Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 12 – Phần II

08/11/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG MƯỜI HAI

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC URRUTIA THI

A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC GIOAN BAOTIXITA URRUTIA THI(1)

B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI CHIẾN TRANH

I. LA VANG THỜI CHÍNH BIẾN – CHIẾN TRANH CÔ LẬP THÁNH ĐỊA LA VANG

II. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI CHIẾN TRANH

C. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐÌNH CHIẾN

I. LA VANG NGÀY ĐÌNH CHIẾN

II. ĐẠI HỘI LA VANG 13 (1955)

1. Chuẩn bị Đại hội La Vang 13(1955)

Công cuộc cấp bách của cha sở mới, đáp ứng lòng mong mỏi của Đức cha địa phận nhà: Tổ chức Đại hội La Vang 13 vào tháng 8 năm 1955. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết của hàng vạn giáo dân gần xa, trong ngoài địa phận Huế, sau 17 năm (1938-1955) gián đoạn.

a/ Xuất bản sách Đức Mẹ La Vang(15):

“Sau Hiệp định Hòa bình Giơ-ne-vơ, tôi (linh mục Matthêô Lê Văn Thành) từ Đồng Hới vào Quảng Trị xin tạm trú tại nhà cha sở La Vang. Linh mục Giacôbê là dưỡng phụ của tôi. Ngài đau yếu và rất băn khoăn trước làn sóng khách hành hương đến kính viếng Mẹ. Ngài có linh tính chắc Mẹ sắp gọi về Nhà Cha. Do đó trong lúc hàn huyên thân mật ngài có yêu cầu tôi thực hiện ba ước nguyện tha thiết của ngài:

+ Được an táng trong khuôn viên sau đền thờ Đức Mẹ.

+ Xuất bản sách Đức Mẹ La Vang. Ngài đã viết tay sẵn dày trên 400 trang, có chữ ký của Đức cha Lemasle Lễ và đóng ấn. Sách này Đức cha Urrutia Thi để lạc mất.

+ Xây Đài Kỷ niệm nơi Đức Mẹ hiện ra.

Sau một cơn đau tim, ngài (linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh) trút hơi thở cuối cùng lúc 21 giờ ngày 20-1-1955, sau khi đã nhận đủ các phép do cha già Hộ (Phêrô Tống Văn Hộ). Chiều hôm ấy, ngài lên đền thờ Mẹ quỳ cầu nguyện ở từng bàn thờ nhỏ, đốt nến nơi mỗi bàn thờ, khấn vái.

Sau khian táng ngài, thể theo ước nguyện thứ nhất: Tôi thâu thập được một ít tài liệu bản thảo của ngài về sự tích Đức Mẹ La Vang. Tôi đi nhận sở mới, giáo xứ Nam Tây, gần vĩ tuyến 17. Nhà thờ đổ nát, nhà xứ không có. Tôi tạm sửa phòng thánh ở trong lúc chờ đợi xây nhà xứ mới. Sống qua ngày tháng, giữa cảnh hoang tàn tĩnh mạc tôi biên soạn những sử liệu của cố linh mục Giacôbê. Đánh máy rồi, gởi vào dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nhờ linh mục Hồng Phúc xem lại và cho xuất bản. Tôi yêu cầu ngài liệu ấn loát gấp 10.000 (mười ngàn) quyển, gởi ra trước kiệu Đại hội lần thứ 13, tháng 8-1955.

Cuối tháng 7-1955, tôi nhận được một điện tín của ngài báo cho biết số sách đã ấn loát xong, nhưng máy bay không nhận chở ra Huế vì hàng ứ đọng quá nhiều. Ngài xin tôi liệu lấy. Tôi quá bàng hoàng!…

Tôi về viếng Mẹ La Vang, xin Mẹ giúp giải quyết và Mẹ đã lo liệu xuôi may một cách lạ lùng”.

Việc xuôi may lạ lùng! Trong một đoạn khác, linh mục Matthêô Lê Văn Thành ghi lại trong hồi ký:

“Tôi được thư cha Hồng Phúc cho biết sách Đức Mẹ La Vang đã ấn loát xong, nhưng không thể gởi ra được, vì hãng máy bay dân sự không nhận chở. Lý do hàng bị ứ đọng quá nhiều. Ngài nói: Cha liệu sao chứ tôi thì chịu!

Tôi biên thư hồi âm cho cha Hồng Phúc, yêu cầu ngài thay tôi gởi một cuốn loại đặc biệt (có 200 cuốn loại này) cho Thủ tướng, bắt chước chữ ký của tôi.

Nhận được sách của tôi, thủ tướng bảo lấy máy bay riêng của ông chở số sách ấy ra Huế.

Máy bay ra tới bầu trời Đà Nẵng, Đài Quan sát nhận ra máy bay của Thủ tướng nên gọi điện khẩn ra cho ông Duyến, thủ hiến Trung phần. Một phái đoàn tốc tả xuống sân bay Phú Bài. Máy bay của Thủ tướng đã cất cánh bay về lại Sài Gòn, chỉ thấy một đống thùng sách còn chất giữa sân bay, trên có đề tên tôi.

Về đến Tòa Đại biểu, ông cho xe ra mời tôi vào. Tôi không rõ chuyện gì. Gặp ông, ông nói: Thật cha làm chúng tôi một việc hú hồn. Ông thuật lại việc phái đoàn xuống Phú Bài, tưởng Thủ tướng bất thần bay ra Huế, nhưng chỉ thấy mấy thùng sách của cha. Ông chỉ cho tôi…, rồi mời tôi ở lại dùng cơm trưa. Sau đó cho xe chở mấy thùng sách ra tận La Vang.

Tôi quá mừng và xúc động đến rơi lụy, chỉ biết vào quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ, cám ơn Mẹ.

Số sách 10.000 quyển tôi trao cho cha Bửu Đồng, trưởng ban ngoại giao. Sách in loại tốt. Tôi ký tên tôi…, và mỗi quyển giá ủng hộ 1.000 đồng. Loại thường gía 20 đồng. Dịp Đại hội này tôi bán được 3.000 quyển. Số tiền thu vào đủ trang trải 50.000 đồng (= 100 lượng vàng) tôi đã xuất. Còn lại 7.000 quyển tôi cúng cho Đức Mẹ”.

b/ Xây Đài Kỷ niệm nơi Đức Mẹ hiện ra(16)

+ Từ ước nguyện của cố linh mục quản xứ La Vang Giacôbê Nguyễn Linh Kinh:

Linh mục trưởng ban tổ chức Đại hội La Vang 13 (1955) Matthêô Lê Văn Thành ghi lại trong hồi ký(16):

“Còn lại ước nguyện thứ ba: Xây Đài Đức Mẹ đúng nơi ngài đã hiện ra năm 1798.

Làm sao bây giờ?

Cố linh mục Giacôbê (Giacôbê Nguyễn Linh Kinh) có cho tôi biết một bí mật ngài đã làm. Ngài nói: Vào tháng 5-1925, lúc ngài làm phó xứ Cổ Vưu, lợi dụng lúc cố Morineau vào tĩnh tâm ở Huế, ngài thay thế lên La Vang đôn đốc công việc triệt hạ ngôi nhà thờ cũ. Công việc triệt hạ đã gần xong rồi, một buổi tối nọ, ngài bảo mấy ông thợ mộc chuốt cho ngài một cọc lim vót nhọn, rồi với hai người khoẻ mạnh đóng sâu dưới bàn thờ, nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra, theo truyền thuyết. Xong công việc, ngài lấp đất lại, yêu cầu hai người giúp việc tuyệt đối giữ bí mật đừng cho cố Trung, tức cha Morineau hay biết gì hết.

