TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 2
CHƯƠNG TÁM
THÁNH ĐỊA LA VANG
THỜI ĐỨC GIÁM MỤC ALLYS LÝ
(Tiếp theo)
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG THEO ĐỊNH LỆ MỚI:
“TAM NHẬT ĐẠI HỘI”
…
II. ĐẠI HỘI LA VANG 7 (1919)
Mặc dù chưa đúng định kỳ 3 năm, Đại hội La Vang lần thứ 7 vẫn được tổ chức vào năm 1919. Đó là năm đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) vừa kết thúc, hòa bình thế giới được vãn hồi, nước Pháp nằm trong liên minh thắng trận, Việt Nam thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do chiến tranh gây nên… Đại hội La Vang lần thứ 7 được tổ chức sớm một năm như là dịp tạ ơn Đức Mẹ.
Vả lại, nói là sớm một năm nhưng thực tế, do Đại hội 6 được tổ chức trễ – 1917 thay vì 1916 – nên Đại hội 7 được tổ chức vào năm 1919 vẫn đúng định lệ 3 năm một lần.
1. Hành hương La Vang trước Đại hội La Vang lần thứ 7 (1919)
a/ “Đi kiệu ảnh Đức Mẹ ngày tết tại La Vang”(9):
“Tôi thường nghe năm nào đến ngày tết tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang cũng có kiệu trọng thể. Các bổn đạo tứ xứ bỏ ăn tết tại nhà một bữa đặng đến nhà thờ Đức Mẹ mà kêu xin mọi ơn thiếu thốn.
Năm nay tôi nhất định đi một phen, trước là viếng Đức Mẹ cùng mừng tuổi Đức Mẹ năm mới, sau cũng mua vui cùng các bổn đạo tại đó. Mà thật, đến tại La Vang thấy đặng nhiều ích và đặng động lòng về nhiều điều, lại cũng là thiệt vui về sự vang hiển Đức Mẹ bề ngoài.
Năm nay cha sở Quảng Trị định kiệu ảnh Đức Mẹ ngày mồng năm tết, nhằm ngày giữa tuần cho các cha dễ bề tới đó. Vậy tôi ra đi là mồng ba, thiệt là thảm, trời lạnh tím gan, mưa gió quá chừng, thường ngày tết ở Huế mưa bấc lạnh lắm. Tôi tưởng năm nay trời ướt át mà hỏng kiệu, dầu vậy trong lòng trông cậy bữa ấy mưa gió sẽ tan nên ra đi.
Tới Huế, đợi xe ra Quảng Trị. Mà thật may, ngày mồng năm trời không mưa, có hơi lạnh mà thôi. Lên xe, thấy người ở Huế đi La Vang cũng đông, có mấy cô ở Sài Gòn cùng đi một xe, hỏi ai ai đều nói đi kiệu La Vang. Lại có một quan An Nam đeo nhiều mày đay là ông Lê Bá Cử, Hồng lô tự khanh là người có đạo. Tôi ngó bộ ngài chăm chỉ sốt sắng, tôi bèn hỏi: Ông cũng đi La Vang phải chăng? Ông trả lời: Phải, tôi đi La Vang để tạ ơn trả lễ Đức Mẹ, vì tôi có lời khấn hứa. Tôi nghe bấy nhiêu lời trong lòng phát vui lên hỏi nữa: Xin vô phép, quan lớn đặng ơn gì xin ngài nói cho tôi nghe với. Ổng tỏ mặt vui vẻ mà rằng: Năm ngoái tôi đau một trận gần chết, nằm Nhà thương Chợ Lớn – Sài Gòn, các cha đã đến lo việc phần hồn cho tôi, các thầy thuốc chẩn đoán tôi phải chết, họ chỉ cho thuốc cầu may mà thôi. Ông Phán Toán, ông Phán Đắc là bạn hữu tôi ở Sài Gòn đều biết tôi đau khốn nạn và quyết tôi phải chết. Tôi khấn vái với Đức Mẹ La Vang cho tôi lành, khi nào tôi trở về Huế tôi phải đi trả lễ. Vậy nay nghe có kiệu, luôn dịp tôi đi La Vang tạ ơn Đức Mẹ. Tôi nghe vậy lấy làm mừng cho ổng và ngợi khen Đức Mẹ.
Ấy là chuyện nghe khi đi đàng cũng hữu ích.
Xe lửa chạy sớm lắm. Buổi mai thanh tịnh nên cũng là giờ đọc kinh nguyện gẫm dễ quá. Tôi vừa đọc kinh vừa nhìn, thấy đã đến Nhà giấy Quảng Trị, mà trước cách hai dặm tới Nhà giấy thấy ngộ lắm: Các ngã đàng trong các làng xung quanh Quảng Trị đều thấy có thiên hạ trực thẳng lên La Vang.
Xe đến Quảng Trị lối 7 giờ mai mà đã thấy đờn ông đờn bà, con nít, ông già bà cả, trai tráng gì đã đến chật các đàng, nên khi xe vừa đến thì đã thấy cha sở Quảng Trị và bổn đạo đợi bộ hành ở Huế ra. Tôi xuống xe lửa thuê xe tay trực thẳng với thiên hạ tới La Vang lối 8 giờ rưỡi. Tới nơi, thấy thiên hạ đợi đó cũng đông lắm. Ai nấy vào nhà thờ xem lễ, song bởi kiệu kỳ tết mỗi năm không có che rạp cho thiên hạ đỡ nắng mưa như khi kiệu Đại hội ba năm một lần, mà nhà thờ chật cứng nên ai nấy phải đứng giữa trời, có may đến trước thì đứng xung quanh vách, ngó xa xa qua các cửa sổ nhà thờ mà chầu lễ.
