Hội Thánh (Vũ Trụ), Thân Thể Mầu Nhiệm Của Chúa Kitô

07/06/2022

HỘI THÁNH (VŨ TRỤ), THÂN THỂ

MẦU NHIỆM CỦA CHÚA KITÔ

(Thử đưa ra một cái nhìn tổng hợp về mầu nhiệm Hội Thánh)

Tình yêu ngập tràn và quyền năng trọn vẹn nơi Thiên Chúa Ba Ngôi đã khiến Người tuôn trào sự hiện hữu ra bên ngoài bản thân, “tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”, trong một sự hài hòa tốt đẹp bao trùm toàn thể vũ trụ. Cũng chính vì đầy quyền năng và tình yêu mà Thiên Chúa lại dựng nên hai loài đặc biệt, cao trọng, hơn kém nhau một chút, là thiên thần và phàm nhân. Người ban cho họ ngoài lý trí hiểu biết, tâm tình mến yêu, còn cả ý chí tự do (khả năng chọn lựa thiện/ác) vả tỏ mình ra cho họ, vì muốn coi họ là con cái chứ không thuần là tạo vật, đồng thời muốn họ ứng xử như con đối với Người là Cha. Khi trao vào tay họ con dao hai lưỡi này, Thiên Chúa liều mình gặp rắc rối, chấp nhận bước phiêu lưu với họ. Và quả thật điều đó từng xảy ra: thiên thần lẫn phàm nhân đều đã phản loạn ngay từ đầu. Với sự toàn tri của mình, Thiên Chúa biết trước chuyện ấy. Thành thử Người đã chẳng lâm cảnh “không ngờ” khi xảy ra sự bất tuân lẫn kiêu căng mà hai loài cao quý nhất đồng lòng thực hiện. Câu chuyện bi thảm đã xảy ra ở vườn Địa đàng.

Vì thế Thiên Chúa đã thản nhiên thực hiện bước thứ hai mà chúng ta gọi là “cứu chuộc”. Người không cất ý chí tự do nơi thiên thần lẫn phàm nhân để được yên thân, nếu thế thì họ hết là con cái và tình yêu lẫn quyền năng của Người cũng giảm thiểu ý nghĩa. Để thực hiện công trình cứu chuộc này, đích thân Người đến ở với nhân loại, cụ thể là nhờ Ngôi Con đồng bản thể xuống trần mặc lấy xác phàm, mang tên Giê-su, chịu tử nạn, được phục sinh, trở thành Đấng Ki-tô, để nêu gương, dạy dỗ, đền bù và ban sức ngõ hầu loài người biết dùng ý chí tự do đúng đắn, bớt đi con đường phản loạn, thôi theo bản năng ích kỷ, mà sống cho tình yêu đối với Tạo Hóa, tha nhân, bản thân lẫn vạn vật, gọi tắt là nên thánh, xứng lấy lại danh hiệu “con Cha Trời” như Người đã muốn từ muôn thuở: “Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để ta trở nên tinh tuyền thánh thiện… nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, để ta ngợi khen ân sủng Người đã ban tặng…” (Ep 1,4-5). Chính vì thế mà Phụng vụ luôn tuyên xưng: “Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa” (Lời nguyện nhập lễ lễ Giáng sinh, Thánh lễ ban ngày).

1- HỘI THÁNH, MỘT THỰC THỂ BAO TRÙM VŨ TRỤ

Nhưng không phải chỉ có từng ấy. Thiên Chúa còn muốn muôn loài liên kết với nhau cũng như với Người, thành một tập hợp vĩ đại, vì tình yêu luôn đòi hỏi tất cả nên một (x. Ga 17,21-23). Điều này là hệ quả của việc Tạo Hóa đã chấp nhận kết hợp với tạo vật qua việc Con của Người nhập thế nhập thể, đem thần tính gắn liền với nhân tính trong cùng một ngôi vị. Nghĩa là TC Ba Ngôi không muốn hạnh phúc trong cô độc. Chương trình mang tầm mức vũ trụ này (vũ = không gian, trụ = thời gian) được nói rõ trong 2 thư Ê-phê-xô và Cô-lô-sê[1]: “Thánh ý nhiệm mầu, kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã định từ trước trong Đức Ki-tô, đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ toàn thể vũ trụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10). Bởi lẽ “trong Thánh Tử, muôn vật trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình, đã được Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người… Tất cả đều tồn tại trong Người” (x. Cl 1,16). Nghĩa là Thiên Chúa muốn “đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô” (Ep 1,22). Để “Chỉ có Đức Ki-tô là tất cả mọi sự và ở trong mọi người” (Cl 3,11).

