Lược sử Giáo sở Phú Xuyên

22/01/2020

GIÁO SỞ PHÚ XUYÊN

GIÁO XỨ PHÚ XUYÊN – GIÁO HỌ PHƯỚC HƯNG

Nhà thờ Phú Xuyên

 GIÁO XỨ PHÚ XUYÊN

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phú Xuyên, giáo hạt Hải Vân,nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách tòa TGM Huế hơn 41km theo đường chim bay về phía đông đông nam.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.

1- Từ vị quản xứ Nước Ngọt Raphael Fasseaux (1942)

Năm 1942, cha Raphael Antoine Fasseaux (cố Phương, MEP, 1896-1923-1969) quản xứ Nước Ngọt, mua một sở đất tại thôn Phú Xuyên, nhờ chị Rosalie Lê Thị Nghĩa (1904-2000) và một số nữ tu thuộc cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở giáo xứ Nước Ngọt đến phụ trách. Suốt một năm trường, chị M. Julie Bùi Thị Minh (1912-1983) và chị M. Ursule Trần Thị Mai (1906-1989), từ Nước Ngọt, sáng đi chiều về lo việc xây dựng cơ sở. Cha Fasseaux vừa chạy đôn chạy đáo tìm kiếm tài chánh, vừa xăn tay vén áo lao động phụ thợ. Kết quả đã hoàn thành được một trường học hai lớp và một nhà ở có phòng làm thuốc.

Ngày 17-8-1942, trường Mai Khôi Phú Xuyên khai giảng, có 70 em học sinh, phần đông là lương dân. Các em chân quê, chất phác, hiếu học, dễ dạy. Khi đến thời vụ cày cấy cắt hái, các em lại bỏ học để lao động với gia đình.

Cha Fasseaux cũng đã mua một lô đất và xây được một nguyện đường nhỏ tại Phú Xuyên, lúc bấy giờ chỉ được xem là một giáp (khu vực) thuộc giáo sở Nước Ngọt. Có chừng 80 giáo dân.

Các nữ tu phụ trách công việc mục vụ, dìu dắt giáo dân từng bước trong đời sống đức tin, vì hễ vắng bóng các chị, họ dễ dàng lơ là kinh sách. Chúa nhật và lễ trọng, các chị huy động, kêu mời từng nhà, từng người; rồi cùng nhau đi bộ tới nhà thờ Nước Ngọt tham dự thánh lễ.

Cha Fasseaux mua ruộng cho tá điền thuê, mỗi năm đong lúa cho các chị để các chị có điều kiện thuận lợi phục vụ bà con lương giáo trong vùng qua việc dạy học, khám bệnh, bốc thuốc, phát thuốc.  Dân làng sống có tình có nghĩa, tin tưởng các nữ tu.

2- Giáo họ trực thuộc Nước Ngọt

Tháng 2 năm 1945, vùng Phú Xuyên Nước Ngọt bị trộm cướp phá phách hoành hành rất nguy hiểm. Các nữ tu tạm lánh về trụ sở chính Nước Ngọt trong 5 tháng.

Năm 1946, Việt Minh khởi nghĩa, học sinh giảm số. Các chị đi lễ ở Nước Ngọt thường bị hỏi han, lục xét; đường sá bị cản trở bởi cây gác ngổn ngang, hầm hố, ụ nổi…

Năm 1947, Pháp đổ bộ tái chiếm Đông Dương, tình hình càng thêm bất an.

Tháng 2 năm 1956, sở Phú Xuyên đóng cửa một thời gian dài.

Tháng 11 năm 1963, biến cố đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm gây bất ổn trong vùng. Một số đông tín hữu non yếu đức tin, xa vắng nhà thờ kinh lễ, không giúp con cháu lãnh nhận các bí tích, gây nhiều hậu quả bất lợi lâu dài trong đời sống đạo.

Biến cố Mậu Thân 1968, các nữ tu ban ngày ở Phú Xuyên, ban đêm về Nước Ngọt. Các chị tranh thủ dạy học, khám bệnh, phát thuốc, nâng đỡ, khuyên bảo giáo dân cầu nguyện, đọc kinh, học giáo lý.

Biến cố năm 1975. Các chị di tản. Lại thêm một số giáo dân do lo sợ về mặt lý lịch tôn giáo, số khác cặm cụi làm ăn, lơ là trễ nãi việc kinh sách lễ lạc, thực hành các mê tín tạp giáo;cây đức tin oèo uột, đời sống đạo khi tỏ khi mờ…

Năm 1978, chị M. Jeanne d’Arc Đỗ Thị Sa, tiếp đến là chị Ursule Trần Thị Mai về phụ trách Phú Xuyên. Mọi học tập, tĩnh tâm, thánh lễ hằng ngày… các nữ tu đều về sinh hoạt chung với chị em sở Nước Ngọt. Nguồn an ủi nâng đỡ quý báu trong thời kỳ này là được có Mình Thánh Chúa trong nhà. Không được mở trường lớp dạy học, các chị cố gắng bồi dưỡng văn hóa kiến thức cho trẻ nhỏ tại địa phương. Về mục vụ, các chị dạy giáo lý, tập thánh ca, nhắc nhở giáo dân cầu nguyện, viếng Chúa hôm sớm.