Đúng giờ làm lễ, có cha Đông (Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông) đứng chánh tế làm lễ hát cầu bình yên minh niên. Đến lúc hát Êvang xong có cha thông văn tự quý danh Cử (Tađêô Đỗ Văn Cử), râu ria phương phi giống quan An Nam ở triều, giảng một bài đơn sơ vắn tắt ngợi khen Đức Mẹ, cùng giục lòng ai nấy trông cậy kính mến Người. Đến chừng rước lễ, thấy đoàn lũ kéo vào chịu ơn trọng Mình Thánh Chúa.
Luôn thể đây cũng xin nói về sự xưng tội, tôi lấy làm động lòng lắm. Kỳ nào cũng vậy, đến La Vang thấy nhiều người ở họ mình hoặc trễ nải hoặc lâu xưng tội, mà tới đây bộ sốt sắng chen nhau cho đặng vào tòa giải tội, nên thật Đức Mẹ là Đấng bầu chữa kẻ có tội. Refugium peccatorum.
Khi lễ xong thì cha sở tại là cha Lemasle dạy bổn đạo cứ tiếp theo Thánh Giá hàng hai mà đi kiệu chung quanh vườn nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Các họ gần đó có đem đồng nhi nam nữ cầm cờ xí đi kiệu xem cũng quang ánh rực rỡ. Gần bàn kiệu có các cha Tây, Nam chừng 20 đấng hát xướng kinh La Tinh tạ ơn Đức Mẹ. Tôi ngó bộ người ta đi kiệu ngày tết sốt sắng hơn mọi khi, vì tưởng ai ai cũng xin dưng năm mới cho Đức Mẹ và xin sự bằng an cho cả năm.
Khi bàn kiệu đã vào lại nhà thờ thì làm phép lành trọng thể, hát kinh Te Deum, tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Xong việc ai nấy ra về vui vẻ, cùng kiếm một hai dấu gì bởi chốn La Vang, như hái lá cây, múc chai nước như mọi lần khác. Các bổn đạo lân cận ra về mau, còn các bổn đạo ở Huế thì đi dần xuống xe lửa đợi đến 6 giờ tối mới có xe, vào tới Huế lối 8 giờ tối.
Sau nữa, sự này tôi cũng nên trần tỏ cho chư vị hay, nhà thờ Đức Mẹ La Vang là nơi ai ai cũng đều nói là có phép lạ, mà sao thấy đơn sơ hư tệ quá. Tôi thấy thiệt có trách thầm sao các đấng bề trên không lo sửa lại cho tốt, xứng đáng là chỗ đô hội người tứ xứ năng đến viếng. Tôi hỏi mấy kẻ quen biết thì người ta nói sẽ làm lại và chỉ cho tôi những lò gạch đã hầm tại La Vang. Quả thật có thấy nhiều đống gạch to lớn, cha sở La Vang đang tính lo xây dựng nhà thờ Đức Chúa Bà lại.
Tôi ước ao phải chi ai có thể giúp được ít nhiều hầu làm cho mau thì tốt quá.
Ấy là chuyện tôi đi kiệu. Tôi tường thuật đơn sơ, xin cha chủ bút ấn hành vào “NKĐP” hầu làm sáng danh Chúa và Đức Mẹ La Vang.
b/ “Thông báo kiệu trọng thể tại La Vang”(10):
“Vốn xưa nay Đức Mẹ La Vang đã rạng danh vang lừng khắp chốn. Người lâm nguy, kẻ bệnh tật biết bao nhiêu được khỏe xác an hồn thảy đều xưng rằng nhờ ơn Đức Mẹ, ắt trong lòng những ao ước trông mong cho gặp ngày đặng tỏ tình đáp ngãi. Lại phần ta, giáo nhơn hết thảy, kỳ năm trước, khi kiệu La Vang đã thấy thế gian còn lâm cơn bí yếu, là giặc giã phương Tây, nên bấy giờ ta đã gia lời hiệp ý, van vái Thánh Mẫu từ bi cho mau qua khỏi thời bĩ cực.
Nay nhờ ơn Đức Mẹ chữa bầu mà đã đặng gặp buổi thới lai, âu ta phải nhìn biết ơn Đức Mẹ. Ấy bởi người giáo hữu khắp đông tây, ngày hồng phước ấy nay đã khởi bày tỏ rạng. Vậy, tôi vội đem tin mừng cho giáo nhơn xa gần đặng biết, hầu toại chí mà đáp ngãi Mẹ Lành, cho thỏa tình bấy lâu trông ước.
Vậy dầu chưa đến lệ 3 năm, nhưng bề trên đã định ngày mồng 3 tháng Septembre là mồng mười tháng Bảy nhuần Annam sẽ cất cuộc kiệu Đức Mẹ La Vang cho uy nghi trọng thể hết sức mà tạ ơn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu cùng Đức Mẹ…
Vậy cuộc kiệu cũng sẽ mở ra như mấy năm trước là sẽ làm Tam nhật. Hai ngày trước mồng 3 Septembre, ở tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang, ban mai sẽ có lễ và ban hôm sẽ có Phép lành Mình Thánh Chúa. Trong cả hai ngày ấy đều có cha giảng và làm phước cho bổn đạo tại đó. Còn chính ngày mồng 3 thì mới có kiệu ảnh Đức Mẹ. Đàng đi là khỉ sự tại nhà thờ họ Cổ Vưu mà lên nhà thờ La Vang như đã làm mấy năm trước. Khi đi kiệu đến nơi La Vang rồi thì Đức cha sẽ làm lễ hát trọng thể theo y phục lễ nghi đấng Giám mục, kế đó sẽ làm phép lành trọng thể.
