Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống Linh mục (Prebyterorum Ordinis) đã nói: “Quả thực, do chức thánh và sứ mệnh lãnh nhận từ các Giám mục, các linh mục được đặc cử để phụng sự Đức Kitô, là Thầy, là Tư Tế và là Vua, được chia sẻ với Người tác vụ xây dựng Giáo hội ở trần gian thành Dân Thiên Chúa, nên Thân Thể Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần” (số 1), và Công đồng nhấn mạnh: “Khi thi hành phận vụ của Đức Kitô là Đầu và Mục tử trong quyền hạn của mình, các linh mục nhân danh Giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần”. (PO số (số 6) Như vậy người linh mục được tuyển chọn để phục vụ cho sứ vụ của Giáo hội là quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (x. Ga 11,52) trong sự hiệp thông trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.
Thánh Giáo phụ Irênê đã minh định: “Ngôi Lời Thiên Chúa ngự trong con người và trở thành Con của loài người để làm cho con người quen nhận biết Thiên Chúa và để Thiên Chúa quen ngự trong con người. Đó là điều hợp với thánh ý của Chúa Cha”.[1] Vì vâng phục ý Cha, Chúa Kitô đã mặc lấy thân xác yếu hèn của con người và đã tự nguyện hiến tế đời mình trên Thập Giá làm của lễ hy tế hầu giải thoát con người khỏi sự chết, và qua đó, Người thiết lập lại mối tương quan cha – con giữa Thiên Chúa với con người và tương quan huynh đệ giữa con người với nhau. Đó chính là mối dây hiệp thông mà Chúa Kitô, như là linh mục đời đời, đã thiết lập hầu thánh hóa nhân loại và dẫn đưa họ bước vào vương quốc tình yêu trong sự hiệp thông cách sung mãn với đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì linh mục thông phần vào việc xức dầu và vào sứ vụ của Đức Kitô, “linh mục có khả năng nối dài kinh nguyện, lời nói, hy lễ và hoạt động cứu độ của Người trong Giáo hội… Linh mục là tôi tớ của Giáo hội xét như là hiệp thông, bởi vì – trong sự hiệp nhất với giám mục và mối liên kết chặt chẽ với linh mục đoàn – linh mục xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn Giáo hội trong sự hòa điệu của nhiều ơn gọi, nhiều đặc sủng và nhiều hình thức phục vụ khác nhau”.[2] Vì thế, chức linh mục là ân ban Chúa trao cho Giáo hội như là khí cụ tiếp tục kiến tạo sự hiệp nhất Giáo hội, để lịch sử cứu độ đạt tới sự viên thành khi tới thời chung cuộc. Nói như Đức Gioan Phaolô II: “Nếu không có linh mục, Giáo hội sẽ không thể thực thi được sự vâng phục cơ bản vốn nằm ngay giữa lòng cuộc sống và sứ mệnh của Giáo hội trong lịch sử, sự vâng phục đối với lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy ra đi, hãy chiêu tập các môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28,19) và “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19; x 1Gr 11,24). Lệnh truyền ấy là lệnh truyền lên đường loan báo Tin Mừng và hằng ngày cử hành hy lễ Mình và Máu Người đã trao hiến và đổ ra cho nhân loại được sống”.[3]
1- Dấu chỉ hiệp nhất của cộng đoàn Giáo hội
a/ Linh mục: Lời kiến tạo sự hiệp nhất cộng đoàn
