Dẫn nhập: Những công cụ cần thiết của chương trình cứu độ
Nếu lấy cột mốc từ buổi chiều Chúa Giêsu ăn bữa Tiệc Ly[1] với các môn đệ trước Lễ Vượt Qua của người Do Thái vào tháng 4 năm 33 của thế kỷ thứ nhất, thì có thể nói được, chức linh mục trong Kitô giáo đã tồn tại được 1991 năm (cho tới năm 2024 này)! Còn tồn tại đến bao lâu thì chúng ta phải dựa vào thế giá của Thánh Kinh cũng như cảm thức đức tin truyền thống của Dân Chúa! Thật vậy, Lời Chúa đã nói với chúng ta rằng: chức linh mục, còn được gọi là “Thượng tế”, sẽ tồn tại muôn đời như lời tuyên xưng của Thánh vịnh 110: “Con là Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkisêđê” (Tv 110,4).
Cho dù đây không là lúc để giải trình hay luận bàn chuyện “thần học về chức linh mục”, nhưng cũng cần nhắc lại chính lời nhận xét của thánh linh mục Gioan Maria Vianney để phần nào chúng ta có một cái nhìn tổng thể về giá trị và vai trò của các linh mục trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa nói riêng hay trong công cuộc cứu độ con người nói chung: “… Nếu không có bí tích truyền chức thánh, chúng ta sẽ không có Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ai đã đặt Người ở đó, trong nhà Tạm? Linh mục. Ai đã đón nhận linh hồn các con bước vào cuộc sống? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn để nó có sức thực hiện cuộc lữ hành? Linh mục. Ai đã chuẩn bị cho nó ra trước mặt Chúa khi rửa sạch nó lần cuối cùng trong Máu Chúa Kitô? Linh mục, luôn luôn là linh mục. Và nếu linh hồn ấy chết trong tội trọng, ai sẽ phục sinh nó? Ai sẽ trả lại cho nó sự yên hàn và bình an? Vẫn là linh mục. Các con không thể nhớ lại chỉ một ơn nào của Thiên Chúa mà các con không gặp thấy bên cạnh đó hình ảnh của linh mục”.
Chắc chắn đây không là “cảm nhận ngẫu hứng” của một vị thánh về chính “hồng ân linh mục” của mình; vì hơn một trăm năm sau, Huấn Quyền của Giáo hội cũng khẳng định về linh mục như thế qua Tông huấn Pastores Dabo Vobis của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Trong Giáo hội và cho Giáo hội, như những dấu chỉ bí tích, các linh mục đại diện cho Chúa Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, các linh mục công bố Lời Chúa một cách chính danh, các linh mục lặp lại những cử chỉ tha thứ và ban ơn cứu độ, nhất là qua các bí tích Rửa Tội, Thống Hối và Thánh Thể, các linh mục đem sự chăm sóc đầy tình thương của Ngài, sự chăm sóc đến nỗi trao hiến trọn vẹn chính mình của Ngài, ra thi thố cho đoàn chiên mà các linh mục qui tụ lại làm một và dẫn đến Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần”[2].
Cách riêng, trong sứ vụ loan báo Tin mừng cho muôn dân, có thể nói được, ngay từ khi bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng, Đức Kitô đã tiên liệu ngay chương trình “chọn gọi, đào tạo và huấn luyện” một số người để cùng với Ngài và thay mặt Ngài, rao giảng Phúc âm cho thế giới: “Chúa Giêsu leo lên núi, Ngài gọi những kẻ Ngài muốn đến với Ngài. Họ đã đến với Ngài. Và Ngài đã thiết lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và để sai họ đi rao giảng, kèm theo quyền xua trừ ma quỉ” (Mc 3,13-15). Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định việc Giáo hội không ngừng áp dụng “định hướng” này trong suốt cuộc lữ hành của mình: “Có thể quả quyết rằng trong suốt dòng lịch sử của mình, khi nhặt khi khoan, cách này hoặc cách khác, Giáo hội đã áp dụng trang Tin mừng này vào cuộc sống bằng công trình đào tạo các ứng sinh cho hàng linh mục và ngay cả đào tạo chính các linh mục”[3].
Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam chúng ta cũng không đi ngoài “quy luật của muôn đời” đó. Thật vậy, nếu lấy cột mốc ngày 18.01.1615[4], ngày mà phái đoàn thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên cập bến Cửa Hàn – Đàng Trong để bắt đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, thì trong số ba vị tu sĩ của đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đó, đã có hai vị là linh mục: cha Francesco Buzomi, người Ý làm trưởng đoàn, cha Diogo Carvalho cùng với tu huynh Antonio Dias[5]. Kể từ thời điểm “vạn sự khởi đầu nan” đó (1615) cho đến gần bốn mươi năm sau (1664), khi có các linh mục thuộc Hội thừa sai Paris đặt chân đến Việt Nam[6], chỉ riêng Dòng Tên đã cung cấp cho công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong 38 thừa sai mang quốc tịch của 10 quốc gia[7], hầu hết là các linh mục; trong đó có những linh mục tài ba xuất chúng, đã góp phần rất lớn, không những cho công cuộc loan báo Tin mừng mà còn cho việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Xin đan cử 4 linh mục tiêu biểu sau:
– Cristoforo Borri (1583 – 1632): Người Ý, một nhà Dân tộc học, thiên văn học, hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong từ năm 1618-1622, là tác giả của tác phẩm “Xứ Đàng Trong” (Nguyên tác: Relazione della nuova missinone dei P.P. della Compagnia di Gesù, Roma 1631. Thanh Thư dịch, Nxb Tổng hợp Thanh phố Hồ Chí Minh 2019), một ký sự nghiên cứu đầy giá trị toàn cảnh vùng Đàng Trong về lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị, quân sự, thương mại…, được xuất bản khoảng 16 lần (từ 1631-1931), và ngoài bản văn bằng tiếng Ý, đã được dịch ra 5 thứ tiếng Latinh, Pháp, Hà Lan (Plemish), Đức, Anh[8]…
– Francisco de Pina (1585 (1586?) – 1625): Người Bồ Đào Nha, hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong khoảng từ năm 1617 và chết đuối ở Đà Nẵng ngày 16.12.1625. Rất giỏi tiếng Việt và là thầy dạy chữ Quốc ngữ cho cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), là một trong số những linh mục Dòng Tên có công xây nền móng cho hệ thống chữ Quốc ngữ; từ năm 1618, tại cư sở Nước Mặn (Qui Nhơn), cùng với các cộng sự viên địa phương, đã dịch các kinh căn bản của Công Giáo như Lạy Cha, Kính mừng, Tin Kinh… sang tiếng Việt[9].
– Gironimo Majorica (1591 – 1656): Người Ý, hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong từ năm 1624 – 1629 và tại Đàng Ngoài từ năm 1632 – 1656. Ngài là chuyên viên Hán Nôm và là tác giả 48 tác phẩm bằng chữ Nôm cả văn xuôi lẫn văn vần, trong số đó vẫn tồn tại 30 tác phẩm cho tới hôm nay[10].
– Alexandre de Rhodes (1593 – 1666): Là công dân Avignon lãnh địa của Giáo hoàng (1348 – 1791)[11]. Ngài hoạt động tại Đàng Trong hai lần: Lần đầu từ năm 1624 – 1626; lần hai từ năm 1640 – 1645; tại Đàng ngoài từ năm 1627 – 1630. Ngài có công lớn nhất trong việc hình thành và kiện toàn chữ Quốc ngữ khi đích thân biên soạn và xuất bản hai tác phẩm Quốc ngữ (được xem như) đầu tiên: Tự điển “Việt-Bồ-La” và cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày”. Cả hai cuốn được in tại nhà in đa ngữ của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin tại Rôma năm 1651[12].
Sở dĩ nhắc lại vài “điểm nhấn lịch sử” liên quan đến các linh mục thừa sai ban đầu để chúng ta dễ có cái nhìn tổng quát hơn, chính xác hơn về “thế hệ linh mục” tiên khởi của Giáo hội tại Việt Nam. Các ngài chắc chắn phải là “những hạt gạo trên sàng”, những ứng viên xuất sắc được đào tạo từ “lò huấn luyện Thầy giảng” của Dòng Tên, với những định hướng nền tảng của Hội thánh lúc bấy giờ như “Huấn thị 1659”, Kim chỉ nam “Monita” cùng với sự bổ túc cần thiết và kinh nghiệm của các linh mục Hội Thừa Sai Paris…
Đó chính là nội dung khái quát mà bài viết sau đây muốn gợi ý để chúng ta cùng suy tư và cảm nhận. Nội dung được khai triển với bốn “điểm nhấn” sau:
– Hàng giáo sĩ địa phương trong tiến trình “Hoán cải truyền giáo”.
– Hàng giáo sĩ Việt Nam thời chuẩn bị của Dòng Tên.
– Hiện tình “hàng giáo sĩ bản xứ” vào thời “Giáo phận Tông tòa”.
– Thế hệ linh mục Việt Nam tiên khởi: “Những hạt gạo trên sàng”.
I. HÀNG GIÁO SĨ ĐỊA PHƯƠNG TRONG TIẾN TRÌNH “HOÁN CẢI TRUYỀN GIÁO”
Để có một cái nhìn tương đối quân bình và chính xác về “hiện tình giáo sĩ” trong buổi đầu truyền giáo tại Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng cần dừng lại vài “điểm nhấn lịch sử” liên quan đến những “thăng trầm”, những lý do hay tác động tiêu cực và những nỗ lực “hoán cải truyền giáo” trong công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội, đặc biệt, trong công cuộc truyền giáo tại Á Châu từ ban đầu và cho đến những thế kỷ gần đây.
1. Khi “Kitô giáo bị biến mất”
1.1. Kitô giáo và “cội nguồn Á Châu”
Có một điều không ai phủ nhận: Kitô giáo phát xuất từ Á Châu như khẳng định từ những lời đầu tiên của Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu”: “Giáo hội tại Á Châu hát lời ngợi khen “Thiên Chúa cứu độ” (Tv 68,20) vì Người đã chọn khởi sự kế hoạch cứu độ của Người tại phần đất Á Châu, qua những người nam nữ của lục địa này. Quả thế, chính tại Á Châu mà Thiên Chúa đã mạc khải và hoàn thành ý định cứu độ của Người ngay từ đầu. Người hướng dẫn các tổ phụ (x. St 12) và kêu gọi ông Môisen giải thoát dân Người (x. Xh 3,10). Người nói với Dân được tuyển chọn qua nhiều ngôn sứ, quan án, vua chúa và những phụ nữ dũng cảm đầy lòng tin. Vào “thời viên mãn” (Gl 4,4), Người sai Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ, mặc lấy xác phàm làm người Á Châu!”[13].
1.2. Những nỗ lực truyền giáo tại Á Châu và những thăng trầm
Ngày từ trên mảnh đất Á Châu, Đức Kitô đã “phát lệnh truyền giáo”; và các môn sinh của Ngài đã tức tốc thi hành. Tông huấn Giáo hội tại Á Châu đã tóm tắt những nỗ lực thực hiện lệnh truyền loan báo Tin mừng của các Tông đồ và các thế hệ Kitô hữu kế tục trải qua hơn một thiên niên kỷ: “Lịch sử Giáo hội tại Á Châu cũng xưa như chính Giáo hội, bởi vì tại Á Châu Đức Giêsu đã thở hơi Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Người và sai họ đi tới tận cùng trái đất để rao giảng Tin mừng và qui tụ những cộng đoàn tín hữu. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21; x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18; Lc 24,47; Cv 1,8). Theo mệnh của Chúa, các Tông đồ rao giảng Lời Chúa và thiết lập những Giáo hội. Có lẽ là điều hữu ích khi nhắc lại một vài yếu tố của lịch sử hấp dẫn và phức tạp này.
Từ Giêrusalem, Giáo hội lan rộng tới Antiôkia, tới Roma và xa hơn nữa. Giáo hội đi tới Ethiôpia phía nam, tới Scythia phía bắc và tới Ấn Độ phía đông, vùng đất theo truyền thống, Thánh Tôma Tông đồ đã tới năm 52 sau Công nguyên, và thiết lập các Giáo hội miền nam Ấn Độ. Tinh thần truyền giáo của cộng đoàn Đông-Syria trong thế kỷ III và IV với trung tâm là Edessa, thật đáng kể. Những cộng đoàn khổ tu Syria là một sức mạnh chủ yếu của việc Phúc Âm hoá tại Á Châu từ thế kỷ III đổ về sau. Những cộng đoàn này đem lại sinh lực thiêng liêng cho Giáo hội, đặc biệt trong thời kỳ bắt đạo. Vào cuối thế kỷ III, Armênia là quốc gia đầu tiên toàn diện theo Kitô giáo, và nay đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 1.700 năm lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Cuối thế kỷ thứ V, sứ điệp Kitô giáo lan tới các vương quốc Ả rập, nhưng vì nhiều lý do, kể cả những chia rẽ nội bộ người Kitô hữu, sứ điệp không đâm rễ sâu giữa lòng các dân tộc này.
Các thương gia Ba Tư mang Tin mừng tới Trung Hoa trong thế kỷ thứ V. Giáo hội Kitô đầu tiên được thiết lập ở đây vào đầu thế kỷ VII. Dưới triều đại nhà Tần (618-907 Công nguyên) Giáo hội phồn thịnh gần hai thế kỷ. Sự suy sụp của Giáo hội đầy sức sống này tại Trung Hoa, ở cuối ngàn năm thứ nhất, là một trong các chương đáng buồn hơn cả của lịch sử Dân Chúa tại Lục địa.
Thế kỷ thứ XIII, Tin mừng được rao giảng cho người Mông Cổ và người Thổ, và một lần nữa cho người Trung Hoa. Nhưng Kitô Giáo hầu như biến khỏi các vùng này vì một số lý do, trong các lý do đó có sự nổi dậy của Hồi giáo, sự tách biệt về mặt địa lý, thiếu sự thích nghi thích hợp với những văn hoá địa phương, và có lẽ hơn hết là thiếu chuẩn bị gặp gỡ các tôn giáo lớn tại Á Châu. Cuối thế kỷ XIV chứng kiến sự sa sút mãnh liệt của Giáo hội tại Á Châu, trừ ra một cộng đồng biệt lập ở Nam Ấn Độ. Giáo hội tại Á Châu phải chờ đợi một thời đại mới của nỗ lực truyền giáo” (EA số 9).
1.3. Tại sao “Kitô giáo bị biến mất”: Tâm thức “chinh phục” và “coi thường giáo sĩ bản xứ”
Theo Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu” thì sở dĩ công cuộc truyền giảng Tin mừng tại Á Châu xem ra thất bại vì những lý do sau: “Nhưng Kitô Giáo hầu như biến khỏi các vùng này vì một số lý do, trong các lý do đó có sự nổi dậy của Hồi giáo, sự tách biệt về mặt địa lý, thiếu sự thích nghi thích hợp với những văn hoá địa phương, và có lẽ hơn hết là thiếu chuẩn bị gặp gỡ các tôn giáo lớn tại Á Châu” (EA số 9).
Ngoài lý do “Hồi giáo” và “địa lý cách trở”, có lẽ hai lý do mang chiều kích “hội nhập văn hóa” và “đối thoại liên tôn”: “thiếu sự thích nghi thích hợp” và “thiếu chuẩn bị gặp gỡ” chính là hai nguyên do chính khiến công cuộc truyền giáo có một thời tạm gọi là “thất bại” tại Á Châu hay theo ngôn ngữ của Ecclesia in Asia “Kitô Giáo hầu như biến khỏi các vùng này”.
Tuy nhiên, theo sự phân tích và đánh giá của tác giả kinh sĩ Léon Joly trong tác phẩm Le Christianisme et l’Extrême-Orient (Kitô giáo và Viễn Đông) thì đằng sau lý do “Hội nhập văn hóa” và “đối thoại liên tôn” đó chính là vì các nhà truyền giáo sau này tại Á Châu đã không đi theo đúng hướng của các Tông đồ trong công cuộc truyền giáo thuở ban đầu[14]. Cụ thể đó là: mang tâm thức “Âu Châu đi chinh phục” và “xem thường giáo sĩ bản xứ”: “Có một thực tế được mọi người công nhận là bất cứ nơi nào lời rao giảng của họ được chấp nhận, các Tông đồ liền thiết lập những Hội thánh hoàn chỉnh với hàng tư tế của các Hội thánh ấy… Ở Viễn Đông từ thế kỷ 13 cho đến nay, các người truyền giáo luôn tiến hành theo cách khác. Không ở đâu và chưa bao giờ, họ đã lập nên một Giáo hội bản xứ hoàn chỉnh. Hầu như ở khắp nơi, theo thời gian, và đặc biệt là kể từ khi lập Hội Thừa sai Hải ngoại, với nhiều nghi ngại, họ đã rụt rè mở ra các chức tư tế cho người bản xứ…”[15].
2. Những chặng đường “hoán cải truyền giáo”
“Hoán cải” luôn là thái độ đức tin căn bản chi phối mọi hành động cá nhân cũng như cộng đoàn mang căn cước Kitô. Chắc chắn, khi nhận ra những “chỉ dấu thất bại” trong công cuộc truyền giáo, đặc biệt tại vùng đất Á Châu, Giáo hội buộc phải nhìn lại cung cách loan báo Tin mừng hay có thể nói cách cụ thể: Giáo hội phải “hoán cải truyền giáo”[16]. Và sau đây là một vài sự kiện cụ thể trong cuộc “hoán cải truyền giáo” của Giáo hội mà ít nhiều có liên quan đến hàng giáo sĩ.
2.1. Cuộc thức tỉnh của Công đồng Trento: Chủng viện và việc đào tạo linh mục
Có thể nói được, cuộc “hoán cải truyền giáo” ấn tượng và quan trọng nhất của Giáo hội vào thế kỷ 16 chính là “quyết sách mục vụ” đầy thức thời của Công đồng Trentô[17]. Nhà sử học Công giáo Việt Nam của Dòng Tên, cố linh mục Đỗ Quang Chính nhận xét: “Chúng ta đã biết Công đồng Trentô (1545-1563) có mấy điểm quan trọng trong nhiều điểm quan trọng khác, đó là: cải tổ sâu xa nội bộ Giáo hội, bảo vệ Giáo hội, cụ thể là ở châu Âu, khỏi bị cuốn theo Tin Lành, và mở rộng Giáo hội sang các dân tộc ngoài châu Âu, tức là công việc truyền giáo tại các châu Á, Phi, Mỹ…”[18].
