Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 13 – Phần I

24/11/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG MƯỜI BA

THÁNH ĐỊA LA VANG TRONG NĂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC

A. ĐỨC HỒNG Y ĐẶC SỨ AGAGIANIAN KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG

I. NĂM THÁNH MẪU VIỆT NAM – ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC

1. Nguồn gốc Năm Thánh Mẫu Việt Nam – Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc(1)

Năm 1958, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục giáo phận Sài Gòn, nhân kỷ niệm 300 năm (1659-1959) thành lập hai giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài với Đức cha tiên khởi François Pallu, Đàng Trong với Đức cha tiên khởi Lambert de la Motte, đồng thời kỷ niệm 100 năm (1858-1958) Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, đã đề xuất việc tổ chức Năm Thánh Mẫu – Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, được Hội đồng Giám mục Miền Nam đồng thuận vào tháng 6-1958 và được Tòa Thánh chuẩn y. Nhưng bất ngờ, tháng 8-1958, Đức Thánh cha Piô XII qua đời, phải đợi lệnh Đức tân Giáo hoàng.. Tháng 11-1958, Đức Khâm sứ Giuseppe Capriô đem tin mừng về Việt Nam: Đức tân Giáo hoàng Gioan XXIII ban phép và khuyến khích mở Đại hội Thánh Mẫu tại Việt Nam, đồng thời cử Đức Hồng y Quyền Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo Grêgôriô Phêrô Agagianian đến chủ tọa Đại hội.

Đại hội Thánh Mẫu được cử hành trọng thể trong ba ngày 16, 17 và 18-2-1959 tại Sài Gòn.

ĐỨC HỒNG Y G.P. AGAGIANIAN

2. Thông báo của Hội đồng Giám mục Miền Nam gởi toàn thể giáo sĩ và giáo dân về Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc (2):

Quý cha đáng kính,

Quý anh chị em thân mến,

“Nhân dịp Năm Thánh Mẫu, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, để biểu dương lòng tin tưởng của toàn thể Hội Thánh ở Việt Nam đối với Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, các Đức Giám mục Việt Nam trong phiên họp tháng 6 vừa qua đã đồng ý tổ chức một Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc vào cuối Năm Thánh Mẫu.

Được Tòa Thánh khuyến khích, Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc sẽ được cử hành tại thủ đô Sài Gòn vào các ngày 16, 17 và 18-2-1959 dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng y Agagianian, Quyền Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, đại diện Đức Thánh cha Gioan XXIII.

Đây là lần đầu tiên một Đại hội được tổ chức tại Việt Nam với tính cách toàn quốc. Chúng tôi kêu gọi lòng sốt sắng của quý cha và toàn thể anh chị em để Đại hội được trăm phần tốt đẹp và thu lượm được nhiều kết quả thiêng liêng… Tất cả lời cầu nguyện, nghi lễ, giảng thuyết, học tập phải hướng về các mục tiêu Đại hội. Các mục tiêu này đã được Đức cố Giáo hoàng Piô XII xác định trong bức thư đề ngày 1-11-1957, thiết lập Năm Thánh Mẫu:

a/ Cầu xin Đức Mẹ đem các người còn ở ngoài Hội Thánh về với Chúa và Chân Lý.

b/ Cầu cho người tội lỗi được ơn trở về với Chúa.

c/ Cầu cho thế giới được hòa bình.

d/ Cầu cho Hội Thánh được tự do…

Năm nay chúng ta cũng mừng kỷ niệm ba trăm năm Tòa Thánh tôn phong hai vị Giám mục tiên kkởi ở Việt Nam. Nhờ việc chọn các Giám mục này mà việc tuyển chọn, đào tạo giáo sĩ bổn quốc được xúc tiến, việc truyền giáo trong những thời kỳ cấm cách dữ dội khỏi bị ngưng trệ như ở nhiều nước và ngày nay có được một số linh mục khả quan, liệt ta vào hàng nhất trong các xứ thuộc Bộ Truyền giáo.