Từ những điểm nêu trên, ta thấy chương trình của Thiên Chúa đối với tạo vật chỉ có một, mang tính thống nhất, với 3 giai đoạn: sáng tạo, cứu chuộc thánh hóa. Tất cả thực hiện nhờ Đức Ki-tô, trong Đức Ki-tô, cho Đức Ki-tô và làm thành Đức Ki-tô Toàn Thể (Christus Totus/Christ Total[2]), Đức Ki-tô Vũ trụ (Christ Cosmique/Cosmic Christ). Như chính miệng Người phán trong Khải Huyền: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và là Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22,13). Đó là theo kiểu nói thần học[3].

Nhưng nếu nói theo kiểu nhân học, nhân học Ki-tô giáo, thì đó cũng gồm 3 giai đoạn: tiến hóa, văn hóa (hiểu như một động từ) và thánh hóa.

Quả vậy, lịch sử tự nhiên chính là một quá trình tiến hóa hơn cả chục tỷ năm, đi từ các nguyên tử đến phân tử, đi từ phân tử vô cơ đến phân tử hữu cơ, đi từ đơn bào đến đa bào, đi từ khoáng vật lên sinh vật, đi từ thực vật lên động vật và cuối cùng lên con người, chóp đỉnh tiến hóa vật chất, có một thân thể hoàn hảo kỳ diệu, với một nguyên lý điều khiển là linh hồn.

Khi sinh vật có hồn thiêng này xuất hiện, nó đã tiến hóa theo hướng tinh thần, đi từ “con” lên “người”, làm cho 3 bản năng mình có chung với động vật (sinh tồn, truyền sinh, quyền lực) trở nên đẹp hơn (văn hóa, hiểu như động từ[4]), mang tính nhân bản hơn, nhờ luật luân lý mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng người. Để từ đó nỗ lực tiến đến chân, thiện, mỹ, làm nên văn minh, xây dựng văn hóa (hiểu như danh từ), sáng tạo văn vật (những sản vật của văn hóa như lễ nhạc, chế độ….). Điều này đã biểu lộ qua các nền văn minh, các nền đạo đức và các tôn giáo (ngoài Ki-tô giáo) của nhân loại. Đó cũng là sự dọn đất cho Tin Mừng.     

Nhưng hành trình của nhân loại không chỉ dừng lại ở giai đoạn văn hóa. Mà ngay cả việc thực hiện và hoàn tất giai đoạn này, tức là đạt tới chân thiện mỹ vừa trong ý niệm vừa trong cuộc sống, cũng chẳng dễ gì với sức riêng con người, huống nữa là đạt tới Đấng Chân Thiện Mỹ. Bởi lẽ luôn có những kháng lực là sự lộng hành của bản năng (xác thịt), là sự cám dỗ của tà thần (ma quỷ), là sự lôi kéo của trần tục (thế gian). Các Tuyên ngôn Nhân quyền đủ loại của Liên Hiệp Quốc đang có đó, nhưng cõi trần gian này hiện vẫn đầy bạo lực đàn áp, ích kỷ bất nhân, dối trá lường gạt, chiến tranh hận thù….

Nhờ ánh sáng của Mạc khải, chúng ta biết hành trình của toàn thể nhân loại tiến đến giai đoạn văn hóa đã được Thiên Chúa trợ lực (Mười Điều răn, định chế tuần 7 ngày, việc nghỉ ngày cuối tuần có từ trong Cựu Ước là những ví dụ), đồng thời còn phải tiến tới giai đoạn thánh hóa, phải tiến lên Con Người Mới[5], Thân Thể Mới, Nhân Loại Mới, Trời Đất Mới: “Đức Ki-tô đã liên kết dân Do-thái và dân ngoại làm một… Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2,14.16), “…xây dựng thân thể Người, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,12-13), nhờ tác động của ân sủng, quy tụ mọi cá nhân, để làm nên một tập thể vĩ đại, mà như thư Ê-phê-xô và Cô-lô-xê gọi là Hội Thánh với Đức Ki-tô là Đầu: “Hội Thánh này là Thân thể của Người, là sự viên mãn của Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,23; x. Cl 1,18).