Ấy là cách sẽ làm tại La Vang nội trong ba ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Septembre. Trong kỳ kiệu này thì làm vậy.
Nay tôi dám cất vọng xin mời hết giáo nhơn ai nấy là con cái Đức Mẹ hãy một dạ sum vầy tuôn đến chốn La Vang mà tạ ơn chúc tụng Nữ Vương Ban Sự Bình An, đã tỏ quyền cao thế lớn mà cứu muôn dân thiên hạ cho khỏi cơn gian nan hỗn chiến sầu lụy bấy nhiêu năm, mà nay hưởng đặng thời an nước thạnh.
Vậy thì ta ai mà tiếc công nại của mà chẳng băng chừng non nước cho được hiệp mặt tại chốn La Vang trong ngày ấy, hầu cảm ơn, ngợi khen lòng lành Đức Mẹ sao?
Hỡi người giáo hữu khắp đông tây
Hãy rập một lòng thảy đến đây.
Trước là dâng kính lời cảm tạ,
Sau xin Thánh Mẫu xuống ơn đầy.
… … …”
Cổ Vưu (Quảng Trị)
2. “Về cuộc Đại hội kiệu ảnh tại La Vang 1919”(11)
a/ “Về ý kiệu tại La Vang”:
“Xin ấn hành cuộc kiệu La Vang hầu đặng làm sáng danh Đức Mẹ. Xin chư vị đọc bài này trước là đặng biết nhiều điều mới lạ trong cuộc lễ này, sau cũng là nhắc lại cho biết về chốn La Vang đặng ơn Đức Mẹ thương con Việt Nam là thể nào.
Từ ngày đặng tin thánh chỉ rao truyền Âu châu đặng an hòa, hết cơn khói lửa chiến tranh, làm cho thế giới đặng vui mừng an lạc, thì Việt Nam đã làm nhiều cuộc mừng hỉ hoan phần đạo, phần đời.
Địa phận Huế ở trong chốn đế đô kinh thành, tuy hẹp hòi túng ngặt trong mấy năm giặc giã, song cũng hết dạ nhiệt thành làm những lễ trọng thể trong đạo, trước là tạ ơn Đấng Tạo Hóa đã khấng nhậm lời vọng vái hèn mọn bấy lâu mà ban sự bình an. Bề trên Cả địa phận là Đức Giám mục Allys muốn tỏ hết lòng tạ ơn cảm mến Thiên Chúa đã dùng Nữ Vương Maria mà ban sự bình an, nên định bày cuộc kiệu ảnh La Vang khác lệ. Dạy cả địa phận thuộc về quyền mình và mời bổn đạo các nơi về các địa phận Nam Kỳ, Bắc Kỳ đến thông công Đại hội tại La Vang mà tạ ơn, mừng tỏ sự cả sáng Nữ Vương Bình An trong cuộc thái bình này, nên ngài đã định ngày mồng 3 Septembre năm nay, 1919, nhằm ngày mười tháng Bảy nhuần Annam sẽ có kiệu tại La Vang. Truyền cho các linh mục và bá tánh nhơn dân trong đạo phải hết lòng đến thông công trong cuộc lễ này, hầu cảm tạ Đức Mẹ đã cứu chữa khỏi mọi điều bí yếu mà đặng an”.
b/ “Cuộc sắp đặt trước ngày kiệu”:
“Các linh mục đưa tin mừng cho bổn đạo năm nay sẽ có kiệu, ai ai đều hớn hở và rập một tiếng mà rằng: ‘Tôi quyết năm nay sẽ đi kiệu tạ ơn. Bấy lâu ơn Đức Mẹ La Vang tràn khắp các nơi. Tôi sẽ đi cám ơn trả nghĩa, nhứt là vì năm nay sẽ có làm Tam nhựt kính lễ trọng thể, có cha làm phước và giảng trong mấy ngày’. Các cha, các sở tùy lực, tùy sức tu chỉnh con chiên bổn đạo mình để đến ngày kiệu ra mắt cùng Đức Mẹ.
Cách ít ngày lại có thơ cha sở họ Cổ Vưu kiêm La Vang gởi cho các cha mà cho hay đã xin được nhà nước cho xe lửa riêng từ Tourane ra La Vang và từ Đông Hà vào La Vang cho người hành hương đi chịu tiền xe phân nửa. Như từ Huế ra Quảng Trị thường là 37 xu đi một bận, nay dịp kiệu, cả đi và về hai bận cũng chỉ trả có 37 xu mà thôi. Nhà nước cho rộng như vậy bốn ngày là ba ngày trước và một ngày sau cho khách dễ bề lui tới.
Tôi xét năm nay có kiệu La Vang thì cuộc trọng thể cũng in mấy kỳ năm trước. Song thật tôi lầm, chính mình có đi xem cho rõ thì mới biết là sự quá trí lạ lùng. Tôi vừa đi xem, bắt từ họ Cổ Vưu mà vào La Vang thì ngẩn trí và khen thay cha sở Lemasle và cha phó Chuyên (Phaolô Nguyễn Văn Chuyên) khéo bề dọn dẹp trần thiết nguy nga, xứng cho cuộc tạ ơn thái bình La Vang này.
Nhà thờ Cổ Vưu treo cờ xí oai nghi rực rỡ. Trước tiền đàng có làm một rạp kéo hàng lụa vải bố ngũ sắc, có làm những cột bằng lá cây và kết bông, thắt dây leo và treo những lá cờ coi xem đẹp mắt. Ở giữa rạp có để bàn kiệu Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng. Bàn kiệu sơn son thếp vàng quang ánh cùng trau dồi đèn hoa sáng suốt, cố ý để bàn kiệu chỗ trống trải rộng rãi cho bổn đạo tứ xứ đến viếng quỳ chầu kinh nguyện. Trước cửa rạp và ngó ngang cửa vào nhà cha sở, có những khải hoàn môn treo cờ tam sắc và cờ các nước đồng minh, xem vào bắt hưng tâm cung kính. Đoạn trở xe chạy ra đàng La Vang, thấy chặng đàng có những bảng săng (gỗ) lớn cặm tỏ rõ, đề tên các họ, các nơi đặng biết mà dàn dựng kiệu cho có thứ tự khi đi kiệu. Lại từng khúc đàng, năm nay thấy đông quán xá bán bánh trái, cơm nước cho khách hành hương đi kiệu qua lại đỡ bữa no lòng. Thấy quán nào cũng đông người đứng chật. Đi xe lên động xuống lèn phải ngừng xe đi thủng thẳng, vì có đông người ra vào viếng La Vang trong mấy ngày trước.
Khi xe gần tới chốn La Vang thì phải sững sờ ngất trí vì thấy một cuộc đồ sộ lạ lùng. Cách mấy ngày trước là nơi hiu quạnh, có nhà thờ ngói đơn sơ vắng vẻ mà rày nên một thành thị đông người lạ lùng, làm cho kẻ đến xem bắt lạnh mình bát ngát, vì thấy sự oai nghi nghiêm chỉnh lạ thường. Nhà thờ trau giồi (trang hoàng) đèn hoa tốt đẹp, treo những đèn bão cái, yếng sáng chói dọi các bảng cờ trăm thức. Hai bên cửa sổ gió núi thổi vào làm cho các cờ xanh đỏ có những hình ảnh Đức Mẹ và những giấy bông bằng lá cây và bằng giấy ngũ sắc đưa qua đưa lại khoan thai nhẹ nhàng.
Đối với những giọng đọc kinh cầu nguyện, kẻ đến viếng có lòng sốt sắng đọc khoan thai nhịp nhàng, làm cho người nghe, kẻ xem bắt mủi dạ cảm động vọng tưởng Đức Mẹ.
Ra khỏi nhà thờ, thấy mặt tiền đàng ngày nay sơn vôi lại trắng trẻo và sơn lại những cây vẽ cũ xưa, từ khi làm nhà thờ đến nay đã có mười lăm hai mươi năm bị sương mưa bôi tẩy. Xem những cây sơn vẽ nơi vách vôi, bắt nhớ đến chuyện truyền khẩu, xưa Đức Mẹ đã dùng lá cây trước nhà thờ mà cứu chữa tật bệnh, nên bề trên cứ lời truyền khẩu mà làm nhà thờ theo hướng cây ấy, có ý nhắc lại việc cổ tích Đức Mẹ đã làm xưa.
Tôi đi trở ra phía ngã trước nhà thờ, thấy một rạp 12 căn lợp bằng tranh, mỗi một căn dài ước 10 thước, bề ngang rộng 25 thước mộc Annam. Tôi hỏi ra thì ai nấy đều trầm trồ và khen công lao khó nhọc cha Lemasle, mới đặt săng gỗ lim ở tỉnh Quảng Bình, đoạn đem cho sở lò cưa Bogoert tại Huế cưa ra và bắt bu lông từng vài, rồi chở xe lửa đến đồng núi La Vang. Thật là công lao khó nhọc mới khỉ sự làm năm nay. Cha Lemasle chẳng quản công lao, một cố ý lo liệu cho đặng cuộc hiển vang Đức Mẹ. Ở đầu rạp, phía núi, nay cũng có xây thêm một nền cao bằng gạch, cố ý để bàn thờ làm lễ nơi cao cho ba quân thiên hạ khắp tứ phương đều xem thấy. Ở giữa rạp có làm một tòa giảng tạm cho thầy cả đứng giảng. Trong rạp trau giồi hàng lụa nguy nga rực rỡ. Năm nay có Đức cha làm lễ nên có dọn một tòa oai nghi phía trên cho đấng chánh tế ngự khi làm lễ.
Bước ra ngoài rạp, phía bên tả cũng có một rạp nhỏ trau giồi nhiều lồng đèn giấy, nhiều bức tranh bằng giấy xếp khéo léo. Rạp này là của quan Hiệp Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, có ý nghênh bàn kiệu của người đến dự cuộc kiệu La Vang và đình trú ở đó. Còn trên nóc rạp và trên tháp nhà thờ có dòng dây treo những cờ, những phướn tam sắc, ngũ sắc, xem vui vẻ lắm, nhứt là làm cho những kẻ đến viếng, khi đến gần muốn chạy đến đền thánh La Vang cho mau.
Ấy là kể qua về cuộc giàn giá trần thiết, khéo khen mọi sự có thứ tự yên bài, cao rao ngợi khen quyền cả Đức Mẹ. Ai đến xem mới hiểu chốn La Vang là đồng khô cỏ cháy, rừng núi hiu quạnh rày nên một châu thành vui vẻ quang ánh. Tôi nói tiếng châu thành, mà thật vậy, vì có đông người ta, từng ngàn từng vạn vô ra, có quán xá đủ mọi món, và có lính tỉnh quân gia lễ nghi thứ tự nghiêm chỉnh. Thật phải khen ngợi ý Chúa muốn rạng danh Mẹ Người nơi chốn La Vang trong những ngày này”.
