Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 4 – Chương 19 – Phần 1

02/08/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 4

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ

A. GIỚI THIỆU ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ.

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ.

Ngược dòng lịch sử Giáo phận Huế, năm 1883, Văn Thân cực đoan mở khúc dạo đầu thảm sát các giáo xứ vùng nam tây nam Giáo phận Huế. Giáo dân Huế hoảng hốt rời quê đi lánh nạn.

Tại họ đạo Nho Lâm, quê hương thánh Tử Đạo Micae Hồ Đình Hy, cụ bà Isave đưa hai con Phaolô Nguyễn Như Lập và Nguyễn Thị Như Lan trốn ra Quảng Trị, tá túc tại giáo xứ Cây Da, tổng An Nhơn, huyện Hải Lăng (nay là xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng), tỉnh Quảng Trị.

Tại giáo xứ Cây Da, ông Phaolô Nguyễn Như Lập kết hôn với bà Anna Trần Thị Long sinh ra bảy người con: 5 trai, 2 gái. Hai trong số năm người con trai này có linh mục Philipphê Nguyễn Như Danh và bào huynh của ngài, ông Phaolô Nguyễn Như Thành.

Ông Phaolô Nguyễn Như Thành kết hôn với bà Catarina Nguyễn Thị Nhạn, em ruột linh mục Đôminicô Nguyễn Văn Trân, người Đại Lộc, sinh ra bảy người con: 3 trai, 4 gái. Một trong ba người con trai đó là Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể.

ĐỨC TGM TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ

(Ảnh: Internet)

Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể chào đời tại giáo xứ Cây Da ngày 1-12-1935. Năm 12 tuổi ngài được linh mục thúc phụ Philipphê Nguyễn Như Danh bảo trợ gởi vào Tiểu Chủng viện An Ninh khóa tháng 7-1947. Tháng 8-1955 lên Đại Chủng viện, học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn rồi Đại Chủng viện Xuân Bích – Thị Nghè. Ngày 6-1-1962 thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Đường La Vang do Đức TGM Huế Urrutia Thi truyền chức.

Trong 13 năm linh mục (1962-1975), phần lớn thời gian ngài phục vụ ở Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế, trong chức vụ giáo sư, hiệu trưởng rồi giám đốc.

Năm 1975, ngài được Tòa Thánh sắc phong Tổng Giám mục phó, hiệu tòa Tipasa xứ Mauritania, kế vị Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền. Lễ tấn phong Giám mục diễn ra tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam ngày 7-9-1975 do Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ phong. Hai Đức cha Đà Nẵng Phêrô Phạm Ngọc Chi và PX Nguyễn Quang Sách phụ phong. Năm ấy Đức tân Tổng Giám mục phó mới bước vào tuổi 40.

Sau 8 năm kề vai sát cánh cùng vị chủ chăn TGP Huế lèo lái con thuyền giáo phận trong hoàn cảnh đầy khó khăn và tế nhị, vì lý do sức khỏe, Đức Tổng Giám mục phó đã xin từ nhiệm. Ngày 21-11-1983, Tòa Thánh chấp nhận đơn xin và việc từ nhiệm được chính thức công bố tại phòng cơm Nhà Chung trưa ngày 13-4-1984 trước sự hiện diện của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền và đông đủ các linh mục Giáo phận Huế.

Tuy đã từ nhiệm chức vụ Tổng Giám mục phó nhưng ngài vẫn được Tòa Thánh tín nhiệm bổ nhiệm vào một chức vụ khác trong giáo triều: Thành viên Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, với nhiệm kỳ 5 năm. Với sự bổ nhiệm này, Đức cha Têphanô trở thành vị Giám mục Việt Nam đầu tiên là thành viên một cơ quan Trung ương của Tòa Thánh Vatican. Tháng 10-1992, Đức cha Têphanô rời Việt Nam đi tham dự khóa họp của Hội đồng Liên tôn diễn ra từ ngày 9-11 đến ngày 13-11-1992.

Năm 1994, Đức cha Têphanô được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Huế. Lễ nhậm chức diễn ra trọng thể tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam ngày 12-5-1994, với sự hiện diện, dâng thánh lễ đồng tế của bốn vị Giám mục: PX Nguyễn Quang Sách (Đà Nẵng), Alexi Phạm Văn Lộc (Kontum), Phêrô Trần Xuân Hạp (Vinh) và Phaolô Cao Đình Thuyên (Vinh), cùng 80 linh mục trong ngoài Giáo phận Huế.

Ngày 1-3-1998, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, trong sắc lệnh bổ nhiệm Đức Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, đã viết những dòng đầy cảm kích:

“Thân gởi lời chào và Phép lành Tòa Thánh đến hiền đệ đáng kính Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám mục hiệu tòa Tipasa, xứ Mauritania và Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Huế – thừa lệnh Tòa Thánh trong khi trống tòa – đã được nâng lên chức vụ Tổng Giám mục Huế.

Lòng ưu ái đặc biệt mà tôi dành ngay từ lúc ban đầu cho dân tộc Việt Nam thân yêu ngày nay lại càng thôi thúc tôi quan tâm đến giáo đoàn Huế của đất nước này… Tôi không ngần ngại thể theo ý kiến của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc mà vui lòng chấp nhận và lấy Tông quyền của tôi mà đặt hiền đệ từ nay chính thức làm Tổng Giám mục Huế, đồng thời ban cho hiền đệ mọi đặc quyền theo luật định, kèm theo những phận sự và công tác mà giáo luật liên kết với chức vụ của một vị bản quyền Tổng Giám mục…”.

Ngày 9-4-1998, tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, nghi lễ nhậm chức Tổng Giám mục của Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã được cử hành long trọng trước sự hiện diện của linh mục đoàn, quý tu sĩ nam nữ các hội dòng, đông đảo giáo dân, khách mời và đại diện các tôn giáo bạn.

Khẩu hiệu của Đức Tổng Giám mục Têphanô: “ĐỂ CHO TRẦN GIAN ĐƯỢC SỐNG DỒI DÀO” (PRO MUNDI VITA).

II. ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ – NGƯỜI ĐỘT PHÁ HỘI NHẬP VĂN HÓA LỄ HỘI LA VANG, TỔ CHỨC THÀNH CÔNG RỰC RỠ CÁC KỲ ĐẠI LỄ, ĐẠI HỘI LA VANG VÀ MỞ RỘNG CÁNH CỬA LA VANG RA VỚI GIÁO HỘI TOÀN CẦU.

1. Đột phá hội nhập văn hóa lễ hội La Vang.

Nói cho công bằng, hội nhập văn hóa bản địa trong lễ hội La Vang đã có từ những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đơn giản và sơ sài, trước sau cũng chỉ dừng ở những hình thức liễn đối, lọng tàn, cờ phướn, quân lính, kiệu phu và bàn kiệu sơn son thếp vàng.

Đến cuối thế kỷ XX, thời Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, từ Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm 1998, việc hội nhập văn hóa có bước đột phá mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn, quy mô hơn, nhưng vẫn giữ được sự hài hòa giữa hành hương và lễ hội.

– Không loại bỏ những hình thức đã được hội nhập từ trước.

– Thêm một số hạng mục khác như Lễ đài mang dáng dấp đàn tế Nam Giao.

– Chủ tế niệm hương theo nghi lễ cung đình.

– Lễ vật trong thánh lễ mang hương vị ba miền đất nước: hồng đào (miền Bắc), thanh trúc (miền Trung), hoàng mai (miền Nam)…

– Đặc biệt gây ấn tượng là thánh tượng Đức Mẹ La Vang rất Việt Nam. Đấng hiền mẫu vừa từ ái vừa uy nghi. Chân dung bậc mẫu nghi thiên hạ. Bức thánh tượng hội nhập này đã một thời gây ngỡ ngàng cho những tín hữu vốn quen với ảnh tượng cũ. Bây giờ thì khác, nhất là từ khi bức tượng Thánh Mẫu La Vang bằng đá bán quý được thay thế bức tượng cũ cùng kiểu dáng, mọi người mạnh mẽ chấp nhận như một báu vật linh thiêng không thể thiếu tại La Vang. Hiện nay, lan tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước, hầu hết các giáo xứ Việt Nam đều rước mẫu thánh tượng này về tôn kính tại giáo xứ mình, và nhiều cá nhân, đoàn thể đi hành hương tranh nhau đến gần nhìn ngắm tượng Mẹ, nhiều người còn chụp ảnh làm hình nền điện thoại để mỗi ngày chiêm ngưỡng.

– Và, cũng từ ý tưởng hội nhập văn hóa mạnh mẽ của Đức Tổng Têphanô mà Ủy ban Nghệ thuật thánh của HĐGMVN đã chọn Đồ án Thiết kế Vương Cung Thánh Đường La Vang theo mẫu đình làng, dù biết sự lựa chọn này không khỏi gây chút ngỡ ngàng nơi các tín hữu vốn quen nhìn nhà thờ theo lối kiến trúc phương Tây.

“Bất cứ sự lựa chọn nào cũng bao hàm một định hướng, một giới hạn, không thể đáp ứng hết mọi quan điểm, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật”(1)

Vương Cung Thánh Đường La Vang, thánh tượng Đức Mẹ La Vang có lẽ cũng không ngoại lệ. Nhưng hội nhập văn hóa dân tộc sẽ là điều tất yếu nếu mọi tín hữu đồng thuận theo con đường mà HĐGMVN đã vạch ra: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

2. Tổ chức thành công rực rỡ các kỳ Đại lễ, Đại hội.

Sẽ là rất thiếu sót nếu không nói đến tâm huyết của Đức Tổng Têphanô đã tổ chức thành công rực rỡ 6 kỳ Đại hội (24/1996, 25/1999, 26/2002, 27/2005, 28/2008, 29/2011 – Bế mạc Năm Thánh) và 3 kỳ Đại lễ (Khai mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang, tháng 1-1998; Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, tháng 8-1998; Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang, 2001), thu hút mỗi lần hàng chục vị Giám mục, hàng trăm linh mục, hàng ngàn tu sĩ, chủng sinh và hàng trăm ngàn người lương giáo hành hương về bên Mẹ La Vang. Chưa kể việc tổ chức thành công không kém hàng chục kỳ Hành hương thường niên, kiệu Minh niên và các ngày Lễ Đức Mẹ quanh năm.

Quả đúng như lời phát biểu của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch HĐGMVN, dịp bế mạc Đại hội La Vang 25: “Đại hội rất quy mô, hiện đại, chu đáo và thành công. Một Đại hội lớn lao chưa từng thấy trong sinh hoạt của Hội Thánh Việt Nam”…

Từ sự thành công này, La Vang trở thành điểm hội ngộ của con cái Mẹ từ khắp bốn phương trời. La Vang không còn là của riêng của Tổng Giáo phận Huế nữa mà là của chung của Giáo hội Việt Nam, và cánh cửa La Vang đang mở rộng ra với Giáo hội toàn cầu.

3. Mở rộng cánh cửa La Vang ra với Giáo hội toàn cầu.

Nếu Đức cha Caspar là người có công trong việc vén bức màn bí mật La Vang sau 100 năm im hơi lặng tiếng về sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, thì Đức Tổng Têphanô là người có công mở rộng cánh cửa La Vang để giới thiệu Đức Mẹ La Vang với các vị cha chung của Giáo hội và với Giáo hội toàn cầu.

Hai vị cha chung của Giáo hội, ĐGH Gioan Phaolô II và ĐGH Bênêđictô XVI hằng quan tâm đến Giáo hội Việt Nam. Các ngài luôn nhắc đến Đức Mẹ La Vang và phó thác Giáo hội Việt Nam cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Đấng phù hộ Giáo hội tại Việt Nam. Ban sứ điệp, huấn dụ và cử Đặc sứ đến chủ tọa những dịp Đại lễ tại Thánh địa La Vang. Riệng ĐTC Gioan Phaolô II còn ưu ái ban sắc lệnh chấp thuận Thánh lễ và các Bài đọc tôn kính Đức Maria sử dụng tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang bằng tiếng La Tinh và tiếng Việt. Từ đây, trong lịch Công giáo, sách lễ và phụng vụ toàn cầu sẽ có phần dành riêng để kính Đức Mẹ La Vang.

Tất cả những ưu ái của các vị cha chung đã khiến danh tiếng Đức Mẹ La Vang vượt ranh giới Việt Nam đến với Giáo hội toàn cầu. Nhờ đó các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… biết đến La Vang nhiều hơn, thường xuyên có phái đoàn đến kính viếng Đức Mẹ La Vang.

B. ĐẠI LỄ KHAI MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG (1-1-1998).

I. HƯỚNG VỀ NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG. ĐẠI LỄ KHAI MẠC NGÀY 1-1-1998.

1. Tòa Thánh ban phép mở Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Ngày 20-10-1997, Đức Hồng y Todeschini, thay mặt Đức Hồng y Chánh án Tòa Xá Giải Tối Cao Villelmus Baum, thừa lệnh đặc biệt của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã ký văn thư số Prot. No 99/97/1 gởi Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN, cùng với Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông tòa TGP Huế, ban phép mở Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998).

(Xem toàn bộ bản văn ở Chương 22).

2. Sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Ngày 16-12-1997, trước ngày khai mạc Năm Toàn Xá hai tuần, ĐTC Gioan Phaolô II đã ưu ái gởi sứ điệp đến HĐGMVN và cộng đồng Dân Chúa Việt Nam để “Nhiệt tình chung vui và tạ ơn Thiên Chúa với các Giám mục Việt Nam và các tín hữu trong giáo phận các ngài”…

(Xem toàn bộ sứ điệp ở Chương 22).

3. Thư của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN và Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể gởi các linh mục và cộng đồng Dân Chúa nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Thân gởi: Các cha, các nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo hữu Việt Nam thân mến,

Trong “Thư của HĐGMVN gởi cộng đồng Dân Chúa nhân dịp hội nghị thường niên 1997” đề ngày 11-10-1997, Hội đồng Giám mục chúng tôi đã viết:

“Năm 1998 sắp tới là năm đặc biệt đối với tất cả chúng ta. Giáo hội Việt Nam sẽ mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998), an ủi phù hộ các giáo hữu trong cơn thử thách. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhắc đến biến cố trọng đại này và phó dâng Giáo hội Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang. Hiệp với vị cha chung, chúng tôi tha thiết mời gọi anh chị em đi vào năm ân sủng này với tất cả lòng hiếu thảo mến yêu Mẹ Maria, và hân hoan bước theo Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin chan hòa yêu thương và hy vọng. Xin Mẹ dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ hôm qua, hôm nay và mãi muôn đời”.

Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang là một biến cố tôn giáo trọng đại, là lễ chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Ngày 20-10-1997, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban phép mở Năm Toàn Xá cho toàn thể cộng đồng tín hữu Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998).

Mục đích của Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang này là giúp mọi người tín hữu sám hối, đổi mới đời sống, học hỏi và noi gương Mẹ Maria và nhờ Mẹ mà đón nhận hồng ân Toàn Xá.

Chủ đề của Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang: Cùng Mẹ La Vang tiến về Năm Thánh Cứu độ 2000.

Chủ đề này được triển khai theo tinh thần và nội dung tông thư “Tiến về ngàn năm thứ ba” của ĐTC Gioan Phaolô II, gồm các đề tài chính như sau:

a/ Sống đức tin theo gương Mẹ Maria.

b/ Sống đức phó thác (cậy trông) theo gương Mẹ Maria.

c/ Sống đức mến theo gương Mẹ Maria.

d/ Sự tích và ý nghĩa biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang (1998-1999) được khai mạc trọng thể tại Thánh địa La Vang lúc 9 giờ ngày 1-1-1998 và bế mạc ngày 15-8-1999.

Tam nhật Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang được cử hành từ ngày 13 đến 15-8-1998 tại Thánh địa La Vang để tạ ơn Đức Mẹ.

Chúng tôi tin tưởng với lòng hiếu thảo mến yêu Mẹ La Vang, cùng với sự hưởng ứng tham gia tích cực của mọi thành phần Dân Chúa, Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang sẽ được cử hành long trọng và thánh thiện, đem lại nhiều ơn ích cho mọi người, cho Giáo hội, cho quê hương Việt Nam để Đức Mẹ được chúc tụng và Thiên Chúa Ba Ngôi được tôn vinh.

Xin Đức Mẹ La Vang chúc phúc lành cho Đại lễ kỷ niệm này.

Hà Nội ngày 8 tháng 12 năm 1997,

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng,

Tổng Giám mục Hà Nội.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể,

Giám quản Tông Tòa Huế.

4. Kinh Thánh Mẫu La Vang.

Cùng ngày 8-12-1997, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông tòa Huế, đã ban phép Imprimatur kinh Thánh Mẫu La Vang:

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang, muôn vàn thần thánh không ai sánh bằng.

Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng cứu độ muôn loài.

Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.

Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng, ơn phần hồn, ơn phần xác, người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài.

Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông và sau cuộc đời này xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.

 

5. Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể nói về Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

a/ Trong dịp lễ nhậm chức Tổng Giám mục Huế của Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể(2):

“Năm nay Giáo hội Việt Nam cử hành mừng Lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Tổng Giáo phận Huế chúng ta được diễm phúc có Mẹ La Vang ở kề cạnh. Chúng ta xin gởi gắm hết mọi tâm tư, nguyện vọng cho Mẹ La Vang, Mẹ phù hộ các giáo hữu. Xin Mẹ quy tụ chúng ta, thức tỉnh chúng ta, chăm sóc tinh thần đại gia đình này, đồng hành với chúng ta trong cuộc sống và sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Cùng Mẹ La Vang tiến về Năm Đại Toàn Xá 2000”.

b/ Trong bài phát biểu của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể trước Đại lễ kỷ niệm(3):

“Đối với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thì La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc, mang một ý nghĩa cực kỳ to lớn về tinh thần, về niềm tin, về lòng sùng đạo, về lòng yêu mến Đức Mẹ Chúa Trời của mỗi người tín hữu Việt Nam, quốc nội cũng như hải ngoại, về sự phù hộ của Đức Mẹ La Vang đối với người lương cũng như người giáo.

Năm 1998, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thành kính và long trọng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang với Năm Toàn Xá đặc biệt kéo dài từ ngày 1-1-1998 đến ngày 15-8-1999”.

II. ĐẠI LỄ KHAI MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG NGÀY 1-1-1998.

1. Triều thiên, dấu ấn và hồng ân(4).

Ngày 1-1-1998 là ngày khai mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang.

Tổng Giáo phận Huế dưới sự lãnh đạo của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, với gần 70 linh mục triều và dòng, trên 400 nam nữ tu sĩ và hơn 50 ngàn giáo dân…

La Vang khô cằn, La Vang hoang vu lại chứng kiến một cuộc biểu dương lòng tin, tình yêu đối với Mẹ Maria và sự hiệp nhất huynh đệ với nhau, với mọi thành phần trong 25 giáo phận của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

25 bàn kiệu Đức Mẹ La Vang, tượng trưng cho 25 giáo phận từ nam chí bắc được nghinh rước trọng thể qua Quảng trường Mân Côi, trước sự tham dự của cả vạn người.

Đức TGM Huế đã làm phép các bức tượng sẽ được đưa về tôn kính tại các giáo phận.

Phải chăng điều đó muốn nói lên sự hiện diện của Đức Mẹ trên khắp mọi miền đất nước, đồng thời cũng tuyên xưng rằng: Giáo hội Công giáo Việt Nam với tính cách là một tập thể Dân Chúa cũng như từng người Công giáo đều hết lòng mến yêu và tín thác nơi Mẹ Maria, Mẹ La Vang, Đấng phù hộ các giáo hữu.

Lòng yêu mến cậy trông ấy đã có bảo chứng của 200 năm lịch sử La Vang qua mọi biến cố.

Không những Giáo hội Việt Nam, từ các vị Giám mục đến giáo dân Trung Nam Bắc, đều một lòng tin tưởng vào sự hiện diện đặc biệt của Đức Mẹ La Vang, mà chính Đấng kế vị Thánh Phêrô, từ Đức Thánh cha Gioan XXIII đến vị Giáo hoàng của thời đại này, Đức Gioan Phaolô II, đã hằng tỏ lòng tha thiết tôn sùng Đức Mẹ dưới tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu tại La Vang.

Đức Gioan Phaolô II không bỏ qua một dịp thuận tiện nào mà không nhắc đến Đức Mẹ La Vang, khởi đầu từ Đại lễ phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam, ngày 19-6-1988.

Ngày 25-11-1992, trong buổi triều yết chung, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã nói:

“Sự hiện diện của Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể nhắc nhở cho tôi nhớ đến Đức Mẹ tại La Vang, thuộc Tổng Giáo phận Huế, miền Trung Việt Nam.

Tôi nhớ đến Đức Mẹ La Vang. Tôi phó dâng cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cho Thánh Nữ Đồng Trinh, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, đã được sùng kính gần 200 năm tại nơi này, với niềm mong ước cộng đồng Dân Chúa nơi đây được sống và lớn lên trong tự do và bình an, để có thể góp phần vào việc xây dựng phồn vinh xã hội và phát triển đất nước”.

Ngày 15-8-1993, ĐTC Gioan Phaolô II lại nói:

“Cha phó thác toàn thể cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang. Mẹ là Mẹ hiền mẫu đã hiện ra năm 1798 để an ủi con cái đang bị bách hại đời vua Cảnh Thịnh.

Không bao lâu nữa, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, một Giáo hội đã được thánh hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, sẽ được long trọng mừng kỷ niệm 200 năm biến cố này”.

Trong buổi triều yết ngày 26-10-1994, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II hướng về Việt Nam:

“Đang lúc Giáo hội Việt Nam chuẩn bị mừng 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, tôi mời anh chị em đào sâu đức tin và hiệp thông với tín hữu trong đất nước anh em, để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ Việt Nam mai sau”.

Ngày 14-12-1996, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nói với các vị Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ:

“Cha phó thác anh em cho sự phù trợ che chở của Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ La Vang mà anh em sắp kỷ niệm vào ngày 15-8-1998 này”.

Cuối cùng, như triều thiên và dấu ấn trên sự kiện La Vang, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã ưu ái ban Năm Toàn Xá từ ngày 1-1-1998 đến ngày 15-8-1999 cho những ai đến kính viếng Linh địa này, và 10 ngày, tùy quyết định của mỗi Giám mục của mỗi địa phương cho mỗi địa phận.

Đức Thánh cha đã nói đến những “thống khổ thể xác và tâm hồn”, đến những thử thách lớn lao đã đánh dấu dòng lịch sử của La Vang, nay đã trở thành Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc.

Ngài nói:

“Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân đều yêu thích tìm được nơi đây sự hiện diện niềm nở của Mẹ, Đấng ban cho họ đầy đủ can đảm để làm chứng tuyệt vời đời sống Kitô hữu trong những hoàn cảnh lắm lúc khó khăn. Tôi chúc tụng Thiên Chúa đã không bao giờ bỏ rơi đoàn dân tìm kiếm Ngài, và với sự phù trợ hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn dân này trong những ngày hạnh phúc cũng như trong những lúc khốn đốn…

Tôi đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành hương về La Vang và tha thiết khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại cho toàn thể dân tộc Việt Nam”.

La Vang 200 năm lịch sử đã gắn liền với núi sông Việt Nam, và cả thế giới đã biết đến như một nơi linh thiêng, biểu tượng của lòng tin và đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Đức Mẹ La Vang được tôn kính là Mẹ Việt Nam, và Linh địa La Vang đã trở nên Đất Mẹ, đền thờ La Vang là đền thờ khấn dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Qua những lời khích lệ, nhắn nhủ đầy ưu ái của các vị Giáo hoàng, La Vang đã được cả thế giới biết đến là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc Việt Nam, lương cũng như giáo, nơi con cái Mẹ trên năm châu bốn bể tìm về để cảm nghiệm được sự hiện diện hiền mẫu của Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu, Đấng đã đến giữa đoàn con khốn khổ để an ủi, khích lệ và cứu giúp.

La Vang sống trong lòng người đã 200 năm nay, vì La Vang vẫn là nơi Mẹ đến và hằng tiếp tục thi thố ơn lành hồn xác cho những ai có lòng cậy trông, đúng như lời Mẹ đã hứa với tiền bối cách đây hai thế kỷ.

La Vang là hồng ân trải dài 200 năm, là toàn xá ơn Cứu Độ và là lời kinh dài hai thế kỷ mà các thế hệ hằng liên tục duy trì, dầu trải qua cấm cách bách hại, giữa bao xáo trộn lịch sử, qua mọi chính thể, với nhiều cuộc chiến tranh kéo dài và ngay cả trong đổ nát, hoang tàn.

La Vang đang được khôi phục để đón chào hàng ngàn người về đây mỗi ngày và cả mấy trăm ngàn người sẽ hướng bước hành hương trong những ngày trọng đại mừng kỷ niệm 200 năm và trong các cuộc Hành hương, Đại hội.

La Vang được tái thiết, bởi vì lòng yêu mến và cậy trông của mọi người vẫn luôn sống động, lòng yêu mến và cậy trông là nền móng của mọi cuộc sống và xây dựng.

Đối với mọi người, bất phân tôn giáo, tín ngưỡng và chủ thuyết, La Vang là sự hiện diện của Người Mẹ, La Vang là biểu tượng của tình Mẫu Tử, Sự hiện diện của Người Mẹ và tình Mẫu Tử không bao giờ phai nhạt, bởi vì Đức Maria chính thật là Mẹ của mọi người, Mẹ của Đấng Thiên Chúa tình thương, gần gũi và cứu độ.

2. Lễ vật dâng lên Mẹ La Vang:

Trong nghi thức khai mạc, trước khi cử hành thánh lễ đồng tế, đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam lần lượt tiến lên Lễ đài dâng Mẹ La Vang lễ vật tượng trưng con cái ba miền:

– Miền Bắc với lễ vật chậu hồng đào.

– Miền Trung với lễ vật chậu thanh trúc.

– Miền Nam với lễ vật chậu hoàng mai.

Đây, hoa ba miền dâng Mẹ(5):

HỒNG ĐÀO

Quà xuân đại đế mừng công chúa(6),

Hồng đào tuyệt sắc đỏ môi tiên.

Cung nghênh đài Mẹ, Năm Toán Xá,

Nụ hồng, hoa thắm, đóa Minh Niên.

THANH TRÚC

Quê Mẹ đất cằn, hoa khiêm tốn,

Trúc xanh gầy guộc, lá li ti.

Đan tâm, thanh dạ hoa Nguyên đán,

Chẳng chút kiêu sa, chẳng cao kỳ.

HOÀNG MAI

Trời đất xuân phân mùa đại tế,

Một sắc hoàng mai triệu cánh vàng.

Rực rỡ Linh đài hoa cúng lễ,

Mai vàng, xuân thắm – Mẹ La Vang.

3. Phóng sự Lễ Khai mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang(7):

“Sau kỳ họp thường niên năm 1997, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gởi Thư Chung đến cộng đồng Dân Chúa, trong đó có đoạn quan trọng như sau:

‘Năm 1998 Giáo hội Việt Nam sẽ mừng Lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La vang (1798-1998), Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã từng nhắc đến biến cố trọng đại này, và phó dâng Giáo hội Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang.

Hiệp ý với vị cha chung, Hội đồng Giám mục Việt Nam tha thiết mời gọi anh chị em đi vào năm ân sủng này với tất cả lòng hiếu thảo, mến yêu Mẹ Maria, và hân hoan bước theo Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin, chan hòa yêu thương và hy vọng. Xin Mẹ dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu, Đấng cứu độ hôm qua, hôm nay và mãi muôn đời’.

Sau đó, để tạo cho mọi tín hữu có điều kiện thanh luyện tâm hồn trong sạch, canh tân đời sống hầu xứng đáng mừng kính Đức Mẹ, Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng với Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông tòa Huế đã đệ đơn xin Đức Thánh cha ban ơn Toàn Xá cho Giáo hội Việt Nam.

Nguyện vọng trên đây đã được chấp nhận qua sắc chỉ của Tòa Xá Giải Tối Cao, thừa lệnh đặc biệt của Đức Thánh cha, ban hành ngày 20-10-1997, theo đó Giáo hội Việt Nam được hưởng ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Mẫu La Vang, kể từ ngày 1-1-1998 đến ngày 15-8-1999.

Lễ Khai mạc Năm Toàn Xá đã được tổ chức vô cùng trọng thể tại Thánh địa La Vang vào ngày đầu năm dương lịch 1-1-1998 do Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, thừa ủy nhiệm Hội đồng Giám mục Việt Nam làm chủ lễ, với gần 100 linh mục đồng tế, cùng sự hiện diện đông đảo các đại chủng sinh, nam nữ tu sĩ và khoảng mười ngàn giáo dân Huế, cùng nhiều khách hành hương đến từ các giáo phận khác.

Đặc biệt, 25 giáo phận trong toàn quốc đều có cử phái đoàn đến tham dự để cùng chung tiếng hát, lời kinh ca ngợi tôn vinh Đức Mẹ là Thánh Mẫu La Vang và nhận lãnh ơn Toàn Xá của Thiên Chúa, qua Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, nhân ngày hồng phúc trọng đại này.

Sau đó thánh tượng Đức Mẹ La Vang được các giáo phận cung thỉnh về để tổ chức những nghi lễ tôn kính, để các giáo hữu được dịp lãnh nhận ơn Toàn Xá như sắc chỉ của Tòa Thánh đã quy định.

Riêng hai Tổng Giáo phận Hà Nội và Sài Gòn, có hai linh mục đại diện, đã cùng với linh mục Tổng đại diện Huế niệm hương trước Linh đài Đức Mẹ và dâng lên Mẹ lễ vật ba miền Bắc Trung Nam, trước khi cử hành thánh lễ.

Chương trình Lễ Khai mạc Năm Toàn Xá gồm hai phần. Trước hết là phần nghi thức, khai mở biểu tượng Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang trước Linh đài. Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể cắt băng khai mở biểu tượng là hình chim bồ câu trên thảm vải màu xanh có dòng chữ: Thánh Thần – Tình Yêu – Sự Sống, được một chùm bong bóng bay đủ màu đưa từ mặt đất lên tận đỉnh tháp chuông.

Cùng lúc ấy âm thanh vang dội từ lời ca của hàng vạn khách hành hương:

‘Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông,

Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,

Oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận…’

Hàng ngàn chiếc bong bóng bay khác đủ màu sắc, cùng với 200 chim bồ câu được thả lên không trung, tung cánh bay trong bầu trời xanh thấp thoáng những đám mây bạc.

Phần tiếp theo là những vũ khúc dân gian ba miền đất nước do 200 thiếu nữ diễn xuất rất duyên dáng dâng kính Đức Mẹ trong ngày hội đáng ghi nhớ này.

Chương trình được tiếp nối bằng cuộc rước kiệu Đức Mẹ quanh Quảng trường Mân Côi và tiến về Linh đài.

Bằng giọng Huế dịu dàng nhưng rất hùng hồn, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể đọc bài diễn văn khai mạc, có đoạn như sau:

‘Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng và yêu thương vô cùng; để chúc tụng Đức Mẹ hằng thi ân giáng phúc suốt dòng lịch sử 200 năm kể từ ngày Mẹ hiện ra tại La Vang, cứu giúp độ trì tổ tiên lương giáo; để toàn thể Hội Thánh Công giáo Việt Nam được Mẹ La Vang bảo trợ cách đặc biệt; để đức tin, đức cậy, đức mến được triển nở phong phú hơn trong đời sống hằng ngày của các tín hữu; để chuẩn bị tâm hồn mọi người đón nhận dồi dào hồng ân Năm Thánh Cứu Độ 2000 sắp tới.

Nhân danh Hội Thánh Công giáo Việt Nam, cùng tất cả Giám mục Việt Nam, trong niềm tri ân Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, tôi long trọng tuyên bố khai mạc Năm Toàn Xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang’.

Sau một tràng pháo tay tán thưởng, tất cả mọi người sốt sắng hiệp dâng thánh lễ.

Đức TGM chủ tế chia sẻ trong bài giảng lễ:

‘Hôm nay toàn thể Giáo hội Việt Nam thật sự đã đi vào năm ân sủng. Chúng ta hiện diện nơi đây, thay mặt cho các tín hữu Việt Nam trong nước và hải ngoại, cử hành nghi thức và thánh lễ khai mạc Năm Toàn Xá, năm hồng ân kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Ngày trọng đại hôm nay được đặt dưới nhiều dấu chỉ chan chứa vui mừng và hy vọng…

Ý nghĩa và mục đích của Năm Toàn Xá là một lời kinh dài suốt năm ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một Người Mẹ linh thiêng, cao cả, gần gũi với dáng dấp rất dân tộc, rất Việt Nam: Đó là Mẹ La Vang hiển linh, dịu dàng trên đám cỏ, dưới gốc cây đa đại thụ cách đây 200 năm, và luôn đồng hành với con cái trên các nẻo đường dương thế’.

Buổi lễ kết thúc sau phần cảm tạ của linh mục Quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại. Mọi người hân hoan lãnh nhận Phép lành Tòa Thánh do Đức TGM chủ tế ban nhân ngày khai mạc Năm Toàn Xá.

Chia tay tạm biệt, hẹn gặp nhau tại Đất Mẹ La Vang trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 năm vào tháng 8-1998”.

——————————————————————————–

(1) Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, GM Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh trực thuộc HĐGMVN: Lời giới thiệu. Trích trong Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. 15-8-2012.

(2)Tòa Tổng Giám mục Huế: ̃ nhậm chức của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể. Lưu hành nội bộ, tr.29.

(3) Trích bài phát biểu của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể. Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1195 + 1196, tr.21.

(4) Lm. Nguyễn Tự Do (CSsR): Đức Mẹ La Vang 200 năm. Lưu hành nội bộ, tr.197-201.

(5) Trần Quang Chu: Tập thơ La Vang quê Mẹ trong trái tim. In lần 2, tr.32-33.

(6) Sau đại thắng quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa cành đào.

(7) Trần Quỳ: Lễ Khai mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang. Báo Chính nghĩa. San Jose. CA. USA.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 19 – Phần 1