Vậy Hội Thánh là gì? Từ Ekklesia (dịch ra là Hội Thánh) trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “cuộc triệu tập”[6]. Ở đây từ Hán-Việt gặp một trường hợp lý thú. Hội Thánh có nghĩa là những gì “thánh” thì hội lại. Trước hết, ở trung tâm và chóp đỉnh là Đấng Thánh, vị Thiên Chúa ba lần thánh (x. Is 6,3). Bao quanh và kề cận Người nhất là các thần thánh (thiên thần và hiển thánh). Vòng hai là “dân thánh”, tên mà Tân Ước dùng để gọi các Kitô hữu (x. Rm 1,7; 1Cr 1,2; Pl 1,1) những kẻ muốn bản thân và cuộc sống hướng đến Thiên Chúa. Vòng ba là tất cả những gì thuộc không gian và thời gian được quy về, được tiến dâng cho Thiên Chúa: nơi thánh, nhà thánh, đồ thánh, vật thánh, năm thánh, mùa thánh, ngày thánh, giờ thánh… Vòng ngoài cùng là toàn thể nhân loại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,18; x. Lc 24,47; Cv 1,8), là toàn thể vũ trụ: “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tất cả phải được thánh hóa, từ những con người, những định chế của xã hội con người, đến mọi thực thể vật chất, vốn cũng đòi hỏi được giải thoát khỏi sự hư nát để cùng con cái TC chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8,19-23). Đăng giả hội (càng lên càng quy tụ) là vậy, như kiểu nói của nhà thần học Teilhard de Chardin SJ: “Tout ce qui monte converge”. Để cuối cùng TC là “tất cả trong mọi sự” (tout en tous, 1Cr 15,28)[7].

Đó là lối hình dung Hội Thánh theo kiểu lược đồ. Nhưng hội tụ không phải như một tập thể, dù có tổ chức hoàn hảo đến đâu, nhưng như một Thân thể, có Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Đầu, Thánh Thần là linh hồn (x. Ep 2,18), các thiên thần làm phần hồn[8] và mọi thụ tạo hữu hình (con người lẫn vạn vật) làm thành phần xác, một thể xác vật chất sẽ được biến đổi (như Chúa Giêsu sau ngày Phục sinh).

Ngoài “Hội Thánh không có ơn cứu rỗi” như các Giáo phụ năng lặp lại[9] là vì vậy. Đây không phải là một định đề mang tính loại trừ, phân biệt, nhưng mang tính tổng kết, tích hợp. Ai không vào Hội Thánh trong thời gian thì cũng phải quyết định đi vào Hội Thánh khi đứng trước ngưỡng cửa vĩnh cửu nếu muốn được cứu độ. Vì cuối cùng, chẳng có gì ở ngoài Hội thánh cả. Trời mới đất mới chính là Hội Thánh; thế giới được biến đổi, được cứu rỗi chính là Hội Thánh.

2- HỘI THÁNH, MỘT THÂN THỂ CÓ HÌNH ẢNH TIÊN BÁO NƠI CON NGƯỜI.

Như thấy ở trên, cuộc tiến hóa dẫn đến thân thể con người, cuộc thánh hóa cũng dẫn đến Thân thể Con người mới, theo kiểu nói của đại thần học gia Phao-lô.

Hội Thánh từng được diễn tả qua nhiều hình ảnh: Đoàn Chiên, Hiền Thê, Nước Trời, Dân Thiên Chúa, Đền Thờ Thiên Chúa… Nhưng thiết tưởng có hai hình ảnh thích hợp và sống động hơn cả: cây nho và thân thể. Chúng ta nhớ lại rằng khi nói lên sự kết hợp mật thiết với Người, cùng chung sự sống với Người, Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh cây nho. Điều này dễ hiểu vì Chúa ngỏ lời với những thính giả chủ yếu là nông dân xứ Pa-lét-tin, nơi cây nho rất quen thuộc với họ. Dù thế, Chúa Giê-su đã dùng một kiểu nói lạ lùng (x. Ga 15,5-7). Người bảo: “Thầy là cây nho, anh em là cành”, chứ không nói: “Thầy là gốc nho, thân nho…”, nhằm ám chỉ Người bao trùm toàn bộ, tất cả phải ở lại trong Người và đều làm nên Người.

Nhưng nhà thần học Phao-lô, con người rao giảng cho muôn dân, thì đã dùng hình ảnh “Thân thể”, đi từ kinh nghiệm trên đường Đa-mát, sau câu nói lạ lùng của Chúa phục sinh: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5; 22,8), và có thể từ sau khi biết được dụ ngôn Mt 25,31-46. Từ đó đến cuối đời, thánh Phao-lô không ngừng suy tư, đào sâu ý niệm quan trọng này: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của cùng một thân thể” (Rm 12,5). “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cũng một Thần Khí để trở nên một thân thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,12-13.27; x. Gl 3,27-28)[10].

