Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 8: Những ngày lễ lớn trong năm của Israel theo Kinh Thánh

18/02/2024

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

********************

BÀI 8

NHỮNG NGÀY LỄ LỚN TRONG NĂM CỦA ISRAEL

THEO KINH THÁNH

Để hiểu Kinh Thánh khi đọc bản văn, cần thiết người đọc biết bối cảnh sinh hoạt của người Do Thái thời Cựu ước cũng như Tân ước. Một trong những yếu tố làm nên bối cảnh sinh hoạt của dân Israel, đó là các ngày lễ.

Người ta phân loại có hai loại lễ của Israel: những lễ do Môsê thiết lập; những lễ do các Rabbi thiết lập thời sau. Trong khuôn khổ bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu các lễ lớn nhất trong những lễ được xếp là do Môsê thiết lập gồm ba Lễ gắn liền với cuộc hành hương lên Đền thờ Giêrusalem (Đnl 16,16).

Các Lễ của Israel có những thay đổi theo thời kỳ khác nhau trong lịch sử: trước Lưu đày, sau Lưu đày, thời Tân ước, v.v. Trong khuôn khổ của bài học cơ bản Kinh Thánh này, nội dung về các lễ được trình bày dưới đây không phải là những chuyên khảo đầy đủ theo từng thời kỳ, nhưng chỉ là những nét chính yếu và quan trọng về một Lễ được dân Israel thực hành ít ra một thời gian khá lâu trong Cựu ước và trong Tân ước.

I. KHÁI QUÁT VỀ CÁC LỄ CỦA ISRAEL

Người Do Thái thời Cựu và Tân ước dùng lịch âm (tức là tính theo chu kỳ của mặt trăng) cho tháng và năm. Một ngày theo lịch Do Thái được tính từ khi mặt trời lặn của ngày hôm trước đến khi mặt trời lặn vào ngày hôm đó. Tuần lễ gồm bảy ngày được đánh dấu với ngày Sabbat, ngày quan trọng nhất của một tuần. Năm được đánh dấu bằng những ngày lễ “tưởng nhớ những sự kiện của lịch sử Do Thái, đặc biệt là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Ngài”[1].

Trong ngày lễ lớn do Môsê thiết lập, người Do Thái không làm việc. Vì chưng, đó là ngày lễ dành cho Thiên Chúa trong đó các hy lễ phải dược dâng lên cho Ngài. Ngày lễ được thiết lập là để dân Israel nhận biết rằng tất cả là do bởi Chúa[2].

II. LỄ VƯỢT QUA (Pesaḥ)

Tên gọi:

Từ “vượt qua” mà chúng ta đề cập để nói về lễ Vượt qua, quy về danh từ pesaḥ ( פֶסַח) trong tiếng Hipri có gốc từ động từ psaḥ ( פָסַח) nghĩa là “nhảy”, “nhảy qua” (1 V 18,26), nhưng cũng có nghĩa là “chừa ra”, “cứu lấy” (Is 31,5). Các nghĩa này được xác định rõ trong Xh 12,13.23-27 trong đó “vượt qua” được hiểu là hành động của Đức Chúa đã “bỏ qua”, đã “chừa ra”, đã “đi qua”, đã “bảo vệ” nhà Israel bằng dấu máu của con vật[3]

Bối cảnh và thời gian:

Về mặt văn hoá, Lễ Vượt Qua của người Do Thái trước hết là một lễ hội thuộc tập tục chăn nuôi, diễn ra vào mùa xuân. Nghi lễ chính yếu là việc hiến dâng một con vật đực (cừu hoặc dê) còn tơ dưới 1 tuổi với máu con vật hiến tế như là hình ảnh cầu sinh lộc cho đàn súc vật (Xh 12,1-14; 12,21-23). Lễ được cử hành vào ban đêm khi mà người ta không còn bận tâm đến đàn súc vật nữa. Con vật hiến dâng được nướng lên và được ăn với bánh không men cùng với các loại rau sa mạc[4].