Thế nhưng, để thực hiện chương trình “hoán cải truyền giáo” này, lựa chọn ưu tiên của Công đồng và cũng là một quyết sách mục vụ mang tính tiên tri đó là đào tạo hàng giáo sĩ, thiết lập các chủng viện. Thật vậy, chúng ta phải cảm ơn các quyết sách mục vụ đầy tính “tiên tri” của Công đồng Trento[19] liên quan đến chức linh mục. Bởi chính từ Công đồng này mà việc huấn luyện, đào tạo các ứng sinh lên chức linh mục được thực hiện trên những nền tảng chuẩn xác mà cụ thể đó là qua hệ thống “chủng viện” (séminaire) được chính Giáo hội thiết lập[20]. Có thể nói được, hầu hết các linh mục thừa sai đến Việt Nam thời đầu (thế kỷ 17), cho dù thuộc các Hội dòng, đều là những thế hệ linh mục “hậu Công đồng Trentô” nên đều mang tinh thần và phong cách mục vụ của Công đồng này. Phải chăng, đây chính là điều kiện thuận lợi và nền tảng cần thiết cho công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam khi Giáo hội chính thức thiết lập hai Giáo phận Đại diện Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam.
2.2. Đóng lại chế độ “Bảo trợ truyền giáo” và mở ra Thánh Bộ “Truyền bá đức tin”
Cho dù được Công đồng Trento định hướng đúng đắn, nhưng để Giáo Hội có một kế hoạch khả thi và dứt khoát áp dụng những đường hướng loan báo Tin mừng mới mẻ và thích hợp thì không dễ chút nào. Chính cái định chế “Bảo trợ truyền giáo”[21] dành ưu tiên cho hai ông “đại gia” đế quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã như một cái “gọng kìm” làm cho “cái đầu của Nhiệm Thể”, cái trung tâm lãnh đạo của Giáo hội là Tòa thánh Rôma phần nào bị “bó chân bó tay”. Không chỉ “bất lợi” về mặt “cơ chế điều hành”, chính chế độ “Bảo trợ truyền giáo” đã mang theo bao “hệ lụy” tiêu cực mà điều tệ hại nhất chính là tinh thần thế tục. Vâng, tính thế tục đã nảy sinh, như những “cây cỏ lùng” tai hại (Mt 13,24-26), nơi hai đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha[22] cũng như nơi các giáo sĩ và tu sĩ đang dấn thân trên các cánh đồng truyền giáo. Đây là điều được phản ảnh cách trung thực và rõ nét qua chính ký sự của Đức cha Lambert de La Motte viết năm 1662 khi đặt chân đến thành phố Masulpatan thuộc Ấn Độ: “…Nếu được phép nói ra tất cả những gì mà mọi người ở xứ nầy đều đã biết về tình hình tôn giáo ở Goa và các lãnh thổ thuộc quyền người Bồ Đào Nha, người ta sẽ thấy rằng hàng giáo sĩ phần đông không ăn học và không có hạnh kiểm tốt, và các tu sĩ không còn giữ hiến pháp của họ, những thói tục không tốt đã du nhập vào cộng đoàn làm cho họ không còn biết vâng lời các bề trên…”[23].
Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn Hội thánh, nhất là thường xuyên hướng dẫn Hội thánh hoán cải để luôn “trở lại với con đường của Đức Kitô”. Ở đây, chúng ta đang nói đến cuộc “hoán cải truyền giáo” mang tính “chiến lược” trong “định hướng”, trong thực hành cũng như trong công tác nhân sự (mà theo ngôn ngữ của Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô đó là “Hoán cải mục vụ”[24]). Nỗ lực đầu tiên để hiện thực hóa chương trình “hoán cải mục vụ và truyền giáo” này đó là việc Tòa Thánh thiết lập một cơ quan đầu não, điều hành toàn bộ công cuộc loan báo Tin mừng, mà không phải lệ thuộc bởi một thế lực trần tục nào. Và như thế, Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin[25] được chính thức thiết lập ngày 22.06.1622 do Đức Grêgôriô XV bằng Hiến chế Inscrutabili Divinae Providentiae.
Linh mục Đỗ Quang Chính nhận xét về sự kiện “cách mạng” nầy như sau: “Đứng trước hoàn cảnh này, Tòa thánh phải tìm cách thoát ra khỏi cơ chế bảo trợ trong các vùng truyền giáo, phải đứng ra lãnh trách nhiệm trực tiếp và toàn bộ trong việc tổ chức và phái các thừa sai đến những xứ trên, mà không còn phải lệ thuộc vào quyền lực chính trị các đế quốc nữa. Như vậy mới tránh được nhiều tiêu cực trong công cuộc truyền giảng Tin mừng. Vì thế, dù quá hiểu cơ chế mới này trực tiếp đụng đến cách sắp xếp và điều hành quen thuộc của chế độ bảo trợ, nhất là của Bồ Đào Nha, làm vua mất nhiều ảnh hưởng, Tòa thánh cũng phải vượt mọi ngãng trở để lập ra Thánh Bộ Truyền giáo”[26].
Riêng linh mục Giáo sư tiến sĩ Joseph Metzler đã lược tóm “7 trọng tâm nhắm tới và tìm kiếm” trong chương trình hành động của Thánh Bộ mà 2 trong số đó chính là:
– Tìm tuyển chọn và đào tạo những thừa sai xứng đáng với nhiệm vụ rao giảng Tin mừng.
– Tìm thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ[27].
2.3. Thiết lập các “Giáo phận đại diện Tông tòa”
Nếu việc thiết lập “Thánh Bộ Truyền bá đức tin” chính là “chiến lược mục vụ” nhằm định hướng lại chương trình truyền giáo vốn thiếu hiệu quả, nếu không nói là thất bại, tại Á Châu của cơ chế “Bảo trợ truyền giáo”, thì việc Tòa thánh thiết lập các Giáo phận Đại diện Tông tòa và ban hành Huấn thị 1659 lại là một áp dụng cụ thể cho định hướng mục vụ chiến lược này.
2.3.1. Các Giáo phận đại diện Tông tòa
Khi đọc lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta đều đồng ý rằng: chiến lược truyền giáo tại Á Châu vào thế kỷ 17, đặc biệt, tại Đàng Trong và Đàng Ngoài của Việt Nam, chỉ được thực hiện cách thống nhất và có đường lối rõ rệt dứt khoát kể từ sau sự kiện ngày “9.9.1659”, tức biến cố Tòa thánh thiết lập hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam: Ngày 9.9.1659, với Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Giáo hoàng Alexandro VII đã thiết lập hai Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và giao cho hai Giám mục: Pierre Lambert de La Motte: Đại diện Tông tòa Đàng Trong (Vicario apostolico in regno Cocincinae) và François Pallu: Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài (Vicario apostolico in regno Tunchini)[28].
2.3.2. Cha Đắc Lộ và “nhân tố Giám mục” đối với hàng Giáo phẩm và Giáo sĩ Việt Nam
Để tiến tới sự kiện lịch sử “9.9.1659”, dĩ nhiên, có nhiều con đường và sự nỗ lực đóng góp của nhiều người. Tuy nhiên, công đầu phải dành riêng cho cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) như nhận xét của linh mục tiến sĩ chuyên về giáo sử Việt Nam, Antoine Bùi Kim Phong trong luận án tiến sĩ của ngài khi liệt kê 5 lý do dẫn tới sự kiện trên mà đây là lý do quan trọng nhất: “Và trên hết, sự hiến mình toàn vẹn và không mệt mỏi của cha De Rhodes dành cho việc thiết lập các đại diện tông tòa cũng như hàng giáo sĩ bản xứ tại Việt Nam được đánh giá cao. Thật sự, cha De Rhodes là người đã mở một trang sử mới của Giáo hội tại Việt Nam, một kỷ nguyên mới của lịch sử truyền giáo tại Á Châu và toàn thể Giáo hội. Thật đúng khi gọi ngài là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong mọi thời của Giáo hội hoàn vũ”[29].
Là một linh mục tu sĩ Dòng Tên, Cha Đắc Lộ đã dành cả cuộc đời (từ 1619 – 1660) cho hoạt động truyền giáo tại Á Châu (Goa, Macao, Việt Nam, Ba Tư), trong đó, ngài đã xả thân tại Việt Nam hơn 20 năm (1624 – 1645) nên hơn ai hết, ngài tha thiết xây dựng tiền đồ Giáo hội địa phương; và ngài biết rõ yếu tố quyết định và điểm then chốt cho công trình này không gì khác chính là “nhân tố Giám mục”.
Thật vậy, theo cha Đắc Lộ cũng như lập trường tiến bộ của các đấng Bề trên Dòng Tên lúc bấy giờ tại Macao cũng như tại Rôma, cánh đồng truyền giáo tại Á Châu, nhất là tại Đàng Trong, Đàng Ngoài, muốn phát triển và tồn tại phải cần có các Giám mục chăm sóc mục vụ và thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ. Tác giả linh mục Bùi Kim Phong đã mô tả nỗi thao thức này của cha Đắc Lộ khi bôn ba tại giáo đô Rôma và thủ đô Paris để hoạt động xin Tòa Thánh gởi các Giám mục sang Việt Nam: “Dù vậy, ngài vẫn không từ bỏ bổn phận quan trọng nhất là tìm kiếm các Giám mục cho Việt Nam. Không có Giám mục, đất nước này không thể có hàng giáo sĩ bản xứ; do đó, có Giám mục là giải pháp hàng đầu của ngài đối với Việt Nam vào thời ấy”[30].
Chính ý tưởng này đã tác động lên cả hàng giáo sĩ Pháp mà bằng chứng rõ nét nhất chính là nội dung bức thỉnh nguyện thư của Hội đồng Giáo sĩ Pháp gởi cho Đức Giáo hoàng Innocentê X vào tháng 7 năm 1653: “Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng con, những người ký tên dưới đây, đã được biết thông tin về sự phát triển đáng khâm phục của đức tin Kitô giáo tại các vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong, hơn 200.000 giáo hữu đang không có mục tử… Để ngăn ngừa sự bất lợi này, cần phải đào tạo linh mục bản xứ và do đó cần thiết lập Giám mục…”[31].
Tạ ơn Chúa, những thao thức và tâm nguyện mà cha Đắc Lộ và hàng giáo sĩ Pháp ôm ấp, thiết tha và vận động đã được Chúa thương chấp nhận!
II. HÀNG “GIÁO SĨ VIỆT NAM”: THỜI CHUẨN BỊ CỦA DÒNG TÊN
Một khi có được cơ chế “Giáo phận”, cho dù là Giáo phận Tông tòa, cùng với các Giám mục Đại diện Tông tòa chăm sóc mục vụ thì “bài toán hàng giáo sĩ của Giáo hội địa phương” xem như đã có được “công thức để giải”! Tuy nhiên, để đi tới một “đáp án” khả dĩ đúng đắn và thích hợp lại là một con đường khá nhiêu khê. Chúng ta thử đi lại con đường phức tạp và đầy chông gai của công cuộc hình thành, phát triển và đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ tại Việt Nam; nhất là những đóng góp không nhỏ của các thừa sai Dòng Tên, những “người thợ vườn nho giờ thứ nhất” đã chuẩn bị “những viên đá lót đường” cần thiết và trân quý!
1. Dòng Tên: Những “Người thợ vườn nho giờ thứ nhất”
Trước thế kỷ 17, hay chính xác hơn, trước ngày 18.01.1615, ngày phái đoàn thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên đặt chân lên Cửa Hàn Đàng Trong, các dấu vết hoạt động truyền giáo tại Việt Nam đều khá mơ hồ và đầy tồn nghi; ngay cả thời điểm “năm 1533”[32], năm mà nhiều tư liệu lịch sử đạo đời vẫn thường chọn như “cột mốc xác định thời điểm đầu tiên” của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.
Nếu chọn thời điểm lịch sử đầu tiên mang tính khoa học và chính xác về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, thì cột mốc khả tín nhất đó chính là năm 1615. Thật vậy, theo những “chứng nhân trong cuộc” (các thừa sai như Cristoforo Borri, Alexandre De Rhodes…) và các Báo cáo chính thức của Dòng Tên, thì chúng ta có chứng tích rõ ràng về thời điểm, địa điểm cũng như nhân vật lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam: Do cuộc bách hại tại Nhật Bản, nhất là chỉ dụ cấm đạo 14.02.1614, các thừa sai bị buộc rời khỏi nước Nhật cùng với những thông tin thuận lợi và hấp dẫn của thuyền trưởng thương gia Ferdinand Costa về xứ Đàng Trong, Bề trên tỉnh dòng Macao của Dòng Tên Valentim Carvalho đã cử phái đoàn truyền giáo đầu tiên đến Đàng Trong gồm ba người: Cha Buzomi (người Ý là Trưởng đoàn), cha Diogo Carvalho và tu huynh Antonio Dias (người Bồ). Các ngài đã cập bến Đàng Trong tại Cửa Hàn ngày 18.01.1615 (x. CHRISTOFORO BORRI)[33].
Theo tác giả linh mục Nguyễn Hữu Trọng, các thừa sai Dòng Tên chính là “nhóm thợ tông đồ mới được kêu gọi để đặt nền móng cho Giáo hội ở đây… Thật vậy, các tu sĩ Dòng Tên là những người sáng lập thực sự của Giáo hội Việt Nam… Trong công trình xây dựng Giáo hội Việt Nam, Chúa đã quan phòng cho các tu sĩ Dòng Tên đóng vai trò của những người thợ giờ thứ nhất để đặt nền móng cho công trình…”[34].
2. Hội Thầy Giảng: những viên đá lót đường
2.1. Dòng Tên – Cha Đắc Lộ – Hội Thầy Giảng tại Việt Nam
Là những nhà truyền giáo kiệt xuất, các thừa sai Dòng Tên luôn biết vận dụng mọi phương thế có trong tầm tay để “Ad majorem Dei gloriam” (Để Chúa được vinh danh hơn); và một trong những phương thế đắc lực cho công cuộc truyền giáo vào thế kỷ 17 mà các thừa sai Dòng Tên ở Nam Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam… vận dụng cách sáng tạo đó là các “Thầy Giảng”[35].
Trong sự kiện Tòa Thánh cắt đặt các Giám mục Đại diện Tông tòa cho cánh đồng truyền giáo Viễn Đông, tiền đề nền tảng để thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ, có thể nói được, cha Đắc Lộ là người có công đầu; và cái nôi để đào tạo nên thế hệ giáo sĩ đầu tiên cho Việt Nam, tức tổ chức Thầy Giảng, cũng do chính cha Đắc Lộ thiết lập: “Tại Việt Nam, vấn đề thầy giảng cũng nẩy sinh do nhu cầu truyền giáo và hoàn cảnh lịch sử như trên, nhưng do một sự sắp đặt riêng của Chúa Quan phòng, tổ chức này đã trở nên một phương pháp chuẩn bị trực tiếp để thiết lập hàng linh mục, vì tất cả các linh mục Việt Nam đầu tiên đều xuất thân tự hàng thầy giảng. Đó là công nghiệp đặc biệt của giáo sĩ Đắc Lộ”[36] (x. NGUYỄN HỮU TRỌNG)[37].
Chính cha Đắc Lộ đã từng tâm đắc về công trình này: “Điều giúp tôi đắc lực để vun trồng vườn nho đẹp đẽ nầy và mở rộng đức tin, đó là trợ lực của các thầy giảng. Thực ra, sau Thiên Chúa thì chính là các thầy đã làm tất cả công việc, trong tất cả những tiến triển vĩ đại ở giáo đoàn này”[38].
Trong tác phẩm “Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam”, cha Nguyễn Hữu Trọng đã dành những dòng trân trọng nói về “hàng thầy giảng”, những “viên đá lót đường” cho hàng giáo sĩ tương lai: “Sau khi họ đến, giáo đoàn Việt Nam đã được thiết lập vững chắc. Và nếu chưa thể tự sống một mình vì thiếu hàng giáo sĩ bản xứ, thì giáo đoàn này cũng đã đang trên đường đi đến chỗ tự lập nhờ việc thiết lập hàng thầy giảng, những người vừa đem lại sự trợ giúp cho các nhà truyền giáo, vừa là những viên đá lót đường cho hàng giáo sĩ tương lai”[39].
2.2. Hội thầy giảng: mô hình đào tạo nhân sự truyền giáo chuẩn mực
2.2.1. Thời điểm thành lập và mục tiêu hướng tới
Theo linh mục Đỗ Quang Chính, nhà sử học của Dòng Tên Việt Nam, nếu căn cứ trên tinh thần tu trì và công việc phục vụ, thì tổ chức “thầy giảng” của các cha Dòng Tên có thể được gọi là “Tu hội thầy giảng”: “Bởi vì các thầy giảng tuyên khấn “công khai” ba lời khuyên Phúc âm và sống cộng đoàn, mặc dù chưa được Tòa thánh châu phê, cũng chẳng được Giám mục Giáo phận thiết lập như là Dòng tu. Vậy, khi gọi là Tu hội thầy giảng, chúng tôi muốn nói đến tinh thần tu trì và công việc phục vụ các linh hồn của các thầy giảng hơn là chú trọng tới khía cạnh pháp lý”[40].
Cũng theo linh mục sử gia này, Hội thầy giảng chính thức được cha Đắc Lộ thiết lập đầu tiên tại Kẻ Chợ Đàng Ngoài ngày 27.4.1630 trước khi bốn thừa sai Dòng Tên đang hoạt động tại đây bị chúa Trịnh Tráng trục xuất: Pedro Marques, Alexandre de Rhodes, Gaspar d’Amaral và Paulo Saito. Mục đích đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên khi thiết lập “tổ chức thầy giảng” chính là để thay thế các ngài chăm sóc giáo đoàn Đàng Ngoài, một cộng đoàn Kitô hữu non trẻ mới vừa được các ngài thiết lập[41]. Trong khi đó, hội thầy giảng Đàng Trong được chính thức thiết lập ngày 31.7.1643, ngày lễ kính thánh Ignatio tại Hội An, cùng với lời tuyên thệ “phục vụ Giáo hội suốt đời, không lập gia đình và sẽ vâng lời các cha trong Dòng đến rao giảng trong đất nước họ hoặc những người mà các cha cử đến thay cho mình”[42].
