Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 1 – Chương 7

03/10/2019

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

CHƯƠNG BẢY

THÁNH ĐỊA LA VANG

THỜI ĐỨC GIÁM MỤC ALLYS LÝ

A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC EUGÈNE MARIE JOSEPH ALLYS LÝ

ĐỨC GIÁM MỤC EUGÈNE MARIE JOSEPH ALLYS LÝ

Đức Giám mục Eugène Marie Joseph Allys Lý sinh năm 1852 tại Canné, giáo xứ Paimport, giáo phận Rennes, vùng bán đảo Bretagne, Tây Bắc nước Pháp.

Thuở thiếu thời, cậu bé Allys theo học ở trường của tu hội Ploemel, xứ Bretagne quê nhà, do các thầy dòng La San giảng dạy. Chính từ không khí mẫu mực của tu hội này đã hình thành nên một nhân cách đặc biệt: Nhân cách Allys Lý.

Năm 1872, ngài gia nhập Đại Chủng viện Hội Thừa sai Paris và được thụ phong linh mục năm 1875. Sau đó ngài xuống tàu đi Việt Nam. Đến Huế ngày 16-12-1875.

Tại Giáo phận Huế (tên bấy giờ là Giáo phận Bắc Đàng Trong), ngài lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ: Bề trên Viện Dục anh, Bề trên Đại Chủng viện Phú Xuân, phó xứ rồi chánh xứ Dương Sơn, chánh xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy. Năm 1908, ngài được Tòa Thánh bổ nhiện Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Huế.

Đức cha Allys Lý là người có công đưa Giáo phận Huế đến thời kỳ phồn thịnh, nổi bật với phong trào tòng giáo lên rất cao trong cả giới bình dân lẫn hoàng tộc. Song song là việc thiết lập các dòng tu trong địa phận: Dòng Kín Carmel (1909), Dòng Xitô Phước Sơn (1918), Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân (1920), Dòng Mến Thánh Giá Cải Cách Kim Đôi – nay là Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế (1924), Dòng Thánh Tâm (1924), Dòng Chúa Cứu Thế (1925). Bên cạnh đó, công lao không kém là việc hiện đại hóa cơ sở vật chất cho Giáo phận Huế mà đáng kể nhất là nhà thờ Phủ Cam, Tòa Khâm mạng và đền thờ Đức Mẹ La Vang.

Ngày 16-4-1921, ngài được chính phủ Nam triều phong tặng Kim khánh Ngoại hạng. Ngày 14-7-1921 được chính phủ Pháp tặng huy chương Bắc đẩu Bội tinh. Nhân dịp lễ Kim khánh của ngài, 1925, Đức Thánh cha ban tặng tước hiệu Assistant au Trône Pontifical.

ĐỨC CHA ALLYS LÝ TRONG NGÀY LỄ VÀNG, 1925

(Ảnh: Tb. Vì Chúa, số 81, ngày 27-5-1938)

Ngày 13-10-1935, Đức cha Allys đã 83 tuổi, mừng lễ ngọc tại nhà thờ Phủ Cam, một cuộc lễ lớn cuối cùng trong đời ngài.

Năm sau, lúc 11 giờ trưa ngày 23-4-1936, Đức cha qua đời tại Tòa Giám mục Huế, hưởng thọ 84 tuổi, 61 năm linh mục truyền giáo tại Việt Nam, trong đó có 28 năm Giám mục (23 năm lãnh đạo Giáo phận Huế + 5 năm hưu trí).

Được tin ngài qua đời, cụ Phan Bội Châu xuất thần trong bài văn tế tiễn biệt, có câu:

“Nửa thế kỷ choảng vang chuông đạo Chúa.

Mở miệng người câm, xoi tai người điếc, những ước ao beo cọp hóa tường lân…

Nỗi cảm tình riêng cũng khóc thương thầm, tưởng câu thất nhĩ nhân hà, nợ thay bạn xin chung lời điếu.

Thốn tâm thiên cổ gọi rằng tri tử giả ái, tứ hải nhất giai dám chắc hữu cầu tất ứng”…(1)

B. ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG THEO ĐỊNH LỆ CŨ

I. ĐẠI HỘI LA VANG 4 (1910)

1. Chuẩn bị Đại hội La Vang lần thứ 4

“Năm nay, cha sở họ Cổ Vưu cũng kiêm họ La Văng, về tỉnh Quảng Trị, ở Địa phận Huế, tên là Cả (Cadière) rao cho ai nấy biết ngài sắp dọn kiệu trọng thể cả và địa phận, cùng gởi thư mời các cha hàng xứ đến thông công trong việc kiệu ảnh Đức Mẹ làm phép lạ La Văng. Người định hẹn ngày 9 Augustô sẽ kiệu. Các cha đi cấm phòng về rao cho bổn đạo mình ai muốn đi kiệu thì đi. Chỉ rao truyền đơn sơ vài lời mà thôi”(2).

2. Tường thuật Đại hội La Vang 4 (1910): Kiệu ảnh Đức Mẹ nhà thờ La Văng – Thuộc về địa phận Huế ngày 9 Augustô 1910”(3):

“Lạ thay! Vừa đến ngày 7-8 thấy thiên hạ khắp tứ xứ đua nhau tới tại tỉnh Quảng Trị đông như kiến cỏ, khắp các đàng sá có bổn đạo đua nhau đến viếng nhà thờ Đức Mẹ ở trên núi, rồi trở ra nghỉ mấy họ nơi tỉnh, hầu chực cho đến ngày 9. Các quán xá nơi tỉnh đều thấy chật người ta, chen chân không lọt. Còn các bổn đạo ở Huế thì xin phép cha sở lo liệu cách nào mà đi cho tiện, vì đàng sá xa xuôi hiển trở, lại đờn bà con nít đi cũng đông, sợ khó lòng.

May đâu cha Cadière, người tính liệu cùng ông chủ hãng xe lửa kiếm xe riêng cho đỡ tốn tiền, và tiện cho kẻ đi đàng xa muốn đi kiệu. Ông chủ xe cho y như cha xin là hai chuyến xe riêng, đi ngang qua mỗi họ có bổn đạo đứng chực sẵn một nơi kia có đông người hơn, như họ Phủ Cam là họ của Đức cha có gần ba ngàn, và họ Kim Long có đặng gần một ngàn. Xe ghé lại các nơi ấy và những chỗ khác thì có các bổn đạo lên xe mà đi.

Phần tôi, chưa thấy người ta đi viếng nhà thờ Đức Mẹ ở Lourdes bên Tây thế nào, song hôm nay tôi nghĩ việc bên Tây cũng in giống bên ta, cũng là một cách in nhau, là khuya ngày 8 Augustô qua sáng mồng 9 có từng ngàn người lên xe lửa. Mỗi một xe có một cha coi kẻo sợ người ta chẳng giữ phép, làm rộn ràng. Mà cám ơn Đức Mẹ đã xui lòng thiên hạ! Thật ai nấy đi, dầu đông đắn làm vậy, song le im lìm, lên xe có thứ tự nam nữ, cứ làm việc Đức Mẹ và đọc kinh liên thinh. Xe lửa cứ kéo đi những wagons đầy người ta chật cứng, miệng hằng ngợi khen Đức Mẹ Chúa Trời. Mà đừng kể những xe các cha đã đem bổn đạo đi cách riêng, còn mấy chuyến xe thường cho thiên hạ cứ chực nơi gare chẳng kém gì. Vào xe thấy những người có đạo đầy mỗi một xe. Chỗ ngồi không đủ thì phải đứng chỗ nọ chỗ kia. Nói tắt là người ta chẳng đợi đến mồng 9, các ngày trước thì người ta đến cả đồng núi La Văng chật đông dầy.

Sáng ngày mồng 9, buổi mai sớm lối 4 giờ bốn giờ rưỡi, ai nấy không dè, không ngờ, thấy từ họ Cổ Vưu là họ chính, họ tỉnh, bắt từ đó mà đi có các họ đã đến sắp hàng. Có đặng 60, 70 họ. Mỗi họ có cha sở mình đứng đầu. Đồng nhi, nam nữ, chức việc, con em cầm cờ xí, trống phách, dù lọng quang ánh rực rỡ. Kẻ ca bài nọ, kẻ hát bài kia mầng Đức Mẹ. Họ nào họ nấy cũng đua tranh nhau tập tành trước để đến mà hát những bài khéo léo giữa hội muôn muôn vạn người mà ca ngợi Nữ Vương trời đất.

Từng chặng đàng thì nghe những nhạc An Nam, hát theo kiểu đạo rực rỡ oai nghi, nghiêm trang chỉnh đốn, pháo đốt um đầy. Đừng kể mấy họ các nơi đi có đội ngũ đến thông công đó, còn chính họ cha Cadière thì lại càng trọng thể hơn nữa. Họ kiệu bàn kiệu sơn son thếp vàng, đèn hoa tốt đẹp, cờ xí đàng hoàng. Có mấy thầy, mấy chú Nhà trường La Tinh đi hát các bài khéo léo. Còn các cha kiệu chẳng có đội ngũ, chẳng dìu dắt con chiên mình thì xen hàng vào đó. Nón trắng áo đen, áo hoa điều đỏ, cờ bay phưởng phất ở giữa lèn núi, ngó hàng lối thật bắt muốn xem hoài.

