Lược sử Giáo sở Phước Tượng

25/01/2020

GIÁO SỞ PHƯỚC TƯỢNG

GIÁO XỨ PHƯỚC TƯỢNG – GIÁO HỌ HÒA AN

Nhà thờ Phước Tượng mới 

Lược sử

GIÁO XỨ PHƯỚC TƯỢNG

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phước Tượng thuộc Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa TGM Huế khoảng 45km về phía đông đông nam.

Năm 2016, có một cầu vượt và một đường hầm chui qua núi Phước Tượng làm cho nhà thờ gần với quốc lộ 1A hơn, khoảng 500m. Phía bắc hầm Phước Tượng là tỉnh lộ 49B dẫn vào nhà thờ.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH & QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Ra đời thời vua Tự Đức

Theo hai vị bô lão là cụ Phan Ngữ, câu họ Phước Tượng và cụ Phan Sang, trước đây giáo xứ Phước Tượng có một nhà thờ bằng tranh tre xây vào thời Tự Đức (1847-1883). Căn cứ vào sự kiện này, giáo xứ Phước Tượng có thể ra đời dưới triều ông vua nhà Nguyễn ấy.

Tuy nhiên, trong cuộc Phân Sáp (1860-1861) do Tự Đức chủ trương nhằm phân tán tín hữu, làm suy yếu các họ đạo, thì chẳng có tài liệu nào nói giáo dân Phước Tượng bị bắt bớ và giam giữ tại các trại tù, đang khi nhiều tín hữu thuộc các họ đạo vùng gần huyện Phú Lộc như Truồi, Cầu Hai, Nước Ngọt, Châu Mới đều bị lùa về các nhà giam của huyện.

Hơn nữa, giáo dân còn cho biết: ông Matthêô Kinh (1866-1939), sinh sau hòa ước Nhâm Tuất (1862), làm biện họ đầu tiên ở Phước Tượng, được coi là khai canh của giáo xứ. Hiện mộ của ông ở phía sau nhà thờ. Vậy như lời cụ Phan Sang thì giáo xứ Phước Tượng ra đời dưới triều vua Tự Đức sau hòa ước Nhâm Tuất, chứ không thể trước hòa ước nầy được.

Điều đó dễ hiểu. Sau khi hòa ước này ra đời, tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì các sinh hoạt đạo cũng được phục hồi. Đức Cha Hyacinthe Sohier (Bình) đang trốn ở Quảng Bình đã vào Huế dâng lễ tạ ơn tại nhà thờ Kim Long, sau đó, từ 1867, ngài bắt đầu đặt các chủ chăn cho từng giáo xứ. Lúc bấy giờ, đạo tương đối khá ổn, “phong trào chầu nhưng”[1] cũng bắt đầu phát triển, đặc biệt ở vùng Nam Thừa Thiên.

2- Giáo họ trực thuộc

Trong quá khứ, giáo họ Phước Tượng thuộc giáo xứ Nước Ngọt. Nhưng từ khi Cầu Hai có cha sở đầu tiên vào năm 1910 thì Phước Tượng thuộc giáo xứ Cầu Hai.

 a- Trực thuộc Nước Ngọt dưới thời các vị quản xứ kiêm nhiệm sau đây:

1) Têphanô Đặng Văn Hiệp (1868-1880): quản xứ Nước Ngọt và Châu Mới.

Có thể ngài hoặc cha Tống Văn Vĩnh xây nhà thờ đầu tiên bằng tranh tre.

2) Giuse Tống Văn Vĩnh (1880-1883), quản xứ Nước Ngọt, bị Văn Thân sát hại tại đây.

3) Antoine Stoeffler (cố Thể) (1888-1890), quản xứ Diêm Tụ kiêm Nước Ngọt, Phước Tượng.

4) Giuse Nguyễn Thế Chánh (1890-1893), quản xứ Diêm Tụ kiêm Nước Ngọt, Phước Tượng.     

