Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 6: Các thể loại văn chương trong Kinh Thánh (tiếp theo)

10/01/2024

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

********************

BÀI 6 – CÁC THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG TRONG KINH THÁNH (TIẾP THEO)

B. MỘT SỐ THỂ VĂN CHÍNH CỦA TÂN ƯỚC

Tân ước được hình thành từ 4 dòng văn chính : văn chương Tin mừng, lịch sử, thư và dòng văn khải huyền[1].

1. Văn chương Tin mừng

Từ euangelion (được dịch là tin mừng) ban đầu không chỉ định thể loại văn chương. Trong Cựu ước, từ euangelion chỉ định việc loan báo một tin chiến thắng quân thù (2 S 18,20.25.27 ; 2 V 7,9). Trong Tân ước, từ này được hiểu là “lời rao giảng (…) nhấn mạnh đến ý nghĩa cứu rỗi của cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Giêsu”[2]. Thánh Phaolô dùng từ này 81 lần trong các thư của mình với ý nghĩa là Thiên Chúa đi vào lịch sử đầy chiến thắng của con người Giêsu. Tác giả Marcô đề cập từ này để chỉ định sự kiện cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu trên thập giá, nơi mà Ngài đã chiến thắng sự ác và thần chết (Mc 1,1.13.15 ; 13,10 ; 14,9).

Về sau, vào thế kỷ II, dựa vào từ đầu tiên của sách Tin mừng theo Marcô – euangelion – và dựa vào việc dùng tên các sách về cuộc đời Chúa Giêsu mà các Kitô hữu sử dụng từ euangelion “tin mừng” này để chỉ định rất cả tác phẩm văn chương liên quan đến biến cố cứu độ của Chúa Giêsu. Như vậy, từ “tin mừng” vừa diễn tả sự kiện cứu độ do Chúa Giêsu mang đến qua cái chết và sự sống lại của Ngài, vừa là thể văn quảng diễn sự kiện này.

“Tin mừng” là một chế tác văn chương độc đáo nhất của các cộng đoàn tiên khởi. Như tiểu sử của các danh nhân trong văn chương Hy-La, các tác phẩm Tin mừng kể lại những chặng của cuộc đời Chúa Giêsu, là người hùng, mà đỉnh cao thăng hoa là sự kiện Ngài bị đóng đinh, chết và sống lại. Các tác phẩm Tin mừng không đơn thuần chỉ là những tài liệu lịch sử về Chúa Giêsu, nhưng còn là những suy ngắm thần học về cuộc đời của Ngài, nhờ ánh sáng phục sinh và diễn giải Cựu ước, để loan báo về Ngài và mời gọi tin tưởng vào Ngài (Ga 20,31). Tin mừng là cuốn sách được viết ra là để loan báo sự kiện cứu độ của Đức Kitô.

Để làm nên một tác phẩm Tin mừng, các tác giả đã sử dụng những thể văn sau đây:

a. Các lời nói (logia)

Một thể văn đặc trưng của Tin mừng, đó là “các lời nói” (logia) của Chúa Giêsu. Các lời nói này được xem là phần sưu tập cũ nhất trong truyền thống Kinh Thánh Tân ước, hay ít ra chúng được lưu truyền sớm nhất trong việc rao giảng và dạy giáo lý. Về sau, những lời nói này được sử dụng trong những khung chuyện (chuyện kể). Ví dụ các cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với biệt phái và kinh sư trong Mc 2,1 – 3,6.

Những lời nói của Chúa Giêsu được các học giả phân làm 3 loại[3] :

– Những lời nói mang tính khôn ngoan:

Đó là những câu cách ngôn răn dạy lẽ khôn (ví dụ : “mỗi ngày có cái khổ của ngày đó” Mt 6,34b), hoặc những nhận định về sứ vụ (Mt 22,14), hay những lời dạy ngắn về sống hạnh phúc (Lc 11,28)….

