Lược sử Giáo sở Phù Lương

16/01/2020

GIÁO SỞ PHÙ LƯƠNG

 GIÁO XỨ PHÙ LƯƠNG

GIÁO HỌ TÔ ĐÀ – GIÁO HỌ PHÚ BÀI

 GIÁO XỨ PHÙ LƯƠNG

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo sở Phù Lương, thuộc Giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế 12 km về phía đông nam. Bắc giáp Giáo xứ Thần Phù, ga Hương Thủy; nam giáp sân bay Phú Bài; đông giáp Giáo xứ Lương Văn; phía tây tận khu tân lập giáp xã Phú Sơn. Nhà thờ Phù Lương nằm cạnh đường Nguyễn Tất Thành, phía trái nếu đi từ Huế vào Nam.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ những nông dân, giáo dân tỵ nạn và gia đình binh sĩ (1945-1954)

Vào thời kỳ chiến tranh Việt Pháp (các năm 1945-1954), để tránh tình hình bất an và các cuộc khủng bố ở những vùng nông thôn hẻo lánh thuộc tỉnh Thừa Thiên, nhiều tín hữu đã chạy tỵ nạn hoặc theo chồng là binh sĩ đến khu vực Phú Bài (lúc ấy có phi trường do người Pháp xây năm 1940 và nhiều cơ sở quân đội) để ở và dần dần hình thành một cộng đoàn Công giáo. Sau hiệp định Genève (1954) chia đôi đất nước, nhiều giáo dân bên kia vĩ tuyến 17 chạy vào nam và được Giáo phận giúp cho định cư ở Phú Bài. Lúc đó, chưa có thánh đường, chưa có cha xứ, họ phải đi lễ ở nhà thờ Lương Văn và Thần Phù gần bên.

2- Dưới sự chăm sóc của các linh mục tuyên úy quân đội (1954-1975)

Vì nhu cầu chăm sóc đời sống đạo cho giáo dân ngày càng đông, các cha tuyên úy quân đội trong vùng bắt tay xây dựng giáo xứ và nhà thờ. Giáo xứ lúc ấy được gọi là giáo xứ Phi Trường. 

– Cha Têphanô Nguyễn Quý Trọng (1957)

Làm tuyên úy quân đội từ đầu năm 1957, chuyên lo các gia đình Công giáo quanh vùng. Nhưng cuối năm ngài bị tai nạn giao thông và qua đời ngày 27-12-1957 tại Phú Bài, gần cầu Ba Cửa, cách cổng nhà thờ hiện nay khoảng 300m. Ngài là em ruột của cha Nguyễn Văn Nghi.

– Cha Giuse Đỗ Bá Ái (1957-1962)

Làm tuyên úy Quân đoàn I (đóng tại Phú Bài) từ năm 1957-1962, kiêm quản xứ Phi Trường. Ngài dựng nhà thờ tạm trên chỗ nhà thờ hiện nay.

– Cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ (1962-1967)

Làm tuyên úy quân đội và quản xứ từ năm 1962-1967. Xây nhà xứ.

– Cha Giuse Nguyễn Văn Trinh (1967-1975)

Làm tuyên úy Sư đoàn I Bộ binh và quản xứ từ năm 1967-1975.

Năm 1968, ngài lập và lo trại tiếp cư ngay sau biến cố Mậu Thân, chứa giáo dân các giáo xứ quanh thành phố Huế chạy về lánh nạn. Lúc ấy ngoài nhà thờ Phi Trường còn thêm nhà thờ Tân Lương, Diêm Tụ, Mỹ Trung, Mỹ Lạc nay gọi là Mỹ Trung.

Năm 1970 Ngài trùng tu nhà thờ Phi Trường tồn tại cho đến ngày nay.

Ngài lập trường Tam Giang, từ lớp Mẫu giáo đến lớp 12. Hiện cơ sở đó vẫn còn, nhưng nhà nước đang trưng dụng (từ sau tháng 4-1975).

Ngài lập bệnh viện Từ Ái, ngay phía sau Nhà thờ, nhưng bệnh viện này nay bị cán bộ nhà nước chiếm dụng, phân mảnh, xây nhà. Một số di tích vẫn còn nhưng một con đường lớn chạy qua khu vực ấy hiện đang được mở.