2.2.2. Tiêu chí đào tạo và kết quả
Cũng theo linh mục Đỗ Quang Chính, để được gia nhập hội thầy giảng, các ứng sinh Kitô hữu phải hội đủ bốn điều kiện sau:
– Ý chí và nhiệt tình phục vụ.
– Trí khôn trung bình và biết chữ Hán.
– Độc thân.
– Trưởng thành[43].
Dĩ nhiên, trong điều kiện khắc nghiệt của thời bị cấm cách cùng những khó khăn của “một thuở ban đầu”, tổ chức thầy giảng chỉ là những cộng đoàn nhỏ bé, tạm bợ; dần dần việc tổ chức huấn luyện và đào tạo các thầy giảng đi vào nề nếp, quy củ như một “chủng viện”; nhất là khoảng từ năm 1631-1638, khi thừa sai Gaspar d’Amaral hoạt động tại Đàng Ngoài. Chính vị thừa sai này đã để lại chứng từ qua những báo cáo viết từ năm 1645: “Nền tảng của giáo đoàn Đàng Ngoài là các cha (Dòng Tên) và các thầy giảng; các thầy này sống chung trong một chủng viện do các Kitô hữu nâng đỡ bằng của làm phúc”[44].
Riêng cha Đắc Lộ, trong phúc trình lên Đức Giáo hoàng Innocente X năm 1652, ngài đã xác quyết: “Số chủng sinh ở Đàng Ngoài đã tới gần 100, và trong số này đã có mấy người “rất xứng hợp với chức vụ linh mục cả hai mặt đạo đức và tài trí”[45]. Trong khi đó, tại Đàng Trong, con số thầy giảng đầu tiên chỉ có 10 người mà cha Đắc Lộ ca tụng rằng: “Tất cả đều đến từ các tỉnh khác nhau của vương quốc, nhưng họ có cùng một trái tim là hết lòng vì Chúa và hoàn toàn tận tụy với Giáo hội”. Đặc biệt, có ba thành viên trong nhóm sau này được phúc tử đạo: đó là thầy Anrê Phú Yên (tử đạo ngày 26.7.1644 và đã được phong Á thánh), thầy Ignatio và thầy Vincentê[46].
Sau đây là những “con số biết nói” để chứng thực những hoa trái về ơn gọi giáo sĩ phát xuất từ cái nôi đào tạo mang tên “thầy giảng”: theo chứng từ của Công Nghị Phố Hiến 1670 còn lưu lại, từ năm 1668-1670, Đức cha Lambert de La Motte đã phong chức linh mục cho 11 thầy giảng gồm 2 thầy thuộc Đàng Trong (Giuse Trang, Luca Bền) và 9 thầy thuộc Đàng Ngoài (Bentô Văn Thiện (Hiền), Giuong Văn Huệ (Học), Mattinho Mật, Antong Văn Học (Quế), Philiphe Văn Nhân (Nhiêu), Simong Kiên, Giacôbê Văn Kim, Bentô Văn Tuy (Vitô Tri), Leo Văn Trung (Trụ)[47].
Cũng đừng quên, từ tổ chức thầy giảng, môi trường mục vụ các xứ đạo Việt Nam lại xuất hiện một mô hình đặc biệt cũng liên quan đến việc huấn luyện, đào tạo ơn gọi tu trì đó là “Nhà Đức Chúa Trời” (Domus Dei), tức là mái nhà chung tại các xứ đạo, nhất là vùng Đàng Ngoài. Nơi “mái nhà chung” này, cha xứ như là người chủ gia đình có trách nhiệm chăm sóc những người “giúp việc nhà Chúa” như cha phó, các thầy giảng, các chú tập tu, các người giúp việc… Mô hình này vẫn còn thích hợp và tồn tại trong việc chuẩn bị ơn gọi tu trì trong Giáo hội Việt Nam hôm nay[48].
Để đánh giá tầm quan trọng của Hội thầy giảng trong tiến trình thành lập hàng giáo sĩ bản xứ, cố linh mục Nguyễn Hữu Trọng đã tóm kết như sau: “Như thế, trước khi các linh mục của Hội Thừa sai Hải ngoại đến để hoàn thành việc thiết lập hàng giáo sĩ trong nước tại Việt Nam, một chủng viện thực sự đã được hình thành trong Địa phận, những đối tượng được tuyển chọn và nhận một sự huấn luyện vững chắc về luân lý và tín lý, họ chỉ còn chờ thời cơ và một sự chuẩn bị trực tiếp để lãnh nhận chức thánh và tiến lên bàn thờ Chúa”[49].
III. HIỆN TÌNH “HÀNG GIÁO SĨ BẢN XỨ” VÀO THỜI “GIÁO PHẬN TÔNG TÒA”
1. Định hướng chiến lược về giáo sĩ của Huấn thị 1659
1.1. “Huấn thị 1659”: Chương trình hành động của Thánh bộ Truyền bá đức tin
Cùng với việc thiết lập các giáo phận đại diện Tông tòa, Tòa thánh thông qua Thánh Bộ Truyền bá đức tin, đã trao cho các “Giám mục được sai đi” một “bửu bối tinh thần” đó là “Huấn thị 1659”, chẳng khác nào “lá bùa hộ mệnh” để các vị yên tâm dấn thân trên con đường loan báo Tin mừng. Linh mục Đào Quang Toản đã nhận xét về sự kiện quan trọng này bằng những dòng sau: “Bây giờ, tới lúc Thánh Bộ cần phải trao cho các Giám mục thừa sai này những chỉ thị, hướng dẫn, dặn dò, v.v., trước khi họ lên đường. Và để soạn thảo được những điều trên, các nhân viên Thánh Bộ “đã phải lật mở từng tờ văn thư của Thánh Bộ từ khi thành lập, rồi xem xét, rồi thu thập tất cả những dự án, những giải pháp, những chỉ thị đã làm, đã ra, liên quan tới các cuộc truyền giáo và các thừa sai trên toàn thế giới”. Sau cùng, bản Huấn thị hoàn tất và được gửi đi ngày 10.11.1659 cho các tân giám chức người Pháp”[50]. (Để hiểu thêm về “Tên gọi” hay “Danh xưng” của văn kiện này, xin xem ĐỖ QUANG CHÍNH)[51].
Theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu, văn kiện “Huấn thị 1659” có thể được coi như “Tài liệu chung cuộc” trong chương trình hành động của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin: “Người ta có thể coi như tài liệu chung cuộc về chương trình hoạt động của Thánh Bộ là bản Huấn thị vĩ đại năm 1659 gửi các vị Đại diện Tông tòa miền Đông Dương… Điều đáng kể là Thánh Bộ đã có được một chương trình rõ ràng và rất thích ứng với những nhu cầu cụ thể và với những vấn đề truyền bá đức tin. Dựa theo đó, Thánh Bộ có thể hướng dẫn các thừa sai một cách thống nhất và Thánh Bộ có sẵn chương trình để quy chiếu. Công trạng đã xây dựng được chương trình đó thuộc về vị thư ký Phanxicô Ingoli. Ngài đã vạch ra con đường mà Thánh Bộ phải dấn thân vào””[52].
1.2. Huấn thị 1659 và “Định hướng giáo sĩ”
1.2.1. Tiếp cận các nội dung bản văn:
– Giáo sĩ bản xứ phải là ưu tiên hàng đầu
“Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh Bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục. Chư huynh sẽ tấn phong cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người công tác trong quốc gia của mình; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần chăm sóc. Vậy chư huynh hãy luôn đặt trước mắt mục đích này là tuỳ sức có thể chư huynh hãy làm sao đưa dẫn được nhiều người và là những người có nhiều khả năng đạt đến chức thánh, đào luyện họ và truyền chức cho mỗi người lúc họ đã sẵn sàng” (Huấn thị 1659, III, 1).
– Giáo sĩ bản xứ và các tiêu chí đào tạo
“Nếu trong các trường đó, chư huynh gặp thấy có những thanh thiếu niên tính tốt, đạo đức, có lòng sốt sắng và tận hiến, có khả năng theo học văn chương và có triển vọng sống cuộc đời giáo sĩ, thì chư huynh hãy nuôi lòng nhiệt thành của chúng và làm sao cho chúng tiếp tục học chứ không bị lôi cuốn rẽ theo ngả khác. Sau khi họ đã được tiến bộ đủ về văn học lẫn đạo đức, chư huynh có thể nhận họ vào hàng giáo sĩ, và đến thời gian thích hợp, hãy thử thách họ qua nhiều cuộc tĩnh tâm và dò xét ý hướng của họ cũng như ơn kêu gọi đối với đời sống linh mục, rồi mới truyền chức thánh cho họ. Sau lại cử họ đi rao giảng Phúc âm Chúa Kitô cho đồng bào của họ” (Huấn thị 1659, III, 22).
– Giáo sĩ bản xứ và việc huấn luyện toàn diện (chú trọng nhân bản)
“Bởi thế, ngay từ ban đầu, chư huynh phải rất cẩn thận tìm kiếm và nhận định ra giữa muôn người những ai, theo tuổi tác và sức khỏe, có khả năng gánh vác các công việc. Cũng như rất cần phải biết ai là kẻ có lòng bác ái cao cả và có tính cẩn thận. Chúng ta nhận ra được những nhân đức này, không phải bằng sự suy xét về con người hay về cảnh ngộ, nhưng qua việc áp dụng và thi hành thực tế cùng kinh nghiệm của những người khác trong các công tác đã hoàn tất cách đáng ca ngợi. Đây là những kẻ có khả năng sống kín đáo và kiên trì bảo mật, có phong thái đứng đắn, lịch thiệp, hiền lành, kiên nhẫn, khiêm tốn và lo tìm cách nêu gương sáng tất cả các nhân đức của niềm tin Kitô giáo mà họ tuyên xưng. Họ là những người đã được đào tạo theo chuẩn mực bác ái của Phúc âm, biết hòa hợp với phong tục và tính nết người khác. Họ không trở nên gánh nặng cho những đồng bạn mà họ phải chung sống. Họ không trở thành kẻ đáng bị ghét bỏ nơi những người dân ngoại quốc hay là kẻ bội bạc xấu xa; nhưng là người, như thánh Tông đồ, trở thành tất cả cho mọi người” (Huấn thị 1659, I, 1).
– Giáo sĩ bản xứ và viễn tượng Giám mục
“Trong số những người chư huynh đã truyền chức, có lẽ có người xứng đáng lên chức Giám mục. Tuyệt đối cấm ngặt chư huynh không được ban chức cao trọng đó cho một người nào; nhưng hãy phú cho Thánh Bộ rõ danh tánh, đức độ, tuổi tác họ cũng như mọi điều khác nên biết, như vị trí chư huynh có thể truyền chức cho họ, giáo phận chư huynh có thể giao cho họ cai quản và nhiều chi tiết khác như vậy sẽ bàn tới sau này” (Huấn thị 1659, III, 2).
1.2.2. Vài nhận định
– Một tầm nhìn chiến lược
Với định hướng về nhân sự như thế, chúng ta có thể nói được, Huấn thị 1659 đã có một tầm nhìn chiến lược về mục vụ truyền giáo như phân tích và nhận định của cha F. Gomez: “Lịch sử ghi lại bài học này là khi không sống tự túc được thì các Giáo hội địa phương cũng không tồn tại được. Suốt trong quá trình lịch sử Giáo hội cho đến nay, châu Âu là nguồn suối “cung cấp” thừa sai; bây giờ, xem ra suối đang cạn dần… vì thế, các Giáo hội “trẻ” không những cần phải tự túc, mà còn phải góp phần ngày càng lớn hơn, cho công cuộc truyền giáo tại địa phương, quê nhà cũng như nơi các dân nước khác”[53].
Đây chính là điều mà gần 400 năm sau, Công đồng Vatican II đã tái xác nhận trong Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad Gentes): “Thật vậy, Giáo hội càng bén rễ vững chắc hơn nơi cộng đồng địa phương, khi chính các thành viên của cộng đoàn tín hữu trở thành thừa tác viên của ơn cứu độ, thuộc hàng Giám mục, linh mục cũng như phó tế, để phục vụ anh chị em mình, và như thế, tại các Giáo hội mới thành lập, dần dần hình thành cơ cấu Giáo phận với hàng giáo sĩ riêng”[54].
– Đã được thực hiện đến đâu?
Nếu tất cả mọi Giám mục đều thực thi đúng đắn và hết mình trách nhiệm chính yếu như Huấn thị chỉ dẫn: “Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh Bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục…”, thì chắc chắn, không phải đợi đến 300 năm sau, năm 1960, Việt Nam mới có được “Hàng Giáo phẩm” với một đội ngũ linh mục bản xứ hùng mạnh, mà đã từ lâu!
Riêng Giáo hội Việt Nam, đã hơn 60 năm, kể từ khi Hàng Giáo phẩm được thành lập đến nay (1960-2024), với hàng ngũ Giám mục địa phương đông đảo của 27 Giáo phận chính tòa, nếu soi mình vào tiêu đích của Huấn thị trên, liệu chúng ta đã đào tạo được bao nhiêu linh mục, Giám mục người Bana, Giarai…? Liệu hàng giáo sĩ của anh em dân tộc đã được quan tâm đúng mức chưa?
Đừng quên, “cái lý do chính” mà Huấn thị 1659 nhấn mạnh đó, vào năm 1992, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại và cắt nghĩa thêm trong Tông huấn “Pastores Dabo Vobis”: “Vị đại diện đầu tiên của Đức Kitô trong việc đào tạo linh mục chính là Giám Mục”[55]. Vì thế, đây không thuần túy là chuyện “ôn cố” mà chính là để “tri tân” vậy!
2. Hội truyền giáo hải ngoại Paris và chủng viện đào tạo thừa sai hải ngoại
Chúng ta biết rằng: cùng thời điểm khi Tòa thánh thiết lập hai Giáo phận Tông tòa và cắt đặt các Đại diện Tông tòa cho vùng Á Châu (1659) thì tại Pháp, đất nước được mệnh danh là “Trưởng nữ của Giáo Hội”[56] cũng đang nhen nhúm hình thành Chủng viện và Hội Truyền giáo hải ngoại Paris (MEP); và hai trong những vị sáng lập hội này lại là hai Đại diện Tông tòa tại Việt Nam: Đức cha F. Pallu, Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài và Đức cha P. Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa Đàng Trong[57]. Riêng cha Đỗ Quang Chính lại cho rằng: “Có thể nói được rằng, nhân dịp “nhóm” các Giám mục Pháp đầu tiên đến phục vụ hai giáo phận Việt Nam, mà xuất hiện chủng viện và Hội thừa sai Paris. Từ đó hội này phát triển đều đặn, gửi nhiều Giám mục và linh mục đi truyền giáo ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Madagascar…”[58].
Chính tổ chức này, nhất là cơ cấu “chủng viện thừa sai” của Hội, đã trở thành một yếu tố quan trọng dẫn tới những áp dụng cụ thể và thích hợp cho việc thành lập hàng giáo sĩ bản xứ, như điều khoản đầu tiên trong Nội quy của Hội đã nêu bật: “Cái nhìn đầu tiên mà Chúa ban cho các Giám mục và giáo sĩ Pháp – những người đã họp nhau lại thành hội vào giữa thế kỷ 17 nhằm đưa người ngoại giáo ở hải ngoại trở lại đạo – và ý định chính của Tòa Thánh khi gửi các vị ấy đến các địa phận truyền giáo với danh hiệu Đại diện Tông tòa và thừa sai, chính là để đẩy mạnh việc dân ngoại trở lại đạo, không chỉ bằng cách loan báo Tin mừng cho họ mà nhất là bằng cách chuẩn bị bằng các phương thế tốt nhất và nâng lên hàng giáo phẩm, những người Kitô hữu mới hoặc con cái của họ, được xét thấy là phù hợp với bậc thánh này, để hình thành ở mỗi nước một hàng giáo sĩ và một phẩm trật như Chúa Kitô và các Tông đồ đã thiết lập trong Giáo hội…”[59].
3. Những áp dụng thực hành “đi cùng năm tháng” của chỉ thị MONITA
3.1. Thời gian và không gian để quan sát hiện tình
Đức Cha Lambert de la Motte đến tại Ajuthia[60], kinh đô hồi đó của vương quốc Thái Lan (Siam) ngày 22.8.1662, sau hơn 1 năm, 8 tháng, 25 ngày kể từ lúc xuống tàu tại cảng Marseil (27.01.1660)[61]. Riêng Đức cha Pallu, ngài rời Marseil ngày 03.01.1662 và hội ngộ cùng Đức cha Lambert tại Ajuthia ngày 28.01.1664[62]. Vì cả hai đều chưa đến được nhiệm sở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, nên các ngài lợi dụng thời gian và không gian “thuận tiện” này để chuẩn bị một “chương trình hành động” sao cho thích hợp và hiệu quả, như được ghi lại trong “Thư đệ trình Đức Giáo Hoàng Clément IX của các ngài: Một biến cố “thuận lợi” chưa chắc đã giúp ích cho chúng con bằng việc chúng con phải bị bắt buộc dừng lại lúc vừa đến ranh giới lãnh thổ được giao phó. Ý Chúa quan phòng đã làm chậm lại những nỗ lực của chúng con để chúng con cùng nhận ra điều phải làm hoặc phải tránh, đồng thời sự quan phòng cũng bảo đảm “một vụ mùa bội thu” sắp tới”[63].
3.2. Công nghị Ajuthia 1664
3.2.1. Hiện thực hóa “định hướng mục vụ của Huấn thị 1659”
Với “Định hướng của Thánh Bộ” (Huấn thị 1659), lại may mắn có được một thời gian thuận lợi để quan sát cùng một địa điểm yên bình để cầu nguyện và làm việc chung, “nhóm thừa sai Pháp” đã tiến hành một Công nghị vào thứ Sáu sau ngày Thứ Tư Lễ Tro năm 1664[64], với lý do thiết thực liên quan đến “nhân sự mục vụ” nhưng cũng đầy “nhạy cảm” và phức tạp cho chương trình mục vụ tổng thể lúc bấy giờ: “Xét định các bê bối rất lớn và vô kỷ luật của những giáo sĩ triều và các dòng tu nơi những miền này, nói chung, và cách riêng, lo tránh né các tệ hại đó và tìm các phương tiện để đừng sa ngã vào”[65].