Sự hiệp nhất cộng đoàn trước tiên được khởi sự bằng lời. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa. Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (DV, số 2). Lời yêu thương này đang hiện hữu cách sống động cụ thể trong Giáo hội, như Đức Gioan Phaolô II từng nói: “Sự liên quan của Chúa Kitô đối với con người muôn thuở được biểu lộ rõ trong nhiệm thể của Người là Giáo hội”,[4] và lời đó được tiếp tục vang lên trong thế giới qua Giáo hội qua linh mục, bởi sự hiện hữu của linh mục chính là để nối dài sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới. Điều đó có nghĩa là linh mục hành động với tư cách đại diện chính Chúa Kitô, Đầu của tất cả chi thể (personam gerit Domini nostri Jesu Christi, quatenus memborum omnium Caput est).[5]
Vì hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi), nên căn tính đích thật của linh mục đâm rễ sâu trong cung lòng của Giáo hội. Quả thật, chức linh mục “phát sinh từ nơi thẳm sâu mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và từ ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, người linh mục qua bí tích được hội nhập vào sự hiệp thông với Giám mục và với các linh mục khác, để phục vụ Dân Thiên Chúa là Giáo hội và để dẫn dắt mọi người đến với Chúa Kitô”.[6] Bởi đó, “Linh mục trước hết là thừa tác viên của lời Chúa, được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mọi người vâng theo đức tin và dẫn dắt tín hữu tới việc hiểu biết và tham dự mỗi ngày một hơn vào sự thông hiệp mầu nhiệm Thiên Chúa”.[7]
Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Dân Chúa được quy tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống; […] Lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục, khi các ngài công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Đức Kitô cho những người chưa tin, khi dạy giáo lý Kitô giáo hay giải thích giáo thuyết của Giáo hội, hay khi chăm lo nghiên cứu những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Chúa Kitô, trong mọi trường hợp, không phải các ngài giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy Lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh (PO số 4).
Thế nhưng, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người linh mục luôn đứng trước một thách đố lớn lao về sự phân rẽ cộng đoàn giữa những tiếng ồn ào của đủ thứ âm thanh hỗn loạn, làm sao để có thể sống trọn căn tính linh mục như là thừa tác viên của Lời Chúa để kiến tạo sự hiệp nhất cộng đoàn qua việc lắng nghe Lời? Để tìm câu trả lời, trước tiên chúng ta hãy lắng nghe và suy nghĩ về lời Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ trong Tông huấn Lời Chúa được công bố vào ngày 11/11/2010: “Lời Chúa chỉ có thể nói và nghe trong im lặng, cả bề ngoài lẫn bề trong. Thời đại ta không phải là thời đại người ta cổ vũ việc tĩnh tâm; có lúc, ta có cảm tưởng người ta sợ phải tách mình, dù chỉ là giây lát, ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày nay, vì lý do đó, điều cần thiết là phải giáo dục Dân Chúa biết giá trị của sự im lặng. Tái khám phá tính trung tâm của lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo hội cũng có nghĩa là tái khám phá cảm thức tĩnh tâm và thanh thản nội tâm. Truyền thống vĩ đại của các Giáo phụ dạy ta rằng các mầu nhiệm của Chúa Kitô đều bao gồm sự im lặng. Chỉ trong im lặng, lời Chúa mới tìm được nơi cư ngụ trong ta, như đã tìm được nơi Đức Maria, người phụ nữ của lời nhưng một cách không thể tách biệt, cũng là người phụ nữ của im lặng”.[8] Vâng, người linh mục thực thi căn tính của mình như thừa tác viên Lời Chúa trước tiên phải tiếp cận lời Chúa trong sự thinh lặng “với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để lời ấy vào sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của ngài và tạo ra một cái nhìn mới ở trong ngài, tức ‘tâm trí Chúa Kitô’ (1 Cr 2,16)”.[9]