Việc so sánh thân thể con người với Thân thể Chúa Ki-tô, việc đi từ con người (cá nhân) đến Con Người Mới (nhân vị tập thể trong Chúa Ki-tô) nơi thánh Phao-lô như thế chẳng gợi ý cho chúng ta rằng những kỳ tích trong công trình sáng tạo tiên báo những kỳ tích trong công trình cứu chuộc-thánh hóa sao[11]? Chẳng hé lộ cho ta rằng nhiều bộ phận, chức năng và hoạt động nơi thân thể con người là tiền ảnh của nhiều bộ phận, chức năng và hoạt động nơi Thân thể Mầu nhiệm sao? Điều này hợp lý vì Thiên Chúa là tác giả của cả hai công trình, như Người là nguồn của các chân lý khoa học lẫn các chân lý thần học. Đây từng là dự tính của 2 vị thánh thầy-trò: An-bê-tô Cả[12] và Tô-ma A-qui-nô (tk XIII) : tổng hợp kiến thức đạo đời để hiểu rõ công trình của Chúa hơn. Nhưng đối với hai vị vừa nói, đó cũng chỉ là ước vọng, vì khoa học thời các ngài chưa tiến bộ bao nhiêu. Nhưng nay là đường hướng của Tân Tô-ma thuyết: đem khoa học (đặc biệt là sinh học) phục vụ cho thần học (đặc biệt là tín lý)[13]

a) Hội Thánh là giai đoạn cuối cùng trong việc Thiên Chúa tự mạc khải. Đầu tiên là mạc khải trong thế giới tự nhiên, trong tâm thức con người, trong các tôn giáo ngoài đạo Ki-tô. Một mạc khải lờ mờ, khiến nhân loài chỉ nhận ra Thiên Chúa như Hóa Công, như Ông Trời, như Đệ nhất Động cơ… Tiếp đến là giai đoạn Cựu Ước: Thiên Chúa tự mạc khải mình như Đấng Giao ước, thiết lập quan hệ với loài người, và như Hiền phụ. Cuối cùng là giai đoạn Tân Ước, giai đoạn của Hội Thánh: Thiên Chúa mạc khải mình trọn vẹn, đúng bản chất: Thiên Chúa Ba Ngôi: Thánh Phụ Toàn năng, đã sai Thánh Tử nhập thể, sai Thánh Linh nhập hồn… Và lý tưởng sống của Hội Thánh là nên “hoàn thiện như Cha trên trời”.

Cá nhân cũng trải qua 3 giai đoạn trong tiến trình khám phá ra cha đẻ của mình: đầu tiên là cảm nhận cha cách lờ mờ khi còn trong bụng mẹ, lúc cha thỏ thẻ với bào thai; tiếp đến là nhận ra cha và bắt đầu tiếp xúc cùng cha trong giai đoạn thơ ấu; đến lúc trí khôn có khả năng phản tỉnh (từ 12 tuổi) thì biết được cha mình rõ ràng hơn, liên hệ với cha mình sâu hơn và coi lý tưởng đời mình là trở nên như cha trên một phương diện nào đó: “Cha nào con nấy”!

b) Hội Thánh được tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

– Duy nhất có nghĩa là dù làm thành bởi hàng triệu, hàng tỷ thành viên, Hội Thánh vẫn là một trong niềm tin vào giáo thuyết, trong việc vâng giữ luật luân lý, trong việc cử hành 7 bí tích, trong việc tuân theo một kỷ luật, trong việc thống nhất sự điều hành. Mỗi cá nhân cũng là một hữu thể duy nhất: duy nhất xác hồn, tuân theo một sự điều khiển duy nhất từ cái đầu (não bộ), để mọi bộ phận cùng phối hợp khi làm bất cứ việc gì. Nhị trùng nhân cách chỉ là một trường hợp bệnh lý.

– Thánh thiện có nghĩa là Hội Thánh, từ những yếu đuối bất toàn, ngày càng vươn tới đức bác ái trọn hảo, đạt đến tầm vóc viên mãn của Chúa Ki-tô, hoàn thiện như Cha trên trời. Mỗi cá nhân nói chung cũng cảm thấy mình bị thúc đẩy đi tới chỗ hoàn hảo ngày càng hơn, hoặc về thể xác, hoặc về trí tuệ, hoặc về tâm hồn (đó là lý do của sự học hành, luyện tập…), đều muốn thành tựu cuộc đời, nuôi ước vọng trở thành tài nhân, vĩ nhân hay thánh nhân nếu được.