Ngày 13-6-1955, lễ thánh Antôn, bổn mạng của cha Antôn Nguyễn Văn Thọ, các cha hạt Quảng Trị về mừng lễ đông đủ. Sau cơm trưa, cha bổn sở La Vang Giuse Trần Văn Tường cùng với cha quản hạt Giuse Lê Hữu Huệ yêu cầu các cha ở lại để thảo chương trình Đại hội sắp đến. Sau một hồi thảo luận khá sôi nổi, đặt các ban như thường lệ, cha quản hạt làm chủ tịch, cha bổn sở La Vang làm phó chủ tịch…

Bất thần, cha bổn sở La Vang Giuse Tường đứng lên phát biểu, đại ý nói Đại hội kỳ này sẽ đông đảo, phần ngài mới ra nhận sở, lại bất tài nên xin đề nghị cha sở Nam Tây, tức cha Matthêô Lê Văn Thành đứng ra tổ chức. Các cha đồng tình ý kiến của ngài và yêu cầu tôi chấp nhận vì ích chung. Sau vài phút suy nghĩ, tôi trả lời: Vì Đức Mẹ, vì quý cha tín nhiệm tôi chấp nhận với điều kiện là xin cha quản hạt và cha sở La Vang vào trình với bề trên, Đức cha Urrutia Thi, xin ngài gởi cho tôi một ủy nhiệm thư, ký tên và đóng dấu.

Mười ngày sau, 23-6-1955, thư ủy nhiệm của bề trên đã gởi đến. Tôi mời quý cha trong hạt họp tại nhà cha sở La Vang, phác họa chương trình, xin cha quản hạt làm phó trưởng ban. Tôi nói ngay, việc trước tiên là xây đài Đức Mẹ chính nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra, và cho các ngài biết bí mật của cha cố Giacôbê. Tất cả đều đồng ý và yêu cầu thực hiện cho kỳ được.

Thế là tôi bắt tay vào tìm kiếm cái cột lim. Ba mươi người đào xới cả vùng trên nền nhà thờ cũ. Thật là vất vả! Cuối cùng tìm được cái cột lim nằm sâu dưới đất.

Tôi cho mời ông Hồ Văn Hải, kỹ sư công chánh hồi hưu, một tân tòng có lòng sùng kính Đức Mẹ. Là nhà thầu khoán, ông thiết kế một đài kiểu Á Đông, tám góc… Sau khi được sự đồng ý, ông khởi công và chỉ nửa tháng xây cất đài Đức Mẹ được hoàn tất”.

+ Đến Linh đài Bát giác

Đó là một ngôi đền kiểu Á Đông với hai tầng mái đơn sơ, mỗi tầng bốn góc vuông vắn. Tác giả thiết kế, kỹ sư Hồ Văn Hải; chủ đầu tư, linh mục Giuse Trần Văn Tường và người chỉ đạo thi công, linh mục Matthêô Lê Văn Thành đều thống nhất đặt tên: Đài Bát giác – Tám góc – Tám góc theo ý nghĩa Tám mối Phúc thật. Đức Mẹ là Đấng duy nhất bao hàm đầy đủ Tám mối Phúc thật. Còn khách thập phương hành hương, thấy mỗi tầng mái có bốn góc nên gọi đài Tứ giác.

Tứ giác của tầng mái thứ nhất lợp ngói, với chiều dài mỗi cạnh khoảng 3,5m. Tứ giác của tầng mái thứ hai thấp hơn, cũng lợp ngói với chiều dài mỗi cạnh khoảng gấp đôi cạnh của tầng mái trên. Cả hai tầng mái đứng vững nhờ sự chống đỡ của bốn cột cái vuông, kiên cố, và một hệ thống đòn tay rui mè bằng gỗ vững chắc. Hướng dốc của cả hai tầng mái đều theo chiều thẳng, cứng cáp, khác với kiểu mái cong mềm mại thường thấy ở lối kiến trúc Đông Phương.

Để kịp chào mừng Đại hội La Vang 13 (1955), Linh đài Bát giác được cơ bản hoàn thành phần cấu trúc, chưa có phần mỹ thuật bên ngoài nên thoạt nhìn có vẻ như “nhà mát” trong các cung điện vua chúa. Phải nhiều tháng sau, với phần kinh phí hạn hẹp, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường mới tiếp tục thực hiện phần Mỹ thuật khiến Linh đài liền lạc hơn, đẹp đẽ hơn, tôn nghiêm hơn.

LINH ĐÀI BÁT GIÁC CHƯA HOÀN CHỈNH TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 13 (1955)

(Ảnh: Bán Ns. Tông đồ. Số 146, ngày 1-9-1955, tr.378)

Phần nội điện, chính giữa đặt bức tượng Đức Mẹ La Vang. Đây chính là bức thánh tượng đã được Đức cha Caspar cung thỉnh từ Pháp đưa về Việt Nam trong Đại hội La Vang lần 1 vào năm 1900. Trên đầu thánh tượng, bức trướng khắc bốn chữ Nôm:  (Vang La Mẹ Đức). Trên bức trướng, gần đụng mái, bức hoành lớn hình chữ nhật, với ba chữ Việt kiểu tròn ĐẾN CÙNG MẸ. Trước thánh tượng Đức Mẹ là bàn thờ.

BÊN TRONG LINH ĐÀI BÁT GIÁC VỚI THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG 1900

(Ảnh: Kính mừng Maria)

Linh mục Tiến Lãng, trong Kính mừng Maria giải thích: “Một hàng chữ lớn đập vào mắt chúng ta: ĐẾN CÙNG MẸ, và khi nhìn lên bàn thờ, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của lời mời gọi: Nhờ Mẹ Maria đưa đến Chúa Giêsu”.

Trong công việc xây đài Đức Mẹ, phải kể đến công lao đóng góp của cha sở La Vang Hữu Phêrô Trần Văn Điển, bào đệ của cha sở La Vang Chính Giuse Trần Văn Tường, cùng sự góp sức của hàng trăm giáo dân La Vang định cư, hàng ngàn khối đất đá được chuyển đến bồi cao thêm vùng trũng quanh đền Mẹ.

+ Xác định vị trí Linh đài Bát giác, nơi theo tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra

Năm 1962, để xây dựng Linh đài mới theo kiến trúc tân kỳ “Ba Cây đa nhân tạo”, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã cho triệt hạ Linh đài Bát giác, chỉ chừa lại một bàn thờ tạm và thánh tượng Đức Mẹ La Vang lộ thiên để bổn đạo đến viếng. Nhưng Linh đài Ba Cây đa nhân tạo lại không được xây dựng trên nền đài cũ, khiến mất dấu vị trí theo tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra.

Vậy nền cũ Linh đài Bát giác, đặc biệt là vị trí bàn thờ trong Linh đài Bát giác nằm ở đâu?

Có hai nguồn thông tin đáng tin cậy:

– Hồi ký của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, đã dẫn, có đoạn: “Trước đài Mẹ có một bụi trúc phía bên phải, đó chính là nơi có bàn thờ cũ, khán đài tám góc, nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra năm 1798. Cũng chính nơi ấy, ông Thoàn cùng 29 bạn đã xin được đổ máu đào mình để tuyên xin đức tin trong cơn cấm đạo của Văn Thân tháng 9 năm 1885.

Tuy nhiên, nguồn thông tin giá trị này đã trở nên vô nghĩa khi “bụi trúc” đã không còn tồn tại đến ngày nay.

BÀN THỜ LỘ THIÊN

(Ảnh chụp tại phòng khách nhà cha sở La Vang, 2001)

– Trong “Thư La Vang, 1963”, tác giả Khổng Trung Lưu đã viết: “Đài Kỷ niệm nơi Mẹ hiện ra nay thu hẹp lại thành một bàn thờ lộ thiên. Một tượng Đức Mẹ ban ơn lành trải nhiều sương gió mà khách hành hương đã theo nhau ghi vội tên mình trên tượng đá. Lùi về phía sau độ 15 thước, bạn sẽ thấymột cảnh tượng lạ mắt: Ba chân cột bê tông đang đổ, đâu lại theo hình tam giác. Đây là Ba Cây đa nhân tạo”(17).