Đến chừng bổn đạo đủ có sẵn kéo đi đến ngang đàng, vừa đến gare là giờ thứ 6 ban mai, có hai xe ở Huế ra đem các họ ở Huế đến. Các bổn đạo ở kinh ra, xuống xe cứ theo thứ lớp mà kéo đi làm một.

Ôi! Có tiếng nào mà khong khen Đức Mẹ đã dìu đắt một vạn mấy con cái Người đến chốn núi non thanh vắng này! Có lòng nào mà chẳng vui mừng vì xem thấy sự cả sáng Đức Mẹ La Văng ngày hôm nay mà tỏ rõ cho thiên hạ đặng biết.

Ai ai cứ theo Thánh Giá đi trước mà kéo đi lên gò xuống gò, lặn sũng trèo non. Ở xa xa xem thấy bổn đạo cầm cờ xí phất qua phất lại. Có yếng sáng mặt trời ban mai sớm dọi lại quang ánh. Lộn lên lộn xuống mấy gò núi, ngó xem là nức lòng hớn hở khoái dạ là trùng nào! Lại cũng nghe hai bên núi dội lại những tiếng ngọt ngào rằng: ‘Lạy Bà Maria, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ… Nữ Vương cai trị trên trời dưới đất – Cầu cho chúng tôi…’.

Khi đoàn lũ người ta đô hội kéo tới nhà Đức Mẹ làm phép lạ, thấy ba bốn mẫu đất xung quanh nhà thờ La Văng, thấy ngoại đạo lập quán xá ở đó, người bán giống nọ, kẻ bán giống kia cho thiên hạ đi kiệu có mệt ra dùng đỡ bữa. Núi non vắng vẻ hiu quạnh rày nên thành thị đông người.

Bổn đạo đến nơi, có nhiều kẻ vào trước đến trước nhà thờ mà xem, có đặng một giờ rưỡi hai giờ, thấy những người ta qua ngang trước mặt mình, cứ theo thứ lớp trước sau, vào trong một rạp lớn đã cất trước nhà thờ, quỳ day mặt phía bàn thờ đã dựng nơi một đồi rất cao hầu làm lễ cho ai nấy thấy đặng. Kẻ vô nhà thờ hay là vào mấy rạp đã cất đó đặng thì chớ, bằng không thì quỳ dọc đất cát, bụi bờ ở xa xa thông công cùng thầy cả.

Ôi! Thiên hạ có lòng sốt sắng là thể nào! Đừng kể mấy kẻ xưng tội tại họ mình thì chớ, còn có nhiều người đến tại La Văng mà xưng tội. Có các cha, đi làm một với người ta không đặng, thì đến nghỉ đêm trước tại nhà thờ La Văng cho người ta xưng tội.

Đến giờ làm lễ hát mầng Đức Mẹ là mười giờ mai. Trước có cha Patinier giảng đôi lời, cho bổn đạo hội đó, về quờn phép Đức Mẹ. Đoạn các cha chen người ta mà vào bàn thờ nơi đất cao. Cả cha Tây và cha bổn quốc gần đặng sáu chục. Đức cha trở việc đi không đặng thì có hai cố bề trên thay mặt Đức cha đứng đầu trong việc ấy. Năm nay là năm đã trạch cử các cha bổn quốc làm lễ cho thiên hạ xem. Vậy đã mời cha Tân (PX Nguyễn Hữu Tân) là cháu Á thánh linh mục Hoan (Gioan Đoạn Trinh Hoan) và hai cha khác làm thầy phó tế, làm lễ và giúp lễ. Còn các cha khác thì vây tứ phía bàn thờ ngồi giữa đất có trải chiếu mà giúp hát lễ.

Lễ đoạn hoàn tất tức thì trong các cha có một cha làm lễ trên bàn thờ, có đặt Mình Thánh Chúa. Kiệu qua bên đồi đất là nơi đã làm lễ hát mà làm phép lành tạ ơn Đức Mẹ đã dìu dắt muôn dân thiên hạ đến viếng Người bình an vô sự.

Mọi sự xong rồi hoàn thành thì đến 11 giờ. Các cha dùng cơm trưa còn bổn đạo thì cứ dính bén trong nhà thờ và các nơi xung quanh mà thầm thì gắn bó, kẻ xin ơn nọ, kẻ vái ơn kia cùng Đức Mẹ.

Lại có đoàn lũ người đem tiền dâng cúng vào thùng rượu lớn không (rỗng) đã đặt trong nhà thờ cho ai nấy cúng thí tiền vào. Hằng nghe tiếng bạc quăng vào thùng nghe lẻn xẻn, theo sức bồn đạo Địa phận Huế, kẻ ít người nhiều, tùy gia phong kiệm, cúng dâng tiền bạc lẫn lộn nhau cũng gần đầy một thùng rượu không, lớn có sẵn đó.

Còn nhiều đoàn lũ khác, hoặc hái lá vằng hay là các thứ lá khác, bươi lượm sạch bách nơi vườn Đức Mẹ. Hoặc kẻ đem chai múc nước, rồi để từng đống lá sum sê, từng đống chai nước, xin các thầy cả làm phép đem về dường như của Đức Mẹ ban cho. Thấy việc làm vậy chẳng khác nào chúng ta đã xem thấy việc xảy ra kể lại trong sách về Đức Mẹ làm phép lạ ở thành Lourdes bên phương Tây.

Mà dầu ngày hôm nay trời bức sốt, nắng chang chang, song le bổn đạo chẳng sá kể, ai ai trước khi đến đó xem mặt mũi ưu sầu phiền não dường như phải tai biến gì, mà xong lễ đoạn hoàn tất trở về thì xem ra vui cười hớn hở khác nào tỏ dấu mình đã đặng Đức Mẹ nhậm lời mỗi người kêu xin mà xuống ơn xuống phước như ý mình sở nguyện.

Đừng nói đến bổn đạo, người ngoại thấy làm vậy cũng bắt chước đến kêu xin khấn vái. Có nhiều kẻ làm quan, võng giá điều đỏ, dù lọng cũng đến chung cùng một hội ấy và khen thay Mẹ Chúa trời linh lắm!

Lại cũng thấy nhiều kẻ ở tỉnh trong như Quảng Nam, Quảng Nghĩa và những người Địa phận Đàng Ngoài như Nghệ An, Quảng Bình đến mà hiệp vầy cùng Địa phận Huế trong lúc này, hẳn đặng ơn ích hồn xác Đức Mẹ rộng rãi ban bố cho.

Chẳng còn sự gì làm cho chúng ta lấy làm lạ cho bằng xem thấy thiên hạ kẻ Nam người Bắc, Đàng Trong Đàng Ngoài, có đạo ngoại đạo lẫn lộn nhau có hơn một vạn mấy người bởi đâu tuôn đến đồng không cỏ rậm ở núi hiu quạnh xa xuôi cất tiếng khen ngợi Đức Mẹ làm một với nhau mà chẳng nghe một tiếng than van năn nỉ, mọi người đều im lìm chẳng hề nghe một tiếng gây tụng với nhau. Theo lẽ thường, hễ có hội đông người thì làm sao cũng có sanh chuyện, nhưng ở đây ai ai cũng đều xem ra hỉ hoan an lạc trong lòng. Dọc đàng ai ai cũng trò chuyện với nhau: mình đặng ơn nọ ơn kia, Đức Mẹ đã uốn lòng mình… Mọi người dầu chịu khó nhọc nắng nôi, đói khát, đàng sá xa xuôi hiểm trở cũng chẳng màng chẳng kể, chỉ một nghe thấy mặt mũi mọi người hớn hở. Khi ra về tỏ lòng phỉ tình ao ước. Ai xem ra cũng an lòng khoái lạc tâm tình, đều nghe một lời rằng: Đức Mẹ đã làm cho mình đặng an lòng rồi!

Ấy là đôi lời kể lại cuộc kiệu ảnh nhà thờ La Văng là nhà thờ Đức Mẹ hay ban ơn cho thiên hạ ở xứ Huế này. Xin ai nấy nghiệm suy mấy điều nói đó, thật là có một sức thiêng liêng bởi trời xui lòng thiên hạ làm vậy.

Nguyện xin Đức Mẹ rủ lòng thương những kẻ nghe chuyện này đặng sốt sắng kính mến Đức Mẹ, ngõ hầu sau khỏi ba năm nữa sẽ có kiệu lần khác. Xin dìu dắt kẻ ở phương xa hơn nữa đến viếng Đức Mẹ tại La Văng một lần khác cho trọng thể hơn lần này hầu đặng nhờ phần ích Đức Mẹ ban cho hồn xác”.

3. Hướng dẫn Hành hương La Vang sau Đại hội La Vang 4: “Đi viếng nhà thờ Đức Mẹ ở La Văng”(4):

Thành công rực rỡ từ Đại hội 4 cùng những ơn lành hồn xác khách hành hương lương giáo nhận được khiến danh tiếng Đức Mẹ La Vang đã vượt Địa phận Huế loan truyền khắp ba cõi Việt Nam (Bắc, Trung, Nam) và cả Đông Dương (Việt, Miên, Lào).

Nhưng bấy giờ phương tiện đi lại khó khăn, kiến thức địa lý chưa cao, sự giao lưu ba miền chưa rộng…, nhiều thư từ gởi về Địa phận Huế hỏi han nhà thờ La Vang ở đâu? Cách thức đi viếng Đức Mẹ La Vang như thế nào?