Trong công cuộc truyền giáo ở quê hương chúng ta, Đức Mẹ giữ một vai trò trọng yếu. Chúng tôi mong muốn rằng Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc này là một dịp để cảm ơn Đức Mẹ vì những ơn Đức Mẹ đã ban xuống cho Hội Thánh ở Việt Nam”.

3. Chương trình Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc (3):

+ Chúa nhật 15-2-1959

– Đức Hồng y Đặc sứ đến.

– Đón tiếp tại phi trường.

– Tiếp đón theo nghi thức Hội Thánh tại nhà thờ Chính tòa Sài Gòn.

– Diễn văn của Đức Giám mục Sài Gòn.

– Đáp từ của Đức Hồng y Đặc sứ.

– Khánh thành tượng Đức Mẹ Hòa Bình tại công trường trước nhà thờ Chánh tòa. Tượng cao 4,60m.

+ Ngày thứ hai 16-2-1959

– 05.00 – 07.00: Thánh lễ riêng cho 12 giới ở các địa điểm. Mỗi giới sẽ có một Đức Giám mục chủ tọa buổi họp riêng của giới mình.

– 09.00: Tại nhà thờ Chính tòa, Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục chủ tế thánh lễ trọng thể. Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi giảng.

– 15.00: Học hội dưới sự chủ tọa của Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ. Đề tài: “Giáo hữu Việt Nam có tôn kính Đức Mẹ không?” Địa điểm: Phòng khánh tiết các bà dòng Thánh Phaolô.

– 20.00: Tại nhà thờ Chính tòa. Giờ thánh dưới sự chủ tọa của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình. Chủ đề: “Cầu cho Hội Thánh thầm lặng”.

+ Ngày thứ ba 17-2-1959

Chủ đề: “Đức Mẹ với công cuộc truyền giáo”.

– 05.30: Thánh lễ mừng cho 12 giới ở các địa điểm. Mỗi giới sẽ có một Đức Giám mục chủ tọa buổi họp riêng của giới mình.

– 09.00: Tại nhà thờ Chính tòa. Đức cha Urrutia Thi chủ tế thánh lễ trọng thể. Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình giảng.

– 15.00: Học hội dưới sự chủ tọa của Đức cha Giuse Trương Cao Đại. Đề tài: “Giáo hữu Việt Nam tôn kính Đức Mẹ bằng cách nào?” Địa điểm: Phòng khánh tiết các bà dòng Thánh Phaolô.

– 20.00: Tại nhà thờ Chính tòa. Giờ thánh dưới sự chủ tọa của Đức cha Giuse Trương Cao Đại. Chủ đề: “Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo và cho nước Việt Nam”.

+ Ngày thứ tư 18-2-1959

Chủ đề: “Kỷ niệm 300 năm thiết lập hai Tòa Giám mục đầu tiên tại Việt Nam”.

– 06.30: Thánh lễ trọng thể do Đức Hồng y Đặc sứ Tòa Thánh tại nghinh đài. Đức Hồng y giảng.

– 09.00: Họp chung đại diện các đoàn thể Công giáo Tiến hành.

– 18.00: Rước kiệu Đức Mẹ.

– 20.00: Bài giảng truyền thanh và phép lành của Đức Thánh cha.

– Phép lành Mình Thánh Chúa.

– Te Deum. Bế mạc.

4. Đức Hồng y Đặc sứ Agagianian chủ tọa Tam nhật Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc (4)

+ Ngày thứ hai 16-2-1959

– 07.30: Nghinh đón Đức Hồng y Đặc sứ và phái đoàn Tòa Thánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

– 10.00: Phái đoàn chính phủ VNCH gồm Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao tiếp kiến Đức Hồng y Đặc sứ tại dinh Độc Lập.

– 16.00: Tại nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, các Đức Giám mục, đứng đầu là Đức Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền hướng dẫn đoàn rước Đức Hồng y và phái đoàn tiến vào nhà thờ Chính tòa Sài Gòn.

