Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 3 – Chương 18 – Phần 1

19/05/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 3

CHƯƠNG MƯỜI TÁM

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI CÁC ĐỨC GIÁM QUẢN

A. GIỚI THIỆU CÁC ĐỨC GIÁM QUẢN GIÁO PHẬN HUẾ TỪ 1988 ĐẾN 1998.

Ngày 8-6-1986 Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời, Giáo phận Huế trống tòa. Trong thời gian chờ đợi, Tòa Thánh bổ nhiệm các vị lãnh đạo mới với cương vị Giám quản. Giáo phận Huế trải qua 10 năm (1988-1998) chế độ Giám quản, với ba vị Giám quản lần lượt được bổ nhiệm:

1. Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn(1), Tổng Giám mục Hà Nội, Giám quản Tông toà Giáo phận Huế.

Ngài sinh đúng vào ngày lễ kính Thánh Giuse 19-3-1921, tại làng Bút Đông, xã Trát Bút (nay là xã Châu Giang), huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà. Bút Đông là quê thiêng đất thánh, nơi vinh dự bảo bọc linh mục thừa sai Thánh Tử Đạo Théophane Vénard Ven (1829-1861).

Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn là con trai độc nhất trong gia đình, nhưng cha mẹ ngài cảm thấy không trở ngại gì trong việc ngài dâng mình cho Chúa. Ngài học ở TCV Hoàng Nguyên và ĐCV Xuân Bích Liễu Giai. Thụ phong linh mục ngày 3-12-1949 tại Hà Nội.

ĐỨC HỒNG Y GIUSE MARIA TRỊNH VĂN CĂN GIÁM QUẢN TÔNG TÒA GP HUẾ (1988-1990)

(Ảnh: Internet)

Ngày 2-6-1963 được tấn phong Giám mục phó kế vị Đức Hồng y Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê.

Ngày 27-11-1978, Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê qua đời, Đức Giám mục phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn nhận quyền lãnh đạo TGP Hà Nội.

Ngày 2-5-1979, ngài được Tòa Thánh phong bậc Hồng y. Lễ nhậm chức Hồng y diễn ra tại Rôma.

Tháng 6-1988, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Huế thay Đức TGM Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời. Nhưng sau gần hai năm nhận quyền Giám quản Tông tòa, ngày 15-5-1990, Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 69 tuổi.

Trong thời gian Giám quản của ngài không có kỳ Đại hội La Vang nào diễn ra theo định lệ.

2. Linh mục Tổng Đại diện Giacôbê Lê Văn Mẫn, Giám quản Giáo phận Huế(2).

Ngài sinh ngày 18-1-1922 tại Thạch Hãn, Quảng Trị. Năm 1933 nhập TCV An Ninh. Năm 1943 lên ĐCV Phú Xuân. Năm 1951 thụ phong linh mục tại Huế.

Phần lớn thời gian làm linh mục ngài làm cha giáo ở TCV An Ninh, ĐCV Phú Xuân và TCV Hoan Thiện. Từ 1975, ngài được cử thay mặt Giám mục làm bề trên các dòng nữ trong địa phận.

Tháng 4-1984, ngài được bổ nhiệm chức vụ Tổng Đại diện Giáo phận Huế thay cha Tổng Đại diện Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc xin từ chức vì lý do sức khỏe và tuổi tác.

ĐỨC GIÁM QUẢN GIACÔBÊ LÊ VĂN MẪN

(Ảnh tư liệu Giáo phận Huế)

Năm 1990, ĐHY Giám quản Giuse Maria Trịnh Văn Căn qua đời, ngài được bổ nhiệm Giám quản Địa phận cho đến ngày 12-5-1994, ngày Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể nhậm chức Giám quản Tông tòa.

Trong thời gian cha Tổng Đại diện nhận quyền Giám quản đã diễn ra hai kỳ Đại hội La Vang: Đại hội La Vang 22 (1990) và Đại hội La Vang 23 (1993).

3. Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể Giám quản Tông tòa Giáo phận Huế(3).

ĐỨC TGM TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ, GIÁM QUẢN TÔNG TÒA GP HUẾ (1994-1998)

(Ảnh: Tòa Tổng Giám mục Huế)

Ngài sinh ngày 1-12-1935 tại giáo xứ Cây Da, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nguyên quán Nho Lâm, quê hương Thánh Tử Đạo Micae Hồ Đình Hy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Nhập TCV An Ninh tháng 7-1947. Lên ĐCV Phú Xuân tháng 8-1955, vào học tại ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, rồi ĐCV Xuân Bích Thị Nghè (thành lập tháng 9-1956). Thụ phong linh mục ngày 6-1-1962 tại Vương Cung Thánh Đường La Vang.