Công Nghị Ajuthia 1664 với văn kiện đúc kết là Monita ad missionarios, thực chất là việc triển khai các định hướng của Huấn Thị 1659 để đưa vào áp dụng mục vụ thực hành, nhất là Phần III của Huấn Thị nầy: Tại nơi truyền giáo (In ipsa missione) với 23 mục[66], trong đó, có ba mục quan trọng liên quan đến hàng linh mục được MONITA tập chú khai triển và đề xuất những phương án hành động:
– Mục (1): Đào tạo giáo sĩ bản quốc.
– Mục (17): Buộc các linh mục giữ đúng kỷ luật truyền giáo.
– Mục (22): Đào tạo linh mục tương lai.
Sau đây là các chiều kích trong “linh đạo thừa sai” mà Monita nhắm đến trong kế hoạch đào tạo nhân sự cho vùng truyền giáo Á châu, nhất là cho hai Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong.
3.2.2. Monita và linh đạo tông đồ
Sau khi xem xét tường tận đời sống không đúng mực và suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” trong hàng ngũ các thừa sai (Chương I) đang dấn thân trong sứ vụ truyền giáo tại Á châu, Monita đã đề nghị một giải pháp, một con đường, đúng hơn, một linh đạo tông đồ[67] để theo đó, tái huấn luyện hàng ngũ thừa sai cũng là hàng ngũ linh mục bản xứ sau nầy (Chương II, III). Đây là các nét chính của linh đạo này:
– Tĩnh tâm gặp gỡ Chúa Kitô.
– Khổ chế và cầu nguyện.
– Chống lại ma quỉ bằng vũ khí hữu hiệu là Lời Chúa.
– Tìm hiểu thực trạng mục vụ và bối cảnh truyền giáo.
– Tựa nương vào Chúa thay vì tìm kiếm phương tiện tuần tuý con người.
– Tránh xa việc buôn bán, thương mại.
– Bao dung không dùng bạo lực và áp đặt.
– Đặt niềm tin nơi Chúa, không dựa trên sự khôn ngoan loài người.
– Kiên trì trong “lựa chọn thập giá”.
3.2.3. Monita và thừa tác vụ rao giảng (Chương IV):
– Xác tín vào “sứ mệnh cốt yếu” của việc rao giảng.
– Rao giảng bằng chính cuộc sống.
– Chuẩn bị giảng Lời Chúa cách cẩn thận.
– Giảng dạy Lời Chúa bằng ngôn ngữ cho mọi người.
3.2.4. Monita và vai trò thầy dạy đức tin (Chương V):
– Làm chứng “Đạo Thật” trong môi trường ngoại giáo.
– Dạy chân lý đức tin và trình bày dung mạo Thiên Chúa qua ngôn ngữ dễ thuyết phục.
– Không chỉ dạy “tín lý” mà còn “luật đạo” và “giới răn”.
3.2.5. Monita và tương quan xã hội của linh mục:
– Cẩn trọng và cầu nguyện trong tương quan với các tôn giáo, niềm tin khác.
– Cởi mở, khoan dung và hội nhập văn hóa.
3.2.6. Monita và mục vụ huấn giáo (Chương VI, VII, VIII):
– Quan tâm đến mục vụ Dự tòng.
– Thực hiện chương trình Huấn giáo dự tòng và tân tòng cách nghiêm túc, đúng đắn…
3.2.7. Monita và mục vụ quản trị đoàn chiên (Chương IX):
– Quan tâm và trung tín chu toàn trách vụ chăm sóc cộng đoàn.
– Thực hiện sứ vụ đào tạo các thầy giảng (giáo lý viên).
3.2.8. Monita và định hướng đào tạo thầy giảng và ứng viên lên chức thánh (Chương X):
– Định hướng tổng quát về việc đào tạo thầy giảng – tiền đề ứng viên lên chức thánh (Tiết 1&2).
– Định hướng về việc đào tạo thầy giảng thành ứng viên lên chức thánh (Tiết 3).
Sau đây là một số “điểm nhấn” của Monita trong việc đào tạo ứng viên lên chức thánh:
* Phải lựa chọn những “thầy giảng có nhân đức trổi vượt”: “Chức thánh thì cao trọng hơn chức thầy giảng. Vậy các thầy được đề nghị đón nhận chức thánh phải có những phẩm hạnh cao hơn những phẩm hạnh mà chúng tôi đã nói là cần thiết thực tế nơi các thầy giảng. Hơn nữa, ta sẽ không giao trọng trách quan trọng và nguy hiểm này lên vai những người tu hành bình thường mà cho những thầy được đề cử bởi những nhân đức thật sự thoát tục, để các thầy sẽ không tìm lại vinh dự này cho chính họ mà để các thầy được Chúa kêu gọi như Aaron” (MONITA, Chương X, tiết 3).
* Phải “đọc thông viết thạo” khi chịu chức cắt tóc: “Để chấp nhận cắt một chòm tóc trên đầu, các thầy được đòi hỏi… đọc thông viết thạo, ít nữa là trong tiếng mẹ đẻ… Những điều kiện này tuyệt đối cần thiết” (MONITA, Chương X, tiết 3).
* Phải biết tiếng La tinh căn bản khi chịu các chức nhỏ: “Để đón nhận các chức nhỏ, họ phải nắm vững những sơ đẳng của tiếng La tinh để khi cần đòi hỏi những hiểu biết này và cũng để có khả năng cần thiết hoàn thành xong việc học tập liên quan đến chức thánh” (MONITA, Chương X, tiết 3).
* Các ứng sinh tiến chức phải thông thạo phụng vụ Thánh lễ, các bí tích: “Những ứng sinh tiến chức phải biết thấu đáo tất cả các điều liên quan đến Hy Tế Thánh của Thánh lễ… Đối với họ không phải là ít cần thiết để hiểu biết, liên quan tất cả các bí tích, thể thức và chất liệu để hiểu biết các lễ nghi ban cho thường xuyên và những tâm tình xứng hợp để đón nhận các nghi lễ, nhất là liên quan đến bí tích Sám hối…” (MONITA, Chương X, tiết 3).
3.3. Chủng viện Thánh Giuse Ajuthia: thành quả ban đầu
3.3.1. Đức cha Lambert: vị chủ chăn thiết đặt nền móng cho Giáo hội Việt Nam
Theo sắc chỉ Super Cathedram, Đức cha Fr. Pallu chính là Vị Đại diện Tông tòa cai quản giáo phận Tông tòa Đàng ngoài. Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn và phức tạp, ngài chưa bao giờ đặt chân lên nhiệm sở; và ngài đã giao quyền chăm sóc mục vụ cho Đức cha Lambert trong khi ngài vắng mặt. Vì thế, Đức cha Lambert “phải được coi là người tổ chức chính của Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn lịch sử mới này”[68]. Riêng Đức cha Lambert, vì là người đến Ajuthia trước Đức cha Fr. Pallu, nắm bắt hiện tình của vùng truyền giáo rõ hơn, và nhất là, cưu mang sẵn ý tưởng về linh đạo Thập giá và việc thiết lập các hội đoàn tông đồ, nên có thể nói được, ngài chính là linh hồn, là sợi chỉ đỏ chi phối văn kiện “Monita”, ảnh hưởng nhất định việc đào tạo linh mục bản xứ cũng như là vị hoa tiêu lèo lái con thuyền Giáo hội Việt Nam buổi đầu![69].
3.3.2. Chủng viện thánh Giuse: nơi đào tạo và tiến chức của các linh mục tiên khởi Việt Nam
Theo quyết nghị của Công nghị Ajuthia 1664, chủng viện đầu tiên mang tên “chủng viện thánh Giuse”[70] được chính thức thành lập ở Ajuthia khoảng năm 1665 (hoặc 1666) nhằm đào tạo linh mục phục vụ cánh đồng truyền giáo tại Á châu, nhất là các linh mục bản xứ, “những người sẽ nhận được nét chấm phá cuối cùng và như dấu xác nhận họ đã có sự chuẩn bị cần thiết”[71]. Mặc dù chủng viện thánh Giuse ở Ajuthia tiếp nhận các chủng sinh thuộc Đàng Ngoài, Đàng Trong và cả các chủng sinh thuộc Hội Thừa sai, nhưng danh chánh ngôn thuận, đây là chủng viện của giáo phận Tông tòa Đàng Trong, vì Đức cha Lambert, người sáng lập, là Giám mục đại diện Tông tòa Đàng Trong; nhất là theo “Di chúc” ngài để lại: “Tôi trao lại tất cả tài sản thuộc về tôi lúc tôi từ trần, để dùng vào việc thiết lập và duy trì chủng viện của giáo phận Tông tòa Đàng Trong, và việc chăm sóc các kẻ ngoại đang học đạo, các tín hữu và các chủng sinh”[72].
3.4. Các Công nghị giáo phận và định hướng mục vụ giáo sĩ
Cùng với việc thành lập chủng viện Giuse tại Ajuthia, tiếp đón các ứng sinh (thầy giảng) được tuyển lựa và giới thiệu từ tổ chức Thầy giảng để “đào tạo bổ sung” về các môn học thánh liên quan đến chức linh mục, các vị chủ chăn lúc bấy giờ (đặc biệt, Đức cha Lambert de La Motte) đã vận dụng con đường “Công nghị” (Synode) để định hướng việc hình thành lớp linh mục bản xứ. Không kể Công nghị đầu tiên trên đất Thái (Ajuthia 1664), từ Công nghị Phố Hiến (14.02.1670) tại Đàng Ngoài đến Công nghị Hội An lần I (19.01.1672), ưu tiên hàng đầu của các chủ chăn và các cộng sự viên vẫn là những định hướng liên quan đến hàng giáo sĩ.
Thật vậy, với 34 Điều, Công nghị Phố Hiến đã dành các Điều 1, 2 chăm lo đời sống các linh mục; Điều 10-14 liên quan đến chủng sinh; Điều 19-22 về thừa tác vụ bí tích của linh mục… Trong khi đó, Công nghị Hội An dành Điều 1 để công bố các Đoản sắc của Tòa thánh, nhất là Đoản sắc 1659 (Huấn thị 1659) về trách nhiệm đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ của các chủ chăn…
Có một điều cũng cần lưu ý: các Công nghị đầu tiên này mang dấu ấn “hiệp hành” (synodality) rất cao; hầu hết các linh mục được mời tham dự cùng với đông đảo các thầy giảng và đại diện giáo dân… Có những linh mục bản xứ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình Công nghị (như trường hợp cha Giuse Trang được chỉ định làm thư ký tiếng Việt trong Công nghị Hội An)[73].
IV. THẾ HỆ GIÁO SĨ VIỆT NAM TIÊN KHỞI: NHỮNG “HẠT GẠO TRÊN SÀNG”
1. Những linh mục dưới thời Đức cha Lambert de la Motte
1.1. Thế hệ linh mục Việt Nam tiên khởi: kết quả của một “lựa chọn hiệp hành”
Là vị chủ chăn đầu tiên thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại thực hành đường lối mục vụ truyền giáo mới dưới “tấm bảng chỉ đường” của Thánh bộ truyền bá đức tin, chắc chắn Đức cha Lambert và các linh mục cộng tác của ngài phải đối diện với muôn vàn thách đố mà ảnh hưởng của chế độ Bảo trợ truyền giáo vẫn còn đậm nét trên mọi nẻo đường mục vụ. Sự nghi ngờ, bất hợp tác, không vâng phục…; thậm chí bị lên án, ra vạ tuyệt thông, bắt cóc, loại trừ… bởi các quan chức đạo đời: về đạo, đó là những rắc rối, tị hiềm, khó khăn trong tương quan với các thừa sai Dòng Tên; về đời, đó là những trịch thượng, lạm dụng đặc quyền “Bảo trợ truyền giáo” của các quan chức Bồ Đào Nha[74].
Tuy nhiên, Đức cha Lambert và các cộng sự viên của ngài vẫn rất khôn ngoan và dịu dàng, bao dung nhưng cũng rất cương quyết. Mặc dù ngài can đảm không thỏa hiệp với những lệch lạc của chế độ Bảo trợ, nhưng luôn trân trọng những “hoa trái đức tin” mà chế độ Bảo trợ truyền giáo đã sản sinh, nhất là những kết quả tuyệt vời của các thừa sai Dòng Tên. Bằng chứng rõ nét nhất là các ngài chỉ chọn lựa các ứng viên lên chức linh mục xuất thân từ hàng ngũ thầy giảng, tức các học trò ưu tuyển của Dòng Tên (như bốn linh mục đầu tiên được truyền chức tại Thái Lan: Giuse Trang (thuộc Đàng Trong; chịu chức tại Ajuthia ngày 31.3.1668)[75], Luca Bền (thuộc Đàng Trong; chịu chức tại thành phố Piply miền nam Thái Lan khoảng đầu năm 1669)[76]; Gioan Văn Huệ và Bênêđictô Hiền (Đàng Ngoài được phong chức tại Ajuthia ngày 8.6.1668)[77].
Khi nhận định về sự chọn lựa mang tính “hiệp hành” giữa “hai gia đình truyền giáo” là Hội Thừa sai Hải ngoại và Dòng Tên, cố linh mục Nguyễn Hữu Trọng đã để lại những nhận định chuẩn xác: “Các linh mục Việt Nam đầu tiên đã được các linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại tuyển chọn trong số thầy giảng do các cha Dòng Tên đào tạo. Như vậy, họ tạo nên mối liên kết giữa hai gia đình truyền giáo đã đóng góp nhiều nhất cho việc xây dựng Giáo hội Việt Nam”[78].
1.2. Thế hệ linh mục tiên khởi Việt Nam: kết quả của tuyển lựa và đào tạo nghiêm túc
Vừa được hướng dẫn bởi các chỉ thị rõ ràng và chi tiết về việc đào tạo hàng linh mục bản xứ của Huấn Quyền Hội thánh qua Huấn thị 1659 của Thánh Bộ truyền bá đức tin, cùng với “kim chỉ nam Monita” còn chưa ráo mực và qua bước chuẩn bị cuối cùng là chủng viện thánh Giuse Ajuthia, chắc chắn việc tuyển lựa và đào tạo ứng viên lên thánh chức linh mục của Đức cha Lambert và các cộng sự viên của ngài không thể “nóng vội” hay “sơ sài” mang tính đối phó, mà phải hết sức nghiêm túc và cẩn trọng. Hơn nữa, tất cả các ứng viên lên chức linh mục trong giai đoạn đầu tiên này đều xuất thân từ “lò đào tạo” căn bản của Dòng Tên (thầy giảng) và trải qua môi trường mục vụ đầy thách đố của bách hại. Điều này đã được chứng minh qua chính những chứng từ của Đức cha Lambert, các linh mục đại diện của ngài và cả các tín hữu Việt Nam đương thời, khi đề cập đến thế hệ linh mục Việt Nam đầu tiên.
1.2.1. Chứng từ của Đức cha Lambert về các linh mục tiên khởi Việt Nam
– Đức cha Lambert nhận xét về thầy Giuse Trang, linh mục đầu tiên của hàng giáo sĩ Việt Nam: “Ngày cuối tháng 3, vọng lễ Phục sinh (1668), hai thầy chủng sinh ở tình trạng được phong chức đã được chịu chức linh mục “sub titulo missionum” (dưới danh hiệu thuộc miền truyền giáo). Một thầy tên Giuse, 28 hoặc 29 tuổi, thầy giảng người Đàng Trong, được cha Hainques gửi đến để được thụ phong. Còn thầy kia là Francois Perez, con trai của một người Bồ Đào Nha gốc Negapatan trên bờ biển Coromandel, 24 hoặc 25 tuổi. Hai thầy này được tiếng là đạo đức và sống siêu thoát. Cha Giuse đã được vinh dự chịu nhiều đòn roi trong các nhà tù Đàng Trong, vì người ta bắt gặp ngài giúp đỡ các tín hữu dũng cảm đang bị giam giữ trong các nơi đó…”[79].
– Đức cha Lambert nhận xét về hai thầy giảng Đàng Ngoài, Bênêđictô Hiền (Bento Văn Hiền) và Gioan Văn Huệ, chịu chức linh mục vào ngày 8.6.1668, tức sau cha Giuse Trang chưa được 3 tháng: “Các thầy không thể thiếu các đức tính đòi hỏi nơi hai môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô. Họ đã thể hiện các dấu rất anh hùng về lòng khiêm tốn, về tính đơn sơ, về tình yêu khó nghèo, về việc cầu nguyện sốt sắng, về sự hãm mình và về khả năng truyền đạt trong việc giảng dạy bằng tiếng bản xứ. Các thầy đã gây kinh ngạc cho mọi người, ai cũng xem họ như những môn đệ khác của Giáo hội sơ khai, với đầy ân sủng và công đức nơi họ. Người ta không ngạc nhiên khi thấy họ được thăng chức linh mục trong vòng chưa đầy hai tháng ở Xiêm. Các thầy rất muốn ở lại một năm trong chủng viện để chuyên tâm kinh nguyện và học cho thuần thục cách ban các bí tích và các chức năng giáo sĩ…”[80].
– Trong dịp kinh lý Đàng Ngoài (1669-1670), Đức cha Lambert đã truyền chức cho 7 thầy giảng bậc nhất (Trong đó có 6 thầy đủ tuổi 40 và một thầy mới chỉ 30 nhưng được miễn chuẩn). Ngài đã nhận xét như sau: “Thật đáng mong ước rằng số này còn nhiều hơn thế nữa, nhưng đành phải bằng lòng với số ít ỏi đó, để chỉ nâng lên bậc cao trọng này những ai, qua lời nói, gương sáng và nhân đức, làm rạng rỡ bậc giáo sĩ bằng sự thánh thiện của mình… Tuy nhiên, có hai điều đáng ao ước noi họ, đây là những điều đặc biệt và như là cần thiết tại vương quốc này: thứ nhất là tuổi tác và thứ hai là danh thơm tiếng tốt. Về điều thứ hai, chỉ có thể được xét là có tiếng tốt sau nhiều năm phục vụ. Còn về điều thứ nhất, nói chung phải được 40 tuổi. Vì lý do đó, chúng tôi chỉ ban các chức nhỏ cho những ai chưa đạt được hai điều trên, trừ ra một người 30 tuổi[81]. Người này được chịu chức linh mục vì cách ăn ở đặc biệt tốt lành và đã được tiếng ca tụng khen ngợi”[82].