Chính vì vậy, Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội trong một bức thư gửi các nhà truyền thông Mỹ Châu Latinh nhân dịp lễ trọng kính Đức Mẹ Guadalupe vào ngày 12/12/2010 đã đề nghị cần phải tìm một sự thinh lặng trước ‘việc tràn ngập những ồn ào huyên náo vốn thường không ngừng lôi kéo chúng ta’. Ngài viết: “Im lặng giống như một màn hình trống mà trên đó chúng ta có thể chiếu bộ phim đời sống thường nhật của mình để thấy nó một cách rõ ràng. Nếu chúng ta chiếu nó trên một bức tường đầy những hình ảnh, sách vở và các đối tượng, với một hậu cảnh ồn ào, chúng ta sẽ chỉ hiểu được chút ít […] Trong thinh lặng, chúng ta nghe thấy tiếng Chúa. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể là những người gánh vác chân thật Lời Chúa như Mẹ Maria, người ‘ghi nhớ những điều ấy trong lòng’”.[10] Tìm về cõi thinh lặng để suy niệm Lời Chúa, cũng có nghĩa là người linh mục thực hiện một cuộc gặp gỡ chân thật với Đức Kitô, “để có kinh nghiệm về lòng nhân từ, tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài trong lịch sử cá nhân của chúng ta”,[11] và chỉ với kinh nghiệm này, đời linh mục sẽ được biến đổi để trở thành dấu chỉ hiện diện Chúa Kitô cách đích thực sống động, và đó là cách thế chúng ta thông truyền Tin Mừng cách cụ thể và hữu hiệu nhất, và chính lời này chúng ta có thể lôi kéo cộng đoàn ra khỏi sự hỗn loạn của tiếng ồn, tìm lại sự hợp nhất cộng đoàn trong việc cùng lắng nghe Lời Chúa.
Ngoài ra để người Linh mục thực sự trở thành dấu chỉ của sự hợp nhất qua lời, người linh mục không thể tặng ban một lời trừu tượng. “Chúng ta phải tìm cách tái sinh lời Tin Mừng trong cộng đồng nơi chúng ta đang sống, bằng ngôn ngữ riêng, với những giai tầng xã hội, với những thành công và thất bại, với sự thịnh vượng lẫn nghèo nàn của cộng đồng ấy. Người linh mục giống như một bà đỡ thực thụ. Người linh mục lắng nghe Tin Mừng và các giáo huấn của Giáo hội và cùng với cộng đoàn của mình thực hiện những điều ấy bằng văn hoá bản địa. Người linh mục luôn tìm cách làm thế nào để Lời Thiên Chúa có thể sinh ra từ cộng đoàn của mình, ở đây vào lúc này, như một đứa trẻ sơ sinh, với sự mới mẻ vĩnh cửu của Thiên Chúa”.[12]
b/ Linh mục: Bánh của sự hiệp nhất cộng đoàn
Cốt lõi hành vi hiệp nhất nơi sứ vụ của người linh mục chính là Thánh Thể. Bởi, khi hiến trao thân mình làm giá cứu chuộc, Chúa Kitô đã biến hy lễ này trở thành bánh không chỉ nuôi sống, nhưng còn làm cho tất cả những ai ăn bánh này đều được hiệp thông với Chúa Cha và với nhau trong Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần.[13] Vì thế, Bánh Thánh Thể còn được gọi là tấm bánh của sự hiệp thông; một sự hiệp thông được đúc kết từ tình yêu trao hiến của Đức Kitô, Lời Nhập thể mặc lấy thân xác con người và biến máu thịt của mình thành bánh trao ban cho nhân loại, để họ bước vào mối hiệp thông tình yêu phụ tử giữa Thiên Chúa và con người, và tình huynh đệ giữa con người với nhau.
