Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 6: Các thể loại văn chương trong Kinh Thánh

02/01/2024

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

********************

BÀI 6

CÁC THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG TRONG KINH THÁNH

Mục đích của việc đọc Kinh Thánh là hiểu đúng Lời mặc khải của Chúa. Lời mặc khải ấy được các tác giả biên soạn Kinh Thánh đã hiểu và diễn tả qua những dòng chữ làm thành những cuốn sách Kinh Thánh. Những dòng chữ diễn tả mặc khải được trình bày dưới nhiều dạng thức khác nhau. Những dạng thức đó được gọi là thể loại văn chương (nói vắn: thể văn). Nhờ xét đến thể văn, chúng ta mới tìm ra được chủ ý mà tác giả biên soạn Kinh Thánh muốn truyền đạt (Dei Verbum 12)[1].

I. ĐỊNH NGHĨA THỂ VĂN

Công đồng Vatican II xác nhận: “Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy trong Kinh Thánh” (Dei Verbum 12). Cách nói của loài người mà Công đồng đề cập đến ở đây, chính là thể văn.

Thể văn, có khi được gọi là văn loại hay văn thể, “là cách thức diễn đạt văn chương có những quy tắc riêng, được tác giả sử dụng để trình bày tư tưởng của mình”[2]. Cách thức diễn đạt văn chương có nhiều thể loại khác biệt nhau tùy nội dung, mục đích và bối cảnh sống. Trên một trang báo, có nhiều nội dung được trình bày dưới nhiều thể loại khác nhau, từ những nội dung nặng tính nghiêm túc đến những nội dung nhẹ nhàng giải trí : thời sự, hình sự, góc suy gẫm, khám phá thiên nhiên, giao thông, pháp luật, tài chính, đầu tư, thể thao, chuyện kể, tâm sự, thi ca, ca dao tục ngữ, kể cả quảng cáo, tìm bạn bốn phương … Trong một thư viện, chúng ta cũng gặp thấy nhiều kệ sách được phân theo nhiều thể loại khác nhau: lịch sử, tôn giáo, khoa học, tiểu thuyết, nghiên cứu…

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TÌM HIỂU THỂ VĂN CỦA ĐOẠN KINH THÁNH

Trọn cuốn Kinh Thánh đều là Lời Chúa, vậy có cần thiết phân biệt các thể loại văn chương của mỗi phần trong Kinh Thánh không ?

Kinh Thánh là một thư viện trong đó nhiều thể loại khác nhau được lưu ghi. Ngay cả trong một cuốn sách nhỏ của Kinh Thánh, chúng ta cũng gặp thấy nhiều thể văn khác nhau để trình bày sứ điệp. Tìm ra thể loại của một đoạn văn (còn gọi là thể văn), là bước quan trọng để hiểu sứ điệp của đoạn văn đó. Các thể văn được ví như là “những khuôn đúc định dạng sẵn” mà các tác giả Kinh Thánh đúc đổ sứ điệp của mình trong đó cho phù hợp với khả năng người đón nhận sứ điệp.

Nhờ nhận dạng được thể văn, người đọc dễ dàng tìm ra ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh. Trước khi đọc một đoạn Kinh Thánh, chúng ta cần quan tâm đến thể văn của đoạn đó để tránh rơi vào những bế tắc trong việc tìm kiếm nghĩa ngữ. Chẳng hạn, không thể đọc 2 trình thuật của Sáng thế như là những tác phẩm khoa học vật lý hiện đại. Cũng không thể đọc các sách Tin Mừng mà “không lưu tâm đến việc làm chứng đức tin của các Kitô hữu tiên khởi liên quan đến Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài”[3].

III. CÁC THỂ VĂN CHỦ YẾU TRONG KINH THÁNH

Kinh Thánh là tuyển tập nhiều cuốn sách khác nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Chắc chắn mỗi cuốn sách và trong mỗi cuốn sách có những kiểu truyền đạt sứ điệp khác nhau. Trong khuôn khổ của bài học này, chúng ta phác thảo sơ những thể văn chính yếu của Kinh Thánh.