Linh mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn qua bài ký sự Đi viếng nhà thờ Đức Mẹ ở La Văng hướng dẫn khách hành hương từ miền Nam ra Quảng Trị đi viếng Đức Mẹ La Vang đăng trên báo Nam Kỳ địa phận. Xin trích đăng đoạn Huế – Quảng Trị – Cổ Vưu – La Vang:

“Từ Huế ra Quảng Trị còn có 7 trạm (ga xe lửa), dọc đàng không thấy điều chi lạ, xe chạy qua những rừng hoang, đất mọc những tràm chổi, cũng có nhiều nơi thấy ruộng đồng, song phần nhiều hơn là truông.

Xe chạy ra khỏi Trường Sanh (nay là Diên Sanh) một đỗi, gần Quảng Trị, có ý ngó phía tay tả sẽ thấy một đường cái lớn, đó là đường lên nhà thờ Đức Mẹ tại La Văng. Nhưng vậy không lẽ nhảy xuống xe mà chạy nên phải chịu phiền ngồi một chút nữa cho đến trạm Quảng Trị mà xuống mới đặng. Từ chỗ đường tẻ lên đã nói đó cho đến Quảng Trị ước chừng hai ba trăm thước chi đó mà thôi.

Đến trạm, xuống xe rồi, tính có lên La Văng liền cũng bất tiện vì đó là miền sơn cốc, quán xá chi cũng không, nên phải tìm đến sở chính là Cổ Vưu đặng đến hầu thăm cha sở và trú ngụ đó, bữa sau sẽ lên.

Muốn đi Cổ Vưu hãy cứ đi đường cái quan đi xuống thành Quảng Trị, trực ngó thấy cái tháp vôi cao, ngó hơi đen đen, không được trắng, đó là mồ mấy kẻ có đạo chịu chết năm 1885, chôn chung trước nhà thờ Cổ Vưu, cứ ngó đó mà đến ắt không lạc.

Tới nơi, vào chào cha sở, tỏ ý mình muốn đi viếng nhà thờ Đức Mẹ La Văng ắt cha sẽ mừng vì có khách lạ ở miền xa nghe tiếng đồn về nhà thờ Đức Mẹ chốn La Văng chẳng nệ đường quan sơn thiên lý, tốn hao đến viếng! Nếu cha rảnh chắc sáng mai cha sẽ lên làm lễ tại La Văng. Được như thế thật vui quá đỗi!

Khen thay bổn đạo Cổ Vưu có lòng kính mến Đức Mẹ dường nào! Hễ tối nghe hiệu ba hồi chuông trống thì mọi người sẵn sàng ứng chực, sáng đi sớm lên La Văng chầu lễ, vì đã có lệ hễ bữa nào có cha lên làm lễ đó thì tối đánh ba hồi chuông trống cho mọi người hay. Nhiều kẻ dầu phải bỏ công việc làm ăn song cũng chẳng tiếc, một đua nhau lên chầu lễ.

Thăm cha đoạn đi viếng nhà thờ và ghé thăm nhà chị em nhà phước, đoạn ra coi cái mồ có tháp cao (lăng Tử đạo) đã thấy trên thành Quảng Trị hồi nãy, cũng nhờ ngó tháp ấy mà khỏi lạc đàng Cổ Vưu.

LĂNG TỬ ĐẠO CỔ VƯU

“Cái tháp vôi cao, ngó hơi đen đen…”

(Ảnh: Tb. Vì Chúa. Số 164, ngày 21-6-1940)

Đến nơi mồ, trong lòng phát ngùi ngùi, cảm cảnh bấy người xả sanh thủ nghĩa trọn niềm, rày gởi nắm xương trắng trong mồ chung này! Bởi chạnh lòng nên tay muốn tả một bài dưng các Đấng ấy:

Ưu thích nguyên lai ngọc nhữ thành,

Xả sanh thủ nghĩa tử nhi sanh.

Tồn tâm kính Chúa thiên quân trọng,

Thị tử như quy nhất diện khinh.

Đôi thổ kỷ thu mai bạch cốt,

Thánh đường thiên tải quải phương danh.

Tòng lai bỉ thái cơ như thị,

Vinh nhục tuần hoàn cảnh nhục vinh!

Ở nghỉ tại Cổ Vưu một đêm, sáng ngày lên La Văng. Đường đi bộ từ Cổ Vưu lên La Văng chừng hơn một giờ, vì từ Cổ Vưu đến đường xe lửa non một giờ, còn từ đường xe lửa tới La Văng đi nửa giờ sẽ tới. Hễ giáp đường xe lửa rồi đến đường đã thấy hôm qua, cứ thẳng lên không lạc đâu nữa. Dọc đường thấy những gò, bụi bờ lúp xúp, hết gò này qua gò khác, song chẳng dốc cho lắm, đi bộ cũng khỏe, và nhứt là khi qua khỏi gò sau hết liền thấy tháp nhà thờ La Văng thì trong lòng càng khoăn khỏe hơn nữa.

Vừa thấy nóc nhà thờ, trong bụng phải phở lở vui mừng, muốn chạy đi cho mau, mà bởi có người ta đi đông, nếu chạy ắt cũng khó coi nên cầm lòng đi lãi rải, song miệng muốn ngâm nga một chút cho giải bớt tình náo nức:

Uy chà! Ủy chà! Úy chà chà!

Chợt thấy La Văng khoái dữ à!

Phới phở lòng con tìm kính Mẹ,

Bâng khuâng dạ tớ chực hầu Bà.

Lao xao nhắm cảnh quên quê quán,

Khấp khởi chạnh tình nghĩ quốc gia.

Chóng chóng tới nơi hầu khẩn nguyện,

Mau mau đến chốn đặng ngâm nga.

Vào nhà thờ rồi mặc sức mà cầu nguyện, khẩn xin ơn nọ sự kia: Xin cho Hội Thánh càng ngày càng thạnh; xin cho nước Việt Nam bằng an thịnh trị; cầu cho cha mẹ, bà con, bạn hữu… Mà đừng có quên cầu nguyện cho mình, như tên kia trong truyện biếm ngôn nói nó qua Tây Phương Phật mà đòi nợ, dọc đường kẻ nọ gởi hỏi sự này, người xin cậy hỏi việc khác, anh ta đến nơi lo hỏi việc kẻ khác kẻo quên, còn phần việc của mình không kịp hỏi! Song đó là chuyện biếm ngôn nói mà chơi, chớ đây là việc thiệt, nên hễ tới đó muốn xin, muốn nguyện thể nào cũng được.

Nguyện đoạn đi ra ngắm cảnh La Văng đặng về thuật lại cho người ta biết. Thật chốn La Văng là nơi danh thắng, tịch mạc. Phía trên núi cao bao khắp, phía dưới trong ngoài thảy thấy rừng chồi lúp xúp. Chính chỗ La Văng là một sũng rộng có rẫy có ruộng trỉa bắp, cấy lúa, trồng dưa. Bổn đạo ở tại đó chừng chín mười nhà, làm ăn vừa túc y túc thực, tánh nết thật thà, có lòng trìu mến Đức Mẹ cách riêng.

Nhà thờ Đức Mẹ tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, có ba bàn thờ, có đồ lễ để sẵn hầu các cha có đến thì làm lễ. Cũng có một cái thùng để đựng tiền bạc, ai tới viếng muốn bỏ thí cho nhà thờ thì bỏ vào đó, nên ta đến đây cũng hãy nhớ đến cái thùng ấy, nó có cái lỗ để bỏ bạc bỏ xu. Ta lặng tai nghe cái lỗ thùng ấy kêu ta rằng: ‘Nhà này là nơi Đức Mẹ đã khấng ban nhiều ơn cho thiên hạ, song nhà thờ chưa được uy nghi, xin ai nấy hãy rộng tay làm phước, của bỏ vào đây chẳng mất đâu!’

Xem coi địa cảnh, nghỉ ngơi một chút rồi vào tạ ơn Đức Mẹ đã thương cho mình đi đặng đến nơi thăm Người phỉ tình ao ước, và từ giã Đức Mẹ xin cho mình về đến quê nhà bình an. Đoạn trở xuống Nhà giấy Quảng Trị mua giấy xe lửa mà trở về…

Ra đi bắt sụt sùi, lòng muốn kiếm chút chi làm dấu tích mà chẳng có vật gì nên cũng bắt chước người ta khi kiệu ảnh đến đây bứt lá cây đem về. Chẳng phải là lá cây đó nên thuốc gì, song là vì mình có lòng trông cậy kêu xin Đức Mẹ, muốn để lại chút dấu tích gì tại nơi nhà thờ Đức Mẹ mà thôi, và khi có đau ốm thì dùng lá cây đó, chẳng qua là có ý kêu xin Đức Mẹ đã thương chốn La Văng mà xuống nhiều ơn trọng thì xin dùng chút lá tại đó mà nhớ đến Đức Mẹ.

Vậy chơn bước trở ra lên đường, mà con mắt hằng cứ ngó lại, lòng những ngùi ngùi đi không muốn bước! Ước phải chi thong thả đặng ở lại đó đôi ngày mới phỉ tình, nên miệng liền thở than rằng:

Ra đi tách dặm vơi vơi,

Bút tình hồng vụng thắm rời thiết tha!

Ngại ngùng một bước một xa,

Đoái nhìn phong cảnh lụy sa ròng ròng!

Tạ ơn này quyết dốc lòng,

Về quê sẽ chép vào phong nhựt trình.