– Những lời nói mang tính thiết chế luật:

Đó là những quy luật được ban để các thành viên quy thuận khi sống trong một cộng đoàn (quyền của Phêrô : Mt 16,18), cho các trường hợp về hôn nhân (cấm ly dị : Mc 10,11), về giữ ngày nghỉ lễ tôn giáo (Mc 2,27 ; 3,4)…

– Những lời nói mang tính ngôn sứ:

Đó là những tuyên bố về tình trạng của người được chọn hay người bị kết án, ví dụ : “Phúc cho ai sẽ tham dự bữa tiệc trong Vương quốc của Thiên Chúa” (Lc 14,15) hay “Khốn cho ngươi hỡi những kẻ bây giờ đã được no nê…” (Lc 6,25).

b. Trình thuật (narrative, récit)

Một trong những phần tố quan trọng làm nên các sách trong Tân ước, đặc biệt Tin mừng và Công vụ tông đồ, đó là trình thuật. Trình thuật là từ dùng để chỉ những câu chuyện kể về các biến cố liên quan đến Chúa Giêsu và Giáo hội sơ khai được các tác giả Tân ước kể lại.

Có nhiều phân loại của trình thuật:

– Trình thuật về việc tranh luận

Một trong những hình thức học hàm thời xưa, đó là hội đàm tranh luận trong đó diễn ra đối chất qua lại chủ yếu bằng những câu hỏi giữa các bên (cụ thể giữa thầy và trò, hoặc giữa vị thầy và đối thủ). Kết thúc cuộc tranh luận là một bài học rút ra để suy gẫm hoặc chọn lựa thực hành. Trong các Tin mừng, nhiều tranh luận giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài được lưu ghi, chẳng hạn Mc 2,1 – 3,6; Mc 12,13-37 …

– Trình thuật liên quan đến các môn đệ: ơn gọi và sai phái.

Trình thuật gọi các môn đệ và sai đi rao giảng Nước Trời, là một trong những thể loại làm nên Tin mừng: Mt 4,18-22 (//Mc 1,16-20 ; Lc 5,1-11); Mt 10,1-16 (//Mc 3,16-19 ; 6,7.10-11.15-16; Lc 9,4-5 ; 10,5-6), v.v.

– Trình thuật về các sự kiện mang tính thần thiêng

Điểm chính yếu không phải là lời nói hay hành động uy dũng của Chúa Giêsu, nhưng là việc làm chứng về Ngài. Ví dụ tiếng nói từ trời ở cảnh Chúa Giêsu chịu Phép rửa (Mc 1,9-11); Hiển dung (Mc 9,2-8); câu chuyện Giáng sinh (Mt 1,18-23; Lc 1,11-20.26-37; 2,8-14); về ngôi mộ trống (Mt 28,1-15; Lc 24,1-12) v.v.

– Trình thuật về phép lạ[4]

Một trong những thể văn chiếm một chỗ lớn và quan trọng trong các Tin mừng, đó là trình thuật về phép lạ. Gần 1/3 sách Tin mừng Marcô được dành để diễn tả việc Chúa Giêsu chữa bệnh. Tin mừng Matthêu và Tin mừng Luca giữ lại hầu hết các phép lạ có trong Tin mừng Marcô và thêm những phép lạ khác. Gần 35 phép lạ được ghi lại trong các Tin mừng nhất lãm và 8 phép lạ trong Tin mừng Gioan[5].

Các mẩu chuyện về phép lạ trong Tân ước được chia thành 4 loại chính:

– Về chữa bệnh.

– Trừ quỷ.

– Quyền trên thiên nhiên.

– Làm cho kẻ chết sống lại.

– Trình thuật về thời thơ ấu: Mt 1-2; Lc 1-2

Trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin mừng Matthêu và Tin mừng Luca bắt nguồn từ thể loại kể về thời thơ ấu của một số nhân vật trong Cựu ước: chuyện Isaac (St 18; 21,1-7), Samson (Tl 13), Samuel (1 S 1-3). Truyền thống diễn giải (midrash) của Do Thái giáo thường quan tâm đến thời thơ ấu của những khuôn mặt lớn trong Israel để chứng minh cuộc đời và sứ mệnh của họ đã bắt đầu từ giai đoạn thơ ấu như thế nào.

Trong dòng diễn giải đó, trình thuật về thời thơ ấu cốt tại giới thiệu căn tính và sứ mệnh thần thiêng của Chúa Giêsu ngay từ đầu Tin mừng. Trình thuật về thời thơ ấu trước hết có mục đích Kitô học và đóng vai trò như “lời tựa” cho các sách Tin mừng, tức là “phác họa trước những đề tài thần học và Kitô học sẽ xuất hiện sau này trong sách Tin mừng”[6].

– Trình thuật về khổ nạn: Mt 26-28; Mc 14-16; Lc 22-24; Ga 18-21.

Trình thuật về khổ nạn cũng hình thành một thể văn riêng cấu tạo nên sự hình thành truyền thống của các Tin mừng. Trình thuật này gồm những sưu tập mang tính lịch sử, vừa có thêm những giải thích thần học và biểu tượng về chiều kích cứu chuộc của thập giá.

– Trình thuật về phục sinh[7]

Sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu đều được bốn tác giả Tin mừng kể lại với ngôn ngữ đặc biệt miêu tả kinh nghiệm của các người được chứng kiến việc Chúa Giêsu hiện ra. Kinh nghiệm này được tường thuật trong ba giai đoạn:

– Khám phá ngôi mộ trống vào sáng Phục sinh (Mt 28,1-8 //).

– Những lần hiện ra với các môn đệ (Mc 16,9-13 //).

– Những lần hiện ra với Nhóm Mười một (Mc 16,14-18//).

Những lần hiện ra của Chúa Giêsu được miêu tả với những hành động mang tính thần thiêng  đã sinh ra Kitô giáo và được tuyên xưng trong 1 Cr 15,4-5.

c. Dụ ngôn

Dụ ngôn (parabole[8]) được dùng để chỉ định thể loại văn chương với những hình ảnh ẩn dụ (metaphor) hay những lời nói ngụ ý (allegory) để ám chỉ đến thực tại muốn đề cập đến, ví dụ Mc 4,1-34. Những chi tiết ẩn dụ và ngụ ý làm nên dụ ngôn thường là những hình ảnh của cuộc sống thường nhật (hạt lúa, hạt cải, cành lá …). Sứ điệp của dụ ngôn thường diễn tả niềm vui và sự chắc chắn, của việc Nước Trời xuất hiện trong đó Thiên Chúa luôn quãng đại đối với con người, đồng thời gợi lên trong lòng con người biết đáp trả lại sự quãng đại của Thiên Chúa (Lc 18,3-8).

Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn với những hình ảnh ẩn dụ và những chi tiết ngụ ý để giảng về thực tại Nước Trời, ví dụ Mt 13 ; 18,23-35 ; 25,1-30.

2. Thể văn lịch sử (historiographie)

Cũng như Cựu ước, cụ thể trong các sách Lịch sử, hoặc những câu chuyện oai hùng như ơn gọi Abraham (St 12), vượt qua biển Sậy (Xh 14) …, Tân ước cũng có những tác phẩm thuộc thể văn lịch sử (historiographie) trong nghĩa những câu chuyện được cấu tạo mang tính lịch sử theo cái nhìn đương thời, dựa trên những dữ kiện của truyền thống để lại. Càng về sau, việc xử lý các nguồn tài liệu mang tính lịch sử và việc biên tập được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, cụ thể sách Công vụ Tông đồ[9].

Chúng ta có thể gọi ở đây là tác phẩm thuộc dạng lịch sử vì tác giả vận dụng nhiều phân loại văn chương khác để cấu tạo nên tác phẩm mang tính lịch sử của mình. Sách Công vụ chủ yếu bao gồm các câu chuyện và các diễn từ (bài giảng)[10]. Khác với tác phẩm dạng tiểu sử kể về cuộc đời và sứ mệnh của một nhân vật (thể loại tin mừng), tác phẩm dạng lịch sử đề cập đến lịch sử hoạt động của một nhóm hội một cộng đoàn. Ở đây sách Công vụ tường thuật lịch sử của hoạt động Kitô hữu tiên khởi[11].

3. Thư gửi

Thư là thể loại văn chương thường được sử dụng trong thế giới Hy-La như là phương tiện liên lạc của hai bên vắng mặt với mục đích cá nhân và hành chánh, cũng như để truyền đạt những tư tưởng triết lý lẫn tôn giáo. Thư là thể loại văn chương được sử dụng nhiều nhất bởi các tác giả Tân ước: 21 tác phẩm là thư trong số 27 tác phẩm Tân ước[12]. Ngoài các sách mang tựa là thư trong Tân ước, Công vụ và sách Khải huyền cũng chứa đựng những thư: Cv 15,23-29; Kh 1,4 – 3,22.

Thứ tự các thư xuất hiện trong Tân ước không phải là thứ tự thời gian được soạn tác. Chúng được sắp xếp theo thứ tự dài nhất đến ngắn nhất, trừ tường hợp thư gửi tín hữu Hipri[13]. Trong thư, thường xuất hiện rõ ràng tác giả và độc giả. Đại từ “tôi”, “chúng tôi”, “anh”, và “các anh” thường được sử dụng trong thể văn này.

Khuôn sườn căn bản của các thư Tân ước[14]:

– Công thức mở đầu: người gửi, địa chỉ, chào.

– Tạ ơn: thông thường với một lời cầu bầu.

– Phần chính:

+ Giới thiệu đề tài hay khai mở chính thức đề tì cho việc thảo luận tiếp theo (x. Pl 1,12: 1 Tx 2,1; Gl 1,11; vv).

+ Lời dạy dỗ mang tính giáo thuyết.

+ Lời khuyến khích mang tính đạo đức xử thế.

– Kết thúc: chào, tán tụng, chúc lành.

4. Văn chương Khải huyền[15]

Từ động từ apokaluptein, nghĩa là “vén màn”, “mặc khải”, khải huyền là thể loại văn chương nở rộ trong Do Thái giáo từ 150 tCN đến 100 CN. Đó là thể loại qua đó tác giả muốn chuyển tải kiến thức bí nhiệm của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Văn chương khải huyền có những đặc tính sau:

– Giả danh

Các sách khải huyền thường được gán cho các tổ phụ xa xưa và có thế giá: Henock, Môsê, Ezras, …

– Bí truyền và biểu tượng

Các nhân vật xa xưa này đóng ấn những mặc khải trong những cuốn sách bí mật. Những bí mật này được thông truyền cho những ai có thể hiểu ngôn ngữ bí truyền và đầy biểu tượng.

Ngôn ngữ biểu tượng là ngôn ngữ của “trong nhóm” hay “mật mã” mà chỉ có những người bị bách hại mà tác phẩm khải huyền gửi đến mới hiểu được, còn những kẻ bách hại không hiểu được.

– Bi quan, nhị nguyên và vượt tự nhiên

Sự dữ thống trị với bàn tay của những kẻ không tin. Họ bách hại các tín hữu. Từ đó, có sự chống đối giữa thế lực ma quỷ với cơ binh của Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng, nghị nguyên thuyết này sẽ nhường chỗ lại ho sự thống trị của một mình Thiên Chúa. Những người được thị kiến chiêm ngưỡng cảnh tượng an ủi sẽ xảy đến trong tương lai. Cảnh tượng đó hẳn làm dịu đi những thực tại cay đắng trong hiện tại. Thảm họa thiên nhiên xảy ra trước ngày cánh chung: chiến tranh, lửa, động đất, đói kém.

– Định mệnh thuyết

Mọi sự đều được tiền định. Chương trình của Thiên Chúa bị dừng lại từ khởi đầu. Không có sự may rủi. Cũng không có sự tự do cho con người.

Khải huyền là dòng văn làm nên sách Khải huyền của Tân ước. Tuy nhiên, ngoài sách Khải huyền, các tác giả trong Tân ước sử dụng dòng văn này ở một số đoạn: Mc 13; 1 Tx 4-5; Gđ 14-15.

KẾT LUẬN

Bất cứ một sản phẩm cơ khí nào đều có những khuôn đúc đã có sẵn, nhờ đó mà các kỹ thuật gian đúc đổ nên những bộ phận kết cấu thành một sản phẩm. Về mặt văn chương cũng vậy. Mọi tác phẩm ra đời đều có những “khuôn” định sẵn, nhờ đó các tác giả đúc đổ vào đó sứ điệp của mình. Có nhiều loại “khuôn” thể văn khác nhau nhờ đó tác giả đã vận dụng mà đúc đổ thành nhiều khúc đoạn và kết cấu thành một tác phẩm. Khi đọc một khúc đoạn trong Kinh Thánh, việc tìm hiểu khuôn mẫu thể văn của một khúc đoạn Kinh Thánh đó là rất cần thiết để chúng ta có thể hiểu được sứ điệp mà tác giả muốn và đã “đúc đổ”.

THƯ MỤC

A. TỪ ĐIỂN

1. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016,

2. Centre Informatique et Bible, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987.

B. DẪN NHẬP

1. Daniel Marguerat, Introduction au Nouveau Testament, son histoire, son ecriture, sa theologie, Labor et Fides, 2008.

2. Bernard PHẠM HỮU QUANG, Dẫn nhập Thánh Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2018.

3. Rolf Rendtorff, The Old Testament. An Introduction, Philadelphia: Fortress, 1991.

4. Robert, A. Feuillet, Introduction au Nouveau Testament, Desclée et Cie, Tournai, 1959.

C. CÁC SÁCH KHÁC

1. Millar Burows, What mean these stone? N.Y.: Meridian Books, 1957. Trích lại trong John L. Mc Kenzie, Dictionary of the Bible, N.Y.: Macmillan, 1976.

2. Daniel Marguerat Les Actes des Apôtres (1-12), trong bộ “Commentaire du Nouveau Testament Va”, Labor et Fides,

3. Olivier Millet, La Bible, coll. « Une histoire personnelle de la Bible”, PUF, 23/08/2017.

4. Louis Monloubou, Les Prophètes de l’Ancien Testament, trong « Cahiers Évangile », số 43, 01/04/1983, Paris, Cerf.

5. Marc Sevin, La Bible en 50 clés, Paris, Bayard, 2008.

6. Margareth Nutting Ralph, “And God said what?”An Introduction to Biblical Literary Forms for Bible Lovers, Mahwah, N.J.: Paulist Press, 1986.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Khuôn mẫu văn chương làm nên sách Công vụ Tông đồ đã tồn tại chủ yếu trong các Tin mừng.

[2] Bernard PHẠM HỮU QUANG, Dẫn nhập Thánh Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2018, tr. 95.

[3] X. Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr.750.

[4] Bernard PHẠM HỮU QUANG, Dẫn nhập Thánh Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2018, tr. 112-117.

[5] Vào thế kỷ thứ nhất, trong thế giới Hy Lạp, nhiều người tự xưng là người của thần minh (theos aner). Họ là “magus” những thầy langnhà pháp thuật. Nhiều người đến với họ để xin chữa bệnh, được chúc lành và đoán biết tương lai.

Thế giới Do Thái vào thời đó cũng có những loạt câu chuyện về những người làm phép lạ: Hasidim, Onias, Hanina ben Dosa.

Giữa các Kitô hữu tiên khởi, cũng có người làm phép lạ. Thầy phù thủy Simon (Cv 8,9-24); Các Tông đồ (Cv 5,12); Thánh Phaolô (2 Cr 12,12).

[6] Bernard PHẠM HỮU QUANG, ibid, tr. 106.

Trình thuật về thời thơ ấu không phải là bản tường thuật lịch sử về các biến cố thực sự hoàn toàn xảy ra trong nghĩa chúng ta hiểu hôm nay. Điều đó có nghĩa là “việc rao giảng về sự sinh hạ của Chúa Giêsu chưa được xem [cùng mức độ] trong cùng viễn cảnh cứu độ như sự chết và sự sống lại” (R. E. Brown, The Birth of Mesiah, Garden City, N.Y, Doubleday, 1977, tr. 28). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những câu chuyện đó không có những yếu tố lịch sử.