A. MỘT SỐ THỂ VĂN CHÍNH CỦA CỰU ƯỚC

Trong Cựu ước, có những thể văn chủ yếu[4]: chuyện kể, luật pháp, gia phả, ngôn sứ, thi ca.

1. Chuyện kể

Những câu chuyện và sử thi trong Kinh thánh thuộc vào thể loại này.

Hầu hết mọi sách trong Kinh Thánh đều lưu ghi những chuyện kể. Đặc biệt, các sách Sáng thế, Xuất hành, Dân số, Giôsuê, Thẩm phán, 1 và 2 Samuel, 1 và 2 Các Vua, 1 và 2 Sử Biên niên, Ezra, Nêhêmi chủ yếu là những chuyện kể[5]. Những chuyện kể này bao gồm nhiều thể loại phong phú khác nhau: những chuyện huyền thoại, truyền thuyết, chuyện dân gian, chuyện ngắn, ngụ ngôn, hư cấu và lịch sử.

a. Chuyện huyền thoại (myth)

Chuyện huyền thoại là thể loại văn chương kể về nguồn gốc của sự xuất hiện vũ trụ và loài người, nguồn gốc của sự thiện sự ác, của các cơ chế sinh hoạt hiện tại và vận mệnh tương lai trong việc đi tìm kiếm hạnh phúc của con người.

Các dân tộc láng giềng của người Do Thái thường có niềm tin huyền thoại: họ “tin vào nghĩa đen của những câu chuyện về các vị thần hiện hữu đây đó trong vũ trụ”[6].

Tác giả Kinh Thánh không có niềm tin huyền thoại như các dân tộc láng giềng nhưng thường sử dụng ngôn ngữ huyền thoại để nói về Thiên Chúa, về tương quan giữa Thiên Chúa với vũ trụ và với loài người (St 1-11).

Cần phải loại bỏ ý nghĩ rằng huyền thoại là điều gì đó từng được xem là thật khi người kể kể câu chuyện, nhưng sau đó và giờ đây trở thành sai lầm, là mê tín dưới ánh sáng của khoa học. Thật ra, ý nghĩa của huyền thoại trong phàm trù văn chương Kinh Thánh phải được hiểu là “một lối diễn tả có tính cách biểu tượng gần với chân lý mà trí óc con người không thể nhận thức một cách rõ ràng và trọn vẹn được”[7]. Vậy, huyền thoại là một chuyện sử dụng những biểu tượng có tính tưởng tượng để nói về thực tại, nhưng là môt thực tại vượt quá sự hiểu biết của một con người[8].

b. Chuyện dân gian (saga), truyền thuyết (legend) 

Chuyện dân gian hay truyền thuyết là loại chuyện được kể lại dựa theo những dữ kiện có thể đã xảy ra trong quá khứ hoặc về một con người đã hiện hữu thực sự ví dụ Abraham, Isaac, Giacop, Giuse, Môsê. Đó là những chuyện kể về anh hùng cá nhân hoặc một nhân vật đại diện cho một nhóm như Ghiđêôn, Samson … trong sách Thủ lãnh. Đó là một tường thuật thuộc loại bán sử: việc biên chép chưa đạt đến giai đoạn viết sử chín chắn như các sử gia ngày nay.

Các câu chuyện loại này được kể lại không nhằm ưu tiên tái dựng một sự kiện quá khứ, hoặc truyền đạt một thông tin lịch sử, nhưng giúp độc giả soi nhìn lại cuộc sống chính mình để thủ đắc một sự hiểu biết sâu sắc[9].