Một vị trong phái đoàn Tòa Thánh đứng lên đọc văn kiện Tòa Thánh cử Đức Hồng y Agagianian làm Đặc sứ chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu Việt Nam.

ĐÓN TIẾP ĐHY ĐẶC SỨ TẠI SÀI GÒN

(Ảnh: Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, th.4-1959, bìa 1)

Tiếp đó, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền thay mặt Hội đồng Giám mục Miền Nam và cộng đoàn Dân Chúa tiến lên hôn nhẫn Đức Hồng y và đọc một bài chúc từ nghinh đón.

Giây phút long trọng nhất, Đức Hồng y Đặc sứ đứng lên, bước ra trước máy vi âm đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp ngỏ lời với toàn thể nhân dân và Giáo hội Việt Nam. Lược trích(5):

“Thưa quý Chư huynh trong hàng Giám mục và linh mục, các anh chị em thân mến.

Tôi và phái đoàn đại diện Đức Thánh cha rất lấy làm cảm động về sự tiếp đón vô cùng nồng nhiệt mà anh chị em cùng với các nhà cầm quyền trong chính giới và Giáo hội đã dành cho tôi sáng nay khi tôi vừa bước chân tới thủ đô Việt Nam yêu mến, và trong giờ phút long trọng này mà tôi chính thức khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc Việt Nam.

Trong bức thư gởi các Giám mục tại Việt Nam, Đức Thánh cha đã phán rằng: ‘Đức tin của chúng con từng nhuốm máu các thánh Tử đạo, chính là một bảo vật mà Chúa đã ban cho chúng con qua sự trung gian của Đức Mẹ Vô Nhiễm’.

Anh chị em thân mến,

Tôi rất hân hoan đem đến cho anh chị em lời nhắn nhủ và phép lành của Đức Thánh cha, bởi vì trong khi anh chị em biểu dương đức tin bằng việc tưởng nhớ đến các vị Giám mục đầu tiên được Tòa Thánh cử đến trông coi Giáo hội trên đất nước Việt Nam yêu quý. Anh chị em đã muốn hòa hợp đức tin của anh chị em với lòng sùng kính Đức Mẹ và lòng kính mến Đức Thánh cha, vị kế nghiệp thánh Phêrô Tông đồ Cả muôn đời bất diệt tại Tòa Thánh La Mã.

(…)

Trong ba ngày Đại hội, chúng ta sẽ cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới và đặc biệt cho nước Việt Nam thân yêu. Tôi cầu chúc cho Giáo hội Việt Nam, với tất cả lòng sùng kính cổ truyền đối với Đức Mẹ Vô Nhiễm, lòng kính mến đốivới Đức Thánh cha và lòng trung thành với tín ngưỡng theo gương các Đấng Tử đạo, sẽ có đủ tiềm lực phi thường để ngày càng thêm phát triển, chiếu giải ánh sáng đức tin khắp mọi nơi và phổ biến lòng bác ái vô biên phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Giêsu”…

– 18.00: Đức Hồng y làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

– 20.00: Tổng thống đãi tiệc tại Dinh Độc Lập.

+ Ngày thứ ba 17-2-1959

– 07.00: Đức Hồng y cử hành thánh lễ dành riêng cho hàng giáo sĩ tại khuôn viên Đại Chủng viện Sài Gòn. Có 6 vị Giám mục, hơn 1.000 linh mục, tu sĩ tham dự.

– 09.00: Thăm trường Tabert Sài Gòn.

– 10.00: Thăm dòng MTG Chợ Quán.

– 10.30: Thăm trường Nguyễn Bá Tòng.

– 11.00: Thăm Thanh Quan lưu xá.

– 16.00: Thăm Cô Nhi viện Gò Vấp và Trung tâm Don Bosco.

– 17.00: Thăm Cư xá Marie Paul.

– 20.00: Giáo dân Việt Nam đãi tiệc tại trường Tabert.