– Trong cuộc kinh lý Đàng Trong lần thứ 2 (1676), Đức cha Lambert phong chức linh mục cho thầy Luy Đoan (Lữ Y Đoan) ngày 21.3.1676 cùng với những ghi nhận rất minh bạch về vị linh mục bản xứ này trong nhật ký của Đức cha[83]:
“Ngày 23.02.1676: Chúng tôi tiếp tục chỉ dẫn cho ông Luy Đoan, là một nhà nho lỗi lạc và là thầy giảng, 68 tuổi, để có thể truyền chức thánh cho ông…”.
“Ngày 29.02.1676: Chúng tôi đã ban phép Cắt Tóc và bốn chức nhỏ cho ông Luy Đoan trong Thánh lễ Bốn mùa”.
“Ngày 8.3.1676: Chúng tôi đã ban chức Phụ Phó tế cho thầy Luy Đoan, thầy đã lãnh nhận với lòng sốt sắng”.
“Ngày 15.3.1676: Chúng tôi đã ban chức phó tế cho thầy Luy”.
“Ngày 21.3.1676: Chúng tôi đã ban chức linh mục cho thầy Luy Đoan với nhiều gương sáng”.
1.2.2. Các chứng từ khác về các linh mục tiên khởi Việt Nam
– Báo cáo (của thừa sai Mahot) về thành quả tông đồ của hai cha Giuse Trang và Luca Bền: “Những người đến với hai linh mục Đàng Trong, Giuse và Luca, chỉ trong một tỉnh thôi – nơi mà dân chúng như phải ép hai cha ở lại với họ – đông đến nỗi mặc dù hai cha làm việc không biết mệt nhưng hai cha vẫn không ngừng cầu cứu và quả quyết rằng chỉ trong tỉnh này thôi, hai cha cũng không thể nào giáo huấn và rửa tội cho đủ tất cả những người đến với mình”[84].
– Nhận xét của cha Vachet về linh mục Giuse Trang: “Người thợ đáng khâm phục này, người có vinh dự là linh mục Đàng Trong đầu tiên, có lẽ đã nhận được hoa quả đầu mùa của tinh thần tư tế. Cha có một lòng nhiệt thành nóng bỏng, một tính cẩn trọng hiếm có và một công việc không thể tưởng tượng nổi”[85].
– Nhận xét của thừa sai Mahot về cha Manuel Bổn (chịu chức năm 1672 tại Ajuthia): “Cha Manuel và tôi dũng cảm như hai con sư tử và liên tục rao giảng trong tù cho người ngoại giáo; chúng tôi đã tranh cãi với các thầy sãi và khi được giới thiệu với quan tổng đốc trước một số lớn các quan chức của tỉnh, cha Manuel đã nói rất mạnh mẽ về đạo Chúa, về sự ngụy tạo của ngẫu tượng, và cha đã chỉ cho họ thấy trong sách chữ Hán những gì cha đang nói, đến nỗi tất cả đều ca ngợi và tôn kính niềm tin thánh thiện của chúng ta”… “Chỉ mình cha Manuel, người Đàng Trong, đã rửa tội trong vòng sáu tháng cả đến 2.000 người”[86].
– Nhận xét của thừa sai De Bourges về các linh mục Việt Nam tiên khởi Đàng Ngoài: “Các linh mục Đàng Ngoài, cha nói, đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều, một số bằng cách giải tội và rao giảng tại các giáo xứ đã nhiều năm không được thăm viếng; một số khác bằng cách đến thăm những người bệnh mà nếu như không có các cha thì họ sẽ không được lãnh nhận hai bí tích Thống hối và Xức dầu bệnh nhân trước khi chết. Chúng ta không bao giờ có thể chúc tụng Đấng Quan Phòng cho đủ vì đã ban cho chúng ta nhiều điều tốt lành đến thế”[87].
– Nhận xét của cha De Vigne về hàng linh mục bản xứ Đàng Ngoài: “Các cha là những linh mục tốt, rất hữu ích cho địa phận truyền giáo này, được các giáo hữu kính trọng và yêu mến, làm tốt nhiệm vụ của mình, gắn bó với Tòa Thánh và rất phục tùng các đại diện tông tòa; nói khác đi cho các cha sẽ là vu khống… Các cha không xuất thân từ gia đình quyền quý nhưng đời sống và đạo đức của các cha thì không thể chê vào đâu được. Các cha nhiệt tình và rất cần cù, và tôi nghĩ một linh mục Đàng Ngoài còn làm việc hơn hai linh mục nước ngoài”[88].
– Thái độ và tâm tình của giáo dân Việt Nam đối với linh mục bản xứ tiên khởi: “Khi tôi ở Đàng Ngoài, nhiều nơi đã xin các Đức cha của chúng ta cho họ linh mục bản xứ hơn là linh mục và tu sĩ người châu Âu đang ở các địa phận truyền giáo, không phải vì họ không kính trọng và biết ơn những người đến từ xa để giúp họ, nhưng vì họ thấy linh mục trong nước giúp họ được nhiều hơn! Họ tìm thấy nơi linh mục của họ những điều mà các linh mục nước ngoài không có. Các cha nói tiếng của họ, có cùng cách cư xử như họ và khi bị bách hại thì dễ dàng trốn thoát hơn…”[89].
– Sau khi gom góp nhiều chứng từ, nhất là chứng từ của Đức cha Néez Dòng Đa Minh, cố linh mục Nguyễn Hữu Trọng đã tóm kết cuộc đời cha Bênêđictô Hiền (Linh mục Đàng Ngoài, chịu chức linh mục cùng với cha Gioan Huệ vào tháng 6.1668 tại Ajuthia) khi nói đến giờ hấp hối của ngài: “Ngày hôm sau, bị liệt nửa người, cha lãnh các bí tích cuối cùng từ tay một anh em đồng sự. Hai vị đại diện tông tòa Deydier và De Bourges nhận được tin này liền rời nhà ở Phố Hiến để đến bên giường cha. Trong suốt cuộc đời của cha, hai ngài đã luôn tin tưởng hết mực vào khả năng suy xét và sự khôn ngoan của cha và luôn hỏi ý kiến cha mỗi khi gặp rắc rối. Lúc cha hấp hối, hai ngài muốn có mặt để biểu lộ lòng quý mến sâu sắc của mình đối với nhân cách và cuộc đời cha…”[90].
2. Linh mục tiên khởi Việt Nam “nạn nhân của những hệ lụy tiêu cực”
2.1. Nạn nhân của hệ lụy “chuyển đổi mục vụ truyền giáo”
Đang sống và làm việc với một thói quen, trên một con đường mòn và trong một “cơ chế vận hành” quen thuộc… mà phải bắt đầu lại, phải uốn mình theo một “khuôn mẫu mới”, phải bước đi trên một “lộ trình mới”, phải đón nhận một cơ chế vận hành mới… chắc chắn không ít người bực dọc, mất nhuệ khí, chán nản…; và cũng không loại trừ, những kẻ phẫn nộ, bất hợp tác hay chống báng tới cùng. Đây chính là tình trạng đã từng xảy ra nơi nhiều cộng đoàn Hội thánh Công giáo tại Việt Nam vào buổi giao thời giữa chế độ “Bảo trợ truyền giáo” và việc “vận hành công cuộc truyền giáo của Thánh bộ Truyền bá Đức tin”[91]. Vì thế, có thể nói được các linh mục tiên khởi Việt Nam là “nạn nhân” bị kẹt ở giữa hai “làn đạn”: Một bên là các linh mục dòng (thuộc chế độ Bảo trợ truyền giáo; nhất là Dòng Tên); một bên là các linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại (thuộc Thánh bộ). Sau đây là những diễn tiến dẫn đến hệ lụy tiêu cực trên.
2.1.1. Từ các “phản ứng đối nghịch” của các thừa sai thuộc hệ “Bảo trợ truyền giáo”
– Thông báo ra vạ tuyệt thông Đức cha Lambert của cha Fragoso: Cha Louis Fragoso, tu sĩ Dòng Đa Minh, Ủy viên Tòa án Tôn giáo tại Xiêm, bằng thông báo ngày 30.11.1666, đã ra vạ tuyệt thông cho Đức cha Lambert khi cho rằng Đức cha Lambert có lập trường đức tin đáng ngờ và hành xử mục vụ sai trái: “Vì vậy chúng tôi ra lệnh cho tất cả mọi kitô hữu không được có liên hệ nào với người mạo xưng là Giám mục Pierre Lambert này, và với các kẻ mạo xưng là giáo sĩ của ông ta; trái lại, phải tức thì tránh xa chuyện trò với ông ta cho tới khi chúng tôi nhận được các chỉ thị của Thánh Bộ Đức tin tại Goa”[92].
– Thư luân lưu gởi giáo đoàn Đàng Trong và Chăm của cha Giuse Candone: Cha Giuse Candone, tu sĩ Dòng Tên, năm 1674 đã gởi cho giáo đoàn Đàng Trong và Chăm một thư luân lưu liên quan đến việc phủ nhận quyền bính và vai trò mục vụ của Đức cha Lambert, các thừa sai hải ngoại (M.E.P) và cha Emmanuel Bổn, linh mục Đàng Trong được Đức cha Lambert phong chức: “… Đức Thánh Cha đã không ban quyền cho các Giám mục và các cha Pháp ở nước ngoài (thuộc Hội thừa sai Paris) được đi phương Đông hoạt động tại những nơi đã có các cha thuộc nước Bồ Đào Nha đến rao giảng đạo Đức Chúa Trời tại đó… Vậy bây giờ, tôi dặn các bổn đạo cần biết chắc chắn rằng, mọi công việc do các cha nước ngoài trên đây (M.E.P) đã làm, thì họ không có quyền làm; đàng khác các cha ấy cũng không có thể được quyền giải tội. Tôi nói như thế để anh em bổn đạo được rõ, chứ không phải vì oán thù, mà chỉ vì chân lý thúc đẩy, và anh chị em có thể được lôi kéo ra khỏi vòng tội lỗi, hầu trong tương lai tôi không bị mắc tội. Bởi vì tôi nghe biết về cha Emmanuel (Man Hòe Bổn) người Đàng Trong, đã đi khắp các tỉnh, thành và đã ban các phép bí tích cho nhiều bổn đạo. Vì thế, tôi cần nhắc bảo anh chị em điều này: dù cha Emmanuel và các thừa sai nước ngoài khác (M.E.P) ban bí tích cho anh chị em, thì anh chị em cũng không được giải thoát khỏi tội; bởi lẽ họ không có quyền hành gì và họ hành động như các cha nước ngoài khác (M.E.P)…”[93].
2.1.2. Đến “biện pháp cứng” của Huấn Quyền: Đức cha Lambert với các Công nghị
– Công nghị Phố Hiến (1670): “Không linh mục nào, dù triều hay dòng, có thể giải tội thành sự tại xứ Đàng Ngoài này mà không có phép của chúng tôi hay của linh mục đại diện chúng tôi…” (Điều 2); “Các thầy giảng phải do giám mục hay linh mục đại diện của ngài đặt để” (Điều 5)[94].
– Công nghị Hội An (1672): “Chiếu theo các khoản giáo luật, nghị định các công đồng chung, tông sắc các Đức Giáo Hoàng, và nhất là Đoản Sắc mới đây của Đức cố Giáo Hoàng Clêmentê IX (Speculatores), buộc các giám mục yêu cầu tất cả và mỗi tu sĩ thuộc bất kỳ hội dòng nào, ngay cả dòng Tên, phải trình chứng thư hay tài liệu về sứ vụ, nơi chốn, hội dòng và bài sai của mình, và chính các tu sĩ phải xin các giám mục cho phép thi hành năng quyền của mình. Vậy, theo quy chế Giáo Hội, chúng tôi tuyên bố không giáo sĩ nào hay tu sĩ thuộc bất kỳ dòng nào, kể cả dòng Tên, trong các vương quốc Đàng Trong và Chiêm Thành, có thể sử dụng năng quyền của mình mà không có phép của chúng tôi hay của linh mục quyền đại diện chúng tôi…” (Điều 2). “… Chúng tôi cấm không ai được tự ý làm thầy giảng. Do đó, nếu ai tự động giảng Phúc Âm Chúa Kitô với tư cách thầy giảng mà không có chứng thư do chúng tôi hay linh mục quyền đại diện chúng tôi cấp, người ấy bị vạ tuyệt thông “ipso facto” mà chỉ có chúng tôi hay linh mục quyền đại diện chúng tôi mới tha được…” (Điều 3)[95].
Để thực thi các quyết nghị trên của các Công nghị, ngày 6.10.1675, trong cuộc kinh lý Đàng Trong lần thứ hai, Đức cha Lambert đã ra vạ tuyệt thông cho hai linh mục Dòng Tên là Candone và Acosta[96], khi hai thừa sai này không vâng phục sắc lệnh Speculatores[97].
2.1.3. Nỗi bức xúc của cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam
Đứng trước tình trạng rối ren của các “đấng bề trên”: chia rẽ, kết án lẫn nhau và kéo theo những người khác về phe mình, nhất là sự cố chống đối thẳng thừng của cha Giuse Candone và cha Battôlômêô d’ Acosta (Dòng Tên)…, nên đại diện cộng đoàn Dân Chúa Đàng Trong, gồm 3 linh mục và 100 giáo dân, đã có tờ biểu đệ trình Đức Thánh Cha ngày 25.12.1676: “… Vả trong Dòng ông thánh Inaxu có hai thầy ở dạy đạo trong nước Cuchiênchiên (Cochinchine – Đàng Trong), một là Giuse (Candone) hai là Báttôlômiêu (D’Acosta) càng ngày càng cãi phép chẳng vâng lời Đức Thầy Cả Vítvồ Vêtôrô (Đức cha Pierre Lambert de la Motte). Vậy hai thầy ấy trước thì chẳng vâng lời, sau lại giục lòng kẻ giảng đạo… làm rối trong phép đạo… Vậy các Khisităng (Kitô hữu) chúng tôi đẳng xứ dám xin cùng Đức thánh Phapha dù mà còn để các thầy Dòng ông thánh Inaxu giúp việc thiêng nước Cuchiênchiên, thì phải liệu chước nào cho các thầy Dòng ông thánh Inaxu vâng phép Đức Thầy Cả Vítvồ Vêtôrô. Ví bằng Đức Thánh Phapha chẳng còn để Dòng ông thánh Inaxu, thì đòi về, kẻo làm rối phép đạo cùng chia rẽ lòng chúng tôi ra…”[98].
Các linh mục tiên khởi của Việt Nam, vì sống và làm việc trong một bối cảnh phức tạp như thế, nên phải gánh chịu nhiều trái ngang, hệ lụy, xúc phạm….; nhiều lần bị kết án hay nhận xét tùy tiện, bất công mà những chứng từ còn lưu không ít trong các văn khố của Tòa Thánh hay của các Dòng tu. Đặc biệt, những “lùm xùm” và “phức tạp” giữa các “thừa sai Tông tòa” (linh mục “Triều” thuộc Giáo phận Tông tòa) và “thừa sai Bảo trợ” (linh mục “Dòng” thuộc cơ chế “Bảo trợ truyền giáo”) trong việc lãnh đạo và chăm sóc đoàn chiên Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, vẫn còn kéo dài mãi cho tới khi Dòng Tên bị giải thể hoàn toàn ngày 21.7.1773, bằng đoản sắc Dominus ac Redemptor của Đức Giáo hoàng Clémens XIV. Linh mục sử gia Đỗ Quang Chính của Dòng Tên Việt Nam đã ghi lại khá chi tiết giai đoạn tranh chấp phức tạp này trong tác phẩm “Dòng Tên trong xã hội Đại việt – 1615-1773)[99].
2.2. Nạn nhân của hệ lụy “não trạng Âu châu số một”: khinh thường linh mục bản xứ
Cho dù được Tin mừng giải thoát và hướng dẫn để bước đi trên con đường khiêm hạ của thập giá, nhưng “nhân vô thập toàn”, không ít các thừa sai Âu châu mang cảm thức tự tôn. Với những người này, Á Châu nói chung hay Việt Nam nói riêng là vùng đất “man di mọi rợ” cần được khai hóa. Hàng linh mục tiên khởi của Việt Nam, dưới mắt các ngài, đều là những kẻ dốt nát, tầm thường! Hai trong những đại diện tiêu biểu cho nhóm thừa sai Âu châu mang não trạng “xem thường linh mục bản xứ” đó chính là các thừa sai Tissanier (Dòng Tên)[100] và Courtaulin (MEP)[101].
– Linh mục Tissanier không ngại ngùng kết án cả Đức cha Lambert đủ điều[102]; trong những kết án đó, linh mục Tissanier cho rằng, Đức cha Lambert đã “phong chức bảy linh mục Đàng Ngoài là những người vốn là thầy giảng hay kẻ giúp việc của chúng tôi, nhưng rất ít khả năng vào thừa tác vụ cao trọng đó”[103]. Ngài cũng mạnh miệng xúc phạm đến hai linh mục Đàng Trong “Hai cha người Pháp ăn bận như lái buôn đã vào xứ Đàng Trong cùng với hai ông cha người Đàng Trong khác. Hai ông cha sau này thì cực kỳ dốt nát, một trong hai ông thì lại không thể nào đọc được công thức tha tội nếu không có mảnh giấy để trước mặt”[104].
– Trong khi đó, mặc dù là cộng sự viên của Đức cha Lambert và được chính Đức cha Lambert đặt làm Tổng Đại Diện, thay mặt ngài, chăm sóc giáo phận Tông tòa Đàng Trong (1675-1682), nhưng cha Courtaulin, được chính thừa sai Vachet[105] đánh giá, là người bản tính cao ngạo, không coi ai ra gì và không hòa hợp được với bất cứ ai, kể cả với các thừa sai cùng hội cùng thuyền; nhất là mang não trạng xem thường linh mục bản xứ[106]; chính ngài cho rằng các linh mục tiên khởi Đàng Trong được Đức cha Lambert phong chức là “những người quá tệ”: Con cầu xin Chúa soi sáng Đức cha trong việc truyền chức linh mục cho các linh mục Đàng Trong, vì khi thấy qua kinh nghiệm những người đã được chịu chức linh mục, con run sợ khi nghĩ có những người khác tương tự hoặc thậm chí còn tệ hơn sẽ đến với chúng ta”[107].
Vì thế, ngày hôm nay, để đánh giá đúng đắn và quân bình về thế hệ linh mục tiên khởi Việt Nam, chúng ta không thể căn cứ vào các chứng từ của một vài thừa sai đầy tính chủ quan và nặng “tư duy tự tôn” để “vơ đũa cả nắm”, nhưng phải thật quân bình và dựa vào những chứng từ uy tín và khả tín (như đã nêu ở số 1: Những linh mục dưới thời Đức cha Lambert de la Motte); hay ít ra, như nhận xét của Đức cha Bélot, Giám mục phó của Đức cha De Bourges, trong bức thư từ Đàng Ngoài gởi cho chủng viện Hội Thừa sai Hải ngoại vào ngày 02.3.1700: “Quý vị nói rằng người ta chê bai các linh mục của chúng tôi một cách khó hiểu, điều đó không có gì mới mẻ… Các cha (Việt Nam) biết văn chương nước mình và giảng đạo hay hơn bất cứ linh mục Âu châu nào… Chúng tôi có thể làm gì hơn trong một đất nước ngoại giáo mà tôn giáo luôn bị bách hại? Nếu chúng tôi không có sự trợ giúp này, Giáo hội đã không ở trong tình trạng hiện nay và rất nhiều linh hồn đã bị hư mất”[108].
3. Những linh mục xuất chúng: Giuse Trang, Lữ Y Đoan
Những gì liên quan đến thế hệ linh mục Việt Nam tiên khởi chúng ta đã bàn khá nhiều. Giờ đây, xin được dừng lại với hai linh mục đầu tiên của Đàng Trong, cha Giuse Trang và cha Lữ Y Đoan, mà hầu hết các chứng nhân và chứng từ liên quan đến hai ngài đều đầy tốt đẹp.
3.1. Giuse Trang: Tài cao mệnh yểu
Dựa vào chính thư của Đức cha Lambert gởi cho Đức cha Fr. Pallu vào tháng 10 năm 1667 cùng với tường thuật của địa phận truyền giáo được sử gia Launay ghi lại, cha Giuse Trang, gốc người Quảng Ngãi, cùng với Luca Bền, là hai thầy giảng do các cha Dòng Tên đào tạo, được chính thừa sai Antoine Hainques, Quyền Đại diện của Đức cha Lambert, trong dịp kinh lý mục vụ Đàng Trong năm 1665 tuyển chọn và đào tạo bổ túc[109]. Năm 1667, trên một chiếc thuyền về Xiêm, thầy Giuse Trang được gởi đến chủng viện Ajuthia; và sau một thời gian được Đức cha Lambert hướng dẫn, vào Lễ Vọng Phục sinh ngày 31.3.1668, thầy Giuse Trang được Đức cha Lambert phong chức linh mục cùng với một người thầy giảng người Xiêm lai Bồ là Phanxicô Perez; người sau này được phong chức Giám mục và làm Đại diện Tông tòa Đàng Trong từ năm 1690-1728[110].
Theo nhận xét của chính Đức cha Lambert, cha Vachet và tường thuật của địa phận truyền giáo, cha Giuse là “người thợ đáng khâm phục”, là linh mục siêu thoát, cẩn trọng và khôn ngoan, nhiệt thành trong sứ vụ và rất được giáo dân thương mến… Trong cuộc kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất (1671), Đức cha Lambert đã đặt cha Giuse Trang ở tại Nước Mặn để cai quản giáo đoàn Qui Nhơn (Tức địa bàn giáo phận Qui Nhơn ngày nay). Rất tiếc, cha Giuse Trang tài cao mệnh yểu, ngài được Chúa gọi về (1676) khi mới 36 tuổi đời với 8 năm trong đời linh mục[111]. Một điều cần biết thêm, cha Giuse Trang cũng là bào huynh của chị Bề trên đầu tiên, Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong được Đức cha Lambert thiết lập tại An Chỉ năm 1671[112].
Riêng về phương diện trí thức, chắc chắn cha Giuse Trang thông thạo tiếng La tinh, vì chính ngài được Đức cha Lambert chọn làm “thư ký tiếng Việt” trong Công Nghị Hội An lần thứ I (để thông ngôn, chuyển ngữ các nội dung nghị trình bằng tiếng La tinh sang tiếng Việt) [113].
3.2. Lữ Y Đoan: Nhà văn hóa lớn của Việt Nam bị lãng quên
3.2.1. Tiểu sử của linh mục Lữ Y Đoan (Theo Roland Jacques)
Trong bốn linh mục Đàng Trong được Đức cha Lambert lần lượt phong chức trong những tháng năm đầu tiên trong cương vị Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong, chỉ có linh mục Lữ Y Đoan là người được lãnh chức thánh ngay trên chính quê hương mình. Cha Lữ Y Đoan được Đức cha Lambert phong chức linh mục ngày 21.3.1676, trong cuộc kinh lý mục vụ Đàng Trong lần thứ hai (1675-1676). Về lý lịch đầy đủ của cha Lữ Y Đoan, xin được nhường lại cho linh mục tiến sĩ Roland Jacques[114], cử nhân và tiền tiến sĩ (DEA) về Việt học và Viễn Đông học tại Đại học Viện các ngôn ngữ và Văn minh Đông phương Quốc gia ở Paris, trình bày:
“Lữ Y Đoan là con đầu của một trong những người Kitô hữu thâm niên nhất ở Quảng Nam, nhưng chỉ biết dưới tên gọi là “cụ già Anrê”, người giáo dân hữu trách coi sóc cộng đồng kitô hữu Kẻ Chàm. Nhà ông được dùng làm nhà thờ của cộng đồng. Năm 1641, Lữ Y cùng với cha và em mình là những người trong nhóm kitô hữu đầu tiên được xem là đã chịu khốn khổ vì đức tin: họ bị bắt chỉ vì là người kitô hữu và bị phạt đánh đòn[115]. Lữ Y Đoan cũng là một trong những thầy giảng đầu tiên, bạn đồng hành với Anrê Phú Yên và hay chữ như vị này. Ngày 25 tháng bảy năm 1644, cha của Lữ Y, cụ già Anrê, lại bị bắt cùng một lúc với Anrê Phú Yên. Hai người bị đưa vào nhà tù chung với nhau và cùng chịu án tử hình ngày 26 tháng bảy năm 1644. Nhưng người Bồ Đào Nha xin cho cụ già Anrê được ân xá “vì cụ đã bảy mươi ba tuổi, để cụ có thể sống vài năm nữa với con cái”[116].
Được phong linh mục năm 1676. Lữ Y Đoan dâng lễ mở tay ngày 8 tháng chín trước sự hiện diện của 500 kitô hữu đến từ khắp Quảng Nam. Thánh lễ cử hành tại Kẻ Chàm, ngay nơi trước đây Anrê Phú Yên đã làm chứng cho Chúa Kitô trong vinh quang, và đó cũng là căn nhà riêng của gia đình người em ruột mình tên là Emmanuel[117].
Lữ Y Đoan biết chữ Hán, chữ Nôm, chữ La tinh một cách thuần thục. Linh mục Vachet, MEP, nói rằng ngài là “linh mục thông thái nhất của chúng ta trong vùng, và có thể nói được cả toàn Đàng Trong”[118]. Ngài đã lưu lại một tập Kinh Thánh bằng thơ, tập Sấm Truyền Ca. Bản văn có tầm quan trọng đặc biệt ấy là một trong những chứng từ ưu hạng của tiếng Việt viết bằng chữ Nôm trong thế kỷ XVII[119]. Lữ Y Đoan chết vào tháng sáu năm 1678…” (x. ROLAND JACQUES)[120].
3.2.2. Linh mục Lữ Y Đoan: Trí thức lỗi lạc của Đàng Trong: Thông thạo Hán (Nôm), La tinh
Đức cha Lambert, trong ký sự của ngài, đã nhiều lần nhắc đến cha Lữ Y Đoan; trong đó ít nhất có hai lần ngài xác nhận “Lữ Y Đoan là một “người thông thái” và “thông thái nhất của cả Đàng Trong”:
– Nhật ký ghi ngày 31.12.1675: “Chúng tôi đã sai Thầy Louis Đoan, thầy giảng kỳ cựu và là một trong các người thông thái nhất của vương quốc (Đàng Trong) đến với cha De Courtaulin để cha này chỉ dạy chữ nghĩa của chúng tôi, với ông Đôminicô, thầy giảng xứ Bàu Nghệ, và chuẩn bị họ chịu chức thánh”[121].
– Nhật ký ghi ngày 22.11.1675: “Một thầy giảng thông thái mà chúng tôi dự định cho chịu chức linh mục, đã hoàn tất việc viết một thánh lễ De Beata sang chữ Hán, để học cách phát âm tốt hơn.”[122].
Đây là một lý chứng hùng hồn nhất xác nhận cha Lữ Y Đoan vừa là một người thông thái vừa rất giỏi tiếng La Tinh so với các linh mục đồng đạo lúc bấy giờ. Bởi vì phải thật giỏi tiếng La tinh mới có thể chuyển dịch một bộ lễ “De Beata” (bằng tiếng La tinh) sang chữ Hán (Nôm). Chắc chắn, đây là một công trình mang tính “hội nhập văn hóa” và tạo điều kiện cho anh em trong hàng linh mục dễ dàng cử hành Thánh lễ bằng tiếng Hán (Nôm), một thứ tiếng mà các thầy giảng và linh mục, những trí thức của xã hội thời ấy, ai cũng “đọc viết thành thạo” như quy định của MONITA[123].
Vì thế, dùng cái luận chứng: cha Lữ Y Đoan “đã hoàn tất việc viết một thánh lễ De Beata sang chữ Hán, để học cách phát âm tốt hơn” để khẳng định ngài “không biết tiếng La Tinh” là không hợp lý chút nào[124].
– Ghi nhận của thừa sai Courtaulin, một người có đầu óc xem thường linh mục bản xứ, về lễ mở tay của cha Lữ Y Đoan tại quê nhà sau 5 tháng chịu chức linh mục: “Ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cha Louis dâng thánh lễ đầu tiên tại Ca Chàm trong nhà người em trai út của cha (son cadet), trang hoàng rực rỡ, với sự hiện diện của khoảng 500 giáo hữu là những người ưu tú tại toàn tỉnh này. Trước mặt những người đó, sau phần biếu quà cáp, chúng tôi mở lá thư Đức Giáo Hoàng Clêmentê X gửi tất cả các Kitô hữu vương quốc này và đọc thư bằng tiếng Đàng Trong”[125].
Chứng từ này có hai điều đáng ghi nhận: Lữ Y Đoan phải là một nhà trí thức, một nho sĩ lỗi lạc trong vùng, nên ngày “Lễ mở tay” (Tạ ơn) của ngài tại quê hương mới có sự tham dự của 500 giáo hữu ưu tú trong toàn tỉnh. Hơn nữa, chắc chắn ngoài ngài, không ai có đủ khả năng dịch thư Đức Giáo Hoàng Clêmentê (bằng tiếng La tinh) ra tiếng Đàng Trong để toàn thể giáo dân tham dự đều cùng lắng nghe trong bữa tiệc đặc biệt đó.
– Chứng từ của cha Vachet, thừa sai hoạt động tại Đàng Trong cùng thời với cha Lữ Y Đoan: Linh mục thừa sai này nhắc đến cha Lữ Y Đoan hai lần, và đều dành cho cha Lữ Y Đoan sự ngưỡng mộ đầy trân trọng:
* Lần 1 trong một lá thư gửi về Chủng viện Paris, đề ngày 20.10.1677: “Chuyến đi cuối cùng của Đức cha là trong tỉnh Quảng Nghĩa […]. Trở về từ sứ vụ đó, Đức cha Bêryte truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan, một trong các thầy giảng kỳ cựu nhất và là nho sĩ của vương quốc”[126].
* Lần 2: Dịp họp Công nghị Hội An II (26.10.1682): “Tôi đem theo tôi cha Louis, vị thông thái nhất trong các linh mục bản xứ của chúng tôi, và người ta có thể mạnh dạn thêm rằng là người thông thái nhất trong toàn xứ Đàng Trong, bởi vì ngài đã được xem như vậy trước khi chịu chức linh mục… Cha Louis và một trong những giáo lý viên đối lập đã dịch ra bằng tiếng Đàng Trong những gì tôi đã đọc bằng tiếng Latinh để gửi lại cho ông Norguette.”[127].
Cho dù chứng từ trên không hợp lý về thời điểm liên quan đến cha Lữ Y Đoan; vì năm họp Công nghị Hội An II (1682), cha Đoan đã qua đời được 4 năm (1678). Tuy nhiên, việc cha Vachet khẳng định cha Lữ Y Đoan là một người thông thái và thông thạo tiếng La tinh thì hoàn toàn phù hợp với các chứng từ khác đã nêu.
3.2.3. Lữ Y Đoan và các linh mục Việt Nam đồng sự trong công tác “Quốc ngữ”
Như chúng ta đã biết, khi Đức cha Lambert cập bến Đàng Ngoài (1669) và Đàng Trong (1671) lần đầu tiên thì chữ Quốc ngữ bằng mẫu từ La tinh đã được các cha Dòng Tên phổ biến được gần 20 năm (nếu tính từ ngày xuất bản cuốn tự điển “Việt Bồ La” và sách giáo lý “Phép Giảng Tám ngày” năm 1651 tại Giáo đô Rôma). Chắc chắn, để công trình văn hóa vĩ đại này được thành tựu đến thế, đã có rất nhiều cộng tác viên của người Việt chúng ta; mà chắc chắn thành phần chủ yếu đó là các thầy giảng, những người được chính các thừa sai Dòng Tên chọn gọi và đào tạo cách bài bản; trong đó không thể thiếu việc học hỏi ngôn ngữ mới: Quốc ngữ với mẫu tự La tinh. Đây là điều đã được nhiều học giả và tài liệu nghiên cứu xác nhận. Ở đây, xin được trích dẫn vài ghi nhận của linh mục tiến sĩ Antoine Bùi Kim Phong, trong Luận án tiến sĩ của ngài: “Còn về các thầy giảng ở Đàng Trong có lẽ họ cũng học chữ viết mới của tiếng Việt này từ cha De Rhodes và các đồng sự của ngài. Trong suốt 10 năm ở Ma Cao, cha De Rhodes đã viết những bản nháp đầu tiên của cuốn Dictionarium và cuốn Catechismus. Có lẽ, trong chuyến lưu lại lần thứ hai tại Đàng Trong từ giữa năm 1640 và 1645, ngài hoàn thành và thử nghiệm chữ viết mới này với các thầy giảng, như vậy, họ là những người đầu tiên ở Đàng Trong học và dạy chữ viết này. Không phải là phóng đại khi nói rằng những thầy giảng đầu tiên này ở Đàng Trong là những cộng tác viên có khả năng của cha De Rhodes trong việc chuyển tự tiếng Việt sang chữ viết La tinh hóa. Thật vậy, việc sử dụng nhiều và khéo léo các từ Hán Việt, những câu châm ngôn và tục ngữ trong các tác phẩm của cha De Rhodes khiến chúng ta nghĩ đến sự trợ giúp và cộng tác mật thiết của các thầy giảng uyên bác”[128].
Ngoài công tác về “ngôn ngữ” đó, thế hệ thầy giảng được Dòng Tên đào tạo cũng là thế hệ của những nhà trí thức và văn hóa Công Giáo đã tận dụng khả năng và vị trí thuận lợi trong cộng đoàn cũng như với xã hội để cộng tác với các thừa sai phục vụ công cuộc loan báo Tin mừng nhất là việc “Hội nhập văn hóa”. Chắc chắn, các ngài là những “thông ngôn”, “thông dịch” cho những thừa sai chưa thông thạo ngôn ngữ địa phương; là những dịch giả, chuyển ngữ các văn kiện của Huấn Quyền, các tư liệu phụng vụ, các sách kinh nguyện đạo đức từ La tinh sang ngôn ngữ Việt Nam[129]. Vì thế, không là gì, trong số các thầy giảng mà một số sau đó trở thành linh mục, đã là những nhà văn, nhà thơ với các tác phẩm đạo đức, phụng vụ, giáo lý… hoặc bằng Hán Nôm, hoặc bằng Quốc ngữ-Latinh hóa. Trong số đó phải kể đến thầy giảng Gioan Thanh Minh với các tác phẩm thi ca kinh vãn nổi tiếng[130]; hay linh mục Lữ Y Đoan với tác phẩm Kinh thánh bằng thơ lục bát “Sấm Truyền Ca” mà chúng ta sẽ bàn sau đây.
3.3. Linh mục Lữ Y Đoan và tác phẩm “Sấm truyền ca”
Vì có tác giả đưa ra những luận cứ “tồn nghi” về tác giả thật sự của tác phẩm “Sấm Truyền Ca”[131], một tác phẩm Hán-Nôm đã được dịch sang Quốc ngữ mà hầu hết các nhà nghiên cứu văn học cũng như lịch sử đều dành cho linh mục Lữ Y Đoan, nên chúng ta cũng cần bàn luận thêm chuyên đề này để có một kết luận khả dĩ thuyết phục.
3.3.1. Lữ Y Đoan, tác giả của “Sấm Truyền Ca”: Sự công nhận liên tục của lịch sử
– Nếu nói tới thời điểm “dấu vết xuất hiện” xưa cũ nhất của tác phẩm mang tên “Sấm Truyền” thì phải ghi nhận thời của Đức cha Alexandris[132], Giám mục Tông tòa Đàng Trong từ năm 1728-1738. Chính ngài đã nêu tên tác phẩm Kinh Thánh tiếng Việt là “Sấm Truyền”, cho dù được nhắc tới nhưng không nhắc tên tác giả, và với mục đích tiêu hủy, trong lá thư ngài gởi cho thừa sai Gouge ngày 22.8.1731: “Tôi biết cha và các giáo dân đang có tại nhà mình quyển sách Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt, tục gọi là Sấm Truyền, và nhiều tập sách cũng như các kinh cầu do Đức cha Carôlô Labbé soạn ra. Do vậy cha hãy liệu, sớm nhất có thể, thu lại tất cả các sách đó, sách Thánh Kinh và các kinh, và hãy gửi đến cho tôi, hay để tại nhà cha Valêriô Rist là quyền đại diện của tôi, tại vì tôi cấm những thứ đó vào những ngày sắp tới. Sẽ không được phép đọc các sách đó nữa và cha sẽ thông báo khắp nơi rằng chỉ được các kinh cũ mà thôi”[133].
– Cũng cần biết lý do của quyết định trên: Theo nhiều nhà nghiên cứu, là Giám mục xuất thân từ Dòng tu (Barnabê), Đức cha Alexandris rất ác cảm với các Thừa sai Hải ngoại Paris hay linh mục triều; nhất là không ưa gì các linh mục triều được Giám mục Thừa sai phong chức, cho nên, như câu ca dao “ghét người ghét cả tông chi họ hàng”…, những gì dính dáng đến Hội này, cho dù là Kinh Thánh, phải bị dẹp bỏ. Đó là chưa kể đến hai lý do sau: một đàng mang óc đố kỵ, xem thường văn hóa bản địa, người bản xứ; một đàng dốt nát về phong tục, tín ngưỡng, ngôn ngữ và những cách diễn đạt của người Á đông, Việt Nam về niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, thần học và Kinh thánh…[134].
– Nếu nói đến “sự công nhận có tính liên tục” về tác giả Lữ Y Đoan của tác phẩm “Sấm Truyền Ca”, có lẽ chúng ta cần phân thành ba nhóm sau.
* Nhóm thứ nhất: Liên quan đến lịch sử tiếp cận tác giả và tác phẩm:
Tìm gặp, biên dịch: Các nhân vật này xuất hiện trong hai Bản Sấm Truyền Ca hiện còn: Bản của “PAULUS TẠO” và bản của “NGUYỄN VĂN NHẠN”.
*1. Bản của “PAULUS TẠO” (từ Tuần báo “NAM KỲ ĐỊA PHẬN”) với hai lời “Tựa” của hai nhân vật đầu tiên tiếp cận, dịch và lời “ghi chú” của chinh Paulus Tạo:
– Simon Phan Văn Cận (người phát hiện đầu tiên bản chữ Nôm) năm 1810 và dịch sang Quốc ngữ (1820) xác nhận thầy cả Lữ Y Đoan là tác giả (Có nhầm lẫn về năm chịu chức của ngài).
– Vêrô Trần Hớn Xuyên: Tìm gặp bản chữ Quốc ngữ năm 1910 tại Cái Bắc và chép lại để làm tài liệu lưu truyền cho con cháu: Linh mục Lữ Y Đoan là tác giả.
– Paulus Tạo (ký giả Công giáo): nhận xét và đính chính: về năm chịu chức (1676), chính bản bằng chữ Nôm được cha Lữ Y Đoan soạn năm 1670… Có nhắc tới bản của linh mục “PHAOLO QUY”.
*2. Bản của “NGUYỄN VĂN NHẠN” (từ Báo “TÔNG ĐỒ SÀI GÒN”): Với “Lời nói đầu” của ký giả Công giáo Thaddeous Nguyễn Văn Nhạn: trình bày quá trình hình thành, trôi dạt và hiện tồn của tác phẩm “Sấm Truyền Ca” mà Lữ Y Đoan chính là tác giả.
** Nhóm thứ hai: Các tác giả, nhà nghiên cứu đồng thuận Lữ Y Đoan là tác giả của Sấm Truyền ca: Có thể nói được, kể từ người phát hiện đầu tiên là PHAN VĂN CẬN (1820) cho tới trước ngày 24.11.2023[135]; nghĩa là suốt hơn 200 năm không có một “phản biện” nào gọi là để “đặt lại vấn đề” về “tác giả” và “tác phẩm” “Sấm Truyền Ca”. Nghĩa là suốt hơn hai thế kỷ, toàn bộ các nhà nghiên cứu uy tín, các sử gia ưu hạng… đều ghi nhận linh mục LỮ Y ĐOAN (LOUIS ĐOAN) chính tà tác giả của tác phẩm chữ Nôm “SẤM TRUYỀN CA”, xuất hiện vào khoảng năm 1670 (thế kỷ 17). Sau đây xin đơn cử một số các nhân vật liên quan:
**1. Các tác giả Công giáo:
– Học giả Phạm Đình Khiêm
– Học giả Võ Long Tê
– Giáo sư sử học Dòng Tên Việt Nam Đỗ Quang Chính
– Giáo sư Nguyễn Văn Trung
– Giáo sư linh mục Trần Thái Đỉnh
– Giáo sư linh mục Thanh Lãng
– Giáo sư tiến sĩ luật học, sử học và ngôn ngữ học: linh mục Roland Jacques
– Nhà nghiên cứu, nhà thơ Nguyễn Đình Bảng.
– Nhà nghiên cứu phê bình văn học: Bùi Công Thuấn.
– Giáo sư sử học Trương Bá Cần
– Giáo sư nghiên cứu sử học: linh mục Nguyễn Đức Thông.
– Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh
– Nhà nghiên cứu, thi sĩ: linh mục Trăng Thập Tự (Võ Tá Khánh)
– Nhiều tác giả khác chưa có điều kiện tiếp cận…
**2. Các tác giả ngoài Công giáo:
– Giáo sư Hoàng Xuân hãn.
– Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Thanh Đạm.
– Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn
– Tiến sĩ Hán nguyên Nguyễn Nhã
– Giảng viên Đại học Lê Phụng
– Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung…
– Nhiều tác giả khác chưa có điều kiện tiếp cận…
*** Nhóm thứ ba: các tư liệu, văn phẩm, tác phẩm quan trọng về lịch sử: xác nhận Lữ Y Đoan là tác giả Sấm Truyền Ca
***1. Về báo chí:
– Nam Kỳ Địa phận,
– Tông Đồ Sài Gòn…
***2. Về tác phẩm nghiên cứu lịch sử (lịch sử văn học Công Giáo hay lịch sử tổng quát):
– Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, quyển 1 (Võ Long Tê)
– Biểu nhất lãm văn học cận đại (Thanh Lãng).
– Văn học Công giáo Việt Nam – Những chặng đường (Lê Đình Bảng)
– Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam 3 Quyển I, II, III (LM. Trăng Thập Tự).
– Việt Nam Công giáo sử tân biên 2 quyển (I, II) (Cao Thế Dung)
– Văn học Công giáo Việt Nam đương đại (Bùi Công Thuấn).
– Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian (ban biên soạn lịch sử giáo phận).
– Nhiều tác phẩm khác…
Với những “chứng nhân”, “chứng từ” và “chứng tích” hùng hồn, dài lâu đầy uy tín và thuyết phục trên, chúng ta có thể yên tâm để xác tín rằng: linh mục Lữ Y Đoan chính là tác giả của tác phẩm thi ca diễn Nôm Kinh thánh đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam – Sấm Truyền Ca. Dĩ nhiên, khẳng định này không có ý phủ nhận những gợi ý, phản biện hay đề nghị những chứng cứ thuyết phục hơn, chuẩn xác hơn liên quan đến tác giả Lữ Y Đoan và tác phẩm Sấm Truyền Ca. Vì thế, trong vấn đề này, chúng ta áp dụng “nguyên tác của thánh Giáo phụ Augustinô” là thích hợp nhất: In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas (unity in necessaries, liberty in doubts, charity in all = Hiệp nhất trong những điều cần thiết, tự do trong những điều còn nghi ngờ, bác ái trong mọi sự).
Kết: Một nén hương lòng tri ân cảm tạ!
Cách đây đúng 26 năm (1998), trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám mục Hội nghị đặc biệt về Á Châu, ban soạn thảo tài liệu góp ý và chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng dưới sự hướng dẫn của Hồng Y J. P. Schotte, đã gởi cho các Hội Đồng Giám Mục vùng Á Châu tài liệu LIENAMENTA cùng với “BẢN CÁC CÂU HỎI”. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi ấy đã hồi đáp “BẢN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI” đồng thời đính kèm một “BẢN GÓP Ý”. Linh mục Roland Jacques khi đọc được hai bản văn trên đã có những nhận xét rất thâm thúy: “Các Giám mục Việt Nam muốn trình bày một vài điểm với những vị đã chuẩn bị Thượng Hội Đồng cho Á châu, và nêu lên một vài sự thật nhắc nhở Kitô hữu Việt Nam và vùng Đông Á: lối nói thẳng thắn, không quanh co… bản văn rất tích cực và đầy hy vọng… nó tránh việc than vãn hay răn đe, để cố đưa ra hướng đi mới cho hôm nay và tương lai”[136]. Riêng trong phần góp ý về nội dung của LIENAMENTA liên quan đến phần lịch sử, các Giám mục Việt Nam đã lưu ý: “Tài liệu làm việc (…) không nên trở thành một bài nghiên cứu lịch sử vì thế phần lịch sử chỉ nên nhắc thoáng qua”[137].
Khi nhận định về ý nghĩa của góp ý trên cùng với việc đối chiếu với nội dung của bản văn LIENAMENTA liên quan, linh mục Roland Jacques đã nhận định rằng: Các Giám mục Việt Nam không phải “muốn quay lưng lại với lịch sử” nhưng cốt yếu là “phê bình lối nhắc lại lịch sử và sử dụng lịch sử cách vụng về và không thỏa đáng…”. Có nghĩa là, LIENAMENTA dường như “lẫn lộn lịch sử Giáo Hội Á Châu với lịch sử các nhà truyền giáo ngoại quốc” (xem LIENAMENTA , số 11-14)[138].
Nhận định trên của Roland Jacques về góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về lịch sử truyền giáo quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ. Quả thật, không phải chỉ Rôma, chỉ các nhà sử học ngoại quốc, mà ngay cả chúng ta, khi đề cập đến công cuộc truyền giáo tại Á Châu nói chung hay Việt Nam nói riêng, rất thường đề cao các nhà truyền giáo Tây phương và những công trình, những đóng góp của các ngài mà ít khi nhấn mạnh hay quan tâm đúng mức những “thành viên trong nhà”. Vâng, Giáo hội Việt Nam hôm nay, Giáo hội Á châu hôm nay không phải chỉ có thánh Phanxicô Xaviê, không phải mình Alexandre de Rhodes, Lambert de la Motte, không chỉ có các tu sĩ Dòng Tên, Đa Minh, Phanxicô, Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ, Đức Bà Truyền giáo, Dòng Chúa Cứu Thế, Phaolô thành Chartres…, mà còn có bao nhiêu công sức của các thầy giảng Việt Nam, của các linh mục Việt Nam như Giuse Trang, Luca Bền, Gioan Huệ, Bênêđictô Hiền, Lữ Y Đoan…; nhất là được tài bồi bởi bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bao nhiêu giáo dân thầm lặng, của các vị tử đạo như Anrê Phú Yên, 117 thánh Tử đạo Việt Nam, bao nhiêu Tôi tớ Chúa, bao nhiêu nữ tu Mến Thánh Giá Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, bao nhiêu những bà mẹ Công giáo anh hùng như nữ thánh tử đạo Anê Lê Thị Thành, như cô bé Lucia tử đạo năm 1665 khi mới 13 tuổi…
Chính trong tiêu đích đó, bài viết tìm về thế hệ linh mục tiên khởi của Việt Nam cũng muốn khơi lên niềm hiếu thảo tri ân đối với những con người, những chân dung linh mục đầu tiên, cùng với bao anh em đồng sự, với các vị thừa sai Âu Á, các vị chủ chăn hy sinh quên mình, các nữ tu Mến Thánh giá, với cộng đoàn giáo dân nhiệt thành của một thời “khai hoang vỡ đất” Nước Trời.
Cho dù “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”, cho dù dòng chảy của nhịp sống đức tin có luôn lữ hành qua vạn lối, cho dù cuộc đời hôm nay đang biến đổi không ngừng… thì cội nguồn đức tin của cha ông sẽ không bao giờ phai nhạt. Chúng con xin cảm ơn các linh mục cha ông Việt Nam của một thời “bình minh đón nhận Tin mừng”; và xin thắp nén hương lòng tri ân cảm tạ. Công cuộc loan báo Tin mừng mãi mãi còn đang ở phía trước và cuộc hành trình xây dựng Nước Trời luôn luôn vẫn còn dang dở để chúng con nhịp bước lên đường. Xin các ngài trên trời cầu thay nguyện giúp để Mẹ Hội thánh Việt Nam mỗi ngày mỗi trẻ trung tươi đẹp.
(Viết xong ngày 1.7.2024)
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Theo Truyền thống lâu đời còn lưu lại, nhất là qua Phụng vụ, Hội thánh vẫn nhận rằng bí tích Truyền chức thánh (Trao ban các thừa tác vụ thánh: giám mục, linh mục, phó tế) được Chúa Giêsu chính thức thiết lập vào ngày thứ Năm trong bữa Tiệc ly: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Vì thế, Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm, Phụng vụ của Hội thánh luôn hướng về bí tích này: “Anh em linh mục thân mến, Trong ngày kỷ niệm Đức Kitô chia sẻ chức vụ tư tế của Người cho các thánh tông đồ và mỗi người chúng ta…” (Lời kêu gọi của Đức Giám mục trong nghi thức “Các linh mục lặp lại lời tuyên hứa” của phụng vụ Lễ Làm Phép Dầu sáng Thứ Năm Tuần Thánh).
[2] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 15.
[3] SĐD, số 2.
[4] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions), Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Nxb Hồng Đức 2020, tr. 81.
[5] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Nxb Tôn giáo 2008, tr. 19-20.
[6] Linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đầu tiên được Đức cha Lambert de la Motte phái đến Đàng Trong đó là cha Chevreuil. Ngài rời Ayutthaya ngày 17.6.1664 và đến Hội An ngày 26.7.1664. (x. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử giáo phận Đàng Trong, Nxb Tôn giáo 2023, tr. 36).
[7] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 25.
[8] X. LM. ANTOINE BÙI KIM PHONG, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660) và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, Nxb Hồng Đức 2023, ghi chú số 71, tr. 69.
[9] SĐD, ghi chú số 81, tr. 73.
[10] SĐD, tr. 257.
[11] SĐD, ghi chú số 1, tr. 130-131.
[12] Xem đầy đủ về “Cuộc đời, sứ vụ và các tác phẩm của cha Alexandre de Rhodes” trong tác phẩm “Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660) và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam”, sđd, Chương Ba, từ trang 128-296).
[13] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia – Viết tắt: EA), số 1.
[14] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, dịch giả: Lưu Thùy Diệp, Nxb Tôn giáo 2024, tr. 17-18.
[15] SĐD, tr. 18.
[16] Chủ đề “Hoán cải truyền giáo” hay “Hoán cải mục vụ” được đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đặc biệt trong Chương Một (SỰ BIẾN ĐỔI TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH) của Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium): “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện nay” (Số 25); “Mỗi Giáo hội địa phương, trong tư cách là là một phần của Hội thánh Công giáo được cai quản bởi một Giám mục, cũng được kêu gọi có sự hoán cải truyền giáo” (Số 30).
[17] Công đồng Trentô (hay còn được gọi là Tridentino) là Công đồng chung thứ XIX của Giáo hội Công giáo được khai mạc ngày 13.12.1545 tại Trentô, miền bắc nước Ý, gần các quốc gia germaniques là nơi đã lan tràn giáo phái Tin lành. Công đồng Trentô diễn ra từ năm 1545 -1563 do Giáo hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc khai mạc có 70 Giám mục, lúc kết thúc có 252 Giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khoá họp từ ngày 13 tháng 12 năm 1545 đến ngày 4 tháng 12 năm 1563 và trải qua 3 thời kỳ Giáo hoàng: Đức Phaolô III (1545-1547); Đức Giuliô III (1551-1552); Đức Piô IV (1562-1563). Công đồng xác định một số tín điều và giáo lý liên quan đến Phong trào Cải Cách, canh tân Giáo hội về nhiều điểm thực tế. Nội dung của Công đồng có thể được tóm tắt như sau:
– Thúc đẩy sự canh tân trong Giáo hội Công giáo, phản đối phong trào cách mạng của nhóm Thệ Phản (Tin Lành) liên quan đến vấn đề Mặc khải và Đức tin (Lý trí và sự Tiếp thụ) như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền của Giáo hội, Tội Nguyên tổ, ơn Công chính hóa, Đặc sủng, Bảy Phép Bí tích (Thánh Lễ), Thánh nhân, Thánh cốt, Thánh tượng.
– Quy định quyền lợi và trách nhiệm của Giám mục.
– Quy định đời sống của giáo sĩ và tu sĩ.
– Quy chế việc thành lập Dòng tu.
Công đồng Trentô đã có một ảnh hưởng quyết định trên đời sống và bộ mặt của Giáo hội Tây phương vào thế kỷ 16 và tiếp sau đó. (Nguồn tổng hợp).
[18] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, tr. 21.
[19] X. HEINRICH DENZINGER, Các tín biểu, định tín và tuyên bố của Giáo hội Công giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục, chuyển ngữ: Lm. Nguyễn Văn Hòa, OP, Văn phòng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2019, Công đồng Tridentinô, tr. 520-521.
[20] Trong Khóa họp thứ V của Giai đoạn I (17.6.1546), Công đồng Trentô đã chấn chỉnh một số vấn đề liên quan đến “kỷ luật mục vụ” trong Giáo hội, trong đó, Công đồng đã đề xuất việc thành lập các chủng viện (Séminaires) để đào tạo hàng giáo sĩ. Từ quyết sách mục vụ này, trong Giáo hội bắt đầu hình thành các “Tiểu chủng viện” (Petit séminaire) huấn luyện tiểu chủng sinh (Tương đương bậc phổ thông trung học ngày nay) và các “Đại chủng viện” (Grand séminaire) huấn luyện đại chủng sinh (Tương đương bậc đại học ngày nay). Các Đại chủng viện của các cha Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice – Viết tắt: PSS) có xuất phát điểm từ định hướng này.