c. Chuyện lịch sử

Chuyện lịch sử là thể loại ghi chép các sự kiện của quá khứ thực sự đã xảy ra. Trong toàn bộ các sách Kinh Thánh ít nhiều đều có những câu chuyện thuộc thể loại này. Những câu chuyện thuộc thể loại lịch sử tập trung chủ yếu xuất hiện trong những cuốn sách kể về giai đoạn quân chủ: sách Samuel, sách Các Vua, Biên niên sử, hoặc những sách Esdras, Nêhêmia, Maccabê. Càng về sau, các câu chuyện càng mang nhiều dữ liệu chính xác lịch sử hơn[10].

d. Tầm nguyên luận

Đây là một trình thuật được hình thành và biên tập làm cơ sở cho một giải thích về một hoàn cảnh, một tập tục, một tên gọi, một nghi thức vốn tồn tại trong thời người kể chuyện[11]. Ví dụ:

– Tình tiết trong cuộc vật lộn của Giacop giải thích tập tục không ăn một phần nào đó ở đùi một con vật (St 32,32).

– Chi tiết hủy diệt hai thành Sodoma và Gomora liên hệ đến trình thuật ở St 19,1-26.

e. Ngụ ngôn 

Ngụ ngôn là dòng văn thuộc dạng kể chuyện trong đó các nhân vật chính là những con vật hay thảo mộc (hiếm khi là người) được nhân cách hóa, với mục đích là đúc kết bài học luân lý cho người đọc. Sau đây là một vài ví dụ : Ngụ ngôn về con lừa trong câu chuyện của Balaam (Ds 22,22-35); Chuyện ngụ ngôn về cây cối của ông Giotham (Tl 9,8-15) ; các ngụ ngôn khác: 2 V 14,9 ; Tv 80,8-15.

2. Thể văn luật pháp

Luật pháp là một trong những thể văn nền tảng Kinh Thánh. Thể văn này đề cập đến các luật diễn tả ý muốn tối thượng của Thiên Chúa liên hệ đến sự cai trị, bổn phận và trách nhiệm xã hội …

Luật này chỉ được tìm thấy trong Ngũ thư và được gán cho Môsê[12], đặc biệt trong hai sách Lêvi và Đệ Nhị luật.. Thể văn này thường ghi lại đan xen với những chuyện kể.

Nhiều học giả phân biệt 2 thể loại luật pháp[13]:

– Thứ nhất là luật giải nghi – có điều kiện (nếu … thì …): “Nếu có ai lấy trộm chiên bò, rồi làm thịt hoặc đem bán, thì sẽ lấy năm con bòđền một, và bốn con chiên đền một” (Xh 21).

– Thứ hai là luật tất yếu – vô điều kiện (apodictique) : “Ngươi không được giết người …” (Xh 20,13). Chớ giết người đó là nguyên tắc tuyệt đối, ở bên ngoài các hoàn cảnh. Luật tất yếu được trình bày không theo hình thức có điều kiện “nếu … thì…”, nhưng ở hình thức không có điều kiện : không được…, cấm …. Luật này thường đi kèm với một hình phạt. Mười điều răn (Xh 20,2-17 ; Đnl 5,6-21) thuộc loại luất tất yếu.

Về nội dung luật, giữa các những tuyển tập về Luật, chúng ta có thể liệt kê cụ thể những tập quan trọng: Thập điều (Xh 20,2-17), luật về Giao ước (Xh 20,19 – 23,19) ; luật về sự thánh thiện trong đó đưa ra những quy định về nghi lễ và đời sống luân lý (Lv 17 – 26); Bộ luật đệ nhị: những quy định về Thập điều, Giao ước và toàn bộ các luật riêng biệt giải thích rõ một số điều liên quan đến Thập điều (Đnl 12 – 26).

3. Gia phả (Toledot)[14]

Là danh sách các con cháu của một nhân vật. Danh sách này được trình bày dưới hình thức một gốc sinh nhiều nhánh hệ hay dưới dạng một trực hệ mà thôi.

