Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2– Chương 8 – Phần I

06/11/2019

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG TÁM

 THÁNH ĐỊA LA VANG

THỜI ĐỨC GIÁM MỤC ALLYS LÝ

(Tiếp theo)

ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG THEO ĐỊNH LỆ MỚI:

“TAM NHẬT ĐẠI HỘI”

Kể từ Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 6 (1917), để thỏa lòng mong ước của giáo hữu khắp nơi, Đức cha Allys Lý dạy tổ chức Đại hội trong 3 ngày liên tiếp gọi là Tam nhật. Hai ngày đầu tổ chức tại La Vang: “Buổi mai có lễ, buổi chiều có phép lành và sẽ có các cha trú lại đó mà giảng và làm phước…”, ngày thứ ba rước kiệu Đức Mẹ từ Cổ Vưu lên La Vang.

I. ĐẠI HỘI LA VANG 6 (1917)

1. Thông báo tổ chức Đại hội La Vang lần thứ 6

a/ Thông báo 1: “Kiệu trọng thể tại La Vang”(1):

“Vốn nhà thờ Đức Mẹ La Vang xưa rày đã vang danh khắp chốn, ơn nhiệm từ bi Thánh Mẫu cũng đã đồn tiếng khắp nơi. Bởi đó, khi có cuộc kiệu lớn tại La Vang thì giáo nhơn ai ai cũng đều hớn hở, kẻ gần thì tuôn đến tận nơi để cho được hiệp chầu cung kính, người xa cũng gởi lời khấn vái, ngõ cầu ơn nọ phước kia.

Vậy nay tôi vội đưa tin mừng cho giáo dân xa gần đặng biết: Năm nay, ngày 22 tháng Août là nhằm ngày mồng năm tháng Bảy (âm lịch) sẽ kiệu trọng thể lên nhà thờ Đức Mẹ tại La Vang.

Vốn phép kiệu trọng thể như vậy bấy lâu đã có lệ ba năm một kỳ. Chính năm ngoái, khi đã giáp kỳ, song vì lẽ nọ cớ kia nên bề trên đã định triển lại năm nay.

Xưa rày mỗi khi kiệu trọng thể như vậy thì chỉ có làm một buổi mai mà thôi, là buổi mai vừa tảng sáng thì các họ cứ theo yết sắp đội ngũ kiệu ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên nhà thờ La Vang, rồi thì nghe giảng, xem lễ hát, chầu Phép lành Mình Thánh Chúa, đoạn ai nấy lật đật ra về. Ấy là hoàn tất cuộc kiệu.

Song thường thấy ngày áp có nhiều kẻ lên viếng nhà thờ Đức Mẹ, lại cũng có kẻ muốn xưng tội chịu lễ tại đó để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ hơn nữa. Vậy, cho đặng giúp lòng sốt sắng giáo nhơn, ngõ càng nhờ thêm ơn thánh, thì năm nay bề trên định làm cách khác cho trọng thể hơn và tiện lợi hơn, là sẽ làm Tam nhật.

Vậy hai ngày trước ngày kiệu là ngày mồng ba và ngày mồng bốn, tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang, buổi mai có lễ, buổi chiều có phép lành, và sẽ có cha trú lại đó mà giảng và làm phước (giải tội) cho giáo hữu cả hai ngày ấy và chiều ngày mồng hai. Còn chính ngày mồng năm, buổi sớm mai sẽ kiệu ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên nhà thờ La Vang, đoạn làm mọi việc khác như mọi năm trước.

Ấy là cuộc kiệu trọng thể năm nay sẽ định làm thì như vậy.

Nay tôi dám mở lời khuyên giáo nhơn ai nấy là con cái Đức Mẹ, đến ba ngày ấy hãy hứng dạ ra công mà tỏ lòng kính tôn Đức Mẹ La Vang.