[21] Chế độ “Bảo trợ truyền giáo” thường được gọi chung bằng tiếng La tinh là Patronatus hình thành từ sắc chỉ “Inter Caetera” của Đức Giáo hoàng Alexandro VI ký ngày 04.5.1493, “phân chia quyền bảo trợ truyền giáo cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau đó hai nước ký hiệp ước tại Tordesillas (Tây Ban Nha) vào ngày 07.06.1494, thỏa thuận đường ranh giới là kinh tuyến 30 từ Bắc cực xuống Nam cực. Tây kinh tuyến thuộc Tây Ban Nha; Đông kinh tuyến thuộc Bồ Đào Nha, gồm Phi châu và Á châu…” (x. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017, tr. 44; STEPHEN B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER, Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay, bản dịch Việt ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, Nxb Tôn Giáo 2020, Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773), tr. 286-287).
[22] JOSEF HOLZER, Lịch sử truyền giáo qua 100 trình thuật (Trình thuật số 70: Giáo hội bung ra khắp thế giới). Nguyên tác: Die Geschichte der Kirche in 100 reportagen, chuyển ngữ: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng-Lam: “Thực-dân Bồ và Tây Ban Nha đi tới đâu, các nhà truyền giáo theo tới đó. Những khám phá và xâm chiếm đất đai không chỉ vì quyền lợi chính trị, quân sự và kinh tế, mà còn cả tôn giáo. Nhưng tiếc thay, công cuộc truyền giáo dưới cây dù thực dân thường với những phương cách tàn bạo và nhơ nhuốc đó đã tạo cho người ta cảm tưởng rằng Giáo hội đã cùng một bè một cánh với thực dân cướp bóc. Cảm tưởng này cho đến ngày nay vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của một số dân tộc”, website https://xuanbichvietnam.wordpress.com.
[23] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 12-13.
[24] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin mừng (Evangelii Gaudium), số 27: “Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra…”.
[25] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr. 20-21: Bắt đầu thành lập năm 1622, cơ quan này mang tên La tinh Sacra Congregatio de Propaganda Fide (trong tiếng Việt ngày nay quen dịch là Thánh Bộ Truyền giáo nhiều hơn là Thánh Bộ Truyền bá đức Tin, từ năm 1946 trở về trước cũng còn gọi là Tòa Áp giải việc truyền giáo); ngày 15.8.1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bằng Hiến chế Regimini Ecclesiae đổi tên Bộ này là Sacra Congregatio pro Gentium Evangelizatione seu de Propaganda Fide (Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc hoặc Truyền bá đức Tin); ngày 28.6.1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bằng Hiến chế Pastor bonus lại rút gọn tên Bộ này là Congregatio pro Gentium Evangelizatione (Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc). Với Hiến chế Pastor bonus cải tổ giáo triều Roma, Tòa thánh đã dám có một thay đổi lớn, dù chỉ là một tính từ, là bỏ hết từ Sacra (Thánh) đứng trước tên các Bộ và các cơ quan đầu não của giáo triều, vì vậy từ 1988 trở đi chỉ còn gọi là Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Bộ Giám mục, Bộ Giáo sĩ , v.v.
[26] SĐD, tr. 20.
[27] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, Nxb Phương Đông 2010, tr. 42.
[28] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, 1658-1728, P. Tequi, Paris 1923, tr. 9-10.
[29] LM. ANTOINE BÙI KIM PHONG, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660) và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, sđd, tr. 302.
[30] SĐD, tr. 300-301.
[31] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 135-136.
[32] Theo nhiều nhà nghiên cứu hiện nay, cả hai chi tiết thời điểm 1533 và nhân vật I-nê-xu được “chua thêm” của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục vẫn là một giả thuyết còn tồn nghi; nhất là các chi tiết đó lại liên quan đến một tài liệu thuộc “truyện ký dã sử” có nội dung và chủ đích bôi nhọ và bài bác Công giáo mang tên “Tây Dương Gia Bí lục” xuất hiện trước đó (Khởi thảo: 1794; in: 1812).
[33] CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, Nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2019, tr. 133-134. (Xem thêm: ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, (Divers voyages et missions), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Nxb Hồng Đức 2020, tr. 80-81; ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Nxb Tôn giáo 2008, tr. 18-20; BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017, tr. 46-49).
[34] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 65.
[35] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Người chứng thứ nhất, Nxb Tinh Việt 1959, tr. 71.
[36] SĐD.
[37] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 104-117.
[38] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions), Bản dịch của Hồng Nhuệ, Nxb Hồng Đức 2000, tr. 114.
[39] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 104-117.
[40] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 498.
[41] SĐD.
[42] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 109-110.
[43] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 498-499…
[44] SĐD, tr. 503.
[45] SĐD.
[46] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 109-110.
[47] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 515-516.
[48] SĐD, tr. 516-519.
[49] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 117.
[50] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 48-49.
[51] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr.120: “Đầu đề của tư liệu này là: Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn dụ các đại diện tông tòa đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659). Tuy nhiên, theo cách gọi tên truyền thống các văn kiện Huấn Quyền, người ta hay chọn những từ đầu tiên; và đây là tên của Huấn thị 1659 được gọi theo cách đó: Quoniam vos ea estis diligentia (Bởi vì chư huynh rất đỗi mau lẹ lo công việc). Cách gọi thông thường nhất đó là “Huấn thị 1659”.
[52] JOSEPH METZLER, Fondation de la Sacrée Congrégation pour l’Évangélisation des Peuples ou ‘De Propaganda Fide’, Paris, Centre de Recherche Théologique Missionnaire, 1975, tr. 9.19-20).
[53] F. GOMEZ – NGÔ MINH, Thiên khảo luận Truyền Giáo Học, sđd.
[54] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes – AG), số 16.
[55] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn “Những Mục tử như lòng mong ước” (Pastores dabo vobis), số 65.
[56] Người Công giáo thường gọi nước Pháp là trưởng nữ của Giáo Hội. Danh xưng này là kết quả dịch sao phỏng từ tiếng Pháp fille aînée de l’Église, được ghi nhận lần đầu trong một bài diễn văn của linh mục Henri-Dominique Lacordaire (14.02.1841). Nguyên do là Clovis đệ nhất được xem (sự thật không phải như vậy) là vị vua man tộc đầu tiên được rửa tội gia nhập Công Giáo và các vua Pháp được xem là hậu duệ trực tiếp của Clovis đệ nhất nên danh xưng fils aîné de l’Église (dịch sát là trưởng nam của Giáo Hội) được dùng để chỉ vua Pháp trong mối quan hệ “huyết thống tinh thần” với Giáo Hội. Trong tiếng Pháp roi (vua) là một từ giống đực nên khi đặt vua ở vai con của Giáo Hội phải dùng từ fils giống đực (nói chung nghĩa là con và không phải lúc nào cũng chỉ con trai). Tương tự nước Pháp trong tiếng Pháp được gọi là la France, một từ giống cái nên muốn đặt nước Pháp ở vai con của Giáo Hội, người Pháp phải viết la France, fille aînée de l’Église (Nước Pháp, trưởng nữ của Giáo Hội). (Sưu tầm).
[57] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng Giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 148-149.
[58] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr.111-112.
[59] SĐD, tr. 153.
[60] Ajuthia hay Ayutthaya, Ayuthia, Juthia… đều chỉ chung một địa danh là thủ đô của vương quốc Siam (Xiêm) vào thế kỷ 16-18, cho đến năm 1782, khi vua Rama I lên ngôi và chọn Bangkok làm thủ đô, cách kinh đô cũ Ajuthia khoảng 70 km về hướng nam.
[61] SĐD, tr. 136-137.
[62] SĐD, tr. 170.
[63] LM GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Nxb An tôn & Đuốc sáng 2021, Phụ lục 2, Monita ad missionarios, tr. 177.
[64] Tức ngày 29.02.1664, vì năm 1664 là năm nhuận nên có ngày 29.02.
[65] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam…, sđd, tr. 131.
[66] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam…, sđd, tr. 50-73.
[67] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr.171: “Các ngài đưa ra “một thứ linh đạo” mà các ngài gọi là linh đạo tông đồ (spiritualité apostolique) tức là một đời sống thiêng liêng của những người hoạt động tông đồ, cụ thể là hoạt động truyền giáo. Những người này có ơn gọi khác thường thì đòi hỏi cũng phải có loại sống khác thường (genre de vie extraordinaire).
[68] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 162.
[69] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr.175.
[70] SĐD, tr. 174.
[71] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 163.
[72] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, 1658-1728, Paris, 1923, p. 240. (x. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, Nxb Tôn giáo, tr. 66.
[73] Phần Dẫn nhập của Văn kiện Công nghị Hội An lần 1: “Và cha Giuse Trang, linh mục người Đàng Trong, mà chúng tôi tuyển chọn vào nhiệm vụ thư ký tiếng Việt”.
[74] X. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr.146-162.
[75] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 42.
[76] SĐD, tr. 42-43.
[77] LM. ANTOINE BÙI KIM PHONG, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660), sđd, tr. 295.
[78] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 193.
[79] ĐÀO QUANG TOẢN (DỊCH GIẢ), Ký sự Đức cha Lambert de la Motte, Ký sự 6, 1668-1669, số 77, AMEP, vol. 121, p. 744-771, tr. 122-123.
[80] SĐD, Ký sự 6, số 81, tr. 125.
[81] Thầy giảng được phong chức “đặc cách” về tuổi tác này chính là Vitô Văn Trí.
[82] SĐD, Ký sự 7, số 121, tr. 165.
[83] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 63.
[84] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, sđd, tr. 128. (x. NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 213).
[85] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 213.
[86] SĐD, tr. 214-215. (x. A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, sđd, tr. 122; 212).
[87] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 224-225.
[88] SĐD, tr. 229 (x. LAUNAY, Tonkin (Đàng Ngoài), tr. 452).
[89] SĐD, tr. 228-229.
[90] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 200.
[91] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 39.
[92] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 143.
[93] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 216-217.
[94] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 159.
[95] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, sđd, tr. 109-110). (x. LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 166).
[96] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 57.
[97] Sắc lệnh Speculatores do Đức Giáo hoàng Clêmentê IX ban hành ngày 13.9.1669, truyền các tu sĩ thừa sai nào đến làm việc tại các Giáo phận mà Tòa thánh đã trao cho các Đại diện Tông tòa, phải trình bài sai của mình và vâng phục Đại diện Tông tòa, ai trái lệnh thì bị vạ tuyệt thông. Sắc lệnh cũng tuyên bố các thầy giảng thì thuộc quyền các Đại diện Tông tòa và những lời khấn các thầy tuyên trước các tu sĩ thừa sai thì vô hiệu lực. (x. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 57).
[98] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 220-221.
[99] SĐD, II. Căng thẳng giữa hai nhóm thừa sai, tr. 213-232.
[100] Joseph TISSANIER (1618-1688), thừa sai Dòng Tên, nhập Đàng Ngoài năm 1658; bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1663. Đến và làm việc tại Ajuthia 1664; về Áo Môn 1675 và làm việc tại đây cho tới chết (1688). Thời gian đầu tại Ajuthia, thừa sai này có cảm tình tốt đới với Đức cha Lambert, nhưng sau đó đã ngã theo khuynh hướng của các thừa sai Bồ Đào Nha, lên án Đức cha Lambert thậm tệ. (x. LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, sđd. Tr. 172-173).
[101] Jean de Maguelone de COURTAULIN (sinh khoảng từ 1635-1637), gia nhập Hội Thừa sai Paris và nhập Đàng Trong năm 1674. Chính thức làm quyền “Tổng Đại Diện Tông tòa Đàng Trong” từ năm 1675-1682. Năm 1682 ra khỏi Hội thừa sai và đi Quảng Châu…
[102] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo hội Việt Nam năm 1659, sđd. Tr. 172-176.
[103] SĐD, tr. 173.
[104] SĐD, tr. 173-174.
[105] Bénigne VACHET (1641-1720), thừa sai thuộc MEP, đến Đàng Trong các năm 1671, 1673, 1675; năm 1676 về Xiêm và qua đời tại Chủng viện thừa sai Paris.
[106] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 73-75.
[107] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 216. (x. A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, sđd, tr. 197).
[108] SĐD, tr. 208-209.
[109] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017, tr. 118-119.
[110] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 211-212.
[111] SĐD, tr. 213.
[112] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 125 & 127.
[113] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, sđd, tr. 100: “… et Mag. Joseph Trang sacerdoti anamitae, pro lingua vulgari anamitica in munus secretarii nostril electo…”
[114] ROLAND JACQUES, linh mục Dòng Hiến sĩ Đức Maria Vô nhiễm (Oblats de Marie Immaculée – OMI), là Giáo sư tiến sĩ có tên Việt là DƯƠNG HỮU NHÂN, Khoa trưởng khoa giáo luật ở đại học Saint Paul, Ottawa, Canada. Tiến sĩ Luật học tại Đại học Paris-XI và Tiến sĩ Giáo luật tại Học viện Công giáo Paris (Doctorat en droit – Paris-XI et en droit canonique – Institut catholique); thông thạo các ngôn ngữ Hy lạp, Do thái, La tinh, Bồ đào nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây ban nha, Việt Nam và Hán tự… Đã từng ở Việt nam hơn 2 năm để bổ túc vốn ngôn ngữ Việt. Đặc biệt, ngài chính là thành viên trong ỦY BAN SỬ HỌC thuộc án phong thánh cho thầy giảng Anrê Phú Yên, và là người hoàn tất hồ sơ về cuộc tử đạo của Anrê Phú Yên về phương diện sử học; là tác giả của các tác phẩm “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến năm 1651)” (dịch sang tiếng Việt năm 2007, Nxb Khoa học Xã hội); “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và sự khởi đầu của Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam” (Nxb Định hướng Tùng thư 2004).
[115] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions), sđd, tr. 201-202. Về cụ già Anrê, cha Đắc Lộ viết: “Ông thoát một trận đánh và chưa được phúc tử đạo, nhưng không trốn tránh cơ hội để được tử đạo. Vợ ông tên là Inhaxu và hai con là Emmanuel và Luis, cả hai đều là hình ảnh nhân đức của ông. Nhà ông biến thành nơi giáo dân ẩn trú trong yên hàn cũng như trong cơn giông tố…”.
[116] Câu này rút ra từ bản văn của cha Đắc Lộ viết về cuộc tử đạo của Anrê, ngày 1 tháng 8 năm 1644 bằng tiếng Bồ Đào Nha, lưu trữ tại Madrid, Academía real de la Historia, bố 21 bis, tập 17, tờ 228-234v. Cụ Anrê già chết năm 1647 và được mọi người mến mộ. Xem Metello Saccano, Relatione annua della christianità del Regno della Concicina l’anno 1647, lưu trữ tại Văn khố lịch sử của Dòng Tên, toàn bộ Jap/Sin., tập 73, tờ 103v-104 và 120.
[117] Xem các thư của linh mục Bénigne Vachet và Jean de Courtaulin trong Văn khố MEP, tập 734, tr. 176 và 258. Trích theo bản văn của A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823: Documents historiques, tập I, Paris, Téqui, 1923, tr. 197.
[118] Văn khố MEP, tập III, tr. 275. Trích theo bản văn của A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, tập I, tr. 257.
[119] Xem NGUYỄN VĂN TRUNG et al., “Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan…”, trong Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỷ XVII-XIX), tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tổng hợp (Khoa Ngữ văn), 1993, tr. 53-74.
[120] ROLAND JACQUES, Les missionaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viet-Nam, Bilingue – Tome 2 (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam), Nguyễn Đăng Trúc – Trần Duy Nhiên – Nguyễn Bá Tùng – Hồ Ngọc Tâm chuyển ngữ, Nxb Định Hướng Tùng Thư 2004, tr. 211-214.
[121] “On a envoyé Mr Louis Doüan, ancien catéchiste et un des plus savants du royaume à Mr de Courtaulin pour l’instruire avec Om Dominique, catéchiste de Bo Nghee à nos lettres et les préparer à l’ordination.” (Journal du 30/12/1675, AMEP, vol. 877, p. 576).
[122] “Un savant catéchiste qu’on destine au sacerdoce a achevé d’écrire une messe De Beata en caractères chinois, pour en apprendre mieux la prononciation.” (Journal du 22/11/1675, AMEP, vol. 877, p. 571). (AMEP = Archives des Missions Étrangères de Paris).
[123] MONITA AD MISSIONARIOS, Chương X, tiết 3: “Để đón nhận các chức nhỏ, họ phải nắm vững những sơ đẳng của tiếng La tinh để khi cần đòi hỏi những hiểu biết này và cũng để có khả năng cần thiết hoàn thành xong việc học tập liên quan đến chức thánh”.
[124] X. ĐÀO QUANG TOẢN, Linh mục Lữ Y Đoan và Sấm Truyền Ca, website Văn Việt: https://vandoanviet.blogspot.com/search/label/%C4%90%C3%A0o%20Quang%20To%E1%BA%A3n, đăng ngày 24.11.2023.
[125] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, sđd, tập I, tr. 197.
[126] SĐD
[127] SĐD, tr. 274.
[128] LM. ANTOINE BÙI KIM PHONG, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660), sđd, tr. 289. (x. ĐỖ QUANG CHÍNH, “La mission au Viet-Nam”, tr. 333-334).
[129] Cha Giuse Trang là thư ký tiếng Việt của Công nghị Hội An I…
[130] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 234.
[131] ĐÀO QUANG TOẢN, Linh mục Lữ Y Đoan và Sấm Truyền Ca, website Văn Việt, tài liệu đã dẫn…
[132] Đức cha Alexandris với tên đầy đủ là ALEXANDER AB ALEXANDRIS (1691-1738), là tu sĩ Dòng Barnabê. Nhập Đàng Trong năm 1672, làm Giám mục phó sau đó kế nhiệm Đức cha Perez là Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong từ 9.9.1728 cho tới khi qua đời ngày 13.9.1738.
[133] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, sđd, tập II, tr. 11. (x. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 124).
[134] LM TRĂNG THẬP TỰ (CHỦ BIÊN), Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), bài viết: “Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan” của tác giả NGUYỄN VĂN TRUNG, tr. 415-439.
[135] Tức ngày mà trên trang mạng “VĂN VIỆT” có đăng bài Linh mục Lữ Y Đoan và Sấm Truyền Ca, tài liệu đã dẫn.
[136] ROLAND JACQUES, Les missionaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viet-Nam, Bilingue – Tome 2, sđd, tr. 9.
[137] SĐD
[138] SĐD, tr. 11.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Nguồn: hdgmvietnam.com