Chiến tranh khốc liệt đã bình địa ngôi nhà thờ thân yêu được xây dựng từ thời cố Phương; chỉ còn lại những viên đá móng.

– Từ năm 1975, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển, quản xứ Nước Ngọt kiêm Phú Xuyên (cho đến năm 1999), đã tạm thời mượn trường học của các nữ tu làm nhà nguyện.

– Từ năm 1999-2001: cha Giuse Nguyễn Văn Chánh quản xứ Nước Ngọt kiêm Phú Xuyên.

– Cuối năm 2001, cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền làm quản xứ Nước Ngọt, kiêm Phú Xuyên với sự đồng hành của cha phó Phêrô Võ xuân Tiến và thầy giúp xứ Phêrô Huỳnh Trọng.

– Từ ngày 2-12-2004, cha Đôminicô Lý Thanh Phong được chuyển đến làm phó xứ Nước Ngọt và biệt cư tại Phú Xuyên, kiêm nhiệm giáo họ Phước Hưng. Thời gian này, vì chưa có nhà xứ, cha Phong tạm trú trong một phòng học trường mẫu giáo.

Ngày 11-7-2005, cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền cùng với cha phó Lý Thanh Phong đặt móng khởi công xây dựng nhà thờ mới Phú Xuyên trên nền nhà thờ cũ thời cố Phương.

3- Trở thành giáo xứ

– Tháng 5-2007, cha Lý Thanh Phong được bổ nhiệm làm quản xứ tiên khởi của giáo xứ Phú Xuyên kiêm Phước Hưng. Cha xây mới nhà xứ và nhà thờ.

Ngày 15-6-2007 Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã long trọng làm phép Nhà thờ. Bổn mạng giáo xứ là Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Năm 2008, cha Phong xây trong khuôn viên nhà thờ một hội trường xinh xắn, dùng làm phòng học giáo lý và các sinh hoạt khác.

Ngày 13-11-2012, cha Phong rời Phú Xuyên, ra nhận xứ Đại Lộc (Quảng Trị).

– Từ ngày 12-11-2012 đến ngày 13-10-2016, cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Hiệp làm quản xứ Phú Xuyên và Phước Hưng. Ngài chuyên lo dưỡng giáo và rao giảng Tin Mừng cho người chưa biết Chúa. Sau đó ngài rời Phú Xuyên, đi nhận xứ Lương Văn.

– Từ 13-10-2016: cha Phaolô Nguyễn Duy Khánh quản xứ Phú Xuyên và Phước Hưng.

Ngài chú tâm đào tạo giáo dân trưởng thành về đời sống đức tin và mọi khía cạnh. Rao Giảng Tin Mừng mở rộng nước Chúa cho lương dân trong vùng.

Tháng 8-2017: Sửa lại cung thánh nhà thờ Phước Hưng.

Tháng 10-2017: khánh thành đài Đức Mẹ La Vang tại giáo xứ Phú Xuyên.

Tháng 6-2018: mua xe tang quý giá, giúp bà con lương giáo trong vùng khỏi phải thuê mướn đây đó mỗi khi người qua đời.Tháng 6-2019: xây nhà mục vụ giáo xứ.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Tu sĩ

– Nữ tu Mát-ta Phạm Thị Lan, con ông Phêrô Phạm Hữu Thêm và bà Mátta Nguyễn Thị Lành, khấn trọn đời ngày 16-7-2011, Dòng Kín Cát-minh Huế.

– Nữ tu Tê-rê-sa Trương Thị Quý, con ông Phê-rô Trương Văn Thạch và bà Agata Nguyễn Thị Đến, khấn trọn đời ngày 5-8-2013, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế.

– Nữ tu Maria Nguyễn Thị Bích, con ông Gc. Nguyễn Như Thanh và bà Maria Lưu Thị Phúc, khấn lần đầu ngày  02-8-2017, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế.

– Nữ tu Matta Nguyễn Thị Liên, con ông Gc. Nguyễn Như Thanh và Bà Maria Lưu Thị Phúc, Nhà tập, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế.

2- Giáo dân (toàn bộ giáo sở)

Năm 2010:600 người

Năm 2015: 450người.

Năm 2020: 293 người.

 

Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Phú Xuyên.

*************************

GIÁO HỌ PHƯỚC HƯNG

 

Nhà thờ Phước Hưng hiện thời

I- Vị trí địa lý

Giáo họ Phước Hưng, về mặt hành chánh thuộc xã Lộc Thủy[1], huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ Phước Hưng cách nhà thờ Phú Xuyên gần 2km về phía đông đông nam.