… … …”

II. ĐẠI HỘI LA VANG 5 (1913)

1. Thông báo kiệu Đại hội La Vang 5 (1913)

a/ “Định ngày kiệu chung lên La Văng”(5):

“Vốn xưa nay khắp ba tỉnh Thừa Bình Trị (Bình Trị Thiên) dẫn vào đến Đàng Trong sáu xứ (Lục tỉnh), đâu đó đã nghe danh tiếng nhà thờ Đức Mẹ La Văng, đến đỗi chẳng những người giáo hữu chạy đến khẩn cầu mà lại kẻ lương dân cũng phục đầu khấn vái. Ai đến đó cũng đặng đắc ý sở cầu. Ai cầu đó cũng đặng đắc tình sở nguyện. Cho nên hẳn chốn La Văng đã nổi tiếng la dội vang dầy. Danh Đức Mẹ thật là đức cao Mẹ cả. Mẹ cả giáo hữu khắp nơi, Mẹ cả nhơn dân khắp xứ. Bởi đó khi nghe có cuộc Đại hội tại La Văng thì khắp xa gần đều hoan hỉ. Kẻ ở gần thì lo chỉnh bộ cân y, người ở xa thì lo biên đồ hành lý. Họ thì tập rèn kinh nguyện, nơi lại lo tu bổ cờ đèn, quyết một phen cử bộ hành thuyền, chẳng quản chi băng sơn tách dặm, hiệp một hội kẻ Đông người Bắc, rập một lòng Mẹ cả con chung, giàn giá lễ bộ linh đình, chầu Đức Mẹ tại chốn Linh đình. Ấy là tình con cái giáo nhơn tỏ cùng Đức Mẹ tại chốn La Văng xưa nay.

Bởi vậy, kể từ năm làm phép nhà thờ đến nay thì đã thành lệ hằng năm, đến minh niên các cha và các giáo hữu ở gần quen đến viếng La Văng chung với nhau một ngày, làm lễ hát, kiệu chung quanh nhà thờ cùng làm Phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể. Đó là lệ hằng năm. Còn có một lệ khác vui vẻ hơn xa chừng là hễ cách ba năm thì có cuộc Đại hội một lần. Giáo nhơn trong ba tỉnh Địa phận Huế đã biết năm nay là giáp vận mầng cuộc Đại hội ấy, song các nơi xa có khi chưa biết. Vả, có kẻ đã biết thì cũng chưa rõ định ngày nào tháng nào mầng cuộc ấy. Vậy nay đã định ngày rồi, nên tôi rất vui mừng đưa tin này vào nhật báo, trước là cho các cha Tây, Nam thảy đều biết, sau là cho giáo hữu gần xa cũng đặng hay: Ngày mồng 5 tháng Augustô sẽ mừng cuộc Đại hội ấy. Ngày ấy theo lịch Annam là ngày mồng bốn tháng Bảy, là ngày thứ ba trong tuần, cũng chính là ngày lễ Đức Bà Xuống Tuyết. Vậy ngày ấy, ban thái tảo, ước giờ thứ tư rưỡi, dàn đội ngũ cứ thứ tự chiếu theo bảng yết, khỉ trình tại nhà thờ Cổ Vưu mà kiệu ảnh Đức Mẹ lên nhà thờ La Văng, đoạn nghe giảng, chầu hát lễ, chầu Phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể như mọi năm.

Đưa tin sớm cho anh em làm vậy, hầu đấng nào, người nào, hoặc họ nào có tính toan điều gì thì cũng có đủ ngày dài buổi. Chớ chi ngày ấy con cái Đức Mẹ khắp xa gần đến mầng Đức Mẹ cho sum vầy đông đắn, ắt Đức Mẹ sẽ vui mừng cùng sẵn lòng rộng tay xuống phước cho con cái Người là thể nào. Vậy xin mời ai nấy hết thảy hãy đến vui mừng trong Chúa mà ngợi khen Đức Mẹ. Hãy phụ lực làm rạng tiếng Mẹ lành giữa cõi Việt Nam. Hãy gia tâm làm thơm danh Cha Cả giữa dân ngoại giáo. Chớ ngại đàng xa dặm thẳm, chớ nài tốn của hao công. Một lời Đức Mẹ đưa đến Tòa Chúa Ba Ngôi có sức giúp ta qua khỏi trần gian trăm nỗi. Phương Tây có chốn Lộ Đức hằng thạnh đức, nước Nam nhờ cõi La Văng cũng oai vang. Đã hơn trăm năm nay nhiều người nhờ ơn lạ bao kể xiết, dầu không sách vở chép biên song còn tấm lòng ghi tạc. Người ngoại giáo còn đem dạ kính tin cùng xưng khen là nơi linh ứng, huống là con cái Đức Mẹ ai lại sờn lòng trông cậy mà chẳng đoái đến chốn La Văng.

Bấy lời tư văn tự tình đăng báo, xin cha quản bút phiền dạ ấn hành cho con cái Đức Mẹ khắp nơi đều hay tỏ, hầu kẻ đi đặng thì cũng kịp buổi tính toan, kẻ chẳng đi cũng thông công một ý ngõ làm sáng danh Đức Mẹ La Văng cùng trông phước lành vinh hiển”.

Le Directeur du Pèlerinage

à Cổ Vưu, près Quảng Trị.

b/ Chuẩn bị “Cuộc kiệu ảnh Đức Chúa Bà La Văng 1913”(6):

“Trước này, cha Lemasle quản cai lo việc kiệu ảnh La Văng xin quý quản báo tin cho ai nấy biết: Năm nay, 1913, có mở hội kiệu ảnh Đức Mẹ trong cả ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, về Địa phận Huế. Ai nấy nức lòng hớn hở trông cho mau tới ngày mở hội trọng thể, hầu có dịp đến viếng Đức Mẹ La Văng đặng nhờ Người phù giúp hồn xác. Các cha vừa đi cấm phòng về đặng thơ mời cùng xin tin cho bổn đạo đôi lời, xin ai nấy sốt sắng khấng đến làm cho cuộc này ra trọng thể, vẻ vang, hầu cao rao danh Chúa cùng quyền cả Đức Mẹ hay làm ơn làm phước cho nước Việt Nam”.

2. Phóng sự Đại hội La Văng 5 (1913)

a/ Ngày áp kiệu 4 Août 1913

+ “Kiệu Đức Chúa Bà tại La Văng”(7):

 “Vinh danh Đức Mẹ giữa trời Nam, toại chí giáo nhơn nơi đất Việt! Bấy lâu những đem dạ ước trông, trông cho mau gặp ngày La Văng Đại hội. Nay đã đặng phỉ tình trông ước, ước bao giờ lại thấy Đại hội La Văng. Vì một phen mắt thấy tự nhiên, tự nhiên nức dạ sùng đạo Chúa Cha. Vả, mấy chuyện tai nghe cũng thêm động lỏng cậy trông Đức Mẹ. Ví như cuộc kiệu La Văng năm nay, ai đến đó thấy ắt cũng nếm đặng các ơn ích như vậy.

Khi gần đến ngày kiệu, giáo nhơn khắp ba tỉnh Thừa, Bình, Trị những hỏi han bàn bạc nhau về việc đi kiệu. Kẻ tính đi bộ, người muốn đi thuyền; kẻ tính đi xe, người ưng đi ngựa; nơi thì đi đôi, kẻ lại đi tư… Song dẫu thế nào khi đến La Văng cũng đồng lòng hiệp mặt.

Áp ngày kiệu là mồng 4 Août, tôi theo xe lửa buổi mai ở Huế mà ra Quảng Trị thì thấy chuyến xe ấy có chín xe bộ hành (9 toa chở khách) mà mỗi xe thì chật hết kẻ ngồi người đứng vì không có chỗ mà ngồi cho đủ. Ai vừa lên xe thì tự nhiên đã thấy sự vui vì thấy hầu hết là tôi một Chúa, con một Mẹ, có đủ đấng bậc, kẻ hèn khó, người giàu sang, có người Nhà trường (Chủng viện), đấng thầy cả (linh mục), người lạ tứ phương bỗng chúc làm quen nhau một buổi cũng vì nhìn nhau là con Đức Mẹ, cho nên cả và (tất cả) xe hóa ra như con một nhà, sẵn lòng giúp nhau đi đến nơi về đến chốn. Như có tích này làm chứng:

– Có bà già kia khó khăn quê mùa có 37 xu đem theo mình, tính mua giấy đi xe ra, khi về sẽ chịu khó về bộ. Bà ấy không quen mua giấy thì cậy một người kia đi mua cho, chẳng may người ấy thoát ngã nào mất, hoặc vì lạc nhau hay vì lòng tham không rõ. Đang lúc khách thương đông đảo, bà ấy nan phương tìm tòi hỏi han. Lại vừa nghe xe hú vội lật đật nhảy lên mà không giấy. Đến khi thầy coi xe xét giấy thì bà ấy thú thật sự tình cùng ngó bộ sợ hãi. Những kẻ ngồi gần đó thấy vậy thì động lòng thương bèn thí cho, kẻ thì năm bảy xu, người thì một đôi cắt. Bà ấy nhờ của thí như vậy thì chẳng những có tiền mua một cặp giấy bận đi bận về, lại cũng còn dư dật mà tiêu phí cho đến khi về tới nhà. Kẻ ngoại thấy con nhà có đạo thương giúp nhau làm vậy thì đều trầm trồ chắc lưỡi ngợi khen. Ấy hạp lời Chúa phán: ‘Này là dấu cho thiên hạ biết bay là con Tao, là khi thấy bay thương yêu nhau’.

