Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 9 – Phần II

31/05/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

CHƯƠNG CHÍN 

THÁNH ĐỊA LA VANG

THỜI ĐỨC GIÁM MỤC ALLYS (LÝ)

(Tiếp theo)

ĐẠI HỘI LA VANG 9 (1928) – KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ MỚI

III. ĐẠI HỘI LA VANG 9 (1928) – KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ MỚI

1. Đền thờ Đức Mẹ La Vang đã hoàn thành.

Đằng đẳng bốn năm trời (1924-1928) với biết bao công sức, tiền bạc đổ ra, công trình Đền thánh Đức Mẹ La Vang vĩ đại đã hoàn thành. Đó là “Ngôi thánh đường với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai minh chứng lòng thành kính Đức Mẹ La Vang của giáo dân toàn quốc”(16).

Để diễn tả nét độc đáo của ngôi Đền thánh Đức Mẹ La Vang mới này, linh mục Hoàng Mai Rĩnh, quản xứ Kẻ Sở đã ghi lại trong Trung Kỳ du ký, 1931, như sau:

“Điện La Vang ở một khu đồi khá bằng phẳng, ba mặt tiền là gò núi nhỏ, thấp. Phía sau là rừng rậm rạp, cách xa tỉnh lỵ độ non 8 cây số. Xưa đây là nơi hiu quạnh cheo leo, có nhiều cọp beo quấy phá luôn, không ai dám trú ngụ…

Coi tứ bề không lấy chi làm cảnh hữu tình, thế mà ứng linh, linh ứng bởi lòng từ bi Đức Mẹ thương tình con cái truân chuyên mà gây nên nơi thánh cảnh.

Nay nhờ tâm thành các kẻ lui tới cầu xin ủng hộ và người Dinh Cát tỉnh QuảngTrị gom công góp của vào thời xây dựng được nóc nhà thờ lộng lẫy nguy nga, thực nguy nga. Nhà to, tháp lớn vững bền, ở bên ngoài coi thật rất xinh, vô trong điện tâm tình lại cảm động rõ mười phần nên long trọng” (17).

Bên trong nhà thờ, những vòm cao tạo không khí trang nghiêm đến lạnh lùng. Hai hàng cột xây trắng toát, vững chải thẳng tắp, khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến Notre Dame de Paris đại giáo đường. Ánh sáng từ những tranh kính trang trí trên vòm cao tỏa ánh sáng lung linh huyền ảo khiến khách hành lữ dễ cảm nhận thân phận nhỏ bé của mình trước thượng đế uy nghi.

Trên cung thánh, ngay chính diện, bên trong, trên cao là một khám thờ trang trí mỹ thuật, nơi đặt thánh tượng Đức Mẹ La Vang được cung thỉnh từ nhà thờ cũ sang. Hướng tượng Đức Mẹ nhìn thẳng ra ngoài, cùng hướng với đền thánh nhìn về Quảng Trị như muốn nhắn nhủ riêng với giáo đoàn Dinh Cát rằng: “Mẹ đã chọn nơi đây mà hiện đến. Mẹ sẽ ở lại đây với các con mãi mãi. Hỡi các con, hãy chạy đến cùng Mẹ!”.

Mặc dù công trình Đền thánh Đức Mẹ La Vang chưa hoàn thành đồng bộ, tháp chuông chưa xong, nhưng lễ khánh thành vẫn được tổ chức đúng ngày đã định 20-8-1928, ngày đầu tiên trong Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 9.

2. Thư cha Morineau, cha sở Cổ Vưu kiêm La Vang(18)

“Tôi rất vui mừng mà đưa tin cho hết mọi người có lòng thành kính Đức Mẹ đặng hay: Kể từ ngày mồng 2 tháng Juillet năm nay, 1928, là ngày lễ Đức Bà Đi Viếng Bà Thánh Isave, sắp về sau, ở La Vang các việc thờ phượng sẽ làm tại đền thờ mới. Phần chính đền thờ ấy đã xây hoàn tất đặng mấy tuần rồi, bây giờ đang lo xây cái tháp cho xong.

Đền thờ tuy gần xong, song còn nỗi phải lo trả nợ nhiều lắm, và phải sắm các đồ thờ như áo lễ, khăn thánh, chén thánh, bônghoa, chơn đèn… Những thứ cần thiết này thì chưa có chi hết (đến kỳ kiệu lớn tới đây thì phải đi mượn các đồ ấy mà dùng), các bàn thờ chưa có một tượng ảnh nào.

Nhưng tôi chẳng dám ngã lòng, ước rằng Đức Mẹ đã giúp cho đặng xây đền thờ Người thể tất Người chẳng bỏ tôi. Người sẽ soi lòng các con hiếu thảo Người lấy lòng rộng rãi mà giúp trả nợ cho xong cùng sắm sửa các đồ thờ cho xứng đáng, và dọn dẹp mọi sự cho vẻ vang nơi thánh, cùng tiện cho quan khách đến viếng La Văng, đền thánh Người.

Năm nay cũng định cuộc kiệu lớn ở La Văng vào ngày 20, 21 và 22 tháng Août, và buổi ấy sẽ làm phép đền thờ mới này.

Ba ngày ấy các lễ phép sẽ làm như khi kiệu lớn các năm trước: Buổi mai làm lễ, buổi chiều làm Phép lành Mình Thánh Chúa và giảng trong cả hai buổi ấy. Mấy ngày ấy sẽ có các cha ngồi tòa giải tội luôn.

Ngày 22 Août, là ngày thứ tư trong tuần, vừa tảng sáng thì khỉ sự kiệu Đức Mẹ từ họ Cổ Vưu vào đền thờ Đức Mẹ La Văng, đoạn làm lễ trọng thể và làm Phép lành Mình Thánh Chúa.

Sở Hỏa xa sẽ liệu giấy hạng tư, cả đi cả về đều hạ giá, và giấy ấy hạn từ ngày Chúa nhật 19 Août đến chiều ngày thứ năm 23 Août. Còn ngày thứ ba và thứ tư, 21 và 22 Août, thì sẽ phụ xe riêng mà đưa hành khách đi và về. Khi nào liệu xong các việc thì Sở Hỏa xa sẽ có yết thị cho biết.

Xin Đức Mẹ khấng nhậm lấy chương trình trên đây và ban cho mọi điều xuôi thuận cho các con cái Người đặng tấp nập đông đúc đến chầu Người ở chốn thánh linh thiêng này, cùng chịu lấy muôn vàn ơn thánh chứa chan hồn xác.

Morineau, Mis. ap.

Quảng Trị – Annam.

3. Diễn tiến Đại hội La Vang lần thứ 9 (1928) – Khánh thành đền thờ mới.

Đại hội La Vang lần thứ 9 (1928) là một ngày trọng đại trong lịch sử La Vang, là Đại hội đầu tiên mang tính toàn quốc, diễn ra trong ba ngày 20, 21 và 22 tháng 8 năm 1928.

ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG TRONG DỊP KHÁNH THÀNH – ĐẠI HỘI LA VANG 9

 (Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)

+ Ngày 20-8-1928

Ngày khai mạc, 20-8-1928, Đức cha Allys Lý, Giám mục Địa phận Huế chủ lễ khai mạc Đại hội, đồng thời ngài chủ lễ làm phép đền thờ mới.

Tờ nguyệt san của Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris, ghi lại:

“Nghi thức làm phép nhà thờ mới được cử hành long trọng vào lúc 8 giờ sáng ngày 20-8. Chính Đức cha Allys Lý, Giám mục Địa phận Huế, đã cử hành nghi thức này. Tất cả Đông Dương đều có đại diện về tham dự: Ai Lao, Hà Nội, Vinh, Qui Nhơn, Sài Gòn…, và số giáo hữu từ ba miền Bắc Trung Nam.

Số người về tham dự Đại hội khó mà nói rõ.

ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG

 (Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr– Đăng lại trong Tb. Vì Chúa, số 18, tr.1)

Ngày thứ ba của Đại hội là cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể từ nhà thờ Cổ Vưu lên La Vang dài 7 cây số. Khởi sự từ 4 giờ rưỡi sáng, đoàn kiệu đến La Vang lúc 8 giờ 15. Thánh lễ Tạ ơn do Đức cha Gouin, Giám mục Địa phận Ai Lao chủ tế.

Sở Hỏa xa đã tổ chức các đoàn xe lửa riêng biệt với giá rẻ. Chỉ tại Huế, 1566 vé đã được bán cho người hành hương”(19):

+ Ngày 21-8-1928

Từ 3 giờ sáng đã có thánh lễ trong nhà thờ mới. Trên bàn thờ chính và các bàn thờ phụ, bàn thờ tạm trong ngoài nhà thờ đều có thánh lễ. Giáo dân tham dự sốt sắng. Rước lễ đông.

8 giờ sáng có thánh lễ đại trào.Tới trưa, số giáo dân khắp nơi đổ về tăng gấp đôi so với ngày hôm qua. Đặc biệt trong số khách hành hương có một số đông bên lương, từ Quảng Trị lên, từ Huế ra…, không phải vì hiếu kỳ mà vì thành tâm.

Ăn uống qua loa, nghỉ ngơi chốc lát, mọi người tập trung về nhà thờ mới để được hướng dẫn tĩnh tâm. Lúc 3 giờ chiều, linh mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn thuyết phục mọi người qua bài giảng: “Nguồn gốc La Vang và việc sùng kính Đức Mẹ La Vang”.

Buổi chiều, giáo dân các giáo phận xa khắp ba miền đất nước đáp xe lửa giá ưu đãi đổ về gare La Vang. Từ gare, khách hành hương từng đoàn lũ đi bộ vào La Vang. Ban tổ chức không thể dự liệu được số người đến La Vang đông như thế. Ước chừng hai vạn!

+ Ngày 22-8-1928

Ngày chính lễ, rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang. Hiện diện trong buổi rước kiệu này, ngoài Đức cha Allys Lý còn có Đức cha Gouin, Giám mục Địa phận Lào, cha Lebourdais, quản lý báo Trung Hòa, Hà Nội, cùng nhiều linh mục khắp ba miền Trung Nam Bắc đã có mặt sớm từ những ngày trước.

Giáo dân Huế đáp chuyến tàu khuya có mặt tại gare La Vang vào rạng sáng 22-8-1928, hợp với đoàn kiệu dài gần 6 cây số, cùng hướng về La Vang, cao rao danh Mẹ.

ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG

(Ảnh: Tb. Vì Chúa. Số 114, ngày 19-2-1939)

Thật khó có thể xác định số người hành hương vào ngày này là bao nhiêu? Người dè dặt thì cho là khoảng vài chục ngàn, người khác nói nhiều hơn…

Một nhân chứng, cha GB Roux (cố Ngôn), Giám đốc Đại Chủng viện Phú Xuân, Huế cũng đã để lại mấy dòng về Đại hội La Vang 9:

“Suốt mấy ngày Đại hội, nhà thờ La Vang không lúc nào vắng người, tiếng đọc kinh cầu nguyện cũng không hề dứt, suốt ngày đêm. Lần chuỗi, kinh cầu, lời nguyện…, tất cả là những lời van nài sốt sắng dâng lên Mẹ nhân lành. Thật là cảm động! Các cha ngồi tòa giải tội cũng không nghỉ tay, rời ghế, đêm cũng như ngày”(20).

Linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc, nhà Giáo phận Huế học, một người nghiên cứu chuyên sâu về Đức Mẹ La Vang, cho biết:

“La Vang trong dịp Đại hội có tính cách toàn quốc lần đầu tiên lên tới ba vạn người. Thật là ngày đức tin được biểu dương oai hùng vậy!”(21)

Cũng cần ghi nhận công lao của linh mục trưởng ban khánh tiết Phaolô Nguyễn Văn Chuyên, cha sở An Lộng, với những khải hoàn môn hoành tráng và một rừng cờ tam sắc phất phới tung bay suốt trong những ngày Đại hội.

CUNG THÁNH ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

4. Phóng sự Đại hội La Vang 9 (1928) – “Cuộc kiệu ảnh Đức Mẹ La Vang năm nay(22):

“Năm nay, cuộc kiệu ảnh Đức Mẹ La Vang thật có vẻ đặc biệt nguy nga hơn mấy kỳ năm xưa nhiều lắm. Về địa thế chốn La Vang và những cơ cuộc để bành trướng, sự long trọng trong hội này thì không cần phải nói đến, vì chư tôn quý vị cũng đã thừa nghe biết và phần nhiều cũng đã tợ mặt mấy lần hồi năm xưa rồi, nhưng nay tưởng cũng nên kể sơ ít điều, là vì tình cảnh La Vang hiện nay thật là nghi vệ hơn xưa bội phần.

Chính giữa tấm đất phương địa rộng rãi đó có một tòa nhà đồ sộ, lòng rộng, tháp cao, kiểu xây cất thật là khéo léo. Ấy là nhà thờ mới Đức Mẹ La Vang. Chính tay cha Morineauđã nhiệt tình dày công gầy dựng. Ngài đã có rao nhiều lần về việc cất lập đền thờ này trong các tờ báo đạo khắp cả ba kỳ. Nay đền thờ đã hoàn thành đồ sộ là thế đó.

Nhà thờ làm trở mặt ra đối diện với tỉnh Quảng Trị. Trước sânnhà thờ có một con đường đã thẳng mà lại rộng, đi băng gò núi mà xuống cho đến nhà thờ họ Cổ Vưu. Đi nắp theo mé đường ấy mà lên thỉnh thoảng gặp những quán xá chực tiếp khách bộ hành lên xuống. Lên tới trước ngõ nhà thờ thì thấy hai vung rộng, ở hai bên tả hữu đường có nhữngquán tranh, nhà tạm của người tứ xứ đến cất lập mà nuôi khách bộ hành trong mấy ngày Đại hội. Cảnh tượng hai vung quán này rất vui vẻ. Trước mặt hai vung quán đó lại vô số người bán kẻ mua, đóng nêm cả hai bên tợ hồ hai cái chợ tỉnh thành vậy. Ban đêm, ở trong đền thờ Đức Mẹ mà đi ra trông hai bên chợ búa quán nhà đó thì đố ai mà khỏi ngạc nhiên sửng sốt? Đèn thắp tự trong chí ngoài, tự dưới chí trên, khắp cả hai bên vô vàn vô số. Kẻ trong quán vui vầy yến tiệc, người ngoài sân nô nức bán mua. Đứng mà trông người gẫm cảnh thì quả thật là chốn bồng tiên, chẳng phải là nơi dương thế.

Ôi! Ai mà đặt trí suy qua một chút thì chắc là phải động tình mủi dạ. Ôi! Đất La Vang ơi! Thiên hạ trông thấy tình thế của mầy thì ai là chẳng công nhận mầy là nơi thánh địa, là chốn diệu quang? Cách trước 100 năm nay mầy là thế nào mà rày nên thế ấy? Ôi! Khắp cả tam kỳ ai nấy đã mục kích tới mầy mà không cảm tạ ngợi khen Đức Mẹ thay cho mầy đâu?

Kế đến ngõ nhà thờ thì thấy một cái cửa tam quan kết bằng hoa lá rất xinh lịch. Bước vào cửa, qua cái sân rộng rồi thì đến chính cửa nhà thờ. Trong nhà thờ rộng rãi dưới trên, chính giữa hai bên cả trên liền dưới thì đếm được sáu bàn thờ cho các cha làm lễ và năm cửa để giáo hữu ra vào.

Ấy lược qua tình cảnh La Vang hiện nay là thế đó. Tuy có nhiều điều đáng nói nữa song cũng xin gác bút làm thinh, để ngày giờ mà thuật qua mấy ngày Đại hội.

Vậy khi mọi sự đã sắp đặt chỉnh đốn xong rồi thì ngày 20 Août mới bắt đầu mở cuộc. Ngày ấy, lối 8 giờ thì hai Đức cha làm phép đền thờ mới. Cuộc làm phép nhà thờ này rất oai nghi long trọng. Cả hai Đức cha Allys Địa phận Huế và Đức cha Gouin Địa phận Lào thân hành làm phép. Có cố chính Délignon Địa phận Sài Gòn và hơn 30 cha Tây, Nam khác tham dự.

Lại có quan Công sứ, Khâm sứ, quan Carpentier là kẻ đã ra tay họa đồ đền thờ, và các quan Tây, Nam thuộc tỉnh Quảng Trị đến dự lễ rất đông. Bổn đạo ước năm ngàn người chầu lễ. Ngày ấy và ngày tiếpsau là ngày 21 Août đều có lễ hát trọng thể ban mai và Phép lành Mình Thánh Chúa ban chiều. Lại cũng cócác cha lên tòa giảng dạy giục lòng ai nấy thành kính Đức Bà.

Suốt cả hai ngày, thâm vào hai đêm ấy, có hơn 20 tòa các cha giải tội. Bổn đạo nô nức chen nhau vào xưng tội, tòa nào tòa nấy tợ đóng nêm, nên tưởng nếu có đông tòa hơn nữa thì cũng không đủ cho những người muốn được xưng tội tại nhà Mẹ La Vang. Trong hai ngày hai đêm ấy, thiên hạ chen chân nhau vào nhà thờ đọc kinh cầu nguyện rầm rĩ liên thanh, nhứt là đêm 21 Août, áp ngày kiệu, lại càng đông xao hơn nữa. Vào nhà thờ buổi nào cũng thấy đóng nêm trên dưới, bước ra ngoài mà đoái nhìn khắp cả vùng Thánh địa này thì đâu đâu cũng chen chân không lọt, nơi thì lũ năm lũ bảy, chỗ thì cụm chín cụm mười mà hiệp nhau dâng lời kinh nguyện. Lóng tai nghe rõ thì nghe chốn này tiếng Bắc Kỳ, nơi kia Nam Kỳ, đường nọ tiếng Trung Kỳ cùng nhau thăng trầm lẫn lộn. Tuy rằng ba cõi giọng đọc kinh khác nhau nhưng hòa lại dường như một tiếng, nên nghe rần rộ, dội chuyển tứ phương. Thật là chốn La Vang chúc! Vì tiếng kinh nguyện đã la vang khắp cả lừng trời mà đưa lời giáo dân lên cùng Mẹ.

Một việc càng động lòng thay là thấy biết là mấy hàng danh dự chức tước, biết là mấy bực quyền quý giàu sang, ở nhà có sẵn giường cao chiếu sạch, nằm ngồi đã sẵn nệm gấm gối bông, mà nay tớiđây cũng đành vất vả lăn lóc giữa đám đất không, cỏ bụi. Những là say mê theo kinh đọc chuỗi lần mà không quản thân mình phải dầm sương bén đất.

Lại có một điều càng lạ mà làm chứng chốn La Vang là nơi Thánh địa và lòng thiên hạ nhiệt tâm tin kính biết là bao nữa, là ở khắp giữa chốn đông xao đô hội này, dẫu là khắp trong cả vườn thánh, dẫu là ở ngoài chợ búa quán nhà, thảy là nam nữ lẫn lộn tương xen, lại ai ai cũng biết mình ở giữa muôn người xa lạ, thế mà nào hề thấy một việc gì gian tà dức lác, nào hề nghe một tiếng gì tranh nạnh hoa tình. Ôi, là cái cảnh tượng hòa hảo thay! Cái tình tiết cảm động thay! Chốn phàm trần mà quả thật chẳng phải phàm trần, miền thế tục mà không phải là người thế tục! Bởi giáo hữu biết mình ở nơi đất nhà Mẹ, bởi thiên hạ tin thật có Đấng hiển hách, anh linh đang mục kích đây nên chẳng dám làm điều gì phi vi trái lẽ…

Sau nữa, cũng còn một việc làm chứng đức tin những người đến cùng Mẹ lành đó không phải là vừa nữa, là thấy hết mọi thứ người, dẫu kẻ hèn sang, dẫu người lương giáo ai ai cũng lấy cho mình một nắm cây, vày lá, hoặc một ve nước, hòn gạch trong vườn thánh La Vang này mà xin các cha làm phép để đem về nhà trợ buổi nguy cấp. Ấy, lòng thành tín, cậy trông Đức Mẹ biết là bao!

Lại đã nói trước rằng, hơn 20 tòa giải tội mà không đủ cho bổn đạo vào ra trong mấy đêm ngày ấy, nên số kẻ chịu lễ lại càng quá đông, nhứt là sớm mai ngày kiệu lại càng đông vô số nữa. Ví bằng khi ấy chẳng có nhiều kẻ cầm giữ bổn đạo cho bớt sự chen nhau thì ắt không khỏi có người chết ngộp. Mai ấy hơn 30 lễ(23) mà lễ nào cũng thấy bổn đạo chen nhau vào rước Chúa, bởi đó, số người chịu lễ trong mấy ngày ấy thì thật khó mà định ước cho minh được.

Đến sáng ngày thứ tư, tức là ngày 22 Août, 4 giờ rưỡi thì khởi đầu kiệu từ Cổ Vưu mà lên. Vừa đến ngang đàng xe lửa thì vừa lúc chuyến tàu ở Huế chở khách ra, và chuyến tàu ở Đồng Hới(24) chở khách vào nên đoàn kiệu phải dứt hai ra để cho người ta lấp vào đó. Ở giữa một khoảng đường dài, rộng, thiên hạ đi hàng bảy hàng năm, trên đường những phất phơ phướn cờ gió đánh, bướm bay én liệng, những trắng đỏ vàng xanh, đội ngũ nào cũng y phục trang hoàng, nam thanh nữ tú xuê xoan trống kèn, tiếng rần rộ dội lên gò núi, giọng hát kinh phất phới thanh tao, lên đèo xuống lũng thấp cao, tám giờ mới tới địa đầu La Vang.

Ấy là cuộc kiệu!

Khi bàn kiệu tới nơi, thiên hạ hằng hà sa số, phần ở trên nhà thờ dồn xuống, phần ở dưới gò núi kiệu lên nên không biết bao cơ mà ước số, chỉ nói tắt đượcrằng: không kể những người lên xuốngrải rác khắp cùng một khoảng đường độ bảy, tám kilômét. Ước lượng số người hiện diện đang lúc có bàn kiệu tới nơi mà thôi thì đã đến non ba vạn. Vào nhà thờ rồi thì Đức cha Gouin là đấng đã đi áp bàn kiệu từ Cổ Vưu mà lên đã bắt đầu làm lễ hát trọng thể. Trong buổi lễ có cha Hồ Ngọc Cẩn giảng một bài. Sau lễ, Đức cha lại làm phép lành mà giải tán.

Trong lễ Tạ ơn trọng thể này cũng có Đức cha Allys và cụ Võ Nguyễn Hữu (Võ Hiển điện Nguyễn Hữu Bài) đồng dự lễ. Còn các cha Tây, Nam và các quan thuộc tỉnh lại càng đông gấp ba, gấp bốn lần ngày làm phép nhà thờ nữa.

Thật trong ba ngày Đại hội năm nay, những thiên hạ nô nức đua nhau tới kính viếng cầu xin Đức Mẹ ở đất La Vang này, những cuộc nguy nga long trọng, nghi vệ nghiêm trang thì thật hơn mấy kỳ năm xưa bội hậu. Dẫu mà trong mấy ngày đó nhà nước đã thêm nhiều chuyến tàu chở khách mặc lòng, nhưng chuyến tàu nào dầu dài mấy cũng phải rợt người vì chen chân không lọt. Vả, đường xe lửa hiện nay đã ra thấu cõi Bắc Kỳ nên hành khách ngoài ấy vào cũng quá bộn. Ở Nam Kỳ, tuy xe lửa vào chưa thấu nhưng cũng chán người đi xe điện tới nơi, nên số người đông xao thì không lạ. Các cha Tây, Nam từ hai cõi ấy cũng có nhiều đấng tới dự hội này, nên đã làm một cuộc kiệu chung khắp cả tam kỳ vậy.

Tôi dám quả quyết rằng mấy ngày ấy ơn Đức Mẹ tuôn xuống chốn La Vang này thật như mưa đổ, đã gỡ nguy, giảirối cho thiên hạ phần xác phần hồn khôn kể xiết, đến nỗi mắt tôi đã thấy nhiều người bởi đầy ơn chan chứa mà không cầm được hột lụy nhỏ sa., nhứt là khi bàn kiệu đi ngang qua, có nhiều kẻ tấm tức ú ú cả tiếng, thật là điều rất cảm động. Lại cũng biết chắc bấy lâu cũng đã có nhiều người được ơn Đức Mẹ cách riêng nên mấy ngày ấy thấy nhiều người ghi ơn đã đặng vào các mảnh giấy mà dưng trước bàn thờ để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ. Tôi chắc mấy mảnh giấy đó là của những người ngoại giáo phần nhiều, vì người có đạo thì ắt không cần làm như thế. Ấy thật Đức Mẹ đã ban ơn xuống chứa chan, không kể người lương kẻ giáo.

Ấy, lược qua ít điều về cuộc Đại hội La Vang năm nay là thế đó. Vinh danh Đức Mẹ giữa trời Nam, phỉ dạ giáo nhơn cùng đất Việt, nguyện đời nay sum hiệp hãy nhiều phen, chúc hậu thế vui vầy đồng một hội.

La Vang Đại hội kiệu năm nay,

Rực rỡ đông xao quá lắm thay!

Đồ sộ thánh đường khôn giải thích,

Nhiệt tâm giáo hữu khó trần bày.

Hai ngày áp trước còn vừa mực,

Chính cuộc kiệu sau hẳn quá tay.

Khắp kẻ tam kỳ đồng đến dự,

Nghiêm trang sốt mến lại sum vầy.

… … …”

——————————————————————-

(16) Xem chú thích (15) cùng trang.

(17)Linh mục Hoàng Mai Rĩnh: Trung Kỳ du ký, 1931. Dẫn theo linh mục Nguyễn Tự Do, CSsR: Đức Mẹ La Vang 200 năm, tr.51.

(18)Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1002, ngày 5-7-1928, tr.410-411.

(19)Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris. No 83,Novembre, 1928.

(20) Dẫn theo Lm. Nguyễn Tự Do (CSsR): Đức Mẹ La Vang 200 năm. Lưu hành nội bộ, tr.52.

(21) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.73.

(22) Phêrô Nghĩa (Vêrô Nghĩa, P. Ngh., Philipphê Bá… + Di Loan = Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá, phó xứ Di Loan): Cuộc kiệu ảnh Đức Mẹ La Vang năm nay. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1011, ngày 6-9-1928, tr.549-553.

(23) Bấy giờ chưa có thánh lễ đồng tế, mỗi linh mục cử hành một thánh lễ riêng trên mỗi bàn thờ riêng (lời chú của người biên soạn).

(24)Đồng Hới bấy giờ còn thuộc Địa phận Huế. Từ 15-5-2006 cắt về Giáo phận Vinh. Từ 22-12-2018 cắt về Giáo phận mới Hà Tĩnh.

(Còn tiếp…)

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 9 – Phần II về máy tính