“Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…”

20/03/2024

Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta đã đi được nửa hành trình của Mùa Chay thánh. Mùa Chay là mùa hồng phúc, mùa đổi mới, và mùa sám hối trở về với Thiên Chúa và tha nhân. Ba cột trụ truyền thống giúp người tín hữu sống tâm tình của Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay, và làm việc bác ái. Mỗi cột trụ này giúp cải thiện và hàn gắn mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa bằng những cách thức khác nhau.

Trước hết, cầu nguyện giúp con người đi sâu hơn vào tương quan với Thiên Chúa. Vì khi sống tâm tình cầu nguyện, chúng ta sống chậm lại, dành thời gian để nhìn lại đời sống của chúng ta, và củng cố mối tương quan của chúng ta với Chúa. Đồng thời, gia tăng thời gian cầu nguyện trong Mùa Chay còn nhắm tới mục đích tưởng niệm và thông phần vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Đời sống cầu nguyện cũng giúp ta củng cố tương quan với tha nhân khi chúng ta được mời gọi cầu nguyện nhiều hơn cho nhu cầu của thế giới và những anh chị em đang sống xung quanh chúng ta.

Bên cạnh việc cầu nguyện, thì ăn chay là cột trụ truyền thống được biết đến một cách rộng rãi nhất. Giáo Hội không ngừng mời gọi người Kitô hữu thực hành việc chay tịnh một cách thiết thực qua việc chay những tin nhắn chia rẽ bằng cách thực hiện khích lệ yêu thương, chay những lời nói xấu bằng việc tập cắt nghĩa tốt, nói tốt, và nghĩ tốt về nhau, và chay lòng bằng đời sống thánh để xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Hơn lúc nào hết, việc ăn chay thiết thực không chỉ đơn thuần là kiêng bớt những món ăn vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh như luật Giáo Hội buộc, mà ý nghĩa hơn cả là giảm bớt chi tiêu để giúp cho những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là một trong những mục đích chính của việc ăn chay.

Chính vì thế việc làm thiết thực của ăn chay được gắn liền với cột trụ thứ ba của Mùa Chay là làm việc bác ái. Việc bác ái không phải đơn thuần là việc “bố thí” như nhiều người nghĩ, nhưng đây là một hành động của đức tin và đức ái. Qua việc bác ái, chúng ta diễn tả niềm tin của mình nơi tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và thực thi giới luật yêu thương của Người. Bên cạnh đó, thực thi bác ái còn là cách giúp chúng ta đền bù tội lỗi của mình và củng cố mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa khi chúng ta giúp đỡ anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, thăm viếng bệnh nhân và an ủi những người sầu khổ. Vì khi chúng ta phục vụ anh chị em mình là chúng ta đang phục vụ chính Thiên Chúa, như xưa Chúa Giêsu đã nói, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các người đã đến thăm” (Mt 25: 35-36). Lời khẳng định này của Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta một cách hiện diên mới của Thiên Chúa, cách hiện diện này làm cho chúng ta dễ đụng chạm, sờ mó, và cảm được bằng các giác quan của con người. Rõ ràng, Chúa không chỉ hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, mà Ngài còn hiện diện nơi mọi người, cụ thể nơi những anh chị em nghèo đói, khách lạ, trần truồng, đau yếu, và ngồi tù.

Khuôn mặt của Chúa Giêsu Khổ Nạn được tưởng niệm trong mùa thương khó thể hiện rõ nét nơi khuôn mặt đầy đau khổ, phiền muộn, và yếu đuối của những người bên lề xã hội khi Ngài ngửa tay xin con người giúp đỡ. “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40). Chúa đã đồng hóa mình với những con người bé nhỏ, nghèo hèn, và đau khổ. Vì thế, khi chúng ta khước từ họ, là chúng ta khước từ chính Chúa. Như thế, khi càng yêu Chúa thì chúng ta càng phải yêu thương tha nhân, yêu mến những người kém may mắn hơn chúng ta, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, và màu da vì tất cả chúng ta là anh em với nhau.

Ý thức được ý nghĩa và bổn phận sống tâm tình Mùa Chay Thánh, Ban Bác Ái Xã Hội của Dòng Thánh Tâm Huế đã lên đường thăm và trao quà cho 120 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Giáo Họ Ba Lòng, thuộc Giáo Xứ Khe Sanh, Tổng Giáo Phận Huế, vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2024, trong tuần thứ III của Mùa Chay. Phần quà là những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống của con người nơi đây, gồm: gạo, dầu ăn, xì dầu, bột ngọt, lạp xưởng, và xà bông tắm giặt.

Người Việt Nam thường nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Món quà tuy ít ỏi về vật chất, nhưng lại chất chứa bao tình cảm mến thương, sự trân quí giữa người trao và người nhận trong tình gia đình. Trong niềm vui gặp gỡ và chia sẻ ấy, ai cũng thầm tạ ơn Chúa, biết ơn nhau, và tri ân các vị ân nhân đã quảng đại giúp đỡ để Ban Bác Ái Xã Hội của Dòng trở thành cầu nối yêu thương. Quả thật, khi chia sẻ cho tha nhân không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng làm cho chúng ta trở nên giàu có hơn, đó là giàu tình Chúa, giàu tình người, và giàu niềm vui. Đây chính là mục đích của Mùa Chay thánh, mùa làm mới lại tương quan giữa ta với Thiên Chúa và với tha nhân qua việc gặp gỡ Chúa, gặp gỡ mình, và gặp gỡ nhau.

Thay cho lời kết, xin được mượn lời nguyện sau: “Lạy Cha, xin cho chúng con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, và tiền bạc của con cất giấu thuộc về người thiếu thốn… Xin Cha dạy con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương mọi người”.

Vincent Pham, CSC