c/“Về Tam Nhật kính lễ – Kiệu La Vang”:
“Kỳ nào tôi cũng đi dự cuộc kiệu La Vang và mỗi một lần tôi tưởng là lần trọng thể hơn hết, không có lần nào khác dám ví. Song thật là lầm, lòng đạo càng ngày càng tấn, lửa sốt sắng kính mến Đức Mẹ càng nóng cháy lên hơn nữa! Vậy năm nay, hai ngày trước ngày mồng 3 Septembre, thấy tại tỉnh thành Quảng Trị ra vui vẻ khác thường. Thấy các dàn, các sắc, các bực sang hèn, nào là các bến đò đậu đầy những thuyền chở đông người, trau giồi những lọng tàn cờ xí, nào là chợ búa, các ngã quan lộ hóa ra đông đảo thiên hạ ra vào. Mỗi ngày có 4 chuyến xe, mỗi chuyến có độ 15, 20 cái xe (toa xe lửa) chở chật cứng người ta đổ xuống tại tỉnh Quảng Trị. Mỗi chuyến có năm bảy trăm con người, cha mẹ dắt con cái, vợ theo chồng, tớ theo chủ, kẻ ngựa người xe, người đi bộ chơn không lên xuống, mệt chẳng kể, nắng chẳng hay, đói chẳng biết, ra vào nơi lèn núi thẳng đến La Vang. Tôi cố ý dòm xét thấy phần nhiều người ta từ nhà mà đi, tay cầm chuỗi, miệng lâm râm, trên xe nghe những tiếng kinh nguyện, đến giữa đàng bộ cũng nghe miệng đọc tay lần mà cầu khẩn cho đến núi La Vang. Ai xem thấy cũng mủi dạ thống tình trọng mến lòng sốt sắng bổn đạo có lòng thành kính Mẹ Chúa Trời.
Đừng kể người hành hương ở kinh thành tỉnh Thừa Thiên và các người ở tỉnh Quảng Trị dễ dàng thông thương nhờ xe lửa, đò giang. Còn những ngàn người ở tỉnh Quảng Bình, cho chí đến Địa phận Đàng Ngoài, cho đặng đến viếng Đức Mẹ La Vang, phải chịu cực khổ, bỏ nhà mà đi đàng bộ bốn năm ngày đàng, thật là cam go khốn khổ. Nhờ dịp này biết rõ lòng bổn đạo Việt Nam thật có đức tin vững chắc và lòng sùng kính Đức Mẹ là thể nào!
Mà đến La Vang có nơi nương đụt còn khá, song khổ thay, tuy là nhà thờ rộng, làm rạp rất to, quán xá có nhiều, song nào có đủ chứa mấy vạn con người ngoại, đạo tuôn đến. Thấy mà thảm thương! Những bực sang trọng danh giá đến La Vang cũng in thứ người thường. Đến nhà Đức Mẹ ai cũng như nấy, hết nhà hết quán thì ngồi nằm đỡ dưới đất cát, kẻ thì núp dưới bóng cây, người thì nằm dưới bụi bờ mà ngóng trông vào đền thánh mà khẩn nguyện van vái mọi điều mình bí yếu. Trong hai ngày trước có các cha đến sẵn nhiều mà giúp ngồi tòa làm phước cho bổn đạo. Vậy đến lúc làm lễ, đến lúc giảng thì thiên hạ rìu ríu gối quỳ giữa trời trống, nơi đất cát, cỏ cây mà chầu gẫm và lóng tai nghe giảng những lời êm ái, như thể là lời Đức Mẹ gởi đến cho mình.
Có một điều làm cho ai nấy cảm động và khen thay lòng khoan dung Đức Mẹ là Đấng bầu chữa kẻ có tội. Thật đáng gọi Đức Mẹ La Vang là nơi dung thân cho kẻ có tội là thể nào! Vì chưng thấy rõ ràng người ta chen nhau vào tòa giải tội, các cha làm phước chẳng kịp. Ở La Vang năm nay đặt 14 tòa giải tội nội trong ba ngày, từ buổi sớm mai cho đến 12 giờ trưa, từ 1 giờ trưa cho đến 11, 12 giờ rưỡi đêm và có khi cho đến sáng mà cũng chưa hết người vào tòa giải tội. Các bổn đạo Việt Nam đủ mọi thứ người, nào là Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, nói các tiếng khác giọng, đến xưng tội. Có nhiều kẻ, tôi dám đoán rằng, trước khi đi La Vang cũng có ý đi coi xem cho vui, song nhờ ơn Đức Mẹ soi lòng mở trí, nên động lòng ăn năn trở lại, sửa cách ăn ở của mình. Nhiều kẻ ăn ở ngang tàng, chẳng giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, nghịch mạn cha thầy lâu ngày chầy tháng, rày đến sửa mình tại chốn La Vang, chảy nước mắt ăn năn đánh ngực. Thấy nhiều kẻ, cha thầy đã rõ trong các sở mình, làm gương mù gương xấu bấy lâu, rày nhờ ơn Đức Mẹ La Vang tỏ lòng thống hối. Thật xem động lòng và dễ thương quá!
Đây cũng nên kể lại việc sau này, hầu chư vị biết lòng bổn đạo sốt sắng cậy tin Đức Mẹ là thể nào, là thấy bổn đạo từng đoàn lũ người ta hái lá, nhổ cỏ, múc nước, người lượm những cục đá nơi nhà thờ Đức Mẹ đem xin thầy cả làm phép. Nhiều lần thầy cả làm phép lá, nước có một hai giờ mới rồi. Đoàn này xong thì đoàn khác đem của mình đến, ai nấy tưởng phải lấy một hai chút dấu bởi tại La Vang mà đem về, như của Đức Mẹ gởi cho mình dùng trong lúc bí yếu. Còn một điều nữa làm cho ai nấy càng động lòng là đêm trước ngày kiệu thật là đêm ăn chay nằm đất của bổn đạo Trung Kỳ tại đồng La Vang. Cả vạn con người ta xem thấy khắp nơi có từng chòm bổn đạo họ nào theo họ nấy, bà con nào đi theo nấy, đờn ông đờn bà phân nhau đọc kinh luôn đêm, nghe cả đồng núi rầm cả tiếng kêu van khẩn nguyện. Kẻ cung Bắc, người cung Nam, giọng Huế, giọng Sài Gòn, giọng Bình Định, giọng Quảng Nam, giọng Bắc Kỳ, giọng Nghệ An, Quảng Bình nặng kịch xướng đọc đủ thứ kinh. Thật cảm động quá lẽ, nên dầu kẻ hoang đàng tội lỗi, cứng như đá cũng phải mủi lòng, chẳng dám làm điều trái trong đêm tối tăm. Bởi lời cầu khẩn của bổn đạo làm vậy, chắc là ơn Đức Mẹ đượm nhuần chẳng sai.
