TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 3
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN
A. GIỚI THIỆU ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀ
B. HÀNH HƯƠNG LA VANGTHỜI KHÓI LỬA CHIẾN TRANH.
I. ĐẠI HỘI LA VANG 16 (1964).
II. ĐẠI HỘI LA VANG 17 (1970).
1. Hành hương La Vang – Đại hội La Vang 17 (1970).
Được sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong phiên họp ngày 8-1-1970 tại Sài Gòn, ngày 25-10-1970, Đức TGM Giáo phận Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền đã ban phép và dạy tổ chức Đại hội La Vang 17 vào 3 ngày 29, 30 và 31-5-1970. Đồng thời ngài gởi thư hiệu triệu, mời toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong ngoài Giáo phận Huế tham gia Đại hội La Vang 17.
“Để tỏ tình con thảo, Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Huế nói riêng đã đồng ý chọn Tháng Hoa này mở Đại hội tại Linh địa La Vang để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa”(14).
a/ Phúc thư của Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc
Song song với việc gởi thư hiệu triệu gởi cộng đồng Dân Chúa, ngày 22-4-1970, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền cũng gởi thư phúc trình lên Tòa Thánh báo tin việc tổ chức Đại hội Thánh Mẫu tại La Vang vào 3 ngày 29, 30, 31-5-1970.
Ngày 6-5-1970, Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc đã có phúc thư trả lời, chúc lành và hiệp thông với Đại hội Thánh Mẫu, như sau(15):
Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc (Truyền giáo)
Rôma, ngày 6 tháng 5 năm 1970
Số: 2.799/70
“Kính gởi Đức cha Nguyễn Kim Điền,
Tổng Giám mục Huế.
Thưa Đức cha,
Với bức thư đề ngày 22 tháng 4 vừa qua Đức cha đã tin cho Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc về Đại hội Thánh Mẫu tổ chức tại La Vang ngày 29, 30, và 31 tháng 5 này.
Tôi xin cám ơn Đức cha về sự báo tin này. Thánh Bộ Truyền giáo biết rõ Trung tâm Thánh Mẫu Hành hương lớn này tại Việt Nam, và các tín hữu thân yêu của xứ sở Đức cha tha thiết với Trung tâm này lắm, nên hết lòng cầu chúc cho cuộc Đại hội này được thành công mỹ mãn.
Chúng tôi cảm phục sự lo âu của Đức cha muốn cho Đại hội này có một tính cách đơn giản hoàn toàn thiêng liêng, với mục đích chính là sự ăn năn hối cải trong lòng, để đem lại hòa bình cho nước Việt Nam.
Tôi xin đoan chắc với Đức cha rằng trong những ngày Đại hội đó, Thánh Bộ Phúc Âm hóa sẽ hiệp lời cầu nguyện với các anh chị em hành hương để nhờ trung gian của Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria, xin Chúa đoái thương ban cho đất nước quý yêu của Đức cha được nhiều ơn trở về với ánh sáng đức tin, các người tín hữu được thêm phần sốt sắng, và chớ gì nền hòa bình chân chính mà muôn người khát vọng từ lâu thật sự đến trên quý quốc.
Như sự ao ước của Đức cha, tôi đã kính báo cho Đức Thánh cha hay cuộc Đại hội Thánh Mẫu này.
Nhân dịp này, tôi rất vui lòng nói lại với Đức cha lòng kính trọng đặc biệt và những tâm tình tận tâm của tôi đối với Đức cha”.
Sergio Pignedoli,
Thư ký Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc.
b/ Bó hoa thiêng liêng của thiếu nhi Việt Nam kính dâng Đức Mẹ (dịp Đại hội La Vang 17, dịp hành hương thiếu nhi quốc tế tại Fatima 7-6-1970) và kính dâng Đức Thánh cha Phaolô VI (dịp mừng Kim khánh Linh mục của ngài 29-5-1970).
Ngày 26-5-1970, tại Sài Gòn, Ủy ban Việt Nam Chiến dịch Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bìnhđã dâng lên Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Fatima và đệ trình lên Đức Thánh cha Bó hoa Thiêng liêng, với nội dung như sau(16):
“Rước lễ đền tạ: 160.442 lần. Tham dự thánh lễ: 166.011 lễ. Xin lễ đền tạ tại La Vang và Fatima: 200 lễ (với số tiền đóng góp dâng lễ và làm việc bác ái: 111.145 đồng). Lần chuỗi Môi Khôi: 343.705 chuỗi. Hãm mình, hy sinh: 99.701. Rước lễ thiêng liêng:72.301 lần. Viếng Thánh Thể: 60.096 lần. Nguyện tắt: 87.456. Chặng đàng Thánh Giá: 11.901. Giờ Thánh: 3.220 giờ. Việc Tông đồ: 21.672. Dâng ngày: 22.953. Tuần Cửu nhật Chúa Thánh Thần: 25 tuần.
Bó hoa Thiêng liêng này tượng trưng cho tất cả các việc đạo đức trong chiến dịch cầu nguyện được phát động theo các ý chỉ như trên, trong tháng 4và5-1970. Ban tổ chức đã nhận được 48 bản báo cáo với tổng số 12.455 thiếu nhi tham dự (số này thực sự đông hơn rất nhiều, vì có nhiều báo cáo không ghi số các em). Đặc biệt có 310 trẻ em bên lương tại Vĩnh Long, đã đóng góp 850 chuỗi Môi Khôi vào bó hoa thiêng liêng này.
Ban tổ chức đã đệ Bó hoa Thiêng liêng này, với chữ ký của Đức TGM Sài Gòn, lên Đức Thánh cha, qua Đức Khâm sứ Tòa Thánh, đã gởi đi Fatima ngày 26-5-1970, và đệ dâng Đức Mẹ La Vang dịp Đại hội Hành hương. Ban tổ chức xin 100 lễ tại La Vang, 100 lễ tại Fatima (với tiền dâng 100.000 đồng). Phần còn lại xin trao Caritas Huế để giúp cô nhi”…
c/ Chương trình Tam nhật Đại hội La Vang 17 (1970)(17):
NGÀYTHỨ SÁU 29-5-1970
07.00: Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường.
08.00: Cung nghinh Đức Mẹ lên nghinh đài.
09.00: Đại lễ cầu ngụyện cho Hội Thánh. Giảng: “Mầu nhiệm Hội Thánh”.
10.00: Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân.
11.00: Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường.
14.00: Sinh hoạt hội đoàn.
15.00: Phát thanh.
16.30: Đại lễ cầu nguyện cho việc giáo dục giađình. Giảng: “Giáo dục gia đình”.
19.30: Gẫm đàng Thánh Giá.
20.30: Phát thanh.
21.30: Thinh lặng – Cầu nguyện cho Hội Thánh và gia đình.
Chương trình sinh hoạt của Hội Mẹ Gia đình Công giáo Giáo phận Huế:
13.30: Tập trung tại nhà Đại Chúng (sau Vương Cung Thánh Đường).
