Anselmô sinh năm 1033 tại Aosta, Ý và là con trưởng trong một gia đình quyền quý. Thân phụ là người cộc cằn, nhưng thân mẫu là người rất đạo đức, biết lo lắng dạy con từ tấm bé và giao con cho các tu sĩ Biển Đức giáo dục.
Năm 15 tuổi, Anselmô xin phép nhập dòng Biển Đức, nhưng thân phụ nhất quyết cự tuyệt, ngay cả khi Anselmô bị bệnh sắp chết chỉ muốn mặc áo dòng trước khi qua đời… Sau khi khỏi bệnh và mồ côi mẹ, Anselmô chạy theo các đam mê trần tục trong 12 năm.
Sau cùng cậu gia nhập đan viện Bec ở Normandy, Pháp lúc 27 tuổi và đã trở thành một đan sĩ. Ba năm sau, Anselmô được bầu làm đan viện trưởng. Vào năm 1079, ngài được bầu làm viện phụ. Dưới sự lãnh đạo của ngài, đan viện Bec trở nên trường đào tạo đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.
Với một đời sống đạo đức và học cao hiểu rộng, năm 1093 ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Canterbury, Anh, lúc 60 tuổi. Trong thời gian này ngài viết nhiều tác phẩm thể hiện sự khao khát của lý trí muốn lý giải đức tin Kitô giáo. Thánh Anselmô đã là người thành lập nền thần học kinh viện, nên truyền thống Kitô đã tặng người tước hiệu “Tiến Sĩ Tuyệt Vời” (Doctor Magnificus) vì người đã vun trồng ước muốn sâu xa đào sâu các mầu nhiệm của Chúa, nhưng với ý thức là con đường kiếm tìm Thiên Chúa không bao giờ kết thúc, ít nhất là trên trái đất này.
Ngài phải đương đầu với các đòi hỏi của các vua nước Anh xen vào hoạt động của Giáo hội. Ngài luôn cương quyết đấu tranh để bảo vệ sự tự do của Giáo hội, vì thế hai lần bị lưu đày. Ngài cũng là người đầu tiên trong Giáo hội chống đối việc buôn nô lệ.
Đức Tổng Giám Mục Anselmô dành các năm cuối đời cho việc đào tạo luân lý hàng giáo sĩ và nghiên cứu thần học. Mất ngày 21/04/1109, ngài được Đức Giáo Hoàng Alexanđrô VI phong Hiển Thánh năm 1494. Ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh năm 1720.