Virus Corona không lây qua đường truyền thông

22/05/2020

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển đến cao độ với những phát minh tuyệt vời về các phương tiện truyền thông, thông tin: vệ tinh nhân tạo, radio, tivi, vi tính, điện thoại, điện thư, internet, v.v… với các hãng thông tấn xã khổng lồ xử lý từng trăm ngàn tin tức mỗi giây phút…

Những tin tức được các phương tiện truyền thông chuyển đến khán thính giả tốt xấu đều có, nhưng hầu hết mọi người thường thích khám phá những tin động trời, những tiêu đề giật gân, những phim ảnh thỏa mãn bản năng… Vì thế, ma quỷ rất khôn lanh quỷ quyệt, trá hình trong những tờ báo nhảm nhí, những phim ảnh đồi truỵ, những câu chuyện thô tục bỉ ổi, những tệ đoan xấu xa làm sai lệch thông tin và bóp méo Tin Mừng cứu độ. 

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu sai các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2020 là “Để ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) – Cuộc sống trở thành câu chuyện”. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng: Trong thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong deepfake – tin giả thâm hiểm), chúng ta cần khôn ngoan để có thể đón nhận và tạo ra những câu chuyện tươi đẹp, chân thực và tốt lành. Chúng ta cần can đảm loại bỏ những câu chuyện sai lạc và xấu xa. Chúng ta cần kiên nhẫn và suy xét để tái khám phá những câu chuyện giúp ta không lạc lối giữa bao nhiêu rắc rối của ngày hôm nay. Chúng ta cần những câu chuyện soi sáng cho chúng ta biết chúng ta thực sự là ai, ngay cả trong những nỗ lực anh hùng âm thầm của cuộc sống hằng ngày”(số 2).

Do đó, người tín hữu có trách nhiệm viết câu chuyện cuộc sống của mình bằng đời sống thực tế với đức tin, đức ái và đó là sứ mạng loan báo Tin mừng. Sứ mạng này đòi hỏi họ phải luôn ý thức rằng: lời nói việc làm phải luôn quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay, sứ vụ theo kiểu nói của Đức Thánh Cha trong sứ điệp truyền thông 54: “Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng qua những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hằng ngày. Ở đấy, cuộc sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện trở thành cuộc sống: câu chuyện đi vào cuộc sống của người nghe và biến đổi cuộc sống ấy”.

Chúa Giêsu là Tin Mừng, và Ngài muốn Tin Mừng đó được loan đi từ cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Giữa một thế giới xô bồ, phức tạp, vàng thau lẫn lộn, ánh sáng và bóng tối đan xen… người tín hữu Chúa Kitô phải loan báo Tin Mừng bằng đời sống trung thực. Thật trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Giữa một thế giới còn nhiều biến động, tranh chấp, hận thù, khích báng nhau…, người tín hữu Chúa Kitô loan báo Tin Mừng của niềm vui và bình an.

Giữa một xã hội đầy dẫy những tệ nạn, bất công, bất ổn…, người tín hữu sẽ loan báo Tin Mừng của hy vọng, về Thiên Chúa trung thành và tình yêu.

Trong đại dịch Covid-19 này, chúng ta thấy truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng, làm nhịp cầu nốt kết, chia sẻ thông tin và mở ra chân trời mới. Qua truyền thông con người không còn cô đơn và bị cách ly.

Virus Corona nó lây nhiễm qua các con đường: đường thủy, đường bộ, hàng không, và kể cả qua con đường không khí nhưng nó không đi và lây qua con đường truyền thông. Vì đây là con đường chân lý sự thật và tình yêu. Truyền thông mà vắng bóng sự thật và tình yêu thì không còn ý nghĩa. Cho nên mỗi người chúng ta cần tìm hiểu về Đạo đức Truyền thông và Thần học Truyền thông để suy tư, học hỏi và đào sâu.

Theo Học viện Đạo Đức Máy Tính (the Computer Ethics Institute), Mười điều răn cho đạo đức máy tính là:

– Ngươi không được sử dụng máy tính để gây hại cho người khác.

– Ngươi không được gây cản trở công việc vi tính của người khác.

– Ngươi không được rình mò các tập tin tài liệu của người khác.

– Ngươi không được sử dụng máy tính để ăn cắp.

– Ngươi không được sử dụng máy tính để làm chứng dối.

– Ngươi không được sử dụng hoặc sao chép phần mềm của người khác mà chưa trả tiền.

– Ngươi không được sử dụng dữ liệu máy tính của người khác nếu chưa được họ cho phép.

– Ngươi không được chiếm đoạt công trình trí tuệ của người khác.

– Ngươi phải suy nghĩ về hậu quả xã hội do chương trình ngươi viết.

– Ngươi phải sử dụng máy tính thể hiện sự thận trọng và trân trọng.

Nói tóm lại, Mười điều răn trên đây nhằm đưa các nguyên tắc đạo đức vào trong không gian mạng.

Thần học Mạng xuất hiện khi các nhà thần học khảo sát các khía cạnh khác nhau của Thần học Truyền Thông, vì không gian mạng là một phần cốt yếu của truyền thông. Khi ta nhìn không gian mạng như là một món quà của Chúa, nó sẽ cung cấp cho ta những cơ hội của Chúa quan phòng, đó là: tiếp cận được với mọi người ở mọi nơi, vượt qua những giới hạn của không gian, thời gian và ngôn ngữ, để trình bày nội dung đức tin với nhiều cách thức khác nhau, và cung cấp cho mọi người khả năng đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô.

Một Thần học Mạng cũng phát sinh khi chúng ta xây dựng những cộng đoàn hay những nhóm trực tuyến để tăng tiến, giữ gìn tình yêu và sự sống, phổ biến các giá trị Nước Trời như bênh vực người bị bách hại, tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng phụ nữ, nâng cao tầm quan trọng của những người bé nhỏ. Giúp cho tất cả những ai hiện diện trong không gian mạng giải quyết những thách đố này, đấy chính là phần việc của Thần học Mạng (xem Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 106, 2018).

Chúa về trời nhưng Chúa truyền thông sứ điệp của Ngài cho mỗi người chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Vận dụng truyền thông để đem sứ điệp Tin Mừng của Chúa tận cùng trái đất.

Chúc Ban Truyền thông Giáo phận ngày càng phát triển về chất và lượng, để trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho nhiều người.

Lm. Giuse Phan Văn Quyền