Ngày 25/05: Thánh Bêđa Khả Kính, Linh Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh; Thánh Grêgôriô VII Giáo Hoàng và Thánh Maria Mađalêna Pazzi, Trinh Nữ

25/05/2025

1. THÁNH BÊĐA, TIẾN SĨ

Bêđa là con một gia đình nghèo thuộc nước Anh, sinh năm 673 tại thành phố Sunderland, và mồ côi cha khi mới lên bảy. Nhưng Chúa đã ban cho Bêđa sớm có một trí khôn sắc sảo và nhiều đức tính cao đẹp. Một người bà con đã giúp cho cậu ăn học và vào tu dòng Biển Đức mang tên Wearmouth-Jarrow. Năm 682, Bêđa sống trong tu viện; ngoài công việc học hành, còn phải khai khẩn đất hoang. Hơn thế, năm 686, bệnh dịch tả lan tràn, cả tu viện chỉ còn cha bề trên Céolfrith và Bêđa là sống sót.

Sau thời gian bị thử thách, dòng lại phát triển mạnh mẽ, thầy Bêđa lại được làm bạn với đèn sách, thu lượm được rất nhiều kết quả về các môn Kinh thánh, khoa học và âm nhạc bình ca. Thêm vào đó, thầy Bêđa còn có một đức vâng phục, lòng khiêm tốn và tính đơn sơ nhã nhặn. Năm 702 thầy lĩnh chức linh mục.

Sau đó, cha Bêđa được cử làm giáo sư dạy học ngay tại trường và nổi tiếng là nhà sư phạm biệt tài thời bấy giờ. Ngài cũng viết được 45 cuốn sách có giá trị thuộc đủ mọi môn, như văn chương, triết lý, vũ trụ học, toán học, sử học, thi ca và hùng biện khoa…

Ngoài ra, cha Bêđa còn đảm nhận nhiệm vụ đối chất với các lạc giáo. Ngài là một sử gia trứ danh của Giáo hội và Anh quốc, một giáo sư danh tiếng, một nhà bác học uyên thâm, và một vị truyền giáo thánh thiện. Theo nhiều sử gia thì về cuối đời, ngài bị khiếm thị. Nhưng không vì thế mà ngài vẫn dạy học và giảng thuyết.

Khi nằm trên giường bệnh, ngài cũng đọc cho các đệ tử chép bản dịch Phúc âm thánh Gioan. Ngài từ trần vào chính ngày lễ Thăng Thiên năm 735. Thi hài ngài được mai táng trong tu viện Jarrow.

Năm 1020, di hài ngài được chuyển về Durham.

Lòng sùng mộ của giáo dân cùng với những phép lạ xảy ra làm cho Giáo hội phong Ngài lên bậc Hiển Thánh. Rồi ngày 13/11/1899 Thánh nhân lại được truy phong lên bậc Tiến sĩ Giáo hội.

2. THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ VII

Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII, tên thật là Hildebrand Bonizi, sinh khoảng 1015, xuất thân từ một gia đình trung lưu miền Soarno nước Ý.

Ngay từ thời niên thiếu Hildebrand đã được thụ huấn với chú ruột là Lôrensô bề trên tu viện và đạt được nhiều kết quả về đạo đức cũng như về trí thức.

Tới tuổi trưởng thành, Hildebrand được cử làm bề trên tu viện thánh Phaolô và thành công nhiều trong việc phục hưng tinh thần đạo đức các tu sĩ. (Đức Giáo Hoàng Lêô IX đã cử ngài làm đặc sứ Toà Thánh tại Pháp.) Năm 1045, đời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VI, ngài là một trong những vị Phó tế của thành Rôma trông coi tài sản Giáo hội.

Năm 1049, Đức Giám mục thành Toul (Pháp) là Bruno lên ngôi Giáo hoàng, lấy hiệu là Lêô IX và chính thức đặt Hildebrand làm cố vấn giúp ngài, có lần cử ngài làm đặc sứ Tòa Thánh tại Pháp. Giáo hội lúc đó lâm vào một tình trạng đen tối. Giáo quyền bị lệ thuộc thế quyền; nhiều Giám mục đã lâm vào nạn mại thánh; đời sống đạo đức và trinh khiết của giáo sĩ cũng đi dần đến chỗ sa đọa sút kém.

Để chặn đứng những cảnh đồi phong bại tục đó, ngài bàn định với Đức Giáo hoàng triệu tập Công đồng Rôma năm 1074, thay thế những người bất xứng bằng những vị tài đức và thánh thiện. Ảnh hưởng và hoạt động của ngài đã cứu vãn lại được phần nào tình thế. Thế nên khi Đức Lêô IX băng hà, ngài vẫn được các Giáo Hoàng kế tiếp trọng dụng, và tiếp tục làm cố vấn cho bốn đời Giáo Hoàng sau.

Năm 1073, khi Đức Giáo Hoàng Alexanđrô II băng hà, toàn thể hội đồng Hồng Y đều tán thành bầu ngài kế vị. Ngài khiêm tốn lãnh nhận nhiệm vụ Chúa trao. Với danh hiệu là Grêgôriô VII. Đức Grêgôriô VII vẫn sống khắc khổ không khác gì một cha dòng khổ tu, vì biết rằng chỉ có hãm mình cầu nguyện để xin ơn Chúa mới có thể làm cho tương lai của Giáo hội được sáng sủa hơn.

Không chỉ cầu nguyện, ngài đã bắt tay ngay vào việc cải tổ và bênh vực Giáo hội; đêm ngày ngài hăng hái bảo vệ uy quyền Giáo hội và duy trì ích lợi chung cho nhân loại.