14.00-16.30: Hội học về vai trò phụ nữ trong việc canh tân gia đình và giáo xứ.
Các điểm khác giống như chương trình ngày Đại hội.
NGÀY THỨ BẢY 30-5-1970
07.00: Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường.
08.30: Đại lễ cầu nguyện cho công cuộc Truyền giáo. Giảng: “Truyền giáo”.
10.00: Thánh lễ cho quân nhân Công giáo.
11.00: Thánh lễ cho đồng bào Dân tộc.
14.00: Sinh hoạt hội đoàn.
15.30: Kiệu Mình Thánh Chúa.
16.30: Đại lễ cầu nguyện cho Giáo hội thầm lặng và di cư tị nạn. Giảng: “Hội Thánh và Đức Trinh Nữ Maria”.
20.00: Phát thanh.
21.30: Thinh lặng cầu nguyện cho công cuộc Truyền giáo và Giáo hội thầm lặng.
Chương trình dành riêng cho Quân nhân Công giáo.
08.30: Tập trung tại nhà Đại Chúng (sau Vương Cung Thánh Đường).
09.00: Hội thảo dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục đặc trách tuyên úy.
10.00 : Thánh lễ đồng tế.
11.00: Rước kiệu Đức Mẹ.
13.00: Bế mạc.
Chương trình của Hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae):
10.30: Thánh lễ cho Legio Mariae tại nhà Đại Chúng.
14.00: Chào mừng quý vị Linh giám và các anh chị Legio.
Hội thảo do cha Thông, phó Linh giám Senatus điều khiển.
Các điểm khác giống như chương trình ngày Đại hội.
NGÀY CHÚA NHẬT 31-5-1970
07.00: Thánh lễ dành cho Con Đức Mẹ và Thiếu nhi.
09.30: Đại lễ cầu nguyện cho Tổ quốc và hòa bình thế giới. Giảng: “Nữ Vương Hòa Bình”.
10.30: Kiệu Đức Mẹ. Phép lành Mình Thánh Chúa.
Bế mạc.
d/Đại hội La Vang 17 – Cầu nguyện mừng Kim khánh Linh mục Đức Giáo hoàng Phaolô VI.
Ngày 29-5-1970, ngày đầu tiên trong Tam nhật Đại hội, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ tế Thánh lễ Khai mạc lúc 9 giờ và giảng lễ về đề tài “Mầu nhiệm Hội Thánh”. Sau bài giảng, Đức TGM chủ tế trịnh trọng nhắc nhở hôm nay cũng là dịp Kim khánh Linh mục của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, xin mọi người cầu nguyện cho Ngài(18):
“Hôm nay là lễ Kim khánh Linh mục của Đức Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục. Cả thế giới Công giáo với gần 600 triệu tấm lòng cảm ơn Chúa với Ngài và cầu nguyện cho Ngài.
Sau 50 năm linh mục, ngài đã lãnh nhận biết bao ơn lành, cũng như đã chịu biết bao thử thách, và tất nhiên, cũng đã lập được biết bao công trạng. Nay ngài lại là Giáo hoàng, thay mặt Chúa điều khiển Hội Thánh dưới trần gian, cầu nguyện cho ngài là chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh và cầu cho chính chúng ta vậy. Nguyện xin Chúa ở với ngài, ban tràn đầy ơn thánh cho ngài, để ngài chu toàn chức vụ chủ chăn tối cao, nhờ công nghiệp của thánh lễ này”.
Riêng Đại hội La Vang, hôm nay sẽ gởi điện văn chúc mừng ngài. Nội dung như sau:
“Lạy Đức Thánh cha,
Dịp lễ Kim khánh Linh mục của Đức Thánh cha, chúng con – Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam có mặt tại Đại hội toàn quốc kính Đức Mẹ La Vang – dâng lên Đức Thánh cha lòng phục tùng hiếu kính, lời chúc mừng nồng nhiệt của chúng con, kèm theo những việc hy sinh và lời cầu nguyện, cũng như lòng cương quyết trung thành tuyệt đối của chúng con với Tòa Thánh”.
e/ Phóng sự Đại hội La Vang 17(1970). Đại hội La Vang 1970(19):
“Giữa bao cảnh tàn phá, bao cuộc biển dâu, do ngoại xâm nội biến chồng chất trên đất nước này từ một phần tư thế kỷ, Linh địa Đức Mẹ La Vang chẳng những không hề hấn gì mà càng ngày càng được tô điểm thêm bằng bao nhiêu công trình tu bổ và tân tạo, để trở thành một cảnh trí tôn giáo duy nhất dưới trời Nam. Quả là một‘dấu chỉ thời đại’ rất đáng chú ý.
Giữa thời kỳ loạn lạc khắp nơi, với bao nhiêu bất trắc tại vùng giới tuyến, chỉ cách sông Bến Hải trên mười cây số theo đường chim bay, 60.000 con người từ khắp các nẻo đường đất nước, tựu hợp trong yêu thương, trong nguyện cầu và trong an bình tuyệt đối, dầu cho bên ngoài súng vẫn còn nổ, sóng hận thù còn đe dọa. Đây lại là một ‘dấu chỉ thời đại’ khác nữa rất đáng chú ý.
Đại hội La Vang 1970 đã diễn ra đúng theo truyền thống đạo đức đã có từ non hai thế kỷ, và theo hạn kỳ ba năm một lần bắt đầu từ năm 1901. Năm ấy, 12.000 giáo hữu gần xa về dự Đại hội mừng ngôi thánh đường mới hoàn thành sau 15 năm xây cất, từ đấy, giáo quyền địa phận quy định cứ mỗi ba năm sẽ có Đại hội kính Đức Mẹ La Vang. 69 năm qua, đáng lẽ đã có 23 Đại hội; nhưng vì chiến tranh, từ năm 1939 đến 1955 không có Đại hội nào, nên Đại hội 1970 mới là đại hội lần thứ 17.
Trong ba ngày, từ thứ sáu 29 đến chúa nhật 31 tháng 5 năm 1970, khách hành hương từ khắp nơi đổ về như nước chảy. Có những người tham dự một hay hai ngày rồi về, đổi cho người nhà đi thế. Những người khác tham dự trọn ba ngày hay ít là hai ngày chót. Đa số thuộc giáo phận Huế, rồi đến các giáo phận Đà Nẵng, Qui Nhơn. Các giáo phận xa xôi như Nha Trang, Kontum, Đà Lạt, Sài Gòn… cũng có cử những phái đoàn hùng hậu từ 100 đến 300 người tham dự, chưa kể những người đi riêng lẻ tẻ …
Họ là 60.000 người. Nhưng họ mang theo những tình cảm, tâm tư và lời cầu nguyện của cả khối hai triệu giáo dân Việt Nam, bên này cũng như bên kia giới tuyến, đến đặt dưới chân Đức Mẹ La Vang, Nữ Vương Việt Nam.