– Công giáo có nghĩa là Hội Thánh, qua ý thức và sứ mạng truyền giáo, làm cho Đạo Chúa ngày càng mở ra khắp nơi, thấu đến mọi người, đem Tin Mừng thấm nhập mọi tổ chức, mọi định chế, mọi xã hội. Mỗi con người, được bản năng quyền lực thúc đẩy, luôn tìm cách tạo ảnh hưởng ra quanh mình. Những người có khả năng và tham vọng thì tìm cách chi phối rộng hơn, sâu hơn, lên nhân quần, lên lịch sử… Loài người nói chung thì tìm cách thống trị vũ trụ ngày càng hơn.

– Tông truyền có nghĩa là Hội Thánh, qua bao thế kỷ, trải bao thăng trầm, vẫn nắm vững truyền thống nhận từ các Tông đồ để giữ vững bản chất và sứ mệnh. Có sự liên tục đặt tay và kế thừa nhiệm vụ trong hàng lãnh đạo Hội Thánh, khởi từ Nhóm Mười Hai. Mỗi con người cũng vậy, dù trải qua các giai đoạn thiếu nhi, thanh niên, trưởng thành, dù thay đổi tâm tính và diện mạo qua thời gian, thì cũng là một con người ấy, không lẫn lộn với ai được, không thoái thác trách nhiệm cho ai được.

c) Hội Thánh có 7 bí tích để phục vụ sự sống siêu nhiên của mỗi tín hữu. Sự sống này có 7 hoạt động hay 7 giai đoạn hay 7 thời điểm quan trọng. Sự sống tự nhiên của mỗi con người cũng có 7 hoạt động/giai đoạn tương ứng, như Thánh Tô-ma A-qui-nô từng lưu ý[14]: sinh ra (tương ứng với Bí tích Thánh tẩy), lớn lên (tương ứng với Bí tích Thêm sức), dinh dưỡng (tương ứng với Bí tích Thánh Thể), chữa trị bệnh tật (tương ứng với Bí tích Cáo giải), điều hành xã hội (tương ứng với Bí tích Truyền chức), xây dựng gia đình (tương ứng với Bí tích Hôn nhân), kết thúc cuộc đời tốt đẹp (tương ứng với Bí tích Xức dầu lâm chung).

d) Chúa Giê-su đã lập phép Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, bằng cách biến bánh và rượu thành Mình (Thịt) và Máu Người; đồng thời Người cũng lập phép Truyền chức để việc làm của Người được hiện tại hóa mãi mãi. Chúa có lý do để gọi đó là Mình và Máu Người, vì chính lúc ấy Người bước vào cuộc Thương khó-Sống lại để khai sinh Thân thể Mầu nhiệm của Người là Hội Thánh vốn cần một lương thực thích hợp. Rồi từ đó trên bàn thờ mỗi ngày, linh mục (một loại tế bào đặc biệt, xem dưới) đọc lời truyền phép để nhờ tác động của Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa và cùng lúc được đưa vào Thân thể Mầu nhiệm để mọi tế bào (tức các tín hữu) ăn lấy, ngõ hầu họ được liên kết với Chúa và với nhau, làm cho Hội Thánh lớn mạnh. Điều đó có nghĩa phải luôn đặt và nhìn Mầu nhiệm Thánh Thể trong Mầu nhiệm Thân Thể.

Nơi con người cũng vậy, một khi đã được tôi đưa từ miệng vào dạ dày thì cơm bánh, thịt cá, rau quả không còn mang tên cũ mà phải được gọi là “thịt tôi”, “máu tôi” và sẽ chuyển đi nuôi mọi tế bào, để chúng ăn lấy, liên kết với toàn thân và tôi được sống mạnh (Cái chết thể xác, theo khoa học, là sự phân rã các tế bào).

e) Trong Hội Thánh, các giáo sĩ (giám mục, linh mục) có một vai trò đặc biệt. Nhờ chức tư tế thừa tác, các ngài trở thành trung gian giữa Thiên Chúa với loài người, qua việc làm Tư tế-Thánh hóa (dâng mọi lời cầu nguyện và lễ vật của dân Chúa lên Đấng Tối Cao), Ngôn sứ-Giảng dạy (truyền lại cho tín hữu những gì Thiên Chúa mạc khải, dạy dỗ) và Vương đế-Cai quản (thay mặt Đức Ki-tô Đầu điều hành toàn bộ Thân thể Mầu nhiệm). (x. GLHTCG 888-896)