Vốn phận ta ai nấy cũng có nhiều lẽ riêng phải chạy đến cùng Đức Mẹ, làm sáng danh Đức Mẹ ở chốn trần gian, hầu về cùng Đức Mẹ trên nơi cõi thọ.

Song theo thời thế bây giờ, lại càng có ý giục ta gia tâm bội lực mà chạy đến cùng Đức Mẹ hơn nữa. Xin Người phù hộ cho đặng nước an đạo thạnh, khử trừ Phổ tặc(2) cho nó thua sắp chạy tan, mà ta đặng chữ toàn công thắng trận. Ta muốn cho đắc ý sở nguyện chi cho bằng chạy đến cùng Đức Mẹ.

Mấy kỳ kiệu trước, thấy giáo nhơn đua nhau làm sáng danh Đức Mẹ La Vang cũng đà oai nghi rực rỡ lắm, song nguyện cho kỳ này càng thêm hơn nữa. Vì dầu tứ phương chúc tụng, bá tánh âu ca cũng chưa đáng gì với Đức Mẹ. Quyền Đức Mẹ cực sang, ơn Chúa Bà vô giá, ta muốn Người tỏ lòng Mẹ từ bi, ta hãy tỏ tình con thảo. Đàng xa chớ ngại, dặm thẳm đừng e, một ơn Mẹ trả cho muôn đời nhờ chưa hết”.

Quảng Trị.

b/ Thông báo 2: “Ngợi khen Đức Mẹ La Vang cùng báo tin kiệu ảnh”(3):

“Đức Chúa Bà là Đấng hay thương dân khẩn nguyện, hằng bầu chữa kẻ chạy đến cùng Người. Hội Thánh Việt Nam ta, từ xưa nhẫn nay đặng Đức Mẹ hộ vực, nên đã qua nhiều cơn gian nan bão táp, sóng vỗ tư bề mà chẳng hề day chuyển. Biết mấy trận đòi cơn bắt bớ, biết mấy đoạn sầu khổ âu lo, giáo hữu chạy đến khẩn cầu cùng Mẹ Chúa Trời mà đã đặng mọi bề an lạc.

Lại phước thay cho chốn Quảng Trị, Địa phận Huế, đặng Đức Mẹ ghé mắt thương xem cách riêng. Ngài khấng chọn nơi đồng khô rẫy bái, nơi đồng sũng núi La Vang hằng ngày ban ơn cho kẻ có lòng trông cậy, xuống mọi phước lành lạ lùng cho kẻ thành kính khẩn cầu.

Ai ai Việt Nam Trung Kỳ đều tin là chốn oai linh Đức Mẹ khấng đoái, bất luận sang hèn giàu khó, cũng chẳng vì câu lương giáo phàm dân, lại chẳng cần xa gần cách trở, miễn có lòng tri vọng tưởng ơn Mẹ chữa bầu, ắt sẽ đặng no giàu ơn Mẹ.

Xưa nay xứ Huế đã đặng muôn ơn Mẹ, bởi kêu Đức Mẹ La Vang mà đặng thảnh thơi hồn xác, khỏi đọa lạc sầu bi, biết là mấy khi người hoạn nạn rên siết âu lo, trợ gia khó bề no đủ, mà bởi tưởng trông ơn Mẹ cực mầu, La Vang bôn ba tìm tới, van vái đôi lời sơ lược, cúng dâng chút lễ đèn hoa, bạc tiền dâng tiến đôi ba, tỏ chút tình lấy thảo, mà đã đặng Đức Mẹ giải cơn cực nạn.

Chẳng phải lúc xưa mà nay cũng hãy còn muôn người đặng nhờ ơn khôn xiết. Đức Mẹ oai linh hay thương tình ban bố chữa bầu, chẳng phải một mình Trung Kỳ địa phận, song thật là khắp cõi nước Nam, lâu nay hằng đặng nhờ ơn đức, trả lễ tạ ơn.

Đây chẳng cố ý kể tự tích vì đã có sách cao rao, một doãn lại lược qua ơn Đức Mẹ La Vang hầu ngợi khen quờn cả Ngài phép tắc rộng thương khắp nơi khắp xứ.