Trong ba ngày, họ bỏ lại hết những tính toán nhỏ nhen, những bon chen chật hẹp, những đau thương chiến tranh, những ưu tư thời cuộc chỉ đem theo một tấm lòng đơn sơ, thơ thới, tin tưởng cậy trông, và nhất là tình con thảo đến bà Mẹ hiền, để tin, để yêu, để học hỏi, để nguyện cầu, và để phó thác tất cả cho lòng lân mẫn của Mẹ.
Mái nhà nào đủ che mưa nắng ngày đêm cho họ? Nhà thờ nào đủ chỗ cho họ nguyện cầu? Không, không có gì đủ nữa hết. Trời là màn,đất là giường. Và họ cầu nguyện, suy gẫm, hội họp, học tập, ở khắp chỗ trong khu Linh địa mông mênh này.
QUANG CẢNH ĐẠI HỘI LA VANG 17 (1970)
(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)
Đây Linh đài ghi dấu Đức Mẹ hiện ra bên cây đa cổ thụ, đây Quảng trường Môi Khôi với 15 pho tượng mỹ thuật diễn tả 15 mầu nhiệm cứu độ, đây Quảng trường Kitô Vương, đây đồi Calvariô, đây nhà Tĩnh Tâm, đây nhà Đại Chúng và dĩ nhiên chưa nói đến Vương Cung Thánh Đường. Đâu đâu và lúc nào cũng có người tựu hợpcầu nguyện, học hỏi, suy tư… Nhưng các đại lễ công cộng đều cử hành ở Lễ đài hình bát giác dựng giữa công trường Môi Khôi, bốn bề trống trải, để cả trăm ngàn con mắt đều có thể theo dõi các lễ nghi, không một chút cản trở.
Sự hiện diện của bảy Đức Tổng Giám MụcvàGiám Mục, 100 linh mục từ các địa phận Mỹ Tho, Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt, Nha Trang, Kontum.V.v…trở ra tới Huế, 100 nam tu sĩ và đại chủng sinh, cùng với 400 nữ tu, càng làm nổi bật tính cách long trọng của Đại hội 1970.
Đức cha Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục địa phận sở tại tổng duyệt tất cả, nâng đỡ tất cả. Ngài chủ tế đại lễ khai mạc hồi 9 giờ sáng thứ sáu, và giảng về‘Mầu Nhiệm Hội Thánh’.Đó là ngày cầu cho Hội Thánh và Đức Thánh cha. Ngài còn đích thân hướng dẫn giờ thánh khai mạc đêm Đền tạ Thánh Thể, đêm thứ bảy rạng chúa nhật.
Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình từ Sài Gòn ra trưa thứ bảy. Sáng chúa nhật, ngài chủ sự đại lễ đồng tế với tất cả các vị Tổng Giám mục và Giám mục, để cầunguyện cho hòa bình tổ quốc, với sự tham dự củacác phái đoàn dân cử, hành chánh và quân sự cao cấp. Trong lễ ấy, ngài giảng về‘Nữ Vương Hòa Bình’. Và trong đêm canh thức, đúng 1 giờ 30 sáng chúa nhật, ngài ban huấn đức cho giờ đền tạ của phái đoàn Sài Gòn và Legio toàn quốc do cha Phêrô Trần Văn Thông hướng dẫn.
Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi, hiện hưu trí ở Đông Hà, sát vĩ tuyến, chủ sự thánh lễ cầu cho Hội Thánh thầm lặng và di cư tị nạn vào hồi 5 giờ chiều thứ bảy. Trong lễ ấy, cha Nguyễn Văn Vàng, DCCT, giảng về‘Giáo dục Gia đình’, một đề tài học hỏi của Đại hội.
Đức cha Phạm Ngọc Chi, GM Đà Nẵng, chủ tế đại lễ chiều thứ sáu và giảng về‘Đức Maria, Mẹ Giáo hội’.
Đức cha Nguyễn Văn Hiền, GM Đà Lạt, chủ tế đại lễ sáng thứ bảy, cầu cho công cuộc truyền giáo, và giảng về‘Nhiệm vụ Truyền giáo’.
Đức cha Lê Văn Ấn, GM Xuân Lộc, đặc trách quân đội, chủ tọa cuộc rước kiệu và chủ tế thánh lễ của quân nhân vào sáng thứ bảy.
Đức cha Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang, chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể vào sáng chúa nhật, và trong đêm canh thức, chính ngài hướng dẫn giờ thánh từ 11 giờ đến nửa đêm, của Phái đoàn Công lý – Hòa bình và cán bộ giáo xứ.
Ngoài ra còn nhiều lễ đặc biệt, như lễ cầu cho Đức Thánh cha tối thứ sáu 29.5 – Ngày mừng Kim khánh Đức Thánh Cha – do cha Trần Văn Thông, Địa phận Sàì Gòn cử hành và giảng, tiếp sau cụộc đi chặng đàng Thánh Giá ngoài trời, lễ của các Thiếu nhi và hội đoàn Công giáo Tiến hành, do cha Nguyễn Văn Vi, Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc, chủsự (lễ này có dâng Bó hoa Thiêng liêng của thiếu nhi Việt Nam), lễ của đồng bào sắc tộc do linh mục thừa sai Mauvais cử hành và giảng bằng tiếng Dân tộc…
Cuộc rước kiệu Đức Mẹ vĩ đại chiều thứ bảy, trong khung cảnh hùng vĩ của Linh địa La Vang, là một trong những nghi lễ ghi ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khách hành hương…
Ba ngày trôi qua như gió thoảng.
Nhưng ơn thánh và quả phúc của Chúa Thánh Thần cũng như gió thổi mạnh vào mỗi tâm hồn.
Đại hội La Vang 1970 đã đi vào quá khứ, nhưng tình thương của Mẹ La Vang còn lại mãi với đoàn con hành hương và với toàn dânViệt Nam”.
RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ – ĐẠI HỘI LA VANG 17 (1970)
(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)
f/ Kỷ niệm từ Đại hội La Vang 17: Xuất bản sách Linh địa La Vang.
Nhân dịp Đại hội La Vang 17 (1970), Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, với Imprimi Porest của Linh mục Tổng Đại diện Phaolô Lê Văn Đẩu, tại Huế ngày 13-4-1970, đã cho xuất bản, và giữ bản quyền, sách Linh địa La Vang của tác giả linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc.
Sách dày 182 trang, gồm 7 chương:
Chương I: Linh địa La Vang đối với người địa phương, từ đầu năm 1886.
Chương II: Linh địa La Vang với Địa phận Huế (1886-1924).
Chương III: Linh địa La Vang với toàn quốc (1924-1961).
Chương IV: Linh địa La Vang: Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc (1961-1970).
Chương V: Linh địa La Vang với các nhân vật cao cấp và các bậc vị vọng.
Chương VI: Linh địa La Vang – nơi tràn ơn phúc của Đức Mẹ.
Chương VII: Linh địa La Vang với các thi ca (những bài thơ chọn lọc về La Vang).