Trong con người, cơ quan điều khiển toàn bộ thân thể là chính hệ thần kinh[15]. Hệ này gồm hàng trăm tỷ tế bào thần kinh (nơ-ron/neuron), chủ yếu tập trung ở não bộ và tủy sống, nhưng có dây nối đến mọi tế bào. Vai trò của các nơ-ron là mang mọi tín hiệu từ các giác quan (hình thành bởi nhiều dạng tế bào) đến não và tủy sống, nhận và đưa thông điệp (mệnh lệnh) từ hệ thần kinh trung ương đến các cơ quan để có phản ứng thích hợp. Nói chung là điều hoà và phối hợp mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể nhằm tạo sự thích nghi với các thay đổi từ môi trường bên trong (nội môi) và bên ngoài (ngoại môi). Điểm đặc biệt là các tế bào thần kinh không sinh sản (tức có lúc nhân đôi), y như các linh mục phải sống độc thân vậy!

f)Trong Hội Thánh, các tu sĩ đóng vai trò tác nhân phục vụ sự sống của Thân Thể Chúa Ki-tô, ngoài chuyện làm chứng nhân cho thế giới mai sau qua việc tuân giữ 3 lời khấn Tin Mừng (x. GLHTCG 933). Nghĩa là các tu sĩ lưu chuyển những gì cần thiết cho sự sống đó đến mọi tín hữu, bằng việc chuyên cần cầu nguyện và nhất là bằng các hoạt động đủ dạng, tùy theo đặc sủng mỗi dòng tu, tu hội, tu đoàn, như cộng tác viên của các mục tử. (x. GLHTCG 925-930).

Cũng đóng vai trò tác nhân và chứng nhân nhưng qua việc đổ máu là các thánh tử đạo (nguyên nghĩa của tử đạo [martus/martyr] là chứng nhân). Các ngài liều chết để bảo vệ sự sống của Thân thể Chúa Ki-tô, đương đầu với những kẻ tàn hại đức tin, chống lại Hội Thánh bằng khí giới của tình yêu: hiền hòa, nhẫn nhục, thứ tha và chấp nhận bị triệt mạng.

Trong con người, để duy trì, tăng trưởng, bảo vệ sự sống cơ thể có hệ tuần hoàn. Hệ tuần hoàn (hệ mạch máu) vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng, nội tiết tố cùng chất thải ra và vào các tế bào của cơ thể để nuôi dưỡng nó, giúp nó chống lại bệnh tật, ổn định nhiệt độ, cân bằng nội môi. Máu được làm nên bởi hai thành phần chính là hồng cầu (hồng huyết cầu) và bạch cầu (bạch huyết cầu).

Hồng cầu vận chuyển khí oxy từ phổi, các axit béo, axit amin từ ruột non, các nội tiết tố (hormones) từ các tuyến nội tiết (glands)… đến các mô, các tế bào, đi khắp mọi nơi trong cơ thể. Tiếp đó, hồng cầu và máu nói chung mang cặn bã của quá trình chuyển hóa (chẳng hạn khí cacbonic) từ các mô đến phổi và các cơ quan bài tiết. Hồng cầu có 3 đặc tính: không có nhân (bộ phận điều khiển hoạt động độc lập của tế bào), không sinh sản (phân đôi) và mức dinh dưỡng rất thấp, Điều đó chẳng tương ứng với 3 lời khấn Tin Mừng vâng phục, khiết tịnh và nghèo khó của các tu sĩ sao?

Bạch cầu thì có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách chui ra khỏi mạch máu, tìm phát hiện và tiêu diệt những “nhân tố” gây bệnh như các tế bào ung thư và các siêu vi khuẩn xâm nhập thân thể, ngoài ra nó còn làm nhiệm vụ điều khiển hệ miễn nhiễm hay hệ miễn dịch (Immune system). Nhưng bạch cầu, vì là hàng rào phòng thủ đầu tiên, có thể bị các kẻ thù của thân thể giết hại.