Đã từng phụ trách: Phó xứ Thạch Hãn, Giáo sư rồi Hiệu trưởng rồi Giám đốc TCV Hoan Thiện.

Ngày 7-9-1975 được tấn phong Tổng giám mục phó kế vị Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Nhưng vì lý do sức khỏe, sau 8 năm, ngày 21-11-1983, ngài xin từ nhiệm. Cho đến năm 1994, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tái bổ nhiệm ngài vào chức vụ Tổng Giám mục Giám quản Tông tòa Giáo phận Huế.

Ngày 12-5-1994, nhà thờ Phủ Cam được trang hoàng rực rỡ. Trước tiền đường, nổi bật giữa dòng cờ hoa là dòng chữ: “Toàn thể giáo phận hân hoan chào mừng Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông tòa Giáo phận Huế”, và bên dưới là dòng chữ: “Để cho trần gian được sống (Pro Mundi Vita)”.

Đức Tổng Giám mục Giám quản Têphanô chủ tế thánh lễ đồng tế cùng 4 vị Giám mục: PX. Nguyễn Quang Sách (Đà Nẵng), Alexi Phạm Văn Lộc (Kontum), Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp và Phaolô Maria Cao Đình Thuyên (Vinh), cùng với khoảng 80 linh mục hợp tế trong phẩm phục màu đỏ. Đến dự lễ có 200 vị đại diện các giáo xứ, đông đảo tu sĩ nam nữ và khoảng 3.000 giáo dân. Phía khách mời có các vị đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tôn giáo bạn (Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài).

Đức tân Giám quản Têphanô đáp từ tỏ lòng tri ân ĐTC Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào trách vụ mới. Cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo điều kiện tổ chức lễ nhậm chức. Kêu gọi sự hợp tác giữa những người thành tâm thiện chí và các tôn giáo bạn trong công cuộc “cứu nhân độ thế”. Nói với các linh mục, giáo dân, Đức tân Giám quản kêu gọi mọi người hãy sống xứng đáng và tự hào về mảnh đất quê hương thân thương được quốc tế công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Tiếp đó, đại diện các linh mục, tu sĩ và giáo dân đọc lời chúc mừng, bày tỏ lòng kính yêu và vâng phục quyền bính Đức Giám quản Tông tòa.

Trưa cùng ngày, các vị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận, Ban Tôn giáo và một số ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế đến Tòa Tổng Giám mục chúc mừng Đức tân Giám quản.

B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM QUẢN GIACÔBÊ LÊ VĂN MẪN.

I. ĐẠI HỘI LA VANG 22 (17-8 – 19-8-1990).

1. Chương trình Đại hội:

+ NGÀY THỨ SÁU 17-8-1990

– 09.00: Dâng hoa.

– 10.00: Thánh lễ đồng tế tại đài Đức Mẹ.

– 16.00: Dâng hoa.

– 17.00: Thánh lễ đồng tế tại đài Đức Mẹ.

+ NGÀY THỨ BẢY 18-8-1990

– 09.00: Dâng hoa.

– 10.00: Thánh lễ đồng tế tại đài Đức Mẹ.

– 16.00: Dâng hoa.

– 17.00: Thánh lễ đồng tế tại đài Đức Mẹ.

– 18.00: Các giáo xứ luân phiên cầu nguyện trước đài Đức Mẹ.

+ NGÀY CHÚA NHẬT 19-8-1990

– 08.00: Dâng hoa.

– 09.00: Rước kiệu Đức Mẹ theo lộ trình: Giữa công trường Mân Côi – Đài Đức Mẹ.

– 10.00: Thánh lễ đồng tế tại đài Đức Mẹ.

Bế mạc.

2. Tổ chức Đại hội La Vang 22 (1990).

a/ Điều hành cuộc lễ.

Văn phòng Điều hành và Liên lạc đặt tại rạp gần lầu chuông để làm việc trong suốt mấy ngày Đại hội.

b/ An ninh trật tự.

– Mỗi giáo xứ khi đến hành hương nên tập trung ở một nơi nhất định để dễ kiểm soát.

– Trình danh sách đăng ký tạm trú lên chính quyền địa phương sau 10 giờ đêm, trước 11 giờ đêm.

– Một số giáo dân được Ban Tổ chức cắt cử nhiệm vụ lo trật tự trong vùng Thánh địa. Những người này đeo băng đỏ có chữ La Vang. Họ đã được chỉ dẫn trước (nhã nhặn, tế nhị…), luôn túc trực ở địa điểm được phân công, nhất là ở những địa điểm quan trọng: Cổng vào, giếng nước, trước và sau đài, trước và sau đền thờ, nhà thờ, nhà cha sở, khu nhà vệ sinh, nơi giữ xe…

– Tới 11 giờ đêm, có chuông báo giờ ngủ. Mọi người giữ yên lặng. Điện thắp sáng đêm.

c/ Giao thông đi lại.

Các loại xe không được vào khu vực Thánh địa. Xe gắn máy, xe đạp được giữ ở hai cồn giữa hồ nước.

Trong dịp Đại hội lần thứ 22 này, theo yêu cầu của Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, Sở Giao thông Công chánh Quảng Trị đã cho đặt bảng chỉ dẫn THÁNH ĐỊA LA VANG, dưới có mũi tên chỉ hướng tây và số 2km, tại Quốc lộ 1A, đoạn rẽ vào La Vang.

BẢNG CHỈ DẪN: LA VANG 2 KM (BẢNG CŨ)

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

BẢNG CHỈ DẪN:LA VANG 2 KM (BẢNG MỚI)

(Ảnh 1+2: Lm. Phêrô Nguyễn Vũ, 2019)

d/ Vệ sinh – Y tế:

– Có ba giếng nước sạch trong khu vực Thánh địa đủ để phục vụ khách hành hương.

– Có đội vệ sinh đi lượm, quét, hốt rác và đem rác đi đổ vào hố rác.

– Có nhà vệ sinh nam nữ tách biệt.

– Có trạm y tế, cấp cứu do các nữ tu phục vụ, đặt cạnh Văn phòng Điều hành và Liên lạc.

3. Đại hội La Vang 22 (1990) – Đại hội chuyển tiếp, báo hiệu chấm dứt thời kỳ “Khó khăn và tế nhị”.

a/ Đại hội La Vang 22 diễn ra trong hoàn cảnh thuận lợi.

Trong hoàn cảnh thuận lợi, đất nước đang thực hiện công cuộc Đổi mới, Đại hội La Vang 22, do linh mục Giacôbê Lê Văn Mẫn, giám quản Địa phận Huế chủ trì, đã diễn ra long trọng và đông đảo, với sự hiện diện của 50 linh mục, khoảng 30.000 giáo hữu trong ngày chính lễ. Còn nếu tính chung thì “năm nay bà con ở nhiều nơi đến hành hương La Vang ước tính độ năm vạn người, trong suốt ba ngày 17, 18 và 19-8-1990”.

Đây là Đại hội Tam nhật được tổ chức quy mô sau 20 năm, kể từ 1970. Thành công của Đại hội La Vang 22 báo hiệu chấm dứt thời kỳ “khó khăn và tế nhị” đối với Lễ hội Hành hương La Vang.

b/ Ghi nhận từ công luận:

+ “Hành hương La Vang cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng khác được Nhà nước ta tôn trọng và tạo điều kiện cho Giáo hội, giáo dân được tự do hoạt động tín ngưỡng”.

Ông Lê Văn Hoan, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị, trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Cửa Việt(4), cho biết:

“Hành hương La Vang cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng khác được nhà nước ta tôn trọng và tạo điều kiện cho Giáo hội, giáo dân được tự do hoạt động tín ngưỡng trong khuôn khổ luật pháp hiện hành”. Cũng theo ông Hoan:

“Năm nay bà con ở nhiều nơi đến hành hương La Vang ước tính độ năm vạn người, trong suốt ba ngày 17, 18 và 19-8-1990”.

Đây, xin trích đăng bài phỏng vấn của phóng viên tạp chí Cửa Việt với ông Đại biểu Quốc hội Lê Văn Hoan:

Hỏi: Vừa qua “Kiệu La Vang” đã tổ chức thành công (về an ninh và về việc tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo), anh có suy nghĩ gì về tương lai La Vang? Có gì mâu thuẫn khi xét nó cả hai khía cạnh: Du lịch và tôn giáo?