Nhớ lại chuyến xe ấy thì tiếc lúc vui hiệp mau qua, chuyện trò hỏi han chưa hết lời mà xe đã đến nơi Quảng Trị. Kìa con Đức Mẹ tuôn xuống xe, kẻ lên La Văng, người tìm nhà quán; kẻ xuống Cổ Vưu, người ra Đá Hàn (Thạch Hàn – Thạch Hãn) tìm nhà quen trú ngụ, đợi qua đêm tối tăm, trông rạng ngày vui vẻ.

Chiều ấy, giờ thứ tư tôi lên La Văng, thấy dập dìu kẻ xuống người lên; kẻ thì mang đòn bánh, quảy mo cơm; người thì ôm bó lá, xách chai nước. Cơm bánh ấy là của con nhà kẻ khó đem theo để độ khẩu hộ thân, lá nước ấy là của bởi đất Đức Mẹ La Văng, người ta đem về để cầu phương linh dược.

Dọc đàng gặp biết bao nhiêu khách lạ mà chào hỏi nhau cũng như người quen. Thấy có ông già bà lão cũng chống gậy mà đi, thấy những con nít, đờn bà cũng mạnh chơn vui bước, người bồng con dại, kẻ dắt con khôn. Tôi thấy một bà già vai mang đòn bánh, tay chống gậy tre đang lom khom đi hăm hở, tôi hỏi thì bà ấy nói mình tuổi quá bảy mươi, ở phương xa xuôi, vì lòng mến Mẹ thì chẳng nại đường xa, quyết đi một phen sau hết, kẻo phen khác e không trông.

Chẳng nói chi con nhà bên giáo, lại có nhiều kẻ bên lương cũng đến nhà thờ La Văng. Tôi gặp một người biết là người ngoại thì hỏi đi La Văng làm chi? Người ấy rằng: ‘Dầu tôi không theo đạo mà lòng tôi cũng tin Đức Mẹ La Văng lắm. Nay gặp hội kiệu trọng thể thì tôi cũng đi, có ý xin Đức Mẹ một ơn riêng’.

Khi gần đến La Văng, xem xa xa thấy những nhà tranh mới lúp xúp. Ấy là những rạp mới làm thêm kế theo nhà thờ cho giáo hữu đặng quỳ xem lễ, còn hai bên lối đàng thì có những quán người ta mới làm để bán cơm bánh, có sẵn vật cao lương cho người phú quý, có đồ bạc vị hợp kẻ bần nhơn, lên đến La Văng miễn có tiền lo chi đói.

Khi tôi vào đến nơi nhà thờ thấy người ta đã hội đó đông đắn lắm, kẻ thì đang quỳ lần hột đọc kinh, người thì đang dọn mình xưng tội. Tôi thấy chỉ có hai cha đang ngồi tòa mà bổn đạo thì đông, nên tôi và một cha khác ra ngồi tòa giúp làm phước (giải tội). Khi ấy quá giờ thứ năm rưỡi, chúng tôi ngồi tòa cho tới khuya, làm phước cả thảy 200 người. Ấy là những người tứ xứ đến xưng tội tại đó để cầu ơn riêng Đức Mẹ. Phải chúng tôi cứ ngồi tòa luôn đến sáng thì cũng có người vô liên tiếp, song chúng tôi đã nhọc quá, lại sáng phải làm lễ sớm để rảnh bàn thờ cho các cha khác đến làm lễ. Cả đêm, trong nhà thờ và trong rạp nghe những tiếng kinh nguyện, vinh ca”…

+ “Cuộc kiệu ảnh Đức Chúa Bà La Văng 1913”(8):

“Bổn đạo cả Địa phận Huế lâu nay đã nếm mùi thơm ơn Đức Trinh Nữ Vương trời đất bội hậu, rày chẳng đặng mời kêu, một hằng đem nhau đến hỏi cha sở ngày giờ cùng xin phép sắm sửa giàn giá cho nguy nga tỏ lòng tạ ơn, cảm mến lòng rộng rãi Đức Mẹ. Thật lạ thay, khác nào như nghe tiếng bởi trời giục lòng ai nấy phải tựu đến tại đồng núi La Văng, Quảng Trị mà cúi đầu khâm phục kính tôn cùng hát mừng ngợi khen Nữ Vương thần thánh, loài người.

Vậy từ mồng 4 Août mới đây, thiên hạ đã tuôn đến tại tỉnh Quảng Trị, kẻ kiếm chỗ trú, người tìm chỗ ăn. Ngoài Quảng Trị đã lập sẵn quán xá dọc đường, kẻ bày hàng tại tỉnh thành cho các bộ hành xe lửa cùng đò giang lên xuống đỗ nhờ, người lập bàn cơm bánh, rượu trà, xôi thịt tại đồng núi La Văng, choán chỗ trước kẻo hụt hàng, bán đủ mọi đồ chẳng thua hàng quán giữa chợ, hầu cho những kẻ đến viếng Đức Mẹ trong những ngày trước, mà nhứt là chính ngày lễ đặng nghỉ chơn, đỡ bữa no lòng.

Dám trộm khen lòng bổn đạo xứ này có tâm thành kính Đức Mẹ, vì những ngày trước kiệu ảnh thì đã thấy đoàn lũ từng ngàn người vô ra nhà thờ La Văng mà thầm thì cầu nguyện, cùng lo xưng tội chịu lễ tại đó, hoặc xin cha sở mình đến làm lễ tạ ơn, xin ơn…

Thấy hai bên đàng vô ra La Văng, dọc lên núi có đoàn lũ đông người, kẻ cầm nhành lá, nắm cỏ; người xách chai nước…, hỏi lại là những vật có ý kiếm về làm dấu quý báu của Đức Mẹ, kẻo đến ngày kiệu rộn ràng, lo ra, mất lòng sốt sắng. Có kẻ cầm những bức tượng cách cung kính đã mua tại La Văng. Những tượng này là của cha Cadière đã lo in ra cho thiên hạ thêm lòng thành kính Đức Mẹ La Văng, có bán tại nhà thờ La Văng. Ai nấy xúm nhau mua đem về tưởng nhớ Đức Mẹ.

Đến chiều mồng 4 Août, tại nhà thờ chính Cổ Vưu, tại tỉnh thành Quảng Trị, thấy xe cộ rầm rộ, người ta bởi đâu không biết, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Đàng Trong, Đàng Ngoài, ngoại, đạo đông đắn đi ngang qua. Thấy nhiều cách thức ăn mặc y phục lạ, nghe trầm trồ hỏi thăm gốc tích việc La Văng. Còn dưới sông thấy đò ba tỉnh đậu chật bến Cổ Vưu, nhứt là những họ lân cận đi đò giàn giá, cờ xí chực sẵn đặng mai có thông công việc kiệu ảnh. Thấy đò nào cũng nghiêm trang phép tắc, nghe những tiếng lâm râm kinh nguyện”.

b/ Ngày chính kiệu 5 Août 1913

+ “Cuộc kiệu ảnh Đức Chúa Bà La Văng 1913”(9):

“Đến rạng ngày mồng 5, tảng sáng sớm, nghe tiếng chiêng trống vang dầy kêu bổn đạo, hàng xứ, chức việc, kỳ lão đem con em bổn đạo sắp hàng lối theo thẻ đã có biên tên các họ, cứ thứ tự đã chỉ cho. Họ nào cũng có đội ngũ nấy và có cha sở mình đốc đoàn dẫn đi.

Vừa cợ 5 giờ rưỡi, các cha sắp đặt đã xong thì lên hiệu cho bổn đạo kéo đi. Bắt đầu từ họ Cổ Vưu mà đi tới. Người ta cứ sắp hàng lối, cờ xí đi sít nhau, bề dài đặng hai dặm. Cờ Thánh Giá vừa đến ngang đàng xe lửa vào La Văng, nghe tu huýt thổi xa xa, bổn đạo tỉnh Quảng Trị và những kẻ đến chực ngày trước càng hết lòng mừng rỡ hơn nữa, vì biết rằng anh em bổn đạo ở Huế kinh đô ra hiệp một đoàn làm cho cuộc này rạng rỡ, oai nghi hơn nữa.

Đây xin nói qua ít lời về việc xe lửa và cách trau giồi (trang hoàng) đồ đạc, cờ xí các họ xứ Huế là thể nào. Năm nay cha Lemasle có nói với ông chủ hãng xe lửa nên hãng xe cũng lo cho một xe riêng đưa bộ hành (hành khách) đi, định những giờ riêng. Buổi mai sáng từ giờ thứ tư ngày 5 Août, từ Huế mà chạy ra La Văng, Quảng Trị, ghé lại mỗi họ ngang đàng quan như Phủ Cam, Kim Long và những nơi khác cho bổn đạo lên xe. Đêm ấy, ai nấy mỗi họ ở kinh lo cụ bị đồ hành lý đi kiệu. Vừa rạng đông, mỗi nơi đã có đoàn lũ đông người chực sẵn, có các cha sở họ mình đi theo. Phen này có Đức cha Allys cũng đi cùng một xe ấy.