Gia phả được sử dụng trong Cựu ước để chứng minh sự liên hệ một đàng giữa Israel và các dân láng giềng, đàng khác giữa các bộ tộc khác của Israel và của Giuđa. Hơn nữa, gia phả giúp thiết lập tính liên tục trong các thời đại mà không có một dữ kiện nào khác lấp đầy, chẳng hạn gia phả được lưu ghi trong St 5 là cầu nối giữa trình thuật sáng tạo và lụt hồng thủy. Gia phả cũng nhằm chứng minh quyền thực hiện một phận vụ do một nhóm đảm trách. Cụ thể gia phả ở 1 Sbn 6,18-32 nhằm kết nối việc ca xướng với dòng tộc lớn của Lêvi. Các gia phả dài ở 1 Sbn 1-9 được sử dụng để trình bày hình ảnh Mêsia vương đế qua dòng vua Đavid, nhân vật trung tâm,và hình ảnh Mêsia tư tế qua dòng Aaron[15].

4. Dòng văn ngôn sứ

Bộ sách các ngôn sứ là một trong bốn phần làm nên Cựu ước[16]. Hai thể văn đặc trưng của dòng văn ngôn sứ là sấm ngôn (lời sấm) và thị kiến.

a. Sấm ngôn (lời sấm)

Sấm ngôn là lời tuyên bố long trọng được thực hiện nhân danh Thiên Chúa và thường được các nhân vật trung gian, đặc biệt là các ngôn sứ truyền đạt. Sấm ngôn thường bắt đầu bằng lời dẫn : “Thiên Chúa phán: …”, và kết thúc là “sấm ngôn của Đức Chúa” (x. Am 1,3.6; 2,11,16) [17]. Như vậy, sấm ngôn được phát biểu không phải như lời đến từ người phát ngôn, mà đến từ chính Thiên Chúa. Nhiều sấm ngôn được lưu ghi trong các sách của các ngôn sứ.

Công thức thường gặp dẫn vào lời sấm nhấn mạnh đặc điểm này: “Đức Chúa phán thế này…”, và kết thúc một sấm ngôn (“Sấm ngôn của Đức Chúa”; Cf. Am 1,3.6; 2,11,16, vv). Điều này giải htichs thể văn này xuất hiện bắt đầu từ việc truyền khẩu là thời kỳ mà phát ngôn viên của sứ điệp (lời sấm của Đức Chúa) không nói ở ngôi thứ ba: “Đức Chúa cho ngươi biết rằng Ngài trao vào tay ngươi, để ngươi biết Ngài là Đức Chúa”, mà nói ở ngôi thứ nhất như chính Chúa phán: “Đức Chúa phán: ‘Ta trao chúng vào tay ngươi, để ngươi biết Ta là Đức Chúa’.” (1 V 20,13).

Những lời sấm khác – có thể không có công thức dẫn kết như trên – loan báo sự phán xét (ví dụ kể về tội ác và sự trừng phạt như Am 7,16-17), hoặc chuyển tải sứ điệp về sự cứu độ (Am 5,4-6.14-15 ; 9,11-15).

Thể văn sấm ngôn thường được chia làm hai: chúc dữ/đe dọa gồm kết án hay quở trách cùng với tuyên bố hình phạt đi kèm, và chúc lành thường bắt đầu với lời khuyến khích “Đừng sợ” hoặc “Can đảm lên, Ta ở với ngươi” (Is 41,14).

b. Thị kiến

Sau sấm ngôn, thị kiến là “khuôn đúc” đặc trưng làm nên dòng văn ngôn sứ. Thị kiến là một phương tiện ưu tiên của mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước. Các ngôn sứ là những người được ưu tiên đón nhận mặc khải qua thị kiến. Qua thị kiến, các ngôn sứ được giả thiết đã đón nhận lời hoặc tư tưởng mặc khải từ cuộc đàm đạo bí mật với Thiên Chúa (Am 3,7 ; Is 5,19.24). Các thị kiến thường được giới thiệu với chỉ dẫn về việc tác giả (ngôn sứ) đã được thấy (Is 2,1 ; Am 1,1 ; Mk 1,1)[18].