Mục đích của việc soạn sách Linh địa La Vang, như tác giả đã viết, là “Để ca tụng sự thi ân giáng phúc của Đức Mẹ La Vang đối với con cái và để xác nhận lòng tin tưởng thành kính của con cái đối với Đức Mẹ La Vang qua gần hai thế kỷ nay” (trích Lời Mở đầu của tác giả, viết tại Huế cuối năm 1969).
Sách được in tại cơ sở Ấn loát Xây Dựng, số 96/15 đường Thánh Mẫu, Chí Hòa, Sài Gòn.
2. Hành hương La Vang sau Đại hội 17 (1970).
a/ Đức Giáo hoàng Phaolô VI chúc lành cho Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang.
Khi được hỏi giấc mơ thành lập Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang, Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận cho biết(20):
“Phải nói là từ lâu rồi, từ lúc còn là thầy Đại Chủng viện, cha đã cưu mang và dưỡng nuôi nó bằng sự dâng hiến và phó thác, bằng những lời kinh, bằng những chuyến hành hương Thánh địa La Vang. Nhưng lần hành hương vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1966 là mốc điểm quan trọng cho giấc mơ này. Cha cùng đoàn Sinh viên Công giáo liên Đại học Việt Nam đã đi bộ hành hương từ Huế ra La Vang (60 km). Tại đây, lúc dâng thánh lễ cha đã cầu xin một cách đặc biệt và phó thác trọn vẹn giấc mơ này cho Đức Mẹ. Với dòng thời gian và công tác mục vụ, cha đã dần dần khám phá và thực thi giấc mơ đó theo ý Mẹ. Để chuẩn bị cho cuộc sống chung dưới mái nhà của Mẹ, cha đã tạo điều kiện để giáo dân làm quen với việc dấn thân có lời khấn trong cuộc sống, bằng cách khai nhập các phong trào Cursillo và Focolare tại Việt Nam, thành lập phong trào Công lý và Hòa bình (1968), Tu hội Hy Vọng (1971) là để đáp ứng nhu cầu này”.
Ngày 17-4-1971, tại Rôma, Đức Thánh cha Phaolô VI đã cùng với Đức cha PX Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Nha Trang nhìn bản đồ Việt Nam, nơi đang diễn ra cuộc chiến tranh tàn khốc. Đức Thánh cha ưu ái, hỏi han, lo lắng cho nền hòa bình tại Việt Nam, cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và chúc lành cho Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang(21).
Đức Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận nói tiếp:
“Hoàn cảnh đất nước và cá nhân thay đổi, tưởng đâu giấc mơ của cha sẽ chết dần mòn nơi tù đày và biệt xứ (…) Nhưng rồi theo thời gian, Đức Mẹ muốn cha thực hiện Công lý và Hòa bình ở mức độ rộng lớn hơn. Năm 1998, cha được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh. Qua công việc của Bộ cha lại có dịp đào sâu và thực thi Sứ điệp của Đức Mẹ”(22)…
TỔNG ĐẠI DIỆN (NAY LÀ ĐHY) PX. NGUYỄN VĂN THUẬN – HÀNG THỨ HAI – HƯỚNG DẪN ĐOÀN SINH VIÊN CÔNG GIÁO LIÊN ĐẠI HỌC MIỀN NAM ĐI BỘ TỪ HUẾ HÀNH HƯƠNG RA LA VANG
(Ảnh: Lê Ngọc Bưu, người vác Thánh Giá đi đầu)
b/ Hành hương La Vang kỷ niệm mười năm cung hiến Đền thờ và nhận tước hiệu Vương Cung Thánh Đường (23).
Nhân dịp kỷ niệm mười năm ngày cung hiến Đền thờ Đức Mẹ La Vang và tuyên bố Sắc chỉ Magno Nos Solatiocủa Đức Thánh cha Gioan XXIII nâng Đền thờ La Vang lên hàng Vương Cung Thánh Đường, hơn mười ngàn giáo hữu, hưởng ứng lời mời gọi của bề trên địa phận, đã tập trung về nhà Mẹ – Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang tham dự thánh lễ và rước kiệu Đức Mẹ để cầu nguyện cho hòa bình tổ quốc. Cha tân Tổng Đại diện Simon Nguyễn Văn Lập (thay cha Phaolô Lê Văn Đẩu từ nhiệm vào tháng 6-1971) chủ tế thánh lễ đồng tế tại đài Đức Mẹ. Trong bài giảng, cha Tổng Đại diện kêu gọi mọi người hãy hết lòng trông cậy vào Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh.
c/ Hành hương La Vang cầu nguyện cho hàng giáo sĩ (24).
Ngày 8-11-1971, cha Tổng Đại diện ra thông cáo cho biết Hội đồng Linh mục Huế trong khóa họp ngày 20-10-1971 đã quyết định chọn ngày 8-12-1971, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, làm ngày Hành hương La Vang cầu nguyện cho hàng giáo sĩ.
Hôm ấy các linh mục trong địa phận, sau khi bế mạc kỳ tĩnh tâm tháng 12 sẽ cùng nhau đến Vương Cung Thánh Đường La Vang dâng thánh lễ đồng tế.
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG DỊP KỶ NIỆM ĐỆ NHẤT CHU NIÊN NGÀY CUNG HIẾN (1961-1971)
(Ảnh: Ns.Đức Mẹ La Vang. Số 12, th.8-1962. Bìa 1)
Linh mục Tổng Đại diện, thay mặt Hội đồng Linh mục địa phận thiết tha kêu gọi các thành phần Dân Chúa: Các chủng viện, các tu viện, các giáo xứ và các hội đoàn tham gia ngày hành hương này để cùng nhau dâng lên Mẹ lời cầu nguyện chung cho hàng giáo sĩ. Thánh lễ đồng tế sẽ được cử hành lúc 10 giờ 30.
Để chuẩn bị thật tốt ngày hành hương, khắp nơi trong giáo phận sẽ tổ chức Tuần Cửu nhật trước lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cầu nguyện và thánh hóa bản thân. Đồng thời, cha sở La Vang GB Nguyễn Văn Đông xin các cha cổ võ, mời gọi giáo hữu hành hương La Vang vào ngày đã định.
d/ Dưới bóng từ bi Mẹ các cha Quản hạt Giáo phận Huế tham dự khóa họp tại La Vang (25).
Vào chiều ngày 8-12-1971, bế mạc cuộc hành hương La Vang cầu nguyện cho hàng giáo sĩ, các cha Quản hạt vừa được bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm (sau khóa họp thường lệ lần 2 năm 1971 của Hội đồng Linh mục Huế ngày 5-6-1971 nhằm cải tổ cơ cấu địa phận) đã ở lại tham dự phiên họp các linh mục quản hạt lần đầu tiên kể từ ngày cải tổ lại cơ cấu địa phận. Hiện diện trong buổi họp, có đầy đủ quý cha thuộc 9 hạt:
– Cha Etcharren (MEP) – Quản hạt Đông Hà.
– Cha Phêrô Trần Hữu Tôn – Quản hạt Thạch Hãn.