Trả lời: La Vang, tên gọi của một địa danh, một vùng đồi núi thuộc huyện Hải Lăng. Hiện tượng Đức Mẹ La Vang là một huyền thoại đã đi vào trong lòng giáo dân theo đạo Kitô giáo. Họ tin rằng La Vang là một nơi mà trước đây “Đức Mẹ hiện hình”.

Hằng năm, vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bà con kéo về hành hương La Vang. Từ năm 1901, lễ khánh thành nhà thờ, Giáo hội tổ chức lễ với quy mô lớn, từ đó cứ ba năm một lần lại tổ chức quy mô lớn.

Trong những năm chiến tranh không có điều kiện tổ chức lễ, nhất là chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giặc Mỹ xem La Vang là một trong những mục tiêu đánh phá và chúng đã đánh phá rất ác liệt cho vùng La Vang nói chung, nhà thờ La Vang nói riêng bị hủy diệt.

Từ ngày hòa bình lập lại, giáo dân hằng năm đều có đến hành hương La Vang. Năm nay bà con ở nhiều nơi đến hành hương ước độ năm vạn người, trong suốt ba ngày 17, 18, 19-8.

Theo tôi nghĩ hiện tượng La Vang xét về mặt bản chất thuộc về lãnh vực thuần túy tôn giáo được lưu truyền theo quy trình lịch sử. Đi hành hương La Vang cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng khác được nhà nước ta tôn trọng và tạo điều kiện cho Giáo hội và giáo dân được tự do hoạt động tín ngưỡng trong khuôn khổ luật pháp hiện hành. Còn lãnh vực du lịch của tỉnh Quảng Trị phải gắn với điều kiện thực tế về tự nhiên và thiên nhiên của tỉnh, gắn với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Quảng Trị. Nói đến du lịch phải nói đến bờ biển dài 70 km có Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy là những bãi tắm nổi tiếng rất sạch. Quảng Trị còn có những di tích lịch sử như: Địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra, thành cổ Quảng Trị, đường 9, Khe Sanh, Lao Bảo, đường mòn Hồ Chí Minh… Nếu đồng bào theo đạo Phật đã đến Quảng Trị thế nào cũng viếng chùa Sắc Tứ thì đồng bào theo đạo Kitô giáo chắc chắn sẽ đến viếng La Vang.

Tôi nghĩ rằng tương lai ngành du lịch của Quảng Trị có khả năng phát triển, đón nhận du khách thập phương đến nghỉ mát, tham quan.

+ Từ Đại hội La Vang 22 (1990) sự việc đã trở nên tốt hơn.

Khách quan mà nói, sau thành công của Đại hội La Vang 22 (1990), nghĩa là sau hai năm đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, những tổ chức tín ngưỡng tôn giáo như Lễ hội Hành hương La Vang đã trở nên tốt đẹp hơn.

– Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, với tư cách người trong cuộc, người đã tổ chức Hành hương La Vang từ 1975 tới nay, đã nói với Thông tấn xã Reuters rằng: “Những quan hệ với chính quyền trước đây đã gặp nhiều khó khăn, vì trong chiến tranh Việt Nam, dưới chế độ Sài Gòn – Mỹ, đạo Công giáo được phồn thịnh. Nhưng kể từ năm 1990 sự việc đã trở nên tốt hơn. Trong tương lai, mối quan hệ này dần dần sẽ tốt hơn nữa, và chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều linh mục được phong chức”.

– Một linh mục khác không nói tên cũng cho rằng: “Những quan hệ của tám triệu người Công giáo Việt Nam và chính quyền Cộng sản đang được cải thiện theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn”.

– Ông Nguyễn Thương, 43 tuổi, ở Tampa – Fla, nhân dịp lần đầu tiên trở về thăm quê hương sau ba năm ra đi, nói rằng: “Tôi cho rằng người Công giáo được tự do nhiều hơn trong việc giữ đạo, mà Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 22 là một bằng chứng”.

4. Hình ảnh Đại hội La Vang 22 (1990):

RƯỚC KIỆU TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 22 – 1990 (H.1)

RƯỚC KIỆU TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 22 – 1990 (H.2)

CÁC ĐAN SĨ ĐAN VIỆN THIÊN AN TRONG ĐOÀN KIỆU – ĐẠI HỘI 22 – 1990 (H.3)

(Ảnh 1+2+3: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

5. Hành hương La Vang sau Đại hội La Vang 22 (1990).

+ 8-12-1990: Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Chúa nhật 17-2-1991 (mồng 2 tết Tân Mùi): Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

Đề tài suy niệm: “Thì giờ đã mãn” (Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, 17-2-1991).