5) Giuse Nguyễn Thế Chánh (1893-1894), quản xứ Trung Kiên, Nước Mặn, Thừa Lưu, Nước Ngọt

6) Giuse Nguyễn Thế Chánh (1894-1915), quản xứ Nước Ngọt.

b- Trực thuộc Cầu Hai thời các vị quản xứ kiêm nhiệm sau đây:

1) Phêrô Nguyễn Văn Lập (Dương Sơn)       1910-1917

2) G.B. Lê Văn Tài (Kim Long)                     1917-1923

3) Tađêô Nguyễn Văn Tin (Kim Long)          1927-1933

Xây nhà thờ thứ hai của Phước Tượng[2].

4) Phaolô Nguyễn Văn Mầu (Ngọc Hồ)         1933-1934

5) P.X. Lê Văn Định (Cổ Vưu)                      1934-1939

6) Phaolô Nguyễn Văn Chính (Ngọc Hồ)      1939-1943

7) Phaolô Mai Xuân Hiến (Tam Tòa) 1947-1949

8) Antôn Nguyễn Văn Bằng (Tam Tòa)         1949-1953

9) Giuse Lê Văn Hộ (Trí Bưu)                        1953-1955

10) Simon Huỳnh Minh Tâm (Bồ Khê)           1955

11) Gioan Nguyễn Đăng Bình (Ba Ngoạt)     1955-1962

12) Phêrô Huỳnh Đình Kinh (Phủ Cam)        1962-1968

Cha đã thay vài gỗ nhà thờ bằng vài sắt. Nhà thờ rộng 8m và dài 22m, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và cũng là Bổn mạng của giáo xứ. Cha còn xây nhà xứ lợp ngói; lập sở do nữ tu Mến Thánh Giá (Phủ Cam) phụ trách.

Nhà thờ Phước Tượng cũ do cha Huỳnh Đình Kinh xây dựng

13) Phaolô Nguyễn Văn Hiển (Hà Thanh)     1968-1972

14) Antôn Nguyễn Văn Huề (An Bằng)        1972-1975

15) Gioakim Nguyễn Văn Hùng (Hà Thanh) 1975- 2004

Cha xây dựng nhà thờ thứ ba: ngày 1-5-2001, cha bắt đầu mở móng để nới rộng và kéo dài nhà thờ (rộng 12m và dài 30m). Toàn bộ nhà thờ cũ bị triệt hạ chỉ còn để lại mặt tiền thôi. Nhà thờ xây trên một nền đất cao, trông ra những cánh đồng lúa.

3- Giáo xứ biệt lập

Tháng 5-2003, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể đã nâng Phước Tượng lên thành giáo xứ biệt lập, có cha quản xứ tại chỗ, với giáo họ Hòa An.

3.1- Tiên khởi: Gioakim Nguyễn Chí Hữu (2004-2014). Cha xây nhà giáo lý (5-2004), xây nhà xứ (1-2006), trùng tu nhà thờ, sửa lại mặt tiền (10-2006).

3.2- Tiếp nhiệm: Phaolô Trần Thắng Thế (2014-2019), xây nhiều tượng đài trong khuôn viên và Đường Thánh giá lộ thiên quanh nhà xứ.

3.3- Đương nhiệm: Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung (nhận xứ 21-05-2019, bài sai ký ngày 10-05-2019). Cha tổ chức Gia đình trẻ, Mẹ gia đình, cổ vũ nền tu đức Lòng Chúa Thương Xót, và hiện được 2 nữ tu Mến Thánh Giá đến giúp, dạy giáo lý hàng tuần.

Bên trong nhà thờ Phước Tượng hiện thời

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

a- Linh mục Tu sĩ

1- Linh mục Matthêu Phan Văn Tùng (1979-2010-)

2- Đại chủng sinh Lê Hữu Cường

3- Nữ tu Matta Lưu Thị Thao (MTG)

 b- Giáo dân

+ Năm 2000: 545 người

+ Năm 2015: 835 người.