– Cha Giuse Đỗ Bá Ái – Quản hạt Trí Bưu.
– Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính – Quản hạt Thị xã Huế.
– Cha PX. Lê Văn Cao – Quản hạt Thạch Bình.
– Cha Phaolô Ngô Văn Triệu – Quản hạt Thuận An.
– Cha GB. Hồ Đắc Liên – Quản hạt Hà Úc.
– Cha Giuse Nguyễn Văn Trinh – Quản hạt Phú Bài.
– Cha Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc – Quản hạt Nước Ngọt (hay Hải Vân).
e/ Kiệu Minh niên 1972.
Ngày mồng ba Tết Nhâm Tý (17-2-1972), khoảng 10.000 giáo dân Địa phận Huế, theo truyền thống, tuôn đến La Vang tham dự kiệu Minh niên, dâng năm mới cho Đức Mẹ.
Không ngờ, kiệu Minh niên Nhâm Tý là cuộc hành hương lớn sau cùng dưới bóng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. Một tháng sau, ngôi đền thờ danh tiếng này bị sập đổ hoàn toàn dưới bom đạn chiến tranh.
f/ Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam viếng Đền La Vang.
Sau Tết Nhâm Tý 1972, Hội đồng Trung uơng Hướng đạo Việt Nam (HĐVN) đã tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn Hướng đạo Việt Nam 1972”, khởi đầu từ Đạo Ái Tử, Quảng Trị, lần lượt đi thăm hết các Đạo khắp miền Trung, Cao Nguyên và miền Nam do ba trưởng Huỳnh Văn Diệp, Chủ tịch Ban Thường vụ Hội HĐVN, Trần Văn Lược, Tổng ủy viên Hội HĐVN và Võ Văn Thơm, trưởng huấn luyện ngành Ấu, dẫn đầu.
Tại Quảng Trị, sau buổi viếng thăm và làm việc với Đạo Ái Tử, phái đoàn Hội đồng Trung ương HĐVN đã cùng các trưởng trong Đạo Ái Tử lên La Vang viếng Đền Đức Mẹ.
Nhân dịp này, các trưởng Công giáo đã vào Vương Cung Thánh Đường, lên Đền Mẹ quỳ cầu nguyện rất lâu. Sau đó, các trưởng cùng chụp hình lưu niệm trước Đền ba cây đa.
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM VIẾNG ĐỀN LA VANG
(Ảnh: Lê Ngọc Bưu)
C. THÁNH ĐỊA LA VANG HOANG TÀN ĐỔ NÁT.
I. LA VANG TRONG CHIẾN CUỘC MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972 – HIỆN TÌNH VÀ HẬU QUẢ.
1. Chung cho cả Miền Nam (26):
“Liên tiếp từ ngày 29-3-1972, ngày cuộc tổng tấn công chính thức mở màn, những biến cố nghiêm trọng đã dồn dập xảy ra cho cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam… Số đồng bào mất hết nhà cửa, cơ nghiệp đi chạy loạn tới những vùng tương đối an ninh hơn tại Nam Việt, đã lên tới 800.000 người! Nếu tính tỉ lệ người Công giáo chiếm 10% dân số thì trong đó có ít nhất 80.000 người Công giáo là nạn nhân của cuộc chiến”…
“Vùng giới tuyến, gồm Quảng Trị, Thừa Thiên… được kể như những miền đất tang thương nhất. Khắp nơi, tràn ngập những bom đạn, những cảnh chết chóc, tàn phá, di tản”…
2. Riêng cho Quảng Trị:
Với hậu quả của chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa 1972, Quảng Trị chỉ còn lại là một đống gạch vụn ngổn ngang. Toàn bộ cơ sở vật chất của Giáo phận Huế tại Quảng Trị đã hoàn toàn bình địa, “không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”: Nhà thờ Thạch Hãn, nhà thờ Trí Bưu, nhà thờ Long Hưng, nhà thờ Dương Lộc, nhà thờ Ngô Xá…, các lăng tử đạo, các trường học, các tu viện, các cơ sở từ thiện…, trong đó, nặng nề nhất, thương tâm nhất là Nhà Mẹ: Thánh địa La Vang.
Về nhân mạng, chiếm đa số trong 10.000 người chết trong chiến cuộc 1972, trên các tỉnh miền Nam, là dân Quảng Trị, trong đó có cái chết thương tâm của linh mục Audigou (cố Hậu).
Ngày 31-3-1972, nhằm ngày thứ sáu Tuần Thánh, nghĩa là sau hai ngày chiến cuộc nổ ra, cha sở Cam Lộ Audigou Hậu bị tử thương vì một bọc plastic vứt vào xe:
BÊN TRONG NGÔI NHÀ THỜ ĐỔ NÁT Ở QUẢNG TRỊ
(Ảnh David Burnett, 5/1972 – Internet)
“Lúc đó là 10 giờ sáng, bổn đạo Cam Lộ đang tập trung trong nhà thờ, cùng cha sở Audigou lo chuyển thương những nạn nhân đi cấp cứu trên xe riêng của ngài. Khi xe ra khỏi nhà thờ chừng 200 mét, trên xe có chở ba hay bốn bệnh nhân, thì phát nổ. Tất cả mọi người trên xe đều chết. Cha Audigou chết vì những vết thương sau lưng và sau gáy. Bổn đạo tuôn ra lấy xác ngài và tổ chức lễ an táng ngay trước sân nhà thờ.
Cha Conan và cha Mauvais cũng ở Cam Lộ, đã may mắn trốn thoát được cùng một số đồng bào dân tộc. Riêng cha Louis Nguyễn Văn Bính, chính xứ Cùa, hạt Đông Hà thì đã cương quyết ở lại với con chiên”(27).
3. Và Thánh địa La Vang:
Chiều lễ Phục Sinh, ngày 2-4-1972, chiến cuộc đã lan đến Thánh địa La Vang… La Vang rung chuyển từng hồi, gồng mình chịu trận những đợt oanh kích, pháo kích, giao tranh dữ đội, bom rơi đạn nổ:
“Với chiến cuộc 1972, toàn bộ khu vực La Vang bị đổ nát. Các công trình xây dựng trước đây như Tiểu Vương Cung Thánh Đường, nhà cha xứ, nhà Tĩnh Tâm, tu viện MTG Di Loan… đều bị sụp đổ do bom đạn chiến tranh liên tiếp gây nên. Đền thánh tróc hết mái, còn lại ít đòn tay, rui mè đan vào nhau như một lưới nhện tả tơi… Các pho tượng Mười lăm Mầu nhiệm Mân Côi sứt mẻ. Bức tượng Chúa Giêsu Vác Thánh Giá Ngã Xuống Đất cũng bị đổ xuống. Chỉ còn nơi Linh đài Đức Mẹ hiện ra, ba cây đa đứng vững nguyên vẹn, trừ thân bên tả bị một vết xước nhỏ do một viên đạn lạc”(28).
