cứu chuộc: “Khổ đau – không ngừng là khổ đau – nhưng bất chấp mọi sự, đang trở nên bài tụng ca ngợi khen Chúa” (Spe salvi, số 37).

Nhưng đức cậy này khác với đức tin như thế nào? Một lần nữa, chúng ta phải nhớ rằng đức tin và đức cậy đan xen nhau sâu sắc, nhưng chúng không giống hệt nhau. Trong khi đức tin đưa chúng ta đến với chân lý của Chúa, thì chính đức cậy thúc đẩy chúng ta hướng đến sự thiện hảo của Ngài. Đức cậy Kitô giáo bắt nguồn từ sự thừa nhận rằng ý chí của chúng ta cần được chữa lành không kém gì trí tuệ của chúng ta. Do đó, triết gia Hy Lạp cổ đại Plato đã sai khi khẳng định rằng mọi thói hư tật xấu đều có thể giản lược thành sự ngu dốt.

Nhiều lần trong đời, chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn, nhưng chúng ta vẫn làm. Biết rằng chế độ ăn uống hợp lý hơn và tập thể dục nhiều hơn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta là một chuyện, nhưng tập trung lòng can đảm và thực sự quyết tâm thực hiện bước khó khăn đó để sống một lối sống lành mạnh hơn lại là một chuyện khác. Thường thì ngay cả khi trí tuệ của chúng ta được rèn luyện tốt, ý chí của chúng ta vẫn vô cùng yếu đuối.

Nếu đức tin giống như việc truyền máu thiêng liêng cho trí tuệ của chúng ta, thì đức cậy cũng giống như vậy đối với ý chí của chúng ta. Không có đức cậy, đức tin của chúng ta có nguy cơ trở nên vô sinh, vô tri, vô hồn và chán nản. Đức tin không có đức cậy là một đức tin bị bỏ bê và bị nguy hiểm. Thật vậy, đức tin mà không có đức cậy thì đúng là loại đức tin vô hồn mà Thánh Giacôbê cảnh báo: “Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17).

Khi đức tin của chúng ta không có đức cậy, chúng ta không tránh khỏi việc trượt vào sự tự cao tự đại hoặc tuyệt vọng, và cuối cùng chúng ta mất hết đức tin. Do đó, đức cậy là điều cần thiết để duy trì cuộc sống của người Kitô hữu, làm cho chúng ta, theo cách diễn đạt của thánh Tôma Aquinô, có thể “dựa vào” sự trợ giúp của Thiên Chúa và cho phép Ngài dẫn dắt chúng ta qua thung lũng tối tăm. Đúng vậy, đức tin là nền tảng của các nhân đức đối thần; nhưng chính đức cậy là “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Hípri 6:19).

Không ai có thể phủ nhận rằng thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức cậy – về niềm hy vọng. Cũng giống như niềm hy vọng là dấu hiệu phân biệt những Kitô hữu đầu tiên khác với những người ngoại giáo vốn cảm nghiệm sự tuyệt vọng ở mọi nơi, ngày nay chúng ta phải tái lập vai trò trung tâm của nhân đức này trong cuộc sống của chúng ta. Ở đây, chúng ta tìm thấy sự khích lệ từ Thánh Tôma Aquinô, là người nhắc nhở chúng ta rằng đức cậy Kitô giáo không bao giờ là chuyện của một mình ai. Chúng ta nên hy vọng vào sự cứu rỗi của anh chị em mình, những người mà chúng ta hợp nhất trong đức ái, và chúng ta cũng nên hy vọng vào sự chuyển cầu của các thánh, những người phục vụ như những công cụ được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta đến quê thiên đàng.

Về phương diện này, chúng ta không tìm thấy người cầu bầu nào vĩ đại hơn Mẹ Maria. Trên biển đời đầy giông bão, Mẹ là “sự ngọt ngào cho cuộc sống, là lẽ Cậy Trông.” Trong những khoảnh khắc đen tối nhất, chúng ta phải nhớ rằng Mẹ Maria luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi thử thách, là nguồn động viên liên tục hướng dẫn chúng ta đến với sự hiện diện chữa lành của Người Con thần linh của Mẹ.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: stpaulcenter.com

Nguồn: hdgmvietnam.com