Lối quá 1 giờ khuya, cha thầy đã khỉ sự thức dậy lần lần mà làm lễ hầu cho bổn đạo chịu lễ, để cho có giờ ra kịp tại Cổ Vưu mà đi chầu kiệu. Người ta chen nhau vào chịu lễ cách sốt sắng là dường nào! Có nhiều thầy cả (linh mục) đứng cho rước lễ trót 2 giờ đồng hồ mới hết. Đoạn tiếp lễ khác cũng in như vậy. Thấy vậy thật phải nói là việc Đức Mẹ uốn lòng mọi người mới đặng làm vậy”.
d/ “Về chính lễ kiệu”:
“Đúng 5 giờ sáng mồng 3 Septembre, mọi người đã chực sẵn tại họ Cổ Vưu, vừa nghe chuông trống lên hiệu, các cha thúc giục con chiên mình đứng theo bảng đã có tên họ mình mà dàn kiệu. Áo mão oai nghi, cờ xí sẵn sàng, mọi sự chỉnh đốn hẳn hoi. Đến 5 giờ rưỡi lên hiệu lệnh kéo đi. Khi kéo đi, bổn đạo đứng hàng ba, hàng bốn, dài từ họ Cổ Vưu đến ngã ba đàng lên làng Qui Thiện, ước đặng hai ngàn thước. Đoàn kiệu đi vừa đến gare Quảng Trị là quá 6 giờ, vừa gặp chuyến xe lửa riêng sớm mai chở bổn đạo Huế là những kẻ chẳng đến mấy ngày trước, mỗi họ đều thứ tự đội ngũ, có cha thầy dẫn đàng. Chuyến xe này có Đức cha và các cha Nhà trường lớn (Đại Chủng viện) đem mấy thầy Nhà trường La Tinh (đại chủng sinh) ra đi kiệu. Mọi người hân hoan hỉ dạ là trùng nào! Thấy sự cả sáng vang hiển Đức Mẹ đã bày tỏ, lòng mọi người nhảy động phơi phới, cầm nước mắt chẳng lại vì mừng quá!
Thấy bổn đạo bởi đâu không biết lại càng đông hơn nữa, tôi đứng trên một gò cao mà xem xuống thấy đoàn kiệu vừa lên gò tức thì có mấy ngàn người ở trên xe lửa tiếp theo, có đủ cờ xí hẳn hoi. Xem vào La Vang cũng thấy ba bốn ngàn người ở La Vang ra chầu kiệu. Tôi tính phỏng ngoại, đạo cứ hàng ba, hàng bốn đi tiếp nối nhau có đặng sáu ngàn thước tây. Đoàn người đi trước mất có 2 giờ đồng hồ liên tiếp mà chưa hết người. Nào là cha thầy, nào là các nhà dòng, nhà phước khắp cả địa phận, cho đến nhà phước Đàng Ngoài Tonkin và Qui Nhơn, Quảng Nam. Còn thiên hạ, các bậc quan quyền, võng giá, xe cộ rực rỡ chói lọi. Tôi thấy nhiều quan Annam đi theo đoàn kiệu, có quan Công sứ cùng quan Tuần, quan Án, cùng các bực viên quan các Ty, các Sở đều có mặt.
Khi mọi người hết thảy lên đến gò núi thì đúng 7 giờ. Chính giữa đàng lên gò, có làm khải hoàn môn. Ai có lòng đạo thật thì khoái chí là trùng nào, vì tưởng như Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem La Vang, dắt gần hai vạn con người ta đến đồng núi vắng vẻ mà ban ơn hồn xác.
Ban mai này ơn Đức Mẹ che chở cho đoàn lũ đi kiệu cách lạ. Một tuần trước ai cũng lo sợ đến tháng Septembre ở Huế phong vũ bất điều, mà may, ngày mồng 3 thật là quí lắm vì thấy cả và trời tỉnh Quảng Trị đám mây Nam che mặt trời im mát yên tịnh, phủ trên đầu Đức Mẹ ẵm Chúa và những đoàn kiệu con cái Người, làm cho ai nấy dễ dàng nguyện gẫm, cầm trí đọc kinh cầu nguyện. Thấy vạn con người kéo đi, mọi sự đều yên hàn, chẳng nghe tiếng rộn ràng dức lác. Nghe trên gò này những tiếng thánh thót ngợi khen hát mừng quyền cả Đức Mẹ Chúa Trời: Ave Maria, Laudate Mariam. Nơi sũng kia nghe những tiếng êm ái khoan thai ca mừng Nữ Vương trời đất: Salve Regina.
Nghe bên nọ kẻ hát kinh La Tinh, người hát kinh bổn quốc; nghe bên khác người lần hột, người gẫm sự mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng Đức Mẹ. Khắp chặng đàng đều đủ trăm cung trăm cách, êm tai khoái dạ là trùng nào, nhứt là nghe những tiếng đồng nhi nam nữ thanh bai dịu ngọt như chim ban mai líu lo thánh thót ca mừng Nữ Vương Thần Thánh.