Hai tháng sau, kể từ ngày chiến cuộc nổ ra, Đức TGM Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền trong Lời ngỏ cùng địa phận trong thời chiến đau buồn viết:
“Hai tháng rồi, chiến tranh thảm khốc đãgiẫm nát một nửa Giáo phận Huế. Nhà cửa tan tành, mùa màng thối rục, giáo dân di tản… Nhà thờ, trường học, cơ sở bác ái xã hội, kể cả Trung tâm Thánh Mẫu La Vang… Những thứ tiêu biểu cho sức sinh hoạt Công giáo trong tỉnh Quảng Trị bấy lâu, thì hôm nay kể như không còn nữa. Công trình của bao năm gầy dựng hầu như mất cả rồi!”(29)
Tháng 8-1972, nghĩa là hơn ba tháng kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến, linh mục chủ nhiệm nguyệt san Sacerdos đã ra thăm La Vang, cha đã ghi lại cảnh La Vang điêu tàn(30) như sau:
“Cả khu vực La Vang đều đổ nát, không một cây nào không mang vết đạn. Mái ngói nhà thờ La Vang Chính đã sập gần hết, trong khi nhà thờ La Vang Thượng chỉ còn là đống gạch vụn.
Tất cả những nhà gạch có, gỗ có trong khu vực La Vang nằm ở ngoại ô Quảng Trị đều không còn mái. Nhiều dãy nhà sập hoàn toàn, hay chỉ còn sót lại mấy bức tường đầy vết đạn và đất.
Quanh các khu nhà đổ nát, khu vực La Vang chằng chịt hầm hố cá nhân. Nhiều hố lớn được ngụy trang kín đáo…Nhiều xác gia súc chết vẫn còn nằm phơi bộ xương trắng hếu, mùi hôi thối tỏa khắp vùng, trộn lẫn với cả xác lính, xác người dân chết vì bom, mìn, đạn pháo.
Không một bóng dáng gia súc nào lảng vảng trong vùng Linh địa La Vang, dù là một con gà, một con bò hay một chú chó. Trong khi ruồi nhặng bám đầy trên những xác chết, chúng vụt bay tứ tung khi gặp các toán quân tiến vào.
Ruộng lúa trong khu vực La Vang khô cằn, những cuốn rạ xác xơ, nhiều đám cỏ đã mọc cao hơn.
Tất cả những bức tượng trong khu hành hương La Vang đều không còn nguyên vẹn. Vết đạn bom làm thủng nhiều nơi, cảnh hoang tàn bao trùm La Vang với những cây cao gãy ngọn, cành lá xác xơ vung vãi đầy trên mặt đất.
Giữa cảnh hoang tàn đổ nát, bức tượng Đức Mẹ đầy vết đạn vẫn sừng sững trên tháp nhà thờ La Vang Chính. Thấp hơn, hình ảnh Chúa Giêsu vẫn nằm nguyên trên thánh giá dính chặt trên bức tường loang lổ. Một người lính buộc miệng: ‘Chỉ còn Chúa!’
Nhà thờ La Vang Thượng, cạnh Quốc lộ 1, cách tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng gần 4 cây số đường bộ, chỉ còn lại ba bức tường không nguyên vẹn. Bức tượng Chúa Chuộc Tội vẫn còn dính trên tường loang lổ. Một hình ảnh khá ‘linh thiêng!’
Nhiều ký giả ngoại quốc đến đây đều làm dấu Thánh Giá trước khi thu hình. Nhiều người lính giữ thái độ kính cẩn, cúi đầu, cầu xin.
Ngay tại nhà thờ La Vang Chính, chỉ còn khoảng hơn 10 tín hữu tiếp tục sống ở đây. Một bà lão gần 70, đã nói: ‘Hơn trăm năm trước đây, Đức Mẹ đã hiện ra ba lần và dặn tổ tiên chúng tôi phải ở lại, nên chúng tôi không thể rời bỏ chỗ này’…”.
Và La Vang, một năm sau cuộc chiến Mùa hè Đỏ lửa, tháng 3-1973, tác giả Vinh Danh đã diễn tả quang cảnh nhà Mẹ như sau(31):
“Sáng ngày 21-3-1973, trời khô ráo. Vào lúc 7 giờ 45, tôi đi theo Đức Tổng Giám mục và Cha Tổng Đại diện ra Quảng Trị…
Xe bắt đầu vào cổng Công trường La Vang lúc 9 giờ. Bầu không khí quá thinh lặng. Chỉ nghe vài tiếng súng nổ xa xa và tiếng xe chạy. Phần đông các bức tượng Mười lăm Mầu nhiệm nơi công trường bị đổ nát, trừ một vài bức còn nguyên. Còn bức tượng Chúa Vác Thánh Giá bị lật xiên ra ngoài. Hai bên công trường, các cột đèn nê-ông xơ xác. Công trường bị cày tan hết, đầy những vết xe, vết đạn lồi lõm đất và đá.
Nhìn lên, chúng tôi thấy trên tháp cao xiêu vẹo của Vương Cung Thánh Đường ba lá cờ đang bay. Đài mới xây chính giữa sân, thường dùng để hành lễ, nay bị rạn nứt hết, lòi cát trắng.
Vương Cung Thánh Đường trống trải vì vách hai bên không còn nữa. Gạch đá ngổn ngang được tấp vào hai bên để phía giữa nhà thờ được sạch sẽ. Nhìn lên nóc đền thờ, đầy rạn nứt và đang muốn sập, chúng tôi thấy những con chim sẻ đang bay lượn kêu chim chíp. Nơi chỗ rước lễ có treo một lá cờ Tòa Thánh và một lá cờ quốc gia. Một cái giá Micro cũ kỹ còn nằm trước cấp bàn thờ chính, có hai con voi sành đứng chầu. Nơi bàn thờ này, chúng tôi thấy những bảng Tạ Ơn.
Chỗ bảo tháp Đức Mẹ hiện ra, ba cây đa cổ thụ đúc bêtông cốt sắt còn đứng vững. Hai bên cây cối còn xanh, và một vài cây có hoa. Đức Mẹ vẫn đứng trên bậc cao nhưng không còn nhìn xuống nữa, vì đầu Ngài (đầu của bức tượng) đã bị súng đạn của hai bên Nam, Bắc bắn bay mất, nhưng vẫn còn cặp môi ở trên bức tượng. Người ta có thể nghe được từ cặp môi này những lời kỳ diệu của một giải pháp hòa bình đích thực và lâu bền cho tổ quốc chúng ta: ‘Các con hai bên hãy thật lòng từ bỏ mọi tị hiềm và thương nhau thật như anh em một nhà’.
Khi đứng sau lưng Vương Cung Thánh Đường, chúng tôi nhìn về phía nhà Tĩnh Tâm, tòa nhà đẹp nhất trong vùng Linh địa này, tuy không sụp xuống sát đất nhưng bị méo mó và bệ rạc hoàn toàn.