Song biết lấy chi mà đền ơn báo đáp? Địa phận Huế theo sức mọn mảy nghèo nàn, cứ lệ ba năm kiệu chung Đại hội, cả địa phận giáo hữu đều tựu đến đồng núi La Vang hầu tạ ơn kính mừng Đức Mẹ, đặng tỏ sự cả sáng oai thể Người.

Lẽ đáng năm ngoái đúng lệ ba năm kiệu ảnh trọng thể, song vì địa phận đòi cơn túng ngặt, bão táp hủy hoại đôi phen, lại nhơn dân bất an đoàn thể, gia dĩ đói khát cực bần, nên để đến năm nay. Bề trên định ngày 22 tháng Août sẽ kiệu trọng thể. Ba ngày trước sẽ có các cha ngồi tòa làm phước, làm Phép lành Mình Thánh Chúa và giảng, có ý cho bổn đạo thêm lòng sốt sắng.

Vậy xin mời ai nấy, vì lòng ngưỡng trông ơn Đức Mẹ Chúa Trời, dời chân đến đồng núi La Vang hầu tung hô quờn cả Đức Mẹ, đặng xin Người hộ vực xác hồn, cứu cho khỏi muôn điều khổ hạnh, lại đặng an cư lạc nghiệp, thơ thới yên hàn.

Ngợi khen quờn cả Đức Mẹ đời đời! Vạn tuế Hội Thánh An Nam! Chúc cho cuộc kiệu La Vang đặng bề an hảo!”.

Thừa Thiên.

2. Phóng sự Đại hội La Vang 6 (1917)

a/ “Cuộc kiệu La Vang 22 Août 1917”(4):

“Flores apparuerunt in terra nostra,vox turturis audita est: Trong đất chúng ta bông hoa đã nở,/ Tiếng chim cu hăm hở gáy mừng!

Ấy là câu ca vịnh Thánh Kinh tôi đã mượn mà cao rao ơn phước Đức Mẹ như hoa nhiệm bởi trời, có đủ trăm thức đã nở ra nơi đất La Vang cho dân Nam đua nhau đến lấy.

Nay tôi cũng xin mượn câu ấy mà khong khen những sự tốt lành đã xảy ra nơi đất ấy, chẳng khác thể vườn hoa mới nở có đủ sắc đủ mùi, làm cho thơm danh Cha Cả, rạng tiếng Mẹ Lành. Chim cu thấy đồng điền lúa lổ (trổ) liền cất giọng gáy gù. Tôi thấy sự vinh ba Đức Mẹ lẽ đâu làm thinh gác bút. Ai ngờ đất La Vang là nơi rừng khô cỏ cháy, là chốn cách nẻo trái đàng mà rày đã nên như chốn tỉnh thành, có muôn dân đô hội. Chẳng những người ba tỉnh Thừa Bình Trị mà lại người trong Quảng, ngoài Bắc thảy đều đua nhau đến đó.

Vậy kiệu chung tại La Vang đã nhiều lần mà tôi chưa thấy lần nào thiên hạ đông đảo và tỏ lòng sốt sắng như lần này. Từ ngày 20 đến ngày 22Août, đàng La Vang luôn những kẻ lên người xuống, chốn quán xá kẻ lại người qua, trên đàng khách khứa dập dìu, dưới sông ghe thuyền đông đắn, hỏa xa mỗi ngày hai chuyến, chuyến nào cũng chật ních như nêm, các nhà ga, các thầy bán giấy gần không kịp. Ấy là vì con cái Đức Mẹ khắp đâu đó đều tuôn đến La Vang để nguyện ơn mầu, cầu phước lạ. Nỏ (chẳng) nói chi người có mặc dư ăn, kẻ ở gần đi dễ, mà lạ thay, những người bần khổ, ở cách xa ba bốn ngày đường cũng xuất hành đùm mắm mo cơm, chẳng quản chi đêm sương ngày nắng, miễn lần cho đến nơi nhà thờ Đức Mẹ La Vang cũng là vui lòng thỏa chí. Kẻ sẵn bạc dư tiền, có kẻ quen người biết thì còn có chỗ trú nơi nằm, còn chí như kẻ bần nhơn, người cô thế thì chỉ có một mặt chiếu đất màn trời, cũng vui lòng với La Vang Đức Mẹ. May mà đêm hôm tạnh ráo, khí tốt trời thanh, không thì sao cho khỏi lâm ương nhiễm bệnh.

