Là tín hữu Công giáo, rất nhiều khi chúng ta làm Dấu Thánh giá như một thói quen, và xem việc làm Dấu Thánh giá như là một cử chỉ đạo đức. Tuy nhiên, Kinh thánh, các Giáo phụ, các vị Thánh trong Giáo hội, và giáo huấn Công giáo đưa ra 6 quan điểm sâu xa về Dấu Thánh giá cho thấy lý do tại sao việc làm Dấu Thánh giá là một lời tuyên xưng đức tin, một lời cầu nguyện đầy sức mạnh, và một phương thế mở ra cho chúng ta những ân sủng.
1. Dấu Thánh giá, một Kinh tin kính ngắn gọn.
Là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa như chính Ngài đã mạc khải, Dấu Thánh giá đóng vai trò như một dạng viết tắt của Kinh Tin Kính các Tông đồ.
Khi đưa tay chạm vào trán, vào ngực, vào vai, và trong một số nền văn hóa, chạm vào môi, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Một cách cụ thể, chúng ta công bố niềm tin vào những gì Thiên Chúa đã thực hiện: sáng tạo muôn vật, cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, thiết lập Giáo hội, đem lại sự sống mới cho tất cả mọi người. Do đó, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta được nhắc nhớ về sự hiện diện của Thiên Chúa, và mở lòng đón nhận các hoạt động của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.
2. Dấu Thánh giá, một sự làm mới lại phép Rửa.
Các Kitô hữu vào thế kỷ thứ nhất làm Dấu Thánh giá như một sự nhắc nhở và làm mới lại những gì đã diễn ra khi họ chịu phép Rửa. Cho tới nay, điều này vẫn đang hoạt động theo cùng một cách thế đối với chúng ta.
Khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng rằng trong phép Rửa, chúng ta đã chết với Chúa Kitô trên thập giá, và được sống một đời sống mới với Người (x. Rm 6, 3-4 và Gl 2, 20). Đồng thời, chúng ta cũng cầu xin Chúa làm mới lại nơi chúng ta những ân sủng của phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Một cách cụ thể, chúng ta nhìn nhận rằng phép Rửa đã kết hợp chúng ta với Đức Kitô và chuẩn bị cho chúng ta vai trò cộng tác với Người trong chương trình cứu độ.
3. Dấu Thánh giá, một dấu ấn của tư cách môn đệ.
Khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta được thuộc về chính Đức Kitô qua Dấu Thánh giá được ghi trên mình chúng ta. Do đó, mỗi khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta từ chối chúng ta thuộc về chính mình, để tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Đức Kitô và khẳng định lòng trung thành đối với Người (x. Lc 9, 23).
Các Giáo phụ đã dùng một từ tương tự đối với Dấu Thánh giá mà thế giới cổ đại sử dụng để chỉ quyền sở hữu. Cùng một từ đánh dấu tên của người chăn trên đàn cừu; hình xăm của một vị tướng trên binh lính; dấu hiệu của người chủ trên đầy tớ; và dấu ấn của Đức Kitô trên các môn đệ của Người.
Khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tự ký nhận rằng mình là chiên của Đức Kitô và hoàn toàn trông cậy vào sự chăm sóc của Ngài; là binh lính được giao nhiệm vụ làm việc dưới quyền của Đức Kitô để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa ngay trên trần gian; và là đầy tớ để tận tâm chu toàn bất cứ điều gì mà Đức Kitô muốn chúng ta thi hành.
4. Dấu Thánh giá, một sự sẵn sàng chấp nhận đau khổ.
Đức Giêsu đã loan báo rằng đau khổ sẽ là một phần trong đời sống của người môn đệ (x. Lc 9, 23-24). Vì vậy, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta sẵn sàng vác thập giá của mình để đi theo Đức Kitô (Lc 9, 23), và mở lòng để đón nhận bất cứ đau khổ nào xảy đến với chúng ta.
Tuy nhiên, chính điều này cũng mang lại niềm an ủi khi chúng ta nhận ra rằng Đức Kitô, Đấng đã chịu Đóng đinh trên thập giá, cũng đang đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mọi nỗi gian truân.
Hơn nữa, việc làm Dấu Thánh giá loan báo một chân lý khác đó là, giống như Thánh Phaolô, chúng ta mang lấy những đau khổ như là chi thể của Chúa Kitô, hầu góp phần vào công cuộc cứu độ, và mang lại lợi ích cho nhiệm thể của Người là Hội Thánh (x. Cl 1, 24).
5. Dấu Thánh giá, một vũ khí kép chống lại ma quỷ.
Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng vĩ đại trước sự dữ và ma quỷ (x. 1 Cr 2, 8). Do đó, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tuyên bố sự bất khả xâm phạm của chúng ta trước ảnh hưởng của ma quỷ. Nhưng, quan trọng hơn, Dấu Thánh giá cũng là một vũ khí tấn công giúp chúng ta hợp tác với Đức Giêsu trong việc bảo vệ vương quốc Thiên Chúa chống lại thế lực của bóng tối và sự dữ.
6. Dấu Thánh giá, một sức mạnh chiến thắng trên xác thịt.
Trong Tân Ước, từ “xác thịt” tổng hợp tất cả những khuynh hướng xấu xa của con người cũ vẫn còn tồn tại trong chúng ta ngay cả sau khi chúng ta chết với Đức Kitô trong phép Rửa (x. Gl 5, 16-22).
Giống như việc cởi bỏ một chiếc áo dơ bẩn, khi làm Dấu Thánh Giá chúng ta bày tỏ quyết tâm lột bỏ khuynh hướng xấu xa của mình để mặc lấy con người mới là những hành vi của Chúa Kitô (x. Cl 3, 5-15) và sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí.
Các Giáo Phụ dạy rằng Dấu Thánh Giá phân tán sức mạnh của những cám dỗ mạnh mẽ như giận dữ và ham muốn. Do đó, chúng ta hãy làm Dấu Thánh Giá để thúc đẩy sự tự do của chúng ta trong Đức Kitô và có sức để chiến đấu và chiến thắng những tội lỗi đang bủa vây chúng ta.
***
Như thế, khi hiểu được 6 lý do sâu xa của việc làm Dấu Thánh Giá, chúng ta hãy ghi nhớ và nhắc mình mỗi khi thực hiện cử chỉ rất đơn giản và quen thuộc này,
– để tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa;
– để ghi nhớ rằng chúng ta đã chết với Đức Kitô trong phép Rửa;
– để tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Đức Kitô và luôn biết sống tư cách môn đệ;
– để đón nhận bất cứ đau khổ nào xảy đến trong sự hiệp thông với Đức Kitô và Giáo hội;
– để phòng thủ chống lại ma quỷ, mạnh mẽ chiến đấu cho vương quốc của Thiên Chúa;
– để đóng đinh xác thịt của chúng ta vào thập giá, và mặc lấy chính Đức Kitô và bắt chước lối sống của Người.
Hy vọng rằng, khi ý thức để làm Dấu Thánh giá với lòng tin và sự kính cẩn, chúng ta nhận được những phúc lành, được biến đổi, và trải nghiệm những hoa trái trong đời sống Kitô hữu: cầu nguyện với tâm tình tha thiết hơn, chống lại những khuynh hướng xấu của mình một cách hiệu quả hơn, và tương quan với người khác cách ôn hoà, tử tế hơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com
Nguồn: hdgmvietnam.com