Để là Bánh Thánh Thể, người linh mục phải ghi nhớ chất thể làm nên bánh là bột mì không men, Giáo huấn Giáo hội Công giáo dạy như thế, và chắc chắn bánh sẽ không thể biến thể thành Thánh Thể nếu bột mì làm bánh được trộn men. Vâng, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm để từ đó làm nên bánh trường sinh. Con người nơi Đức Kitô là con người tinh tuyền không lây nhiễm tội lỗi. Chính đó là chất thể đúc nén nên tấm bánh chứa đầy năng lực giúp con người thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa, và qua đó, nối kết những người ăn bánh này cùng hiệp thông nên một trong một thân thể nhiệm mầu. Để đời phục vụ thể hiện trọn vẹn căn tính linh mục: “Hãy cầm lấy mà ăn”, chắc chắn chiếc bánh đời linh mục cũng phải được hình thành từ bột mì không trộn men. Dĩ nhiên, mang lấy thân phận làm người, linh mục cũng không thể không mắc tội, nhưng, qua bí tích Truyền chức thánh, các linh mục được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu và được Chúa Kitô sai đi, các ngài được thúc giục “hãm dẹp những việc của xác thịt nơi chính bản thân và hoàn toàn tận tâm phục vụ nhân loại; nhờ thế các ngài có thể tiến tới trên đường thánh thiện mà các ngài đã được tô điểm trong Chúa Kitô, để thành con người hoàn toàn” (PO, số 12). Có thể nói, đời sống thánh thiện là chất thể làm cho người linh mục trở nên tấm bánh hiệp thông.
Là tấm bánh của sự hiệp nhất, người linh mục phải trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất Giáo hội. “Điều này đòi hỏi linh mục không được tự cao, không được cau có nhưng phải nhã nhặn, niềm nở, chân thành trong lời nói cũng như trong lòng, khôn ngoan và thận trọng, quảng đại và sẵn sàng phục vụ, có khả năng thiết lập với tha nhân và khơi dậy nơi tha nhân mối quan hệ chân thành và huynh đệ, mau cảm thông và an ủi”.[14] Đòi hỏi này thật không đơn giản cho người linh mục hôm nay, khi đối diện với một xã hội có quá nhiều đổi thay trong các tư duy về cuộc sống, về các tiêu chuẩn luân lý, về mối tương quan xã hội, một xã hội ồn ào bon chen và thực dụng… một xã hội chủ trương tự do cá nhân cách thái quá và vô trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, coi những thú vui trần thế là cùng đích, và tiền bạc là cứu cánh…, thì quả thật, đó là thách đố lớn lao cho người linh mục, trong khi nỗ lực thi hành sứ vụ để trở nên mọi sự cho mọi người (1Cr 9,22), người linh mục có thể hoặc dễ bị lôi cuốn vào cơn lốc của cuộc sống thực dụng hôm nay, hoặc rơi vào cảnh cô độc chán chường, và trở thành người phê phán nghiêm khắc.
Hơn bao giờ hết, người linh mục phải luôn khắc ghi lời Tin Mừng: ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,16), và lời Chúa Giêsu cảnh giác các tông đồ: “anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,15), đó là men của giả hình, tự phụ chỉ kiếm tư lợi cho mình, men cao ngạo luôn tự cho mình là mẫu mực và chẳng thèm nghe sự góp ý của một ai, men tham lam, ích kỷ, và nhát đảm chẳng dám đối diện với chân lý, khoe khoang và thích nghe lời xu nịnh… Đời linh mục sẽ không thể trở thành bánh hiệp thông khi bột làm nên bánh trộn lẫn bởi thứ men này. Vâng, bánh hiệp thông của đời linh mục chỉ được nén đúc bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trộn lẫn với sự từ bỏ chính mình, hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa. Đó chính là chất thể làm nên Bánh sự sống, bánh hiệp thông, mà Chúa Kitô mong muốn người linh mục trao ban cho nhân loại.
2- Linh mục xây dựng sự hiệp nhất giữa cộng đoàn linh mục
Chúa Giêsu trao trách nhiệm phục vụ Giáo hội không cho từng linh mục riêng lẻ, nhưng cho mỗi người trong một cộng đoàn linh mục. Do đó sự hiệp nhất giữa cộng đoàn linh mục, đặc biệt các linh mục trong một giáo phận là điều quan trọng để sự hiệp nhất Giáo hội, đặc biệt Giáo hội địa phương được củng cố trở thành dấu chỉ đích thật của Vương quốc Thiên Chúa.