Nhà thờ La Vang tuy khá rộng, lại thêm một rạp cũng khá dài, song sao cho đủ chứa người tứ xứ. Từ ngày 20 cho đến ngày 22 thì trong đất La Vang như chốn thành thị, thiên hạ chen chúc vào ra, song chẳng chút rầy rà gây tụng. Trong nhà thờ trần thiết oai nghi rực rỡ, trên bàn thờ đèn đốt trót ngày luôn đêm cho con cái Đức Mẹ nguyện cầu khấn vái. Bởi nhà thờ vào không hết nên bổn đạo nhóm nhau từng chọm xung quanh nhà thờ, nơi thì lần hột đọc kinh, nơi thì hát bài ca vịnh, đêm cũng như ngày những nghe tiếng Kính Mừng Maria, những nghe câu Đầy ơn phước. Bổn đạo tranh nhau vào tòa giải tội từ sáng đến tối, từ tối tới khuya, vì ai nấy cũng muốn xưng tội chịu lễ tại nhà thờ Đức Mẹ để tỏ lòng thành kính chốn La Vang.

Các cha ngồi tòa đổi thay nhau, dẫu đã ngồi gắng quá 10 giờ đêm cũng làm phúc không hết. Tôi tưởng còn sót nhiều người muốn đến xưng tội đó mà chưa được như ý sở cầu. Các cha ngồi tòa thì rõ biết con cái Đức Mẹ khắp nơi đều chen nhau vào tòa La Vang mà xưng tội. Có giọng Nam, giọng Bắc, có giọng dinh giọng quê, ấy là đủ Tam Kỳ Ngũ Quảng(5).

Thật ba ngày đó ai ngó vào La Vang mà không cảm động! Nhứt là chính ngày kiệu là ngày 22 thì càng thật sự vinh quang Đức Mẹ làm cho giáo nhơn thảy đều khoái lạc. Các họ có đem cờ xí, lỗ bộ thì đêm 21 đã trú tại Cổ Vưu. Ngày 22 vừa rạng đông thì thấy các cha sở ra bài bố cho con chiên mình, cứ đội ngũ trước sau y như yết thị đã chỉ. Năm giờ sáng, vừa khỉ lệnh chuông trống tại nhà thờ Cổ Vưu thì họ nào họ nấy đều nổi trống chuyền ba, gió phất cờ bay, kéo nhau đi rập ràng kiệu ảnh Đức Mẹ lên La Vang.

Khi đoàn kiệu lên tới nơi đàng hỏa xa, độ sáu giờ rưỡi, thì tiếp thấy xe lửa từ Huế chạy ra. Ấy là chuyến xe riêng có 21 wagons đưa bổn đạo Huế ra kiệu. Khi xe lửa vừa tới nơi thì có hơn 2.000 bổn đạo trên toa đổ xuống, ngó xí xăng người sang kẻ hèn, người giàu kẻ khó thảy đều sắp vào hàng ngũ mà đi theo đoàn kiệu, tay không cờ xí nhưng một tràng hạt cũng đủ tỏ tình cùng Đức Mẹ.