Xe vừa chạy đi thì mọi người im lìm, kẻ tay cầm tràng hột, người mở sách nguyện kinh, dọn mình sốt sắng kêu xin sự mình khẩn nguyện. Xe ở Huế vừa đến nơi đàng lên La Văng thật rất đỗi là vui. Bổn đạo hai tỉnh gặp nhau, tiếp nối theo cờ Thánh Giá mà trèo lên lèn núi vào nhà thờ Đức Mẹ.

Vừa khi cờ Thánh Giá tỏ bày trước hết thì thấy đoàn lũ trẻ con đồng nhi nam mặc áo giúp lễ đỏ điều quang ánh đi hàng ngũ. Có những trẻ mặc áo mã tiên(10) cầm cờ xí, đèn hoa, giáo náp, hỏi lại là đội ngũ quan Hiệp biện Thượng thư Nguyễn Hữu Bài cho đi theo hầu kiệu.

Kế tiếp, có những họ mặc y phục tốt đẹp nguy nga, kéo từng ngàn người ta nam nữ, kẻ cầm đủ mọi thứ cờ, người vác lọng tàn, kẻ lại khiêng bàn kiệu, họ nào theo họ nấy chen chân đà không lọt, hát những giọng thanh bai trăm cung trăm cách. Kẻ đọc kinh, người hát xướng, trèo lên lộn xuống ở giữa những gò, những sũng, ngó xem khéo léo rực rỡ.

Lại có điều này cũng thêm đẹp mắt là kiệu nhằm ngày trời im, mặt trời ban mai vừa hé hé sự sáng, lại nhờ gió hiu hiu buổi mai thổi làm cho những ngọn cờ bay phất phưởng, nhìn xem thật rất đỗi đẹp mắt là trùng nào!

Ai nấy tâm tình tưởng nhớ Đức Mẹ. Lòng trí gẫm suy quyền cả, vọng mến Đức Mẹ. Ở xa nghe hai bên núi dội lại những tiếng rằng: ‘Lạy Bà Maria đầy ơn phước. Lạy Nữ Vương thần thánh loài người. Hỡi muôn dân thiên hạ hãy kính tôn, ngợi khen Đức Mẹ Chúa Trời!’. Những kẻ có lòng đạo, mà dầu kẻ ngoại giáo thảy đều lấy làm khoái chí toại lòng, nhứt là thấy từng trăm ngàn trẻ con đồng nhi nam nữ đều rập một tiếng thánh thót thanh bai hát mừng rằng: ‘Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng tôi’.

Thật, thấy nhiều kẻ ngoại vô dự, đi theo coi, động lòng cứ nối gót dõi theo đến nhà thờ La Văng mà khẩn xin ơn gì chẳng rõ. Tưởng Đức Mẹ đã thí ơn hồn xác cho những kẻ ấy không sai.

Thuở nay chưa từng thấy kiệu lần nào đông người bằng lần này, tính có hơn một vạn mấy con người(11). Sau những cờ xí các họ khách đi trước thì có họ sở tại Cổ Vưu đi sau hết. Có cha bề trên Chabanon áp việc đứng đầu cuộc kiệu. Họ này có dọn bàn kiệu trọng thể hơn và có thỉnh tượng lớn Đức Mẹ đưa vào chốn La Văng.

Vừa khi ở La Văng, thấy cờ Thánh Giá đến thì chuông trống nhà thờ nổi tiếng vang dầy, mừng đô hội kẻ kiệu ảnh đã đến.

Mọi người đi kiệu vừa gần đến nơi là 8 giờ rưỡi, song rủi, khi đoàn lũ đông người, còn một khúc đàng mới tới thì có mưa nam, không to lắm, song vì đổ giọt mưa xuống lâu lâu nên gần nửa phần người đi kiệu phải dầm thấm ướt át. Mà không lạ gì, vì kiệu nhằm ngày lễ Đức Chúa Bà Xuống Tuyết, xem ra Đức Mẹ muốn đổ giọt mưa bề ngoài mà ướt đượm dầm thấm những ơn bề trong cho thiên hạ.

Lại xem ra ý Đức Mẹ muốn cho người ta đặng ơn Người thì phải chịu khó. Mà thật khá khen lòng bổn đạo bằng lòng chịu ướt át; cờ xí, áo xống phải ố nhớp, các sắc lộn lạo lấm láp mà chẳng nghe một tiếng gì than thở, một yên hàn giữ sự nghiêm trang đọc kinh cầu nguyện và lo dọn mình chầu lễ cả.

Khi mọi người đã đến đủ đoạn thì có cha Chabanon lên tòa giảng, nơi đồi đất cao đã có cất rạp sẵn, doãn lại ít lời về quyền cả Đức Mẹ. Đoạn Đức cha và các cha Tây, Nam, có gần 60 vị, cùng mấy thầy và học trò (chủng sinh) đem nhau đông đắn vào nhà thờ đã trau giồi nguy nga trọng thể, hát lễ tạ ơn mừng Đức Mẹ.

Năm nay cử mời cha Bathélemy (cố Mỹ) là cố chính nhứt địa phận làm lễ hát, có hai cha làm thầy Năm, thầy Sáu giúp lễ. Cả nhà thờ dội tiếng khoan thai êm ái. Mọi người lấy hết cung hết giọng hát ngợi khen Đức Mẹ, nghe tiếng vang dầy.

Lễ đoạn, có Đức cha làm phép lành trọng thể càng làm cho cuộc kiệu ảnh này ra oai nghi, nghiêm chỉnh hơn mọi lần khác.

Lễ lạc vừa xong, xem đồng hồ quá 10 giờ. Các cha hội nhau dùng bữa vui vầy. Cùng nhau có ý cảm ơn Đức Mẹ dủ lòng thương đưa muôn dân ai nấy đến La Văng bình an vô sự, đoạn từ giã nhau mà về. Còn đoàn lũ bổn đạo thấy còn náu nương tại đồng núi La Văng, rời gót chẳng dứt.

Năm nay cũng in mọi lần khác, thấy thiên hạ tùy lòng sốt sắng, tùy gia phong tiện, cúng thí nhiều ít lo việc Đức Mẹ La Văng, chẳng rõ đặng bao nhiêu mà thấy ba bốn thùng rượu không dọn sẵn cho bổn đạo bỏ tiền bạc, mà nghe tiền bạc kêu rẻn rẻn luôn luôn.

Người ta thật đông đắn, tôi chẳng thấy phép lạ nào cho bằng việc lạ này, là thiên hạ đủ mọi hạng người lớn bé, già trẻ, kẻ sang, người hèn, ngoại đạo… quá hơn một vạn mấy con người ta mà ai nấy đều yên hàn, chẳng ai xào xáo nhau một tiếng gì cãi lẫy. Lại thấy bổn đạo đem lòng cậy trông Đức Mẹ cách lạ lùng, vì chẳng thiếu chi kẻ đem những lá, những cỏ, kẻ cầm que lẻ (nhánh, cành cây nhỏ), kẻ dưng chai nước múc tại La Văng chất từng đống từng bàn xin các thầy cả làm phép đặng đem về hầu nhờ ơn Đức Mẹ trong buổi bí yếu cơ nghèo.

Thiên hạ ra về mặt mũi vui vẻ, xem ra ai nấy đã đặng ơn mình kêu xin, hoặc đặng Đức Mẹ hứa ban điều gì đó chẳng rõ mà đều nghe trầm trồ chuyện vãn với nhau rằng: ‘Tôi đã đặng thoả lòng toại chí, đến nơi rồi có chết cũng an lòng!’.

Vậy kể qua ít lời, xin ai nấy nghe lấy cùng hãy hiệp một lòng vui mừng, kính tôn Đức Mẹ. Ai đặng nhờ Đức Mẹ chớ quên ơn Người và hằng đưa tin cho kẻ ở xa gần rõ danh tiếng Đức Mẹ La Văng, đặng khỏi ba năm nữa càng tuôn đến đông hơn lần này mà cậy trông lòng rộng rãi Đức Mẹ ban ơn cho ta nhờ.

Chúc ngợi khen quyền cả Đức Mẹ!

Vạn tuế cho Hội Thánh An Nam!

Chúc mừng cho dân bổn đạo Việt Nam đặng an hòa hồn xác!”.

+ “Cuộc kiệu La Văng (5-8-1913)”(12):

“… Sáng ngày tôi làm lễ vừa xong, lót lòng đôi miếng, thoát tai nghe chiêng trống ầm ầm dường sóng biển dội kêu ục ục, liền hiểu rằng đội kiệu hòng đã tới nơi, tức thì tôi cùng một ít người khác vội vàng ra đón. Đi ra độ 20 phút, thấy thiên hạ biết mấy là người, thấy cờ đội bước cứ hàng hai, thảy đồng đoàn kéo đi như một. Đàng đi lối cong lối thẳng, nổng cồn nơi thấp nơi cao. Thấy đội ngũ kéo đi xinh rất đỗi là xinh. Xem ngọn cờ phất phới, đẹp cha chả là đẹp. Thấy đầu đoàn mà chẳng thấy đuôi. Thấy mặt người mà chưa thấy ảnh. Họ cứ kiệu lên, tôi cứ ngược xuống cho đến khi gặp bàn kiệu tôi mới nhập đoàn mà đi lên. Ai nói cho xiết dọc đàng tai nghe, mắt thấy, lòng mầng là thể nào: Mắt thấy đội ngũ nghiêm trang, cân y chỉnh đốn, cẩm phục xuê xoang, cờ xí rực rỡ. Tai nghe quyển kèn nhịp thổi, đờn sáo rập ràng, xướng ca đầm ấm, cung cách dịu dàng, trống chiêng các họ đánh liên thanh, hiệu lệnh trước sau nghe kế tiếp: Mầng hỡi là mầng, vui rất đỗi vui! Mầng rạng tiếng Chúa Bà tại chốn La Văng, vui thơm danh Cha Cả trong nơi Nam Việt.