Ở đây ta thấy hồng cầu và bạch cầu luôn sóng đôi với nhau. Điều đó chẳng gợi cho ta nhớ là trong Hội thánh, các thánh đồng trinh (các thánh tu sĩ) và các thánh tử đạo cũng thường được liên kết với nhau sao? Vì thật ra, cả hai đều là những con người “giết chết” bản thân để sống trọn cho Thiên Chúa, mỗi bên theo cách của mình.

g) Trong Hội thánh, ân sủng Thiên Chúa tuôn xuống và tác động trực tiếp qua 7 bí tích, đặc biệt nhờ thừa tác vụ của linh mục, rồi qua hoạt động đa dạng của các tu sĩ… Nhưng ân sủng còn được thông ban và tác động gián tiếp qua lời cầu nguyện của mọi tín hữu, nói chính xác là qua việc chuyển cầu, sự thể hiện của mầu nhiệm Các thánh Thông công (x. GLHTCG 2635)… Các cộng đoàn Ki-tô mọi thời đã tham gia vào thừa tác vụ Tin Mừng của các Tông đồ, mục tử bằng cách này. Lời chuyển cầu của họ không có ranh giới: cho tất cả mọi người, vì ai nấy đều có ơn gọi trở thành tế bào Thân thể Chúa Ki-tô, cho tất cả mọi nhu cầu chính đáng; rồi cầu nguyện chung chung hay tập trung vào một mục tiêu rõ rệt (x. ý cầu nguyện mỗi tháng của Đức Giáo hoàng, x. GLHTCG 2636). 

Trong con người, tác động lên toàn bộ cơ thể, ngoài hệ thần kinh, hệ tuần hoàn tác động cách trực tiếp, còn một hệ thống quan trọng gọi là hệ nội tiết, tác động cách gián tiếp, từ xa. Đó là mạng lưới các tuyến nội tiết (glands) sinh ra các nội tiết tố (hormones) để kiểm soát nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể: cảm xúc, sự tăng trưởng, việc trao đổi chất, và chức năng sinh sản của cơ thể. Các tuyến nội tiết đưa các hormone của mình vào máu để chúng di chuyển tới các bộ phận khác đang cần mà điều hòa hoạt động của mọi cơ quan.

h) Về Đức Maria trong mầu nhiệm Hội Thánh, GLHTCG dạy rằng “Đức Trinh Nữ Ma-ri-a… được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa Cứu Chuộc… Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Ki-tô’… bởi vì đã cộng tác bằng đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Ki-tô là Đầu của Hội Thánh.” “Đức Ma-ri-a,… Mẹ Đức Ki-tô, cũng là Mẹ… Hội Thánh.” (số 963). “Chính Mẹ đã cộng tác một cách tuyệt đối độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Độ… [vì không ai ở sát Chúa dưới trần gian và trên thiên quốc bằng Mẹ] để phục hồi sự sống siêu nhiên cho các linh hồn” (số 968)[16].

Trong hệ nội tiết, tuyến yên (pituitary/hypophyse) là tuyến chính, thường được gọi là tuyến chủ (master gland). Tuyến này sử dụng thông tin mà nó nhận được từ não để truyền tải đến các tuyến khác trong cơ thể; nó kiểm soát các bộ phận khác của hệ nội tiết, cụ thể là tuyến giáp, tuyến thượng thận, buồng trứng và tinh hoàn. Nó tạo ra nhiều loại hormone quan trọng bao gồm hormone tăng trưởng, prolactin và luteinizing, quản lý estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới. Có kích thước bằng hạt đậu và nặng 0.5 gram, tuyến yên là phần nhô ra của vùng dưới đồi ở đáy não, nói nôm na là tuyến sát với đầu hơn cả, đang khi mọi tuyến khác nằm rải rác khắp thân thể. Mẹ Maria chẳng từng được gọi là Nữ Vương, Nữ Hoàng, Đức Chúa Bà (Regina, Domina) đó sao?

Kết luận

Trên đây là một vài điểm đối chiếu giữa thân thể con người và Thân thể Chúa Ki-tô. Hẳn là còn nhiều nét song song nữa chờ được khám phá và trình bày. Tất cả chẳng cho thấy rằng Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn xem và xây dựng Hội Thánh theo mẫu mà Người đã đặt trong thế giới tự nhiên đó sao? Hội Thánh, xét theo bên ngoài, đúng là một xã hội có tổ chức, một tổ chức rất chặt chẽ, nhưng đó phải là tổ chức của một thân thể, y như thân thể con người. Vì không có gì bền vững về căn tính như trong một thân thể, không có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa mọi cơ quan cho bằng trong một thân thể (như máu dồn về nơi một cơ quan cần làm việc lúc này), không có những mệnh lệnh được thi hành răm rắp nhưng với sự dịu dàng từ trung tâm điều khiển và sự thuận lòng nơi các cơ quan thừa hành (tức các tế bào tiếp nhận) như trong một thân thể.