Độ 7 giờ 15 lại có chuyến xe lửa khác từ Huế chạy ra, ấy là chuyến xe thường, mà bổn đạo theo xe này cũng đông, Khi xuống xe thì cũng sắp vào đoàn kiệu mà lên La Vang. Khi ấy ai đứng trên cồn cao xem xuống thì thấy rất nên là đẹp. Thấy một đoàn dài thấu đến 4 kilomètres, lỗ bộ nghiêm trang, lọng tàn nghi tiết, tai nghe trống đánh ầm ầm, mắt xem cờ bay phới phới. Đàng khúc thẳng khúc cong, đi kế nhau nghe ngồ ngộ. Giữa rú mênh mông, trên trời lặng phắt. Nghe thấy kinh hát có nhịp có nhàng, thấy đội ngũ đi có hàng có lớp. Nọ là các cố các cha, nọ là các thầy các chú, các chị nhà phúc trắng đen, các trẻ đồng nhi nam nữ, kẻ lớn người nhỏ, y phục đoan trang, đi cùng nhau hai hàng tương đối. Xem rất nên là đẹp, ngó rất đỗi là vui. Người ta đi theo hầu kiệu phỏng chừng thấu vạn. Kẻ ở lại La Vang cùng những người ngoại đi coi thì cũng đông ít nữa bằng như vậy. Cho nên tính đủ cả thảy ước hai vạn con người có mặt trong cuộc kiệu này.

Có Đức cha Allys, quan Hiệp Nguyễn Hữu Bài, hai quan tỉnh là quan Tuần, quan Án và có cả quan Lãnh binh tỉnh Quảng Trị nữa. Các cha Tây, Nam được cả thảy là 50, học trò hai trường La Tinh (TCV An Ninh và ĐCV Phú Xuân) có gần đủ mặt, các chị nhà phước ước 220 người.

Khi bàn kiệu hòng đến La Vang, chính quan Lãnh và hai ông Đội thân hành ra dẹp dân sự đứng sắp hàng hai bên, cất nón cúi đầu đúng phép lễ nghi để kính bàn kiệu đi ngang qua giữa.

Độ 8 giờ thì Thánh Giá vừa tới nơi nhà thờ La Vang. 8 giờ 3 khắc thì bàn kiệu mới tới nơi. Ôi! Khi ấy người ta chen nhau vào nhà thờ, chẳng quản chi người xô kẻ lấn, mà kẻ đã vào trong cũng khó nỗi chen ra. Bởi đó các cuộc kiệu trước hay có một đôi người bị xâm bất tỉnh. Song kỳ này nhờ trời im mát thì trong nhà thờ La Vang khỏi chuyện ấy. Đến 9 giờ thì chầu lễ hát trọng thể. Lễ rồi Đức cha ban Phép lành Mình Thánh Chúa. Hoàn tất mọi lễ bỗng chốc nghe tiếng hát giữa nhà thờ rằng:

Mẹ ở con về thương chi xiết,

Ơn sâu nghĩa thẳm nhớ nào khuây!

Đoạn ai nấy lần hồi lui ra, kẻ đi xe, người chạy ngựa, mà biết mấy ngàn người phải đi bộ, bước chơn không (đi chân đất) giữa trời nắng non, trên cồn sỏi đá. Dù vậy cũng vui lòng thỏa chí vì đã đặng chầu kính Đức Mẹ La Vang. Ơn nhãn tiền vẫn chưa thấy, mà lòng tin cậy Mẹ chẳng để ra không, cho nên ai nấy ra về, lòng đầy ơn trên an ủi, trong cuộc sống rày Mẹ sẽ đền ơn, giờ lâm chung Mẹ không từ bỏ”.

b/ “Trên chuyến xe lửa hành hương La Vang 1917”(6):

“Đã nói rằng sớm 22 có một chuyến xe lửa riêng ở Huế mà ra đưa bổn đạo đi kiệu. Vốn là cha Lemasle, cha sở họ Cổ Vưu kiêm sở La Vang, nên chính việc ngài phải lo thiệp mời các nơi đến kiệu. Ngài muốn cho bổn đạo đi đông số hơn thì đã liệu xin cho có một chuyến xe lửa riêng đi vừa tiện theo giờ kiệu. Lại ngài cũng đã xin được phép chịu nửa phần giá tiền mà thôi. Vì vậy bổn đạo mua giấy mà đi theo chuyến xe này đông lắm.