5. Thi ca 

Thi ca những đoạn thơ có nhịp điệu, chủ yếu được gom lại trong các cuốn sách lớn của Cựu ước : Thánh vịnh, Diễm ca, Ai ca, Châm ngôn, Huấn ca, Giảng viên, Gióp[19]. Những đoạn thơ này được ngâm lên với mục đích thờ phượng và thiêng liêng như trong Thánh vịnh. Ngoài ra, thi ca Cựu ước diễn tả tình yêu đôi lứa như trong Diễm ca hay trong những tình huống bi thảm của cuộc đời như trong Ai ca hay Gióp, hoặc mang chiều hướng suy tư cuộc đời hay dạy khôn như Giảng viên và Châm ngôn. Sau này, trong các sách Tân ước, thể loại thi ca này cũng được sử dụng.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] “Lời của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ nhân loại, được đồng hóa với tiếng nói của loài người, cũng như xưa Lời của Chúa Cha Hằng hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác thịt” (Dei Verbum 13).

[2] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 838.

[3] Marc Sevin, La Bible en 50 clés, Paris, Bayard, 2008, tr. 37.

[4] Việc xếp các loại thể văn thay đổi đôi chút nơi các học giả.

[5] Sách Công vụ Tông đồ được cấu thành gồm nhiều chuyện kể.

[6] Từ điển Công giáo, tr.441.

[7] Millar Burows, What mean these stone ? N.Y.: Meridian Books, 1957. Trích lại trong John L. Mc Kenzie, Dictionary of the Bible, N.Y.: Macmillan, 1976, tr.598.

[8] Margareth Nutting Ralph, “And God said what?”An Introduction to Biblical Literary Forms for Bible Lovers, Mahwah, N.J.: Paulist Press, 1986, tr.30-55.

[9] X. Rolf Rendtorff, The Old Testament. An Introduction, Philadelphia: Fortress, 1991, tr.85.

[10] Dù sao, cần phải nhớ rằng, không có một chuyện sử nào là thuần túy và khách quan tuyệt đối trong Kinh Thánh, ngay cả đối với những chuyện sử hiện đại được đặt dưới sự kiểm chứng nghiêm khắc của khoa học.

[11] X. Centre Informatique et Bible, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr. 444.

[12] Mọi lề luật luôn được liệt kể chung với chuyện kể. Sẽ lầm to nếu hiểu các luật pháp được đề cập trong Kinh Thánh nằm biệt lập với các chuyện kể[12]. Đây cũng là lý do tại sao Kinh Thánh thường được nhìn nhận một cách sai lầm như một bộ luật. Thật vậy, Lề luật – Torah, luật Do Thái: ám chỉ toàn bộ Kinh Thánh Cựu ước, đặc biệt nhất là Ngũ Thư.

[13] Một số học giả khác phân làm 3 loại: 1./ luật giải nghi ; 2./ luật mệnh lệnh : “ngươi phải làm điều này, ngươi đừng làm điều kia” ; 3./ luật khách quan : “phải làm điều này, đừng làm điều kia”.

[14] X. Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr.521-522.

[15] Cũng thế, các gia phả được kể ở Mt 1,1-17 và Lc 3,23-38 nhằm chứng minh nguồn gốc Mêsia của Chúa Giêsu đi ngang qua dòng tộc Đavid.

[16] X. Bài học 1.

[17] Bernard PHẠM HỮU QUANG, Dẫn nhập Thánh Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2018, tr. 90.

Trong Cựu ước, chúng ta cũng tìm thấy sấm ngôn được phát biểu bởi một tư tế.

[18] Dictionnaire encyclopédique de la Bible, tr.1341-1342.

Tham khảo thêm : Louis Monloubou, Les Prophètes de l’Ancien Testament, trong « Cahiers Evangile », số 43, tr.19.

[19] Không loại trừ, thể loại này cũng được tìm thấy một phần quan trọng trong các tác phẩm ngôn sứ và nhiều nơi khác trong Ngũ thư và sách lịch sử. Ví dụ Xh 5; Đnl 32; Tl 5.