a/ Hiệp nhất với Giám mục
Theo Công đồng Vaticanô II, các Giám mục, với tư cách là người kế vị các Tông đồ, được giao nhiệm vụ phục vụ sự hiệp thông diễn ra trong Hội thánh địa phương, giữa các Hội thánh và với toàn thể Hội thánh. Do đó, hình ảnh Giám mục có thể được hiểu một cách thỏa đáng trong việc đan xen các mối tương giao với thành phần Dân Chúa được ủy thác cho ngài, với linh mục đoàn và các phó tế, với những người thánh hiến, với các Giám mục khác và với Giám mục Rôma, trong một viễn cảnh luôn hướng tới sứ vụ. Công đồng khẳng định: “các Giám mục nhận lãnh tác vụ coi sóc cộng đoàn cùng với các linh mục và phó tế làm phụ tá, khi thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo đoàn chiên mà các ngài là những chủ chăn, với tư cách là thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lo việc cai quản” (LG số 20).
Do đó Công đồng yêu cầu: “ Các linh mục với ý thức về thánh chức sung mãn mà các Giám mục đã lãnh nhận, phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô, vị Mục Tử tối cao. Vì thế, các linh mục hãy liên kết với Giám mục của mình trong tình yêu thương và lòng vâng phục chân thành. Sự vâng phục này, luôn gắn liền với tinh thần cộng tác, đặt nền tảng trên chính việc tham dự vào thừa tác vụ của Giám mục, mà các linh mục đã lãnh nhận qua bí tích Truyền Chức Thánh và thư bổ nhiệm do Đức Giám mục trao” (PO số 7).
Như vậy việc các linh mục hiệp nhất với Giám mục không căn cứ vào phẩm tước, địa vị theo chiều kích xã hội, nhưng bắt nguồn từ nền tảng thần học về Thánh chức trong Giáo hội. Công đồng Vaticanô II trình bày: “Đức Kitô, Đấng Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian, nhờ các Tông đồ, đã làm cho những người kế vị các ngài, tức là Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến và sứ mạng của mình, sau đó các Giám mục lại trao ban cách hợp pháp thừa tác vụ của mình cho những phần tử khác nhau trong Giáo hội theo những cấp bậc khác nhau. Như thế, thừa tác vụ giáo sĩ do Thiên Chúa thiết lập được thi hành theo những cấp bậc khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám mục, Linh mục và Phó tế”(LG số 28).
Công đồng Vaticanô II đã dạy: “Khi gia nhập hàng linh mục nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám mục của mình trong một giáo phận, các ngài quy tụ cách đặc biệt thành một Linh mục đoàn duy nhất. Vì tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ linh mục duy nhất để phục vụ con người. […] Tất cả đều phải hướng về mục đích duy nhất này là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, một công trình đòi hỏi rất nhiều phận vụ khác nhau cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta. Bởi thế, điều rất quan trọng là tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý. Vì vậy, mỗi vị đều được liên kết với các thành viên khác của linh mục đoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ” (PO số 8).
Như vậy, việc các linh mục hiệp nhất với Giám mục trong việc loan báo Tin Mừng, xây dựng Hội Thánh Chúa không là sáng kiến của con người nhưng bắt nguồn từ ý định của Đấng sáng lập Giáo hội, việc hiệp nhất này là dấu chỉ sống động về về sự hiệp nhất Giáo hội. Tuy nhiên trong các xã hội thế tục hóa, người ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng về quyền lực, chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, tính chất bí tích Truyền chức thánh cũng đang bị lôi cuốn vào vòng xoáy của đời sống thế tục đây là điều đang dẫn tới sự khủng hoảng về sự hiệp nhất giữa Giám mục và các linh mục.