Nghe nói một mình cha Stoeffler (cố Thể) thôi mà đã mua giùm cho bổn đạo Thừa Thiên – Bên Bộ, Bên Thủy(7) – hơn 4.000 giấy để đi theo chuyến xe riêng ấy. Xét đó, chuyến xe này không lẽ chở hết, vì vậy nên ngày 21 có tin rằng: Ai có giấy ấy thì muốn đi chuyến xe thường cũng được. Dầu vậy, vẫn có kẻ mua giấy mà đi không được vì quá đông, xe chở không hết.

Nói đến chuyến xe riêng thì lòng tôi bắt cảm cảnh. Có một cha đi ra theo chuyến xe ấy thuật với tôi rằng: ‘Cha đứng chực dưới gare N… làm một với mấy mươi bổn đạo. Nghe xe lửa huýt, thấy xa xa một đoàn xe dài dằng dặc, người ta đầy chật trong ngoài. Khi xe vừa đến gare thì đếm rõ có đến 19 wagons, và có 2 wagons trần là thứ thường để chất củi mà rày dùng chở người. Thấy wagon nào cũng chật ních, song ai nấy cũng chen chúc vào, miễn đặt chân được thì thôi.

Có điều này ai nấy đều lấy làm vui sướng cùng Đức Mẹ lắm là mỗi wagon hóa nên như một nhà thờ, đều rập tiếng đọc kinh lần hột chung với nhau, nghe rất nên khoái lạc: Dưới tiếng xe chạy rầm rầm, trên giọng kinh ngân rảng rảng, làm cho đất dậy trời vang, các vật ở ngoài đều sững sờ chăm ngó.

Thật may đâu ngày ấy im mát lạ thường. Từ sáng đến 9 giờ, dẫu đầu trọc đội trời còn vô hại. Bởi vậy dầu đông người đứng chật xe mà cũng còn chịu nổi. Song đến chiều, 4 giờ, khi xe ấy đưa bổn đạo về Huế thì có người xâm bất tỉnh, nên xe phải dừng lại cho kẻ ấy xuống đất, khỏi một hồi mới tỉnh. Vả chăng chuyến xe này khách càng đông hơn nữa, lại vì buổi chiều trời càng nóng nực”.

c/ “Vài nét sinh hoạt tại La Vang trong Tam nhật Đại hội 1917”(8):

“La Vang tuy cách xa làng chợ, ngái nước kề non, song ba ngày đó chẳng sợ thiếu ăn, không lo thiếu uống. Xem ra việc thiên cơ mà cũng thành như ý nhiệm. Chúa đã lo cho con cái Đức Mẹ sẵn nơi ăn nơi uống. Chốn rừng hoang bỗng dưng có nhiều quán xá. Ai muốn có bàn cao lương cũng sẵn vật cao lương, ai muốn dùng mâm bạc vị thì có đồ bạc vị. Sẵn hàng cho khách quý, đủ vị cho bần nhơn, miễn có nắm bạc xâu tiền đến La Vang tay không cũng được. Có kẻ không tiền thiếu bạc mà cũng có ăn, miễn lấy tình thiệt mà xin cũng có tay làm phước.

Song nói chi việc nuôi xác, ta hãy xem bổn đạo nuôi linh hồn, nuôi đức tin tại chốn La Vang là thế nào. Bổn đạo hằng thay nhau vào chầu kính, đêm như ngày, nhà thờ đông đắn, nhứt là buổi nghe giảng, buổi xem lễ và giờ chầu phép lành thì người ta chen nhau vào nhà thờ chật cứng. Ai nấy vừa ra khỏi nhà thờ thì chạy rảo quanh vườn nhổ cỏ nọ, trảy lá kia để đem về làm linh dược. Thấy nhiều người khăn bằng xuê xoang, áo cặp áo mới mà ra về ôm một bó lá lè kè, không sợ ai cười nhạo.