Chỗ tu viện MTG La Vang ngày trước, nay chỉ còn giơ lên một vài cái sườn sắt và vài bức vách trống.
Nhà cha sở thật điêu tàn. Lầu trên không lên được vì thang lầu hai bên, một đàng bị lủng mất, đàng kia bị gạch đá phủ đầy. Trong phòng cha sở, giấy tờ, sách báo, đồ đạc ngổn ngang, có bộ xương đầu con chó, mùi hôi thối, đứng lâu chịu không nổi.
Nếm chung số phận tỉnh Quảng Trị, Linh địa La Vang bề ngoài mang những đấu vết điêu tàn không tả được. Nhưng hơn bao giờ hết, Mẹ La Vang vẫn tiếp tục ban nhiều ơn cho con cái Ngài…”.
Sau 30-4-1975, nghĩa là hơn ba năm sau cuộc chiến, cha sở Diên Sanh E. Nguyễn Vinh Gioang đến kiêm nhiệm quản xứ La Vang, cho biết dấu tích hoang tàn nơi Linh địa vẫn còn kéo dài cho đến sau năm 1975:
“Chiến cuộc năm 1972 đã gây nên tổn thất vô cùng nặng nề cho Linh địa La Vang. Theo ghi chú của những nhân chứng tại chỗ, với chiến cuộc 1972, toàn bộ khu vực La Vang đổ nát. Đền thờ tróc hết mái và đổ sập thành một đống cao. Các dãy nhà khác trong Linh địa như nhà cha sở, nhà Tĩnh Tâm, nhà Đại Chúng, nhà dệt, nhà điện, tu viện đều sập nát tan tành, chỉ còn lại bức tường găm đầy những vết đạn và bùn đất. Cây cối tàn rụi, chỉ còn vài thân cây đứng vững nhưng xơ xác và sần sùi dấu vết đạn bom. Quảng trường Mân Côi bị bom đạn cày xới lỗ chỗ. Nhiều bức tượng trong quần thể Mười lăm sự Mầu nhiệmbịtan nát hoặc bị sứt mẻ trầm trọng. Hầm hố chằng chịt, xác chết ngổn ngang, ruồi nhặng đầy tràn, mùi tử khí tỏa ra khắp Linh địa La Vang. Chỉ còn ba cây đa nhân tạo nơi đài Đức Mẹ là vẫn đứng vững, nguyên vẹn. Dấu tích hoang tàn kéo dài cho đến sau năm 1975”(32)…
La Vang mùa binh lửa,
Bom nổ trên giáo đường.
Phong rêu màu gạch ố,
Nền Vương Cung cỏ hoang.
La Vang mùa binh lửa,
Lệ nhòa hay khói sương?
Lòng bùi ngùi nhớ thuở
Vương Cung đại giáo đường.
Đã qua mùa binh lửa,
Nhện còn giăng tháp chuông.
Cỏ hoang trên nền cũ,
Chạnh lòng khách hành hương!
(Thơ Trần Quang Chu – Trích: La Vang Quê Mẹ trong trái tim)
4. Hình ảnh Vương Cung Thánh Đường La Vang đổ nát:
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT
(Ảnh 1+2: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT (H3)
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT (H4)
(Ảnh3: Allen Schaefer, July 7, 1972. Ảnh 4: Internet)
II. CUỘC CHIA LY MÙA HÈ.
1. Giáo dân La Vang, Quảng Trị di tản.
Chiều lễ Phục Sinh 2-4-1972, đã ba ngày Quảng Trị chìm trong khói lửa, cuộc chiến lan đến Thánh địa La Vang:“La Vang rung chuyển lên bởi những trận mưa trọng pháo. LaVang không phải trại binh, không phải đồn lũy, mà La Vang phải chịu những đợt tấn công bằng bom đạn…”(33).
Trong cuộc hoảng loạn này, cùng với hàng chục vạn đồng bào Quảng Trị, giáo dân La Vang Chính và các giáo xứ La Vang định cư đã liều lĩnh vượt Đại lộ Kinh hoàng vô Huế, rồi cùng đồng bào Huế vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng.
NGƯỜI DÂN QUẢNG TRỊ, TRONG ĐÓ CÓ HÀNG NGÀN GIÁO DÂN LA VANG LÁNH NẠN CHIẾN TRANH, DI TẢN TRÊN ĐẠI LỘ KINH HOÀNG
(Ảnh: David Burnett, 5/1972 – Internet)
La Vang với gần 5.000 giáo dân nay chỉ còn bóng dáng mươi cụ già. Các giáo xứ La Vang định cư xem như bị xóa sổ, chỉ còn lại nhà Mẹ, đồng hành với dân tộc, chịu cảnh hoang tàn đổ nát.
2. Tu viện MTG La Vang, nạn nhân chiến cuộc.
Trong tiêu điều vắng lặng, 9 nữ tu MTG La Vang quyết ở lại với Mẹ, sống chết cùng Mẹ, giữ gìn nhà Mẹ, một tất không đi, một ly không rời. Và thật đau xót, ngày 15-6-1972, ba nữ tu nạn nhân chiến cuộc đã vĩnh viễn ra đi. Một dòng máu lệ được ghi trong lịch sử ḍng MTG Địa phận Huế. Một cuộc hành hương chân thật của các chị dòng, đi về Quê Mẹ La Vang:
Quê mình đạn réo bom rơi,
Chị là sao nhỏ cuối trời đã băng.
Chị về với Mẹ La Vang,
Gởi thân đất đỏ, cát vàng – chị đi.
Đã đành sinh ký tử quy…
(Thơ Trần Quang Chu – Trích:La Vang Quê Mẹ trong trái tim)
3. Cuộc chia ly Mùa hè 1972.
Cùng số phận với các nữ tu MTG La Vang, hàng trăm giáo dân đã bỏ xác lại trên Đại lộ Kinh hoàng, trong đó có không ít giáo dân La Vang. Giáo phận Huế không thể có con số thống kê chi tiết, vì hầu hết giáo dân La Vang di tản vào Đà Nẵng,vài năm sau, một số di cư vào miền Đông Nam Bộ, định cư ở Bình Tuy, Căn Cứ, Long Khánh… Còn số đông đi theo linh mục quản hạt Giuse Đỗ Bá Ái vào địa phận Nha Trang, lập giáo xứ Quảng Thuận (Quảng Trị – Ninh Thuận). Giáo xứ Quảng Thuận gồm nhiều họ đạo định cư gốc Quảng Trị, trong đó có một họ đạo giữ nguyên tên cũ: họ La Vang.
Cha sở La Vang Chính, kiêm quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang GB. Nguyễn Văn Đông di tản vào Đà Nẵng. Sau đó, vì tuổi già sức yếu, ngài vào nghỉ hưu tại Nha Trang và qua đời ở đó.
Cha Anrê Nguyễn Văn Trúc, cha sở La Vang Liên Xứ (La Vang Tả, La Vang Hữu, La Vang Thượng, La Vang Trung, Phước Môn) cũng di tản vào Đà Nẵng cùng các cha Địa phận Huế. Tạm yên, tháng 4-1974, trở về nhận quản xứ Quảng Vân, một giáo xứ định cư dưới chân đèo Phú Gia.