– Về phía Giám mục: được coi là người quyền lực, và quyền bính Giám mục thường bị lạm dụng trong cách quản trị Giáo hội, có khi đưa tới những quyết định thiếu tính thuyết phục, và nhất là trong cách ứng xử của Giám mục đối với vấn đề lạm dụng tình dục của hàng Giáo sĩ khiến cho nhiều linh mục đánh mất sự tín nhiệm đối với Giám mục của mình, chẳng hạn ở Hoa Kỳ các linh mục không mấy tin tưởng vào các giám mục của họ. Đây là một trong những kết luận của “Nghiên cứu Quốc gia về Linh mục Công giáo” được công bố vào tháng 10, một tháng trước Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ được tổ chức từ thứ hai 14 đến thứ năm 17 tháng 11/2022 ở Baltimore.[15] Nhiều linh mục cảm thấy các chính sách được áp dụng kể từ Hiến chương Dallas đã làm mất đi mối quan hệ của họ với các giám mục; họ xem các giám mục với tư cách là giám đốc điều hành, các quan chức và là người bảo vệ hợp pháp cho tài chính của giáo phận hơn là người cha và người anh em.[16]
Nếu Giám mục nhấn mạnh đến quyền bính, và thiếu vắng tâm tình mục tử, thì như Đức cha Agostino Superbo, Tổng giám mục Potenza-Muro Lucano-Marsico Nuovo nhận định: “Nếu tương quan với Đức Giám mục chỉ có tính cách kỹ thuật kỷ luật, thì các linh mục sẽ có khynh hướng ù lì, hoặc bất cộng tác với Giám mục. Nếu trái lại có sự cởi mở đối thoại thì các sự việc sau đó sẽ có hướng đi khác. Ngoài ra tôi cũng xác tín rằng sự đối thoại sẽ làm cho sự hiệp nhất được rạng ngời hơn, và nó cũng quan trọng hơn đối với vai trò chủ chăn của Giám mục”.[17]
Yếu tố quan trọng để phá vỡ sự dè dặt của các linh mục đối với Giám mục chính là sự gặp gỡ và lắng nghe. Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến.[18] Vì thế các Giám mục phải tìm ra giờ kiến tạo các cuộc gặp gỡ với anh em linh mục và lắng nghe các ngài với tâm tình cha con. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “giám mục chỉ có thể thăng tiến sự phân định nếu ngài lắng nghe cuộc sống của các linh mục của mình và của dân thánh của Thiên Chúa được giao phó cho sự chăm sóc của mình… Không phải ngẫu nhiên mà thần dữ tìm cách phá hoại các mối liên kết vốn thiết lập và duy trì sự hiệp nhất, để phá hủy hoa trái của công trình của Giáo hội.” Do đó, phải bảo vệ “mối liên kết của linh mục với giáo hội cụ thể của mình, với thể chế mà ngài thuộc về, và với giám mục của mình làm cho đời sống linh mục đáng tin cậy và chắc chắn.[19] Ngài nói tiếp: “các giám mục nên thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ.”[20] Qua sự gặp gỡ với Giám mục trong tâm tình cha con, các linh mục nhận được sự đỡ nâng, không còn sợ hãi với chính mình vì sự mỏng giòn của thân phận yếu hèn, và sẽ loại trừ mối tương quan mang tính bàn giấy với Giám mục của mình.
– Về phía các Linh mục, Đức Phanxicô kêu gọi các linh mục phải nên “gần gũi với Giám mục”. Ngài nói, sự vâng lời Giám mục không nên được coi là “một thuộc tính kỷ luật”, mà là “dấu chỉ sâu sắc nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông.” Vâng phục có nghĩa là học cách lắng nghe và nhớ rằng không ai “sở hữu” ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn của Ngài chỉ được hiểu biết qua sự phân định. Sự gần gũi này, “cho chúng ta khả năng chiến thắng mọi cám dỗ trở nên khép kín, tự biện minh và sống cuộc sống của chúng ta như một ‘người độc thân’ và, thay vào đó, mời gọi chúng ta lắng nghe người khác để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và sự sống.”[21] Đức Phanxicô nói tiếp: “vâng phục là sự quyết định cơ bản để chấp nhận những gì được đòi hỏi nơi chúng ta, và nó đòi hỏi các linh mục cầu nguyện cho các giám mục của họ và cảm thấy tự do để bày tỏ ý kiến của mình với sự tôn trọng và chân thành”.[22]
b/ Hiệp nhất với anh em linh mục
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “Khi gia nhập hàng linh mục nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích. […] Vì thế mỗi linh mục hợp nhất với các anh em linh mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức, và như thế, thể hiện được sự hợp nhất mà Đức Kitô muốn cho các môn đệ Người phải nên một với nhau, để thế gian nhận biết Chúa Con đã được Chúa Cha sai đến” (PO số 8).
Theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II, Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã ban hành “Chỉ Nam Linh Mục 1989” với chỉ dẫn cụ thể về tình huynh đệ linh mục như sau:
– Hiệp nhất chung quanh Đức Giám Mục của mình, các linh mục phải nỗ lực sống “tình huynh đệ linh mục mang tính bí tích” ; tình huynh đệ đó là nền tảng và là bảo đảm cho một sự tương trợ về mặt tinh thần và cho việc hoàn thành nhiệm vụ với một sự đồng tâm nhất trí cao. Các linh mục nên nhớ rằng thái độ huynh đệ có một giá trị rao giảng Tin Mừng, bởi vì như thế là các linh mục hình thành một thân thể năng động và đáng tin, phù hợp với lời cầu nguyện của Đức Kitô đã xin cùng Chúa Cha trong bữa tiệc sau cùng.
– Các linh mục hãy nỗ lực sống tình bạn chân thành với các đồng nghiệp; nhờ thế họ có thể dễ dàng giúp nhau phát triển đời sống tâm linh và tri thức, trợ giúp nhau về những nhu cầu vật chất, sống một cuộc sống kiện toàn và quân bình hơn. Ngoài ra, tình bạn giữa các linh mục còn giúp cho các linh mục kết hiệp với Chúa Kitô, đồng thời là một trợ lực quý báu giúp các linh mục vượt qua gánh nặng và những khó khăn của nỗi cô đơn .
– Các linh mục coi sóc linh hồn, nhất là các cha sở, phải đặc biệt quan tâm đến các linh mục trẻ mà Đức Giám Mục gửi đến làm phụ tá cho mình; phải giúp đỡ họ trong tình huynh đệ, để họ không cảm thấy mình bị bỏ rơi, và để họ hội nhập hoàn toàn vào linh mục đoàn.
Và Đức Phanxicô cũng đã dẫn giải thêm về tình huynh đệ linh mục như sau: “Tình huynh đệ, giống như sự vâng phục, không thể là một sự áp đặt luân lý từ bên ngoài. Tình huynh đệ có nghĩa là chọn lựa cách có cân nhắc theo đuổi sự thánh thiện cùng với những người khác, chứ không phải bởi chính mình. Những dấu chỉ của tình huynh đệ là những dấu chỉ của tình yêu. Tình yêu thương huynh đệ không tìm kiếm lợi ích của riêng ai, không phải là để giận dữ hay oán giận, tình yêu thương huynh đệ ấy vui hưởng trong sự thật, và bất kỳ sự tấn công nào chống lại sự thật và phẩm giá của những anh em qua việc vu khống, nói xấu, buôn chuyện là một tội trọng”[23]. Đức Phanxicô lưu ý rằng, “Tất cả chúng ta đều biết rằng để có thể sống trong cộng đồng thì khó khăn như thế nào.” Tuy nhiên, ngài nói, “tình yêu thương huynh đệ là lời ngôn sứ tuyệt vời mà chúng ta được kêu gọi để hiện thân trong một xã hội thiếu quan tâm đến nhau ngày nay”.[24]
Sự hiệp nhất anh em linh mục là dấu chỉ tất yếu cho tính hiệp nhất của thánh chức linh mục. Sự hiệp nhất trong tình huynh đệ linh mục thật quan trọng và cần thiết cho mỗi người linh mục khi đối diện với nhiều thách đố của thười đại hôm nay. Nhất là dễ dàng gặp khủng hoảng trong đời mục vụ khi không đạt được điều mong ước, hay gặp sự chống đối vì một sự hiểu lầm, một sự yếu đuối. Chính sự kết nối tình huynh đệ giúp người linh mục vượt qua khỏi mọi nỗi sợ hãi, hoài nghi, và nhất là thiếu sự tự tin. Tình huynh đệ linh mục kiến tạo một sức mạnh để chiến thắng cuộc sống cô độc, mối nguy hiểm cho đời linh mục, và được sự đỡ nâng, sự cảm thông, chia sẻ từ người anh em, giúp người linh mục tìm được niềm vui, và kiên trung trong đời sống phục vụ. Đức Phanxicô nói rằng, khi tình huynh đệ của anh em linh mục phát triển mạnh và các mối quan hệ của tình bạn chân chính tồn tại, thì họ cũng có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn. Không có bạn bè thân và không có đời sống cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho vẻ đẹp của chính chức vụ linh mục.[25]