+ Năm 2020: 783 người

******************************************

GIÁO HỌ HÒA AN (RẪM)

 1- Vị trí địa lý

Giáo họ Hòa An, nằm về phía bắc giáo xứ Phước Tượng, tọa lạc tại làng Hòa An (địa phương gọi là Rẫm giữa). Làng này nguyên thủy là những xóm nhỏ cách biệt, men theo dãy núi Vĩnh Phong, chạy dài từ đèo Phước Tượng đến mũi Chân Mây Tây (cửa Tư Hiền). Sau năm 1999, nhà nước mới cho xây dựng con đường trải nhựa mang tên Tỉnh lộ 49B nối quốc lộ 1A với cửa Tư Hiền, nên mới thuận lợi giao thông đi lại của cư dân và giúp phát triển kinh tế; còn trước đây người dân chỉ có một phương tiện độc nhất để giao lưu bên ngoài là ghe, đò. Ghe đưa họ đến Cầu Hai, Vinh Hiền hay các xóm nhỏ với nhau.

Về mặt hành chánh, Hòa An từng là một thôn của xã Vinh Hiền, mang tên Hiền Sơn. Sau 1980, nhờ số dân từ các địa phương khác đến lập cư sinh sống, nên tách ra khỏi Vinh Hiền và thành xã mới là Lộc Bình, huyện Phú Lộc.

2- Hình thành và phát triển

Theo sổ sách giáo xứ, những thôn dân Hòa An được rửa tội đầu tiên là vào năm 1923, cả thảy 7 gia đình, dần dần thêm đông số làm thành một giáo họ.

Số giáo dân tại đây có nguồn gốc từ Vinh Hòa, Đông Am, Đông Dương, Nam Trường… Họ vừa làm ruộng Nhà Chung (có khá nhiều nơi đây trước năm 1975) vừa khai thác gỗ, củi rừng và đánh cá ở đầm phá Cầu Hai.

Do địa thế tách biệt nên ngay từ đầu, các linh mục coi sóc Phước Tượng đã cho cất lên một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ, lợp tranh trên một gò cát trên sông, xung quanh là nhà dân và ruộng lúa. Vào mùa thời tiết thuận hòa, các cha mới có thể lui tới để làm lễ, ban các phép bí tích và dạy giáo lý. Trong thời gian chiến tranh 1945-1975, vùng đất nầy hoàn toàn mất an ninh, hầu hết người dân phải bỏ xứ ra đi, nhà nguyện đổ nát. Sau 1975, Hòa An được coi như vùng đất mới, rất nhiều gia đình từ Vinh Hiền, Mỹ Á, Vinh Giang, Chánh Xuân, Thiện Loại… đến sinh sống lập nghiệp. Trong số nầy có nhiều gia đình Công giáo.

Họ đạo Hòa An dần dần được hồi sinh, số giáo dân nay lớn mạnh hiện diện trong bốn xóm là: Hòa An (Rẫm giữa), Mai Gia Phường (Rẫm trên), Cồn Que và Đầm (ngay cửa Tư Hiền), trải dài trên 10 km. Tại Hòa An giáo dân rất mong ước có một nhà nguyện. Bổn mạng giáo họ Hòa An là thánh Antôn Padua, mừng ngày 13 tháng 06 hàng năm.

Giáo họ hiện có hai địa điểm dâng lễ hằng tuần là : một ở thôn Mai Gia Phường (nhà ông Chớ) và hai, ở thôn Hòa An (nhà ông Đoàn).

***************************

Phụ lục

Giáo xứ Phước Tượng đào hồ chứa nước tưới ruộng

Vào những năm (1993-1994) có những tháng 6 và 7, trời không có lấy một hột mưa. Những cánh đồng của giáo xứ Phước Tượng bị hạn hán, cha Gioakim Nguyễn Văn Hùng đã xin quỹ cứu trợ Công giáo Caritas giúp phương tiện để đưa nước vào ruộng chống hạn. Ban đầu dự kiến đào 200 giếng bơm và dùng bàn đạp nước đưa nước vào ruộng. Nhưng đào thử không có nước. Theo cha, đó là điều may. Giá có nước thì công đâu để đạp về lâu dài, rồi công khiêng ra vác vào bàn đạp nước.