Vậy, vị trí Linh đài Bát giác và bàn thờ, nơi theo tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra chính là lối đi rộng lát gạch, trước Linh đài Ba Cây đa nhân tạo khoảng 15 mét.

c/ Hệ thống điện(18)

“Việc thứ hai không kém phần quan trọng là ánh sáng. Ông Nguyễn Văn Tích, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị, một tân tòng, dâng cúng một máy phát điện 5kw – 220v. Máy này cung cấp ánh sáng cho đền thờ Đức Mẹ.

Tôi có sẵn một máy phát điện lớn hơn = 15kw – 110v mang từ Đồng Hới vào. Tôi đã mua lại của Bệnh viện Quân đội Pháp lúc sơ tán. Máy này còn tốt, cung cấp ánh sáng cho cả vùng Linh địa, từ trên dốc cao, nơi có một khải hoàn môn.

Tôi muốn ghi lại đây công ơn của một vị thừa sai Pháp, linh mục Oxarango, giáo sư trường Thiên Hựu:

Tôi vào Huế gặp cha Oxarango ở trường Thiên Hựu. Ngài có bằng kỹ sư điện. Tôi xin ngài ra La Vang phụ trách ánh sáng. Ngài sẵn sàng. Chiều tôi ghé đón ngài, ghé phố mua bóng đèn, dây điện. Có mấy thanh niên giúp ngài trồng cột, kéo dây. Ngài bận maillot, quần cụt. Ngài hỏi tôi dây điện nóng bắt xong còn dây điện nguội không có. Tôi nói để con liệu cho.

Tôi ra Quảng Trị xin một xe GMC (xe quân đội dùng chuyển quân hiệu GMC = Général Motor Company) chở toàn thép gai vào. Ngài trố mắt nói dây thép gai bắt sao được? Tôi nói cha cứ thử đi. Ngài thử và thấy tốt. Ngài thốt lên: C’est formidable, c’est incroyable. Tôi cười và đùa cợt ngài: Kỹ sư điện chịu thua chưa? Ngài vui vẻ đáp: Chapeau!

Máy mới 15kw dùng cho ánh sáng cả công trường, từ dốc cao, đài Đức Mẹ đến quanh vườn. Máy chạy 24 giờ liên tục không nóng. Tôi mua 10 phuy xăng, đủ xài ba ngày Đại hội.

Đức cha Thi ra chủ tọa ba ngày Đại hội, thấy khách hành hương tấp nập kéo về đông đúc ngài tỏ vẻ hài lòng”.

d/ Kế hoạch đại trùng tu đền thờ La Vang

Trước Đại hội La Vang 13 (1955), cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường, được sự đồng ý của bề trên, đã có kế hoạch trùng tu đền thờ Đức Mẹ La Vang.

Việc này, chính Đức cha Urrutia Thi, trong Đại hội La Vang 13, đã lên tiếng kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ.

Để chuẩn bị, cha sở Giuse Tường đã gởi đăng báo lời thiết tha kêu gọi giáo dân khắp nơi giúp tay vào công việc đại trùng tu nhà thờ La Vang, như sau:

“Đền thờ Đức Mẹ La Vang do cha Morineau Trung xây cất đã trên 30 năm (1924-1955), hôm nay đã bị hư hại, đổ vỡ nhiều nơi. Vậy chúng tôi trông cậy giáo dân Việt Nam trong dịp đến tham dự Đại hội sắp tới, sẽ cùng nhau mỗi người mỗi viên gạch để tái tạo nơi xứng đáng thờ kính Đức Mẹ tại nước nhà như Mẹ đã muốn và đã hiện ra tại La Vang. Những bạn vì thiếu phương tiện không thể đến La Vang được mà có lòng kính hiến xin gởi tới La Vang, những ân nhân ở Sài Gòn xin gởi cho ông Phêrô Viên, đặc phái viên báo Tông đồ, ông sẽ đăng lên báo Tông đồ để khỏi sai lầm”.

Ngoài ra, cha Giuse Tường còn gởi cuốn sổ vàng cho cha sở Mỹ Tho để nhờ ngài chuyển giao cho ông Viên để xin quý ân nhân ghi tên giúp đỡ. Việc cổ động quyên tiền này đạt kết quả rất khả quan. Các giáo dân trong ngoài địa phận đều hưởng ứng.

Trong mục Công giáo thời sự trên báo Tông đồ cũng dành phần tình cảm thống thiết cho kế hoạch này, đã mở lời kêu gọi, như sau:

“Chúng ta có một đền thờ riêng để dâng kính Đức Mẹ là tại La Vang, không thể chọn nơi nào khác nữa, vì đây có giá trị lịch sử về lòng ngoan đạo thuở đời cấm kín và nhứt là cảnh trí rừng núi rất tốt đẹp và yên lặng, nằm bên bờ biển mênh mông, đủ gợi trí lòng con người đến một cõi vô biên đầy hạnh phúc.

Tiền bạc mà Chúa đã gìn giữ cho quý bạn được còn qua những ngày giặc giã thì nên gởi vào đền thờ duy nhất của Đức Mẹ Việt Nam tại La Vang. Những bạn vì thiếu phương tiện không thể đến La Vang mà có lòng cúng hiến thì xin đến nhà ông Phêrô Viên, số 160 bis, đường Bùi Thị Xuân (Duranton cũ), Sài Gòn để gởi. Ngày ấy ông Phêrô Viên sẽ mang ra La Vang giao cho cha bổn sở. Mỗi người dâng cúng sẽ được đăng rõ trên báo Tông đồ, không phải để khoe danh mà để tránh sự mờ ám”(19).

Tuy nhiên, sau đợt vận động này “vấn đề tài chánh” vẫn chưa cho phép thực hiện cuộc đại trùng tu đền thờ Đức Mẹ La Vang. Phải đợi đến năm 1959 mới khởi công.

2. Chương trình Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 13 (1955)(20)

+ Ngày thứ tư 17-8-1955

05.30: Lễ hát. Giảng.

07.00: Thánh lễ dành cho thiếu nhi. Sau thánh lễ, nghi thức trẻ em dâng mình cho Đức Mẹ.

17.00: Kiệu Đức Mẹ. Họ La Vang và các họ phụ cận xếp đội ngũ đi kiệu. Giảng. Phép lành.

20.00: Phát thanh “Sự tích Đức Mẹ La Vang”.

+ Ngày thứ năm 18-8-1955

07.00: Thánh lễ dành cho các bà mẹ gia đình. Sau lễ, các bà mẹ dâng con cái và gia đình cho Đức Mẹ.

20.00: Kiệu Mình Thánh Chúa (Kiệu đèn). Giảng ở trạm chầu: “Đức Mẹ với Chúa Giêsu Thánh Thể”. Phép lành. Đặt Mình Thánh Chúa tại nhà chầu. Hạt Dinh Cát luân phiên chầu đến 5 giờ sáng.

+ Ngày thứ sáu 19-8-1955

01.00: Thánh lễ luân phiên trên các bàn thờ. Rước lễ.

06.00: Lễ hát do Đức cha Urrutia Thi chủ tế. Giảng.

08.00: Kiệu Đức Mẹ trọng thể. Phép lành bế mạc.

3. Tường thuật Đại hội La Vang lần thứ 13 (1955). “Đại hội kính Đức Mẹ La Vang”(21):

“Xếp đặt xong, bốn giờ khuya ngày Chúa nhật 14-8, chúng tôi xem lễ khuya tại nhà thờ Chợ Đũi, Sài Gòn, cầu nguyện cho cuộc hành trình kính viếng Đức Mẹ được xuôi thuận. Kế đó, đến trụ sở Hàng không dân sự Việt Nam, cùng với hành khách khác, xe của hãng đưa chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất.

8 giờ thiếu 5, phi cơ đáp xuống sân bay Phú Bài. Không ngờ tại đây chúng tôi được một nhân viên trong ban tổ chức Đại hội La Vang đón tiếp một cách nhã nhặn, niềm nỡ khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Xe hãng máy bay đưa về thành Huế, vì từ sân bay đến đấy lối 15 cây số. Ông bạn ấy đưa chúng tôi về hiệu buôn Thăng Long, số 54, phố Gia Long.