+ Ngày thứ tư 18-2-1959

– 06.30: Đức Hồng y Đặc sứ chủ tế thánh lễ trọng thể tại nghinh đài.

– 10.30: Thăm giáo xứ Phanxicô Xaviê Chợ Lớn.

– 11.00: Thăm nhà Dưỡng lão Phú Mỹ, Thị Nghè.

– 16.00: Rước kiệu thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức.

Phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể.

Hát Te Deum – Tạ ơn. Bế mạc.

II. BẾ MẠC ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC – ĐỨC HỒNG Y ĐẶC SỨ ĐI THĂM GIÁO PHẬN HUẾ VÀ KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG

Ngày 19-2-1959, sau khi cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Saint Paul, Đức Hồng y Đặc sứ khởi sự chuyến viếng thăm các tỉnh Cao nguyên và miền Trung. Điểm cuối cùng, ngài đến thăm Giáo phận Huế và kính viếng Đức Mẹ La Vang.

1. Đức Hồng y Đặc sứ Tại Huế(6)

“Ngày 20-2-1959, máy bay chở Đức Hồng y Đặc sứ hạ cánh tại phi trường Phú Bài đúng 4 giờ 50 chiều. Một hàng rào danh dự của quân đội VNCH sẵn sàng túc trực đón ngài và quý vị Giám mục. Đức cha Địa phận Huế giới thiệu với vị Đặc sứ Tòa Thánh các nhân vật dân, quân, chính ở Huế. Đức Hồng y niềm nở đón tiếp mọi người. Ngài đi vòng quanh sân bay ban phúc lành cho giáo hữu đông nghìn nghịt mà hàng ngũ vẫn chỉnh tề. Mọi người hoan hôĐức Hồng y Đặc sứ nhiệt liệt. Ngài lên xe về Huế giữa tiếng reo mừng náo động cả bầu không khí tại sân bay mà bình thường không có bóng một người.

ĐÓN TIẾP ĐHY ĐẶC SỨ TẠI HUẾ – ẢNH 1

(Ns. Nguồn sống. Số 9, ngày 15-3-1959, bìa 1)

Đến thành phố Huế, vị Đại diện cao cả nhất của Đức Giáo hoàng đứng trên xe không mui ban phép lành cho giáo hữu đứng san sát suốt hai bên lề đường từ An Cựu đến Phủ Cam. Ánh đèn trong thành phố đã bật lên. Muôn ánh điện lập lòe trên các cổng chào vĩ đại. Tiếng hoan hô vang dậy, cờ bay ngộp cả đường đi, người càng đông và biểu ngữ càng dày trên con đường Nguyễn Trường Tộ. Đức Hồng y ghé lại dinh Giám mục mấy phút đồng hồ, bận y phục đỏ lên xe tiến đến nhà thờ Phủ Cam. Chuông đổ vang trời, tiếng pháo nổ, tiếng hoan hô, tất cả đón chào Đức Hồng y Khâm sai với mọi rung cảm dạt dào.

Đức Hồng y Đặc sứ ban phép lành và tiến vào nhà thờ quỳ cầu nguyện một giây lát. Ngài trở ra ngồi trên ngai lộng lẫy giữa 25 vị Giám mục và các vị Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội, Ngoại giao đoàn…

Đức cha Địa phận Huế đọc chúc từ đón mừng vị Đặc sứ Tòa Thánh. Lời lẽ hùng hồn, ngài vạch rõ những giai đoạn vẻ vang của lịch sử địa phận nhà và bày tỏ niềm tin tưởng vô biên của con cái Việt Nam nơi đây với Đức Thánh cha.

Tiếp theo bài diễn văn của Đức Giám mục Huế, một vị đại diện giáo dân đã trình bày vớiĐức Hồng y Đặc sứ lòng ngưỡng mộ của giáo hữu Huế đối với Tòa Thánh Vatican qua bao nhiêu cơn bách hại vẫn không sờn.