Xem gần bàn kiệu thì có mấy thầy và học trò hai trường (hai Chủng viện: ĐCV và TCV) hát rập ràng ca vịnh La Tinh Hội Thánh mừng Đức Mẹ, dầu Việt Nam chẳng hiểu ý nghĩa, song cũng động lòng mủi dạ vui mừng. Còn những trinh nữ tu trì có bốn năm trăm, bởi tứ xứ ăn mặc một khuôn rập đơn sơ tỏ bày nhơn đức đồng trinh, dưng lời cầu nguyện thầm thĩ đằm thắm cho mình và cho thế gian, ai nấy xem thấy liền động lòng bắt chước kính tôn Đức Mẹ.
Có một điều, xem cảnh diện ban mai đẹp mắt quá chừng, là thấy những cờ lớn, cờ nhỏ ngũ sắc hoa, thêu ảnh Đức Mẹ, nhờ yếng sáng mặt trời dọi hé hé ban mai và có gió hiu hiu thổi bay phưởng phất, đưa qua liệng lại và đi tới lần lần, ở xa xem như một con rồng dài có mấy ngàn thước, trên lưng có những cánh nhỏ to, lộn lên nhào xuống, nhìn xem chẳng hề mỏi mắt. Lại gió đưa ảnh cờ qua lại, tưởng như Đức Mẹ ở trên mấy cờ lớn, nói với bổn đạo rằng: ‘Con ơi, hãy nhìn Mẹ là Mẹ con!’, và cờ nhỏ dưới đưa lên, bổn đạo than cùng Đức Mẹ rằng: ‘Mẹ ơi, xin Mẹ hãy nhìn con là con Mẹ!’. Thật vui vẻ khoái chí là dườngnào!
Đến độ 8 giờ rưỡi đoàn kiệu mới đến La Vang, liền thấy lèn núi bên tả có một đạo kiệu thuộc về Sở Phước Môn của quan Hiệp Nguyễn Hữu Bài đem cả quan viên lớn nhỏ thuộc về Bộ Lại của người và nhờ cha Bạch (Matthêô Nguyễn Thanh Bạch, cha sở Phước Môn) đốc đoàn kéo tới đến rập một giờ mà hát mừng tạ ơn Đức Mẹ. Mỗi họ kéo bổn đạo tới rạp La Vang bái quỳ hát một bài, đoạn lui ra nơi đồng trống cho có chỗ nghênh bàn kiệu vào. Khi ấy chuông trống, pháo lói, trái lệnh nổi vang dầy, tỏ lòng cảm tạ Đức Mẹ đã đem con cái hết thảy đến nơi La Vang là chốn mình sở nguyện.
Đúng 9 giờ rưỡi lên hiệu làm lễ tạ ơn Đức Mẹ và cầu cho muôn dân đến kiệu. Đây là lần thứ nhất tại La Vang Đức cha ngự làm lễ hát. Khi các cha, mấy thầy sắp hàng quỳ trên cung thánh và mọi người vào rạp đã yên (nói vào rạp chớ còn biết mấy ngàn người còn phải đứng giữa trời ngóng cổ xem vào), Đức cha Allys liền mặc y phục Giám mục làm lễ. Có cha Pieters (cố Phiên), cha Lefèvre (cố Lịch) làm thầy Năm, thầy Sáu chầu nơi Tòa Giám mục. Có cha bề trên Chabanon (cố chính Giáo) đứng chầu, và có thầy Kiểu (sau là linh mục Giuse Nguyễn Văn Kiểu), thầy Vĩnh (sau là linh mục Phaolô Văn Đình Vĩnh) làm thầy Năm, thầy Sáu giúp lễ. Các bực đều mặc y phục vàng, đoạn các thầy lễ nhạc một đoàn đông đắn ra giữa cung thánh chầu giúp Giám mục mà làm lễ cầu cho nhơn dân bá tánh. Thật xem oai nghi quá!
Tôi đã xem thấy Đức cha làm lễ trọng thể tại kinh thành nhiều lần mà chẳng thấy lần nào bá tánh đặng đông cho bằng lần này. Tuy là giữa rừng núi song đủ mặt mọi hạng người trong địa phận. Khi Đức Giám mục xướng kinh làm lễ tức thì có đờn ca xướng hát, chuông trống nổi lên rền núi, gần cả hai vạn con người mà không nghe một tiếng dức lác, mọi sự đều yên tịnh, nào có hội nào đặng yên hàn như thế?
Trong lễ Misa này thiên hạ bổn đạo thảy đều hưng tâm hỉ dạ vì thấy sự cả sáng Đức Mẹ bày tỏ giữa muôn dân ngoại đạo, nhứt là gần cung thánh, thấy quan đại thần nhứt phẩm triều Annam có đạo là quan Nguyễn Hữu Bài, Hiệp biện Thượng thư Lại Bộ, và quan Tuần, quan Án các tỉnh chẳng thẹn quỳ chầu lễ. Còn các hàng viên quan chức sắc bên lương và các bà vợ quan, cùng các cô bà trong nội về nhà vua, nhơn dịp kiệu đi khấn vái làm các lễ phép bên lương cách sốt sắng xem ra như người có đạo, cũng quỳ chầu lễ cách khiêm nhượng.