Hai giờ rưỡi xế qua, ông Thăng Long cho chiếc xe Vedette đến đưa chúng tôi đi La Vang. Từ Huế ra Quảng Trị đến La Vang không đầy 65 cây số. Đến nơi quá 5 giờ rưỡi chiều. Đây là đất lành, phong cảnh rừng đồi tĩnh mịch, nhưng hôm nay đã náo nhiệt vì giáo dân từ các nơi xa gần lũ lượt kéo đến.

Xuống xe, chúng tôi vào viếng Đức Mẹ để chào kính và cảm tạ ơn Người việc đi đường bình an. Ông Thăng Long còn đưa chúng tôi đến gặp cha sở La Vang, rồi ông quay xe một mình trở về Huế.

QUANG CẢNH TRƯỚC ĐỀN THỜ LA VANG TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 13 (1955)

(Ảnh: Bán Ns.Tông đồ. Số 146, ngày 1-9-1955, tr.377)

Cha sở vui vẻ, mặc dầu đang bận công việc tổ chức Đại hội, tiếp chuyện chúng tôi với một tình thân mến chân thành. Cha sở cũng xếp đặt cho chúng tôi một nơi đặc biệt và cho người chỉ dẫn, giúp đỡ trong việc quay phim kỷ niệm cuộc Đại hội này.

Trước cổng đền thờ Đức Mẹ La Vang, một khải hoàn môn được dựng lên theo kiểu cổ điển Đông Phương, thu hút muôn vạn linh hồn du khách đến đây để chiêm ngưỡng say sưa, tin tưởng vào Đức Mẹ nhân lành. Phía sau đền thờ, một vài gian nhà trưng bày lá cây hái tại địa phương, để giáo dân xa gần tiện đến nhận làm món kỷ niệm quý báu cổ truyền về lời hứa của Đức Mẹ lúc thân hiện năm 1798, và nhiều căn lều bằng bố của những đoàn thanh niên các họ đóng trại.

KHẢI HOÀN MÔNTRONG ĐẠI HỘI LA VANG 13 (1955)

(Ảnh: Bán Ns.Tông đồ. Số 146, ngày 1-9-1955, tr.381)

Đứng ở đền thờ trông ra phía ngang mặt tiền, một bàn thờ đặt tượng Đức Mẹ trong một tòa nhà trần thiết huy hoàng độ 10 thước vuông để cho đoàn giáo dân cầu nguyện. Và nơi đây các vị linh mục liên tiếp hành lễ Misa từ khuya đến sáng trong những ngày Đại hội. Gần bên, một nhà rộng lớn có đủ dụng cụ phát thanh không kém những đô thị lớn. Dựa theo hàng rào bên cổng đền thờ là gian nhà triển lãm các sách vở tài liệu về Đức Mẹ La Vang. Một văn phòng để sổ vàng có các cha và nhiều nhân viên đón tiếp những vị ân nhân đến ghi tên vào sổ vàng, làm việc cả ngày lẫn đêm.

Bên trái nhà thờ, gian nhà bán đèn và cờ để rước kiệu. Kế đấy, một văn phòng ban cứu thương. Chạy dài theo hàng rào phía trái là dãy trại bằng cây lợp tôn để cho giáo dân đụt nắng. Sau đó là chỗ rộng để cho các thứ xe đậu. Cũng phía này, gần nhà cha sở, nhà khách và văn phòng chánh của ban tổ chức.

Con đường trước nhà thờ đã sửa lại rộng rãi, sạch sẽ. Hai bên, chạy dài lối 400 thước, cả dưới nổng, thì hàng quán bày la liệt để những người dự lễ đến dùng cơm và giải khát. Có bốn máy phát điện cung cấp đèn cho chu vi đền thờ và các nẻo phụ cận.

Lại túc trực ba xe cam nhông lớn chở nước cho mọi người dự lễ dùng. Trong vườn nhà thờ rộng lớn trống trải thì giáo dân ngày đêm ra vào đông đặc, tối thì nằm trên cỏ nghỉ, nhưng cũng không đủ chỗ, số người phải nằm ngồi hai bên đường trước đền thờ.

Càng lúc càng thêm, bổn đạo các vùng kế cận tấp nập kéo đến. Có người mang theo thực phẩm, màn trời chiếu đất, ngày cũng như đêm, vẫn tươi cười, vẫn đọc kinh cầu nguyện. Trong đoàn người đông đảo đến đây đủ các tầng lớp xã hội, giàu như nghèo, đều chỉ có một tâm hồn say sưa cảm mến, mà các thứ vất vả bên ngoài dường như không ai kể đến.

Chiều ngày 16 có các cha ngồi tòa làm phúc và sau kinh tối có giảng và Phép lành Thánh Thể.

5 giờ rưỡi sáng ngày 17, khai mạc Đại hội bằng một lễ hát trọng thể. Những người xướng đoàn do máy vi âm điều khiển và nhiều kinh nhạc phổ thông giáo dân hòa theo vang dội. 7 giờ có lễ riêng cho nhi đồng. Sau đó các nhi đồng dâng mình cho Đức Mẹ với những nghi lễ rập ràng và cảm động. Và luôn cả ngày liên tiếp không lúc nào không có tiếng đọc kinh hoặc cầu nguyện của hàng vạn người giữa trời.

Hơn 4 giờ chiều, Đức Giám mục Địa phận Huế đến, và gần 6 giờ chiều cuộc kiệu Đức Mẹ khởi hành. Đường kiệu dài lối 3 cây số, đều được trần thiết cờ xí, những biểu ngữ bằngvải và nhiều nghênh đài lộng lẫy sang trọng. Số người dự kiệu hôm nay trên 20.000. Khác hẳn ở thành thị, ở đây không có người đi coi lễ mà chỉ có những kẻ đến kính viếng Đức Mẹ mà thôi. Đoàn kiệu theo con đường khi lên đồi lúc xuống nổng, ở xa trông coi đẹp như con rồng khổng lồ lượn giữa núi rừng. Lúc 8 giờ tối có phát thanh về gốc tích Đức Mẹ La Vang.

Hai ngày kế cũng như thế, nhưng số người càng thêm đông hơn. Ngày 18, có lễ riêng cho các bà mẹ gia đình. Sau lễ có nghi thức các bà mẹ dâng con, dâng gia đình cho Đức Mẹ.

Tối 8 giờ, kiệu Thánh Thể. Số người dự kiệu gấp đôi, mỗi người đều đốt đèn, đoàn kiệu như một con rồng lửa uốn khúc trên các triền đồi, vang dội những lời kinh nhạc với các giàn trống chiêng tưng bừng. Đêm này Thánh Thể được đặt trên nhà chầu và đoàn giáo dân luân phiên chầu đến 5 giờ sáng.

Ngày 19 là ngày sau hết, từ 1 giờ khuya đã dâng lễ Misa và cho bổn đạo rước lễ. Trong cũng như ngoài nhà thờ, lễ nào cũng có mấy ngàn người chịu lễ. Đúng 6 giờ, Đức Giám mục Địa phận Huế cử hành lễ nhạc trọng thể. Độ ngoài 8 giờ, kiệu Đức Mẹ trọng thể. Lần kiệu này số người không kém ngày 18 mà có phần hơn. Lại nữa, một số rất đông vì không theo đoàn kiệu được, ở lại quanh đền thờ. Không thể tả được khi muôn vạn linh hồn kết thành một bản nhạc dâng lên Đức Mẹ. Có một quyền lực khả ái liên kết tất cả các phần tử hợp lại, trôi chảy nhẹ nhàng như dòng nước yêu mến mà không ai còn thấy được cá nhân nào, chỉ còn là một nhân loại ra đi với Đức Nữ Vương.

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ LA VANG TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 13 (1955)

(Ảnh: Bán Ns.Tông đồ. Số 146, ngày 1-9-1955, tr.379)

Tiếp theo làm phép lành bế mạc.