Khổ thay! Chốn La Vang có một cái giếng, bởi lâm thời hạn hán, nước ít lại không trong mà người ta đua nhau đem hũ đem chai đến múc. Bởi kẻ múc thì nhiều mà giếng thì cạn nên phải chờ cho mạch chảy ra mà múc. Chẳng có giờ nào mà chẳng có năm bảy người chực chờ trên miệng giếng.

Nước múc từng chai, cỏ quơ từng bó, đem nhau từng toán vào xin các cha làm phép. Toán này lui ra, toán khác lại vào, ngó bộ hớn hở vui mừng dường bằng đã được của quý.

Nỏ nói chi con nhà giáo hữu, dầu bên ngoại cũng có nhiều kẻ đến La Vang vì tin chốn ấy hữu cầu tất ứng. Như chính ngày 21, giờ thứ 10 ban mai, đang lúc giáo nhơn đông đảo nguyện kinh chung cùng nhau trong nhà thờ, xảy thấy một ông mặc áo rộng xanh, tay bưng một khay có mươi trự bạc với một chục phong đèn, bộ đi lén rén, mặt mũi nghiêm trang, ra trước bệ bàn thờ sấp mình kính lạy, để khay nơi kệ bàn thờ, lui ra một bên, quỳ gối chắp tay một bề chăm chỉ, miệng thầm thĩ chẳng chút lo ra, mặc ai đi qua, mặc người ngó lại. Ông ấy nguyện như vậy độ một khắc đồng hồ. Đến 12 giờ là giờ thứ ba ông cũng lên nguyện như vậy. Ông ấy là ai? Đó là một vị quan tam phẩm triều đình. Ngài tuy còn ngoại giáo song có lòng thành tín Đức Mẹ La Vang lắm. Nguyên quan ấy đã khấn được một việc gì đó, nay đến trả lễ và có ý khấn chuyện khác nữa.

Ấy, kể chuyện một người bên lương, mà còn biết bao nhiêu người khác, nỏ kể ra hết làm chi. Thật ngày ấy ở chốn La Vang thấy nhiều điều làm gương tốt, gặp nhiều chuyện rất đỗi động lòng, không thể thuật lại cho cùng, chỉ kể qua ít điều cho chư vị được biết, trước là hiệp một lòng mà mừng rỡ cùng Đức Mẹ đã đặng rạng tiếng giữa trời Nam, sau nữa hãy suy đó mà đua nhau thành kính Đức Mẹ cho trọn chữ con thảo tôi ngay ngõ sau đặng về trời cùng Đức Mẹ.

(Còn tiếp…)

Kỳ tới: II. Đại hội La Vang lần thứ 7

——————————————————————————————————-

(1)Quảng Trị: Kiệu trọng thể tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 442, ngày 26-7-1917, tr.458-459.

(2) Phổ tặc: Prusse: Nước Phổ – sau là nước Đức. Chỉ chế độ Đức Quốc xã, kẻ gây ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918).

(3) Thừa Thiên: Ngợi khen Đức Mẹ La Vang cùng báo tin kiệu ảnh. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 444, ngày 9Août1917, tr.488-489.

(4) Quảng Trị: Cuộc kiệu La Vang 22 Août 1917. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 451, ngày 27-9-1917, tr. 599-602.

(5) Tam Kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam và Quảng Ngãi.

(6) Quảng Trị: Trên chuyến xe lửa hành hương La Vang 1917. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 452, ngày 4-10-1917, tr.415-416.

(7) Bấy giờ Thừa Thiên chia làm hai hạt: Bên Bộ và Bên Thủy.

(8)Quảng Trị: Vài nét sinh hoạt tại La Vang trong Tam nhật Đại hội 1917. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 452, ngày 4-10-1917, tr.416-417.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 8 – Phần I về máy tính