Tôi theo bàn kiệu cho đến nhà thờ, thấy đô hội chen nhau coi cũng thảm. Chen nhau là chen cho đặng vào nhà thờ, thảm là vì kẻ vào đặng người không. Ôi! Phải chi có nhà thờ lớn chứa đặng mấy ngàn người mới phỉ tình bá tánh. Song e cũng chưa phỉ, vì ai nấy cũng muốn chen cho đặng đến gần bàn thờ Đức Mẹ.

Trong những kẻ vào nhà thờ, tình cờ tôi thấy một người làm lễ nghi khác lạ: Ông này ngó y phục ra bậc giàu sang, coi dung nhan tuồng người chức tước. Ổng vào nhà thờ ngó bộ khép nép, đứng ngay giữa, quỳ xuống đứng dậy lạy ba lạy. Âu người này là kẻ bên lương cho nên giữ lễ cách ngoại như vậy.

Kiệu ảnh xong, lễ hát xong, Phép lành xong, mọi sự đều xong cả, ai nấy ra về cũng đã xong.

Giã từ Đức Mẹ La Văng,

Thảm não khôn cùng, thương khôn xiết.

Xin giúp cho chúng con Nam Việt.

Cậy tin hết dạ, mến hết lòng.

… … …”

3. Tường thuật Đại hội La Văng 5 (1913)

Sau Đại hội La Vang lần thứ tư (1910), cha sở Cổ Vưu Cadière Cả lên đường về châu Âu dưỡng bệnh và tìm kiếm tư liệu “Mối liên hệ giữa châu Âu với Vương quốc Đàng Trong thời các Chúa Nguyễn”.

Tháng 2 năm sau, 1911, Đức cha Allys Lý bổ nhiệm linh mục thừa sai Lemasle Lễ ra thay làm cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Dinh Cát.

Chính ngài là người tổ chức thành công Đại hội La Vang 5 (1913). Sau Đại hội, ngài đã viết bài tường thuật đăng trên báo Les Missions Catholiques. Xin ghi lại nguyên văn bản tư liệu quý giá này:

“Cochinchine Septentrionale(13)

  1. Lemasle, des Missions Etrangères de Paris, nous écrit de Quang Tri:

Dans toute l’Indo-Chine Française, les Annamites chrétiens ont à coeur de témoigner à Marie leur amour filiale, mais il n’y a peut-être pas d’endroit où elle soit honorée avec autant de ferveur qu’à La Vang, modeste localité à sept kilometres environ de Quang Tri. Il ne se passe guère de semaine où de pieux pèlerins ne viennent soliciter sa protection. Aux fêtes de la Sainte Vierge, les fidèles de Co Vuu et des chrétientés environnantes aiment à y venir sous la conduite de leur pasteurs.

Chaque année, à l’occasion des fêtes du premier de l’an chinois (ordinairement le troisième jour du têt), les prêtres et les chrétiens du Dinh Cat répondent à l’appel du supérieur de ce district pour y faire une procession solennelle.

Mais ces manifestations individuelles et régionales ne sont rien en comparaison du grand pèlerinage qui se fait tous les trois ans au commencement du mois d’Août. En 1913, le pèlerinage était fixé au 5 Août, en la fête de Notre Dame des Neiges.

Dès le soir du 4, un millier de personnes se presse dans l’église de Co Vuu pour y vénérer la statue sur son trône, entourée des fleurs et de lumières. Dans la nuit du 4 au 5, on n’entend que prières, récitation du chapelet, chants annamites, soit autour de l’église, soit aux différents débarcadères où stationnent les sampans qui ont amené des pèlerins.

Enfin le jour commence à poindre, les missionnaires célèbrent la Sainte Messe et distribuent la communion. À cinq heures, on commence à organiser la procession, qui va se dérouler en longues théories sur une étendue de quatre kilomètres. A six heures, Mgr Allys – Vicaire Apostolique, plusieurs pères de Hué avec leurs paroissiens arrivent par un train spécial mis gracieusement à leur disposition par l’Administration des Chemins de Fer de l’Annam central. Ils rejoignent le cortège qui avance lentement vers l’église et y arrive seulement à huit heures et demie.

La Messe solennelle commence. C’est M. Barthélemy, premier provicaire, qui la célèbre, assisté de deux prêtres indigènes, comme diacre et sous diacre. Une soixantaine de missionnaires ou prêtres indigènes exécutent les chants liturgiques. Pendent cette messe chanteé à l’intérieur de l’église, d’autres messes sont dites sous le hangar construit devant le portail afin de satisfaire à la dévotion des fidèles qui ne peuvent pénétrer dans le sanctuaire de Notre Dame.

Immédiatement après la messe chantée. Mgr Allys donne le salut solennel du Saint Sacrement. La cérémonie est terminée. Les pèlerins se retirent peu à peu, tous heureux d’avoir pris part à cette grande manifestation religieuse.

Quel a été exactement le nombre des pèlerins qui ont assisté à cette procession? Les uns disent plus de dix milles, d’autres personnes donnent un chiffre encore plus élevé. Ce qui semble certain, c’est qu’à chaque nouveau grand pèlerinage le nombre des fidèles augmente.

C’est une bien douce consolation pour nous. Le culte de Notre Dame de La Vang, d’abord très restreint, s’est étendu à toute la Cochinchine. Depuis plusieurs mois, des vicariats apostoliques de la Cochinchine Orientale, du Cambodge et surtout de la Cochinchine Occidentale m’en arrivent à presque chaque courrier des témoignages significatifs”.

Tạm dịch:

Địa phận Bắc Đàng Trong

Cha Lemasle, linh mục Hội Thừa sai Paris, đưa tin về Quảng Trị:

Suốt vùng Đông Pháp, giáo hữu Việt Nam thường biểu lộ tình con thảo mộ mến Đức Mẹ Maria. Nhưng có lẽ không nơi nào Đức Mẹ được sùng kính nhiệt liệt như ở La Vang, một ngôi làng bình dị cách tỉnh thành Quảng Trị khoảng 7 cây số. Hằng tuần không có nhiều khách hành hương mộ đạo đến cầu xin ơn Mẹ. Nhưng vào các dịp lễ kính Đức Mẹ trong năm, tín đồ họ Cổ Vưu và các giáo hữu lân cận lại thích theo cha sở của mình hành hương La Vang.

Hằng năm, vào dịp Tết Âm lịch (thường là mồng ba tết), linh mục và các giáo dân vùng Dinh Cát hưởng ứng lời kêu gọi của cha quản hạt hành hương La Vang tham dự cuộc rước kiệu trọng thể.

Nhưng các cuộc hành hương mang tính cục bộ và địa phương như thế so ra không thấm gì với cuộc Hành hương Đại hội được tổ chức ba năm một lần vào tháng 8 dương lịch. Năm 1913, Đại hội Hành hương La Vang được định vào ngày 5 tháng 8, nhằm ngày lễ Đức Bà Xuống Tuyết.

Từ chiều ngày 4 đã có một ngàn người tấp nập đổ về nhà thờ Cổ Vưu để nghênh rước tượng Mẹ ngự trên bàn kiệu phủ đầy hoa nến. Khuya ngày 4 rạng ngày 5, khu vực quanh nhà thờ, hoặc ở những bến đò, nơi ghe thuyền đưa người hành hương đậu, người ta chỉ nghe tiếng đọc kinh, tiếng lần chuỗi và tiếng hát những bài thánh ca Việt Nam.

Sau cùng, khi thời khắc ngày kiệu mới bắt đầu, các linh mục cử hành Thánh Lễ và cho giáo dân rước lễ. Đến 5 giờ sáng, khởi sự sắp đặt cuộc rước kiệu, đoàn kiệu kéo dài chừng 4 cây số. Đức cha Allys – Đại diện Tông tòa, nhiều linh mục Huế cùng giáo dân trong họ đạo mình đáp chuyến xe lửa đặc biệt giảm nửa giá, do Cơ quan Trung ương Đường sắt Việt Nam hỗ trợ, đến lúc 6 giờ sáng. Tất cả nhập vào đoàn kiệu từ từ tiến về nhà thờ, và đến 8 giờ rưỡi đoàn kiệu mới đến nhà thờ La Vang.

Thánh lễ đại trào trọng thể bắt đầu. Cha Tổng đại diện Bathélemy chủ tế, hai linh mục bản xứ phó tế, phó tế và phụ phó tế, 60 linh mục thừa sai và bản quốc hát lễ. Trong khi thánh lễ hát đang diễn ra bên trong nhà thờ, nhiều thánh lễ khác được cử hành dưới lán tạm được dựng lên trước cửa chính nhà thờ nhằm đáp ứng cho những tín hữu mộ đạo không thể vào được bên trong cung thánh nhà thờ Đức Mẹ.

