Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 5: Linh hứng trong Kinh Thánh

15/05/2023

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

********************

BÀI 5

LINH HỨNG TRONG KINH THÁNH

Để một cuốn sách được chân nhận là quy điển Kinh Thánh (x. Bài 1), thì những gì được viết trong sách đó phải được linh hứng. Vì chưng, Công đồng Vatican II dạy: “Giáo hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ sách Cựu ước cũng như Tân ước với tất cả các thành phần đều là Sách Thánh và được ghi vào bản Kinh Thánh chính lục: do được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,31; 2 Tm 3,16; 2 Pr 1,19-21; 3,15-16) nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy.” (Dei Verbum 11). Vậy thế nào là linh hứng ? Đâu là mối tương quan giữa vai trò của Chúa Thánh Thần và công việc của các tác giả nhân loại biên soạn Kinh Thánh ?

Linh hứng là đề tài rất rộng lớn liên hệ không chỉ trong khoa Kinh Thánh mà còn trong khoa Thần học Tín lý. Trong khuôn khổ bài này, chúng ta không cố ý làm một khảo luận chuyên sâu về đề tài linh hứng, nhưng chỉ đưa ra một vài kiến thức cơ bản vắn gọn.

I. LINH HỨNG LÀ GÌ ?

Theo Từ điển Công giáo, “Linh hứng là việc chính Chúa Thánh Thần mặc khải, hướng dẫn các tác giả nhân loại suy nghĩ, soạn thảo, phát ngôn, và biên tập các chân lý được mặc khải thành bản văn Kinh Thánh”[1].

Dựa vào định nghĩa, chúng ta không thấy nơi nào trong Cựu ước đề cập minh nhiên về linh hứng. Tuy nhiên, có nhiều đoạn ám chỉ đến việc lời được linh hứng. Ví dụ, chính dựa vào mệnh lệnh của Thiên Chúa mà Môsê viết cuốn sách Giao ước (Xh 24,4tt; 34,27) và Giêrêmia ghi lại các lời sấm của Thiên Chúa (Gr 30,2; 36,2).

Chúa Giêsu ám chỉ đến việc linh hứng khi quy chiếu Cựu ước và trích dẫn Cựu ước như là Lời của Chúa (Mt 22,31; Mc 7,13; Ga 10,34tt), là Lời phải được hoàn tất (Mt 26,54; Lc 24,44tt). Theo các Thánh Tông đồ, Chúa Thánh Thần đã nói qua miệng các ngôn sứ (2 Pr 1,21), cụ thể qua vua Đavit (Cv 1,16; 4,25) và qua ngôn sứ Isaia (Cv 28,25). Thánh Phaolô lập luận rằng Kinh Thánh có uy quyền thần linh: Rm 3,2; 1 Cr 14,21; Dt 3,7; 10,15 vv.

Duy nhất và rõ ràng trong Kinh Thánh, Thánh Phaolô xác định việc linh hứng trong Kinh Thánh bằng từ theopneustos liên hệ đến hơi thở pneuma : “Toàn bộ Kinh Thánh đều được linh hứng (theopneustos: Thiên Chúa thổi hơi) và sinh hữu ích cho việc giảng dạy, xác tín, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính” (2 Tm 3,16).

Danh hiệu Ngôi Ba Thiên Chúa – Thánh Thần – được hình tượng hóa là hơi thở (ruah, pneuma) của Thiên Chúa. Linh hứng – Thiên Chúa thổi hơi – là hoặc động mặc khải của Chúa Thánh Thần trên các tác giả nhân loại biên soạn Kinh Thánh.

II. NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM HOẶC LỖI THỜI VỀ BẢN CHẤT LINH HỨNG

Đã có nhiều quan niệm khác nhau về bản chất Linh hứng ở các câu chữ Kinh Thánh. Trong số đó, có những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời cốt tại xem nhẹ vai trò của Chúa Thánh Thần hoặc vai trò các tác giả nhân loại như các quan niệm sau đây:

Xem nhẹ vai trò của Chúa Thánh Thần:

Linh hứng được hiểu như là sự chuẩn nhận của Thiên Chúa sau khi nội dung được chép ra. Trước hết, các tác giả nhân loại biên soạn nội dung các cuốn Kinh Thánh, sau đó các cuốn sách này được Thiên Chúa chuẩn nhận như thể là được phép imprimatur trong việc ấn hành các sách Công giáo mà chúng ta hay đọc thấy thời nay.

Xem nhẹ vai trò của các tác giả nhân loại:

– Thiên Chúa là tác giả chính yếu, còn con người là tác giả dụng cụ hay phụ tùy.

– Kinh Thánh là bản văn được Chúa Thánh Thần chủ động đọc cho các tác giả nhân loại thụ động chép từng chữ: Linh hứng được hiểu như là đọc cho viết[2].

Quan niệm khác:

– Linh hứng chỉ trong một phần Kinh Thánh, chứ không linh hứng trong toàn bộ[3].