Trong những ngày Đại hội, nhiều linh mục đã giảng về những vấn đề liên quan mật thiết giữa Đức Mẹ và thế gian, với những căn bản chắc chắn khiến mọi người cũng thêm lòng trông cậy hơn, nhứt là trong thời buổi nguy hiểm này.

Đang lúc kiệu cũng như các giờ khác, ban tổ chức đã cho ban cứu thương lưu động và những người có phận sự giữ trật tự đã khéo giúp cuộc Đại hội được bình an dưới bao nhiêu ơn che chở, phù hộ của Đức Mẹ.

Ngoài số giáo dân to tác, có ba Đức Giám mục: Đức cha Urrutia, Đức cha Lê Hữu Từ và Đức cha Phạm Ngọc Chi, trên 100 linh mục Trung Nam Bắc và ngoại quốc, một số đông tu sĩ nam nữ, có 49 họ đạo phụ cận, y phục, đội ngũ hẳn hoi. Trong số giáo dân có đủ mặt dân, quân, chánh đều đồng tâm cầu nguyện cho hòa bình thế giới và riêng cho đất nước Việt Nam. Cuộc lễ được thêm tưng bừng nhờ có hai giàn quân nhạc và trên 20 phường nhạc cổ, nào trống, phách, chập chõa, đồng la, mỗi phường đều có màu áo riêng như cẩm y vệ của triều đình ngày trước.

Trong dịp này, chúng tôi lại được gặp nhiều phóng viên báo chí của thành phố Huế. Sau khi được hiểu nhau, quý bạn này còn cho biết đã và sẽ tùy tiện ủng hộ tờ báo Tông đồ hơn nữa. Chúng tôi thành thật cám ơn trước cử chỉ quý hóa này.

Sau khi bế mạc lối 11 giờ trưa, ông Thăng Long lại đem xe đến như lời đã hứa, đưa chúng tôi trở lại Huế. Kiếu từ nơi khả ái và cha sở La Vang, chúng tôi lên đường trở về với bao cảm tình nồng hậu.

Đến Huế độ 1 giờ trưa. Cũng như chuyến đi, nơi ăn nghỉ đã được xếp đặt sẵn. Trong khi chúng tôi nghỉ trưa, ông Thăng Long lại đi lo giấy máy bay cho chúng tôi trở về Sài Gòn. Xế lại, ông cho người con gái lớn của ông đến hướng dẫn chúng tôi đi viếng các nhà thờ trong thành phố Huế và hoàng lăng của vua Tự Đức và vua Khải Định. Buổi tối, ông bà Thăng Long có nhã ý đãi chúng tôi bữa cơm thân mật đặc biệt theo lối cố đô.

Xong các thủ tục hàng không, máy bay cất cánh lúc 9 giờ 30. Lối 11 giờ rưỡi phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất.

Một lần nữa, chúng tôi hết lòng thành thật biết ơn cha sở, gia đình ông câu, quý cha trong ban tổ chức tại La Vang và ông bà Thăng Long – Huế. Xin Chúa trả công cho quý ngài được muôn vàn ân phúc”.

II. ĐẠI HỘI LA VANG 14 (1958)

1. Hành hương La Vang trước Đại hội 14 (1958)(22)

a/ Đức Khâm sứ Giuseppe Caprio kính viếng Đức Mẹ La Vang

Ngày 16-7-1956, Đức Khâm sứ Giuseppe Caprio, nhân chuyến viếng thăm Giáo phận Huế, đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Ngài chủ tế thánh lễ với sự tham dự của một vạn giáo dân.

Hai năm sau, ngày 21-8-1958, lần thứ hai vào dịp Đại hội La Vang 14, ngài đến tham dự Đại hội 14 và cử hành thánh lễ tại Linh đài Bát giác – Ngày Công giáo Tiến hành toàn quốc – trước 10.000 giáo hữu, đa phần là giới chức Công giáo Tiến hành.

b/ Hội Đạo binh Đức Mẹ Giáo phận Huế khấn dâng mình cho Đức Mẹ tại La Vang

Nhân dịp lễ Truyền Tin 1958. Hội Đạo binh Đức Mẹ Giáo phận Huế chọn ngày 23-3-1958 làm ngày lễ dâng mình cho Đức Mẹ tổ chức tại La Vang. Có 18 đoàn với khoảng 6.000 hội viên Hội Đạo binh Đức Mẹ thuộc hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị đến tham dự. Chương trình gồm hai buổi:

– Buổi sáng, lúc 9 giờ, Đức cha Urrutia Thi cử hành thánh lễ trọng thể. Giảng về“Đạo binh Đức Mẹ”.

– Buổi chiều, lúc 13 giờ, kiệu Đức Mẹ trọng thể. Sau kiệu, các quân binh Đạo binh Đức Mẹ khấn dâng mình cho Đức Mẹ. Đức cha Urrutia Thi dạy quân binh Đạo binh Đức Mẹ phải tận trung tận nghĩa với nghĩa vụ quân binh, cùng Đức Mẹ mở mang Nước Chúa.

c/ Đoàn 200 giáo lữ Giáo phận Sài Gòn hành hương La Vang

Ngày 7-4-1958, đoàn 200 giáo lữ Giáo phận Sài Gòn tập trung tại nhà thờ Thị Nghè khởi hành chuyến hành hương La Vang, do Đức Giám mục giáo phận Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền dẫn đầu.

Trước giờ xuất phát, Đức cha chủ tế thánh lễ cầu xin ơn bình an. Ngài nhắn nhủ, từ Sài Gòn ra La Vang anh chị em sẽ thấy nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước, nơi mà xưa kia máu tử đạo của cha ông chúng ta đã thấm nhuần đổ xuống. Cũng từ nơi đó hạt giống Phúc Âm đã mọc lên thành cây to bóng mát, như lời Tertulien tiên sinh: “Máu tử đạo là hạt giống gieo vãi giáo dân”.

Sau lời nhắn nhủ, Đức cha ban phép lành cho đoàn giáo lữ đang hồi hộp và sung sướng với cuộc hành hương về đất thánh La Vang.

Trên 5 chiếc xe ca lớn và 7 chiếc xe trung đều có trương biểu ngữ: “Đoàn giáo lữ Sài Gòn kính viếng Đức Mẹ La Vang”. Đức Giám mục ngồi chung xe với giáo dân, đến từng địa phương, ngài giải thích những nơi trước kia là pháp trường, nhà tù, nhà lao, những nơi giam cầm, tra tấn các Đấng Tử đạo.

Tại Huế, phái đoàn được tiếp đón nồng hậu trước khi ra La Vang kính viếng Đức Mẹ.

d/ Đoàn 80 giáo lữ Cần Thơ hành hương La Vang

Một tuần sau, ngày 13-4-1958, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Giám mục Cần Thơ, dẫn đầu phái đoàn 80 giáo lữ hành hương La Vang.

Qua ngày 14, phái đoàn đã có mặt tại Sài Gòn, nơi tập trung là Nhà Chung Giáo phận Cần Thơ, sau nhà thờ Chợ Đũi. Tại đây, Đức cha Phaolô Bình cử hành thánh lễ và giảng về “Ý nghĩa cuộc hành hương” và chầu phép lành. Giáo hữu và thân nhân lên đưa rất đông. Đức cha dặn dò giáo hữu ở nhà mỗi ngày phải lần chuỗi và chầu Mình Thánh Chúa để thông công cầu nguyện với phái đoàn.

ĐGM PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH VÀ PHÁI ĐOÀN CẦN THƠ CẦU NGUYỆN TẠI LA VANG

(Ảnh: Ns. Nguồn sống. Số 2, tháng 8-1958, tr.10)

Ngày 15 là ngày xuất phát. Dọc đường gặp phái đoàn Sài Gòn trở về. Hai bên chào nhau, thông tin cho nhau về Thánh địa La Vang.

e/ Đoàn công chức Công giáo Tiến hành tỉnh Quảng Trị tĩnh tâm tại La Vang

Trong ba ngày 24, 25 và 26-5-1958, đoàn công chức Công giáo Tiến hành tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Tam nhật tĩnh tâm tại La Vang. Đến tham dự cuộc tĩnh tâm này có nhiều linh mục quản xứ trong hạt Quảng Trị, nhiều vị trong Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành mà đa phần là các vị lãnh đạo cao cấp trong chính quyền. Đức cha Urrutia Thi đã đến thăm, giảng tĩnh tâm và chụp hình lưu niệm với đoàn.