Ngay sau thánh lễ hát, Đức cha Allys cử hành buổi chầu Mình Thánh Chúa trọng thể. Nghi lễ phụng vụ chấm dứt. Khách hành hương dần dần ra về, lòng hoan hỉ vì đã được dự phần vào cuộc biểu dương tôn giáo vĩ đại này.

Số người hành hương tham gia cuộc rước kiệu này chính xác là bao nhiêu? Có người cho là hơn mười ngàn, người khác đưa ra con số cao hơn. Có điều chắc chắn, cứ mỗi lần có cuộc Đại hội Hành hương mới thì số giáo hữu lại tăng thêm.

Đó là điều an ủi lớn lao cho chúng tôi. Lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang, ban đầu rất hạn hẹp, sau được phổ biến khắp cõi Đàng Trong. Từ nhiều tháng nay, nhiều vị linh mục thuộc địa phận Đàng Trong, đia phận Cao Miên và nhất là địa phận Tây Đàng Trong đã gởi đến cho chúng tôi nhiều tờ báo, trong đó mỗi tờ đều minh chứng ý nghĩa Đại hội La Vang vừa qua.

*************************************************

THƯ MỤC THAM KHẢO & DẪN NGUỒN.

TẬP 1

 SÁCH LA VANG

  1. Joseph Huế (Lm. Giuse Trần Văn Trang): Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang. Imprimerie de Qui Nhơn. Annam, 1923.
  2. Vô Danh Thị. Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn hiệu đính: Vãn La Vang. Imprimatur de Mgr. Alexandre Paul Maria Chabanon Giáo – Vicaire Apostolique de Huế, le 20 Juillet 1932.
  3. Lm. Matthêô Lê Văn Thành (chủ biên). Lm Hồng Phúc (hiệu đính): Đức Mẹ La Vang. Cứu Thế Tùng thư xuất bản. 1955.
  4. Linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang. Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang xuất bản. 1970. Kỷ niệm Đại hội La Vang 1970.
  5. Lm. Hồng Phúc (CSsR): Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam. 1998. Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. 1998.
  6. Tòa Tổng Giám mục Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang. Lưu hành nội bộ. 1998.
  7. Tòa Tổng Giám mục Huế: La Vang hai thế kỷ – Lịch sử một tình thương (1798-1998). Lưu hành nội bộ. 1998.
  8. Lm. Tiến Lãng (CSsR): Kính mùng Maria. Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang. Tủ sách Văn hóa và Tinh thần. Paris. 1998.
  9. PX. Phan Đình Ngọc (chủ biên): Đặc san Đức Mẹ La Vang. Tập 1 + Tập 2 + Tập 3. Kỷ niệm Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang. 1998-1999. Lưu hành nội bộ. 1998.
  10. Đức Hồng y Tổng Giám mục PX Nguyễn Văn Thuận: Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang. Our Lady of La Vang Community. 1999.
  11. Đức Hồng y Tổng Giám mục PX Nguyễn Văn Thuận. Mộng Hằng ghi: Đẹp quá giấc mơ. Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang ấn hành. 2000.

SÁCH ĐẠO

  1. Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế. Cuốn 1 và Cuốn 2. Bản đánh máy.
  2. Andrien Launay: Histoire de la missions de Cochinchine, 1658-1823. Tome II. Missions étrangères de Paris. C. Douniol et Retaux, 1924.
  3. Dục Đức Phạm Đình Khiêm: Minh Đức Vương Thái Phi. Tinh Việt xuất bản. Sài Gòn. 1957.
  4. Lm. Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo. Quyển I. NXB Hiện tại. 1959.
  5. Lm. Phêrô Phan Phát Huồn (CSsR): Việt Nam giáo sử. Quyển I, Quyển II. Cứu Thế tùng thư. 1962.
  6. Cộng đồng Công giáo Việt Nam: Thiên Hùng Sử (117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam). San Jose, California, Hoa Kỳ. Copyright 1990.
  7. Lm. Bùi Đức Sinh: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Trọn bộ 5 quyển. Ronéo.
  8. Lm. Phêrô Trương Bá Cần: Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau. Tủ sách Đại kết. 1992.
  9. Lm Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc và Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội: Lịch sử Giáo phận Huế. Tập 1, Tập 2, Tập 3. Bản đánh máy. 1993.
  10. Lê Thiện Sĩ (tư liệu Lê Thiện tộc): Lương y Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn – 1805-1878, Trùm hạt Quảng Trị. Lưu hành nội bộ.
  11. Trần Quang Chu: Hành hương Giáo phận Huế (Kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế. 1850-2000). Tập 1, 2, 3. Lưu hành nội bộ. 2000.

BĂNG, ĐÀI, BÁO ĐẠO

  1. Les Missions Catholiques.
  2. Annales de la Société des Missions Étrangères.
  3. Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris.
  4. Tuần báo Nam Kỳ địa phận.
  5. Tuần báo Vì Chúa.
  6. Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
  7. Nguyệt san Nguồn sống.
  8. Nguyệt san Đức Mẹ La Vang.
  9. Bản Thông tin Giáo phận Huế.
  10. Nội san La Vang.
  11. Tuần báo Công giáo và Dân tộc.
  12. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc.
  13. Báo Dân Chúa. Paris.
  14. Văn bản, thư tay, tốc ký, nhật ký, hồi ký của Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang tặng riêng cho Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
  15. Nhóm Truyền thông Tin Mừng: Băng video Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang. Từ 13-15/8/1998 đến 13-15/8/1999 (bộ 4 cuốn).
  16. Hồi ký chép tay của Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá. Tài liệu gia đình của Lê Thiện Sĩ.
  17. Hồi ký chép tay của Linh mục Matthêô Lê Văn Thành. Tài liệu gia đình của Lê Thiện Sĩ.

SÁCH, BÁO SỬ KÝ VÀ ĐỊA DƯ

  1. Danh sách xã thôn Trung Kỳ (thời Pháp thuộc). Bản đánh máy.
  2. Vô Danh Thị. Dương Văn An nhuận sắc, tập thành. Bùi Lương phiên dịch: Ô châu cận lục. Văn hóa Á châu xuất bản. 1961.
  3. Sử ký tỉnh Quảng Trị. Bản đánh máy. 1965.
  4. Phan Khoang: Việt sử xứ Đàng Trong. Nhà sách Khai Trí. Sài Gòn. 1967.
  5. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Quyển II. Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản. 1971.
  6. Lê Quý Đôn. Lê Xuân Giáo dịch: Phủ biên tạp lục. Tập 1. Quyển 1, Quyển 2, Quyển 3. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản. 1972.
  7. Lê Quý Đôn toàn tập. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1977.
  8. Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn. Tập Thừa Thiên. NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 1997.
  9. Phan Thuận An: Kinh thành Huế. NXB Thuận Hóa. 1999.
  10. Tạp chí Cửa Việt.
  11. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.
  12. Wikipedia. Internet.

Hết Tập 1.

Xem tiếp Tập 2.

——————————————————————————————-

(1) Phan Bội Châu toàn tập. NXB Thuận Hóa Huế. 1990. Tập VI, tr.341-342.

(2) Joseph Huế (cha Giuse Trang): Kiệu ảnh Đức Mẹ nhà thờ La Văng (Phần mở đầu). Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 93, ngày 29-9-1910, tr.555.

(3) Joseph Huế: Kiệu ảnh Đức Mẹ nhà thờ La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 93, ngày 29-9-1910, tr.555-557.

(4) Ngô Ký Vãng (Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Lễ, Ngô Tri Dược, Ngô Đồng Hanh: Linh mục, sau là Giám mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn): Đi viếng nhà thờ Đức Mẹ ở La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 176, ngày 16-5-1912, tr.303-304.

(5) Le Directeur du Pèlerinage à Cổ Vưu, près Quảng Trị: Định ngày kiệu chung lên La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 234, ngày 3-7-1913, tr.506-507.

(6) Joseph Huế (cha Giuse Trang): Cuộc kiệu ảnh Đức Chúa Bà La Văng 1913. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 244, ngày 11-9-1913, tr.662.

(7) Ngô Đồng Hành (Linh mục, sau là Giám mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn): Kiệu Đức Chúa Bà tại La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 248, ngày 9-10-1913, tr.730-733.

(8) Joseph Huế (cha Giuse Trang): Cuộc kiệu ảnh Đức Chúa Bà La Văng 1913. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 244, ngày 11-9-1913, tr.662-663.

(9) Joseph Huế (cha Giuse Trang): Cuộc kiệu ảnh Đức Chúa Bà La Văng 1913. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 244, ngày 11-9-1913, tr.664-667.

(10) Áo mã tiên: Áo của đội nữ nhạc thời Nguyễn mặc khi trình diễn.

(11) Theo Lm. Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (Tb, Nam Kỳ địa phận. Số 248, ngày 9-10-1913, tr.733): “Bổn đạo sắp đội ngũ mà đi thì số gần tới 9.000, còn những kẻ đi lẻ không nhập vào đội ngũ thì số đông hơn. Cho nên cả thảy ước gần 20.000… Tới nhà thờ, bổn đạo chen vào chật cứng như nêm, đến nỗi cha sở phải bảo người ta ra bớt kẻo hiểm nghèo”.

(12) Lm. Hồ Hữu Diện: Cuộc kiệu La Văng. Tb. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 251, ngày 30-10-1913, tr.774-775.

(13) Les Missions Catholiques. Tome quarante sixième. N0 2340-10 Avril. 1914. P.171-172.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 1 – Chương 7 về máy tính