Cha quản xứ Giuse có các phó xứ sau đây:

– Cha Giuse Nguyễn Văn Hội, từ năm 1968 đến 1972. Tháng 9-1972, chia giáo sở, cha Hội làm quản xứ Tân Lương đến tháng 3-1975. Trong hai năm rưỡi, ngài đã rửa tội 136 người.

– Cha Phêrô Lê Đình Khôi: 1972-1973.

– Cha Antôn Nguyễn Văn Bình: 1973-1975.

Lúc bấy giờ, Giáo xứ cũng được các thầy Đại chủng viện và các chị Dòng Mến Thánh Giá đến giúp. Các chị có một sở ngay sau nhà xứ, cạnh bệnh viện Từ Ái. Sở này chấm dứt năm 1975.

3- Giai đọan từ 1975 đến hôm nay

– Cha Raphaen Bửu Hiệp (1975-1988)

Làm quản xứ kiêm quản hạt Hương Phú từ năm 1975 đến năm 1988. Số gia đình Công giáo là 199. Thời cha Bửu Hiệp bắt đầu cai quản, chỉ còn một nhà thờ và giáo xứ Phi Trường.

Đến tháng 3-1979, giáo xứ được đổi tên là Phù Lương. Cha Raphaen xin các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng về giúp.

Lúc ấy, ngoài giáo xứ chính Phù Lương, có thêm hai giáo họ là Tô Đà và Phú Bài, cả hai đều cách Phù Lương 5 km về phía đông đông nam. (xem bản đồ)

Ngày 19-3-1984, cha sở Lương Văn Phêrô Nguyễn Hữu Giải bị nhà cầm quyền bắt đi tù (trong gần 6 năm trời). Không để con cái sống cảnh bơ vơ, với tư cách quản hạt, cha Raphaen Bửu Hiệp đã tạm thời kiêm nhiệm Lương Văn theo ý Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền. Mặc dù xấp xỉ tuổi 70, cha vẫn rất nhiệt tình với Lương Văn, để lại cho giáo hữu nơi đây biết bao gương sáng, lòng đạo.

Tuy nhiên, vì sức khỏe ngày một suy yếu, cha đã xin chuyển giao quyền hạt trưởng lại cho cha Giacôbê Trần Văn Thời vào đầu năm 1988 dưới sự chuẩn y của Đức Hồng y Trịnh Văn Căn.

Cha Raphaen qua đời ngày 16-12-1988, tại nhà xứ do tuổi già và bệnh tật.

– Cha Giacôbê Trần Văn Thời (1988-1994)

Đang khi làm quản xứ Hòa Đa (từ 1980), ngài lên làm quản hạt Hương Phú đầu năm 1988, và cũng kiêm luôn Phù Lương lẫn Lương Văn sau khi cha Bửu Hiệp qua đời. Ngài giữ cả 4 trách nhiệm cho đến vài tháng trước khi Chúa gọi về ngày 18-9-1994, vì bệnh tật.

Ngài lợp lại mái tôn nhà thờ, sửa nhà xứ Phù Lương, xây dựng nhà thờ Tô Đà, nhà nguyện Mỹ Trung. Đúc một phần sân nhà thờ Phù Lương.

– Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hoàng (11/12/199404/8/2008).

Ngài đã làm các mái vòm và các mái hiên nhà thờ.

Thành lập Gia đình Khôi Bình (gần 300 thành viên) và Thiếu nhi Thánh Thể. Ngài chủ trương hát cộng đoàn trong phụng vụ nên bỏ ca đoàn.

Ngài cũng gặp nhiều khó khăn từ một số viên chức địa phương chỉ vì bảo vệ tài sản giáo xứ. Được bổn đạo yêu mến và thán phục. Ngài qua đời tại giáo xứ sau một cơn bệnh.

– Cha Đôminicô Phan Phước (9/2008-8/2010)

Sắp xếp những sinh hoạt các đoàn thể trong giáo xứ, chấn chỉnh phụng vụ, tái lập ca đoàn.

