Đêm qua, ngày 07.05.2025, sau lời đọc: “Extra omnes” bởi Đức Ông Diego Ravelli, Chưởng nghi Phụng vụ Giáo Hoàng, cánh cửa của Nhà nguyện Sistine được khép lại, tách biệt thế giới bên ngoài với những vị hồng y bên trong, cả Hội Thánh bước vào một thời khắc thinh lặng và chờ đợi. Giữa quảng trường Phêrô mênh mông, chỉ còn lại một chi tiết nhỏ bé nhưng mang sức gợi thiêng liêng lạ thường: Chiếc Ống Khói. Từ giây phút ấy, ống khói không chỉ là lối thoát của làn khói vật lý, mà trở thành dấu chỉ duy nhất kết nối hàng triệu con tim với hành trình phân định trong Thánh Thần. Một ống khói – nhưng mang theo cả chiều sâu Kinh Thánh và niềm hy vọng của toàn thể Dân Chúa.
1. Khói như biểu tượng của sự hiện diện Thiên Chúa.
Khói, trong suốt dòng lịch sử cứu độ, không chỉ là hiện tượng vật lý, mà còn là ngôn ngữ của mạc khải — nơi con người chạm đến mầu nhiệm của Thiên Chúa. Từ núi Sinai bốc khói trong cuộc thần hiện vĩ đại: “Núi Sinai có đầy khói, vì Đức Chúa đã ngự xuống đó trong lửa. Khói bốc lên như khói từ lò luyện kim, và cả núi run bần bật” (x. Xh 19,18).
2. Khói từ hy lễ và lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện được ví như làn khói hương dâng lên Thiên Chúa: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, tay con giơ lên như lễ vật ban chiều” (x. Tv 141,2).
Khói ở đây là dấu chỉ của sự hiện diện thánh thiêng, của lòng tôn kính, và của mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa.
3. Khói là dấu chỉ của phán xét và hủy diệt.
Khói là hậu quả của tội lỗi và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: “Đức Chúa khiến Sôđôma và Gômôra mưa xuống diêm sinh và lửa… khói từ đất bốc lên như khói từ lò lửa” (x. St 19,24–28).
Khói ở đây mang ý nghĩa cảnh báo, tượng trưng cho sự hủy diệt khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa.
Trong sách Khải Huyền, khói cũng là biểu tượng của hình phạt đời đời: “Khói lửa cực hình của chúng bốc lên đời đời kiếp kiếp…” (x. Kh 14,11).
4. Khói trong các thị kiến mạc khải.
Trong sách Isaia, khi ngôn sứ được thị kiến về ngai Thiên Chúa, khói bao phủ đền thờ: “Khói bao trùm đền thờ” (x. Is 6,4).
Đây là hình ảnh của sự thánh thiện tuyệt đối, khiến con người ý thức mình bất xứng.
5. Khói từ Nhà nguyện Sisitine.
Vậy là, từ những đám khói thánh thiêng trên núi Xi-nai, làn hương trầm trong Đền Thờ, cho đến khói phán xét của Sôđôma – khói trong Kinh Thánh luôn mang trong mình một sứ điệp: Thiên Chúa đang hiện diện, đang lắng nghe, hoặc đang cảnh tỉnh. Và hôm nay, nơi trung tâm của Giáo hội hoàn vũ, làn khói từ ống khói nhỏ bé trên nóc Nhà nguyện Sistine vẫn tiếp tục “nói”.
Khói đen – những làn khói mờ chưa báo hiệu kết quả – không làm người tín hữu thất vọng, mà gợi nhắc đến sự kiên trì trong cầu nguyện, sự tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Có thể ví khói ấy như những lời khẩn cầu âm thầm bay lên trời, như hương tế lễ trong đền thờ xưa.
Rồi khi Khói trắng xuất hiện — nhẹ nhàng, rõ ràng — thì cũng như lời đáp từ của Thiên Chúa, một cuộc thần hiện mới: “Đây là người Ta đã chọn”. Màu trắng tinh khôi ấy không chỉ báo tin mừng rằng Giáo hoàng mới đã được chọn, mà còn là dấu chỉ của lòng thương xót và sự hiện diện tiếp tục của Thiên Chúa trong lòng Hội Thánh.
6. Lời kết.
Khói không chỉ phát ra từ than lửa, mà từ trái tim một Hội Thánh đang sống đức tin, đang cầu nguyện và phó thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Dưới bầu trời Rôma, giữa thinh lặng và chờ đợi, ống khói ấy trở thành chiếc loa thiêng liêng — truyền đi nhịp đập của một Giáo hội đang khẩn thiết mong chờ vị Cha chung mới.
Trong một thời đại quen thuộc với tốc độ và công nghệ, có lẽ ít ai ngờ rằng một làn khói – mong manh, cổ xưa – lại có thể quy tụ và làm bừng lên đức tin của hàng triệu tâm hồn. Nhưng đó chính là điều khói đã làm – từ Kinh Thánh đến Nhà nguyện Sistine – không chỉ bốc lên từ lò lửa, mà từ chính trái tim của một Hội Thánh đang sống, đang cầu nguyện và đang hy vọng trong Thánh Thần.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Tiến