Nhưng trọng tâm hoạt động của Đức Grêgôriô vẫn là việc tranh đấu cho tự do và thánh thiện của Giáo hội. Trong khi quân đội của Henricô IV (người Đức, chống Giáo hoàng) và Ghicađô (Robert Guiscard, người Normand, bênh Giáo hoàng) còn đang tranh nhau để chiếm thành Rôma thì Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thọ bệnh và từ trần tại Salernô ngày 25/05/1085.

Thi hài ngài được an táng tại nhà thờ thánh Mátthêu. Năm năm sau, khi cải táng người ta thấy xác ngài hầu như còn nguyên vẹn. Ngày 28/08/1619, Đức Phaolô V đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh.

3. THÁNH MAĐALÊNA PAZZI, HIỂN TU

Mađalêna Pazzi sinh ngày 02/04/1566 tại Florencia, nước Ý, trong một gia đình đạo đức, giàu sang và có thế giá. Ngày hôm sau cha mẹ mang con trẻ đến xin rửa tội và tên thánh là Catarina.

Càng lớn lên Catarina càng thêm khôn ngoan và nhân đức, mộ mến những việc đạo đức như đọc kinh, làm việc bố thí, hãm mình ăn chay và dùng những giờ rảnh để nguyện ngắm.

Cha sở dạy cô cách thức nguyện ngắm. Từ đó Catarina dành mỗi ngày một giờ để nguyện ngắm, nhất là suy niệm là sự thương khó Đức Giêsu. Sau ngày rước lễ vỡ lòng 25/03/1576, Catarina càng tỏ ra đạo đức và từ ngày đó, cô muốn giữ mình đồng trinh và để nhắc nhở mình, cô đeo một chiếc nhẫn nơi tay. Năm 16 tuổi cha mẹ cô định gả cô cho một vị lãnh chúa trẻ đẹp nhưng cô một mực chối từ. Cha sở Blanca là cha giải tội của cô, cho ông bà hay Catarina có ơn kêu gọi tu dòng, nên khuyên ông bà để cho cô tự do lựa chọn lối sống.

Ngày 14/08/1582, Catarina từ giã cha mẹ để vào Dòng Kín với niềm hân hoan. Sau một thời gian thực tập, ngày 01/09, cô được chính thức nhận vào tập viện, và năm tháng sau, tức ngày 30/01/1583, Catarina được mặc áo dòng và nhận tên là chị Mađalêna.

Từ đây người ta thấy chị ăn ở rất mực khiêm tốn; trong cử chỉ và lời nói, Chị giữ luật dòng một cách thận trọng và thực hành những công tác trong nhà một cách chu đáo.

Chị Mađalêna cũng nóng lòng trông đợi ngày được tuyên khấn.

Ít lâu sau vì sức khoẻ mong manh không chịu nổi những việc hãm mình, nên chị ngã bệnh. Chị càng buồn rầu nếu phải chết trước khi được tuyên khấn. Bà bề trên đành phải lo liệu cho chị được khấn hứa trọng thể trước khi về chầu Chúa. Ngày 27/05/1584, trong bầu không khí trang nghiêm của nguyện đường tu viện, chị Mađalêna long trọng tuyên hứa ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Sau đó chị vẫn nằm liệt giường.

Nhưng cũng từ đây đời chị bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới: chị qua nhiều lần ngất trí và thông cảm nhiều với sự thương khó của Đức Giêsu. Hiện tượng đó thường xảy ra sau mỗi lần chị rước lễ hoặc đang suy niệm về sự thương khó của Đức Giêsu. Lần đầu tiên xuất thần, chị cho hay được Chúa cho thấy rõ những hậu quả ghê gớm của tội bất trung và tầm quan trọng của lời cầu nguyện. Lần khác, chị ngất trí một thời gian dài và người ta thấy chị như đang đàm đạo với một nhân vật vô hình nào đó. Thứ hai Tuần Thánh năm 1585, chị ngất trí và khóc vì được nhìn những thương tích trên mình Chúa Giêsu chịu nạn.

Thời gian hứng thú trong những lần ngất trí kia rồi cũng qua đi; tiếp đến là những “đêm tối của linh hồn” mà chị Mađalêna phải chịu đựng để tập luyện cho linh hồn con cái Chúa đạt tới mức kiên nhẫn và khiêm nhường hơn. Lúc này chị cảm thấy chia trí và thời khắc nặng nề trôi qua. Ma quỷ cũng lợi dụng thời cơ gây ra tình trạng bối rối hầu làm lung lạc tâm hồn chị đến nỗi có lần chị hầu ngã lòng muốn cởi bỏ áo dòng để hoàn tục.

Được cha linh hướng cho biết đó là thời gian Chúa thử thách, nên chị càng hạ mình khiêm tốn và thú nhận những khuyết điểm của mình. Sau tuần lễ linh thao năm 1590, cơn khủng hoảng qua đi và tâm hồn chị lại được bình an thư thái như xưa và càng để hết tâm lực yêu Chúa và cầu nguyện cho tội nhân được ơn trở lại.

Năm 1612, từ sau lần ho ra máu, sức khỏe của chị suy giảm nhiều. Chị chịu đựng cơn bệnh một cách vui vẻ, cho đến ngày 24/05/1607 thì kiệt lực. Sau khi chịu lễ, chị trút linh hồn an nghỉ trong tay Chúa. Hôm đó nhằm đúng ngày lễ Thăng Thiên.

Năm 1609, khi cải táng, xác chị vẫn còn nguyên tuyền. Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX tuyên phong Chị lên bậc Hiển Thánh ngày 28/04/1669.

Nguồn: “Cho hiển vinh Danh Ngài 20”  của Lm. Sta-nít-la-ô NGUYỄN ĐỨC VỆ