Chúa Nhật Lễ Hiển Linh – Họ Sấp Mình Thờ Lạy Người – Giải thích bản văn Tin Mừng

04/01/2024

Mt 2,1-12:  Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Sau khi nói về gia phả của Chúa Giêsu ở chương 1, đoạn 2,1-12, nằm trong văn mạch 2,1-23, bàn đến thái độ của con người khi Chúa Giêsu đến trần gian.

Chúa Giêsu sinh ra không chỉ để làm vua của Israel (2,1; 21,5), mà còn làm đấng Kitô của mọi người. Câu hỏi của các nhà chiêm tinh: “Đức vua dân Do thái mới sinh ở đâu?” (2,2) sẽ được lập lại cách khác qua miệng của Hêrôđê: “đấng Kitô sinh ra ở đâu?” (2,5). Điều nầy muốn nói Chúa Giêsu là vua, nhưng không phải là vua trần tục như Hêrôđê, và như các thượng tế và kinh sư thời đó hiểu. Cách nói: “Vua dân Do thái” sẽ được lặp lại cách chế giễu trong trình thuật khổ nạn, đặc biệt khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá (27,11.29.37.42). Là Vua dân Do thái, Chúa Giêsu đã chết để cứu dân Người khỏi tội (1,21).

Tuy mới mở đầu Tin mừng, Mathêô đã cho thấy những khuôn mặt đối nghịch với vương quyền của Chúa Giêsu: các thương tế và kinh sư, thành Giêrusalem và Hêrôđê. Các thượng tế và kinh sư là những đại diện cho quyền bính tôn giáo tại Giêrusalem. Nhờ thông thạo Sách Thánh, họ biết có vị vua mới của họ sinh ra ở Bêthlêem – không xa Giêrusalem bao nhiêu, nhưng họ không đến thờ lạy (2,6). Cả thành Giêrusalem thì hoang mang khi nghe tin ấy. Cả thành còn xao động và run sợ hơn khi chính Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem trong tiếng hoan hô (21,9-10), nghĩa là họ không chấp nhận vương quyền của Người (2,5-6; 21,10). Còn Hêrôđê, đại diện cho thế quyền, thì tìm cách giết vị vua mới ra đời (2,7.16-32). Thái độ đối nghịch của những người nầy tăng dần và trải dài suốt sứ mạng của Chúa Giêsu, và kết thúc bằng việc đóng đinh Vua Do thái nầy trên thập giá.

Do sự đóng lòng nầy, vương quyền của Chúa Giêsu mở ra cho những người ngoài Israel, mà đại diện trước tiên là các nhà chiêm tinh. Họ đến từ hướng mặt trời mọc, gọi là phương đông. Những dân tộc ở phía đông của Israel không phải là con cháu của Abram và Giacóp, tuy nhiên nhiều người trong họ sẽ được dự tiệc với các ngài trong Nước Trời (8,11; 21,34).

Hành trình đức tin của các nhà chiêm tinh: đi từ một dấu chỉ, ở đây là ánh sao (2,2), đến việc tìm giải thích dấu chỉ trong sách thánh (2,5-6) và sau cùng là gặp gỡ và thờ lạy Đấng mà dấu chỉ nhắm đến (2,11). Ánh sao sẽ tiếp tục dẫn đường các nhà chiêm tinh, cho đến khi họ gặp được Đấng là ánh sáng, chiếu tỏa giữa tăm tối cho những người có lòng ngay (4,11). Đến Bêthlêem, họ không thấy một vị vua cao cả, oai nghiêm, mà chỉ thấy một hài nhi bé nhỏ (2,11). Nhưng hài nhi ấy cũng chính là Con Thiên Chúa, là Chúa Giêsu và Nước Trời (2,15; 18,4-5). Như thế, nhờ một ánh sao, các nhà chiêm tinh đã gặp được đấng tạo nên cả vũ trụ. Trong khi đi tìm một vị vua trần gian, họ đã gặp được đấng Cứu Thế của muôn dân (2,5).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến