Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 11 – Phần III

12/10/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC LEMASLE LỄ

A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC FRANÇOIS ARSÈNE JEAN MARIE EUGÈNE LEMASLE LỄ(1)

B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC LEMASLE LỄ

ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

I. HÀNH HƯƠNG LA VANG TRƯỚC ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 12 (1938)

II. ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

III. DƯ ÂM ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

1. “Như một giấc mộng mới tàn”(13):

“Cuộc kiệu La Vang vừa qua,

Qua như một giấc mộng mới tàn.

Một giấc mộng đầy mùi hương, đầy ánh sáng, đầy tiếng hát trong trẻo sốt mến.

Mùi hương là lời cầu nguyện của hơn năm, sáu vạn người dự lễ.

Ánh sáng của hơn sáu ngàn ngọn đèn theo người đi giữa đêm thanh. Tiếng hát của hơn bốn trăm Nghĩa binh, của mấy ngàn trẻ con cả Địa phận Huế, của mấy muôn người giáo hữu ba kỳ.

Và xin nhớ các ơn thiêng Đức Mẹ đã xuống cho hơn sáu ngàn người xưng tội, một vạn bốn ngàn người rước lễ, 180 lễ Misa dâng lên trong ngày cuối cùng ở La Vang.

Chúng tôi đã được thấy sự khải hoàn, rất êm đềm và rất nhiệt liệt của Đức Mẹ Chúa Trời mà chúng tôi cũng được phúc gọi là Mẹ của chúng tôi, Mẹ của con cái đất nước Việt Nam.

Kìa đoàn kiệu ảnh Đức Mẹ đang đi qua, dài ba cây số, mỗi một đội ngũ có một sắc mặc riêng, một cung hát riêng, một bộ điệu riêng, mà hết thảy nghiêm chỉnh biết bao, nói đến còn khiến cho người cầm nước mắt không được.

Ôi! Đức Mẹ La Vang, chúng tôi không bao giờ có thể quên được!”

2. Bài hát Đức Mẹ La Vang(14)

Trong Đại hội La Vang 12, bài hát Đức Mẹ La Vang, bản thánh ca của linh mục thi sĩ JM Nguyễn Văn Thích, được Đức Giám mục Địa phận Huế ban phép hát trong nhà thờ. Lời mộc mạc, nhạc đơn sơ, chỉ dùng 4 dấu xàng, xê, cống, liu (fa, sol, la, do), dễ tập, dễ hát, dễ nhớ. Hát lên nghe sâu lắng, nhịp nhàng, mạnh mẽ. Ai cũng thích hát và ai cũng hát được. Bài hát được phát lên, cả Đại hội lắng nghe, dịu dàng êm ái như một lời cầu nguyện. Dạo qua, dạo lại cả Đại hội hát theo, đều đặn, rập ràng, thứ lớp, cung bậc như tiếng suối chảy róc rách, như tiếng rừng dương vi vu.

Đó là bài hát về Đức Mẹ La Vang đầu tiên, hát phổ biến trong mỗi kỳ Đại hội, tồn tại cho đến ngày nay. Càng hát càng hay, càng nghe càng thấm thía.

3. “Sau buổi kiệu”(15):

“Đừng tưởng ‘hết xôi rồi việc’! Trong khi các chị nhà phước quét dọn, thu xếp cờ xí, còn thấy nhiều người vẫn còn quỳ xó cột, kẻ đi đàng Thánh Giá, người xưng tội… Lại có kẻ chờ cho thiên hạ đi hết (không hết được) mới leo lên cung thánh, vào tận bàn thờ Đức Mẹ, sau bàn thờ chính mà quỳ đó như tượng đá. Có người lại kéo cả đoàn anh em, chị em vào đọc kinh lâu dài, rồi nổi lên hát kinh tiếng La Tinh, tiếng Nam, tiếng Pháp, rồi đọc Lạy Đức Mẹ La Vang – Cầu cho chúng tôi, rồi tưởng đã hết, bỗng lại nghe hát, rồi lại đọc tiếng Tây Notre Dame de La Vang- Priez pour nous, rồi đọc kinh khác…

Họ đi không dứt. Bỏ Mẹ sao đành? Phương chi biết mấy điều thiếu thốn phần hồn, phần xác. Xin đi rồi xin lại, rồi xin nữa, xin cho mình, cho kẻ khác.

Kiệu đã xong sớm thứ sáu, vậy mà chiều ấy có nhiều bà, nhiều ông cứ vẩn vứt chung quanh mấy cái rạp, rồi vào đọc kinh, rồi ra, rồi ở lại cho tới ngày sau. Chiều thứ bảy, tôi lên xe vào Huế lại thấy người Quảng Trị kéo lên La Vang. Ngày Chúa nhật tôi đi tựu trường lại thấy có năm bảy người cũng ra xe lên thăm Đức Mẹ vì bữa trước giữ nhà không đi được”.

4. Chuyện vui Vì Chúa đi La Vang(16)

Trước Đại hội, Ban Biên tập báo Vì Chúa họp bàn kế hoạch “Hành hương La Vang tiết kiệm”. Triển khai rõ là làm thế nào đi dự Đại hội La Vang 12 mà ít tốn kém nhất.

Chín người mười ý! Nhưng rốt cuộc tất cả đều thống nhất, được cha chủ bút duyệt kế hoạch: “Vừa tham dự Đại hội vừa bán báo”. Hơn thế, cha chủ bút còn cho đặc ân chưa từng có: Bán được bao nhiêu cho hết cả vốn lẫn lời! Ban Biên tập hí hửng vì một cuộc Hành hương La Vang không bỏ tiền túi.

May hơn thế, ngày vọng lễ, cả đoàn kéo nhau ra La Vang sớm hầu xí chỗ tốt. Được cha sở La Vang Reyne Phú, trưởng ban tổ chức Đại hội 12, cho phép dựng một sạp báo ngay trước cửa chính nhà thờ.

Chắc thắng! Ban Biên tập họp nhau phân công:

+HT lo tài chánh: thu tiền báo, phát tiền cơm.

+ JL lo trật tự.

+ TL lo bảo vệ.

+ BT lo quảng cáo, bán báo.

Phân công xong, BT (Bùi Tuân, bút danh Tam Đệ) nhanh nhảu vác báo ra cổng nhà thờ. Tiếng chào khách, chào báo dẻo như người đã từng… bán báo!

Một phụ nữ ngoắt BT lại hỏi giá:

– Mấy xu một tờ?

– Dạ thưa bà 4 xu thôi ạ!

Người phụ nữ cầm tờ báo lật qua lật lại, quay ngang quay dọc và bắt đầu trả giá. 1 xu, 2 xu, 3 xu, 3 xu rưỡi…, và chắc giá 3 xu rưỡi. BT nói lọi lưỡi cũng không thể nhích lên đúng giá 4 xu!

Thôi thì giá nào cũng lời mà! BT tự an ủi. Cha chủ nhiệm chẳng đã cho cả vốn lẫn lời còn gì. Vả lại, biết đâu chỉ rẻ nửa xu mà có khi bà ta quảng cáo báo giùm. Nghĩ thế, BT ưng thuận:

– Thưa bà, chúng tôi xin chiều ý bà, phá lệ, bán ‘mì xưa’ với giá 3 xu rưỡi!

BT, vốn được phân công quảng cáo, tỏ vẻ tự hào:

– Thưa bà, báo của chúng tôi bài vở chọn lọc, tin tức sốt dẻo, truyện ngắn hấp dẫn…, bà xem qua sẽ biết.

Người phụ nữ mở rộng cả 4 trang báo, căng ra ngắm nghía hồi lâu như ngắm một tấm vải hay tấm màn gì đó rồi nói cộc lốc:

– Báo này hẹp quá!

BT chưng hửng. Người phụ nữ bồi thêm:

– Ôi! Hẹp quá! Hẹp quá!

BT vẫn lễ phép:

– Thưa bà, tờ báo hay không quan trọng ở chỗ kích thước, chỉ quan trọng ở chỗ nội dung, ở chỗ…

Người phụ nữ vẫn tỉnh bơ:

– Nhưng tôi mua báo để trải nằm!!!