Chuyện trong Mt 1-2 và Lc 1-2 trình bày khác nhau về sự sinh hạ của Chúa Giêsu vì các tác giả có những cái nhìn thần học khác nhau.

[7] X. Dictionnaire encyclopédique de la Bible, tr. 1111.

[8] Tin mừng Nhất lãm dùng từ parabole. Gioan dùng từ paroimia (không dùng từ parabole) nhưng nội hàm giống nhau.

[9] Cf. Lc 1,1-4 ; Daniel Marguerat, Introduction au Nouveau Testament, son histoire, son ecriture, sa theologie, Labor et Fides, 2008, tr. 107.

[10] A. Robert, A. Feuillet, Introduction au Nouveau Testament, Desclée et Cie, Tournai, 1959, tr. 350-356.

Về diễn từ trong Công vụ, chúng ta có :

– 2,14-40 : Phêrô, bài giảng lễ Ngũ tuần.

– 3,12-26 : Phêrô, bài giảng ở cửa Salomon.

– 4,28-12 : Phêrô, bài giảng trước Thượng Hội đồng.

– 5,34-39 : Gamaliel, khuyên Thượng Hội đồng hãy cẩn thận.

– 7,1-53 : Têphanô

– 10,34-43 : Phêrô, ở nhà Cornêliô

– 11,5-17 : Phêrô, biện hộ ở Giêrusalem

– 13,16-41 : Phaolô ở Antiokia thuộc Pisidie

– 15,13-21 : Jacques au concile de Jérusalem

– 17,22-31 : Phaolô, trước hội đồng Arêôpagô

– 20,18-35 : Phaolô, cáo từ trước các kỳ mục Ephêsô

– 22,1-21 : Phaolô, biện hộ ở Giêrusalem

– 24,2-8 : Tertullus, kết án chống lại Phaolô

– 26,2-29 : Phaolô, biện hộ trước vua Agrippa

[11] Marguerat phân biệt thể văn thuộc dạng tiểu sử – tin mừng với thể văn thuộc dạng lịch sử – Công vụ Tông đồ, Daniel Marguerat Les Actes des Apôtres (1-12), trong bộ “Commentaire du Nouveau Testament Va”, Labor et Fides, 2007, tr. 24.

[12] Các sách trong Tân ước thường được gọi là thư gồm :

– 7 thư chắc chắn do thánh Phaolô viết một mình hay với cộng sự viên: Rm; 1 & 2 Cr ; Gl ; Pl ; 1 Tx ; Plm.

– Những thư mà việc xác định quyền tác giả là Phaolô đang gây tranh cãi: Cl; Ep; 2 Tx. Hoặc những thư không phải do Phaolô viết là 3 thư mục vụ 1 & 2 Tm; Tt và Hr.

– Ngoài các thư được gọi là của Phaolô, còn có 7 “thư chung” vì không đề gửi cho một cộng đoàn nào nhất định: Gc; 1 & 2 Pr; 1 & 2 & 3 Ga; Gđ.

[13] Thư Hipri và thư 1 Gioan thực ra không phải là một lá thư theo đúng nghĩa bởi vì không có chỉ định của người gửi cũng như người nhận, thiếu lời chúc dẫn nhập thường lệ của các thư. Đúng hơn, đây là một “bài giảng”.

[14] Bernard PHẠM HỮU QUANG, ibid. tr. 144-145.

[15] CIB, Dictionnaire encylopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr.89-90.

Theo một số học giả, văn chương khải huyền là một hình thức đặc biệt của dòng văn ngôn sứ, vì dòng văn này sử dụng rộng rãi những biểu tượng và những hình ảnh để tiên báo những tai họa tương lai. Chúng ta thấy thể loại này trong sách Đaniel chương 7 (các con thú), trong Êdêkiel chương 3 (cuộn sách), trong Dacaria chương 4 (chân đèn vàng) và trong sách Khải huyền chương 6 (bốn kỵ sĩ). x. Olivier Millet, La Bible, coll. « Une histoire personnelle de la Bible”, PUF, 23/08/2017, tr. 45-57.