Sau đề tài suy niệm, cộng đoàn cầu nguyện:

– “Lạy Chúa, trước thềm năm mới Tân Mùi, chúng con xin tạ ơn Chúa về việc Chúa thương ban thì giờ cho chúng con sống thêm năm nay. Xin cho chúng con biết quý trọng thì giờ, biết dùng thì giờ cho nên, có lợi cho chính bản thân xác hồn chúng con, có lợi cho gia đình chúng con, cho Giáo hội, cho tổ quốc, cho đồng loại… Xin cho chúng con đừng phung phí thì giờ trong những chuyện rượu chè say sưa, cờ bạc, vào những chuyện có hại, có tội hoặc vô ích. Xin cho chúng con làm việc cho có chương trình, biết làm mọi việc vì Chúa, biết chăm chú vào hiện tại, vừa làm việc hết sức mình, vừa hết lòng trông cậy vào Chúa.

Lạy Đức Mẹ La Vang, xin Mẹ cầu Chúa nhậm tất cả những gì chúng con cầu nguyện trong năm mới này. Amen”.

– “Lạy Chúa, trong những ngày đầu Mùa Chay Thánh, và cũng là những ngày đầu năm mới, chúng con hết lòng ăn năn sám hối những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con trong năm vừa qua, trong quá khứ đời chúng con mà chúng con không thể nào sửa chữa được. Những gì điên khùng, vô ích và có hại của chúng con trong năm vừa qua, trong quá khứ đời chúng con, chúng con không thể nào xóa bỏ được. Vì thế, Lạy Chúa, giờ đây trước mặt Chúa, chúng con đầy tủi hổ và hết lòng ăn năn thống hối. Nhưng chúng con tin chắc Chúa thứ tha tất cả lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, như lời Chúa quả quyết: ‘Ta không chê tấm lòng tan nát ăn năn. Ta không chê tấm lòng khiêm cung thống hối’. Xin Chúa giúp chúng con một năm sống đẹp lòng Chúa; một năm, biết đâu là năm cuối cùng của cuộc đời chúng con sao?”

+ Chúa nhật 18-8-1991: Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

 Mặc dù đang thời tiết hè thu, nhưng cơn bão số 6 bất chợt đổ xuống miền Trung, mà La Vang – Quảng Trị là tâm bão, đã khiến hai ngàn giáo dân ở lại đêm áp lễ phải hứng chịu mưa bão suốt đêm không chỗ nương thân.

Trong tờ trình gởi Đức Giám quản, cha sở La Vang Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang có ghi lại:

“Năm nay, theo thông lệ hằng năm, có trên mười ngàn giáo dân đến hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày Chúa nhật 18-8-1991. Đặc biệt vào tối thứ bảy áp lễ, 17-8-1991, hơn hai ngàn giáo dân đến sớm trú qua đêm tại La Vang phải chịu đựng mưa gió lạnh lẽo ở ngoài trời do ảnh hưởng của cơn bão số 6 đang thổi mạnh từ trên Bắc xuống”…

+ 8-12-1991: Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ 6-2-1992 (mồng 3 tết Nhâm Thân). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

+ 15-8-1992: Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ 8-12-1992: Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ 25-1-1993 (mồng 3 tết Quý Dậu). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

6. Kể từ Đại hội La Vang 22 (1990), Hành hương La Vang là “Cuộc lễ thông thường hằng năm, bà con Thiên Chúa giáo được tổ chức theo nghi lễ”(5).

Sau thành công của Đại hội La Vang 22 (1990), hầu hết những đơn xin phép tổ chức Hành hương La Vang, Đại hội La Vang đều được chính quyền chấp thuận một cách dễ dàng, cởi mở. Đồng thời, những khó khăn “không đáng có” trong các buổi lễ hội tôn giáo tại La Vang cũng theo thời gian dần dần ít đi nếu không nói là đã biến mất.

Có thể dẫn một vài văn bản từ chính quyền:

a/ Văn bản số 29/UB, ngày 19-1-1993 do ông Dương Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng ký:

“Sau khi xem xét đơn của linh mục xin phép được làm chủ lễ Hành hương tại nhà thờ La Vang vào ngày 25-1-1993 (tức là ngày 3-1 năm Quý Dậu), UBND huyện trả lời như sau:

– Đồng ý để linh mục Nguyễn Vinh Gioang làm chủ lễ theo nội dung, chương trình, thời gian đã trình bày trong đơn.