BT vẫn chưa chịu thua:

– Vâng, thưa bà, tờ báo có hơi hẹp. Vậy bà mua hai tờ là vừa.

Người phụ nữ ngúng nguẩy:

– Rứa thì mắc, mắc! Rồi bỏ đi.

Sau Đại hội, anh em trong tòa soạn chọc BT là “Ký giả báo nằm!”

5. Tâm tình người ngoại giáo.“Một người bên lương đi kiệu”(17):

“Đây là lần thứ nhất tôi đi dự một lễ nghi lớn của Công giáo. Cảm tưởng trước hết của tôi là sự uy nghi long trọng. Một cuộc kiệu lớn lao như thế này mà không làm mất vẻ huyền bí của tôn giáo. Hình như sự huyền bí vẫn phảng phất trên làn sóng người hôm ấy. Tôi được dự nhiều cuộc rước tôn giáo khác cũng to lắm chứ, nhưng sự uy nghi của tôn giáo kém nhiều, vì tiếng kèn, tiếng trống, tiếng hô ồn ào, làm cho cuộc rước thành náo nhiệt.

Hai là trật tự. Số người đông như hôm biểu tình 1er Mai ở Hà Nội, thế mà không lộn xộn gì, nhứt là lúc đi kiệu, họ đi có đội ngũ riêng. Ai khéo tổ chức quá, không khác gì bữa lễ Vạn thọ, học trò đi mừng vua.

Ba là lòng thành tâm của những người đi dự. Trừ hạng như tôi, có nhiều người cơm đùm cơm bới, có nhiều người ở thật xa bốn năm mươi cây số mà đi bộ. Trời ơi! Tôi hỏi họ đến làm chi, họ trả lời chỉ để cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Lòng tin của họ thật mạnh, không hiểu Bà Maria có biết cho họ không? Tôi có ý ghẹo vài người chắc Đức Mẹ cho anh giàu có sung sướng phải không? Nhưng họ, người thôn dã thật thà, đơn sơ tưởng tôi hỏi thiệt nên trả lời thiệt là xin đủ hết. Đức Mẹ rất nhân lành, Ngài nhậm lời cầu nguyện của mọi người.

Tôi muốn hỏi họ thêm Đức Mẹ đã nhận ban những gì, nhưng chắc chắn là họ trả lời không được, vậy bữa nay tôi xin hỏi anh (tác giả Đình Khá), tôi đọc sách thấy bên Pháp cũng có Bà Maria như ở La Vang, gọi là Notre Dame de Lourdes, Bà ấy linh hơn Bà bên ta, vì mỗi lần kiệu thì có nhiều chuyện lạ xảy ra, bên ta không có?

– Trước hết, Đức Mẹ thành Lộ Đức và Đức Mẹ La Vang là một. Đã là một người thì những gì làm được bên Pháp – Tôi muốn nói quyền thiêng liêng – thì bên Annam cũng làm được. Nhưng bên ta không có phép lạ. Tại sao? Một ví dụ rất dễ hiểu: Thầy làm ở sở, thấy người vào sở xin việc nhưng ông chủ không cho, có phải vì lẽ ấy mà bảo rằng ông chủ không đủ quyền? Cho hay không tùy ông, có phải cứ xin là bắt buộc phải cho đâu? Nhưng đó chỉ là lý để trả lời câu hỏi trên, chứ sự thật có nhiều chuyện lạ mà thầy không thấy. Biết đâu trong đám đông có người đã cải quá, có người tính tình độc dữ trở nên hiền hậu, người ăn chơi đã tu tỉnh. Tôi chỉ nói về phần hồn, còn phần xác thì khác. Ai hiểu được nhiều người đau sau này được mạnh không phải là nhờ lời cầu nguyện trong buổi kiệu này?”…

IV. HÀNH HƯƠNG LA VANG SAU ĐẠI HỘI 12

Sau Đại hội La Vang lần thứ 12 (1938), vì lý do chiến tranh, các kỳ Đại hội theo định lệ ba năm một lần, cấp toàn quốc, bị gián đoạn suốt 17 năm, từ 1938 đến 1955. Tuy nhiên, các cuộc hành hương cấp địa phận như kiệu Minh niên, hành hương nhân các ngày lễ Đức Mẹ quanh năm, hành hương nhóm lẻ… vẫn thường diễn ra. Có thể ghi lại vài cuộc hành hương đáng chú ý sau:

1. Kiệu Minh niên 1939. “Đi kiệu La Vang ngày mồng ba tết 1939”(18):

“8 giờ rưỡi, chuông lên hiệu mời bổn đạo vào nhà thờ xem lễ hát. Dầu là cuộc kiệu chính mồng ba tết, tưởng người ta ham vui mà không đến viếng. Song thấy đoàn lũ cũng đặng 3.000 người ngoại, đạo. Có vài ôtô chở người Sài Gòn, in tuồng họ đi Hà Nội về ghé La Vang. Cũng thấy người Sài Gòn bên lương đến xem kiệu, mà vì đông nên cũng có phần phải ở ngoài nhà thờ. Xem lễ hát, thấy cha Tuyến (Phaolô Lê Quang Tuyến, cha sở Phương Gia) làm chánh tế, cha Thượng (Đôminicô Huỳnh Văn Thượng, cha sở Cây Da), cha Tường (Giuse Trần Văn Tường, cha phó Cổ Vưu) làm thầy phó tế. Các cha đến dự có đặng 25 cha. Năm nay các cha đi ít, phần vì ngày tết, phần vì ngày sau là mồng 4 nhằm Lễ Tro, có nơi lo làm phúc chuyến, cấm phòng. Buổi lễ có cha Tin (Tađêô Nguyễn Văn Tin, cha sở Ngô Xá) giảng về ‘Lòng lành Đức Mẹ hay thương giúp người ta’.

Lễ rồi, đội ngũ các họ xung quanh Quảng Trị sắp hàng dàn kiệu ảnh Đức Mẹ, do cha Tuyến đốc đoàn kiệu. Cũng vì người ta đông và trời tốt nên đoàn kiệu đi theo đàng xuống tỉnh Quảng Trị làm một vòng trên nổng cao dài có 2 kilomètres, đi hàng tư, rồi trở về nhà thờ. Kiệu xong thì có ban phép lành tạ ơn, xin Đức Mẹ cho cả năm đặng mọi bề an lạc.

Mọi sự xong là 11 giờ mai, ai nấy ra lót lòng, đoạn giải tán, xuống xe lửa, 2 giờ về Huế.

Nguyện xin Đức Mẹ cho năm Kỷ Mão này đặng mọi bề xuôi thạnh, an lành, mạnh khỏe, đặng qua sang năm khác đến viếng Đức Mẹ lần nữa”.

2. Kiệu Minh niên 1940(19).

Được tổ chức vào mồng năm tết năm Canh Thìn.

Trước đó, ngày mồng bốn tết, Đức cha Lemasle Lễ, Giám mục Địa phận Huế đã có mặt ở Dinh Cát chủ lễ ban Bí tích Thêm sức ở một số họ đạo. Hôm sau, ngài lên La Vang chủ lễ cuộc rước kiệu Minh niên xuân Canh Thìn (1940).

3. Đức Giám mục Vĩnh Long Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục và phái đoàn Giáo phận Vĩnh Long kính viếng Đức Mẹ La Vang(20)

Đầu xuân Canh Thìn 1940, nhân chuyến về thăm quê lần đầu tiên, Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã cùng phái đoàn các linh mục Giáo phận Vĩnh Long hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang.

Tại Huế, cùng đi với phái đoàn có phái đoàn các linh mục Giáo phận Huế và đại gia đình Ngô Đình, tập trung đông đủ nhân ngày lễ giỗ ông cụ thân sinh của Đức cha. Theo ý ngài, Giáo phận Huế không tổ chức đưa đón, vì đây chỉ là cuộc hành hương về nguồn mang tính riêng lẻ, cá nhân.

Sau khi viếng Mẹ, Đức cha cùng phái đoàn trở về Giáo phận Vĩnh Long cùng chuyến xe với Đức Khâm sứ Drapier kinh lý các địa phận miền Nam.

4. Kiệu Minh niên – Cấm phòng 1941(21)

Sáng mồng ba tết Tân Tỵ, kiệu Minh niên được tổ chức trọng thể như mọi năm. Trước khi bế mạc, như trước đó đã có thông báo, cha JM Thích thay mặt Ban Tổ chức kêu mời quý ông và thanh niên ở lại tham dự Tam nhật cấm phòng.

Tam nhật cấm phòng được khai mạc tối mồng ba tết. Cha Anrê Nguyễn Văn Cần, giáo sư trường Thiên Hựu xướng kinh Veni Créator, rồi trong nửa tiếng đồng hồ ngài nói về “Tinh thần cấm phòng và phương pháp cấm phòng”. Chương trình Tam nhật cấm phòng thống nhất cho cả ba ngày mồng bốn, mồng năm và mồng sáu tết, như sau:

– 05.30: Kinh sáng.

– 06.00: Giảng 1.

– 06.30: Thánh lễ.

– 09.00: Lần chuỗi.

– 11.00: Giảng 2.

– 11.30: Xét mình. Cơm trưa. Nghỉ trưa.

– 15.00: Đi Đàng Thánh Giá.

– 16.00: Hội thảo.

– 18.00: Giảng 3.

– 18.30: Chầu Mình Thánh Chúa.

– 19.00: Cơm tối.

Chủ đề giảng và hội thảo như sau:

+ Ngày thứ nhất (mồng bốn tết Tân Tỵ, 1941): Giảng 1: “Đóng cửa phòng cầu nguyện cùng Cha trên trời, cùng Đức Mẹ La Vang”. Giảng 2: “Chúa dựng nên ta vì ý nào?”. Giảng 3: “Tội và phép Giải tội”. Hội thảo: “Công giáo tiến hành”.

+ Ngày thứ hai (mồng năm tết Tân Tỵ, 1941): Giảng 1: “Chúa yêu mến. Tin lòng Chúa yêu mến”. Giảng 2: “Thương yêu người thân. Người thân là ai?”. Giảng 3: “Các tính xấu nhất là tính kiêu ngạo”. Hội thảo: “Về gia đình”.

+ Ngày thứ ba (mồng sáu tết Tân Tỵ, 1941): Giảng 1: “Hiểu biết Đức Giêsu. Học hỏi Tin Mừng”. Giảng 2: “Sự sống người giáo hữu. Sự sống đời đời”. Giảng 3: “Ba bảo vật Chúa trối lại: Sách Tin Mừng, Thánh Thể, Đức Mẹ Maria”. Hội thảo: “Bàn về lao động”.

Tinh thần của ba ngày cấm phòng là: “Anh em ba tỉnh (Bình Trị Thiên) tụ hội một nhà, có đẳng cấp mà không phân chia giai cấp”.

Sáng mồng bảy tết Tân Tỵ ra phòng, hát bài chia tay:

Lạy Đức Mẹ La Vang,

Ôi! Nữ Vương Thiên đàng.

Vì tấm lòng từ ái,

Đến viếng thăm nhân hoàn.

5. Kiệu Minh niên 1943

a/“Cuộc đi viếng Đức Mẹ La Vang mấy ngày tết”(22):

“Mấy ngày tết Quí Mùi 1943 ở Huế, trừ ngày mồng một, từ mồng hai đến mồng mười thì trời rét và mưa bấc, gió lạnh khó chịu lắm. Người yếu không sao tránh khỏi cảm mạo. Thế mà giáo hữu ở Huế chẳng màng sự rét lạnh ấy và sự vui chơi ngày tết, đua nhau đi viếng đền thánh La Vang, để xin Đức Mẹ ban ơn cho làm ăn thịnh vượng cùng được bằng an trót năm mới.

Vào khoảng hai ba giờ sáng, bổn đạo miệt biển, miệt quê cách xa Huế ba bốn chục cây số, đi ghe đò đến đậu tại gare Huế chờ xe lửa đi kiệu.

Tôi cũng vừa đến gare, thấy những đoàn Thanh niên Công giáo từ bốn năm trăm, có các cha tuyên úy dẫn đầu lên một wagon riêng, cậu nào nét mặt cũng tươi cười hớn hở và tỏ lòng đạo đức, hăng hái.

Đúng 5 giờ 30 sáng, theo giờ mới, tiếng xúp lê vang dội vừa dứt thì nghe tiếng rền rĩ đọc kinh lần hột trong 12 wagons xe lửa.

8 giờ đúng, xe lửa đến gare tạm La Vang.

Đến La Vang là 9 giờ sớm mai. Chuông nhà thờ trỗi giọng vang lừng thánh thót kêu mời ai nấy vào chầu lễ. Buổi lễ hôm ấy do cha già Sắc (Alexi Phan Đức Sắc, cha sở An Lộng) làm chánh tế, cha Hiền (Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, giáo sư trường Thiên Hữu, sau làm Giám mục Sài Gòn rồi Đà Lạt) và cha Điển (Phêrô Trần Văn Điển, cha phó Hội Yên) làm thầy Năm thầy Sáu. Ca đoàn Cổ Vưu hát lễ. Mọi người xem lễ sốt sắng và chịu lễ rất đông. Có quan chủ tỉnh là quan Tuần Thơ, người Công giáo ở Sài Gòn dự lễ. Ngài đã đến cắm trại sau nhà thờ, cấm phòng ba ngày trước để xin ơn riêng cùng Đức Mẹ. Cũng có nhiều quan ông, quan bà bên lương và người Pháp dự lễ.

Lễ đoạn, cha sở La Vang mời các cha và bổn đạo ra đi kiệu. Vì thời tiết xấu nên đội ngũ đoàn kiệu và cờ xí ít ỏi. Bàn kiệu đi qua trên gò nổng một cây số. Chủ sự đoàn kiệu là cha già Bạch, bổn sở Phước Môn (Matthêô Nguyễn Thanh bạch, cha sở Phước Môn lần 2). Các cha theo hầu kiệu lối 20 đấng.

Khi đoàn kiệu về đến nhà thờ thì ai nấy đều yên lặng. Cha Thích (Giuse Maria Nguyễn Văn Thích, giáo sư TCV An Ninh, chủ nhiệm báo Vì Chúa) lên tòa giảng một bài hùng hồn ngợi khen quyền cả Đức Mẹ. Ngài nhắc lại chuyện ‘Tiệc cưới Cana’ để khuyên ai nấy khi thiếu thốn ơn gì thì phải chạy đến khẩn cầu cùng Đức Mẹ. Cha cũng khuyên mọi người hãy dâng năm mới cho Đức Mẹ, xin Người ban sự bằng an trót năm cho gia đình mình, cho kẻ ngoại giáo, cho kẻ có tội, cho giặc giã chóng qua…

Giảng xong, tiếp Phép lành Mình Thánh Chúa. Thanh niên và Nghĩa binh hát nhiều bài hay chầu lễ.

Hoàn tất cuộc lễ là 11 giờ trưa.

Cuộc viếng La Vang năm nay, vì trời mưa rét, nên không đông đủ như mọi năm, song nhờ có lệnh Giám mục địa phận nên các cha Tuyên úy và các đoàn Thanh niên Công giáo đến La Vang cấm phòng trước ba ngày, dưới quyền cha Tổng Tuyên úy Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Gần 1.000 thanh niên tỉnh thành và thôn quê thuộc Thừa Thiên và Quảng Trị đã có mặt.

Xong cuộc kiệu Minh niên, thiên hạ giải tán, chỉ có đoàn Thanh niên ở lại cấm phòng từ chiều mồng bốn đến mồng bảy. Mỗi ngày nhờ cha Thích giảng hai bài, cha Hiền giảng và cắt nghĩa lễ Misa. Có tất cả 10 cha ở lại dự cấm phòng với đoàn Thanh niên.

Về phần tôi đã thọ ơn Đức Mẹ La Vang cho lành bệnh. Tôi ở lại cấm phòng với đoàn Thanh niên Công giáo, dâng ba lễ tạ ơn và cầu nguyện cho ân nhân, những người Sài Gòn đã giúp đỡ tôi khi tôi vào trong ấy.

Hỡi đất La Vang! Ngươi là gì mà đặng Mẹ Chúa Trời chọn lấy? Làm cho những kẻ đến với ngươi thì đặng cải tà quy chánh và đặng an thuyên hồn xác?

Vạn tuế và ngợi khen Đức Mẹ La Vang!”.

b/ Trại Thủ lĩnh La Vang(23)

Khác với mọi năm, cuộc kiệu Minh niên mồng bốn tết Quí Mùi 1943, kết hợp cấm phòng cho 800 Thanh niên Công giáo Địa phận Huế, theo đề xuất của cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Tổng Tuyên úy Thanh niên Công giáo.

Sau buổi kiệu, như thường lệ 800 Thanh niên Công giáo từ các giáo xứ khắp địa phận nhà ở lại tham dự tuần tĩnh tâm và khóa huấn luyện “Trại Thủ lĩnh La Vang”.

Có 8 linh mục phụ trách. Mỗi ngày đều có thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, giảng và hội thảo về các đề tài thanh niên. “Trại Thủ lĩnh La Vang” được ghi nhận là mốc thời gian thành lập phong trào Thanh niên Công giáo Địa phận Huế.

Kết thúc “Trại Thủ lĩnh La Vang”, cha tuyên úy thông báo sẽ mở “Trại Thủ lĩnh Vinh Hòa” tương tự trong năm nay.

6. Kiệu Minh niên 1944(24)

Được tổ chức vào ngày mồng ba tết, nhằm ngày 28-1-1944. Trong khung cảnh tưng bừng chào đón năm mới và kiệu Minh niên Đức Mẹ La Vang, Đức cha Lemasle Lễ chủ tọa lễ phát bằng cấp cho các thanh niên đã qua hai Trại Thủ lĩnh La Vang và Trại Thủ lĩnh Vinh Hòa năm 1943.

Kết thúc kiệu Minh niên 1944, theo ý bề trên muốn tổ chức thêm các Trại Thủ lĩnh La Vang như năm qua. Chủ ý bề trên gần Mẹ, xin Mẹ thánh hóa tâm hồn thanh niên, rường cột Giáo hội, tương lai đất nước… Nhưng chiến tranh lan rộng, đường giao thông tắc nghẽn nên mọi dự định đều dở dang. Cha Tổng Tuyên úy chỉ thị mở Trại Thủ lĩnh ở từng địa phương, tùy tình hình cho phép.

Hết Chương 11.

———————————————————————-

(1) Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế. Lưu hành nội bộ. Tập II. 2000, tr.251-256 + Tư liệu Tòa TGM Huế.

(13) JMT (Lm. Josept Marie Nguyễn Văn Thích, chủ nhiệm Tb. Vì Chúa):Như một giấc mộng mới tàn. Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938, tr.1.

(14)Tb. Vì Chúa. Số 91, ngày 12-8-1938, tr.5.

(15)JMT (Lm. Josept Marie Nguyễn Văn Thích, chủ nhiệm Tb. Vì Chúa):Sau buổi kiệu. Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938, tr.2.

(16) Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938, tr.6.

(17)Đình Khá: Một người bên lương đi kiệu. Tb. Vì Chúa. Số 98, ngày 30-9-1938, tr.2.

(18) J. Hương Thủy – Huế:Đi kiệu La Vang ngày mồng ba tết 1939. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1546, ngày 9-3-1939, tr.144b.

(19)Tb. Vì Chúa. Số 152, ngày 18-2-1940, tr.2.

(20)Tb. Vì Chúa. Số 152, ngày 18-2-1940, tr.2.

(21)Tb. Vì Chúa. Số 187, ngày 11-2-1941, tr.2-3.

(22) Joseph Trang: Cuộc đi viếng Đức Mẹ La Vang mấy ngày tết. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1752, ngày 17-3-1943, tr.124-126.

(23)Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.82.

(24) Xem chú thích (23).

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 11 – Phần III về máy tính