Đức Hồng y đáp từ rất hùng hồn mà cũng rất giản dị. Bóng đèn pha rọi vào dáng điệu ngài đã làm nổi bật một hình ảnh uy nghi và đẹp đẽ của người cha hiền từ. Đại ý của ngài là cám ơn sự tiếp đón rất nồng hậu dành riêng cho vị Đặc sứ của Đức Giáo hoàng. Ngài nói lên cho tất cả thấy rõ Giáo hội của Chúa đã trưởng thành qua các cuộc thử thách bắt bớ, và những sự khổ đau dồn dập này. Giáo hội vẫn là Người Mẹ của bác ái, của yêu thương ban bố cho mọi người. Ngài ca ngợi Huế là đất lành, sau khi nhuốm hồng máu Tử đạo đã sinh ra không biết bao nhiêu anh tài đạo, đời.

Tiếp đến, Đức Hồng y rất ân cần ban phép lành Tòa Thánh cho giáo sĩ, giáo dân Huế và ra về giữa tiếng reo vang, pháo nổ, chuông rung và lòng con cái dạt dào yêu thương kính mến”.

ĐÓN TIẾP ĐHY ĐẶC SỨ TẠI HUẾ – ẢNH 2

(Ns.Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.133)

Sau nghi thức tiếp đón, Đức Hồng y Đặc sứ đến thăm cụ cố thân mẫu của Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục. Tiếp đó ngài ra thăm trường Đại học Huế rồi ra Tòa Đại biểu dự tiệc chiêu đãi theo lời mời của ông Đại biểu Trung Nguyên Trung Phần.

2. Đức Hồng y Đặc sứ Tại La Vang(7)

“Ngày 21-2-1959, lúc 6 giờ 30, đoàn xe kết đuôi dài hơn một cây số hướng về phía Bắc, Đức Hồng y và đoàn tùy tùng ra viếng đền Đức Mẹ La Vang, điểm chót và quan trọng nhất trong cuộc hành trình của vị Hồng y Đặc sứ.

Trời mưa rả rích, đoàn xe tiến trờ trờ qua các cổng chào và các biểu ngữ. Đến Phò Trạch, ranh giới Thừa Thiên – Quảng Trị, địa điểm các bổn đạo chầu nhưng (tân tòng) tiếp đón Đức Hồng y, cả một rừng cờ và biểu ngữ phất phơ dưới làn mưa rào rạt. Người ta từ nhiều thôn xa xăm họp đến, sau khi đã đi bộ suốt đêm để đến xem nét mặt dịu hiền của người cha đáng mến. Tại đây, người ta cũng nhận ra sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Đông, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị có mặt trong đoàn đón Đức Hồng y. Một vị đại diện nhân dân đọc diễn từ chào mừng Đức Hồng y Đặc sứ. Ngài nhận hoa và album kỷ niệm từ tay các trẻ em đơn sơ dâng kính và ban lời ủy lạo đàn chiên mới vào ràn.

Đoàn xe lại tiến ra Quảng Trị vào lúc 8 giờ. Mưa càng nặng hột, nhưng đồi La Vang đã hiện ra một biển người đương nô nức đón mừng vị Đặc sứ cao cả của Tòa Thánh. Con số tiếp đón tại đây có lẽ lên đến 15, 20 vạn người. Linh mục, giáo hữu, chính quyền, quân đội đều hoan hô Đức Hồng y vang lên cả một góc rừng.

Nhận thấy lòng nao nức của dân chúng, vị Đặc sứ cho tiếp kiến mọi người ngay giữa cơn mưa tầm tã. Ngài nói:

CỔNG CHÀO ĐÓN TIẾP ĐHY ĐẶC SỨ

(Ảnh: Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.135)

– ‘Các con thân yêu, cha cầu mong ơn thánh sủng và ơn lành của Chúa đổ xuống trên các con như những giọt mưa đang rơi xuống La Vang trong lúc này’.