Khi làm lễ đến đọc Evang rồi, tức thì có cha Đôminicô Cẩn (sau là Giám mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn) là cha đã đặng cử giảng trong ba ngày Tam nhựt, thừa lệnh Đức cha và cha sở La Vang lên tòa giảng ở giữa rạp cao, rán hết tiếng mà doãn tóm lại ít lời về chốn La Vang là đồng khô cỏ cháy, rày nên nơi sang trọng quang vinh rực rỡ, Đức Mẹ khấng viếng thăm và làm cho no say mọi ơn phước. Cha cũng nói ít lời vắn tắt mà tạ ơn Đức Mẹ đã dìu dắt con cái Người đến chốn La Vang mà ngợi khen Đức Mẹ, thì xin Người ban ơn mọi điều sở nguyện theo lòng con cái Đức Mẹ vọng tưởng. Khi cha Đôminicô giảng xong thì cứ tiếp mà hát lễ cho đến cùng.
Lễ đoạn, Đức cha làm phép lành trọng thể, cùng hát kinh Te Deum tạ ơn Chúa đã thương con dân Việt Nam gần hai vạn bỏ quê nhà trong mấy ngày ở chốn La Vang bằng an vô sự, cùng cho hưởng cuộc lễ này may mắn thì cũng xin Đức Mẹ đưa con cái Người về nhà bình yên và giữ những ơn thánh đặng bởi chốn La Vang.
Mọi sự hoàn tất thì quá 10 giờ rưỡi, cha sở tại mời Đức cha và các cha Tây, Nam hết thảy 68 vị đến nhà phía sau nhà thờ mà dùng cơm trưa. Lúc gần xong, cha sở tại Lemasle đứng dậy cảm ơn Đức cha, các cha Tây và nhất là các cha bổn quốc chịu khó trong mấy ngày vừa qua giúp làm rạng danh Đức Mẹ. Người cũng thêm một lời mà cảm ơn cha Tây Địa phận Đàng Ngoài và hai cha bổn quốc Địa phận Qui Nhơn, về tỉnh Quảng Nam(12) đến thông công cùng Địa phận Huế, cùng xin Đức Mẹ đưa các đấng về quê nhà bằng an.
Còn bổn đạo ai nấy cũng soạn sửa ra về, song phần đông còn rìu ríu dính bén tại La Vang, ở rán lại mà khẩn nguyện, van vái Đức Mẹ khấng nghe sự mình kêu xin, đoạn lần lần lui ra Nhà giấy xe lửa mà về theo hai chuyến xe chiều. Song vì năm nay đông người quá lẽ nên nhiều kẻ phải về chuyến xe ngày sau, và ngày sau nữa. Ai nấy ra về thấy mặt mày vui vẻ, dù là người bên lương xem càng hớn hở, giống tuồng đã đặng ơn gì bởi Đức Mẹ. Mọi người đều nói rằng: ‘Tôi đặng bằng an rồi, mấy ngày lao nhọc đàng sá, thức đêm thức hôm cầu nguyện, song thật cũng sướng vì đã đặng thỏa lòng’. Không hề nghe ai phàn nàn vì cực khổ đi viếng La Vang. Ấy thật là ơn Đức Mẹ đã rõ!
Phần tôi xin quả quyết làm chứng về hai điều lạ này:
+ Người ta kéo nhau vào tòa giải tội có từng ngàn, mà trong những kẻ ấy thiếu chi người đã đặng gỡ khỏi bối rối bởi lâu năm lâu tháng chẳng an. Sự ấy bởi đâu? Thật là sức tự nhiên không đủ, ắt phải nói là ơn Đức Mẹ giúp đỡ. Chuyến này, khi đi La Vang về, vợ thấy chồng, chồng thấy vợ, cha mẹ thấy con cái, xưa nay nguội lạnh giờ trở nên sốt sắng, ắt hết thảy sẽ vui mừng mà tạ ơn Đức Mẹ chẳng sai.
+ Việc đời, bất kỳ là chốn đô hội nào, sao cho khỏi rầy rà dức lác, mà cuộc Đại hội kiệu này có gần hai vạn con người, đông đảo trong mấy ngày mà không nghe một lời cãi lẫy. Thật chẳng phải có quan quyền phần đời canh giữ, song thật là Đức Mẹ giữ gìn cho mọi sự nghiêm tịnh mới đặng bằng an như thế.
Vậy, lạy Đức Mẹ đã cho tôi viết mấy bài trước này mà doãn lại cho chư vị xa gần nghe tỏ hầu ngợi khen Đức Mẹ. Đức Mẹ đã đoái thương Địa phận Huế đặng bày lễ kiệu năm nay may mắn, dám xin Đức Mẹ khẩn cầu cho sự cả sáng Đức Chúa Giêsu là con Đức Mẹ, khắp đâu đó cõi Việt Nam đặng hiển rạng chói lọi, cho mọi người đều nhờ ơn Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ cũng cho sau này đặng làm nhiều lễ kiệu Đức Mẹ càng trọng thể hơn nữa cho mọi người khắp cõi Việt Nam và khắp Nam Bắc Tây Đông đặng đến nhờ ơn Đức Mẹ tại đồng núi La Vang này.
Ngợi khen quyền cả Đức Mẹ!
Vạn tuế Hội Thánh Annam!
Chúc cho giáo hữu khắp xứ đặng an hòa!”.
(Còn tiếp…)
———————————————————————————–
(9)Huế: Đi kiệu ảnh Đức Mẹ ngày tết tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 526, ngày 20-3-1919, tr.170-171.
(10) Cổ Vưu (Quảng Trị): Thông báo kiệu trọng thể tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 547, ngày 14-8-1919, tr.504-505.
(11) Joseph Huế: Về cuộc Đại hội kiệu ảnh tại La Vang 1919. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 553, ngày 25-9-1919, tr.595-604.
(12) Địa bàn tỉnh Quảng Nam bấy giờ còn thuộc Địa phận Đông Đàng Trong (Địa phận Qui Nhơn).
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 8 – Phần II về máy tính