ĐOÀN CÔNG CHỨC CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH TỈNH QUẢNG TRỊ TĨNH TÂM TẠI LA VANG

(Ảnh: Ns. Nguồn sống. Số 2, tháng 8-1958, tr.28)

f/ Đoàn giáo hữu Qui Nhơn kính viếng Đức Mẹ La Vang

Sau Tam nhật Đại hội Thánh Mẫu của Địa phận Qui Nhơn tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 30-5 đến 1-6-1958, Đại hội kéo dài bằng cuộc hành hương La Vang.

Sáng 2-6-1958, hơn 30 xe hơi lớn nhỏ cắm cờ Đức Mẹ và cờ Tòa Thánh, mỗi xe mang dòng chữ “Đoàn giáo hữu Qui Nhơn kính viếng Đức Mẹ La Vang” hoặc “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu – Cầu cho chúng tôi”. Dẫn đầu đoàn là Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, cha bề trên giáo phận, 20 linh mục và khoảng 500 giáo dân, phần đông từ Bình Định ra, trong đó có cả tân tòng và ngoại giáo.

Tại La Vang, phái đoàn tự lập chương trình. Khởi sự bằng bài giảng của cha Đỗ Minh Lý nói về “Sự tích Đức Mẹ La Vang”. Tiếp đó, thánh lễ Misa do Đức cha chủ tế. Mọi giáo lữ đều rước lễ sốt sắng. Sau lễ là giờ khấn Đức Mẹ, xin các ơn chung, ơn riêng, phần hồn, phần xác. Chiều hôm đó Đức cha bận việc phải vào trước, cha bề trên và quý cha tiếp tục hướng dẫn chương trình hành hương La Vang.

g/ Đoàn 300 giáo lữ Đà Nẵng đáp xe lửa hành hương La Vang

Đức cha Giáo phận Qui Nhơn vừa rời La Vang thì ngay chiều hôm ấy phái đoàn Đà Nẵng với 300 giáo lữ đáp xe lửa vừa ra tới La Vang, nhập với đoàn Qui Nhơn cùng tổ chức rước kiệu Đức Mẹ, làm lễ khấn chung và thay phiên chầu Đức Mẹ suốt đêm cho tới sáng.

 Hôm sau, ngày 3-6-1958, hai đoàn tham dự lễ chung rồi từ giã La Vang trở về. Trên đường về gặp bất trắc, nhưng tai qua nạn khỏi. Mọi người tạ ơn Đức Mẹ.

Sau các Giáo phận Sài Gòn, Cần Thơ, Qui Nhơn, giáo đoàn các giáo phận khác, trong đó có Giáo phận Kontum do Đức cha Seitz Kim, Giám mục giáo phận dẫn dầu đi viếng Đức Mẹ La Vang, trong đoàn có 164 giáo dân sắc tộc.

h/ Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm kính viếng Đức Mẹ La Vang

Ngày 15-8-1958, bốn ngày trước ngày khai mạc Đại hội La Vang 14, cụ Ngô Đình Diệm, Tổng thống VNCH, đã đến kính viếng Đức Mẹ La Vang. Cùng đi, có nhiều thành viên trong chính phủ, một số đông các dân biểu và sĩ quan cao cấp trong quân lực VNCH, trong đó có Đại tướng Lê Văn Tỵ. Tổng thống và phái đoàn xuống sân bay Đông Hà, từ Đông Hà đi xe hơi lên La Vang, đến nơi lúc 8 giờ 30.

Trong khung cảnh tưng bừng rộn rịp của ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, những ngày vọng lễ hướng tới Đại hội La Vang 14, trước sự chứng kiến của đông đảo giáo lữ từ bốn phương về hành hương bên Mẹ, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã xuống xe, cởi giày, đi chân đất trên con đường sỏi đá, từ cổng tam quan đến nhà thờ.

Tổng thống và phái đoàn tham dự thánh lễ do cha sở Giuse Trần Văn Tường chủ tế, sau đó dự buổi chầu Mình Thánh Chúa, rồi thân hành đến cầu nguyện tại Linh đài Bát giác, nơi theo tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra.

Tổng thống và phái đoàn tạm biệt La Vang trong cùng buổi sáng.

TỔNG THỐNG VNCH NGÔ ĐÌNH DIỆM KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG, 1958.

(Ảnh: Ns. Nguồn sống. Số 2, tháng 8-1958, tr.15)

2. Tượng Đức Mẹ Lộ Đức thánh du La Vang(23)

Nhân dịp kỷ niệm Năm Thánh Mẫu Lộ Đức, Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc gia Ý có sáng kiến tặng Hiệp hội Thánh Mẫu Việt Nam một pho tượng Đức Mẹ Lộ Đức để tôn kính trong nhà nguyện Hiệp hội Thánh Mẫu Việt Nam tại Sài Gòn.

Pho tượng có kích thước cao 80 phân, đã được Đức Thánh cha Piô XII làm phép ngày 17-6-1958 và Tổng hội Rôma đã cung tiễn thánh tượng lên đường sang Việt Nam ngày 18-6-1958.

Theo chương trình đã định, thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức sẽ tới Sài Gòn vào hạ tuần tháng 7-1958. Liên hội Thánh Mẫu Việt Nam đang chuẩn bị cuộc nghênh đón tượng Mẹ về Trung tâm Công giáo Việt Nam, sau đó sẽ tổ chức cuộc thánh du đến nhiều giáo phận để giáo hữu kính viếng.

ĐGH PIÔ XII LÀM PHÉP THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC TRƯỚC KHI GỞI QUA VIỆT NAM

(Ảnh: Ns. Việt tiến. Số 16, tháng 7-1958, tr. bìa 1)

Ngày 27-7-1958, cuộc thánh du dừng ở Giáo phận Huế. Thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức được cung nghênh ra đền thờ Đức Mẹ La Vang đúng vào dịp khai mạc Đại hội La Vang 14 (1958).

3. Chuẩn bị Đại hội La Vang 14 (1958)

a/ Ủy ban danh dự tổ chức Đại hội La Vang 14 (1958)(24)

Một Ủy ban danh dự được thành lập gồm các nhân vật đạo, đời như sau:

+ Đức cha Urrutia Thi, Giám mục Huế.

+ Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long.

+ Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm.

+ Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Sài Gòn.

+ Linh mục Phêrô Trần Hữu Tôn, Tổng đại diện Giáo phận Huế.

+ Linh mục Simon Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công giáo Tiến hành Việt Nam.

+ Ông Phạm Văn Nhu, Sài Gòn gốc Huế.

+ Ông Trần Trung Dung, Sài Gòn gốc Huế.

+ Ông Nguyễn Văn Đông, Quảng Trị.

b/ Chương trình Đại hội La Vang 14 (1958)(25)

Không tính 2 ngày vọng lễ, Đại hội La Vang 14 diễn ra trong 4 ngày: Ngày khai mạc, 2 ngày chính lễ, ngày bế mạc. Chương trình như sau:

+ Thứ ba 19-8, ngày khai mạc (dành cho Đạo binh Đức Mẹ và quý chức).

05.00: Thánh lễ – Liên tiếp đến 10 giờ 30.

07.00: Thánh lễ hát. Giảng trong thánh lễ.

08.00: Họp chung Đạo binh Đức Mẹ.

10.30: Thánh lễ riêng dành cho Đạo binh Đức Mẹ.

15.00: Họp các chức và nhấn mạnh về Công giáo Tiến hành.

19.00: Kiệu. Phép lành Mình Thánh Chúa. Phát thanh.

+ Thứ tư 20-8, ngày chính lễ (ngày dành cho gia đình).