Ngài cảm ơn tất cả đã không ngại đường xa, không quản mưa gió đến đón ngài. Ngài ban phúc lành tràn đầy cho mọi người, mỗi gia đình, mỗi làng họ, cả địa phận, cả dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Mọi người hớn hở hoan hô và sau đó một số đành ra về vì không thể chen lọt vào nhà thờ xem lễ do Đức Hồng y chủ tế. Vị Đặc sứ Khâm sai làm lễ dưới bóng từ bi của Thánh Mẫu Việt Nam, và chắc chắn dưới mắt dịu hiền của Đức Mẹ vị Đặc sứ của Đức Thánh cha đã kêu xin Đức Mẹ luôn luôn đoái xem đàn con của Người đang hiện diện ở đất thánh La Vang.

Thánh lễ Misa xong, Đức Hồng y ký vào cuốn sổ vàng của nhà thờ Đức Mẹ La Vang và ghi mấy dòng bằng La ngữ (bản dịch trong Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số đã dẫn):

‘Tôi cung kính quỳ trước đền thờ này, dưới chân Đức Mẹ, với một niềm hiếu thảo, một dạ tôn sùng và một lòng tin bất diệt, để khẩn cầu Đức Mẹ xuống hằng hà, như những hạt mưa từ trời rơi xuống cho nước Việt Nam và Giáo hội Việt Nam, tất cả những ơn lành để duy trì hòa bình và thịnh vượng cho xứ sở và Giáo hội Việt Nam, và như thế là làm sáng tỏ sự vinh quang của Chúa Kitô Vua, sự huy hoàng rực rỡ của Đức Mẹ để cứu rỗi các linh hồn và để cho hết thảy trở nên một đoàn chiên dưới quyền một chủ chiên’.

Đức Hồng y và 80 vị tùy tùng vào nhà cơm La Vang dự tiệc do Đức Giám mục Địa phận Huế khoản đãi. Trong bữa tiệc này người ta nhận thấy có sự hiện diện của quý vị Giám mục trong nước và ngoại quốc, ông Chủ tịch Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Đại biểu Chính phủ, ông Trung tướng Tư lệnh Đệ nhị Quân khu và quý vị Tỉnh trưởng, các đơn vị trưởng, các sĩ quan cận vệ, các Đức ông và các Linh mục Bề trên và phái đoàn báo chí.

Đức Hồng y đã ghi vào sổ vàng của đền thờ La Vang nỗi hân hoan được đến kính viếng Đức Mẹ và cử hành thánh lễ nơi đây. Mỗi vị khách đều được biếu tặng một cuốn sách Đức Mẹ La Vang và những bức hình đẹp đẽ được sưu tập từ trước tới giờ.

Sau bữa tiệc, đoàn xe chắp nối nhau ra đến phi trường Đông Hà. Hai chiếc phi cơ của chính phủ đã sẵn sàng đón rước người cha thân yêu của Việt Nam và của riêng Địa phận Huế. Trước khi từ giã, Đức Hồng y cám ơn từng người một đã đón tiếp ngài và không quên ban phép lành cho tất cả”.

ĐHY ĐẶC SỨ TẠI ĐỀN THỜ LA VANG

(Ảnh: Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.136)

—————————————————–

(1) Lm. Phêrô Phan Phát Huồn: Việt Nam giáo sử. Q. II, tr.573 + Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, tháng 5-1964, tr.38.

(2) Ns. Việt tiến (Số đặc biệt Giáng Sinh). Số 22, tháng 1-1959, tr.4-5.

(3) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 116, tháng 1-1959, tr.25.

(4)Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.114-116.

(5) Bản dịch trong Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.118-119.

(6)Ns.Nguồn sống. Số 9, ngày 15-3-1959, tr.43-44.

(7) Tổng hợp, trích nguyên văn từ: Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 6-1959, tr.134-135 + Ns. Nguồn sống. Số 9, ngày 15-3-1959, tr.43-44.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 13 – Phần I về máy tính