Cha Gioakim Nguyễn Tư, Tuyên úy Quân đội, cha sở La Vang Sư Đoàn cũng di tản theo các cha vào Đà Nẵng rồi vào Nha Trang, được bổ nhiệm quản xứ họ định cư Vĩnh Bình, Cam Ranh.
La Vang không có cha sở.
Tháng 11-1973, cùng với chương trình hồi cư, cha Tôma Lê Văn Cầu tự nguyện ra ở La Vang Thượng, trùng tu nhà thờ La Vang Thượng. Có cha sở, có nhà thờ, giáo dân lục tục hồi hương, nhưng đó chỉ là phần nhỏ, thưa thớt, so với lớp người đông đảo ra đi.
Năm sau,1974, cha Tôma Lê Văn Cầu ra Ngô Xá, La Vang không có linh mục, Đức cha cử cha Tuyên úy Tiểu khu Quảng Trị Hiêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm tạm kiêm cha sở La Vang, cho đến ngày 30-4-1975.
Tổng hạt Dinh Cát, từ 3 giáo hạt Đông Hà, Thạch Hãn, Trí Bưu, nay chỉ còn lại một hạt: hạt Quảng Trị. Từ 31 giáo xứ với 33.438 giáo dân chỉ còn lại 8 giáo xứ với 7.646 giáo dân(34). Như vậy, đã có 25.792 giáo dân di tản không trở về, trong đó có một số chết vì bom đạn chiến tranh.
III. HÀNH HƯƠNG LA VANG TRONG HOANG TÀN ĐỔ NÁT.
1. Những người lính VNCH trên đường hành quân kính viếng Đức Mẹ La Vang.
Trong khi từng đoàn con cái Mẹ theo đoàn người tị nạn chiến tranh bỏ xứ ra đi thì lại có những người lính VNCH trên đườnghành quân dừng chân kính viếng Đức Mẹ.
a/ Thi thoảng, một vài người lính Công giáo bước vội lên Linh đài Đức Mẹ, buông súng một bên, quỳ bên tượng Đức Bà Xuống Ơn lâm râm cầu nguyện xin ơn bình an, tin tưởng phó thác việc sinh tử trong tay Mẹ.
b/ Một người lính không Công giáo, có lẽ là một sĩ quan trẻ mới ra trường, từ góc tường đền thờ sụp đổ, nơi trú ẩn, bất chợt nhìn thấy cây Thánh Giá vẫn còn nguyên vẹn: Chúa vẫn còn đó! Bên trái đền thờ, Linh đài Mẹ và tượng Mẹ cũng còn đó: Mẹ vẫn còn đó! Trong giây phút lắng lòng, niềm tin chợt đến, anh bước vào đền thờ, quỳ trước cung thánh sụp đổ, nhìn lên cây Thánh Giá cầu xin ơn bình an.
Một phóng viên chiến trường của hãng AP tình cờ đi qua chụp được tấm hình. Ngày hòa bình vãn hồi, người ta thấy anh trở về đời sống thường dân ở thành phố Ban Mê Thuột.
HAI NGƯỜI LÍNH VNCH QUỲ CẦU NGUYỆN TRƯỚC LINH ĐÀI ĐỨC MẸ XIN ƠN BÌNH AN, PHÓ THÁC VIỆC SINH TỬ TRONG TAY MẸ
(Ảnh: Internet)
MỘT NGƯỜI LÍNH VNCH CẦU NGUYỆN TRONG ĐỀN THỜ LA VANG ĐỔ NÁT
(Ảnh: Thông tấn xã AP, 7/1972 – Internet)
2. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu quỳ cầu nguyện trong Vương Cung Thánh Đường La Vang đổ nát.
Giữa tháng 9 năm 1972, khói lửa cuộc chiến “Mùa hè Đỏ lửa” còn đang tiếp diễn ở tỉnh thành Quảng Trị. Ngày 20-9-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cùng hai tướng VNCH Ngô Quang Trưởng và Bùi Thế Lân, đến thị sát mặt trận Cổ Thành. Trên đường di chuyển, đoàn xe của Tổng thống chạy qua nhà thờ La Vang. Tổng thống Thiệu cho lệnh dừng xe và bước vào quỳ gối cầu nguyện trong Vương Cung Thánh Đường đổ nát, trong khi đại bác 130 ly của Mặt trận Giải phóng vẫn còn nổ vang quanh đó.
TỔNG THỐNG VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU QUỲ CẦU NGUYỆN TRONG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT, 20-9-1972.
(Ảnh: Đức Mẹ La Vang.Internet)
Hết Chương 16
———————————————–
(14)Nội san La Vang. Số 27, 28, 29, th.5 + 6-1970, tr.4.
(15)Nội san La Vang. Số 27, 28, 29, th.5 + 6-1970, tr.5.
(16)Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 14, th.7.1970, tr.7.
(17)Nội san La Vang. Số 27, 28, 29, th.5 + 6-1970, tr.8-10.
(18) Tài liệu của Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang. Bản đánh máy.
(19)Ái Tử La Vang: Đại hội La Vang 1970.Ns.Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bộ mới. Số 14, th.7-1970, tr.6 và 31.
(20) Mộng Hằng: Đẹp quá giấc mơ (Đức Hồng y TGM PX Nguyễn Văn Thuận và cộng đoàn Đức Mẹ La Vang), tr.30-31.
(21) Đức Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận:Chứng nhân và Hy vọng, tr.7.
(22) Mộng Hằng. Tài liệu đã dẫn, tr.31.
(23)Bản Thông tin Giáo phận Huế. Số 10, th.10-1971, tr.3.
(24)Bản Thông tin Giáo phận Huế. Số 12, th.12-1971, tr.8.
(25)Xem Bản Thông tin Giáo phận Huế. Các số đã dẫn.
(26)Sacerdos – Linh mục nguyệt san. Số 126, th.6-1972, tr.337.
(27)Sacerdos – Linh mục nguyệt san. Số 125, Th.5-1972, tr.325-326.
(28)Thánh địa Đức Mẹ La Vang. 1998. Toà TGM Huế, tr.26.
(29)Sacerdos – Linh mục nguyệt san. Số 127, th.7-1972, tr.428.
(30)Sacerdos – linh mục nguyệt san. Số 128, th.8-1972, tr.449-450.
(31)Bản Thông tin Giáo phận Huế. Số 28, th.4-1973.
(32)Trích Văn bản bàn giao của linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diêm Sanh kiêm La Vang – Dịp lễ nhận chức Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang của linh mục Giuse Dương Đức Toại, ngày 16-2-1995.
(33)Ns. Thánh Tâm. Số đặc biệt th.10-1972.
(34)Số liệu từCông giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995). Công giáo và Dân tộc. 1996, tr.253.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 16 – Phần 2