05.00: Thánh lễ – Liên tiếp đến 10 giờ 30.

07.00: Thánh lễ hát. Giảng trong thánh lễ.

08.00: Họp chung con cái Đức Mẹ.

10.30: Thánh lễ riêng cho con cái Đức Mẹ.

15.00: Họp chung Mẹ gia đình.

19.00: Giờ thánh. Phát thanh.

+ Thứ năm 21-8, ngày chính lễ (ngày dành cho thiếu nhi và quân đội).

05.00: Thánh lễ – Liên tiếp đến 10 giờ 30.

07.00: Thánh lễ hát. Giảng trong thánh lễ.

08.00: Họp quân đội và Nghĩa binh Thánh Thể.

10.30: Thánh lễ riêng cho Nghĩa binh Thánh Thể.

15.00: Họp Hùng tâm Dũng chí.

19.00: Kiệu Mình Thánh Chúa. Phép lành. Phát thanh.

+ Thứ sáu 22-8, ngày bế mạc

Từ khuya đã có thánh lễ.

05.00: Kiệu Đức Mẹ. Thánh lễ hát do Đức Giám mục chủ tế. Giảng trong thánh lễ. Phép lành Mình Thánh Chúa. Huấn từ của Đức Giám mục.

Bế mạc.

4. Lược ghi diễn tiến Đại hội La Vang 14 (1958)(26)

Nếu tính cả hai ngày vọng lễ thì Đại hội La Vang lần thứ 14 diễn ra trong 6 ngày: 2 ngày vọng lễ (17-18/8 và 4 ngày chính lễ (19-22/8).

Ngày 17-8, ngày vọng lễ thứ nhất dành riêng cho Giới Công chức. Từ chiều 16, nhiều đoàn người đã lũ lượt đổ về La Vang chuẩn bị ngày mai tham dự ngày dành riêng cho giới mình. Các cha trong Giáo phận Huế có mặt sớm thay nhau ngồi tòa cho giáo dân xưng tội, chuẩn bị tâm hồn đến với Đức Mẹ. Lúc 3 giờ chiều 17-8 có cuộc họp và sau đó là thánh lễ dành cho Giới Công chức.

Ngày 18-8, ngày vọng lễ thứ hai, ngày dành riêng cho Công giáo Tiến hành toàn quốc. Đặc biệt trong ngày này có sự hiện diện của Đức Khâm sứ Giuseppe Capriô. Ngài chủ tế thánh lễ đại trào trước sự tham dự của hàng ngàn giáo dân hành hương, trong đó đa phần là Giới Công chức và Giới Công giáo Tiến hành. Đây là lần thứ hai Đức Khâm sứ Capriô đến La Vang. Lần đầu ngài đến, ngày 16-7-1956, nhân dịp kinh lược Giáo phận Huế. Năm ấy ngài dâng thánh lễ tại Linh đài Bát giác trước sự tham dự của khoảng 10.000 giáo dân tề tựu chào đón ngài.

Sau thánh lễ có cuộc họp mít tinh giữa các đoàn thể Công giáo Tiến hành toàn quốc. Cha Simon Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc diễn thuyết về đề tài “Tổ chức Công giáo Tiến hành”. Đại diện Công giáo Tiến hành mỗi giáo phận lên diễn đàn trình bày cảm nghĩ và nguyện vọng của đoàn mình. Thời gian còn lại trong ngày, toàn giới chia tổ để thảo luận riêng từng ngành, đồng thời dành thời gian để các đoàn thăm viếng nhau trong tình thân ái Kitô giáo, cùng nhau tham dự buổi rước kiệu và chầu giờ thánh.

Chiều ngày 18-8, giáo dân đổ về càng lúc càng đông. Các đoàn thể Đạo binh Đức Mẹ và quý chức tranh thủ đến sớm để chuẩn bị cho ngày khai mạc, cũng là ngày dành riêng cho giới mình.

Ngày thứ nhất trong Tam nhật, ngày khai mạc 19-8, ngày dành riêng cho Đạo binh Đức Mẹ và quý chức. Buổi sáng có cuộc họp chung, sau buổi họp là thánh lễ dành cho Đạo binh Đức Mẹ. Buổi chiều, thảo luận về đề tài “Công giáo Tiến hành” dành cho quý chức. Ngày khai mạc kết thúc bằng cuộc rước kiệu và Phép lành Mình Thánh Chúa.

Cũng trong buổi sáng khai mạc, cộng đoàn hành hương tham dự cuộc nghênh đón thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức thánh du La Vang. Đây là bức thánh tượng đã được ĐGH Piô XII làm phép tại Rôma, do Hiệp Hội Thánh Mẫu Quốc gia Ý có sáng kiến tặng Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc gia Việt Nam và bức thánh tượng đã có mặt ở La Vang vào đúng ngày khai mạc, 19-8-1958.

Ngày thứ hai trong Tam nhật, 20-8, ngày dành riêng cho Giới Gia đình. Buổi sáng có cuộc họp chung, tiếp đó thánh lễ dành riêng cho Giới Con cái Đức Mẹ: Thanh nữ và Hiền mẫu. Buổi chiều có cuộc họp chung, giảng về đề tài “Vai trò của người mẹ trong gia đình”.

LINH ĐÀI BÁT GIÁC ĐÃ HOÀN CHỈNH TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 14 (1958)

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

Ngày thứ ba trong Tam nhật, 21-8, ngày dành riêng cho Giới Thiếu nhi và Quân nhân Công giáo. Riêng giới Thiếu nhi, với hai đoàn thể tuy mới thành lập nhưng đang phát triển mạnh: Nghĩa binh Thánh Thể và Hùng tâm Dũng chí. Để tiện bề tổ chức, buổi sáng giảng và thánh lễ dành cho Nghĩa binh Thánh Thể do cha Gioan Baotixita Trần Hữu Quí phụ trách; buổi chiều giảng và thánh lễ dành cho Hùng tâm Dũng chí do cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ phụ trách.

Ngày 21-8, ngày cuối cùng trong Tam nhật, cũng là ngày tổng kết phong trào Công giáo Tiến hành toàn quốc, Đức cha Urrutia Thi chủ tọa buổi họp Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành toàn quốc, giảng và ban huấn từ. Đức Khâm sứ Capriô cử hành thánh lễ trọng thể, cầu nguyện và khấn dâng các tổ chức Công giáo Tiến hành cho Đức Mẹ La Vang. Cha Simon Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc giảng và ban huấn từ cho từng đoàn thể Công giáo Tiến hành các địa phương, do các cha sở hướng dẫn, đang hội họp ở La Vang.

Cũng trong dịp Đại hội La Vang lần thứ 14 này, một văn phòng liên lạc Công giáo Tiến hành được thiết lập tại La Vang, cạnh trường học, trước đền thờ, để Ban Tổ chức và Ban Tiếp tân tiện bề liên lạc với các đoàn thể và các vị quan khách. Văn phòng liên lạc do hai cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc và Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ phụ trách.

Ngày bế mạc, 22-8, từ khuya các thánh lễ được cử hành nhiều nơi: trong đền thờ, tại Linh đài Bát giác và trên các bàn thờ tạm. Do số giáo dân rước lễ quá đông nên các thánh lễ kết thúc lúc hừng đông, đúng lúc loa phát thanh loan báo sắp đặt cuộc kiệu Đức Mẹ La Vang

Cuộc kiệu diễn ra long trọng, với số người tham dự ước độ hai vạn rưỡi. Sau cuộc kiệu, Đức cha Urrutia Thi, Giám mục Giáo phận Huế, chủ tế thánh lễ hát trọng thể và Phép lành Mình Thánh Chúa rồi ban huấn từ bế mạc.

Đại hội La Vang lần thứ 14 (1958) thành công mỹ mãn. Một Đại hội được tổ chức quy mô, khoa học. Mỗi giới đều có ngày dành riêng với chương trình cầu nguyện, hội họp, thảo luận hăng hái và sốt sắng. Nhờ việc tổ chức dài ngày nên các thành viên trong gia đình có thể thay phiên nhau tham dự và tham dự theo chương trình của giới mình.