– Linh mục liên hệ với UBND xã Hải Phú để việc bảo vệ an ninh trật tự trong buổi lễ được tốt./.”

Thay mặt UBND huyện Hải Lăng.

KT/Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Dương Ngọc Dũng.

b/ Văn bản số 13/UB, ngày 5-2-1994, do ông Đào Quynh, Chánh văn phòng UBND huyện Hải Lăng ký:

“UBND huyện Hải Lăng đã nhận được tờ trình của linh mục về việc tổ chức ngày kiệu Minh niên của đồng bào Thiên Chúa giáo vào ngày 12-2-1994.

UBND huyện đồng ý và đề nghị linh mục có báo cáo với chính quyền xã Hải Phú cũng như giữ gìn tốt an ninh trật tự trong phạm vi cuộc lễ”.

TL/ Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng.

Chánh văn phòng

Đào Quynh.

c/ Văn bản số 66/CV-UB, ngày 6-8-1994, do ông Dương Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng ký:

“Theo tờ trình ngày 25-7-1994 của linh mục v/v tổ chức Hành hương kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại La Vang, UBND huyện thấy rằng:

Đây là cuộc lễ thông thường hằng năm, bà con Thiên Chúa giáo được tổ chức theo nghi lễ. Tuy nhiên, UBND huyện đề nghị linh mục trực tiếp làm việc với UBND xã Hải Phú để có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự và sức khỏe của những người tham gia, cũng như các vấn đề liên quan đến cuộc lễ”.

Thay mặt UBND huyện Hải Lăng.

KT/Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Dương Ngọc Dũng.

Phải mất gần 20 năm để lễ hội Hành Hương La Vang được nhìn nhận là “cuộc lễ thông thường hằng năm” của người Thiên Chúa giáo, “bà con Thiên Chúa giáo được tổ chức theo nghi lễ” và “La Vang cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng khác được nhà nước ta tôn trọng và tạo điều kiện cho Giáo hội và giáo dân được tự do hoạt động tín ngưỡng”… quả là có chậm, nhưng phải thành thực mà nói rằng, nếu đất nước không thực hiện công cuộc Đổi mới thì những vấn đề có liên quan đến tôn giáo như lễ hội Hành hương La Vang liệu có được nhìn nhận không, hay sẽ còn chậm đến bao giờ?

7. Đức Giám quản Giacôbê Lê Văn Mẫn đồng ý cho phép linh mục quản xứ La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang tìm ngân khoản để thực hiện dự án tái thiết cơ sở vật chất La Vang(6).

Ngày 19-8-1991, sau Đại hội La Vang lần thứ 22 (1990), linh mục quản xứ La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang, đã làm tờ trình gởi Đức Giám quản Giacôbê Lê Văn Mẫn xin phép tìm ngân khoản, qua linh mục bào đệ Giuse Nguyễn Lợi ở hải ngoại, để thực hiện dự án tái thiết cơ sở vật chất tại La Vang như xây nhà trọ Đại Chúng, nhà vệ sinh công cộng, nhà cha sở, hệ thống điện nước, vườn Đức Mẹ…

Dự án đã được Đức Giám quản chấp thuận với bút phê như sau:

“Đây là nhu cầu rất thiết thực. Xin Mẹ chúc lành cho những ai giúp đỡ” (kèm văn bản có bút phê của Đức Giám quản Giacôbê Lê Văn Mẫn – thu nhỏ từ văn bản khổ A4).

Hưởng ứng dự án này, ngày 26-9-1991, Đức cha PX. Nguyễn Văn Thuận, đang ở Tòa Giám mục Hà Nội, người đầu tiên hưởng ứng, qua Đức Giám quản, đã ủng hộ cho dự án 2.000USD, kèm thư tay gởi cha E. Nguyễn Vinh Gioang: “Tôi muốn dâng số tiền nhỏ để cha làm mấy nhà đón giáo dân khi có Đại hội…”.

(Còn tiếp)

 ——————————————————————————-

(1) Lê Ngọc Bích: Các Giám mục một thời đã qua. Lưu hành nội bộ, tr.23.

(2) Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế. Cuốn 2, tr.82.

(3) Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế. Cuốn 2, tr.82 + Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 959, ngày 22-5-1994, tr.4-5.

(4) Tạp chí Cửa Việt. Số 4, tháng 10-1990, tr.8.

(5) Nội dung + văn bản: Tư liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(6) Nội dung + thư + văn bản: Tư liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 18 – Phần 1