III. HIỂU ĐÚNG VỀ BẢN CHẤT LINH HỨNG

Trong lịch sử Giáo hội từ thời Giáo phụ, đã có nhiều quan niệm khác nhau về linh hứng trong Kinh Thánh. Nhưng đến năm 1893 với thông điệp Providentissimus Deus, chúng ta mới có một xác định rõ hơn về bản chất của linh hứng trong đó vai trò của các tác giả nhân loại biên soạn được lưu ý:

Thật vậy, nhờ uy quyền siêu nhiên, Thiên Chúa đã thúc đẩy họ (tức là các tác giả biên soạn Kinh Thánh) và thúc giục họ viết ra. Ngài giúp đỡ họ trong khi họ viết theo mức độ mà họ hiểu đúng. Rồi họ muốn viết những điều ấy một cách trung thành, và đưa ra những diễn tả, phù hợp với chân lý bất khả ngộ, tất cả những gì mà Ngài ra lệnh cho họ viết, và chỉ những điều ấy mà thôi. Nếu không, chúng ta không thể nói rằng họ là tác giả của toàn bộ Kinh Thánh” (Providentissimus Deus).

Thông điệp đề cập đến tầm quan trọng của hai vai trò trong linh hứng:

– Thiên Chúa chủ động thúc đẩy cho con người viết ra điều Thiên Chúa muốn và chỉ những điều đó mà thôi.

– Tác giả nhân loại ý thức và tự do đón nhận chân lý được thúc đẩy và đã diễn tả thích hợp chân lý đó theo cách của mình.

Đây là quan niệm mới mẻ và rõ ràng so với trước đây về hai vai trò tác nhân trong linh hứng. Quan niệm này về sau được Công đồng Vatican II nhấn mạnh:

Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. (…) Bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,31; 2 Tm 3,16; 2 Pr 1,19-21; 3,15-16), tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa và được lưu truyền cho Giáo hội với tình trạng như vậy. Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, là những tác giả đích thực[4], họ viết ra tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó mà thôi.” (Dei Verbum 11)

Công đồng Vatican II xác định Chúa Thánh Thần là tác giả các các sách Kinh Thánh, nhưng không nói Ngài là tác giả chính, vì như thế sẽ làm giảm vai trò của các tác giả nhân loại. Công đồng tránh gọi các tác giả nhân loại là “dụng cụ” của Chúa Thánh Thần, vì như vậy thì quá thụ động, nhưng xác định là các ngài được Chúa Thánh Thần chọn và sử dụng để Ngài hành động trong khả năng và phương tiện của họ trong tư cách là những tác giả đích thực (ut veri auctores).

Trong tinh thần đó, Tông huấn Verbum Domini liên tưởng đến mầu nhiệm Nhập thể để làm nổi bật vai trò của Chúa Thánh Thần và của chính các tác giả nhân loại trong việc soạn thảo Kinh Thánh: “Lời Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần” (Verbum Domini 15). Cũng như Ngôi Lời cao sang của Thiên Chúa trở thành xác phàm trong lòng Đức Maria như thế nào, thì Kinh Thánh sinh ra do Chúa Thánh Thần tác động trong Giáo hội qua các tác giả biên soạn như vậy (x. Verbum Domini 19)[5].

KẾT LUẬN

Vì được Chúa Thánh Thần linh hứng trong toàn bộ, “Kinh Thánh dạy ta cách chắn chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta” và “tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.” Chính vì thế, khi không ý thức hoặc thiếu ý thức về ơn linh hứng trong Kinh Thánh, chúng ta “rất có thể sẽ đọc Kinh Thánh như một chuyện hiếu kỳ thuộc lịch sử, chứ không như công trình của Chúa Thánh Thần, trong đó ta có thể nghe ra chính tiếng nói của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.” (Verbum Domini 19).

Qua linh hứng, lời mặc khải được diễn tả theo khả năng và phương tiện của các tác giả nhân loại, tức là theo ngôn ngữ và văn phong của các tác giả Israel thời đó. Kinh Thánh không sai lầm ! Chỉ có chúng ta hiểu sai Kinh Thánh do sự hạn hẹp của chúng ta trước lối diễn tả đa hình thể của các tác giả nhân loại về Lời mặc khải.

“Lời Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần” (Verbum Domini 15).

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 538.

[2] Lối hiểu này về linh hứng thường dựa trên hai đoạn Kinh Thánh sau đây: Thiên Chúa đặt lời của Ngài vào miệng Giêrêmia (Gr 1,9) và của Đavit (2 Sm 23,2).

[3] Quan niệm này bị Sắc lệnh “Lamentabili” của Tòa Thánh dưới thời Đức Piô X kết án (3/7/1907).

[4] Dịch chính xác ut veri auctores “là những tác giả đích thực”.

[5]Giống như Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm do tác động của Chúa Thánh Thần trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thế nào, thì Sách Thánh cũng sinh ra từ lòng Giáo hội do tác động của cùng Thánh Thần ấy. Kinh Thánh là ‘Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’. Như thế, ta nhận ra tất cả tầm quan trọng của tác giả nhân loại, người đã viết ra các bản văn linh hứng, và đồng thời, tầm quan trọng của Thiên Chúa được nhận biết là tác giả đích thật của Kinh Thánh” (Verbum Domini 19).

=> Xin nhấn vào đây để tải file dạng Word