Hồ chứa nước chống hạn giáo xứ Phước Tượng

Sau khi được sự nhất trí của ủy ban nhân dân xã và của hợp tác xã nông nghiệp Phước Tượng, cha Hùng cho đào hồ chứa nước chống hạn, trung bình mỗi hồ dài 25m, rộng 20m, sâu 2m, với sức chứa 1000m3 nước. Giá 1m3 đất đào là 8000 đồng. Chi phí mỗi hồ là 8 triệu đồng. Đã đào xong 4 hồ, mạch rất tốt, hồ nào cũng đầy ắp nước, một màu trong xanh. Hồ thứ 5 đang chuẩn bị đào.

Các hồ nằm dọc các bờ ruộng và có khả năng tưới 35 hecta tương đương 70 mẫu ta. Mỗi hồ có thể bơm hơn một ngày mới hết nước. Theo kế hoạch ban chủ nhiệm hợp tác, bơm tuần tự từ hồ một đến hồ cuối cùng, rồi trở lại hồ số một.

Lúc các hồ đào xong, cha Hùng đã bàn giao cho hợp tác xã cùng với một máy bơm nước hiệu Đông Phong 8 mã lực và một triệu đồng để mua xăng dầu, làm vốn khởi động ban đầu.

 ————————————————————————

[1] Chầu nhưng nghĩa là dự tòng.

[2] Các chức việc trên (Phan Ngữ và Phan Sang) cho biết: giáo dân Phước Tượng đã dâng cúng đất ruộng gồm 3 mẫu để làm nhà thờ. Lúc bấy giờ Cửa Tư Hiền bị vỡ, nước đầm phá lấn chiếm. Hội ven, hội đồng (tức thanh niên nam nữ giáo dân phụ trách ca hát, đọc kinh), đã gánh đất đổ nền, vừa gánh vừa hò đổ đất. Giáo dân giúp công phụ 7 hay 8 xu một ngày. Nhà thờ làm trong một năm mới xong.

Cửa biển Tư Hiền bị vỡ vừa đề cập có thể là cửa bắc của đầm Cầu Hai. Đây là một hiện tượng tự nhiên kỳ thú. Đầm Cầu Hai có hai cửa biến động, thay nhau lấp và mở kể từ năm 1404, tuy cùng mang một cái tên chung là Tư Dung hay Tư Hiền. Cửa thay đổi vị trí là để giải tỏa áp lực nước trong đầm và ngoài biển. Bình thường ở đầm Cầu Hai mức nước chênh lệch với biển là 70cm, vào mùa lụt có thể quá 1mét. Cửa lấp và mở khi thì sát mũi Chân Mây Tây, khi thì gần Núi Phụ An (núi Đồng Đò). Vì lẽ đó mà dân gian gọi là cửa cũ cửa mới, cửa bắc cửa nam, hoặc cửa dưới cửa trên; sau nầy còn gọi cửa Đầm, cửa Lộc Bình để chỉ cửa dưới và cửa Tư Hiền để chỉ cửa trên.

Cũng theo bác Sang, giáo dân đã dùng trái bời lời và tóc tiên giã nát, trộn với mật mía và vôi để xây nhà thờ. Bời lời là loại cây mọc hoang ở các nương vườn, rú rẫy. Cây có lá khá to (dài 7-20 cm, rộng 4-10 cm), hình bầu dục hay thuôn dài; thân cũng khá cao, có khi tới 10m. Cây ra hoa từng chùm và cũng kết quả từng chùm, hạt xanh và to hơn hạt tiêu. Trái bời lời trước đây được trẻ em làm đạn với nòng súng là hóp để bắn chơi với nhau. Nhưng ngày xưa (lúc chưa có xi-măng), đó là một trong các nguyên liệu để làm chất dính kết đá hay gạch trong các công trình xây dựng.

————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.