II- Nguồn gốc hình thành &Quá trình phát triển

1- Từ vị quản xứ Nước Ngọt Raphael Fasseaux

Năm 1942, cha Raphael Antoine Fasseaux (cố Phương), quản xứ Nước Ngọt, nhờ một nữ tu ở sở Nước Ngọt đứng tên khai thác đất hoang tại thôn Phước Hưng để trồng trọt và xây dựng cơ sở. Ngài thân hành phụ thợ, thổi lò vôi, nung ngói, khuân vác vật tư…

Sau một năm tích cực làm việc, Phước Hưng có được một nhà nguyện nhỏ xinh xắn, một trường học, một nhà cho các nữ tu và một trạm xá. Tất cả đều lợp ngói, tường xây bằng đá chẻ. Mọi cơ sở và công việc được ủy thác cho các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế.

2- Nơi hoạt động tông đồ của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Ngày 16-8-1942, chị Anne-Marie và chị Alphonsine khai giảng 4 lớp học trên 100 thiếu nhi, trong đó chỉ có 8 em Công giáo. Ngoài các môn đời, các em được học giáo lý, kinh nghĩa. Mỗi ngày các nữ tu khám bệnh, làm thuốc, săn sóc kẻ yếu liệt. Mọi người lương giáo thường xuyên lui tới nhà các chị, tin cậy, đối xử rất chân thành.

Ban đầu, mọi việc trong ngoài nhà thờ các chị đều làm, kể cả đánh chuông, xướng kinh, dạy tân tòng… Đa số giáo dân mù chữ, ít thuộc kinh, nên hễ vắng bóng các chị, nhà thờ vắng lặng.

Trong thời kỳ bất an (thập niên 1950-1960), các nữ tu vẫn hiên ngang can đảm hằng ngày đi tham dự thánh lễ tại nhà thờ Nước Ngọt, bất chấp bị cản trở, kiểm soát nghiêm ngặt.

Biến cố Mậu Thân 1968, sở nữ tu Phước Hưng đóng cửa.

Sau năm 1975, do nhu cầu tông đồ, chị bề trên dòng Gonzague Đỗ Thị Tùng đã giúp tái lập sở Phước Hưng với hai chị thường trú. Vì trường lớp bị nhà nước quản lý, chị em chỉ chằm nón, làm vườn, chữa bệnh, bán và phát thuốc. Về mục vụ, các chị dạy giáo lý, thăm viếng, tiếp xúc, nâng đỡ các tín hữu, nhất là những người non yếu đức tin, mê tín, lơ là lãnh nhận các bí tích. Thời gian này, mỗi tuần có thánh lễ vào chiều thứ bảy.

3- Hồi phục sau 60 năm

Lễ Truyền tin năm 2002, bổn mạng Giáo họ, kỷ niệm 60 năm thành lập giáo họ, mở ra một giai đoạn mới với việc rửa tội 3 người lớn, 6 em nhỏ rước Chúa lần đầu.

Lúc đó, thời tiết khắc nghiệt đã khiến nhà nguyện Phước Hưng rêu phong, loang lổ. Nên năm 2004, cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền, quản xứ Nước Ngọt (từ năm 2001), kiêm nhiệm Phước Hưng, đã trùng tu nhà nguyện, xây một tháp chuông bên cạnh, có thành quách khang trang bao quanh khu vực. Sau đó, cha cùng với Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã khởi công xây dựng trường mẫu giáo trong khuôn viên sở các nữ tu Phước Hưng, quy tụ được nhiều trẻ em lương giáo trong địa phương đến học.

Từ ngày 2-12-2004, cha Đôminicô Lý Thanh Phong đến biệt cư tại Phú Xuyên kiêm Phước Hưng, trong tư cách phó xứ của cha sở Nước Ngọt.

Tháng 5-2007, cha Phong được bổ nhiệm làm quản xứ tiên khởi của giáo xứ Phú Xuyên và Phước Hưng. Cha đã xây một hội trường bề thế để làm phòng học giáo lý và các sinh hoạt giáo họ tại Phước Hưng.

Năm 2009, cha mua thêm đất mở rộng khuôn viên, thiết kế và xây mới nhà thờ; tháp chuông cũ được nâng cao thêm một tầng với một cái chuông mới.

Nhà thờ mới được khánh thành trọng thể vào ngày 25-5-2011 do Đức cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế chủ sự.

III- Hoa quả đức tin

1- Tu sĩ

– Matta Nguyễn Thị Lâm, con ông Nguyễn Linh, khấn lần đầu 2014, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

– Catarina Nguyễn Thị Tâm, con ông Gs. Nguyễn Lộc, khấn lần đầu 2018, Dòng Con Đức Mẹ VN.

2- Giáo dân

– Năm 2000, 130 giáo dân (30 gia đình).

– Năm 2014, 160 giáo dân (50 gia đình).

Hiện tại, nhiều thành phần trong cùng một gia đình, do thiếu nền tảng giáo lý, do lo toan kinh tế hay do tác động của gia tộc… đã không còn mặn mà với kinh lễ và lãnh nhận các bí tích.

Sứ mệnh Tân Phúc Âm hóa tại địa phương rất cần được các thành phần dân Chúa thành tâm cầu nguyện và chung sức tiến hành.

————————————————————————

[1] Xã Lộc Thủy này có 3 Giáo sở, gồm 3 giáo xứ và 3 giáo họ: Nước Ngọt và Đập; Thủy Yên và Thủy Cam; Phú Xuyên và Phước Hưng.

—————————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.