Ngay sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội mừng lễ Đức Maria Mẹ Hội thánh, điều này cho thấy Giáo Hội nhận thức được vai trò của Đức Maria trong Hội thánh.
Từ sau Công đồng Vatican II, từ ngữ “Đức Maria Mẹ Hội Thánh” được sử dụng rộng rãi, không chỉ vì tuyên bố của Đức Phaolô VI ngày 21-11-1964, khi kết thúc phiên họp thứ 3 của Công đồng, mà còn là một kinh nghiệm đức tin được soi dẫn qua dòng lịch sử của Hội Thánh, kể từ thời thánh Augustinô và thánh Lêô Cả.
Cơ sở kinh nghiệm đức tin này là đoạn Phúc Âm Gioan (19, 25-27): Hội thánh Đức Giêsu thiết lập đã được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng, từ đó máu và nước chảy ra. Nhiều nhà thần học đã cho đây là hình ảnh tượng trưng giây phút Hội thánh được sinh ra giống như trẻ sơ sinh từ cung lòng người mẹ. Máu và nước tượng trưng cho sự sống.
Đó cũng là hình ảnh mang tính Thánh Thể của mầu nhiệm Hội thánh, mà từ Thánh Thể, Hội thánh được nuôi sống do chính Mình và Máu Chúa. Hội thánh lại tiếp tục làm cho hình ảnh của hy tế Đức Kitô được sống động qua việc hiện tại hóa mầu nhiệm yêu thương này trong mỗi Thánh lễ cử hành.
Thế nên, một Hội thánh non trẻ được Đức Giêsu sinh ra và, rồi trong giây phút chết trên thập giá Ngài trao phó thánh Gioan làm con Đức Mẹ, gợi lên cho chúng ta hình ảnh mang tính biểu trưng về Hội thánh. “Này là con Bà” và “Đây là mẹ con”, hai câu nói này cho thấy rằng Hội thánh thực sự là con của Mẹ Maria.
Chúa Giêsu chuyển giao Hội Thánh non trẻ ấy cho Đức Mẹ trông nom. Mà Hội Thánh ấy cũng là Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô (với Người là Đầu), nên Mẹ của Đức Kitô cũng là Mẹ của Hội thánh vậy.
Nguồn: “Cho hiển vinh Danh Ngài 20” của Lm. Sta-nít-la-ô NGUYỄN ĐỨC VỆ