Để là khuôn mẫu của sự hiệp nhất trong Giáo hội,linh mục được mời gọi bước vào con đường để thực hiện dấu chỉ này là con đường tự hủy (kenosis) như Đức Kitô. Trong sự hiệp nhất thẳm sâu của đời sống nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa, với tình yêu khôn tả, Đức Kitô hân hoan vâng phục ý Cha, sẵn sàng từ bỏ “ngai trời”, đến gian trần mặc lấy thân phận yếu hèn của con người, để phục hồi trật tự của buổi tạo dựng ban đầu: trật tự thông hiệp thân mật giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau. Linh mục được chọn gọi để tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, cũng có nghĩa người linh mục cũng cần phải bước vào con đường tự hủy. Hành vi này chỉ có thể được thực hiện bằng một tình yêu đích thực, tình yêu trao ban, người linh mục hành động không theo ý riêng, nhưng là theo thánh ý của Chúa. Vâng, chỉ có sự tự hủy như Đức Kitô, người linh mục mới thực sự trở thành khuôn mẫu của sự hiệp nhất trong Giáo hội.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Thánh Giáo Phụ Irênê, Khảo luận Chống lạc giáo . Bài đọc 2 Giờ Kinh Sách, Mùa vọng, ngày 19-12 .
[2] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 16.
[3] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 1.
[4] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor (6-8-1993), số 25.
[5] Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei, DS, số 3850.
[6] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 12.
[7] Nt, số 26
[8] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 66.
[9] Nt, số 80.
[10] Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/86081.htm.
[11] Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Thư gửi các nhà truyền thông Mỹ Châu Latinh, nhân dịp lễ trọng kính Đức Mẹ Guadalupe, vào ngày 12/12/2010, nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/86081.htm.
[12] Timothy Radcliffe, O.P, Người Linh Mục Và Cuộc Khủng Hoảng Thất Vọng Giữa Lòng Giáo Hội, Thời sự Thần học – Số 39, tháng 03/2005
[13] X. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 35.
[14] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 43.
[15] Nguồn: http://phanxico.vn/2022/11/15/tai-my-cuoc-khung-hoang-long-tin-giua-cac-linh-muc-va-giam-muc/
[16] Nt
[17] Nguồn: VietCatholic News (08 Mar 2009)
[18] X. Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp Hành
[19] Đức Phanxicô, Diễn văn trong buổi gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ, và các nhân viên mục vụ vào ngày 2/9/2023. Nguồn: vaticannews.va/vi
[20] Nt
[21] Nt
[22] Nt
[23] Nt
[24] Nt
[25] Đức Phanxicô, Diễn văn trong buổi gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ, và các nhân viên mục vụ vào ngày 2/9-/2023. Nguồn: vaticannews.va/vi
Nguồn: hdgmvietnam.com