Tại họ nhánh Phú Bài, nhà thờ bị xuống cấp dột nát, bị bỏ hoang nhiều năm không có Thánh lễ, cha đã trùng tu phần tường, làm mới phần mái, làm lại toàn bộ cửa chính, cửa sổ, sơn quét lại khang trang. Tại Tô Đà, hiên nhà thờ bị trầm được xây lại, sắp xếp chỉnh trang sân nhà thờ.

– Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Huy (19/8/201021/10/2012)

Ngài nâng nền Nhà thờ, sơn lại cung thánh, sửa sang nhà xứ. Rời giáo xứ vì lý do sức khỏe.

Bên trong nhà thờ Phù Lương ngày Cha P.X. Nguyễn Văn Thương nhận nhiệm sở

– Cha Bênađô Trần Lương ( 09/11/201224/07/2013).

Ngài đã kêu gọi các ân nhân dâng cúng bàn thờ, tượng Thánh Giuse và thư đài bằng đá. Bàn thờ được cung hiến vào ngày 22-6-2013.

Ngài được Chúa gọi về một cách đột ngột tại nhà xứ vào rạng sáng ngày 24-07-2013, trước sự bùi ngùi thương tiếc của giáo dân. Đây là vị quản xứ thứ 5 qua đời tại nhiệm sở Phù Lương.

– Cha Philipphê Hoàng Linh (29/10/2013-23/05/2019)

Xây nhà xứ mới khang trang và khánh thành ngày 1-5-2015. Kiến tạo công viên và dựng tượng đài Đức Mẹ.

Dưới thời ngài, một kẻ thù ghét đạo đã bẻ đầu tượng thánh Giuse trong công viên nhỏ trước nhà thờ. Nay tượng đã được làm lại.

– Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thương (12-07-2019…..)

Bài sai ký ngày 10-05-2019 do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

 III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

– Giuse Nguyễn Điền, sinh: 04-08-1945, chịu chức: 13-3-1998. Nghỉ hưu tại Nhà Chung.

– Gioan Baotixita Phạm Quốc Huy, sinh: 20-2-1974, chịu chức: 03-12-2002. Mục vụ tại Hoa Kỳ.

2- Tu sĩ, chủng sinh

– Đại chủng sinh Giuse Cao Tuấn Vũ (lớp Triết 1)

– Nữ tu Têrêxa Lê Thị Hằng, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

– Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Hoa, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (khấn trọn 2015)

3- Giáo dân

– Năm 1975 (trước): khoảng 6000 người.

– Năm 1975 (sau): khoảng 1.000 người.

– Năm 1999 : 837 người.

– Năm 2010 : 1160 người.

– Năm 2015 : 1075 người,

– Năm 2020 : 1057 người.[1]

Nhà thờ Tô Đà

Hiện nằm ở thôn Tô Đà, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nhà thờ Phú Bài

Hiện nằm bên cạnh Quốc lộ 1A, thôn 5, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

——————————————————————————-

[1] Đặc điểm của giáo sở: Ngay trước 1975, Phù Lương là một giáo xứ quy tụ giáo dân đến từ rất nhiều nơi, do tình hình an ninh và xã hội. Họ lại sống chen lẫn giữa người lương vốn chiếm đa số (trung bình cứ một gia đình Công giáo ở giữa khoảng 20 nhà lương dân), vì thế họ không biết hết nhau. Thậm chí chung quanh Nhà thờ chỉ có một vài gia đình Công giáo.

Sau năm 1975, số giáo dân ít ỏi còn lại cũng gồm đủ mọi nơi đến cư ngụ. Theo thống kê, quê quán của họ gồm 13 tỉnh thành và 121 họ, làng, xã. Số người bỏ ra đi từ biến cố 1975, ít ai trở về. Và nếu có ai ra nước ngoài làm ăn sinh sống thì họ thường nhớ đến quê cũ, ít nhớ đến Giáo xứ Phù Lương, bởi đây là nơi tạm qua thời tao loạn. Số người mới đến cũng nhiều. Vì không có những họ tộc lớn tại địa phương, nên giỗ chạp thì thường về quê cũ. Do đó đây cũng là địa điểm truyền giáo lý tưởng.

—————————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.