Điểm mới lạ, lần đầu tiên được áp dụng trong Đại hội La Vang là việc sử dụng đài phát thanh và loa phóng thanh vào mỗi tối trên Đài phát thanh Quảng Trị và loa phóng thanh La Vang, truyền tải những nội dung về Truyền thuyết La Vang, Lịch sử La Vang, Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang, Ơn lạ Đức Mẹ La Vang…

 Ngoài ra, Ban Tổ chức còn chu đáo sắm sẵn cờ và biểu ngữ cho các đoàn thể, ưu tiên cho các đoàn thể Công giáo Tiến hành, nhờ đó trong các cuộc lễ, mít tinh, rước kiệu đều đồng bộ, trang nghiêm, rập ràng.

Đại hội La Vang lần thứ 14 ngoài sự hiện diện của Đức Khâm sứ Capriô -cử hành thánh lễ hát trọng thể và thăm viếng các đoàn thể Công giáo Tiến hành toàn quốc – còn có sự hiện diện của Đức cha U Win, Giám mục tiên khởi Miến Điện, cùng bốn vị linh mục tháp tùng: Toupha, Su, Wong và D’Erie. Các ngài đến tham dự Đại hội La Vang nhân chuyến viếng thăm Công giáo Việt Nam từ ngày 15-8-1958. Các ngài đã viếng thăm một số nơi trước khi dừng chân tham dự Đại hội La Vang 14 trong suốt ba ngày 20, 21 và 22-8-1958.

5. Hành hương La Vang sau Đại hội La Vang 14 (1958)(27)

a/ Phái đoàn Quốc hội VNCH viếng thăm La Vang.

Ngày 1-10-1958, phái đoàn Quốc hội VNCH do hai ông Phạm Văn Nhu, Chủ tịch Quốc hội và ông Trần Văn Lắm dẫn đầu đã đến viếng thăm và kính viếng Đức Mẹ. Phái đoàn đã để lại bút tích trong sổ vàng La Vang.

b/Phái đoàn Chính phủ VNCH viếng thăm La Vang.

Ngày 8-12-1958, nhân ngày lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, một phái đoàn gồm các nhân vật cao cấp trong Chính phủ VNCH do ông Trương Vĩnh Lễ dẫn đầu đã đến La Vang. Phái đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ và nghe giảng về đề tài “Đức Mẹ Maria – Đức Mẹ La Vang”.

Vì là dịp lễ nên giáo hữu đến kính viếng Đức Mẹ rất đông. Trong nhà thờ, trên Linh đài Bát giác đều có các cha luân phiên dâng lễ. Cha sở La Vang cho biết trong Năm Thánh Mẫu 1958, khách hành hương La Vang lên đến 600.000 người, trong đó có cả khách nước ngoài.

c/ Thánh lễ truyền chức linh mục tại La Vang

Sáng ngày 24-1-1959, giáo hữu Huế và Quảng Trị tấp nập đổ về La Vang như một ngày hội. Ai nấy đều cố nhanh chân hòng có một chỗ trong nhà thờ để sốt sắng tham dự thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy phó tế Philipphê Trần Văn Hoài, người An Ninh.

Để đảm bảo trật tự cho buổi lễ, lúc Đức cha Urrutia Thi cùng 70 linh mục bước lên bàn thánh thì các cửa nhà thờ đều đóng lại. Hàng ngàn giáo hữu chậm chân đành đứng ngoài sân, hướng về cung thánh thông công cầu nguyện cho vị tân linh mục.

Trong dịp lễ truyền chức linh mục này còn có hai thầy lãnh phép cắt tóc, bốn thầy lãnh chức hai.

Trong bữa tiệc do gia đình tân linh mục chiêu đãi, cha Philipphê Trần Văn Hoài (sau là Đức ông Hoài làm việc ở giáo triều Rôma, mất năm 2010) cảm động cám ơn Đức cha, quý cha trong ngoài giáo phận, cám ơn gia đình, thân nhân, ân nhân và tất cả giáo dân, xin mọi người tiếp tục cầu nguyện. Đọc chúc từ, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường nhắc lại quãng đường của vị tân linh mục đã trải qua và cầu xin ơn lành cho vị tân linh mục trong những ngày mới, trong thiên chức mới.

d/ Ngày cấm phòng huấn luyện huynh trưởng Tông đồ

Ngày 18-1-1959, tại La Vang có cuộc cấm phòng cho các cấp huynh trưởng Tông đồ của Hội Cầu nguyện hạt Dinh Cát. Các linh mục phụ trách ngành cầu nguyện đã kêu gọi tất cả địa sở trong hạt cử những đại biểu xứng đáng đến tham dự ngày cấm phòng và huấn luyện này.

e/ Kiệu Minh niên Kỷ Hợi 1959

Chương trình:

Chiều mồng bốn tết Kỷ Hợi – Thứ tư 11-2-1959.

19.00: Các cha ngồi tòa. Lần hột chung tại Linh đài Đức Mẹ. Giảng. Phép lành Mình Thánh Chúa.

Sáng mồng năm tết Kỷ Hợi – Thứ năm 12-2-1959.

05.30: Lễ hát.

07.00: Kiệu Đức Mẹ. Giảng. Thánh lễ do Đức cha Urrutia Thi chủ tế. Phép lành Mình Thánh Chúa.

Bế mạc.

Cũng như các kỳ Đại hội, kiệu Minh niên trước, để hỗ trợ việc đi lại của giáo dân, Cơ quan Hỏa xa Trung Phần ra thông báo vé xe lửa khứ hồi La Vang sẽ giảm giá 50%. Đặc biệt sáng mồng năm tết Kỷ Hợi sẽ có chuyến xe lửa tăng cường khởi hành từ Huế lúc 4 giờ 30 đến gare La Vang lúc 6 giờ 30, và trở về Huế sau trưa.

Hết Chương 12.

—————————————————————-

(1) Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế. Lưu hành nội bộ. Tập II. 2000, tr.257-262 + Tư liệu Tòa TGM Huế.

(15) Hồi ký chép tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế, ngày 5-8-1993. Tài liệu của Lê Thiện Sĩ.

(16)Hồi ký chép tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế, ngày 5-8-1993. Tài liệu của Lê Thiện Sĩ.

(17) Khổng Trung Lưu: Thư La Vang, 1963. Ns. Đức M La Vang. Số 12. Bộ II, tháng 8-1963, tr.51-52.

(18)Hồi ký chép tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế, ngày 5-8-1993. Tài liệu của Lê Thiện Sĩ.

(19) Bán Ns.Tông đồ. Số 144, ngày 15-9-1955, tr.334.

(20) Ns.Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 75, tháng 8-1955, tr.253.

(21) Phêrô Viên: Đại hội kính Đức Mẹ La Vang. Bán Ns.Tông đồ. Số 146, ngày 1-9-1955, tr.377-381.

(22) Ns. Việt tiến. Số 14, tháng 5-1958, tr. 27-29 + Số 15, tháng 7-1958, tr.30 + Số 16, tháng 5-1958, tr.8-16 + Ns. Nguồn sống. Số 2, tháng 8-1958, tr.28. + Bán Ns. Tông đồ. Số 217, ngày 1-10-1958, tr.411 + Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 112, tháng 9-1958, tr.304 + Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 8, tháng 4-1962, tr.2.

(23) Ns.Việt tiến. Số 16, tháng 7-1958, tr.8.

(24) Ns. Việt tiến. Số 14, tháng 5-1958, tr.28.

(25) Ns. Nguồn sống. Số 1, ngày 15-7-1958, tr.36.

(26) Tổng hợp từ các nguồn đã dẫn ở chú thích (22) + Bán Ns. Tông đồ. Số 215, ngày 1-9-1958, tr.363.

(27)Lm. Sta. Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.149 + Ns. Nguồn sống. Số 8, ngày 15-2-1959, tr.35-37.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 12 – Phần II về máy tính