Ngoài ra, sự liên đới trọn vẹn giữa mọi phần thân thể: gan tôi tốt thì toàn thân khỏe mạnh, chân tôi đau thì toàn thân ê ẩm… cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện hay tội lỗi của mỗi một tế bào tín hữu cũng ảnh hưởng lên cả Hội Thánh; những việc làm đạo đức hay hành vi tội lỗi dù là thầm kín cũng tác động lên toàn Nhiệm thể Chúa Ki-tô.

Lễ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh, 06-06-2022

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, TGP Huế, Tu hội đời Linh mục Thánh Tâm CGS.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Ê-phê-sô và Cô-lô-xê là những bức thư được viết vào cuối đời của thánh Phao-lô, khi ngài bị tù ở Rô-ma. Đây là đỉnh cao suy tư thần học của vị Tông đồ Dân ngoại.

[2] Xem Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) số 795.

[3] Như thế, theo kiểu nói triết lý, cái có sau cùng trong hiện thực (hiện thực đời đời) là cái có đầu tiên trong tâm trí (tâm trí Thiên Chúa).

[4] Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu giải thích chữ văn như sau: “Cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp rõ rệt gọi là văn, như văn minh, văn hóa v.v….” (67. Bộ Văn, trang 311).

[5] GLHTCG số 795 còn nêu rõ đó là Con Người Toàn Thể (Totus Homo) qua nhiều câu nói của các thánh nhân thần học gia: “Nếu Đức Ki-tô là Đầu và chúng ta là chi thể, thì con người toàn thể (totus homo) chính là Người và chúng ta” (Au-gút-ti-nô), “Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã tỏ cho thấy Người cùng với Hội Thánh mà Người đảm nhận, là như một người duy nhất” (Grê-gô-ri-ô Cả). “Đầu và các chi thể như là một người huyền nhiệm duy nhất” (Tô-ma A-qui-nô).

[6] Xem GLHTCG số 777

[7] Lối dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “toàn quyền trên muôn loài” thiết tưởng chưa diễn tả trọn vẹn mầu nhiệm Hội Thánh, vì Thiên Chúa có lúc nào mà không toàn quyền trên muôn loài?

[8] Xin xem bài của chúng tôi trước đây: “Các thiên thần, phần hồn của Thân thể Mầu nhiệm”.

[9] Xem GLHTCG số 846-848.

[10] Thánh Phao-lô gọi mỗi người là một bộ phận, một chi thể. Đối với thời đại ngày nay, phải gọi mỗi người là 1 tế bào.

[11] Ngay trong Thánh Kinh, cũng đã có vấn đề “hình ảnh báo trước”. Cách đọc tiên trưng (per typologiam) cho thấy nhiều công trình và nhân vật Cựu Ước tiên báo nhiều công trình và nhân vật Tân Ước, nhất là Chúa Giê-su. Thánh Augustinô là người đưa ra tư tưởng ấy qua câu nói: Novum Testamentum in Vetere latet. Vetus Testamentum in Novo patet (Tân Ước ẩn giấu trong Cựu Ước. Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước).

[12] Lời nguyện nhập lễ Thánh An-bê-tô Cả (15-11): “Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh giám mục chúng con mừng kính hôm nay xứng danh là An-bê-tô Cả, vì đã tìm phối hợp kiến thức loài người với chân lý mạc khải. Xin cho chúng con biết thụ giáo với thánh nhân, để càng tiến bộ về khoa học, chúng con càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn”.

[13] Từ lâu, sinh học gắn liền với luân lý, do đó mới có khoa “Đạo sức sinh học”, bàn về các vấn đề ngừa thai, phá thai, mang thai mướn, thụ thai trong ống nghiệm, giúp chết êm dịu, khai thác tế bào người, giải phẫu chuyển giới tính… Từ nay, sinh học có thể gắn liền với tín lý. Nhưng ngang đây thì bài viết yêu cầu độc giả nhớ lại một số kiến thức về sinh học con người mà mình đã tiếp thu thời trung học.

[14] Summa theologiae III, q. 65, a. 1. Xem GLHTCG số 1210.

[15] Về các khái niệm sinh học liên quan đến thân thể con người như sẽ trình bày tiếp đây, Quý Độc giả có thể tìm hiểu và kiểm chứng qua Bách khoa Toàn thư mở (https://vi.wikipedia.org) hay trang web https://www.vinmec.com/

[16] Xin xem thêm Kinh Tiền tụng lễ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh.