Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 9 – Phần I

12/01/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

CHƯƠNG CHÍN 

THÁNH ĐỊA LA VANG

THỜI ĐỨC GIÁM MỤC ALLYS (LÝ)

(Tiếp theo)

ĐẠI HỘI LA VANG 9 (1928) – KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ MỚI

1. XÂY MỚI ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG

Sau Đại hội La Vang lần thứ 8 (1923), nhận thấy ngôi nhà thờ ngói cũ đã không còn đủ khả năng đón tiếp khách hành hương, vả lại, ngôi nhà thờ cũ đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ, Đức cha Allys đã có kế hoạch xây dựng một đền thờ nguy nga dâng kính Đức Mẹ La Vang.

Công việc trọng đại này được giao cho cha Morineau Trung, cha sở Cổ Vưu kiêm Linh địa La Vang. Còn bản thiết kế, Đức cha phải nhờ đến vị kiến trúc sư thời danh, ông Carpentier, Giám đốc trường Viễn Đông Hà Nội, với đồ án một ngôi đền thờ mang đường nét kiến trúc Tây phương, cứng cáp, đồ sộ, pha lẫn dáng dấp Đông phương, trầm lắng, mềm mại.

Ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11-2-1924, cha sở Cổ Vưu Morineau Trung phát hiệu lệnh khởi công với ngân quỹ dành cho công trình vĩ đại này chỉ vỏn vẹn có 500 đồng. Trong khi đó, theo dự toán của kiến trúc sư Carpentier, công trình phải tốn kém tối thiểu 20.000 đồng bạc xòe Đông Dương.

Nhưng không sao, cha Morineau Trung và lãnh đạo Giáo phận Huế tin chắc giáo hữu khắp ba miền, với lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang sẽ ủng hộ kế hoạch này.

Nghĩ thế, cha Morineau Trung không ngần ngại viết thư gởi giáo hữu khắp cõi Trung Nam Bắc.

1. Thư kêu gọi của cha Morineau Trung(1)

“Kính thăm,

Các giáo hữu khắp cõi Trung Nam Bắc ba nơi đặng mọi sự lành trong Chúa và Đức Mẹ, cùng đặng hay:

Thế thì xưa rày ai nấy cũng đã nghe đến tên nhà thờ Đức Mẹ La Văng tại tỉnh Quảng Trị về Địa phận Huế. Nhà thờ ấy thật là nơi đã có tiếng trong cả nước Nam, vì Đức Mẹ đã dành ngự đó cách riêng mà thi ân giáng phúc cho những kẻ đem lòng cậy trông mà tìm đến. Biết bao nhiêu ơn lạ phần hồn phần xác xưa nay thiên hạ đặng bởi nguyện cầu khấn vái cùng Đức Mẹ La Văng! Chẳng những con nhà giáo hữu, lại nhiều kẻ bên lương cũng đã tìm đến chốn La Văng và đã đặng đắc ý sở cầu, cho nên đều xưng rằng: Cầu chi tất ứng.

Ấy, chốn danh tiếng dường ấy, nhưng xưa rày chưa liệu được cho có một đền thờ tốt đẹp xứng Vì Nữ Vương Thánh Thần cùng Mẹ các giáo nhơn nên lòng bá tánh chưa hề được thỏa. Kẻ ở xa chưa biết, tưởng nhà thờ đã an cơ chi, đã nguy nga đẹp đẽ rồi. Song ai đến tận nơi mới hay đó là tợ lều Đức Mẹ ngự xưa tại Nazareth mà thôi.

Nhà thờ hiện tại bây giờ đó, tuy là ngói song còn đơn sơ chật hẹp lắm, lại cũng đã khỉ sự hư nhiều, vì xưa khi làm nhà ấy cũng tùy gia phong kiệm mà làm một cái tạm dùng vậy thôi, trông cậy sau nhờ của cúng đức thì sẽ làm một cái cho tốt đẹp, xứng đáng hơn.

Ớ anh em! Chớ ngờ rằng của cúng đức rày đã có nhiều, dư dật rồi. Hẳn thật mỗi khi kiệu lớn và hằng năm người ta cúng đức luôn, song mỗi khi kiệu phải lo tu tác đồ đoàn, lại làm rạp cùng thuê mướn việc này việc nọ, cho nên tiền tiêu phí hằng năm cũng không phải là ít. Bởi đó, tuy đã lâu năm mà chi tồn chưa đủ làm nhà thờ đâu. Dầu vậy, rày cũng phải khởi công làm vì nhà thờ cũ đã hư đổ nhiều. Nếu sửa càng thêm tốn, chi bằng xếp lại mà phụ tay đỡ dậy một nhà thờ khác cho Đức Mẹ là Mẹ chung mọi người giáo hữu Nam Bắc!

Ai nấy nên biết rằng chốn La Văng là miền sơn cước, xa bến cách sông, từ nhà thờ đến bến, đi bộ cũng thấu hai giờ đàng, cho nên bề chuyên chở bất tiện trăm đàng. Mọi giống vật liệu mua đã mắc lại chở cũng xa, bởi đó tốn một trừ hai cũng e chưa khẳm. Vả chăng, phải một việc làm nhà thờ mà thôi đâu, lại nhà quan cư cho các cha, hoặc giáo hữu đến viếng đặng nghỉ chân cũng chưa có, nhà từ cho người giữ nhà thờ cũng không. Xưa rày chỉ làm các nhà tranh sơ sài cho các cha đình trú tạm vậy thôi, vì chốn La Văng chưa có cha sở, còn thuộc quyền cha sở Cổ Vưu coi sóc, mà từ Cổ Vưu lên tới La Vang cũng thấu 6 km.

Nghĩ vậy, việc làm nhà cửa La Văng chẳng phải việc bạc trăm, bạc ngàn mà đủ đâu. Biết lấy đâu mà mua sắm, chở chuyên vật liệu? Biết lấy đâu mà thuê thợ, mướn người? Âu giáo nhơn ta phải phụ tay kẻ nhiều người ít để làm cho xong đền thờ Đức Mẹ cùng ít ngôi nhà đã nói đó.

Nỏ nói chi việc mua sắm đồ lễ cùng đồ thờ, vì cũng là việc cần đó nữa, song trông cậy sắm lần hồi cũng đặng. Nay điều cần nhứt là xây một nhà thờ cho tiện dùng cùng sạch sẽ vẻ vang xứng đáng nơi có tiếng trọng dường ấy.

Ấy bấy lời! Vì tình giáo hữu làm tôi một Chúa, làm con một Mẹ, xin quý ông, quý bà chiếu cố để giúp việc xây đền thờ cho mau.

Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hònnúi cao.

Đó là tục ngữ thiên hạ thường nói, nếu ta phụ nhau làm sáng danh Chúa cùng rạng tiếng Đức Mẹ dường ấy thì công đức ta đời sau đã không mất mà đời nay ắt cũng được trả.

Đằng xa ai có lòng công đức bao nhiêu thì xin gởi thẳng cho tôi, hoặc gởi qua Đức cha Địa phận Huế: Mgr Allys.

Làm ơn một buổi, tạc dạ ngàn năm, lại để dấu lâu đời bia danh hậu thế.

Thơ này tôi làm tại Cổ Vưu ngày 18 tháng Octobre 1924”.

René Morineau,

Missionnaire Apostolique.

Quảng Trị

Không ngoài dự tính, khắp nơi, các giáo phận Bắc Trung Nam và cả Cam Bốt, Lào đều đồng thanh hưởng ứng nhiệt liệt. Giáo dân sẵn sàng và nhanh chóng đóng góp công của vào công trình tốt đẹp, vĩ đại này. Cuốn nhật ký của cha Morineau ngày càng dày cộm, chi chít những dòng danh sách người dâng cúng. Từ số tiền nhỏ 1 hào đến số tiền lớn 100 đồng ngài đều không bỏ sót.

“Kiến trúc sư Carpentier sau khi khảo sát kỹ lưỡng địa chất cho biết đất La Vang thuộc loại sình lầy, do đó phải liệu một nền móng vững chắc. Thời ấy chưa có móng bằng bê tông cốt thép như bây giờ nên linh mục bổn sở phải thân hành lên Lao Bảo đặt mua 20.000 cây tre, loại tre già… Phần gốc cưa 3m, vót nhọn, đóng cừ dày đặt…thân tre dùng làm giàn giáo.

Ngài chọn ông biện Giuse Lê Viết Cách, người Cổ Vưu, chú ruột của linh mục Phaolô Lê Viết Hoàng làm đốc công. Phần mộc thì do ông thợ Chấp, người lương đảm nhiệm – Ông này sau trở lại đạo, đời linh mục Giuse Lê Hữu Huệ làm quản xứ Cổ Vưu.

Toàn bộ băng kèo, đòn tay bằng gỗ lim xanh mua tại Ngân Sơn, Lệ Thủy, Quảng Bình do linh mục Henri Marie Arnoux de Pirey (cố Huề), cha sở Tam Tòa kiêm dinh điền Ngân Sơn cung cấp, chở vào gare Quảng Trị bằng đường sắt, còn gạch ngói do các lò gạch làng Cổ Vưu phụ trách”(2).

Phương tiện vận chuyển chủ yếu vẫn là đường thủy. Gỗ lim từ Quảng Bình vào theo xe lửa đổ xuống gare Quảng Trị, sang ghe chở lên La Vang. 20.000 cây tre cũng được chở bằng đường thủy từ Lao Bảo về thẳng La Vang. Các loại vật liệu nặng, cồng kềnh đều được vận chuyển bằng đường thủy cả.

Tuy vậy, đường bộ dù chưa phát triển cũng đóng vai trò quan trọng: “Linh mục bổn sở nhờ Sở Công chánh Quảng Trị tu sửa con đường tỉnh lộ 1 để tiện bề vận tải…, ông Bùi Đậu, người An Lộng, sắm một xe tải chuyển vật hạng lên tận La Vang”(3).

Để đôn đốc công việc, từ ngày khởi công, tháng 2-1924, hầu như mỗi ngày cha Morineau đều đạp chiếc xe đạp Peugeot từ Cổ Vưu lên La Vang để sắp xếp, theo dõi công trình, bất luận nắng mưa.

Công trình, theo dự toán sẽ được thực hiện trong 4 năm, nhưng vừa được 18 tháng thì khó khăn chồng chất khó khăn: thời tiết không thuận, hạn hán gây ách tắt giao thông thủy khiến không thể đưa vật liệu lên La Vang được. Lại nữa, nguồn kinh phí cho công trình vĩ đại này cũng đã cạn kiệt mà công trình thì đang dang dở.

Một lần nữa, cha Morineau lại nhờ tuần báo Nam Kỷ địa phận gởi đến các tín hữu khắp ba miền lời cảm ơn về sự ủng hộ vừa qua, thông tin thêm về công trình Nhà Mẹ, đồng thời kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục giúp đỡ.

Tuần báo Nam Kỳ địa phận viết:

“Cha Morineau, cha sở Cổ Vưu kiêm La Vang gởi lời thăm và tận tình cảm ơn những con cái Đức Mẹ đã hảo tâm rộng rãi mà giúp đỡ tôn dựng nhà thờ Người. Ngày mồng 8 Septembre tới đây, nhằm lễ Sinh nhật Đức Mẹ, cha sẽ làm lễ trọng thể tại La Vang mà cảm ơn Đức Mẹ về mấy chuyện đã làm được rồi, và cầu nguyện cho những người đã cúng thí giúp việc xây dựng nhà thờ mới.

Nền đã xây xong rồi, cũng đã đổ đất đầy hết. Vách xây lên cao được một thước Tây. Mấy tán cột cũng đã hoàn thành. Song bây giờ phải ngưng công chuyện mà chờ vì gần hai tháng nay trời khô hạn lạ thường nên mấy đàng nước trong sông nhỏ có nhiều chỗ cạn quá ghe không đi được, không thể chở chuyên vật liệu. Chừng nào nước nổi mới lo chở thêm vôi, cát, gạch. Lại còn phải đợi mãn mưa vào mùa thu, có khi cuối tháng Décembre thợ thầy mới tiếp tục công việc được.

Người trông cậy Đức Mẹ và con cái Người sẽ lo liệu thế nào cho công việc tấn riết cho đến cùng, vì bạc tiền cũng bắt chước khí trời đã hạ xuống cạn lắm mà nhà thờ Đức Mẹ mới lú lên khỏi đất một tí mà thôi”(4).

2. Thánh địa La Vang trong thời gian xây dựng đền thờ mới (1924-1928)

a/ Triệt hạ nhà thờ ngói cổ

Trong thời gian thi công nhà thờ mới, nhà thờ cũ ngày càng xuống cấp. Rui mèn, đòn tay mối mọt ăn rỗng hết. Mái ngói dột nát nhiều nơi, ngay cả nơi cung thánh. Hai tháp chuông đã ngả ra hai bên. Toàn bộ nhà thờ có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Thật vậy, vào một tối tháng 5-1925, căn gần tháp tự động đổ xuống, may mà giáo hữu đọc kinh tối xong vừa mới ra về.

Lúc bấy giờ có ý kiến đề nghị nên sửa chữa, giữ lại làm di tích lịch sử La Vang, nhưng bề trên nhận thấy ngôi nhà thờ ngói đã hết tuổi thọ, cột kèo bị mối mọt ăn rỗng cả, nếu muốn giữ lại không thể vá víu mà phải sửa chữa toàn bộ, tốn kém chẳng thua gì làm nhà thờ mới. Vả lại, theo nhận định của bề trên địa phận, nếu giữ nhà thờ cũ lại thì có khả năng giáo dân sẽ không vào nhà thờ mới, bởi tâm lý chung, giáo dân nếu được chọn họ sẽ chọn nơi mà theo họ linh thiêng hơn, đó là ngôi nhà thờ tọa lạc ngay vị trí mà theo tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra!

Vì thế, ngôi nhà thờ ngói cổ đã được triệt hạ hoàn toàn. Trong hồi ký của mình, cha Matthêô Lê Văn Thành cho biết:

“Vào tháng 5-1925, lúc ngài (cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh) làm phó xứ Cổ Vưu… Lúc linh mục Morineau vào tĩnh tâm ở Huế, ngài thay thế lên La Vang đôn đốc công việc triệt hạ ngôi nhà thờ cũ. Công việc triệt hạ gần xong rồi…”(5).

Về sau, cũng theo linh mục Matthêô Lê Văn Thành: “Trước đài Mẹ (Linh đài ba cây đa nhân tạo ngày nay), có một bụi trúc phía bên phải…, đó chính là nơi có bàn thờ cũ, khán đài tám góc…, nơi Đức Mẹ hiện ra”(5).

b/ Hành hương La Vang trong thời gian xây dựng đền thờ mới (1924-1928)

+ Hội đồng Sửa kinh Đông Dương hành hương La Vang, kính viếng Đức Mẹ.

Trong vòng ba tuần lễ, từ 28-4 đến 17-5-1924, một Hội đồng gồm 10 linh mục thuộc các địa phận Đông Dương và Thái Lan đã nhóm họp tại Tòa Giám mục Huế để sửa kinh, nhằm mục đích thống nhất Kinh Hôm Mai trong các địa phận. Ngày 19-5-1924, tất cả 10 linh mục thành viên, cùng Đức cha Allys Lý được cụ Quận công Nguyễn Hữu Bài dùng xe hơi riêng đưa ra La Vang kính viếng Đức Mẹ.

Ngày 24-6-1924, linh mục GB Nguyễn Bá Tòng (sau là Giám mục), quản xứ họ đạo Bà Rịa, một thành viên trong Hội đồng Sửa kinh viết trên báo Lời thăm:

“Kể từ ngày tôi ra Huế lần thứ nhất, khi chầu lễ phong chức Đức cha Allys Lý, đến nay là 16 năm chẵn.Nay tôi ra lại lần thứ hai thì thấy khác xa nhiều lắm… Đền thánh La Vang danh đồn khắp xứ. Mỗi lần kiệu ảnh trọng thể dường nào. Cả Việt Nam đều lừng lẫy..”(6).

+ Đức Khâm sứ Constantino Ayuti kính viếng Đức Mẹ La Vang

Ngày 2-5-1925, ĐGH Piô XI ban hành tông thư Ex Officio Supremo thành lập Tòa Khâm mạng Đông Dương và Thái Lan, trụ sở đặt tại Việt Nam. Đồng thời ngày 25-5-1925, bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Constantino Ayuti người Ý làm Khâm sứ tiên khởi.

Ngày 25-11-1925 Đức Khâm sứ Ayuti đến Sài Gòn, ngài đi thẳng ra Hà Nội xem xét tình hình rồi trở về Huế. Tại đây ngài đã đi thăm Chủng viện An Ninh, địa sở Phước Môn và qua La Vang kính viếng Đức Mẹ.

Sau cuộc viếng thăm này Đức Khâm sứ quyết định, theo ý kiến cụ Bài, thiết lập Tòa Khâm mạng ở Phủ Cam, Huế(7).

+ Đức cha Eloy, Giám mục Địa phận Vinh, kính viếng Đức Mẹ La Vang

Ngày 13-2-1926, nhằm ngày mồng một Tết Nguyên đán, Đức cha Eloy, Giám mục Địa phận Vinh đã đến thăm Dòng Phước Sơn. Sau đó, ngài lên La Vang kính viếng Đức Mẹ.

+ Kiệu Minh niên 1926

Ngày 16-2-1926, nhằm ngày mồng bốn Tết Nguyên đán 1926, hưởng ứng lời mời gọi của linh mục quản xứ Cổ Vưu Morineau Trung, hàng ngàn giáo dân và nhiều linh mục trong Địa phận Huế đã tập trung về La Vang tham dự kiệu ảnh Đức Mẹ(8).

II. CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI LA VANG 9 VÀO NĂM 1926

1. Đại hội La Vang lần thứ 9 dự định tổ chức đúng định kỳ vào năm 1926

Tháng 7-1926, cha sở Cổ Vưu Morineau Trung đã gởi đăng trên tuần báo Nam Kỳ địa phận chương trình Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 9.

a/ Thông báo:

“Năm nay trúng kỳ kiệu Đức Mẹ trọng thể tại La Văng theo lệ ba năm một lần. Sẽ làm Tam nhật trọng thể. Chiều thứ hai, 16 Août, khởi sự cuộc lễ. Kế ba ngày 17, 18, 19 làm Lễ Cả luôn. Sớm mai thứ năm, 19, sẽ kiệu Đức Mẹ. Trông cậy xe lửa sẽ sụt giá trong mấy ngày ấy…”(9).

b/ Chương trình Tam nhật cuộc kiệu La Văng(10)

“Theo thể lệ ba năm thì kiệu trọng thể tại La Văng một lần, mà năm nay đã đến kỳ kiệu trọng thể ấy. Vậy dầu đền thờ mới Đức Bà chưa xong mặc lòng, song tôi cứ định kiệu theo lệ, mà Đức Giám mục cũng ưng thuận như vậy.

Nay tôi xin tin cho anh em bổn đạo khắp ba cõi Nam, Bắc, Trung Kỳ đặng hay chương trình các việc thuộc về cuộc kiệu ấy, thế này:

+ Cũng như mấy năm trước là Tam nhựt (17, 18 và 19 Août, cũng là ngày mồng mười, mười một và mười hai tháng Bảy Annam, là ngày thứ ba, thứ tư và thứ năm trong tuần).

+ Trong hai ngày 17 và 18Août, tại La Văng, 8 giờ mai có cha giảng và làm lễ hát trọng thể. Còn chiều, 6 giờ cũng có giảng và làm Phép lành Mình Thánh Chúa. Lại trong ba ngày là 17, 18 và 19Août, tại La Văng và Cổ Vưu có nhiều cha Tây, Nam ngồi tòa sẵn luôn… Ai muốn xưng tội, rước lễ chỗ nào thì đặng như ý.

+ Ngày 19 Août là ngày mười hai tháng Bảy, cũng là ngày thứ năm trong tuần, 5 giờ mai khởi sự kiệu ảnh Đức Bà trọng thể từ ngoài họ Cổ Vưu vào La Vang cho kịp qua đàng xe lửa trước khi xe ở Huế tới. Đến La Văng rồi thì làm lễ hát trọng thể, giảng trong buổi lễ, rồi đoạn làm Phép lành Mình Thánh Chúa”.

Morineau Trung, cha sở Cổ Vưu.

2. Đình hoãn tổ chức Đại hội La Vang 9 vào năm 1926

a/ Thông báo việc đình hoãn:

Đầu tháng 8-1926, Tòa Giám mục Sài Gòn nhận được bức điện tín do cha sở Cổ Vưu Morineau Trung đánh vào, nguyên văn bằng tiếng Pháp như sau:

“Vous serais très reconnaissant, si chose possible, faire connaitre toute Mission que menace choléra oblige à supprimer cette année, le pèlerinage de La Văng. Le pèlerinage est remis à l’année prochaine”(11).

Respects, Morineau.

Nhiều bức điện tín có nội dung tương tự được gởi đến các giáo phận Việt Nam và Đông Dương thông báo:

“Năm nay không có kiệu Đức Bà La Văng. Cuộc kiệu ảnh sẽ dời qua năm tới, 1927. Lúc này tại Huế đang có bệnh thiên thời”(11).

b/ Nguyên nhân việc đình hoãn:

Cuối tháng 7-1926, một cơn đại dịch tả lan tràn khắp cả nước, bắt đầu từ miền Bắc, lan dần tới miền Trung rồi tràn vào miền Nam, gây hậu quả thảm khốc với hàng ngàn người chết. Do thiếu hiểu biết về căn bệnh dịch tả nên việc phòng ngừa không mấy hiệu quả. Thêm vào đó, vốn sẵn óc mê tín, dân chúng hoang mang đồn đại về một “chiếc tàu ma” đi bắt linh hồn, linh hồn nào bị bắt, người đó phài chết, và quả thật đã có hơn 500 người bị tàu ma bắt, đã chết.

Chính phủ, trong nỗ lực tối đa đã cố sức ngăn ngừa đại dịchnày. Tại các nhà thương, trạm xá nhân viên y tế tất bật suốt ngày đêm. Một đội quân xung kích lo công tác vệ sinh khắp đường sá, sông ngòi, bến bãi. Thanh niên nam nữ tình nguyện vào tận làng mạc, thôn ấp kêu gọi mọi người ăn chín, uống chín. Trên các trục giao thông đều có lính khám xét, người qua lạiphải có giấy chứng nhận đã chích thuốc ngừa dịch tả. Ai không có giấy phải xuống xe chích ngừa xong mới được đi(12).

Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng lo làm công tác tuyên truyền, tránh một sự hoảng loạn trong dân chúng. Tuần báo Nam Kỳ địa phận viết:

“Một chiếc tàu ma đi xin 500 người ở Quảng Trị!

Mấy bữa nay nghe các hạt dân quê tỉnh Quảng Trị đồn rằng có một chiếc tàu ma chạy ngoài biển, ràyghé vào xin 500 người trong hạt Quảng Trị. Tôi nghe vậy lấy làm ngạc nhiên, xin tin cho đồng ban biết mà phòng hậu.

Vốn cơn dịch tả đã đi tự Bắc suốt Nam, rày đang quẩn quất nơi Quảng Trị và Huế. Ấy là một cơn khí độc. Con người ở trong khí trời khác nào cá tôm ở trong bể nước, nước nhớp độc chảy đi đâu thì làm hại các loài thủy tộc đó. Con người cũng thế, khí độc bay đi đâu thì làm chết người cũng thể ấy.

Vậy sự cần nhứt là lo cho sạch sẽ, vẻ vang, kiêng cử các đồ ăn uống chưa hết chất độc, chớ có tàu ma quỷ nào mà phao đồn nhảm nhí như thế…”(13).

3. Hoãn tổ chức Đại hội La Vang 9 vào năm 1927

Năm 1927, dù đã trễ một năm theo định lệ, nhưng Ban Tổ chức vẫn thông báo hoãn tổ chức Đại hội La Vang 9 thêm một năm, vì hai lý do:

a/ Dịch tả vẫn tiếp tục hoành hành

Dù đã giảm cường độ tàn phá và mức thiệt hại, nhưng cơn đại dịch tả đã khởi phát một năm nay vẫn còn tiếp tục hoành hành:

“Lúc này có cô-lê-ra ghé thăm phủ Vĩnh Linh, ‘cô’ đang hành hung đánh chết ước 60 người. Tại sông Gianh, ‘cô’ cũng có đến viếng nhưng ‘cô’ không làm dữ bao nhiêu. Thiên hạ xúm nhau tiêm thuốc mà trừ ‘cô’ cũng đông”(14).

Tại Huế, dịch tả vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó có cái chết thương tâm của linh mục trẻ Lu-y Nguyễn Văn Hoài, cha phó của cha Giuse Trang tại Phú Ngạn. Cha Lu-y Hoài qua đời ngày 9-8-1927, mới 35 tuổi, 5 năm linh mục. Thi hài được an táng phía sau nhà thờ Phú Ngạn.

b/ Đợi khánh thành đền thờ mới

Tin từ La Vang, Quảng Trị:

“Năm nay, 1927, La Vang không kiệu ảnh Đức Bà vì có ý để sang năm làm phép nhà thờ mới kiệu luôn thể”(15).

 ——————————————————————

(1) René Morineau, Missionnaire Apostolique, Quảng Trị: Thư kêu gọi. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 816, ngày 13-11-1924, tr.709-710.

(2) Hồi ký viết tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế ngày 5-8-1993. Tư liệu của Lê Thiện Sĩ. Xem thêm: Linh mục Hồng Phúc (CSsR): Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam, tr.122.

(3) Hồi ký viết tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế ngày 5-8-1993. Tư liệu của Lê Thiện Sĩ.

(4) Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 856, ngày 27-8-1925, tr.534.

(5)Hồi ký viết tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế ngày 5-8-1993.Tư liệu của Lê Thiện Sĩ.

(6)Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.147.

(7) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.142.

(8) Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 880, ngày 11-2-1926, tr.88.

(9) Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 900, ngày 8-7-1926, tr.408.

(10) Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 902, ngày 22-7-1926, tr.439.

(11)Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 905, ngày 12-8-1926, tr.481.

(12)Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 961, ngày 15-9-1927, tr.567.

(13)Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 958, ngày 25-8-1927, tr.520.

(14)Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 956, ngày 11-8-1927, tr.490.

(15) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.72.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 9 – Phần I về máy tính