Về sau, Lễ Vượt Qua kết hợp với tập tục của lễ Bánh Không Men là lễ kéo dài 7 ngày (Xh 12,15-20; 13,3-10; 23,15; 34,18; Lv 23,6-8; Đnl 16,3.4a.8). Lễ Bánh Không Men là lễ hội thuộc tập tục nhà nông diễn ra vào mùa gặt đầu tiên của năm (Xh 23,14-17; 34,18-23).

Lễ kéo dài 7 ngày và đỉnh điểm vào tối ngày thứ 14 (lúc trăng tròn) của tháng trăng Nisan vào mùa xuân (khoảng tháng 3 và tháng 4 dương lịch).

Nghi thức:

Lễ Vượt Qua được cử hành chung chung tại hai nơi: Đền thờ và trong nhà.

– Tại Đền thờ, nghi lễ sát tế chiên có lẽ chỉ xuất hiện rõ ràng kể từ thời vua Giosias (640-609). Sau khi Đền thờ sụp đổ năm 70 vào kỷ nguyên chúng ta, nghi lễ này không còn được thực hiện.

– Tại gia đình, mọi thành viên và khách mời tham dự bữa tiệc Vượt qua. Nghi thức có lẽ xuất hiện từ thời kỳ đầu trước khi có nghi lễ tại Đền thờ (Xh 12,3.6.21.23)[5]. Nghi thức của bữa tiệc Vượt qua được diễn ra với các lời nguyện chúc lành, hát các Thánh vịnh (Tv 113-114; 115-118 ; 136), đọc và giải thích các câu chuyện liên quan đến việc giải thoát Israel ra khỏi Ai Cập, ăn thịt chiên/dê với bánh không men, rau đắng và uống rượu[6].

Ý nghĩa:

Lễ Vượt Qua của người Do Thái mừng việc Đức Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, cách đặc biệt mừng sự kiện Vượt qua Biển Đỏ (Xh 12,48; Ds 9,2; Đnl 16,1; Gs 5,10; 1 V 23,21-23; Ezr 6,19).

Sự kiện Thương khó mà đỉnh cao là cái chết trên thập tự và sự sống lại của Chúa Giêsu diễn ra vào tuần lễ Vượt qua của người Do Thái. Bữa ăn tối của cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ được các Tin mừng Nhất lãm miêu tả như là bữa tiệc Vượt Qua đúng vào bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái (x. Mc 14,12-26)[7].

Đối với Kitô hữu, bữa tiệc lập Bí tích Thánh Thể gắn kết với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã “khai mở một Lễ Vượt Qua mới, trong đó chính Ngài là Chiên Vượt qua được sát tế”[8] (x. 1 Cr 5,7; Ga 19,36).

III. LỄ NGŨ TUẦN (Shavuôt)

Tên gọi:

Tên gọi Lễ Ngũ Tuần[9] (nghĩa là năm mươi ngày) được dịch từ chữ Pentêcostes (πεντηκοστῆς – năm mươi) tiếng Hy Lạp để chỉ ngày lễ Do Thái có tên là Hag Shavuôt ( חַ֤ג שָׁבֻעוֹת) trong tiếng Hipri nghĩa là Lễ Các Tuần[10] (Đnl 16,10; Xh 34,22). Lễ này đôi khi còn được gọi là Lễ Mùa gặt (Xh 23,16) hoặc Ngày Hoa quả đầu vụ gặt (Ds 28,26). 

Bối cảnh và thời gian:

Lễ này có tính chất của văn hoá trồng trọt. Đó là vào dịp mùa thu hoạch ngũ cốc khi mùa hè bắt đầu (Xh 34,22). Lễ diễn ra đúng một ngày. Sách Lêvi xác định đó là ngày thứ năm mươi kể từ khi tiến dâng “một bó lúa, sản phầm đầu mùa gặt hái” (Lv 23,9-20)[11]. Ngày tiến dâng bó lúa đó chính là ngày hôm sau của ngày Lễ Vượt Qua, đó là ngày 16 của tháng Nisan[12].

Nghi thức:

Tiến dâng hoa quả đầu mùa là yếu tố chính yếu và ban đầu của ngày lễ trong Cựu ước[13] (Xh 23,16; 34,22). Về sau, người ta tiến dâng hai bánh nướng có men làm của lễ đầu mùa (Lv 23,17).

Ý nghĩa:

– Tạ ơn Thiên Chúa

Lễ Shavuôt được thiết lập “để tạ ơn Thiên Chúa cho thời gian đã qua, lúc mà người ta không có sự thiếu thốn và đói khát, lúc mà người ta đã sống trong một năm sung túc, và để tạ ơn cho thời gian sắp tới, bởi vì người ta có những của dư thừa và những dự trữ cho tương lai và vì người ta được đong đầy niềm hy vọng tốt đẹp nhất do đã sử dụng những ân huệ của Thiên Chúa” (Philon, De specialibus legibus II, 187)

– Kỷ niệm thiết lập Giao ước Sinai

Về sau khi đọc lại Xh 19 – 20, dù khó biết được là kể từ chính xác từ lúc nào, dựa vào sách Sử biên niên, các ngoại thư Cựu ước[14] và các sách của Rabbi vào thế kỷ II CN, người ta đã mừng việc thiếp lập Giao ước và ban bố Lề luật trên núi Sinai vào ngày Lễ Các Tuần (Shavuôt)[15].

Sách Xh 19-20 thuật lại việc Đức Chúa lập Giao ước và ban Lề luật trên núi Sinai diễn ra 3 tháng sau khi dân thoát ra khỏi Ai Cập. Nếu Lễ Vượt Qua mừng dân được giải thoát khỏi Ai Cập, thì Lễ Các Tuần mừng được giải thoát thiêng liêng. Mục đích của việc thoát ra khỏi Ai Cập là để đón nhận Giao ước và Lề luật của Đức Chúa. Chính vì vậy, người Do Thái phải tính số ngày để mừng.

Việc Lễ Ngũ Tuần được tính kể từ ngày Lễ Vượt Qua cho thấy mối liên hệ có tính hoàn thành của hai Lễ. Vượt Qua chỉ có thể trở nên trọn vẹn khi kết thúc với Lễ Ngũ Tuần. Năm mươi ngày cho thấy tầm quan trọng của thời gian chờ đợi đến sự trưởng thành[16].

– Ý nghĩa Tân ước: Đón nhận ân sủng Thánh Thần

Vào thời Tân ước, chính trong bối cảnh của Lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau khi Chúa sống lại, mà các Tông đồ đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần (Cv 2,1-41). Vì thế, Lễ Ngũ Tuần trong Kitô giáo còn được gọi là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thánh Thần mặc khải và cụ thể hoá ân sủng của Lề luật (Ga 14,26; 16,13).

IV. LỄ LỀU (Sukkot)

Tên gọi:

Lều ở đây là lều trại. Cựu ước lưu ghi với 3 tên gọi: Hag ha-sukkot ( חַג הַסֻּכֹּ֛ת – Lễ Lều), Hag ha-‘Asif ( חַג הָֽאָסִף – Lễ Thu hoạch), He-Hag ( הֶחָג – Lễ), trong đó tên gọi thứ nhất được đề cập thường xuyên.

Lễ này được sử gia F. Josephus gọi là “lễ thánh thiêng nhất và lớn nhất của người Hipri” (F. Josephus, Cổ Đại Do Thái 8,100)[17].

Bối cảnh và thời gian:

Lễ Lều là một lễ nhà nông. Vào vụ mùa, người ta dựng các chòi bằng cây lá trong vườn nho (Is 1,8; G 27,18) để sống trong thời gian thu hoạch.

Lễ Lều rơi vào ngày 15 tháng Tishri (khoảng tháng 9 – tháng 10 dương lịch) là tháng của vụ thu hoạch hoa màu. Lễ kéo dài 7 ngày (Đnl 16,13-15; Ed 45,25)[18] và thêm 1 ngày (Lv 23,36; Ds 19,35; 2 Sbn 7,9; Ne 8,18). Ngày cuối cùng là ngày long trọng nhất (Ga 7,37)[19].

Nghi thức:

Theo Lv 23,40-43, những người hành hương dựng lều bằng cành lá cây để trú ngụ trong 7 ngày. Vào thời Chúa Giêsu, mỗi gia đình dựng những chòi bằng cành lá cây chung quanh Giêrusalem để trú ngụ trong vòng 7 ngày.

Người tham dự chọn “những trái cây đẹp, những tàu lá chà là, những cành cây nhiều lá và cành liễu mọc bên bờ suối” để đến liên hoan tại Đền thờ (Lv 23,40).

Vào mỗi buổi sáng, các tư tế đi rước nước từ Siloê đem vào trong Đền thờ để rảy trên bàn tế (Ga 7,37)[20], cùng với người tham dự làm thành một đoàn rước, tay cầm tàu lá gắn thêm nhành sim và cành liễu. Họ vẫy các nhánh cây cọ hoặc đập xuống đất khi làm đoàn rước quanh bàn thờ. Suốt nghi thức đều có tiếng tù thổi[21].

Kể từ tối của ngày đầu tiên, các hành lang Đền thờ và thánh điện được thắp sáng rực rỡ. Khách hành hương tận hưởng xem các Lêvi nhảy múa và hát và đàn đến tận sáng (5,2.4). Điều này làm cho Lễ Lều thu hút đông đảo quần chúng[22].

Ý nghĩa:

Dựa vào Lv 23,43, người Do Thái dựng các chòi bằng lá cây để kỷ niệm Đức Chúa đã cho con cái Israel trú ngụ ở những nơi tạm bợ được dựng lên trong sa mạc sau khi rời Ai Cập. Lễ Lều cũng diễn tả niềm vui tạ ơn của con cái Israel trước Nhan Đức Chúa về thu hoạch do mùa màng trong năm đem lại. Ngoài ra, người ta cầu xin trời mưa xuống cho vụ mùa sắp tới và cho sinh hoạt của dân (Za 14,17)[23]. Nếu các nghi lễ của Đền thờ không còn diễn ra sau năm 70, thì người ta vẫn có thể dựng lều khắp mọi nơi và tiếp tục của hành lễ Lều theo cách này.

Các Tin mừng Nhất lãm đề cập đến sự kiện Biến hình trong đó, Chúa Giêsu tỏa sáng rạng ngời, đám mây xuất hiện và Phêrô cầu xin dựng ba chòi. Điều đó gợi đến Lễ Lều của người Do Thái. Những gì đa được loan báo trong khung cảnh của Lễ Lều nay đã đến trong con người Chúa Giêsu.

Tin mừng Gioan đề cập đến việc Chúa Giêsu giảng về nước hằng sống trong bối cảnh của ngày cuối cùng của Lễ Lều: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : ‘Từ lòng của Ngài, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’” (Ga 7,37-38). Điều này cho thấy Chúa Giêsu chính là mưa cứu độ từ trời mà dân Israel đã cầu xin trong ngày cuối cùng của tuần Lễ Lều.

Việc Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem với cuộc rước reo hò của dân chúng cầm nhành lá trên tay (Mt 21,8 //) liên tưởng đến các hình thức hân hoan của Lễ Lều Do Thái[24].

Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ tuần và Lễ Lều là ba lễ lớn nhất của người Do Thái. Nếu Sabbat là ngày quy chiếu cho một tuần, thì ba lễ này tạo nên một trong những quy chiếu cần thiết và quan trọng cho một năm sinh hoạt đức tin của Israel. Cũng cần biết rằng chỉ có ba lễ này được gọi là lễ hành hương dựa theo chu kỳ của thiên nhiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. NGUỒN VÀ CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIỂN

1. Kinh Thánh: TOB, La Bible: édition intégrale, Paris, Cerf, 2000.

2. The Book of Jubilees, trong H. Charles (dịch), The Apocrypha and Pseudepigrapha of the Old Testament in English, Vol. II: Pseudepigrapha, Oxford, Clarendon Press, 1913.

3. Philon of Alexandria, De specialibus legibus II, dịch: Yonge, The Special Laws II, trong Early Jewish Writings: https://www.earlyjewishwritings.com/text/philo/book28.html

4. Flavius Josephus, The Antiquities of the Jews, dịch: Whiston, trong Lexundria: https://lexundria.com/j_aj/8.99-8.129/wst

5. The Mishnah, translated from the Hebrew with introduction and brief explanatory notes by Herbert Danby, Oxford University Press, New York, 1933.

II. CÁC TỪ ĐIỂN

1. CIB, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987.

Các mục: “Paque”; “Pentecôte”; “Fête des Tentes” của tác giả André Boudart.

2. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016.

III. CÁC SÁCH KHÁC

1. Robert và A. Feuillet (dir.), Introduction à la Bible, Tome II (Nouveau Testament), Tournai, Desclée & Cie, 1959.

2. Christiane Saulnier và Bernard Rolland, La Palestine au temps de Jésus, (Coll. Cahiers Évangile 27), 1979.

3. Anne-Catherine Avril và Dominique de La Maisonneuve, Les Fêtes Juives, (Coll. Supplément au Cahiers Évangile 86), Paris, Cerf, 1993.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Anne-Catherine Avril và Dominique de La Maisonneuve, Les Fêtes Juives, (Coll. Supplément au Cahiers Évangile 86), Paris, Cerf, 1993, tr. 5.

[2] Sđd, tr. 6.

Với lao động, con người chứng tỏ mình làm chủ trên sinh hoạt của mình, chứng tỏ mình sở hữu cái mình làm ra. Nhưng ngày lễ, khi nghỉ ngơi, buộc con người nghỉ ngơi để ý thức về nguồn gốc của Thiên Chúa về các ân lộc Ngài ban.

[3] André Boudart, “Paque” trong CIB, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr. 958.

[4] Les Fêtes Juives, tr. 19.

[5] Xác định thời kỳ bắt đầu có nghi thức, x. Dictionnaire encyclopédique de la Bible, tr. 959.

[6] Về diễn tiến của nghi thức, x. A. Tricot, trong Introduction à la Bible, Tome II (Nouveau Testament), dir.: A. Robert et A. Feuillet, Tournai, Desclée & Cie, 1959, tr. 59, và Les Fêtes Juives, tr. 19-36.

[7] Các Tin mừng Nhất lãm xác định bữa tiệc ly diễn ra vào tối ngày lễ Vượt qua, tức là 14 tháng nisan. Nhưng Tin mừng Gioan lại xác định khác ngày: Theo lời kể của Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu bị điệu đến Philatô vào đúng ngày áp lễ Vượt qua (tức là ngày 14 tháng Nisan): Ga 19,14. Trưa hôm đó, người Do Thái sát tế chiên tại Đền thờ để dùng trong dịp lễ Vượt qua. Đúng vào giờ đó, Philatô quyết định Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá : Ga 19,16.

[8] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 978.

[9] “Tuần” ở đây trong tiếng Hán 旬 là 10 ngày; “Ngũ” là 5.

[10] “Tuần” ở đây chỉ định chu kỳ 7 ngày, không phải chu kỳ 10 ngày.

[11] – Sách Đnl 16,9, dù ghi là “7 tuần kể từ khi mang liềm đi gặt lúa”, nhưng không xác định chính xác ngày.

– Mùa gặt bắt đầu kể từ khi dâng bó lúa đầu mùa và kết thúc vào lễ Ngũ Tuần. Việc dâng bó lúa đầu tiên là nghi thức tương đương việc “cắt bì” cây trái trong Lv 19,23-25. Trước ngày đó, không được ăn lúa thu hoạch. x. ghi chú l của TOB, La Bible: édition intégrale, Paris, Cerf, 2000, tr. 254.

Nhiều người kết nối việc tiến dâng bó lúa với lễ Vượt qua-Bánh không men (Lv 23,5-8).

[12] Truyền thống Do Thái hiểu chính ngày này, dù có một số nhóm hiểu một ngày khác vào thời Tân ước, trong đó có nhóm Sađucêô. x. André Boudart, “Pentecôte” trong CIB, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr. 1003.

[13] Về hoa qủa đầu mùa, x. Từ điển Công giáo, tr. 399. Đặc biệt với ý nghĩa thiêng liêng, Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Giêsu là hoa quả đầu mùa cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là hoa quả đầu mùa của những người từ cõi chết sống lại (x. 1 Cr 15,29.23) và gọi các Kitô hữu là hoa quả đầu mùa dâng cho Chúa Giêsu (x. Rm 16,5).

[14] 2 Sbn 15,10-15; Sách Năm Toàn xá, tập 6 (R. H. Charles, The Apocrypha and Pseudepigrapha of the Old Testament in English, Vol. II: Pseudepigrapha, Oxford, Clarendon Press, 1913, tr. 22-23); Các tài liệu Qumran.

[15] Người Do Thái về sau, đặc biệt khi không còn Đền thờ, kỷ niệm việc thiết lập Giao ước tại Sinai bằng việc đọc và nghiên cứu Kinh Thánh tại Hội đường và tại gia đình.

Việc đọc Kinh Thánh diễn ra vào ban ngày, cụ thể đọc 3 đoạn sách dài: Đọc sách Luật (Torah), cụ thể Xh 19 – 20 trong đó có Mười Điều răn (Xh 20,1-17), Ngôn sứ Êdêkiel 1,1 – 3,12, và cuộn sách Ruth. Cả ba đoạn sách này đều đề cập đến Giao ước của Thiên Chúa. Ban đêm, người ta quy tụ lại trong gia đình để nghiên cứu Torah. X. Les Fêtes Juives,

[16] Les Fêtes Juives, tr. 38.

[17] Lexundria: https://lexundria.com/j_aj/8.99-8.129/wst [tham khảo ngày 18/1/2024].

[18] Hai bản văn này không đề cập đến ngày thứ tám.

[19] Về thời gian ngày Lễ Lều, x. Introduction à la Bible, Tome II (Nouveau Testament), tr. 59.

[20] Theo Saulnier và Rolland, việc rảy nước trên bàn tế của Đền thờ có lẽ để cầu xin mưa xuống. X. Christiane Saulnier và Bernard Rolland, La Palestine au temps de Jésus, (Coll. Cahiers Évangile 27), 1979, tr. 35.

[21] Về chi tiết của thổi tù, và nhịp nhảy, x. Mishnah, Sukkot, 5,1.5: The Mishnah, translated from the Hebrew with introduction and brief explanatory notes by Herbert Danby, Oxford University Press, New York, 1933, tr. 179-181.

[22] Sau khi Đền thờ sụp đổ năm 70, các nghi lễ của Đền thờ không còn diễn ra nữa, nhưng người Do Thái vẫn dựng lều khắp nơi để cử hành lễ Lều theo cách này.

Về diễn tiến nghi thức, x. La Palestine au temps de Jésus, tr. 35; x. André Boudart, “Fête des Tentes” trong CIB, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr. 1253.

[23] Về ý nghĩa cầu mưa của Lễ Lều, x. Les Fêtes Juives, tr. 47.

[24] Về ý nghĩa Lễ Lều trong Tân ước, x. Les Fêtes Juives, tr. 66.